Mục lục
Liên minh Trà sữa (Milk Tea Alliance)
28-2-2021
Giới hoạt động ở một số nước châu Á có một phong trào gọi là Milk Tea Alliance (Liên minh Trà sữa), chủ yếu là ở Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Myanmar, Philippines. Phong trào bén rễ từ phong trào chống Trung Quốc năm 2020 ở một số nước nhằm ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Hôm nay, 28/2, cũng là dịp tưởng niệm vụ thảm sát 228 ở Đài Loan năm 1947, khi Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bắt đầu chiến dịch đàn áp phong trào chống đối ở Đài Loan, với con số ước tính 20-30 nghìn người bản địa bị giết hại, xóa sổ một phần lớn giới trí thức Đài Loan vốn được sinh ra và lớn lên trong sự bảo hộ của Nhật Bản.
Ngày nay, dân chủ được cho là phần cốt yếu trong căn tính Đài Loan, giúp phân biệt Đài Loan với Trung Hoa độc tài.
Myanmar cũng đang cố thoát ra khỏi chủ nghĩa dân tộc dựa trên nòi giống (ethnic nationalism) để xây dựng chủ nghĩa dân tộc tự do (liberal nationalism). Việc trước đây người Miến kỳ thị người Rohingya, im lặng hoặc ủng hộ quân đội tàn sát sắc dân này, là chỉ dấu rất rõ về ethnic nationalism của Myanmar.
Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với bài toán tương tự trong tương lai khi có cơ hội tái định hình căn tính quốc gia của mình, dù hình thức và mức độ có thể khác Myanmar.
***
Đỗ Hùng: Đổ lỗi cho phương Tây thể hiện một tư duy cũ rích
Liên minh Trà sữa – phong trào dân chủ của người trẻ – từ Đài Loan, Hong Kong đã lan sang Thái Lan hồi giữa năm ngoái, giờ vừa kịp nhập cảnh Myanmar, Ấn Độ.
Sau khi họa sĩ Thái Lan Sina Wittayawiroj cho đăng tác phẩm đồ họa vào ngày 1.2.2021 – với cờ của Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong, Ấn Độ và Myanmar trên ly trà sữa, nó bèn nhận được sự hưởng ứng bão bùng.
Hương trà sữa và các biến thể của nó cũng xuất hiện trong làn sóng biểu tình ở Belarus và thoang thoảng ở Indonesia.
Trên mạng, người Myanmar đang chuyền tay nhau những tấm hình và thư ngỏ, có cả bản dịch ra tiếng Việt dù một số chỗ câu chữ còn chưa nhuần nhị nhưng ta đã bèn thấy trong đó một tinh thần sục sôi cháy bỏng.
Thậm chí người Myanmar còn nói rằng đấy là một mùa xuân cách mạng, như Mùa xuân Ả Rập đã từng.
Liên minh Trà sữa là tiếng nói của giới trẻ chống bạo quyền, chống độc tài. Và bởi độc tài có một mối quan hệ biện chứng với Trung Quốc, nên nó cũng chống Trung Quốc.
Từ đó, Bắc Kinh đã cố gán ghép rằng đây là một mưu đồ do Mỹ chống lưng.
Thực ra, đổ lỗi cho phương Tây thể hiện một tư duy cũ rích.
Với Liên minh Trà sữa, có thể Mỹ chống lưng thật nhưng phương Tây giờ đây, đối với người trẻ châu Á, không còn như trước nữa.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, vị thế châu Á không ngừng được nâng cao. Người châu Á trở nên tự tin hơn và từ đó, họ cũng ít nhìn về phương Tây với cái nhìn của một môn đồ hướng về người soi đường dẫn lối. (Bạn có thể thấy le lói điều đó một cách trực quan trong các trận bóng đá World Cup, hoặc các cầu thủ châu Á khoác áo đội bóng châu Âu).
Mặt khác, toàn cầu hóa không chỉ khiến người ta tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới quốc gia, nó còn thôi thúc người ta nhìn nhận lại giá trị của mình một cách sâu sắc hơn. Nó như thể một con người khi ở miền quê thì cứ luôn muốn hướng lên đô thị, nhưng sau khi đi cùng trời cuối đất, chợt thấy ra giá trị không thể thay thế của quê mình, của chính mình.
Cùng với đó, phong trào dân túy trỗi dậy, với biểu tượng nổi bật Donald Trump và những gì xấu xí vừa xảy ra tại Mỹ, lại một lần nữa cho thấy mặc dầu những giá trị dân chủ, nhân quyền của phương Tây là không thể phủ nhận, nhưng hiện thực phương Tây như những gì chúng ta đang chứng kiến đã không còn lung linh như trước.
Chính Barack Obama, sau bao chiêm nghiệm và cọ xát, đã nhận ra điều này ở những người châu Á trẻ tuổi. “Họ không còn coi phương Tây là trung tâm của thế giới, còn đất nước họ cứ phải luôn đóng vai phụ. Thay vào đó, họ coi bản thân họ ít nhất là bình đẳng với các cựu thực dân, giấc mơ của họ cho dân tộc giờ không còn bị đóng khung bởi địa lý hay chủng tộc”.
Các chính phủ ở châu Á cho rằng, công dân trẻ của mình bị thế lực thù địch phương Tây dắt mũi thì hoặc là quá coi thường, hoặc là cố tình vẽ ông kẹ./.
Tiếng Dân
“Liên Minh Trà Sữa”: Giới trẻ Châu Á ủng hộ phong trào chống đảo chính tại Miến Điện
Tình liên đới giữa giới trẻ châu Á với phong trào đấu tranh chống đảo chính tại Miến Điện, trong đó thành phần tiên phong là các thanh niên đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát, mà gần đây nhất là một bài viết trên nhật báo Pháp Le Monde ngày 16/03 mang tựa đề “‘Liên minh trà sữa’ hay tình đoàn kết của giới trẻ châu Á chống chủ nghĩa chuyên chế”.
Cũng vào ngày hôm đó, tại một số thành phố khác ở châu Á, từ Bangkok, đến Đài Bắc, Hồng Kông hay Melbourne, nhiều thanh niên cũng xuống đường với những khẩu hiệu gợi đến phong trào Liên Minh Trà Sữa để ủng hộ cuộc đấu tranh của người Miến Điện.
Từ đấu tranh trên mạng đến xuống đường phản đối
Điểm lý thú được Le Monde ghi nhận là thoạt đầu, phong trào gọi là Liên Minh Trà Sữa chỉ bắt nguồn từ một cuôc phản cộng trên internet bùng lên vào tháng Tư 2020 giữa các cư dân mạng Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan, chống lại các luận điệu dân tộc chủ nghĩa cực đoan đạo quân mạng hùng hổ của Trung Quốc, được chế độ Bắc Kinh hậu thuẫn. Tuy nhiên, mục tiêu đấu tranh của phong trào đã nhanh chóng biến thành chống chủ nghĩa độc tài nói chung.
Đề cập đến phong trào đấu tranh của giới trẻ Miến Điện hiện nay, Le Monde ghi nhận rằng khi chia sẻ trên mạng thông tin về các hành vi của chính quyền quân sự, nhiều thanh niên Miến Điện đã dùng đến hashtag #MilkTeaAlliance, tức “Liên Minh Trà Sữa”, tương tự như các thanh niên Thái Lan và Hồng Kông khi họ bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình ở Miến Điện, hay yêu cầu trả tự do cho các nhà đấu tranh của chính họ đang bị cầm tù.
Tại Đài Loan, từ những cư dân mạng bình thường cho đến các chính khách, thậm chí cả đại diện chính thức của chính quyền Đài Bắc tại Hoa Kỳ, tất cả đều nhắc đến “Liên Minh” khi bày tỏ lòng gắn bó vô điều kiện của hòn đảo với nền dân chủ, và khát vọng trở thành một tấm gương cần theo, trong bối cảnh dân chủ ở Châu Á ngày càng bị tấn công.
Trên các hình vẽ được giương cao trong các cuộc biểu tình hoặc được truyền đi trên mạng dưới tiêu đề MilkTeaAlliance, là những tách trà khác nhau tượng trưng cho cách uống khác nhau tuy theo địa phương, như với sữa ở Hồng Kông, với đá bào và trân châu ở Đài Loan, với đường ở Thái Lan, hoàn toàn khác biệt với các loại trà bình thường và khắc khổ mà cư dân Trung Quốc đại lục nhâm nhi trong ngày.
Tác giả bài báo dẫn lại giải thích của chuyên gia về Trung Quốc Chloé Froissart, thuộc Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (Inalco) tại Pháp nhân buổi hội thảo trực tuyến do Asialyst, trang web Pháp chuyên về châu Á tổ chức vào ngày 10 tháng 3: “Những loại trà sữa này có đặc thù của địa phương, nhưng ta tìm thấy trong phong trào này những giá trị chung: bảo vệ dân chủ, nhà nước pháp quyền, tự do, đấu tranh chống lại hành vi chiếm đoạt quyền lựa chọn vận mệnh của người dân”.
Chống độc tài, chuyên chế đồng nghĩa với chống Trung Quốc
Theo Le Monde, bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ chính là mẫu số chung liên kết giới trẻ dấn thân vào các cuộc đấu tranh chính trị của châu Á, để chống lại sự trở lại của các thể chế độc tài, sử dụng các công cụ mà Trung Quốc cung cấp, và không nhiều thì ít, cổ vũ cho lập luận chống lại các giá trị phổ quát đang thịnh hành ở Bắc Kinh.
Nhân tố Trung Quốc đã xuất hiện ngay khi Liên Minh Trà Sữa được hình thành. Thoạt đầu, đó là một sự liên kết giữa cư dân mạng tại Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan chống lại đạo quân tuyên truyền trên mạng Trung Quốc được chính đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok và báo dân tộc chủ nghĩa cực đoan Global Times tại Bắc Kinh ủng hộ.
Cuộc chiến trên mạng đã bùng lên vào tháng Tư năm 2020 khi một nam diễn viên Thái Lan ban đầu đã bị những người theo chủ nghĩa cực đoan Trung Quốc tấn công vì đã viết chữ “nước” dưới các bức ảnh chụp Đài Loan và Hồng Kông. Diễn viên này đã xin lỗi, nhưng sau đó đến lượt bạn gái người mẫu của anh bị tấn công vì đã tweet lại giả thuyết về nguồn gốc virus corona ở phòng thí nghiệm của Trung Quốc.
Được cư dân mạng Hồng Kông và Đài Loan ủng hộ, người Thái đã phản công bằng loạt phim hoạt hình và những lời chế giễu.
Theo Le Monde, việc Đài Loan và Hồng Kông nhập cuộc rất dễ hiểu vì cả hai nơi này đều bất bình với Bắc Kinh. Chính “Phong trào hoa hướng dương”, dẫn đến sự kiện giới trẻ Đài Loan chiếm đóng Quốc Hội trong ba tuần lễ hai tháng 3 và 4 năm 2014 để tố cáo các hiệp định thương mại với Trung Quốc của chính quyền thân Bắc Kinh lúc bấy giờ, đã truyền cảm hứng cho Phong Trào “Dù Vàng” vào tháng 9 cùng năm tại Hồng Kông.
Qua năm 2019, phong trào biểu tình rầm rộ của người Hồng Kông chống lại dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đã gây tiếng vang lớn ở Đài Loan, góp phần giúp tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử vào năm 2020. Và tổng thống Đài Loan sau đó đã đoạn tuyệt với những hủ tục trong quá khứ, sẵn sàng đón nhận người Hồng Kông bỏ trốn khỏi đặc khu hành chính Trung Quốc vì “lý do chính trị”.
Ở Thái Lan, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ thường xuyên cáo buộc quân đội cầm quyền có các cuộc đàm phán không rõ ràng và đáng ngờ với Trung Quốc – đặc biệt là việc mua tàu ngầm, được công bố vào năm 2015 và sau đó bị đình chỉ vào năm 2020 sau khi bị phản đối kịch liệt, cũng như việc xây dựng tuyến đường sắt.
Ở Miến Điện, Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu đả kích, thâm chí là tấn công của nhiều người biểu tình kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02, nhất là khi chế độ Bắc Kinh bị lên án về thái độ ủng hộ giới quân đội đảo chánh.
“Trà sữa” làm sao chống được súng đạn!
Đối với giới phân tích, giới trẻ châu Á đang thể hiện tình đoàn kết với những người cùng thế hệ ở Miến Điện, thông qua phong trào Liên Minh Trà Sữa, tố cáo cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện và kêu gọi tái lập nền dân chủ. Tuy nhiên hy vọng thành công không bao nhiêu trong một khu vực mà cho đến nay, nền dân chủ hầu như chưa bao giờ được tự do phát triển.
Về tình hình Miến Điện, ngày giới trẻ châu Á theo lời kêu gọi của Liên Minh Trà Sữa xuống đường phản đối đảo chính hôm 28/02 vừa qua, cũng là ngày mà chính quyền quân sự Miến Điện leo thang đàn áp, xả súng bắn vào người biểu tình khiến hàng chục người chết.
Đối với nhà báo Pháp Dorian Malovic, tác giả nhiều tập biên khảo về Châu Á và Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống độc tài của giới trẻ châu Á trong Liên Minh Trà Sữa rất đáng hoan nghênh, nhưng sẽ rất khó thành công.
Trả lời đài truyền hình Pháp France24 ngày 01/03 vừa qua, nhà báo Malovic cho rằng: “Nhìn vào tình hình Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện, ai cũng thấy rằng người lái xe là các thế lực chuyên chế”./.