Seite auswählen

Hình minh hoạ. Một phụ nữ bỏ phiếu ở Hà Nội hôm 22/5/2016 trong cuộc bầu cử Quốc hội.  AFP

“Phấn đấu số người ngoài đảng trúng cử vào Quốc hội khoá mới từ 25 đến 50, tức là chiếm từ 5 đến 10%” là điều mà bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ vào sáng 4/2.

Tuy vậy, Ban Tổ chức Trung ương Đảng vừa ra công văn về “Công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp”, yêu cầu Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ phải quán triệt thực hiện chỉ thị và kết luận của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong đó, điều 5 của công văn này ghi rõ “Đối với người ngoài Đảng ứng cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.”

Người “trong Đảng” đánh giá ứng viên “ngoài Đảng” là không công bằng

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, trong những năm quan trọng của MTTQ Việt Nam, cứ 5 năm một lần, họ thay mặt Đảng Cộng sản đứng ra tổ chức các Hội nghị hiệp thương của cuộc bầu cử Quốc hội, cũng như Hội đồng Nhân dân các cấp.

Ủy ban MTTQ Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên 90% là đảng viên Cộng sản. Đó không phải là một cơ quan độc lập trong việc đánh giá những ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Cho nên, khi để cho những người ở trong MTTQ đánh giá những ứng viên ngoài đảng về quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị thì hoàn toàn là không khách quan và không công bằng:

Theo Hiến pháp Việt Nam thì tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự ứng cử cũng như tham gia bầu cử của Quốc hội, mà ở đây đã gọi là công bằng thì không phân biệt giàu nghèo, thành phần giai cấp hay là phân biệt quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị, không phân biệt về tôn giáo.

Vậy, khi cơ quan của Đảng Cộng sản mà đánh giá những quan điểm độc lập hay quan điểm đối lập với Đảng Cộng sản để nhằm mục đích loại những ứng cử viên đó ra. Tức là họ chỉ chọn những ứng cử viên mặc dù không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản nhưng lại có những quan điểm và lập trường ủng hộ cho sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Hà, là người đã tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 nói rằng quy định này của Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhằm để loại các ứng viên độc lập có quan điểm khác với Đảng, chỉ để lại những người ngoài Đảng nhưng phải “phò Đảng”  mới được lọt vào danh sách ứng viên ĐBQH cuối cùng:

Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam có ba vòng hiệp thương. Vòng đầu tiên là vòng hồ sơ. Vòng thứ hai là hiệp thương tại nơi làm việc và nơi cư trú và vòng thứ ba là lựa chọn danh sách ứng cử viên cuối cùng.

Theo như tiêu chí của quy định mà bên Ban Tổ chức Trung ương đảng đưa ra như thế thì người ta sẽ loại bỏ ngay hồ sơ của những người ngoài Đảng mà họ cho là không đạt tiêu chuẩn ngay từ vòng nộp hồ sơ. Việc này sẽ làm tăng sự khó khăn cho các ứng cử viên độc lập ngoài Đảng.

Trong cái thông báo đó còn có chữ “tiêu chuẩn chính trị”, thì thế nào là đáp ứng đủ tiêu chuẩn chính trị?

Ở đây không phải là việc người ta có đáp ứng về chuyên môn hay những yêu cầu của một đại biểu Quốc hội hay không, mà đây là người ta có thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản hay không. Đó là một điều rất mơ hồ. Có nghĩa rằng đảng đang lọc ra những người có xu hướng thân với đảng và phò Đảng.”

Ứng viên độc lập không chịu sự kiểm soát của Đảng

Ông Trần Quốc Khánh, một công dân ở Hà Nội đã nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc Hội khoá 2021-2026, cho biết ông không quan tâm đến việc Đảng Cộng sản chỉ đạo như thế nào, bởi ông là ứng cử viên độc lập, chỉ làm việc dựa trên Hiến pháp và pháp luật  chứ không phải theo chỉ thị của Đảng:

Tôi trên phương châm là một công dân. Tôi không phụ thuộc vào bất cứ ai, chỉ phụ thuộc vào Hiến pháp quy định. Tức là công dân Việt Nam trên 21 tuổi cảm thấy có tâm và có tầm, có trách nhiệm thì đăng ký tham gia chứ tôi không quan tâm về các loại áp lực khác từ phía nhà cầm quyền, đến đâu thì chúng tôi sẽ lên tiếng giải quyết đến đấy.”

