Seite auswählen

Chống kỳ thị là… cộng sản?

 

 

 

Apr 5, 2021

Bài và ảnh: MINH PHƯỢNG

Ngày 3 tháng 4, 2021, tôi lại biểu tình, chống lại sự kỳ thị người Á Châu, tại hai địa điểm và bởi hai tổ chức khác nhau, một tại Fountain Valley (FV), Mile Square Park (10 AM-12 PM) và một tại Culver Plaza ở Irvine (1PM-3PM)

Trước tiên, có một vài sự khác biệt đáng quan tâm tại hai buổi tuần hành, xin tóm lược sau đây:

Về hình thức, cuộc biểu tình ở FV được tổ chức và có sự điều động hoàn toàn của người Việt, Vietnamese American Rally Against Asian Hate (#1) trong khi buổi biểu tình ở Irvine (#2) được tổ chức bởi Vivian Lê và cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu (#2). BTC của buổi biểu tình #1 có chào cờ Hoa Kỳ và VNCH; cuộc biểu tình ở Irvine, đương nhiên, không có hình thức chào cờ như vậy.

Theo lời một thành viên trong ban tổ chức biểu tình #1, ông Trung Tạ, BTC đã gửi giấy mời tất cả các vị đại diện cộng đồng người Việt thuộc đảng Cộng hòa nhưng không một ai đến, ngoài cô cựu dân biểu Thu Hà, và Luật Sư Thái Việt Phan, nghị viên Santa Ana, cả hai đều là của đảng Dân chủ. Một số cựu dân biểu như ông Harley Rouda có tham dự nhưng không có lời phát biểu. Những vị được mời lên để nói cảm nghĩ gồm: Bác Sĩ Denise Phan; Bác Sĩ Xuyến Đông; ông Boby McDonald, chủ tịch Orane County Black Chamber of Commer; ông Raymond L. Cordova, chủ tịch hội South County Labor; bà Kim Bernice Nguyễn, phó thị trưởng Garden Grove; và ông Sergio Contreras, ủy viên Đặc Khu Vệ Sinh Midway City Sanitary District.

Cuộc biểu tình ở Irvine có lời phát biểu của bà phó thị Trưởng Tammy Kim, và những đóng góp từ tấm lòng, từ kinh nghiệm của rất nhiều người trẻ trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, hoặc lai Á châu. Tất cả những bài phát biểu này, rất cảm động, đều bằng tiếng Anh. Tôi sẽ viết thêm cảm nghĩ về từng người bên dưới.

Tại cả hai nơi đều có sự tham gia của nhiều người Mỹ da trắng. Số lượng người da trắng và người Mễ, Ấn Độ tham gia tại Irvine có vẻ nhiều hơn. Buổi biểu tình #2 ở Irvine cũng có sự tham gia của một người bạn trẻ, gốc Phi châu. Tôi đã được gặp anh bạn này tại các buổi biểu tình kỳ trước tại Great Park, và trong buổi tưởng niệm hơn 200,000 người chết vì Covid-19. Số người Mỹ gốc Á, không phải người Việt, tại Irvine cũng rất đông, và đa số là người trẻ.

Buổi biểu tình #1 (FV) có những người ủng hộ Trump đến phá đám, chửi bới, mạ lỵ rất ồn ào. Họ đa số là người Việt, mắng mỏ người Việt. Buổi tbiểu tình #2 (Irvine) KHÔNG gặp sự phản đối của bất cứ ai, trái lại, người dân trên đường phố đề có vẻ đồng tình, ủng hộ, bóp kèn vui vẻ rất nhiều. Có người đến sau khi thấy những biểu ngữ, dù không biết đến cuộc tuần hành này trước đây.

