Seite auswählen

14/03/2021

Năm 2020 tiếp tục đánh dấu sự thành công ngoạn mục của những nhà văn Mỹ gốc Việt. Đình đám nhất có lẽ là sự kiện nhà văn Nguyễn Thanh Việt được bầu chọn vào hội đồng giám khảo giải thưởng Pulitzer tháng 9.2020. Không chỉ là người gốc Việt đầu tiên, giáo sư Nguyễn Thanh Việt còn là người Mỹ gốc Á duy nhất từ trước đến nay tham gia chấm giải Pulitzer – một trong những giải thưởng uy tín nhất của Mỹ và thế giới, được trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí và văn học.

Dù vậy, Nguyễn Thanh Việt không là nhà văn gốc Việt nổi bật duy nhất. Xuyên suốt thập kỷ vừa qua, nhiều cây bút gốc Việt vừa đóng góp rất lớn cho dòng chảy của nền văn học viết bằng tiếng Anh, vừa giúp định hình dòng chảy đó. Không xa lạ với bạn đọc quốc tế là những cái tên như Ocean Vương, Thi Bùi, Bảo Phi, Phúc Trần, Monique Trương, Lan Cao, Lan Dương, Mộng Lan, Isabelle Thuy Pelaud, Minh Lê, Nam Lê, Andrew Lâm, Nguyễn Quí Đức, Lệ Lý Hayslip, Andrew X. Phạm, Bích Minh Nguyễn, Hoa Nguyễn, Aimee Phan, Dao Strom, Mai Elliot, Phan Thị Kim Phúc, Cathy Linh Chế, Kiên Nguyễn, Quan Barry, Kevin Nguyễn, Angie Chau, Vũ Trần… Họ đã đạt nhiều giải thưởng văn học danh giá, cống hiến những tác phẩm ấn tượng ở nhiều thể loại văn học: tiểu thuyết, truyện ngắn, tự truyện, thơ ca, văn học viết cho thiếu nhi, và phê bình văn học. 

Nhưng thành công không hề đến dễ dàng với những cây bút nói trên. Vài thập kỷ trước, giới xuất bản Mỹ và quốc tế thường “ngó lơ” trước các câu chuyện viết bởi những người di dân và người tị nạn. Cũng như các bộ phim Hollywood, kể cả trong các bộ phim về chiến tranh Việt Nam, thường đặt câu chuyện của người Mỹ làm trung tâm, các nhà xuất bản thường dành sự ưu tiên xuất bản các tác phẩm văn học được viết bởi những nhà văn da trắng. Vì thế, cùng với các nhà văn da màu khác, các nhà văn gốc Việt đã phải không ngừng tranh đấu để các tiếng nói của mình được lắng nghe.

Sự kiện giao lưu văn học có bán vé vào cửa do mạng lưới các nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại tổ chức ở Bảo tàng nghệ thuật San Jose (Mỹ)  không còn một chỗ trống. Ảnh: TLTG 


Một trong những người tiên phong trong cuộc đấu tranh ấy là giáo sư, nhà văn Nguyễn Thanh Việt. Ông là người đứng ra kêu gọi các nhà văn Việt Nam phải giành lại quyền kể các câu chuyện về cộng đồng mình, về xứ sở của mình. Là một nhà phê bình văn học, ông luôn muốn các nhà văn Việt Nam nói riêng và các nhà văn da màu nói chung phải sáng tác với một tâm thế mới – bình đẳng với các nhà văn da trắng trong dòng văn học viết bằng tiếng Anh.

Trong nhiều bài phỏng vấn, ông luôn kêu gọi các nhà văn da màu đồng tâm đồng sức: “Các nhà văn thuộc cộng đồng thiểu số, hãy viết như thể bạn là một phần của cộng đồng người đa số. Đừng giải thích. Đừng phục vụ cộng đồng người đa số. Đừng dịch các từ thông dụng trong văn hóa của bạn. Đừng xin lỗi. Hãy viết như mọi người đều biết bạn đang nói về điều gì, như các nhà văn thuộc cộng đồng đa số đã làm. Viết với tất cả đặc quyền của các nhà văn cộng đồng đa số, nhưng với sự khiêm tốn của một nhà văn dân tộc thiểu số”.

Để đẩy mạnh tinh thần đoàn kết sáng tạo của các nhà văn Mỹ gốc Việt, từ năm 1994, giáo sư Nguyễn Thanh Việt đã cùng các đồng nghiệp văn chương thành lập một nhóm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình có cùng chí hướng, để từ đó, mạng lưới các nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại (Diasporic Vietnamese Artists Network – DVAN) được thành lập và không ngừng lớn mạnh. Mục đích của DVAN là thúc đẩy việc xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại bằng cách hỗ trợ các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, kết nối các tác phẩm của họ với bạn đọc và cộng đồng những người di cư ở khắp thế giới.