Ông Khánh cho rằng khả năng mình sẽ lọt vào danh sách cuối cùng để được bầu là không có. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định nộp hồ sơ ứng cử với hy vọng sẽ là “viên gạch lót đường” để thúc đẩy ngày càng nhiều người đòi hỏi quyền lợi chính đáng hơn:

“Với một tổ chức bầu cử theo nếp cũ như thế này thì khả năng chúng tôi sẽ bị loại thôi. Bởi vì người ta nói mà người bầu không quan trọng mà quan trọng là người kiểm phiếu.

Tranh cử được đến đâu thì được, tìm mọi cách vận động tranh cử thể hiện tinh thần dân chủ hoặc là một viên gạch lót đường để cho người dân Việt Nam những khóa tiếp theo phấn đấu để có quyền bình đẳng của mỗi công dân. Cho nhà cầm quyền họ cũng phải có sự thay đổi để có một cuộc bầu cử nghiêm túc, mang lại công bằng cho toàn dân, những người ứng cử cũng như những lá phiếu bầu cử phải chính đáng và có giá trị.”

Bầu cử Quốc hội không thể hiện ý chí nhân dân

Ngày 1/3, Báo Thanh Niên phỏng vấn ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, là cơ quan chủ trì hiệp thương, lựa chọn người ứng cử Quốc hội. Ông Hầu A Lềnh khẳng định tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ trước đến nay không cản trở những người tự ứng cử, vì đây là quyền của công dân.

Trái ngược lời ông Lềnh, ông Đình Hà cho biết, khi tự ứng cử hồi năm 2016, ông luôn bị các cơ quan chức năng gây khó dễ nhằm loại hồ sơ ngay từ vòng đầu:

Khi tôi tham gia ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016 thì hồ sơ của tôi đã bắt đầu bị gây khó khăn bằng việc Chính quyền cấp phường là nơi xác nhận vào bảng sơ yếu lý lịch của ứng viên Đại biểu Quốc hội đã phê vào đó những lời không tốt về tôi, và những lời đó hoàn toàn trái với quy định của pháp luật và trái với quy định của Ủy ban bầu cử hướng dẫn.

Pháp luật quy định rõ ràng rằng khi mà xác nhận vào sơ yếu lý lịch thì chỉ xác nhận là người đó có cư trú ở đó hay không mà thôi chứ không được quyền nhận xét về cá nhân, phẩm chất của người ta như thế nào.”

Cả hai ông Nguyễn Đình Hà và luật sư Nguyễn Văn Đài đều có cùng nhận định về kỳ bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là không hề có dân chủ, bởi tất cả các “ghế” trong Quốc hội đều đã được Đảng Cộng sản sắp xếp từ trước. Lá phiếu của người dân là vô nghĩa. Ông Đình Hà nói:

Thật sự thì cái tỷ lệ 5 đến 10% người ngoài đảng cũng không nói lên việc là Quốc hội Việt Nam có dân chủ hơn hay không. Bởi vì cơ chế hoạt động của nó thì cũng vẫn theo sự chỉ đạo đường lối của Đảng Cộng sản mà thôi.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài phân tích rằng ở các kỳ Hội nghị Trung ương 13, 14, 15 của nhiệm kỳ 12 vừa qua, cũng như là Đại hội toàn quốc lần thứ 13 vừa qua, các cơ quan của Đảng đã tiến hành sàng lọc và lựa chọn những người thuộc diện Trung ương để tham gia vào Quốc hội. Còn các cơ quan đảng ở địa phương sẽ lựa chọn những người ở cấp địa phương để tham gia vào Quốc hội.

Vậy cho nên tất cả 500 người sẽ trúng cử thành Đại biểu Quốc hội vào ngày 23/5 tới đây hoàn toàn không phụ thuộc vào lá phiếu của khoảng 60 triệu cử tri Việt Nam:

Cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là một hình thức nguỵ dân chủ mà thôi. Nó không phản ánh một cách khách quan trung thực rằng là lá phiếu của người dân sẽ đóng vai trò quyết định việc ai sẽ thành trúng cử vào đại biểu Quốc hội.

Tức là 60 triệu cử tri Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu nhưng những người trúng cử đã được quyết định từ trước rồi. Cái tỷ lệ 80% hay 90% hay 99% tỷ lệ phiếu bầu cũng đã được quyết định từ trước rồi và nó không phụ thuộc vào số phiếu của cử tri.

Cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 23/5 tới đây chỉ là hình thức nguỵ dân chủ, lừa dối người dân và tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của người dân vào một cuộc bầu cử hết sức là phi nghĩa. Người dân đi bỏ phiếu tức là người dân đã bị lừa và chúng ta không để bị lừa thì chúng ta nên tẩy chay cuộc bầu cử đó.”

Theo nội dung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, trong tổng số 500 đại biểu toàn quốc, số đại biểu các cơ quan Trung ương 207 người, và địa phương 293 người. Đến ngày 25/2, có 20 tỉnh đề nghị xem xét tăng số lượng đại biểu địa phương và giảm số lượng Trung ương gửi về.

Cao Nguyên,  RFA (02.03.2021)

 

 

Tác động trên gia đình nạn nhân của vi phạm nhân quyền

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc

Chi nhánh Hội đồng Nhân quyền

OHCHR- Palais Wilson

Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva

CH-1211 Geneva 10, Thụy Sĩ

RE: Yêu cầu để nạp một báo cáo 3000-chữ Tác động Nạn nhân để hỗ trợ cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 10 năm 2021 cho các vị trí tuyển dụng tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC)

Thứ Hai, ngày 1 tháng 3 năm 2021

Kính gửi Thẩm phán Nazhat Shameem Khan:

Ngày 22 tháng 2 năm 2021, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ ý định của chính phủ ông về việc xin gia nhập UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025.

Để minh họa về tác động lên gia đình của các vi phạm nhân quyền, mẹ của anh Phạm Chí Dũng – một nhà báo, người sáng lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, bị bắt vào ngày 21 tháng 11 năm 2019 vì việc viết báo, bị kết án 15 năm vào ngày 5 tháng 1 năm 2021 – đã viết 

“Với gia đình mình, đây là cái Tết thứ 2 thiếu vắng con trong cuộc sum họp, đoàn viên gia đình. Ba mẹ, các em, vợ, con của con buồn, đau tê tái khi nghĩ đến con trong hoàn cảnh nghiệt ngã hiện tại.”.

Chúng tôi muốn xin phép và xin hướng dẫn để nạp một báo cáo 3000-chữ Tác động Nạn nhân để hỗ trợ cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng vào tháng 10 năm 2021 cho các vị trí tuyển dụng tại UNHRC.

Khi làm báo cáo nầy, chúng tôi sẽ giới hạn trong các trường hợp được ghi lại bởi Nhóm Công tác Liên hợp quốc về Bắt giữ Tùy tiện; Báo cáo viên Đặc biệt trong lĩnh vực quyền văn hóa; Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp hòa bình và lập hội; và Báo cáo viên Đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền.

Chúng tôi xin cảm ơn Thẩm Phán dành cho thời gian, cân nhắc và trả lời cho yêu cầu của chúng tôi.

Trân trọng,

Phạm Đình Bá, thay mặt bạn bè của một tù nhân lương tâm, anh Lê Anh Hùng (kèm theo)

Đại học Toronto, Toronto, Ontario, Canada

Email: ba.pham@theta.utoronto.ca

Đính kèm: 1) Báo cáo liên lạc của Nhóm công tác về việc bắt giữ tùy tiện bốn nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: Ông Phạm Chí Dũng, Ông Nguyễn Tường Thụy, Ông Lê Hữu Minh Tuấn và Ông Lê Anh Hùng; và hai thành viên Nhà xuất bản Tự Do, bà Phạm Đoan Trang và ông Hồ Sỹ Quyết; 2) Danh sách bạn bè muốn trả tự do cho anh Lê Anh Hùng, và 3) danh sách các tòa đại sứ ở Việt Nam mà chúng tôi gởi lá thư nầy để xin họ hỗ trợ cho việc chúng tôi yêu cầu để nạp một báo cáo về Tác động Nạn nhân của vi phạm nhân quyền.

 

*****

Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights

Human Rights Council Branch  

OHCHR- Palais Wilson

United Nations Office at Geneva 

CH-1211 Geneva 10, Switzerland

RE: Request to submit a 3000-word Victim Impact Statement to support the General Assembly vote in October 2021 to fill vacancies at the United Nation Human Rights Council (UNHRC)

Monday March 1, 2021

Dear the Honourable Judge Nazhat Shameem Khan:

On February 22, 2021, Mr. Pham Binh Minh, the Deputy Prime Minister and Minister of Foreign Affairs of Vietnam expressed the intent of his government to apply for membership of the UNHRC for the term 2023-2025.