Nay xin được nói thêm chi tiết và nhận định cá nhân về hai buổi rally nói trên:

A) Biểu Tình #1 (FV)

Trước tiên, tôi muốn nói đến sự kiện những người đến phá. Báo Người Việt có đề cập về việc đáng tiếc, đáng buồn này, nhưng cũng chỉ nhắc sơ thôi. Những người này đã đứng chung với một vài người Mỹ, cùng ủng hộ Trump và chửi bới, miệt thị, gán cho những người chống kỳ thị là “cộng sản”. Điều này không làm tôi ngạc nhiên vì tôi đã nghe cái luận điệu chụp mũ hàm hồ, vô căn cứ, trẻ con đó từ mấy năm nay rồi. Nhưng một vài người Mỹ da trắng trong đoàn biểu tình với chúng tôi thì có vẻ rất kinh ngạc, và đã phải thốt lên “Mấy người đó có hiểu được là họ đang chống lại người giúp cho họ không? Họ nghĩ họ là gì chứ? Những người da trắng kỳ thị, ghét người da màu sẽ không bao giờ chấp nhận họ đâu!”. Họ lắc đầu tỏ vẻ bất bình , lẫn bực tức, vì họ không thể hiểu nổi tại sao lại có người lại muốn bám theo đuôi đám thượng tôn da trắng, để “được” kỳ thị như vậy!

Anthony Kuo, Tammy Kim, Vivian Lê

Những người phò Trump, chống chúng tôi, tuy không đông, nhưng rất lớn tiếng, và đã mang theo cái loa phát thanh thật lớn, cố tình nói át tiếng những người biểu tình ôn hòa trong nhóm chống kỳ thị, cũng như dựng một cái bàn bán nón, áo thun, để ủng hộ cho Trump! Trong nhóm họ, có hai tên người da trắng. Chúng nói vầy mà họ đứng im, đồng tình (?!): “Đây là đất của chúng tôi, mấy người không có quyền kêu gào là bị kỳ thị! Đây là trò quấy nhiễu của đảng dân chủ, muốn cho mấy người kỳ thị ngược lại chúng tôi, là những chủ nhân của đất nước này!“ Những người Việt theo Trump có thể vì không hiểu tiếng Anh, hoặc hiểu lõm bõm, nhưng lại đồng lòng, chấp nhận cái vai trò “người ăn nhờ ở đậu”, biết kính trọng “chủ nhân ông” da trắng, mặc kệ chính những người cùng màu da, hoặc chính cả người thân của họ có bị sách nhiễu, trù dập, hành hạ, chế diễu đến độ nào!

Ở buổi biểu tình cũng có những lời phát biểu rất chân thành, dễ thương của các em học sinh trung học về nạn kỳ thị chủng tộc và sự mơ ước không còn phải lo lắng cho những người thân như cha mẹ, ông bà lớn tuổi hoặc cho chính chúng vì vấn nạn này. Các em đã nói lên nguyện vọng rất chính đáng của mình, và của rất nhiều người trong buổi biểu tình hôm ấy rằng chúng tôi không còn muốn bị xem là giống người chỉ biết cặm cụi làm ăn, nhu nhược, không dám lên tiếng vì mặc cảm thua thiệt hay vì sợ bị đánh chửi bởi sự kỳ thị.

James Mai

Điều tôi thấy rất đáng mừng là nhiều em cũng nói lên tình trạng bị dùng làm bình phong, làm “model minority”. Đây là một cách “chia để trị, một cái bánh vẽ bởi những guồng máy “trị dân” của những người bảo thủ, da trắng, chỉ muốn đổ thừa và trút lên đầu người da màu khác những điều tồi tệ trong xã hội chính họ đã và đang áp bức, đối xử thật bất công.

Sự đối đầu này đã được, thêm lần nữa lợi dụng bởi những kẻ thừa nước đục thả câu, phá tan cộng đồng người Việt. Tôi muốn nói đến sự có mặt, “phỏng vấn” (?!) và làm rùm beng lên bởi một người tự xưng là “phóng viên” tên Lân, YouTuber “Phố Bolsa”. Đây là một người chuyên tung những tin “giật gân”, để bêu rếu về cộng đồng người Việt hải ngoại là xấu xa, chia rẽ thù hằn nhau ra sao, với mục đích dễ thấy, dễ hiểu là đem chuyện khích bác, khác biệt về chính kiến của cộng đồng người Việt ra làm trò cười, gợi sự chú ý, phỉ báng, rất có lợi cho việc tuyên truyền của “nhà nước” XHCN!

