• Jonathan Marcus
  • Phóng viên Ngoại giao

File photo of then-VP Joe Biden with Xi JinpingREUTERS

Buổi họp của quan chức cấp cao trong chính quyền Biden và những người đồng cấp Trung Quốc đánh dấu cơ hội mặt đối mặt đầu tiên, để đánh giá mối quan hệ giữa hai cường quốc quan trọng nhất trên toàn cầu.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan của Mỹ sẽ gặp nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Alaska hôm thứ Năm.

Đội ngũ của Biden không mang ảo tưởng nào về cuộc gặp mặt này.

Trước cuộc họp, ông Blinken lưu ý rằng đây “không phải là một đối thoại chiến lược” và “vào thời điểm này không có ý định sẽ có một loạt cuộc gặp sau đó”.

“Những cuộc gặp sau này”, ông lưu ý, “nếu có, phải thực sự dựa trên đề xuất rằng, chúng tôi đang thấy rõ có sự tiến bộ và kết quả cụ thể về các vấn đề mà Mỹ quan tâm về Trung Quốc.”

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều năm và có vẻ sẽ còn trở nên tồi tệ hơn.

Trước khi được bổ nhiệm, ông Sullivan, đồng tác giả một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs với cố vấn hàng đầu châu Á của ông Biden – Kurt Campbell – thẳng thừng tuyên bố rằng “kỷ nguyên giao tiếp với Trung Quốc đã kết thúc một cách không hài hòa”.

Quan hệ Mỹ-Trung thường được mô tả như một “Chiến tranh Lạnh” mới, ám chỉ sự thù địch kéo dài nhiều thế hệ giữa Mỹ và Liên Xô đã phủ bóng đen lên nửa sau của Thế kỷ 20.

Cách quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh được mô tả như thế nào rất quan trọng.

Mô tả ấy giúp xác định các loại câu hỏi mà chúng ta đặt ra, câu trả lời chúng ta nhận được, cũng như thiết lập tham số cho những lựa chọn chính sách, vạch ra cho chúng ta một số đường đi và có thể chặn những con đường khác.

Một số người cho rằng nêu ra những tương đồng của lịch sử có ích trong việc làm rõ các lựa chọn, bối cảnh và tình huống khó xử. Nhưng người khác cho rằng điều đó có thể phản tác dụng. Lịch sử không lặp lại như vậy, và sự khác biệt có thể lớn hơn sự tương đồng.

Nếu bằng cụm từ “Chiến tranh Lạnh”, người ta muốn nói đến tranh chấp vĩ đại liên quan đến tất cả các khía cạnh của quyền lực quốc gia, giữa hai hệ thống chính trị không tương đồng, thì rõ ràng sự kình địch Mỹ-Trung có âm hưởng của cuộc đối đầu Hoa Kỳ-Liên Xô.

JFK with Krushchev in 1961GETTY IMAGES Tổng thống John F Kennedy với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev năm 1961

Như chiến lược chính sách đối ngoại tạm thời của Chính quyền Biden được công bố đầu tháng này viết, một Trung Quốc “quả quyết” hơn “là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ của mình để tạo ra thách thức lâu dài với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở.”

Thách thức Trung Quốc khi nào cần thiết và hợp tác ở những lãnh vực có thể là câu thần chú trong Nhà Trắng của Biden.

Về phía mình, Trung Quốc cũng có lập trường tương tự, thể hiện mong muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng, trong khi tiếp tục củng cố lợi ích của mình – như đàn áp phản dân chủ ở Hong Kong và sự bạc đãi không xấu hổ với người thiểu số người Duy Ngô Nhĩ – Uighur (hành động mà ông Blinken mô tả là “diệt chủng”).

Bắc Kinh hiếm khi bỏ lỡ cơ hội vạch ra những tệ hại trong hệ thống của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã tận dụng việc xử lý tệ hại đại dịch Covid-19 trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump và cuộc tấn công vào Điện Capitol Hoa Kỳ, để lập luận là mô hình kinh tế và xã hội của mình ưu việt hơn.

Vì vậy, về bề ngoài có thể cái tên “Chiến tranh Lạnh” có vẻ phù hợp, nhưng cách mô tả này thực sự hữu ích như thế nào?

Trong Chiến tranh Lạnh nguyên thủy, Liên Xô và đồng minh phần lớn bị cô lập khỏi nền kinh tế thế giới và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về xuất khẩu. Hoàn toàn trái ngược, Trung Quốc là tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu, và kinh tế của nước này hội nhập sâu rộng với kinh tế của Mỹ.

Trong khi Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô có một khía cạnh công nghệ quan trọng – chủ yếu trong hai lãnh vực vũ khí và cuộc chạy đua không gian – thì sự cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến nhiều công nghệ thiết yếu đang và sẽ thúc đẩy xã hội của chúng ta trong tương lai, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và 5G.

Bối cảnh toàn cầu cũng khác nhau.