DVAN đã tổ chức được nhiều sự kiện văn học ra mắt tác phẩm, giới thiệu nhiều gương mặt mới, tổ chức nhiều buổi toạ đàm trao đổi kỹ năng sáng tác. Có thể nói, sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của các cây bút gốc Việt tại hải ngoại chính là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của họ. Trên các trang cá nhân trên mạng truyền thông xã hội mà các nhà văn này hay sử dụng như Facebook, Twitter, Instagram, không hiếm khi người ta bắt gặp các nhà văn gốc Việt giới thiệu các tác phẩm của các nhà văn khác. Họ hỗ trợ nhau trong các sự kiện ra mắt sách, giới thiệu độc giả của mình các tác giả mới, tác phẩm mới.

Theo lời của nhà văn Nguyễn Thanh Việt: “Một người Việt thành công cần mở đường cho những người Việt khác, tôn vinh những người Việt khác để rồi những tiếng nói mới, những câu chuyện hay của cộng đồng người Việt sẽ được thế giới lắng nghe”.

Một số tác phẩm của các nhà văn Mỹ gốc Việt xứng đáng được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: TLTG


Tính tri thức cao, tinh thần học thuật cũng chính là một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của các cây bút Việt Nam ở hải ngoại. Nhiều người trong số họ là các giáo sư, tiến sĩ, giảng dạy ngành viết văn ở các trường đại học uy tín của Mỹ: nhà văn Nguyễn Thanh Việt hiện là giáo sư văn học Anh, Mỹ, dân tộc học, và văn học so sánh tại Đại học Nam California; nhà thơ Ocean Vương là phó giáo sư giảng dạy chương trình thạc sĩ viết văn của Đại học UMass-Amherst; nhà phê bình Isabelle Thuy Pelaud là giáo sư giảng dạy tại khoa nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học San Francisco State University; nhà thơ/nhà phê bình Lan Dương là giáo sư giảng dạy ngành nghiên cứu điện ảnh và truyền thông của Đại học Nam California; nhà văn Bích Minh Nguyễn là giáo sư giảng dạy chương trình thạc sĩ viết văn Đại học Wisconsin – Madison; nhà văn Lao Cao là giáo sư ngành luật kinh tế quốc tế Đại học Chapman; nhà văn Vũ Trần là phó giáo sư ngành nghệ thuật ứng dụng Đại học Chicago; nhà văn Aimee Phan là phó giáo sư ngành viết văn và văn học của Đại học California College of the Arts… 

Vị trí của các nhà văn Mỹ gốc Việt trong giới học thuật là một điều đáng nể và là minh chứng cho ý chí và nỗ lực không ngừng, bởi họ có một vị trí xuất phát không hề dễ dàng. Là con của những người tị nạn, nhiều người trong số họ đã có một tuổi thơ vất vả, thiếu thốn, phải lớn lên trong sự kỳ thị chủng tộc. Đơn cử là nhà thơ Ocean Vương lớn lên trong một gia đình mù chữ, với người mẹ phải khom mình trước những người da trắng, sơn sửa móng tay móng chân cho họ. Đến Mỹ năm hai tuổi và chỉ bắt đầu biết đọc tiếng Anh khi mới 11 tuổi, Ocean Vương hiện nổi tiếng khắp thế giới với khả năng ngôn ngữ văn chương độc đáo của mình.

Tập thơ Night Sky with Exit Wounds (bản dịch tiếng Việt Trời Đêm Những Vết Thương Xuyên Thấu do nhà thơ Hoàng Hưng chuyển ngữ, đã được phát hành ở Việt Nam) là một quyển sách bán rất chạy và liên tục được vinh danh với những giải thưởng thi ca danh giá nhất như: Giải thưởng thơ Whiting 2016 với tiền thưởng lên đến 50.000 USD (1,135 tỉ đồng), giải thưởng thơ Forward Prize – được xem như “Oscar thơ” của nước Anh… Tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương On Earth We’re Briefly Gorgeous – dưới dạng bức thư của người con trai viết cho người mẹ mù chữ – vừa phát hành đã lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times, được dịch sang 12 thứ tiếng và giúp Ocean Vương đoạt giải thưởng thiên tài, trị giá 625.000 USD từ Quỹ MacArthur. 

Ocean Vương là một trong những nhà văn thành công nhờ tài năng xuất chúng và cũng nhờ việc kế thừa các truyền thống thi ca của dân tộc Việt Nam. Là một người nói thông thạo tiếng Việt, anh tin rằng khả năng song ngữ giúp anh định hình phong cách sáng tác bằng tiếng Anh, vì nó cho phép anh quan sát sự việc từ một góc nhìn mới mẻ. Trong một bài phỏng vấn, Ocean Vương chia sẻ: “Tiếng Việt rất nhiều âm tiết và ý nghĩa của một từ hoàn toàn thay đổi khi bạn để giọng mình vút lên hay trầm xuống, vì vậy tôi đã áp dụng khả năng lắng nghe tiếng Việt sang tiếng Anh… Và tôi đã bắt đầu sáng tạo ra những hình ảnh mới cho riêng mình”. Say đắm với vẻ đẹp tiếng Việt, Ocean Vương đã không ngần ngại lôi cuốn người đọc vào vẻ đẹp ấy.