Những câu hỏi anh ta đưa ra cho tôi, nói rằng là câu hỏi được nghe từ “phía bên kia” thể hiện sự suy nghĩ hạn hẹp, cố tình đánh lạc hướng vấn đề ví dụ như câu hỏi là: “Tại sao trong thời gian BLM biểu tình, có chuyện những tiệm buôn bán hay của hàng người Á châu bị đánh phá không ai biểu tình mà bây giờ lại đi biểu tình?”. Tôi đã ngắn gọn phân tích cho anh ta biết hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Người da đen bị kỳ thị, nhất là bởi cảnh sát, đã vì tức nước vỡ bờ, nên khi George Floyd chết, họ đã, rất dễ hiểu, vô cùng phẫn uất nên có sự ủng hộ biểu tình khắp nơi trên thế giới.

Nicole Vinh_Nguyen

Nếu có những kẻ dựa vào thời cơ đó để đánh phá, cướp giựt, thì đó là chuyện ngoài lề, không ăn chung gì đến việc kỳ thị có hệ thống, trong thượng tầng cơ sở đã là cái vết nhơ trong lịch sử của Hoa Kỳ từ hằng mấy trăm năm nay. Việc đánh đồng chuyện hành hung, giết chóc do sự kỳ thị người Mỹ gốc Á châu với chuyện một số rất ít những kẻ phá bĩnh, đụng đâu đập phá đó trong các cuộc biểu tình BLM là một hành vi, một lối ngụy biện giả dối, không lương thiện. Tôi cũng đã nhắc đến vì sao con số người Á châu bị kỳ thị tăng 150% từ hơn một năm nay: vì chuyện Covid-19 bị đặt tên, bị tru tréo gọi là Chinese Virus bởi chính người đứng đầu một quốc gia: cựu Tổng thống Trump. Tôi thực sự không hiểu là người đặt câu hỏi vì kiến thức quá hạn hẹp, chỉ được nghe rao giảng những thông tin giả dối, cùng sự mê say tôn thờ một “lãnh tụ” từng tỏ rõ sự kỳ thị người da màu từ khắp nơi, hay là câu hỏi được đặt ra chỉ để cố tình phá rối với việc cần làm phải làm là chống lại sự kỳ thị bất nhân, vô nghĩa này!

B) Biểu Tình #2

Ngay sau buổi biểu tình #1 tại FV, tôi đã chạy ngay về thành phố Irvine để phụ Vivian Lê dựng biểu ngữ cho buổi biểu tình thứ hai trong cùng ngày. Vivian và một số bạn trẻ đã cùng đứng ra tổ chức và được sự góp mặt của Tammy Kim, Vice-Mayor of Irvine city; Anthony Kuo, Irvine City Council; James Mai: Irvine Business Leader & CEO.

Những vị này đã phát biểu rất hay nhưng tôi thực sự cảm động khi nghe những lời thổ lộ chân tình từ các bạn trẻ nói lên những kinh nghiệm của chính cá nhân họ về sự kỳ thị với cái nhìn rất nhân bản, hồn hậu cho cộng đồng người Á châu nói riêng và người da màu nói chung. Buổi biểu tình cũng được sự hưởng ứng rất thân tình của nhiều giống dân khác nhau, không phải chỉ người da vàng và tất cả đều tỏ thái độ rất lịch sự, nhã nhặn, đàng hoàng, không gào la chửi bới tục tằn hay khích bác, hạ nhục bất cứ ai. Một điểm khác nữa là tất cả các vị được thuyết trình, ngoài những người đại diện cho thành phố Irvine, đều nói tiếng Anh, và là giới trẻ.

James Mai là một người Mỹ gốc Việt, sinh năm 1977. Gia đình anh đến Hoa Kỳ từ năm 1975. Anh nói lên kinh nghiệm của mình khi đi học, bị kỳ thị, cũng như phải chịu đựng những thành kiến về chuyện “model minority” bên Hoa Kỳ. Tuy anh rất thành công (James là người sáng lập và chủ của nhiều công ty chuyên lo về các đầu tư, tài chính) nhưng anh luôn nhớ đến những người đồng hương ngay trong gia đình anh đã từng, vì mới qua Hoa Kỳ, vì không biết tiếng Anh, trong lúc đau buồn với nỗi nhớ quê hương đã bị hiểu lầm, bị kỳ thị, khinh miệt đến độ nào.