Trong Chiến tranh Lạnh, thế giới bị chia thành hai phe tĩnh, cộng với một khối không liên kết đáng kể (mà phương Tây thường coi là ủng hộ Liên Xô). Ngày nay chúng ta cơ bản có một thế giới đa cực, nhưng một thế giới mà trong đó các thể chế của trật tự thế giới tự do đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Điều này cho Trung Quốc lợi thế trong việc tìm cách áp đặt thế giới quan của riêng mình.

Nhưng mô hình Chiến tranh Lạnh nguy hiểm sâu sắc về một khía cạnh cơ bản.

Huawei shop with people walking in front of it

Chiến tranh Lạnh là cuộc đấu tranh chính trị có tổng số bằng không mà mỗi bên phủ nhận tính hợp pháp của bên kia.

Trong khi giữa Mỹ và Liên Xô hiếm khi xảy ra xung đột, nhiều người trên thế giới đã thiệt mạng vì hệ lụy của xung đột này. Xét đến cùng, một bên đã thực sự bị đánh bại – hệ thống Xô Viết đã bị lịch sử cuốn đi. Và nhiều người lo ngại rằng cách đánh giá sự đối địch rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc về mặt ý thức hệ này có thể dẫn đến những tính toán sai lầm cho cả hai bên, và đặc biệt là khiến cho Bắc Kinh có thêm động cơ phải dùng đến những biện pháp thảm khốc để tránh một thất bại có thể xảy ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là Liên Xô. Trung Quốc mạnh hơn Liên Xô nhiều. Vào thời huy hoàng nhất, GDP của Liên Xô bằng khoảng 40% của Mỹ. Trung Quốc sẽ có GDP tương đương với Hoa Kỳ trong vòng một thập niên. Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì mà Hoa Kỳ từng phải đối mặt kể từ thế kỷ 19. Và đó là một mối quan hệ sẽ phải được quản lý chặt chẽ trong nhiều thập kỷ niên tới.

Đây là sự cạnh tranh thiết yếu của thời đại chúng ta. Những ngôn từ lịch sử sáo rỗng và sai lệch phải bị gạt qua một bên. Đây không phải là “Chiến tranh Lạnh, dấu ấn thứ II” – nó thật ra là một điều nguy hiểm hơn nhiều. Trung Quốc là một đối thủ ngang hàng của Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Và mặc dù chưa phải là một siêu cường toàn cầu, nhưng Trung Quốc đang là đối thủ quân sự của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng nhất với an ninh của chính Trung Quốc.

”Vấn đề Trung Quốc” của Tổng thống Biden rất phức tạp. Các mục tiêu chính sách đối ngoại của ông thúc đẩy các cách tiếp cận mâu thuẫn với Bắc Kinh.

Làm thế nào để bạn vừa thúc ép Trung Quốc có những chính sách thương mại công bằng hơn, hay thúc đẩy Trung Quốc về dân chủ hoặc về nhân quyền, trong khi vẫn hy vọng hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đảm bảo ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương? Tất cả sẽ tùy thuộc vào quản lý cạnh tranh chiến lược.

Nhưng trong khi bản chất của cuộc cạnh tranh không nên bị coi thường, nó cũng không nên bị phóng đại.

Những khuôn sáo lười biếng tả một Trung Quốc đang trỗi dậy và một Hoa Kỳ đang suy tàn – giống như mọi khuôn sáo khác – đều chứa một phần sự thật. Nhưng nó không kể toàn bộ câu chuyện.

Liệu Hoa Kỳ có thể phục hồi sau sự hỗn loạn của chủ nghĩa Trump, và vực dậy nền dân chủ của chính mình? Liệu Washington có thể thuyết phục đồng minh rằng Mỹ vĩnh viễn trở lại với tư cách là một người tham dự đáng tin cậy trên trường thế giới? Và liệu Mỹ có thể nhanh chóng mở rộng cơ sở giáo dục và công nghệ của mình không?

Bắc Kinh, trong nhiều lãnh vực, đã nắm lợi thế trước Washington. Nhưng liệu khuynh hướng độc đoán của nó có cản trở sự phát triển kinh tế của Trung Quốc không? Liệu Trung Quốc có thể đối phó với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và dân số già đi? Và liệu Đảng Cộng sản có thể giữ được lòng trung thành và sự ủng hộ của xã hội Trung Quốc trong dài hạn?

Trung Quốc có nhiều thế mạnh nhưng cũng không ít lỗ hổng. Mỹ có những điểm yếu lớn nhưng cũng có sự năng động và khả năng tự tái tạo đáng kể. Nhưng như đại dịch Covid-19 đã chứng minh một cách rõ ràng, những gì xảy ra ở Trung Quốc không nằm ở Trung Quốc. Trung Quốc là một cường quốc tầm cỡ quan trọng đối với tất cả chúng ta.

Thắt dây an toàn! Nó sẽ là một chuyến đi gập ghềnh. Và hành trình chỉ mới bắt đầu./.

BBC

Bản gốc tiếng Anh: 

US-China relations: Beyond the ‘Cold War’ cliche