Trong tập thơ Trời Đêm Những Vết Thương Xuyên Thấu, anh đã mạnh dạn sử dụng nhiều ngôn ngữ tiếng Việt mà không hề dịch nghĩa. Bài thơ Headfirst của anh đã được in cùng với hai câu thành ngữ sau mà không có chú thích về nghĩa: “Không có gì bằng cơm với cá/ Không có gì bằng má với con”. Trong bài thơ viết về người cha, anh bắt đầu bằng những từ tiếng Việt mà không dịch nghĩa:“Lan ơi, em khỏe không? Giờ em đang ở đâu? Anh nhớ em và con quá…”. 

Các nhà văn hải ngoại trong chương trình giao lưu văn học do mạng lưới các nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại tổ chức mùa hè 2018 (bìa phải là giáo sư Nguyễn Thanh Việt). Ảnh: TLTG


Cũng như Ocean Vương, nhà văn Thanhhà Lại cũng kế thừa truyền thống thi ca của Việt Nam bằng cách… sáng tác tiểu thuyết bằng thơ. Trong tác phẩm Inside out and Back Again (Từ trong ra ngoài rồi bắt đầu lại),  Thanhhà Lại kể về những trải nghiệm đầy đau thương của gia đình mình và của bản thân khi phải rời Việt Nam, định cư ở Hoa Kỳ. Và những nỗi đau đó được xoa dịu bởi ngôn ngữ thơ sâu lắng và trong trẻo, cất lên bởi người kể chuyện là một cô bé ngây thơ. 

Thanhhà Lại cho biết cô là người luôn ý thức bảo tồn tiếng Việt và cách suy nghĩ của người Việt qua tác phẩm viết bằng tiếng Anh. Trong bài phỏng vấn trên tờ School Library Journey, cô nói: “Khi sáng tác các câu thơ cho tiểu thuyết này, tôi nghĩ về những hình ảnh bằng tiếng Việt, rồi dịch những hình ảnh đó sang tiếng Anh sao cho bảo tồn được nhịp điệu của ngôn ngữ gốc. Tiếng Việt tôi biết là thứ tiếng ảnh hưởng bởi mẹ tôi, và nó rất thơ, đầy nhạc điệu và du dương một cách tự nhiên… Cả đời mình, tôi đã đọc tác phẩm của Nguyễn Du và tôi vô cùng khâm phục Nguyễn Du có thể mô tả cả thế giới với hai câu thơ sáu-tám”. Tiểu thuyết Inside out and Back Again được đánh giá cao, nhiều lần lọt vào danh sách quyển sách bán chạy của tờ New York Times và cũng giúp Thanhhà Lại trở thành nhà văn nữ gốc Việt đầu tiên đoạt giải thưởng văn học quốc gia (National Book Award).

Có thể nói, những tác phẩm của các nhà văn Mỹ gốc Việt khiến bạn đọc rung động bởi sự chân thực của ngòi bút. Ngòi bút ấy đi sâu vào số phận của con người và không ngần ngại bộc lộ những nỗi đau, những vết thương tinh thần mà các nhân vật đã phải gánh chịu, cùng những góc khuất trong thân phận của những người tị nạn, những người di cư vốn dĩ bị xã hội Mỹ và châu Âu gạt sang bên lề. Nhiều tác phẩm mô tả chi tiết việc cha mẹ bạo hành con gái do hậu quả của ám ảnh chiến tranh, đào sâu vào những chủ đề mới mẻ và không ít phần nhạy cảm như đồng tính luyến ái. 

Không chỉ mô tả nỗi đau, các nhà văn Mỹ gốc Việt còn cống hiến cho dòng văn học tiếng Anh những tác phẩm đầy màu sắc. Những cây bút như Monique Trương, Kevin Nguyễn, Quan Barry không ngần ngại bứt mình ra khỏi các câu chuyện về Việt Nam và về người Việt để sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn khác biệt. Các nhà văn Phúc Trần, Nguyễn Thanh Việt, Thanhhà Lại đóng góp tiếng cười hài hước trong các tác phẩm. Nhiều nhà văn đào sâu vào những đề tài vô cùng gai góc, đơn cử là nhà văn Thi Bùi sáng tác để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và để phản đối việc chính quyền Mỹ trục xuất người tị nạn… 

Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn các tác phẩm của các nhà văn Mỹ gốc Việt được phát hành trong nước. Ngoài đem lại cho bạn đọc cơ hội thưởng thức những tác phẩm hay, giàu giá trị nghệ thuật, việc xuất bản các tác phẩm này đóng góp rất lớn vào quá trình hòa giải và hòa hợp dân tộc, bởi quá trình ấy chỉ có thể tiến triển nếu người Việt trên khắp thế giới lắng nghe các câu chuyện của nhau và thấu hiểu nhau hơn. /.

Nguyễn Phan Quế Mai

Người Đô Thị