Một nhà thơ người Mỹ gốc Việt, tên Nicole Vinh-Nguyen, cũng nói lên cái áp lực khủng khiếp được đặt ra của người “thiểu số gương mẫu” từ khi còn nhỏ. Nicole đóng góp trong buổi rally với hai bài thơ cô viết rất cảm động về cái chết của những người Á Đông vô tội vì nạn kỳ thị. Cô cũng nhắc lại lịch sử kỳ thị có hệ thống đối với người Á Đông, nhất là mỗi khi có dịch này, bệnh nọ. Đây là một trong những cung cách đối xử phân biệt mà, theo cô, được đưa ra không ngoài mục đích phỉ báng người Á Đông vì ganh ghét cũng có, mà vì lòng ghét bỏ, kỳ thị không xóa được của rất nhiều người da trắng có quyền hành, có động lực thúc đẩy họ phải gìn giữ những quyền ưu tiên, những đặc quyền đặc lợi cho họ, từ đời này đến đời khác chỉ vì cái màu da của họ. Tôi cũng đã gặp Nicole tại buổi biểu tình đầu tiên tại the Great Park sau khi 6 người đàn bà Á Châu bị giết bên GA. (Xin xem bài viết về sự kỳ thị và biểu tình hôm đó tại link này).

Một số ảnh biểu tình (#1) và (#2)

 

    

Tôi cũng có dịp làm quen, chuyện trò thân thiện với một viên cảnh sát tên Jahid Frough (được thành phố phái đến để giữ trật tự) trong buổi rally tại Irvine trong lúc chờ Vivian đến (cả tôi và anh cùng đến rất sớm, khi chưa có ai hết). Jahid đến từ Afghanistan. Anh rất tán đồng việc chúng ta lên tiếng vì anh bảo chính anh cũng từng bị kỳ thị, ngay trong sở cảnh sát, trong cương vị một cảnh sát viên chỉ vì cái tên “lạ” của anh, và vì màu da anh không trắng. Anh nói sự kỳ thị có khi tiềm ẩn, có khi lộ liễu, nhưng nếu gặp dịp, gặp cơ hội thuận tiện, sẽ bùng nổ hết sức tai hại bởi những kẻ thực sự nghĩ là họ hơn người khác chỉ vì màu da, tôn giáo của họ. Anh cảm ơn chúng tôi, tôi cảm ơn sự giúp đỡ của anh nếu cần. Rất may là không có bất cứ sự việc đáng tiếc nào xảy ra hôm qua tại buổi biểu tình ở Irvine, không như bên thành phố Fountain Valley.

Việc đóng góp, tham gia, và tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra trong hai buổi biểu tình tại hai nơi khác nhau, trong cùng một ngày, thật tình đã khiến tôi buồn vui lẫn lộn, vừa vui vẻ phấn khởi vì sự dấn thân, cất tiếng nói đĩnh đạc, đàng hoàng của nhiều người trẻ, vừa cảm thấy thêm thất vọng ê chề vì sự thiếu hiểu biết, những cái nhìn méo mó, hạn hẹp và nhất là cách thể hiện, cách lên tiếng vô cùng khiếm nhã của một số những người phò Trump đến độ mù quáng, chụp mũ vô cớ, vô cùng phi lý, không còn biết phân biệt phải trái, khiến cho người ngoài khinh khi thêm, và khiến cho các em trẻ phải ngỡ ngàng, tức giận, xấu hổ.

Tôi không còn ngạc nhiên về những điều này, nhưng tôi vẫn buồn vì họ đã làm cho các em trẻ phải thêm một lần vô cùng thất vọng. Sự kỳ thị là một căn bệnh nan giải trong xã hội HK nói riêng và thế giới nói chung. Chính sự kỳ thị này đã và đang gây ra bao thảm cảnh, từ chiến tranh các nơi, đến cách xây dựng một cộng đồng thiểu số tại HK. Những bạo hành, đánh phá, tàn sát và đốt cháy tan những thành phố có người da màu đã xảy ra trong lịch sử chỉ vì sự kỳ thị, khinh khi hoặc ganh ghét họ. Vài thí dụ điển hình là thành phố Greenwood tại Missisippi., hay việc thiêu rụi và giết người trong China Town tại thành phố Santa Ana, ngay tại Orange County, CA

Sự kỳ thị, coi mạng người da màu là cỏ rác, đáng khinh quả thật quá tàn ác, hết sức bất công, bất nhân, và đáng xa, đáng sợ, không chấp nhận được. Chúng tôi, những người già, trẻ gốc Á châu, được sự đồng tình, sát cánh của những người bạn Mỹ da trắng, chỉ đang làm một việc rất cần thiết là thể hiện tình người, đòi hỏi công bằng, nhân quyền cho tất cả.

Và tôi chỉ muốn hỏi những người phò Trump và chống lại chúng tôi một câu thôi: nếu “chống kỳ thị… là cộng sản” thì dường như quý vị đang quảng cáo không công dùm cho chế độ cộng sản, có phải không ạ?

*****

Bài viết trên không thể hiện quan điểm của SGN. SGN luôn đón nhận các ý kiến phản bác trên tinh thần tôn trọng lập luận trái chiều được thể hiện bằng ngôn ngữ lịch sự chừng mực. Vui lòng gửi bài viết phản hồi nếu quý độc giả không đồng ý với tác giả. Xin gửi về: toasoan.saigonnhonews@gmail.com

Trân trọng,

BBT Saigon Nhỏ

Tuần hành chống kỳ thị ở Little Saigon: nhiều hưởng ứng nhưng cũng có dè bỉu


Đa số người Việt tuần hành chống kỳ thị người gốc Á ở Little Saigon là người trẻ

Nhiều người gốc Việt sinh sống ở vùng Little Saigon, bang California, đã xuống đường lên án nạn kỳ thị chống lại người gốc Á vào cuối tuần qua và được sự hưởng ứng của một số sắc dân bạn nhưng lại đối mặt với sự dè dặt, thậm chí là dè bỉu, của chính một số người Việt khác, theo tìm hiểu của VOA.

Sau nhiều cuộc biểu tình của các cộng đồng gốc Hàn, gốc Hoa chống lại nạn kỳ thị và bạo lực gia tăng nhắm vào người gốc Á ở Mỹ thì hôm thứ Bảy (3/4) đến lượt người gốc Việt tại Little Saigon, nơi được xem là ‘thủ đô’ của người Việt ở Mỹ, cũng xuống đường tuần hành ở công viên Miles Square Park.

Cuộc tuần hành đã thu hút trên 200 người tham gia, theo thông tin từ những người tổ chức, trong đó có những nhân vật nổi bật trong cộng đồng như luật Sư Phan Việt Thái, nghị viên Santa Ana (Dân chủ), nghị viên Diedre Thu Hà Nguyễn (Dân chủ) của Garden Grove, luật sư Đỗ Phủ, bác sĩ Mai Khanh cùng lãnh đạo của hiệp hội ngành nail của người Việt như các ông Tâm Nguyễn, Ted Nguyễn, và Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California, Tạ Trung.

‘Khiến những kẻ kỳ thị e dè’

Ông Tạ Trung, người đứng ra điều phối cuộc tập hợp với các bạn trẻ trong cộng đồng, cho VOA biết cuộc tập hợp này ‘không liên quan gì đến Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California’ và ông ‘tham gia với tư cách cá nhân’.

Theo lời ông thì ý tưởng về cuộc tuần hành này ‘đã không có sự hưởng ứng của các lãnh đạo cộng đồng người Việt ở miền Nam California’.

“Cách nay bốn tuần tôi có gửi email cho các lãnh đạo Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California và Cộng đồng người Việt Nam California để đề xuất các vị chủ tịch điều hành có cuộc tuần hành cất liên tiếng nói chống lại sự kỳ thị người châu Á,” ông Trung nói và cho biết ‘không hề nhận được phản hồi gì hết’.

Do đó, cuối cùng ông và những người có cùng chung ý kiến ‘quyết định làm’ dù không có sự bảo trợ của các lãnh đạo cộng đồng.

Về lý do tổ chức hành động xuống đường này, ông Trung nói: “Trong đại dịch COVID-19, với sự khuyến khích gián tiếp của cựu Tổng thống Donald Trump nên những người theo chủ nghĩa da trắng tự tôn đã nổi dậy ngày một mạnh mẽ khiến sự kỳ thị người châu Á gia tăng rất là cao, trong đó có người Việt đã là nạn nhân.”

“Sau vụ xả súng ở Atlanta, người dân trong cộng đồng gốc Việt rất lo lắng cho nên cần cộng đồng lên tiếng nói để trấn tĩnh họ lại,” ông nói thêm.

“Nếu mình không làm, không lên tiếng, thì những kẻ đó thấy cộng đồng mình yếu quá thì thay vì tấn công cộng đồng gốc Hoa, gốc Đại Hàn, họ phải né vì người ta đã lên tiếng và nhằm vào người Việt,” ông giải thích và bác bỏ lập luận cho rằng xuống đường biểu tình không có tác dụng.

Ông cho biết các lãnh đạo cộng đồng cũng ra những tuyên bố lên án và làm việc với chính quyền các cấp từ liên bang, tiểu bang cho đến thành phố để giải quyết vấn nạn này nhưng ‘nếu nhiều cách làm đi cùng với nhau thì sẽ có tính cộng hưởng, hiệu quả sẽ rất cao’.

‘Thân cộng sản’

Ông Trung lưu ý là mặc dù thông tin về cuộc tập hợp này được thông báo rộng rãi và ‘bất cứ ai cũng được hoan nghênh tham gia’ nhưng ‘không có vị dân cử gốc Việt nào bên Đảng Cộng hòa tham gia’.

Ông khẳng định mặc dù những người đứng ra tổ chức cuộc tuần hành theo xu hướng Dân chủ nhưng ‘đây là vấn đề bảo vệ cộng đồng, không phải vấn đề đảng phái’.

“Đây là nhiệm vụ của tất cả mọi người, ai đặt vấn đề đảng phái là sai lầm,” vị kỹ sư này phê phán.

Theo lý giải của ông thì ‘do trong cộng đồng người Việt có rất đông người ủng hộ cựu Tổng thống Trump’ nên ‘nếu họ xuống đường lên án việc kỳ thị thì vô hình chung họ nhận là ông Trump có lỗi trong việc này’.

Theo lời ông kể thì khi đoàn người tuần hành quanh công viên hô khẩu hiệu, ‘có những người Mỹ trắng chạy xe ngang qua họ bóp còi hưởng ứng’ nhưng ‘cũng có một số người tới hô khẩu hiệu ủng hộ ông Trump để phản đối cuộc tuần hành’.

Ông nói điều làm ông rất thắc mắc là ‘không hiểu tại sao có những người Việt chỉ trích những người tuần hành chống kỳ thị là cộng sản, là chủ nghĩa xã hội’.

Theo lời vị kỹ sư này thì trong thành phần đoàn tuần hành có người thuộc các sắc dân châu Á khác, người gốc Latin và người Mỹ trắng đến ủng hộ người gốc Việt. Bên cạnh nhiều bạn trẻ thì cũng có những người Việt lớn tuổi tham gia vì ‘các bạn trẻ ra đường là để bảo vệ người lớn tuổi’.

Ông cho biết đến cuối tuần này sẽ có một sự kiện chống kỳ thị của ‘những người bên Đảng Cộng hòa’. “Bất cứ ai muốn có hành động chống kỳ thị thì tôi rất hoan nghênh,” ông Trung nói.

“Hy vọng sau các cuộc tuần hành này thì các tổ chức khác lại tiếp tục tổ chức những buổi nói chuyện hay gặp gỡ để nói lên tiếng nói của cộng đồng người Việt,” ông bày tỏ.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA cách nay không lâu, ông Phát Bùi, chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Nam California, bày tỏ sự nghi ngờ đối với hiệu quả của việc xuống đường tuần hành chống kỳ thị.

“Nếu có biểu tình ở Little Saigon đi nữa thì cũng chỉ là gióng lên tiếng chuông đối với chính quyền sở tại mà thôi,” ông nói và cho rằng việc làm việc trực tiếp với các cấp chính quyền ‘có hiệu quả hơn’.

Còn ông Đỗ Văn Hội, cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia liên bang Hoa Kỳ từ năm 2012-2018 và hiện là cố vấn cộng đồng, nói với VOA rằng ‘biểu tình rất dễ có kẻ xấu trà trộn gây ra chuyện này chuyện kia, có thể đổ máu bất lợi’./.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen