Seite auswählen

Sự thức tỉnh của một cộng đồng

Jackhammer Nguyễn

7-4-2021

Sau những vụ tấn công người gốc châu Á, trong đó có người Việt Nam, nếu những tuyên bố chính thức chống lại hành động kỳ thị chủng tộc được các dân biểu, nghị viên người Mỹ gốc Việt đưa ra là những điều mà tôi thấy bình thường, thì cuộc biểu tình của người Việt tổ chức ở TP Fountain Valley và TP Irvine, Nam California, hôm thứ Bảy ngày 3/4/2021, làm tôi chú ý nhiều hơn. Đối với tôi nó là một sự thức tỉnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, quan tâm đến chính vị thế của cộng đồng mình, đồng thời gia nhập vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ.

Qua những đoạn phim và hình ảnh ghi lại từ hai cuộc biểu tình cho thấy, những người tham gia trưng các biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt, kêu gọi chống kỳ thị sắc tộc nhắm vào người Á châu ở Mỹ. Có đông người trẻ tuổi tham dự, nhưng cũng có người già tham gia, như báo Người Việt ghi nhận. Đặc biệt là hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ, được xem như một căn cước của cộng đồng người Việt, xuất hiện trong cuộc biểu tình này.

 

Cho đến trước khi cuộc biểu tình xảy ra, những biểu hiện bên ngoài các khu có đông người Việt cư trú trên đất Mỹ làm người ta có thể nhầm tưởng, cộng đồng này đã tách khỏi dòng chính của xã hội Mỹ. Đáng buồn là những bản tin vịt bằng tiếng Việt lan truyền như dịch bệnh trong cộng đồng suốt bốn năm qua về Covid-19, về “gian lận bầu cử” Mỹ, về phong trào Black Lives Matter… Đỉnh cao của dòng chảy bên lề lịch sử và phản tiến bộ này là hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong cuộc bạo loạn ở điện Capitol ngày 6/1/2021.

Một trong những người tổ chức cuộc biểu tình chống kỳ thị người châu Á là bà Phượng Võ, một giáo viên trung học, cố gắng diễn đạt bằng tiếng Việt, nhưng rõ ràng và rành mạch về những quan niệm, suy nghĩ của bà, cũng như những người Việt đồng hành trong cuộc biểu tình đó, về các vấn đề xã hội và sắc tộc tại Mỹ.

Những người Việt này hiểu rằng, vì sao người da đen giận dữ, nổi dậy vào mùa hè năm 2020 sau cái chết oan của George Floyd. Họ cũng hiểu rằng, người Việt là một phần của một xã hội Mỹ đa dạng, đang đối mặt với làn sóng thù hận từ những người da trắng trong suốt năm qua, sau nhiều lần ông Trump gọi Covid-19 là “Chinese virus”, “Kung flu”… cũng như ông ta ủng hộ những người da trắng thượng đẳng, chống di dân suốt bốn năm qua. Nếu họ không lên tiếng chống lại những kẻ tấn công người gốc Á, họ sẽ trở thành nạn nhân như những người gốc Á đã bị tấn công trong thời gian qua.

Hình ảnh cuộc biểu tình tại Fountain Valley xóa đi ý nghĩ trong đầu tôi rằng, người Việt ở Mỹ chỉ quanh quẩn bên những hiệu ăn Việt Nam, không vươn ra bên ngoài, rằng nếu có sự kiện của người Việt thì chỉ có chào cờ và chống cộng sản Hà Nội…

Cuộc biểu tình này diễn ra khi bắt đầu có những nhà hoạt động xã hội người Việt đi tranh đấu cho quyền bầu cử của người da màu nói chung, như cô Bee Nguyễn ở Georgia, cũng như giới nghệ sĩ và trí thức người Việt lo ngại sâu sắc về làn sóng thù ghét người gốc Á, như trong bài tường trình của BBC Việt ngữ.

Vẫn có những người Việt “lạ lùng” kéo đến phản đối cuộc biểu tình ở Fountain Valley, với lý do cũng hết sức lạ là, nếu chống kỳ thị người châu Á là tiếp tay cho… cộng sản! Điều đáng mừng là, sau cuộc bạo loạn ngày 6/1, trên mạng xã hội, cũng như trên đường phố, hoạt động của những “người Việt lạ” kiểu này giảm đi hẳn.

Một sự thức tỉnh của cộng đồng về thân thận và đấu tranh cho chính mình đang diễn ra. Sự trẻ trung của những người biểu tình báo hiệu một thế hệ mới của những người Mỹ gốc Việt. Có thể sẽ có những chỉ trích nói rằng, họ không đấu tranh nhiều cho dân chủ hóa chống độc tài cộng sản bên trong Việt Nam. Có thể là họ chưa, vì xã hội Mỹ đang bận rộn với những vấn đề của nó, nhưng chống cộng sản và chống bất công, chống kỳ thị chủng tộc… đều có chung một mẫu số.

Những ai đã từng ngao ngán khi thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong cuộc bạo loạn ngày 6/1, hãy cảm ơn những người Việt trẻ tuổi biểu tình ngày 3/4 ở TP Fountain Valley, cũng như ở TP Irvine và vài nơi khác ở Nam Cali, vì họ đã làm sống lại hình ảnh lá cờ này, cùng với những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.

_____

Một số hình ảnh biểu tình ngày 3/4 vừa qua ở Mile Square Park (Fountain Valley) và Culver Plaza (Irvine) từ trang của bà Phượng Võ và cô Vivian Lê:

Tiếng Dân

Vì sao người gốc Á ở Mỹ bị kỳ thị?

07/04/2021

TTO – Những vụ án thương tâm xảy ra với người gốc Á ở Mỹ gần đây dù chưa được nhà chức trách chính thức xác nhận có nguyên nhân kỳ thị sắc tộc, nhưng dường như đó là một sự thật khó chối bỏ.

 

Vì sao người gốc Á ở Mỹ bị kỳ thị? - Ảnh 1.

Cảnh sát trưởng thành phố San Jose, ông Anthony Mata, trò chuyện với bà Kim Vuu – chủ tiệm thẩm mỹ và chăm sóc sức khỏe Kim Loan tại San Jose, bang California, Mỹ ngày 3-4 – Ảnh: Reuters

Thời gian gần đây, phong trào chống kỳ thị người gốc Á, mã chủ đề trên mạng xã hội Twitter là #stopasianhate gây xôn xao trong cộng đồng mạng tại Mỹ và vấn nạn kỳ thị người gốc Á đang ngày càng nghiêm trọng hơn tại xứ sở cờ hoa.

Vì đâu nên nỗi?

Từ câu chuyện đáng buồn về các cụ già gốc Á bị người lạ tấn công cho đến việc một người xả súng giết chết 8 người ở 3 dịch vụ chăm sóc sắc đẹp của người gốc Á dường như đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.

Sẽ thật khủng khiếp nếu cộng đồng người gốc Á tại Mỹ phải làm quen với chuyện này khi nó xảy ra gần như mỗi ngày. Sự kỳ thị này gây nên rất nhiều bất mãn và hoang mang giữa một cộng đồng mà luôn được gọi bằng cái tên “model minority” (sắc tộc thiểu số tiêu biểu).

Vấn nạn kỳ thị người gốc Á tại Mỹ gia tăng từ lúc bắt đầu đại dịch COVID-19. Khi Trung Quốc trở thành tâm dịch COVID-19 đầu tiên cũng là lúc ông Trump đang ráo riết chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ năm 2016, ông Trump đã liệt Trung Quốc vào “danh sách đen” trong chương trình hành động của ông. Điều này giúp ích cho ông rất nhiều trong việc đẩy mạnh chính sách kinh tế và đối ngoại.

Đến khi đại dịch bùng phát, ông Trump bắt đầu chính sách đối lập với Trung Quốc bằng việc đặt sắc lệnh cấm các chuyến bay từ Trung Quốc vào Mỹ. Thực chất sắc lệnh này chỉ mang tính chất biểu trưng vì nó không hề cấm người Trung Quốc đến Mỹ trên các chuyến bay đến từ nước khác.

Sau đó, ông Trump là người đầu tiên tuyên truyền hai từ “China virus” và “Kung-flu”. Những điều ông làm biến Trung Quốc trở thành tâm điểm của sự thù hằn ở trong lòng người Mỹ.

Nói đến đây, nhiều người sẽ hỏi tại sao những câu nói của ông Trump về Trung Quốc lại ảnh hưởng đến người gốc Á nói chung, mà không phải chỉ là người Trung Quốc?

Trong số các nhóm người châu Á tại Mỹ, người Hoa chiếm số đông. Người Hoa ở đây bao gồm tất cả những người gốc Hoa chứ không riêng gì người Trung Quốc.

Đi đến thành phố lớn nào của Mỹ cũng có thể tìm thấy một cộng đồng người Hoa, và người Mỹ lại thường gọi những nơi đó là “China Town”. Chính vì vậy, phần đông người Mỹ không có khả năng phân biệt các nhóm người khác nhau ở châu Á. Thậm chí với một số người, khi nhắc đến châu Á, họ nghĩ tới Trung Quốc đầu tiên.

Cho nên khi cựu tổng thống Trump gọi COVID-19 là “China virus” và “Kung-flu”, ông gián tiếp gây ra những chú ý tiêu cực lên cộng đồng người châu Á tại Mỹ. Với những người ủng hộ ông Trump, họ cho rằng những câu nói này vô hại. Nhưng trên thực tế luôn có một quan hệ mật thiết giữa “hate crime”(những tội ác liên quan đến kỳ thị) và “hate speech” (phát ngôn mang tính chất thù hận và kỳ thị).

Cá tính sắc tộc

Ngay từ lúc khởi đầu dịch bệnh COVID-19, nhiều siêu thị và nhà hàng của người châu Á bị cộng đồng tẩy chay. Nhiều nơi vắng khách đến mức phải treo bảng “chợ này không phải của người Trung Quốc” trước cửa.

Cùng với đó, nạn tin giả hoành hành, một số kẻ xấu tung tin thất thiệt để mọi người tránh xa những khu vực của người gốc Á. Và sau đó là hàng loạt chuyện người châu Á bị kỳ thị. Một số người còn bị người lạ mắng “hãy cút về nước của mày đi”. Mới gần đây, một cụ già 83 tuổi người Việt ở San Francisco bị tấn công. Những chuyện tương tự xảy ra ngày một nhiều hơn khiến cộng đồng người gốc Á tại Mỹ vô cùng bất an.

Theo Cục Cảnh sát tiểu bang New York, những trường hợp bạo lực nhắm vào người gốc Á trong năm 2020 đã tăng 19 lần so với những năm trước. Nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.

Có một nguyên nhân thuộc về văn hóa người châu Á. Một số người châu Á vốn không quen thuộc với văn hóa kiện tụng. Thường có chuyện thì tự giải quyết cho xong. Một số khác đến từ các đất nước có hệ thống cảnh sát không được tin cậy và vốn không tin vào sự giúp đỡ của cảnh sát. Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ cũng gây không ít khó khăn cho nhiều người.

Trở lại với định nghĩa của từ “model minority” đã nhắc tới phần đầu bài viết. Khái niệm này do nhà xã hội học William Petersen đặt ra năm 1966 để miêu tả người châu Á và dùng nó để so sánh với những sắc tộc khác và dĩ nhiên cũng đã gây tranh cãi.

“Model minority” miêu tả người châu Á như một sắc tộc hiền hòa, không tranh chấp, biết vâng lời và siêng năng. Nghe thoáng qua thì có vẻ đó là một từ rất đáng tự hào. Nhưng khái niệm đó lại là một công cụ kỳ thị vô hình vì nó áp đặt một hình ảnh rập khuôn lên người châu Á tại Mỹ.

Điều này làm ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của cộng đồng này. Theo tạp chí Harvard Business Review, người châu Á là người có ít cơ hội thăng tiến vào vị trí lãnh đạo nhất trong các sắc tộc tại Mỹ.

Cho nên vấn nạn kỳ thị không chỉ nằm ở những vụ tấn công nhắm vào người châu Á, mà còn hiện diện ở những dạng thức khác như những phát ngôn kỳ thị hoặc những công cụ vô hình như lời khen về “model minority”. Những điều tiêu cực trên sẽ còn tiếp diễn nếu người gốc Á tại Mỹ, trong đó có người Việt Nam, không quyết liệt hơn nữa để tiếng nói của mình được lắng nghe.