HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Giới kinh doanh quốc tế, gồm cả các hãng thời trang, bị Trung Quốc ép đưa bản đồ Trung Quốc có cả vạch “Lưỡi bò” trên Biển Đông.
Một số báo tại Việt Nam hôm 4 Tháng Tư cho hay, những công ty kinh doanh thời trang, giày dép nổi tiếng trên thế giới bị nhà cầm quyền Bắc Kinh ép sử dụng bản đồ Trung Quốc với Biển Đông có các vạch chủ quyền ngang ngược, bất hợp pháp, nối lại giống hình “Lưỡi bò.”
Những công ty quốc tế kinh doanh tại Trung Quốc, hiện cũng có những chi nhánh tại Việt Nam, như Uniqlo, Mercedes, Chanel, Gucci, Adidas, Louis Vuitton… thấy báo chí tại Việt Nam nêu tên “khi tìm kiếm vị trí cửa hàng của các thương hiệu này trên web, bản đồ sẽ hiển thị cả “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc tự vẽ ra.”
Hôm Thứ Bảy, báo chí tại Việt Nam đã đưa tin công ty thời trang H&M (gốc Thụy Điển) có chi nhánh tại Hà Nội và Sài Gòn đang bị giới tiêu thụ ở địa phương kêu gọi tẩy chay. Họ phản ứng khi có thông tin nói hãng này đăng hình bản đồ Trung Quốc với các vạch “Lưỡi bò” chiếm gần hết Biển Đông, nuốt luôn cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Báo Wall Street Journal đưa tin, mới đây nhà cầm quyền thành phố Thượng Hải ở Trung Quốc cho biết: “Người dùng Internet phản ảnh với bộ phận quản lý trang web của H&M về tấm bản đồ Trung Quốc ‘có vấn đề.’ Cục Tài Nguyên Thượng Hải đã yêu cầu H&M chỉnh sửa và hãng đồng ý chỉnh sửa ngay lập tức.” Truyền thông Trung Quốc không cho biết bản đồ “có vấn đề” thật sự là gì.
Tuy nhiên hãng thông tấn AP, ngày 2 Tháng Tư, nói công ty H&M bị áp lực của người tiêu thụ và nhà cầm quyền Trung Quốc, nên sửa thêm mấy vạch “Lưỡi bò” vào phần Biển Đông. Trước tin tức như thế, giới tiêu thụ tại Việt Nam phẫn nộ.
Theo báo Zing, trên trang Fanpage H&M Việt Nam, hàng loạt người tiêu dùng trong nước đã kêu gọi tẩy chay sau khi thông tin H&M “thay đổi bản đồ online” theo yêu cầu của Trung Quốc. Các bài đăng tải nhận được hàng chục ngàn lượt theo dõi, bình luận bày tỏ sự phẫn nộ, phản đối, đòi tẩy chay H&M tại Việt Nam.
Trung Quốc với 1.3 tỷ người là một thị trường tiêu thụ mênh mông. Giới kinh doanh quốc tế muốn làm ăn tại thị trường khổng lồ này không thể không bị nhà cầm quyền độc tài đảng trị ở Bắc Kinh làm áp lực.
Sang ngày Chủ Nhật, một số cơ quan truyền thông của CSVN, gồm cả tờ báo điện tử Tin Tức (một bộ phận của TTXVN), VTC News, Thanh Niên theo nhau đưa tin kiểu báo động không phải chỉ có H&M, mà các các công ty “hàng hiệu, xa xỉ” khác cũng bị Bắc Kinh lôi vào làm công cụ tuyên truyền chính trị.
Cuối Tháng Tám năm ngoái, Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Ðiện Tử Trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN đòi công ty Netflix “thực hiện rà soát, loại bỏ những bộ phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền, pháp luật Việt Nam.” Trong đó có phim “Put your head on my shoulder” (chuyển tựa đề bộ phim sang tiếng Việt là: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta) lại “có chứa đường lưỡi bò.”
Sáu tháng trước đó, tổng giám đốc công ty Bayer Việt Nam là bà Lynette Moey Yu Lin (người Malaysia gốc Hoa) bị Sở Thông Tin và Truyền Thông Sài Gòn xử phạt và tịch thu điện thoại vì “gửi tập tài liệu bài học có nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 cho chín người chứa bản đồ in hình đường lưỡi bò, đường chín đoạn, vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam.”
Phim ảnh, tài liệu học tập, quần áo, bản đồ hướng dẫn lái xe, hộ chiếu, hay nói chung bất cứ cái gì có thể giúp Bắc Kinh cơ hội tuyên truyền chủ quyền ăn cướp trên Biển Đông, đều được họ tận dụng quảng cáo với thế giới, đặc biệt là cơ hội xâm nhập vào Việt Nam./.