As an illustration, the mother of Pham Chi Dung – a journalist, a founder of the Independent Journalists Association of Viet Nam, arrested on 21 Nov. 2019 because of his writing, sentenced to 15 years on 5 Jan. 2021 – wrote “For my family, this is the second time we gather for the 2021 Lunar New Year’s Eve Celebration without my son. We are sad, and it is painful to think of him in the current dire situation.”

We would like to request permission and instructions to submit a 3000-word Victim Impact Statement to support the General Assembly vote in October 2021 to fill vacancies at the UNHRC. We will confine ourselves to cases documented by the UN Working Group on Arbitrary Detention; the Special Rapporteur in the field of cultural rights; the Special Rapporteur on the rights to freedom of peaceful assembly and of association; and the Special Rapporteur on the situation of human rights defenders.

We thank your Honourable for your time, your consideration and your reply to our query.

Sincerely yours,

Phạm Đình Bá, on behalf of the friends of a prisoner, Mr. Le Anh Hung (enclosed)

University of Toronto, Toronto, Ontario, Canada

Email: ba.pham@theta.utoronto.ca

Enclosed: 1) The Communication Report by the Working Group on Arbitrary Detention of four journalists affiliated with the Independent Journalists Association of Viet Nam: Mr. Pham Chi Dung, Mr. Nguyen Tuong Thuy, Mr. Le Huu Minh Tuan, and Mr. Le Anh Hung; and two members of the the Liberal Publishing House, Ms. Pham Doan Trang and Mr. Ho Sy Quyet; 2) List of friends who want the release of Mr. Le Anh Hung, and 3) the list of embassies we asked for their support of this request. 

VNTB (02.03.2021)

 

 

Kết thúc điều tra, luật sư vẫn chưa được tiếp cận hồ sơ của 2 nhà hoạt động về quyền đất đai

Ba nhà hoạt động vì quyền đất đai: (từ trái sang) – ông Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương và mẹ là Cấn Thị Thêu  FB Nhà Vườn Trịnh Bá Phương – Tư

Cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Hòa Bình vừa kết thúc điều tra đối với mẹ con hai nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư với cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Đình Mạnh – người bào chữa cho cả hai bị cáo cho hay, cho đến ngày 1 tháng 3, hồ sơ đã chuyển sang đến Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình nhưng luật sư vẫn chưa tiếp cận được hồ sơ và cả không được gặp thân chủ của mình. 

Luật sư Mạnh nói qua điện thoại như sau: 

Vụ của Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu ở Trịnh Hòa Bình đã kết thúc điều tra, có cáo trạng và hiện đã chuyển sang tòa án. 

Khi mà hồ sơ họ chuyển sang Viện kiểm sát thì họ không báo mình, khi mà làm hồ sơ (bào chữa) thì họ lại báo là hồ sơ bên Viện (kiểm sát) đã chuyển sang bên tòa cho nên anh phải sang bên Tòa để làm thủ tục lại từ đầu. 

Anh làm hồ sơ bên tòa từ giữa tuần vừa rồi, ngày thứ Tư. 

Thật ra theo quy định trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ thủ tục của luật sư đăng ký thì cơ quan pháp luật phải cấp giấy chứng nhận người bào chữa. 

Nhưng việc họ đúng giờ, đúng ngày theo quy định thì cũng hiếm hoi lắm cho nên việc chậm trễ như thế này rất là phổ biến, không có gì mới đâu!” 

Còn theo ông Trịnh Bá Khiêm là bố của anh Trịnh Bá Tư, gia đình hồi đầu tháng 2 nhận được một lá thư từ trại giam do chính anh Tư viết tiết lộ, khi bị bắt giữ vào ngày 24 tháng 6 năm 2020 anh đã tuyệt thực 20 ngày để phản đối việc bắt giữ. Lá thư có đoạn viết:

Khi bị bắt con tuyệt thực 20 ngày để phản đối cộng sản đàn áp dân, anh em tù đối xử tốt với con, mẹ con khỏe. Con và mẹ giữ quyền im lặng, sẽ chống án đến cùng.”

Hai người khác bị bắt giữ trong cùng một ngày là anh Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm nhưng hồ sơ hai người này do Công an thành phố Hà Nội phụ trách. Công an Hà Nội mới đây đã quyết định gia hạn điều tra lần thứ hai thêm 4 tháng nữa. 

Theo văn bản thông báo của Công an thành phố Hà Nội gửi đến luật sư Lê Đình Việt thì Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự và gia hạn tạm giam (lần thứ hai) với thời hạn từ ngày 18 tháng 2 năm 2021 đến ngày 18 tháng 6 năm 2021 đối với bà Nguyễn Thị Tâm. 

Ông Trịnh Bá Phương cũng bị gia hạn điều tra và tạm giam thêm 4 tháng nữa, theo như điều tra viên công an thành phố Hà Nội thông báo đến ông Trịnh Bá Khiêm. 

Trong ngày 24 tháng 6 năm 2020 có tổng cộng 5 người bị bắt giữ với cáo buộc tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước bao gồm ba mẹ con nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cùng với bà Nguyễn Thị Tâm. 

Đây là bốn người thường xuyên đưa tin tức về vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền ở Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, mà đỉnh điểm là việc công an tấn công vào xã Đồng Tâm hồi đầu năm ngoái khiến dư luận trong và ngoài nước chú ý. 

Một người khác cũng bị bắt giữ trong cùng ngày với cùng một tội danh ở Khánh Hòa là bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy. Cho đến hiện tại vẫn chưa có thông tin gì về bà này. 

RFA (01.03.2021)

 

 

Công đoàn độc lập vẫn còn là giấc mộng dài

 Trần Nguyệt

 

Là ngộ nhận khi cho rằng Bộ luật Lao động của Việt Nam đã chấp nhận về quyền tự do công đoàn.

 

Trong một bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo có dẫn lời của luật gia Nguyễn Thu Trang, rằng, “cho đến nay vẫn chưa có quy định về tổ chức của người lao động một cách chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thực hiện quyền của mình, được quy định tại Chương 13, Bộ luật Lao động 2019” (xem toàn bài viết tại *).

Cá nhân tôi cho rằng sẽ là ngộ nhận nếu ai đó nghĩ là Bộ luật Lao động của Việt Nam đã chấp nhận về quyền tự do công đoàn.

Tiếp theo đây là các bàn luận chi tiết.

Bộ luật Lao động năm 2019 có 01 chương riêng về “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”, Chương 13. Chương này đã thay thế cho chương quy định về công đoàn trong Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó cho phép người lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình, các tổ chức đại diện này có thể ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tổ chức này cũng đảm nhận chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế – xã hội, quản lý nhà nước và tổ chức, giáo dục, vận động người lao động.

Về khái niệm tổ chức đại diện người lao động

Theo Khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019: “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

Bộ luật Lao động năm 2019 đưa ra khái niệm về tổ chức đại diện người lao động trên cơ sở xác định cách thức thành lập và mục đích hoạt động của tổ chức này.

Theo đó, tổ chức đại diện người lao động được hình thành dựa trên cơ sở sự tự nguyện của những người lao động trong cùng một đơn vị sử dụng lao động, sự tự nguyện này được hiểu là sự tự do ý chí của người lao động khi tham gia, thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện người lao động.

Hoạt động của tổ chức đại diện người lao động phải nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đây là chức năng chủ yếu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Tổ chức đại diện người lao động thực hiện chức năng bảo vệ người lao động thông qua con đường chủ yếu là thương lượng tập thể, bên cạnh đó có thể sử dụng các hình thức nếu được pháp luật cho phép hoặc thừa nhận.

Tổ chức đại diện người lao động có thể tồn tại dưới hai hình thức: Công đoàn và loại hình khác với tên gọi là tổ chức của người lao động.

Công đoàn là tổ chức trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là loại hình tổ chức đại diện cho người lao động đã và đang tồn tại ở Việt Nam và là tổ chức duy nhất được coi là tổ chức đại diện cho người lao động cho đến nay.

Từ 01/01/2021, pháp luật thừa nhận thêm một loại hình tổ chức đại diện cho người lao động đó là tổ chức của người lao động. Như vậy, tổ chức của người lao động ở đây được hiểu là các tổ chức đại diện cho người lao động khác so với tổ chức công đoàn.

Quy định này đã mở rộng hơn quyền tự do liên kết của người lao động trong quan hệ lao động, theo đó, thay vì chỉ được lựa chọn gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn như hiện nay thì từ năm 2021, pháp luật cho phép người lao động trong doanh nghiệp được quyền lựa chọn thành lập, gia nhập vào tổ chức công đoàn hoặc một tổ chức của người lao động khác.

Về chức năng, nhiệm vụ

Theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Lao động năm 2019, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thực hiện các chức năng: Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động; đối thoại tại nơi làm việc để trao đổi thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động; tham khảo ý kiến, xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình; đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền; tổ chức và lãnh đạo đình công.

Ngoài ra thì tổ chức đại diện người lao động còn có chức năng tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký…

Thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019 có hai loại hình tổ chức đại diện đó là tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Người lao động có quyền được thành lập, gia nhập, tham gia hoạt động tại cả hai loại hình tổ chức trên.

Khi tham gia vào tổ chức công đoàn thì người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động tại tổ chức công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Theo đó, người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; về trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn sẽ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Khi tham gia vào tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được coi là thành lập và hoạt động hợp pháp khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký; đồng thời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự chủ, minh bạch.

Cả hai loại hình tổ chức đại diện là tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Về cơ cấu tổ chức

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định có hai loại hình tổ chức đại diện đó là tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức của tổ chức công đoàn được xác định theo Luật Công đoàn năm 2012.

Cơ cấu tổ chức của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp được quy định trong điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Theo đó, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp sẽ bao gồm: Ban lãnh đạo và thành viên. Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu.

Trong điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải nêu rõ nhiệm kỳ, người đại diện của tổ chức. Do nằm ngoài hệ thống Liên đoàn Lao động Việt Nam nên tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp sẽ không chịu sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Việt Nam trừ trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012.

Như vậy, khi Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, người lao động sẽ chính thức được thành lập các tổ chức đại diện cho mình, thay vì chỉ được lựa chọn tham gia vào tổ chức công đoàn như lâu nay.

Đây là điểm mới quan trọng trong Bộ luật Lao động năm 2019, thể hiện việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết.

Thực tế thì sao?

Thứ nhất, Bộ luật Lao động năm 2019 mới chỉ đề cập đến tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở (Chương 13) mà chưa đề cập đến tổ chức đại diện của người lao động ở các phạm vi lớn hơn như phạm vi nhóm doanh nghiệp hay phạm vi ngành. Điều đó đồng nghĩa với việc người lao động chỉ được quyền tự do thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở mà không có quyền liên kết lại với nhau để mở rộng quy mô tổ chức của mình.

Thứ hai, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (khoản 3 Điều 3).

Với quy định này, thì các tổ chức của người lao động chỉ được phép thành lập trong phạm vi doanh nghiệp bao gồm các loại hình doanh nghiệp sau: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh (theo Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Trong khi đó, quan hệ lao động được hình thành trên cơ sở hợp đồng lao động được xác lập giữa người lao động với người sử dụng lao động; người sử dụng lao động ở đây bao gồm doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận (theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019).

Như vậy, ngoài doanh nghiệp thì quan hệ lao động còn có thể được xác lập trong các tổ chức kinh tế khác như: Hợp tác xã, hộ gia đình, nên việc quy định người lao động chỉ được thành lập tổ chức đại diện ngoài công đoàn trong phạm vi doanh nghiệp là chưa phù hợp.

Thứ ba, các quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 vẫn mới mang tính định khung, chưa có quy định cụ thể, chi tiết để triển khai trong thực tế. Các quy định về tổ chức đại diện người lao động có liên quan đến nhiều các luật khác nhau nên nếu không được quy định cụ thể và đồng bộ thì sẽ có sự chồng chéo dẫn đến việc giảm hiệu quả trong quá trình thực hiện.

VNTB (01.03.2021)

 

 

Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhằm ‘đấu tranh với việc lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác’

Sau khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tuyên bố Việt Nam sẽ tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, ông Trần Chí Thành – Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao giải thích, quyết định này nhằm giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia từ sớm thông qua việc chủ động đấu tranh với những hành vi lợi dụng nhân quyền nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Trang Báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam có bài phỏng vấn ông Thành hôm 25/2 cho biết, việc lần thứ hai Việt Nam ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ mang ý nghĩa cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường vị thế, uy tín đất nước.

“Qua đó chúng ta chủ động đấu tranh với những hành vi lợi dụng hoạt động quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong đó có thể có Việt Nam. Đó cũng là cách chúng ta bảo vệ lợi ích của đất nước từ sớm.”, ông Trần Chí Thành nêu quan điểm.

Nhận thức sai lệch về nhân quyền

Phát biểu của ông Trần Chí Thành không là cá biệt mà là nhận thức chung của giới chức Hà Nội. Dù Việt Nam đã tham gia nhiều cơ chế nhân quyền quốc tế nhưng họ vẫn coi nhân quyền như là ‘công việc nội bộ’ của quốc gia.

Khi tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, giới cầm quyền Hà Nội thường hướng đến việc đấu tranh với ‘thế lực thù địch xuyên tạc về nhân quyền Việt Nam” và ‘lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác’.

Từ nhận thức đó, thay vì nỗ lực thực thi các cam kết thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam theo chuẩn mực thế giới, thì nhà cầm quyền Hà Nội thường phản bác lại các tiêu chuẩn này. Chẳng hạn, các chuyên gia nhân quyền LHQ lên án chính quyền Việt Nam bắt giữ các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền là vi phạm luật nhân quyền quốc tế, thì chính quyền Việt Nam luôn phản bác rằng những người này đã “vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Thành ra việc tham gia các cơ chế nhân quyền quốc tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chỉ nhằm chống lại điều mà Hà Nội gọi là ‘thế lực thù địch xuyên tạc tình hình nhân quyền’, nhằm mục đích tuyên truyền chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cầm quyền, chứ không thể tạo ra một môi trường tôn trọng và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam theo chuẩn mực thế giới.

Áo cà sa không làm nên thầy tu

Hội đồng Nhân quyền là một diễn đàn đa phương quan trọng dành cho việc thúc đẩy các nỗ lực nhân quyền quốc tế và đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các vi phạm và lạm dụng nhân quyền trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các thách thức tại Hội đồng Nhân quyền vẫn còn là vấn đề đáng quan ngại, nổi trội nhất là quy tắc cho phép các quốc gia thành viên có hồ sơ nhân quyền tồi tệ chiếm ghế mà họ không xứng đáng.

Với thể thức bầu cử thành viên Hội đồng Nhân quyền bằng cách phân bổ số lượng thành viên theo khu vực địa lý, thiếu tính cạnh tranh, đã mang lại cơ hội cho các quốc gia độc tài toàn trị như Nga, Trung Quốc, Cu ba và cả Việt Nam, dễ dàng được ngồi vào chiếc ghế thành viên Hội đồng.

Vì vậy, việc trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền không có nghĩa là quốc gia này có thành tích nhân quyền tốt, vượt trội so với các quốc gia khác, mà chỉ chứng tỏ rằng quốc gia đó ‘có quan tâm đến nhân quyền’.

Giống như một thầy tu, dù tâm địa có tốt hay xấu, cũng đều khoác lên mình chiếc áo cà sa cho hợp nhãn thiên hạ. Một chính phủ muốn che đậy cho các hành vi đàn áp nhân quyền, ngồi vào chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng là một cách tốt nhất để bao biện và che mắt trước cộng đồng quốc tế.

Việt Nam có xứng đáng?

Theo Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ quy định rằng các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và hợp tác đầy đủ với các cơ chế của Hội đồng. Nghị quyết này xác định thêm rằng, khi bỏ phiếu, các quốc gia thành viên nên xem xét những đóng góp của các ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, cũng như những cam kết của họ.

Xét theo các tiêu chí này thì rõ ràng Việt Nam là một ứng cử viên không phù hợp để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền vì không đáp ứng được ‘tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền’, cũng như không thực hiện đầy đủ các cam kết cải thiện nhân quyền của họ.

Như vào đầu năm nay, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) đã tố cáo Việt Nam đàn áp ngày càng gia tăng đối với quyền tự do ngôn luận, qua việc bắt giữ 3 nhà báo là ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn đến từ Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Người phát ngôn của OHCHR, bà Shamdasani nhận định về vụ việc: “Việt Nam sử dụng luật được định nghĩa mơ hồ để bắt giữ người một cách tùy tiện là vi phạm Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị về quyền biểu đạt ​​và quyền tự do ngôn luận”. Bà kêu gọi Việt Nam sửa đổi và bổ sung các điều khoản của Bộ luật Hình sự phù hợp với các nghĩa vụ của thành viên theo Công ước.  

Các cam kết về cải thiện nhân quyền của Việt Nam tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) liên quan đến các quyền dân sự và chính trị vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Đặc biệt, có những khuyến nghị Việt Nam đã chấp nhận như ‘các hạn chế về quyền tự do biểu đạt, và đặc biệt là tự do trực tuyến, được dỡ bỏ để phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật pháp quốc tế’ (khuyến nghị số 184 Ireland) thì được Việt Nam thi hành ngược lại thông qua việc gia tăng xử lý các trường hợp theo Luật An ninh mạng và Nghị định 72.

 ‘Đấu tranh nhân quyền’ đối với giới cầm quyền Hà Nội có nghĩa là leo cao, chui sâu vào các tổ chức nhân quyền quốc tế nhằm có cơ hội lên tiếng chống chế, thao túng và che đậy trước các cáo buộc đàn áp nhân quyền.

minh-luat’s blog (28.02.2021)

  

Con trai ông Lê Đình Kình muốn kêu oan nhưng không được

Mười ngày trước phiên xử phúc thẩm vụ “chống đối ở Đồng Tâm,” một trong các luật sư bào chữa cho sáu người kháng cáo, tiết lộ trên mạng xã hội rằng ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình, muốn kêu oan nhưng không được.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi Tháng Chín, 2020, ông Công cùng với em trai, ông Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình với cáo buộc “Giết người.”

Ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình, bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ án Đồng Tâm. (Hình: Việt Trung/Lao Động)

Vụ tấn công võ trang của nhà cầm quyền CSVN diễn ra ở Đồng Tâm hôm 9 Tháng Giêng, 2020, khiến ông Lê Đình Kình bị bắn chết với rất nhiều vết đạn trên người trong lúc ba viên công an được ghi nhận thiệt mạng nhưng công luận “không rõ nguyên do thật sự.”

Luật sư Phạm Lệ Quyên, trong nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo, cho biết trên trang cá nhân: “Ông Công kháng cáo kêu oan nhưng nội dung đơn được viết với nội dung kháng cáo là ‘giảm nhẹ hình phạt.’ Vì bị cáo được giải thích là phải viết đơn kháng cáo theo mẫu chung của trại tạm giam. Ông Công cho hay đã phải viết tới bốn lần đơn kháng cáo.”

Luật sư Quyên cũng thuật lại lời ông Công trong buổi gặp tại trại giam: “Tôi luôn tin tưởng các luật sư đã bào chữa cho tôi và tôi sẽ giữ nguyên quan điểm của mình. Tôi có tội, nhưng chỉ là tội ‘Chống người thi hành công vụ,’ tôi không chỉ đạo ai và phân công ai cũng như bàn bạc với ai. Mọi người đều đến để bảo vệ bố tôi là cụ Kình. Tôi mong rằng các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét kỹ lưỡng và đúng pháp luật.”

Cũng theo nữ Luật sư, ông Công “bật khóc, nghẹn lời” khi nghe những lời nhắn của gia đình muốn ông “giữ vững tinh thần mạnh mẽ đến cùng” trong phiên tòa diễn ra hôm 8 Tháng Ba.

“Nhưng cảm xúc bao ngày kìm nén trong chốn lao tù, cảm xúc kìm nén sau những biến cố xảy với cả gia đình, những tang thương ập đến làm đảo lộn tất cả, những nỗi đau sự mất mát đã xảy ra với gia đình ông: Bố chết, hai anh em bị kết án tử, một con trai bị kết án chung thân, một con trai bị kết án 6 năm tù, thì làm sao ông có thể ngăn được cảm xúc đó,” theo Facebook Luật sư Lệ Quyên.

Trong một diễn biến khác, Luật sư Ngô Anh Tuấn, cũng thuộc nhóm luật sư bào chữa vụ án nêu trên, cho biết trên trang cá nhân rằng ông không được giấy triệu tập tham dự phiên tòa phúc thẩm.

“Không biết số tôi nhọ hay tại tôi ‘lắm mồm’ nên người ta cố tình chơi khăm tôi? Chỉ biết rằng, nếu không nhận được giấy triệu tập thì chắc chắn tôi sẽ không tới tham dự phiên tòa dù trong thông báo mở phiên tòa có ghi tên tôi,” Luật Sư Tuấn viết trên trang cá nhân.

Vị luật sư này từng là người tường thuật trên trang Facebook Tuan Ngo về chi tiết diễn biến mỗi ngày xử trong phiên sơ thẩm.

Giới xã hội dân sự đến viếng mộ ông Lê Đình Kình nhân ngày giỗ đầu của ông. (Hình: Facebook Đặng Bích Phượng)

Sau khi vụ tấn công diễn ra, bà quả phụ Dư Thị Thành, vợ ông Kình, từng làm đơn tố cáo công an giết người, cướp tài sản khi tấn công xã Đồng Tâm. Dân Đồng Tâm là nạn nhân của một vụ cướp của giết người, thủ phạm là nhà cầm quyền, thì bị biến thành thủ phạm của vụ chống đối để bị áp đặt các bản án bất công với án nặng nhất đến tử hình.

Vụ đàn áp đêm 9 Tháng Giêng, 2020, làm rúng rộng dư luận trong và ngoài nước, nhà văn Nguyên Ngọc phải kêu lên là một tội ác “trời không dung, đất không tha.”

N.H.K.

 Người Việt (27.02.2021)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen