Mục lục
Du học sinh Việt Nam ở Úc dẫm đạp cờ vàng, lăng mạ cộng đồng Việt tị nạn
3.5.2021
Một clip video được phát tán trên mạng xã hội trong những ngày vừa qua đã gây phẫn nộ cộng đồng người Việt tại hải ngoại: một đám du học sinh Việt Nam tại một trường trung học ở Úc đã xé cờ vàng, nhục mạ công khai cộng đồng người Việt tị nạn.
Đoạn video được cho là quay bởi chính nhóm du học sinh Việt Nam được phát tán vào ngày 1 tháng 5 2021, đúng dịp cộng đồng người Việt tị nạn kỷ niệm 46 năm Tháng Tư Đen. Đám du học sinh này thuộc trường trung học Marrickville, gần Sydney của Úc. Chúng đã xé lá cờ được treo trên đường phố rồi giẫm đạp lên lá cờ. Chúng còn dùng thứ ngôn ngữ giọng Bắc thô tục, vô học thức để xúc phạm cộng đồng gốc Việt: “Đ. mẹ mày, cầm cờ để giải phóng đất nhà bố mày à. Đ. mẹ chúng mày…Bố mày thay mặt 90 triệu dân VN…”
Cộng đồng mạng gốc Việt lên tiếng phẫn nộ. Nhiều người cho rẳng những học sinh được cho đi du học phải thuộc tầng lớp giàu có, quyền thế trong nước. Thế nhưng lối hành xử vô văn hóa của chúng cho thấy rằng thế hệ trẻ thuộc tầng lớp “quí tộc, thuợng lưu” này không được giáo dục nhân cách. Nếu những kẻ vô học như vậy về nước tiếp tục làm lãnh đạo thì sẽ là một tai họa của đất nước. Đoạn video cũng cho thấy chính sách giáo dục của chính quyền CSVN không thể mang lại một sự “hòa hợp, hòa giải” thật sự cho các thế hệ tương lai./.
Việt Báo
Một nhóm du học sinh người Việt Nam ở Úc đã bị một trường trung học ở đây đình chỉ học sau khi họ có hành vi được coi là ‘sỉ nhục’ lá cờ Việt Nam Cộng hoà, khiến cộng đồng người tị nạn ở nước này phẫn nộ trong những ngày qua.
Những hình ảnh trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội từ hôm 30/4 cho thấy một nam học sinh giật một lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên đường phố rồi sau đó vò và vứt xuống đất trước khi dùng chân dẫm đạp lên lá cờ mà cộng đồng người Việt hải ngoại coi là ‘Hoàng kỳ’.
Vụ việc gây phẫn nộ và tức giận trong cộng đồng người Việt tị nạn ở Úc khi họ coi đây là một sự xúc phạm đối với lá cờ mà họ tôn vinh.
“Những học sinh đó đã xé cờ và có những lời rất thô tục cùng những hành vi rất côn đồ để nhục mạ, sỉ nhục cộng đồng khi đạp lên lá cờ và đòi đốt lá cờ,” Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự do ở bang New South Wales (NSW), Paul Huy Nguyễn, cho VOA biết hôm 4/5. “Chính quyền Úc và cộng đồng chúng tôi không thể chấp nhận được.”
Ông Huy cho biết ngay sau khi biết về vụ việc này vào tối ngày 30/4, ông đã đại diện cho cộng đồng người Việt gửi thư đến trường Trung học Marrickville, thuộc NSW, yêu cầu hiệu trưởng của trường, nơi các học sinh người Việt này được xác định là đang theo học ở đó, để tiến hành điều tra và đưa ra các biện pháp kỷ luật.
Trả lời yêu cầu bình luận của VOA qua email, một người phát ngôn của trường trung học Marrickville hôm 4/5 nói rằng nhà trường đã biết về vụ việc xảy ra hôm 30/4 “liên quan đến các học sinh quốc tế này” của trường.
“Những quan điểm thể hiện trong video này không đại diện cho quan điểm của trường Trung học Marrickville,” người phát ngôn nói và cho biết vụ việc xảy ra bên ngoài khuôn viên của trường. “Cảnh sát đã được thông báo về vụ việc và tất cả các học sinh liên quan đã bị đình chỉ học như một phần của quy trình kỷ luật nghiêm ngặt.”
Theo ông Huy, trường học khẳng định hành động của nhóm học sinh đã đi ngược lại tinh thần hoà hợp và đoàn kết văn hoá của trường nên đã đưa vụ việc qua cơ quan cảnh sát NSW để điều tra và truy tố hình sự.
Trong video mà các học sinh này tự quay rồi đưa lên mạng, nam học sinh, trong khi thực hiện hành động dẫm đạp lên lá cờ vàng, nói rằng mình đại diện cho hơn 90 triệu người dân ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một người dân đang sống ở Hà Nội, blogger Nguyễn Lân Thắng, lại cho rằng hành động này sẽ gây thêm chia rẽ giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, làm cản trở “tiến trình hoà giải dân tộc”. Trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 3/5, ông Thắng, người thường viết về các vấn đề xã hội và dân chủ, kêu gọi Thủ tướng Phạm Minh Chính “xem xét trường hợp thanh niên du học ở Úc vừa gây bão trong cộng đồng kiều bào ở xa tổ quốc” và cho rằng “chỉ cần một hành động nhỏ” cũng có thể khiến “bao nhiêu công lao tuyên truyền, vận động, bao nhiêu cố gắng của các cơ quan ngoại giao, cơ quan thương mại, cũng như các cơ quan hữu trách khác đổ sông đổ bể” trong việc kêu gọi sự đóng góp của kiều bào Việt Nam ở xa tổ quốc.
Lãnh đạo Việt Nam từng nhiều lần gọi kiều bào Việt Nam ở hải ngoại là “khúc ruột ngàn dặm” và người Việt sinh sống ở nước ngoài hàng năm gửi về Việt Nam lượng kiều hối lên đến nhiều tỷ đô la.
Ông Huy cho biết đây là lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở Úc phải đối mặt với một hành vi gây phẫn nộ và tức giận như vậy cho không chỉ người Việt tị nạn ở Úc mà cả ở Mỹ, Canada và châu Âu.
“Chúng tôi muốn thấy một kết quả thật thoả đáng để cho không có những sự việc tương tự xảy ra lần thứ 2,” ông Huy nói. “Điều mà (chúng tôi) mong muốn là phải trục xuất những sinh viên này ra khỏi nước Úc.”
Nhân chuyện Du học sinh Việt Nam dẫm đạp lên lá cờ của chế độ VNCH…
5-5-2021
Câu chuyện vẫn đang rất “hot” trong cộng đồng người Việt Nam sống ở Úc và lan truyền đến các mạng xã hội trên thế giới. Song điều này có đáng ngạc nhiên không?
Theo tôi, loại hành động vô pháp vô thiên này của một số không nhỏ những bạn trẻ Việt Nam hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên hết. Chúng là hậu quả của một nền giáo dục què quặt, nặng tính nhồi sọ, chỉ nhằm đào tạo những con robot biết nói và hành xử theo những khuôn mẫu được lập trình sẵn. Nền giáo dục đó dạy cho họ phải biết căm thù một chế độ đã tàn lụi gần nửa thế kỷ qua, tô vẽ trong con mắt họ hình ảnh không có thật về những nhà tù “địa ngục trần gian”, về những con người từng sống dưới vĩ tuyến 17 trước năm 1975.
Nền giáo dục đó hiện nay hình như vẫn tiếp tục đà tiến của nó theo chiều hướng trên, bất kể dư luận xã hội và những hậu quả tai hại vẫn diễn ra hàng ngày.
Mới đây, tình cờ đọc thấy tài liệu ôn tập về sử-địa cuối năm học 2020-2021 dành cho học sinh lớp 5, những đứa trẻ chỉ mới 10-11 tuổi, mình thật bàng hoàng, nội dung những câu hỏi đó như sau:
1) Nêu tình hình nước ta sau hiệp định Giơ-neo-vơ
2) Đường Trường sơn có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta?
3) Hãy nêu những điểm cơ bản của Hiệp định Pa-Ri về Việt Nam
4) Tại sao nói: ngày 30/4/1975 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc ta?
5) Quốc Hội khóa 6 đã có những quyết định trọng đại gì?
Trởi ạ! Người ta dạy cho lứa tuổi trẻ thơ, nhồi nhét vào đầu óc non nớt của chúng những bài học lẽ ra chỉ phù hợp với tối thiểu học sinh lớp 12 hay sinh viên đại học! Thay vì dạy cho chúng những bài học lễ nghĩa, tuân thủ luật pháp, cư xử đúng mực ở đời, thì người ta dạy cho chúng phân tích hiệp định Gènève, hiệp định Paris…! Điều chắc chắn là ẩn sau những phân tích chính trị đó là sự căm thù “Mỹ – Ngụy”, căm thù một chế độ đã tồn tại khi mà ngay cả phần lớn cha mẹ chúng cũng chưa bước chân đến trường.
Ở lứa tuổi hồn nhiên, vui chơi là chính mà bị nhồi nhét những chuyện lớn lao về lịch sử-chính trị, được dạy phải nuôi dưỡng sự căm thù đối với chính một thành phần đồng bào của mình thì khi bắt đầu trưởng thành, chúng dẫm đạp lên lá cờ biểu tượng của một chế độ từng tồn tại lâu dài trên phân nửa đất nước cũng là chuyện dễ hiểu.
Làm thầy thuốc mà lầm chỉ giết chết một người , làm giáo dục mà lầm sẽ giết chết nhiều thế hệ, và làm băng hoại cả một xã hội đang gượng dậy sau những năm tháng chìm ngập trong khói lửa chiến tranh.
Nhân chuyện xé cờ, dẫm đạp lên cờ, xin có mấy lời thẳng thắn thưa với những người làm công tác giáo dục hôm nay./.
Vụ du học sinh VN ‘đạp cờ vàng’ dưới góc nhìn pháp lý của Úc
- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
Việc du học sinh người Việt tại Úc giẫm đạp lên lá cờ vàng ba sọc đỏ và có phát ngôn được cho là thách thức và gây thù hận sẽ được xử lý như thế nào?
Ngày 6/5, luật sư Trần Kiều Ngọc từ Úc nói với BBC News Tiếng Việt rằng với thông tin giới hạn và không được trực tiếp tiếp xúc với các đương sự nên bà chỉ có thể đánh giá tổng quát rằng du học sinh nói trên có thể đối mặt với một số luật khác nhau, gồm di trú, hình sự và phỉ báng.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự Do Úc Châu, nói với BBC News Tiếng Việt: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhà trường, Bộ Giáo dục và Bộ Di trú. Tôi nhắc đến Bộ Di trú vì ai đến Úc du học đều phải tuân thủ luật pháp và khi cậu này bị đình chỉ học thì đã vi phạm điều kiện visa. Hơn nữa, nếu cậu này muốn xin định cư tại Úc sau khi học thì khi vụ việc này được ghi vào hồ sơ sẽ khó có cơ hội để xin ở lại.”
Ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do ở tiểu bang New South Wales, thông tin với BBC News Tiếng Việt rằng ông đã làm việc với cảnh sát và gửi thông báo cho các dân biểu tiểu bang và liên bang về vụ việc.
Yếu tố pháp lý của vụ việc
Về khía cạnh pháp luật Di trú/visa của trường hợp du học sinh giật và giẫm đạp lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng như có lời lẽ tục tĩu, luật sư Trần Kiều Ngọc, trong phân tích, nhắc đến điều kiện 8303 của visa đến Úc:
“Điều kiện này là: ‘Bạn không được tham gia vào các hoạt động gây rối đối với, hoặc trong bạo lực mà đe dọa gây hại cho, cộng đồng Úc hoặc một nhóm người trong cộng đồng Úc’. Năm 2017, điều khoản 8303 được điều chỉnh để nhấn mạnh rõ và đặc biệt là nó trao quyền cho bộ trưởng hủy bỏ visa của một người khi họ có hành vi bất lợi chống lại các cá nhân trong cộng đồng, nhưng có thể không nhất thiết bị xử lý theo luật hình sự.”
“Các hoạt động này có thể bao gồm ‘ngôn từ kích động thù địch’ công khai hoặc phỉ báng trực tuyến nhắm vào cả nhóm và cá nhân dựa trên giới tính, tình dục, tôn giáo và dân tộc. Bằng chứng do các cơ quan thực thi pháp luật cung cấp về âm mưu gây tổn hại hoặc kích động bạo lực đối với một cá nhân cũng có thể được xem xét theo điều kiện 8303.”
“Nếu cảnh sát hoặc Bộ Di Trú Úc xác nhận rằng cậu trẻ này có vi phạm điều khoản 8303, thì cậu sẽ nhận được một thông báo cảnh báo về dự định hủy visa của cậu từ Bộ Di Trú. Cậu sẽ có cơ hội để cung cấp các lý do vì sao visa của cậu không nên bị hủy.”
Đồng thời, luật sư Kiều Ngọc cũng nêu trường hợp khác là nếu kết quả điều tra cho thấy rằng cậu du học sinh này không vi phạm điều kiện nào của visa thì Bộ Di Trú không có lý do để hủy visa và đuổi cậu về nước được.
“Tuy vậy, đối với một học sinh ngỗ nghịch hoặc có những lời nói không phù hợp cho môi trường học đường, nhà trường có thể có quyền không nhận học sinh ấy học tại trường mình.”, luật sư nhận định.
Bà Ngọc nói thêm rằng, khi một du học sinh bị trường đuổi học thì cần báo với Bộ Di Trú hoặc để tìm một trường mới chịu nhận và điều chỉnh lại visa của mình: “Nếu học sinh này không làm gì cả, Bộ Di Trú sẽ gửi thông báo rằng họ sẽ hủy visa của du học sinh ấy dựa trên lý do là du học sinh đã vi phạm điều khoản 8202 ‘You must remain enrolled in a registered course’, tức phải tiếp tục ghi danh trong một khóa học được thừa nhận.”
Còn theo Bộ luật hình sự tại tiểu bang NSW, người chịu trách nhiệm về hành vi của mình kể từ 10 tuổi và các nghi phạm từ 10 đến 18 sẽ được giải quyết tại Tòa Án Trẻ Em NSW. Khi đưa ra phán quyết thì Tòa Án này buộc phải xem xét lứa tuổi và mức độ trưởng thành của người trẻ trong quá trình quyết định mức án.
Bà Ngọc nói: “Hành vi quấy phá của cậu trẻ này có thể có khả năng bị truy tố vào một hoặc cả hai tội danh: (1) Phá hoại tài sản với mức án cao nhất có thể lên đến từ 5 tới 6 năm tù; hoặc và (2) Gây rối trật tự công cộng với mức án cao nhất là 3 tháng tù hoặc bị phạt tiền.”
“Nói tóm lại, nếu bị truy tố và bị kết tội, thì việc thực thi mức độ hình phạt nặng nhẹ sẽ còn tùy theo phán quyết của tòa. Chỉ trừ khi cậu bị phạt tù trên 12 tháng (điều này khó có thể xảy ra nếu cậu chỉ bị phạt tội làm hư hỏng lá cờ) thì có thể cậu sẽ bị hủy visa và trục xuất khỏi nước Úc vì lý do không đạt đủ điều kiện về mặt đạo đức.”, luật sư phân tích.
Quan điểm của người Việt tại Úc?
Vì việc xảy ra ở tiểu bang New South Wales nên đại diện Cộng đồng Người Việt Tự do ở khu vực này, ông Paul Huy Nguyễn, hy vọng du học sinh trên sẽ bị trừng phạt một cách thỏa đáng theo luật pháp nước Úc để cộng đồng người Việt tại Úc cũng như hải ngoại nói chung không chịu uất ức. “Hình phạt thế nào thì phụ thuộc vào điều tra của cảnh sát cũng như Bộ Di trú và chúng tôi đang làm việc sát sao để có kết quả thỏa đáng,” ông nói.
Ông Paul cho biết đã cung cấp bằng chứng cho cảnh sát và đưa yêu cầu: “Nếu đây chỉ là hành vi tự phát cá nhân, theo sự vô ý thức của cá nhân thì cảnh sát có thể đưa ra hình phạt tương xứng, tức làm mất trật tự an ninh nơi công cộng và làm hư hại tài sản của người khác. Nhưng nếu họ điều tra những lời lẽ của video mà cậu học sinh sử dụng là ngôn ngữ khiêu khích, mạ lị cả cộng đồng thì phải đặt nghi vấn rằng hành động này là cá nhân hay là có tổ chức đằng sau xúi giục. Như vậy, vụ này có tiềm năng gây nhiễu loạn trong xã hội thì hình phạt sẽ nặng hơn nếu bị kết tội. Đây là hướng điều tra mà chúng tôi được cảnh sát thông báo, để giải quyết thỏa đáng vụ việc này.”
“Sau khi chúng tôi liên lạc các bên, ngay lập tức Cộng đồng Người Việt Tự do ở tiểu bang New South Wales nhận được những email, bình luận đe dọa với lời lẽ thô bạo. Riêng tôi và phó chủ tịch đã bị hăm dọa cá nhân tới tính mạng và chúng tôi đã trình báo lên cảnh sát. Chúng tôi nghĩ rằng diễn biến này là một nghi vấn về việc có lực lượng đứng sau cậu này,” ông nói.
Ông Paul cũng cho biết thêm, trên trang Facebook của Cộng đồng, có khoảng 5.000 bình luận chửi rủa, quy chụp Cộng đồng ông là tổ chức khủng bố, phản động chống lại nhà nước Việt Nam.
Ông Paul nói: “Những bình luận này đa phần có giọng điệu, lời lẽ giống nhau, tương tự của đội ngũ dư luận viên mà Cộng đồng đã gặp phải trong những đợt biểu tình, tưởng niệm 30/4. Các tài khoản này cũng không phải là của người thật.”
Còn ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự Do Úc Châu, nói sẽ đáp trả vụ việc này một cách văn minh, theo luật pháp nước Úc: “Hiện bạn du học sinh đang bị tạm đình chỉ và Bộ Giáo dục nói sẽ có biện pháp cứng rắn và đó là kết quả chúng tôi có được. Chúng tôi sẽ liên hệ với bên cựu chiến binh vì tôi nghĩ tiếng nói của họ có ảnh hưởng nhất định. Tôi cũng mong Úc sẽ thông qua đạo luật Magnitsky để chế tài người cộng sản đàn áp tự do, nhân quyền thì nếu có những trường hợp tương tự, nghiêm trọng thì chúng tôi có thể dùng đạo luật này để kiến nghị tước bỏ quốc tịch của gia đình của họ.”
Bà Hoa Nguyễn, một người Việt tại Úc, cho rằng: “Cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu cư xử văn minh, công bằng, phi bạo lực và chính danh. Việc yêu cầu cháu này phải xin lỗi công khai trên truyền thông là cần thiết. Nếu không làm, thì ta tiến hành lấy chữ ký gửi bộ di trú để hủy visa trả về nước theo luật định. Cộng đồng cũng nên ra thông cáo về việc này để cảnh báo với các cháu về hậu quả và ngăn chặn hiệu quả việc tiêm nhiễm của dư luận viên cộng sản làm hại tương lai các cháu ở Úc.”
Luật sư Kiều Ngọc cũng nêu băn khoăn với BBC rằng liệu đẩy mạnh sự việc đi xa, đến mức độ có thể khiến cho cậu trẻ này bị trục xuất ra khỏi nước Úc thì đó có phải là cách giải quyết tốt nhất hay không:
“Dù gì, cậu trẻ này cũng là nạn nhân của một nền giáo dục nhồi sọ, tuyên truyền. Hoặc cũng có thể có động lực chính trị sau lưng, có hệ thống. Nếu chúng ta dồn sức trục xuất một cậu trẻ sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ra khỏi nước Úc, nó có khả năng gây thêm sự uất hận trong lòng những bạn trẻ này. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của các du sinh khác và người trẻ trong nước về cách ứng xử của người Việt hải ngoại. Và đó là điều mà tôi nghĩ Cộng sản VN có thể sẽ lợi dụng tối đa để tuyên truyền kích động.”
“Thiết tưởng, chúng ta có thể nhân cơ hội của trường hợp tiêu biểu này để quảng bá về giá trị và ý nghĩa của cờ vàng đến các em du sinh này. Việc này có thể thực hiện bằng cách sắp xếp một buổi họp mặt giữa nhà trường, các em du học sinh tham gia trong vụ việc giật cờ vàng và phía cộng đồng người Việt. Trong buổi họp này, nếu các em bày tỏ sự hối hận và có một lời xin lỗi chân thành thì tôi tin rằng, người Việt nơi đây sẽ rất bao dung và đón nhận các em,” luật sư Kiều Ngọc nói.
“Với cách thức giải quyết ôn hòa, nhân bản, tuy sẽ không thể xoa dịu được hết nỗi đau về mặt tinh thần ngay tức khắc nhưng cái lợi lâu dài sẽ là phần thưởng vô giá cho công cuộc đấu tranh mà thế hệ tương lai sẽ có cơ hội nhìn thấy được một cộng đồng người Việt tỵ nạn thượng tôn pháp luật, hành xử bao dung và nhân văn,” bà đúc kết.
BBC News Tiếng Việt đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Úc và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney về vụ việc trên nhưng chưa nhận được phản hồi./.
BÀN VỀ KHÍA CẠNH GIÁO DỤC VÀ THẤY GÌ QUA VIỆC DU HỌC SINH GIẬT CỜ VÀNG VNCH Ở SYDNEY
Làm đại diện giáo dục và đại diện di trú cho Úc 13 năm, đây ko phải lần đầu tiên tôi chứng kiến du học sinh từ Việt Nam sang xúc phạm cờ vàng và những giá trị thuộc về VNCH. Trong phạm vi hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, tôi xin chia sẻ dưới đây để giúp mọi người có cái nhìn khách quan với sự việc và cùng nhau tìm cách giúp thế hệ trẻ từ Việt Nam sang có được sự giáo dục tử tế hơn. Đồng thời cùng nhau tìm giải pháp chấm dứt những chuyện như thế này.
1. Bị tẩy não bởi hệ thống giáo dục XHCN, sốc văn hoá với phương Tây và những đụng độ cá nhân có thể xảy ra trước đây với cộng đồng người Việt :
Cháu Thịnh giật cờ này kém con gái tôi một tuổi, chắc mới sang Úc nên thấy vẫn đang học ở lớp tiếng Anh. Úc là quốc gia ôn hòa, tôn trọng nhân quyền và ghét bạo lực. Có những lỗi ở trong trường học sẽ bị phạt nặng. Ở Úc người ta tránh công kích cá nhân, trẻ con được dạy từ bé “nếu ko nói được điều gì tử tế thì im lặng chứ ko được dùng lời nói làm tổn thương người khác. Trong mọi trường hợp phải biết kiềm chế, không được phép dùng vũ lực. Dùng vũ lực để đạt được điều mình muốn là hành vi thấp kém nhất.” Các cháu ở Việt Nam mới sang rất hay mắc các lỗi mà Úc kiêng kỵ này. Đơn cử như nhận xét về một bạn tây học cùng lớp là “béo” và cho là bình thường, (vì ở Việt Nam là bình thường). Nhưng ở Úc, đây là lỗi công kích cá nhân – body shaming,( như bây giờ showbiz Việt cũng bắt đầu sử dụng khái niệm này.)
Môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông của Úc dạy rất khác chương trình Việt Nam vì, họ nói sự thật. Bảo tàng di dân Úc đã có những thước film tư liệu về chiến tranh Việt Nam và di dân đến Úc , người Việt mà xem thì sẽ khóc rất nhiều. Du học sinh, sinh viên không mất tiền vào. Nên vào xem để hiểu được lịch sử nước mình qua con mắt khách quan của quốc tế. Một số dhs nhất là các em học phổ thông trong độ tuổi teen, khi đi du học đã bị sốc ngay lần đầu tiếp nhận sự thật. Cách họ phản ứng lại rất khác nhau- nhưng nhiều cháu quay ra hận thù, có những suy nghĩ y như các cháu ở trường Marrickville HS mà tham gia giật cờ vàng này là “ trường đứng về bên ba sọc”.
Một khía cạnh mọi người tránh nói đến là việc dhs cũng chịu sự bạc đãi từ chủ gốc Việt khi đi làm thuê. Cháu này thấy đăng tin xin đi làm lên hội sinh viên Việt Nam ở NSW cách đây 1 năm. Có một cựu du học sinh Úc thế hệ đầu tiên, hiện là một triệu phú đô la ở Melbourne, đã từng đi làm thuê cho cộng đồng Việt và được trả được lương 2 đô/giờ kèm “thưởng” là những lời mắng chửi “ đồ Bắc Việt khát máu” hàng ngày. Cuối cùng sức chịu đựng có hạn, anh này đã nghỉ việc. Anh ấy sau này đã thông cảm cho chủ. Anh ấy đã vượt qua trải nghiệm cá nhân buồn đó để không hành xử ăn thua với những người chủ gốc Việt. Nhưng không phải ai cũng hiểu và vượt qua được như vậy. Các cháu càng nhỏ thì lại càng khó vượt qua, cuối cùng chỉ “oán đổi dài dài”.
2. Vai trò của gia đình trong giáo dục con em
Cha mẹ nào mà không yêu thương con, nhưng không phải cha mẹ nào cũng có khả năng giáo dục con mình.
Mỗi khi cha mẹ của một dhs hỏi tôi kinh nghiệm để chuẩn bị cho con họ lên đường đến Úc, tôi rất vui. Có những cha mẹ rất cẩn thận. Họ dặn dò con họ kỹ lưỡng trước khi đi du học, rằng không được hỗn hào, gây gổ với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, những người đã bị cộng sản truy bức phải bỏ tổ quốc ra đi, chịu bao tang thương bất công. Có những người họ dặn con họ, yêu tổ quốc không phải là yêu cộng sản. Hãy đứng ngoài mọi vấn đề tranh cãi chỉ tập trung vào việc học. Chứng kiến chuyện đấy tôi rất cảm động. Nhưng cũng có những cha mẹ chỉ lo làm ăn đánh quả, tin rằng “ có tiền là có tất cả”. Con cái họ là phản ánh lại cách hành xử của họ. Thường con cái họ cũng không thành đạt ở Úc. Kể cả gia đình thu xếp tìm cách cho ở lại thì cũng tự mình cô lập khỏi vòng xã hội ở Úc, không thực sự có bạn bè bản địa hay tham gia được vào mạng lưới xã hội ở đây.
3. Vai trò của bạn bè
Những cháu được dạy dỗ tử tế và cha mẹ khuyến khích tự lập, tự tìm hiểu thế giới thì không gặp vấn đề gì trong kết bạn ở Úc. Thường các cháu thâm nhập và quen với cuộc sống bên này rất nhanh. Còn những cháu không có vốn xã hội, không tự lập và được nuông chiều ở Việt Nam thì thường cô độc và không có bạn bè tốt. Bạn bè rủ rê kích động nhau ở tuổi teen, cộng thêm không có sự bảo ban, quản lý từ cha mẹ, cộng thêm sự tự do ở Úc khiến dễ “yêng hùng”. Có những hội nhóm con nhà giàu, thuê chung nhà ở chung, đánh điện tử từ sáng đến đêm, không đi học, thỉnh thoảng ra đường đi chợ Việt ăn quán Việt cả đám với nhau đờ đẫn như “người rừng”. Cha mẹ ở Việt Nam, tất nhiên, không hay biết gì hết.
4. Tác động của những nhóm dlv cộng sản vươn tầm xa bơm thêm thù hận
Tôi có đọc tuyên bố của nhóm DLV47 kêu gọi ĐSQ Việt Nam can thiệp cho cháu này; tôi cười suýt sặc. Cháu này không phải nhân viên ngoại giao hay đại diện cho chính phủ Việt Nam. Hành động của cháu này vi phạm luật và các giá trị Úc (khi xin visa, các cháu đã phải cam kết tôn trọng các giá trị Úc nhưng chả mấy cty du học của Việt Nam giải thích cho các cháu biết là cái gì). Đại sứ quán Việt Nam hiểu rõ lập trường quan điểm của Úc trong việc ứng xử với lịch sử và cộng đồng. Chính phủ Úc thậm chí đã duyệt chi kinh phí nhiều triệu đô la để xây bảo tàng người Việt ở Úc. Trong chính trường Úc, nhiều chính trị gia là từ nền tảng Việt Nam Cộng Hòa. Người Việt khi xưa đi tị nạn sang Úc chỉ có bộ quần áo vắt trên người, nhưng họ có nghị lực mạnh hơn cái chết, có xuất phát điểm ở tự do bát ngát nên khi có cơ hội ở một xã hội có sự dịch chuyển xã hội (social mobility), có sự thăng tiến xứng đáng với năng lực, họ trở nên thành đạt. Ở Việt Nam chỉ có con các quan chức cộng sản là đường quan lộ thênh thang, con em nông dân công nhân (những giai cấp mà họ đã lợi dụng) còn lâu mới được đổi đời!
Nguy hiểm là những ngôn từ và mồi câu của bọn dlv này lại trúng mong ước của các cháu “được nổi tiếng, được quan trọng, được công nhận “ nhân danh “yêu nước”. Chúng lừa đảo bọn trẻ con đáng thương, đến khi bị trục xuất về Việt Nam, sống ở Việt Nam 1-2 năm mới nhận ra- lúc đó cay đắng tràn trề, dễ sa vào tệ nạn xã hội.
( Về vụ hù dọa lại những người đại diện cộng đồng Việt ở đây, mấy nick mà anh Tuan Le post chửi tục tĩu bậy bạ đó – chắc chắn là dư luận viên và hội bạn bè hư hỏng. Viet gangster ở Úc chả hơi đâu mà đi tham gia “bảo vệ bọn cộng sản con gây sự”. Giang hồ càng phải thấu tình đạt lý , bởi đụng đến gươm đao là nguy hiểm cho cả đôi bên nên phải cân nhắc. Thằng nhóc này đâu có cỡ gì đâu. Người thân làm chủ một quán bar chả nói lên điều gì cả. Một giang hồ Việt ở Úc khi được nhờ đi đòi giúp món nợ đã từng rút tiền đưa cho người nhờ nói “ nếu chỉ là 50,000 thì hãy cầm lấy- đụng đến mạng người ở đây ko dễ thế”. Giang hồ ở đây có não.)
5. Chiến lược xa hơn của cộng sản đối với các cộng đồng người Việt ở hải ngoại
2 năm nay Hội Sinh Viên Việt Nam ở Úc đã vất vả chống chọi với sự phá hoại của dlv từ Việt Nam. Lôi kéo theo không được thì phải tìm mọi cách phá. Đầu tiên là làm member, sau đó post và comment các ý kiến ủng hộ cộng sản Việt Nam. Hội Sinh Viên tất nhiên là ko phải chỗ để tuyên truyền chính trị nên họ xiết chặt lại thủ tục đăng ký, phải chứng minh được là dhs ở Úc mới được đăng ký – thế là lòi cái đuôi dlv ra. Họ cho bot xóa tự động các comment gây chia rẽ , tuyên truyền cho cộng sản vào trang hội của họ.Thấy một hội sinh viên hơn 63 ngàn thành viên không ủng hộ mình thì quay ra lập các hội giả hội sinh viên, ăn cắp thông tin, logo, hình ảnh từ bên hội này đắp sang hội kia lừa các cháu khác mới sang. Ngoài ra, cộng sản phân công chi bộ cộng sản ở Úc chọn các cháu du học sinh có tiềm năng để làm cảm tình viên, hứa hẹn tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, hỗ trợ các cháu này tiến lên chiếm các vị trí quan trọng trong hội sinh viên, nếu ko được thì ứng cử trở thành chủ tịch hội sinh viên một trường (ví dụ trường ĐH Latrobe).Thỉnh thoảng kéo nhau lên ĐSQ chụp ảnh.
Cộng đồng người Việt ở Úc tính cả du học sinh là hơn 1 triệu , tương đương cộng đồng người Việt ở Pháp. Ở Mỹ là đông nhất, nhưng hiện tại hoạt động yêu nước diễn ra ở Úc và Châu Âu mạnh mẽ hơn, do cộng đồng người Việt ở Mỹ bị chia rẽ vì nhiều thứ. Một cộng đồng người Việt khác đang lớn mạnh với nửa triệu người ở Đài Loan, đất nước tự do dân chủ bậc nhất châu Á! Cộng đồng người Việt ở hải ngoại tính tổng cộng đã trên 6 triệu người và còn tăng nữa , do tình hình kinh tế chính trị xã hội Việt Nam ngày càng kém nên nhiều người vẫn tiếp tục ra đi. Nhận thấy sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đảng cộng sản Việt Nam đã thực thi chính sách “cảm tình viên” để phá hoại từ bên trong.
Cục C2 Tình Báo Quốc Phòng Việt Nam đã lập cơ sở ở Melbourne. Đặc tình của họ chưa hoạt động đã lộ. Nhưng việc họ ngang nhiên tuyên truyền “yêu nước là yêu Đảng” ở Melbourne cho thấy sự bành trướng công khai của họ mà cộng đồng chúng ta nên xem xét nghiêm túc. Chúng ta đã phải rời bỏ Tổ Quốc ra đi tìm tự do mà họ còn theo tới tận bên này, chúng ta không thể để yên được.
6. Cơ hội giáo dục và gửi thông điệp đáp trả của cộng đồng người Việt
Việc cháu bé giật cờ vàng đặt cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu vào một thế vô cùng nhạy cảm. Tuy nhiên chỉ là bài test đầu tiên cho chúng ta trước khi bị tấn công ồ ạt. Chúng ta cần biến nó thành “tương kế tựu kế”. Cộng đồng ta cư xử văn minh, công bằng, phi bạo lực và chính danh. Việc yêu cầu cháu này phải xin lỗi công khai trên truyền thông là cần thiết. Nếu không làm, thì ta tiến hành lấy chữ ký gửi bộ di trú để hủy visa trả về nước theo luật định. Cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu cũng nên ra thông cáo về việc này để cảnh báo với các cháu về hậu quả và; ngăn chặn hiệu quả việc tiêm nhiễm của dlv cộng sản làm hại tương lai các cháu ở Úc.
7. Kết luận
Tất cả chúng ta đều cần thời gian để có thể học và thay đổi.
Khi bị xúc phạm và tổn thương bởi ai đó, điều đầu tiên cần cân nhắc là mục đích hành động của kẻ thủ phạm. Chính là để chúng ta mất kiềm chế, nổi điên, dẫn đến nhiều hành động sai lầm sau đó. Cộng sản là cao thủ về ma giáo và bậc thầy về điều khiển tâm lý các đối tượng chịu sai khiến. Nhiều người bị họ điều khiển mà không hề biết cho đến tận khi chết. Họ luôn nhân danh “ yêu nước” để làm những điều phản quốc ngay trên đất nước mà gần 100 triệu dân vẫn có rất nhiều người ủng hộ họ. Dùng một đứa trẻ để mà châm ngòi vào ngày 30 tháng 4 năm nay, khi trong nước không khí trầm lắng và nhiều quan chức bắt đầu bỏ cụm từ “ giải phóng miền Nam” thành “ ngày Thống Nhất” —> cho thấy sự quyết dùng hạ sách kích động, nói lên nhiều điều về thể chế của họ lúc này.
Cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại hãy đoàn kết và sáng suốt trước cộng sản./.
Dương Đức Thịnh và ‘ta’ vẫn… nín!
Trân Văn
11-5-2021
“Ta” vẫn… nín, chưa nói tiếng nào về trường hợp Dương Đức Thịnh và bạn bè của cậu.
Thịnh từ Việt Nam sang Úc học trung học ở Marrickville High School (ngoại ô thành phố Sydney, tiểu bang New South Wales) cùng với vài người bạn đã bị buộc thôi học và đang chờ cả hệ thống tư pháp lẫn hệ thống di trú Úc đưa ra những quyết định cuối cùng: Có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Có trục xuất về Việt Nam hay không?
Thịnh và bạn bè của cậu lâm nạn vì dịp 30 tháng 4 vừa qua đã giựt quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa vứt xuống đất, giẫm lên, đòi đốt, kèm theo nhiều lời nguyền rủa thô tục (1). Cả nhóm gặp rắc rối khó lường chỉ vì tin những hành động ấy là đúng đắn, cần thiết! Không phải tự nhiên những bạn trẻ này ghi hình và đưa video clip lên mạng xã hội!
Thịnh và bạn bè đã… nín nhưng nhiều người suy nghĩ giống Thịnh và bạn bè cậu thì chưa. Không ít người bày tỏ sự tự hào về hành động của Thịnh. Có người khuyến khích các du học sinh nên… tiếp tục phát huy. Rất nhiều người tin rằng “ta” sẽ sớm thông qua hệ thống ngoại giao của “ta” bảo vệ những bạn trẻ dũng cảm (2)…
Nếu chịu khó đọc những ý kiến ủng hộ Thịnh và bạn bè của cậu ắt sẽ nhận ra những điểm tương đồng trong nhận thức giữa Thịnh và bạn bè với các cá nhân ủng hộ họ: Thứ nhất, không có bất kỳ ai cùng khuynh hướng nhận thức với Thịnh và bạn bè hiểu rằng văn minh là phải tôn trọng sự khác biệt, chà đạp, hủy hoại khác biệt được xem là tất nhiên.
Thứ hai, những người khen ngợi Thịnh và bạn bè không chỉ tin “ta” là… “chính nghĩa” mà còn tin vào… “vị thế”, vào… “sức mạnh” của “ta”, chỉ cần trung thành với “ta” là có thể nhân danh 90 triệu người Việt, thậm chí một số người ủng hộ Thịnh, kêu gọi các du học sinh bắt chước Thịnh còn khẳng định sẽ có… 100 triệu người Việt làm hậu thuẫn!
Vậy thì tại sao “ta” vẫn… nín?
***
Thịnh và bạn bè không phải là những người đầu tiên… học và làm theo “ta” lâm nạn…
Tin vào… “chính nghĩa” của “ta”, ông Hồ Ngọc Thắng – nhân viên cơ quan di trú Đức (BAMF) – đã dùng facebook chỉ trích nhiều nơi, nhiều người dám cáo buộc “ta” bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (3) và bị BAMF sa thải bởi nhận định thiếu khách quan. Tuy ông Thắng kiện BAMF ra tòa nhưng sau khi hòa giải BAMF vẫn không chấp nhận để ông Thắng quay lại làm việc, chỉ đồng ý trả cho ông một khoản trợ cấp để ông nghỉ hưu sớm và đi tìm việc khác nếu muốn (4). Dù sao ông Thắng vẫn còn may mắn hơn ông Nguyễn Hữu Long – một người Việt sống tại Czech. Tin vào… “vị thế”, “sức mạnh” của “ta”, ông Long hỗ trợ “ta” bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và giờ đang thi hành án tù của Đức (5).
“Ta” không chỉ nín khi những người hết lòng vì “ta” ở bên ngoài Việt Nam lâm nạn. Ở bên trong Việt Nam, khi cần, “ta” còn sẵn sàng… “đập chết, ăn thịt” những người hết lòng vì “ta”. Ông Bùi Tiến Lợi (Thượng tá, Chủ nhiệm Bộ môn CNXH khoa học thuộc khoa Khoa học xã hội và Nhân văn của trường Sĩ quan Công binh) là một ví dụ…
Tháng 7 năm ngoái, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN đã bác khiếu nại của ông Lợi, giữ nguyên quyết định khai trừ ông Lợi ra khỏi đảng của tổ chức đảng cấp dưới vì suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá đảng, nhà nước (6).
Nếu chịu khó theo dõi các diễn đàn điện tử và các trang trên mạng xã hội chuyên… hộ đảng, bạn ắt phải biết ông Lợi – một trong những nhân vật nhiệt thành chống cả phản động lẫn những phần tử cơ hội chính trị, song năm 2018, ông Lợi đột nhiên bị Đảng ủy trường Sĩ quan Công binh: Loại khỏi Lực lượng 47 của nhà trường (7).
Tuy nhiên quyết định vừa kể không làm ông Lợi chùn bước, ông tiếp tục viết bài, làm video clip, tiếp tục “tả xung, hữu đột” chống việc gọi “ngụy” là Việt Nam Cộng hòa, chống tôn vinh Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông. Trong một video clip thực hiện năm 2019, ông tuyên bố, đại ý: Đừng bao giờ nghĩ rằng cứ có các dữ liệu lịch sử thì có thể ‘vơ’ đảo, lãnh hải, thềm lục địa đó là của mình… Ai đó nói rằng biển Đông, Trường Sa là của Việt Nam thì đó là tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế (8)… Đó cũng là lý do ông phê phán khuynh hướng thay đổi nhận định về “ngụy” là… lật sử, là mị dân và… người ta biết cả, làm sao giấu được!
Tới mức này thì “ta” thẳng tay tống ông Lợi ra khỏi đảng, thậm chí còn nhấn mạnh ông Lợi đã để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá đảng, nhà nước. Làm sao “ta” có thể giữ ông Lợi trong đảng khi ông khẳng định, tuyên bố: Nếu nói rằng biển Đông, Trường Sa là của Việt Nam thì đó là tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế chính là …theo định hướng: Đó là phát ngôn có thông tin chính thống. Chúng tôi được tập huấn và đã từng giảng dạy bốn, năm năm nay. Tuy nhiên chỉ vì sơ suất là không đúng đối tượng có mấy chục giây thôi, tôi phải lãnh “án” mà bản thân tôi chưa bao giờ hình dung và trên thế giới người ta không bao giờ tưởng tượng được là đến mức độ như vậy (9)…
***
Nhận thức, hành động của Thịnh và bạn bè hoặc những người như ông Thắng, ông Long, ông Cường,… là hệ quả tất nhiên của việc… học, làm theo… “ta”. Chỉ ở “ta” mới có chuyện… quần chúng tự phát được khuyến khích và có thể tự do nhục mạ, hành hung những cá nhân công khai bày tỏ sự khác biệt với những thứ được dán nhãn… “chính nghĩa”, dẫu “chính nghĩa” thường xuyên thay đổi, thậm chí lộn ngược về chuẩn mực.
Cũng chỉ ở “ta” mới xem “tự chuyển hóa” về nhận thức, tự điều chỉnh về hành vi (mà ta gọi là… “tự diễn biến”) là xấu xa, các diễn biến cho dù ôn hòa vẫn phải đuổi cùng, diệt tận. Chỉ có điều kiểu bảo vệ “chính nghĩa” như trộn bùn với nhớt rồi đem đổ vào nhà những phần tử “thù địch, phản động” không những không hợp nhãn mà còn không hợp pháp với phần còn lại của nhân loại. Thành ra nếu “ta” có lớn giọng thì chỉ lớn giọng bên trong biên giới. Ở bên ngoài, lớn giọng như thế không thể làm bạn với tất cả nên ta… nín!
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/groups/235106643790089/permalink/804675546833193/
(4) https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/su-that-da-duoc-chung-minh-322628
(7) https://www.facebook.com/401392156576802/photos/pcb.2256928094356523/2256906547692011/
(8) https://www.facebook.com/watch/?v=464534664309408
(9) https://www.youtube.com/watch?v=3ipKjrXtxkI
Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Australia – NSW Chapter
Thông báo Số 3 – cập nhật thông tin về việc du học sinh nhục mạ cờ vàng tại Marrickville NSW.
Sau khi nhận được sự ủng hộ của nhiều dân biểu cấp tiểu bang và liên bang về việc nhục mạ cờ vàng tại Marrickville, Bộ trưởng Cảnh sát NSW ông David Elliott đã điều động đơn vị Chống khủng bố và hận thù (Counter Terrorism & Hate Crime Unit) vào cuộc điều tra.
Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện cùng đơn vị tại văn phòng cộng đồng ngày 11-05-2021. Vụ việc tại Marrickville không đơn giản là một hành động phá rối nơi công cộng hay phá hủy tài sản, mà nghiêm trọng hơn và hành vi công khai đe dọa, kích động bạo lực vì lý do chủng tộc, chính trị và nguồn gốc sắc tộc.
Hôm 12-5-2021, cảnh sát đã thông báo với chúng tôi là Đồn Trưởng (Superintendent) của Inner West Police và Fairfield Police đã được chỉ thị mở hồ sơ và xem xét vụ việc cờ vàng theo khía cạnh tội ác hận thù (Hate Crimes) chống lại người Việt Quốc Gia tại NSW. Đơn vị Chống khủng bố và hận thù sẽ tiếp tục làm việc cùng cảnh sát địa phương để giải quyết vấn đề thật thích đáng.
Thỉnh nguyện thư online của Cộng đồng người Việt Nam tại Australia – NSW Chapter (CDNVTD NSW) đã nhận được gần 10,000 chữ ký trong 5 ngày. Chúng tôi sẽ gởi các chữ ký đến Bộ Trưởng Di trú yêu cầu xem xét lại chiếu khán tạm trú của tất cả các học sinh liên quan đến vụ việc trên. Sự hiện diện của các cá nhân này có thể, hoặc sẽ có thể là một nguy hại đoán trước đối với sự an toàn và trật tự tốt đẹp của một cộng đồng tại Úc. Do đó chúng tôi yêu cầu Bộ Trưởng Di trú thực hiện quyền tổng trưởng hủy chiếu khán của những cá nhân này.
Bộ Sắc Tộc NSW cũng đã lên tiếng trên truyền thông và lên án vấn đề hận thù sắc tộc. Lời nói căm thù, đe dọa và miệt thị người khác dựa trên văn hóa, nguồn gốc chủng tộc là không thể chấp nhận.
Việc bày tỏ sự căm ghét đối với một nhóm người chỉ vì họ thuộc một cộng đồng là tội ác. Nước Úc sẽ luôn hành động vì lợi ích tốt nhất, mang lại sự an toàn và cuộc sống bình đẳng cho tất cả người dân. Mọi hành động khiêu khích, kích động bạo lực sẽ không được dung túng.
Dân biểu tiểu bang NSW, vùng Fairfield, ông Guy Zangari đã ghi nhận ngày Quốc Hận 30 Tháng 4 tại Quốc hội NSW vào ngày 5 tháng 5, 2021 vừa qua.
Quan trọng hơn hết, dân biểu liên bang, vùng McMahon ông Chris Bowen đã phát biểu tại Quốc hội liên bang về vụ việc cờ vàng hôm 12 tháng 5, 2021. Ông nói, mặc dù lá cờ vàng đã không còn đại diện cho một quốc gia từ năm 1975, nhưng đây là cá cờ luôn được tôn trọng tại Úc. Đây là lá cờ mà đa số người dân xem như đại diện cho tự do và dân chủ. Đây là lá cờ mà quân đội Úc đã cùng chiến đấu và hy sinh.
Đây là lá cờ được đặt trên huy chương của quân đội Mỹ và quân đội Úc. Đây là lá cờ được rất nhiều chính quyền địa phương công nhận, bao gồm cả thành phố Fairfield NSW. Các đại diện chính phủ đã vinh danh lá cờ này trong rất nhiều chương trình cộng đồng, chẳng hạn như trong dịp Tết Nguyên Đán. Lá cờ này đã bị sỉ nhục một cách bạo lực và chà đạp lên. Đây là một hành động đáng khinh.
Ông khẳng định sẽ đứng về phía CDNVTD NSW. Đây là lá cờ đại diện cho tự do dân chủ, mà quân lính Úc đã cùng chiến đấu, và rất nhiều người Việt đã hy sinh. Tất cả những hành động bạo lực nhằm sỉ nhục lá cờ cần được chính quyền Úc và cảnh sát xem xét một cách nghiêm khắc – https://www.youtube.com/watch?v=I9zsEdlq-tk
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc và cập nhật đến quý đồng hương các thông tin mới.
***
Du học sinh trường Marrickville phá cờ Vàng bị đình chỉ học tập
Tối ngày 03 tháng 5, 2021, hiệu trưởng trường trung học Marrickville đã thông báo toàn bộ nhóm học sinh tham gia vào việc nhục mạ cờ vàng đã bị đình chỉ học tập ngay lập tức, và đang chờ đợi các quyết định kỹ luật nghiêm khắc từ phía nhà trường.
Trường học khẳng định hành động của nhóm học sinh đã đi ngược lại tinh thần hòa hợp và đoàn kết văn hóa của trường. Trường học sau đó đã đưa vụ việc qua lực lượng cảnh sát NSW điều tra và truy tố về hình sự.
Trước đó, cộng đồng mạng xã hội tại Úc phản ứng mạnh về video với những lời lẽ thô tục của một thanh niên mặc đồng phục học sinh, được nói là của trường trung học Marrickville ở Sydney, đã gỡ lá cờ vàng biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do tại Úc, sau đó dẫm đạp và buông một số lời lẽ thô tục.
Đây là trường hợp hy hữu xảy ra tại Úc và đúng dịp tưởng niệm biến cố tháng Tư.
VNTB (13.05.2021)
Chuyện bên lề
Cờ vàng, cờ đỏ: Cuộc chiến ‘chưa kết thúc’ trong người Việt
- Bùi Văn Phú
- Gửi đến BBC Tiếng Việt từ California
Sự kiện một em du sinh từ Việt Nam sang Úc, đang học cấp 3 trong một trường ở khu vực Sydney, trong dịp 30/4 vừa qua khi thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên đường phố, em này đã giật xuống, dẫm chân lên, cùng lúc có những lời phát biểu tục tĩu để nhục mạ lá cờ đó.
Sau khi đoạn phim ghi hình ảnh của sự kiện được đưa lên mạng, cộng đồng người Việt tại Úc đã chính thức lên tiếng phản đối và yêu cầu giới chức trách nhiệm xử lý. Phía ủng hộ em học sinh này, là những người cũng chống đối cờ vàng, đa số là thành phần dư luận viên, đã ào ạt tấn công và đe doạ những người đại diện cộng đồng người Việt tại Úc.
Việc em học sinh bên Úc nhục mạ lá cờ vàng, nhiều tranh luận đã được đưa ra, tập trung là phương diện pháp lý, là về quyền tự do phát biểu theo hiến pháp và luật pháp Úc.
Sự việc đang được các giới chức thẩm quyền điểu tra và sẽ có những quyết định trong những ngày tới.
Tôi không hiểu về luật pháp Úc, nên chỉ theo dõi và chờ đợi xem kết quả ra sao.
Ở đây xin nhắc đến vài trường hợp liên quan đến biểu tượng cờ trong xã hội Mỹ, theo tinh thần luật pháp Hoa Kỳ.
Các đây vài năm Đức Dalai Lama đến Berkeley thuyết giảng và có rất đông người đến dự, vì ngoài là người lãnh đạo tâm linh của Phật giáo, Ngài là lãnh đạo tinh thần của dân Tây Tạng (Tibet), một vùng đất đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1951, khiến Đức Dalai Lama và nhiều người dân phải bỏ đi, ra nước ngoài sinh sống.
Chính quyền Bắc Kinh hiện nay cấm dân treo cờ Tây Tạng trên đất nước một thời được xem như của của họ, ai vi phạm sẽ bị bắt giam, bị tù. Bắc Kinh cũng luôn lên tiếng phản đối và cảnh báo hậu quả cho lãnh đạo các nước khi đón tiếp Đức Dalai Lama.
Hôm Ngài đến Berkeley, thành phố cho kéo cờ Tây Tạng lên cột cờ thành phố để chào đón.
Hai buổi nói chuyện của Đức Dalai Lama với cả vạn người đến nghe. Bên ngoài có nhiều người tập trung biểu tình phản đối với nhiều lý do khác nhau.
Tại buổi nói chuyện ngoài trời ở Greek Theater của Đại học Berkeley có người Hoa mang cờ đỏ với 5 sao vàng đến phản đối. Có người gốc Tây Tạng mang bích chương, biểu ngữ đòi tự do cho “Free Tibet” đến ủng hộ.
Hai người Hoa giương cờ Trung Quốc, rồi một anh lấy trong bịch của anh ta ra một lá cờ Tây Tạng, vất xuống đất dẫm chân lên và nhổ nước bọt vào.
Hai người Tây Tạng thấy thế cúi xuống giật lá cờ khỏi chân người Hoa và bị anh giằng lại. Hai bên kéo lá cờ Tây Tạng qua lại, lớn tiếng cãi nhau khiến cảnh sát phải đến can thiệp.
Anh thanh niên Tây Tạng phân trần rằng hành động của người Hoa là làm nhục lá cờ đó. Cảnh sát giải thích là việc làm của anh người Hoa không có gì vi phạm pháp luật, trừ trường hợp đốt cờ, anh ấy sẽ bị biên phạt.
Cảnh sát còn nói cho anh chị người Tây Tạng biết là họ không được lấy đồ vật của người khác, nếu không tuân thủ luật pháp thì sẽ bị biên phạt.
Mấy người Hoa lại tiếp tục giương cao cờ Trung Quốc, lấy chân dẫm lên, nhổ nước bọt vào cờ Tây Tạng.
Vài người Mỹ đang xếp hàng chờ vào nghe diễn thuyết tỏ ra không bằng lòng với những hành động đó, nói với hai thanh niên người Hoa là không nên làm như thế. Nhưng họ tiếp tục chà đạp lá cờ biểu tượng của Tây Tạng.
Một người đàn ông Mỹ xếp hàng trước tôi nói với một người bạn: “Chinese are nice people. When talking about Tibet they get angry and become very irrational” – Người Hoa dễ thương, nhưng khi đề cập đến Tây Tạng, họ nổi giận và trở nên mất lí trí.
Chuyện thứ hai là về lá cờ nhiều mầu đại diện cho giới đồng tính tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.
Năm 2019, một người Mỹ tên Adolfo Martinez, 30 tuổi, cư dân tiểu bang Iowa, là một người có đầu óc căm ghét người đồng tính nên đã giật một lá cờ của người đồng tính đang treo trước cửa một nhà thờ và đem đốt. Vì hành động này Martinez đã bị toà xử án tù 15 năm, vì hành vi của anh mang tính căm ghét người đồng tính.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã có phán quyết cho việc đốt cờ Mỹ là không vi phạm luật pháp, nếu lá cờ đó là tài sản của một cá thể và việc đốt cờ là để thể hiện quan điểm chính trị của mình.
Tuy nhiên luật Mỹ ngăn cấm và trừng phạt những ai có hành vi mang tính biểu lộ sự kỳ thị hay phản ánh lòng căm ghét người khác vì không cùng giới tính, mầu da, sắc tộc, tôn giáo.
Chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ ở hải ngoại
Chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ ở hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, Úc và Canada là nơi có đông người Việt tị nạn cộng sản sinh sống, nơi có nhiều chính quyền địa phương đã công nhận lá cờ vàng là di sản của người Việt tị nạn cộng sản.
Riêng tại Hoa Kỳ, trên 50 đơn vị hành chánh từ tiểu bang, quận hạt và các thành phố có đông cư dân gốc Việt thì giới chức chính quyền, các vị dân cử đều biết đến biểu tượng này. Trong các sinh hoạt cộng đồng, lễ tết của người Việt đều có cờ vàng tung bay.
Hôm 6/1 vừa qua, khi có biểu tình và tấn công vào trụ sở Quốc hội Mỹ để phản đối kết quả bầu cử tổng thống 11/2020, một số người Việt tham gia biểu tình đã đem theo cờ vàng. Bức hình với lá cờ vàng phất cao trước Điện Capitol đã được truyền đi khắp thế giới.
Đã có rất nhiều ý kiến phản đối hành động đem theo cờ vàng trong vụ xuống đường hôm 6/1. Đây cũng là một bài học cho những ai không sử dụng lá cờ vàng cho đúng cách, đúng lúc.
Ngày 30/4/1975 chiến tranh giữa hai phe quốc gia và cộng sản tại Việt Nam chấm dứt, với kết quả phe quốc gia đầu hàng phe cộng sản. Lá cờ vàng không còn được công nhận trên đất nước Việt Nam nữa.
Trong nước Việt Nam ngày nay, người dân nào đưa ra hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ sẽ bị công an bắt giam và bị xử án tù.
Nếu sau ngày 30/4/1975, phe chiến thắng đã có những chính sách mang lại sự hoà giải quốc gia, đối xử nhân bản với bên thua trận, thay vì cải tạo học tập, càn quét và thiêu huỷ văn hoá miền Nam, đánh tư sản mại bản, thì đã không có hàng triệu người bỏ nước ra đi và người Việt sẽ chẳng mấy còn nhớ đến một đất nước của quá khứ, tuy chưa hoàn toàn tự do dân chủ nhưng so với Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì người dn đã được tự do hơn bây giờ rất nhiều./.
Tác giả Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.
Hơn hai tuần qua, một số người Việt khắp nơi, đặc biệt tại Úc, trông có vẻ bị cuốn vào sự kiện một sinh viên du học tại tiểu bang NSW đã kéo cờ vàng xuống, giẫm lên lá cờ và nói những lời đầy thách thức đối người Việt tị nạn cộng sản. Người du sinh Dương Đức Thịnh này lại được sự hưởng ứng của các bạn mình.
Nhiều cơ quan truyền thông Việt, Cộng Đồng người Việt tại NSW và khắp Úc, các tổ chức người Việt khắp nơi, và bao nhiêu cá nhân, trong lẫn ngoài nước, đã bày tỏ quan điểm trên Facebook hay các diễn đàn khác, về đề tài này. Tôi dự định không viết về đề tài này, một phần vì nghĩ quá nhiều người đã nói rồi. Vả lại chắc mình cũng không có gì hay ho hoặc mới lạ để chia sẻ. Trong khi đó chuyện cờ bấy lâu nay vẫn là đề tài gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc.
Nhưng vấn đề cờ Vàng nói riêng, hoặc lá cờ nói chung, chắc sẽ không dừng lại ở đây. Điển hình là trong khi Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tại NSW, và các tiểu bang khác đang tìm cách giải quyết sự việc này với các cơ quan công quyền tại NSW và liên bang Úc, thì lại có bao sự chụp mũ, vu khống với một số những người khác, chỉ vì khác quan điểm. Tinh thần trao đổi, thảo luận hay tranh luận bằng sự tương kính và tôn trọng khác biệt thì hoàn toàn không có, mà chỉ thấy toàn sự phỉ báng và chụp mũ. Chẳng hạn trường hợp của luật sư Trần Kiều Ngọc. Cô Kiều Ngọc đã trình bày vấn đề pháp lý về trường hợp này, và phương pháp tiếp cận vấn đề, trong phỏng vấn với BBC, và trên Facebook của cô. Về mặt pháp lý thì cái nhìn của cô cũng không khác bao nhiêu so với các ý kiến của luật sư Philip Chan và Andie Lam được phỏng vấn trên SBS. Thay vì lắng nghe các ý kiến này, hay phản biện lại bằng chính kiến của mình, người ta lại đội nón cối lên cô, chửi mắng cô không còn gì, hay đặt nghi vấn rằng cô… thuyết khách cho cộng sản v.v…
Cờ, lẽ ra một biểu tượng đoàn kết dân tộc, nhưng lại trở thành sự chia rẽ nhức nhối nhất, trong suốt bao thập niên qua.
Không phủ nhận có người yêu chuộng cờ và sống chết vì cờ, vì những giá trị lá cờ đó đại diện. Nhưng cũng có bao người núp dưới lá cờ cho mục tiêu không chính đáng, nếu không phải là trí trá, tồi tệ. Họ mong được sự phù hộ của nó, để đạt cho được mục tiêu chính trị của mình.
Dường như đối với một số người, yêu cờ là yêu nước. Thật vậy không?
Hiện tượng này không chỉ riêng Việt Nam, mà diễn ra khắp nơi.
Nhưng có lá cờ nào có thể đủ lớn để che giấu được bộ mặt thật của những kẻ đội lốt chính trị, tôn giáo, hay văn hóa, trong khi hành động của họ, rõ ràng đi ngược lại những gì lá cờ đó đại diện? Có lá cờ nào đủ lớn để bao phủ những mối nhục của một dân tộc mà quá khứ đã từng hãm hại nhau, giết chóc nhau, nhân danh ý thức hệ này kia, để chiếm đoạt và duy trì quyền lực bằng mọi giá? Có lá cờ nào đủ lớn để người ta nhân danh nó, để rồi tiếp tục bóp méo lịch sử, bóp nghẹt ngôn luận, bóp nát trái tim của những người mẹ Việt Nam, bỏ tù những người con hiếu thảo của mình?
Nhìn thấy tình hình chính trị tại Thái Lan trong những tháng ngày qua, những tội ác đang diễn ra trước mặt mình, khoan nói quá khứ, một bình luận viên của cơ quan truyền thông Thai Enquirer Cod Satrusayang viết một bài tựa đề: “Không có lá cờ nào đủ lớn để che giấu sự xấu hổ của chúng ta”.
Việt Nam Cộng Hòa không phải là một nền dân chủ hoàn thiện, nhưng là một nền dân chủ non trẻ và có nền tảng căn bản duy nhất trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Cho nên người miền Nam sống dưới thời VNCH đó có quyền hãnh diện, tự hào. Biểu tượng còn lại của thời VNCH là lá cờ Vàng. Đằng sau lá cờ Vàng là các giá trị “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm”, với một triết lý giáo dục là “nhân bản, dân tộc và khai phóng”. Tuy VNCH đã đi vào lịch sử, các giá trị này không phải vì thế mà mất đi ý nghĩa. Thật ra, vì chế độ cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bị lột trần bản chất của họ, và họ không còn bất cứ chính nghĩa nào, cho nên những gì VNCH đã làm được trong 20 năm vì thế lại có giá trị hơn. Nhiều người trẻ Việt Nam sinh sau 30 tháng 4 năm 1975, giờ đây nhìn ra được rõ vấn đề vì được tiếp cận với thông tin và kiến thức khác với những gì họ được dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Họ đã thay đổi cách nhìn đối với cờ Vàng và VNCH. Nhưng đây cũng chỉ là một thiểu số.
Phần lớn giới trẻ Việt Nam không quan tâm, hay quá chán ngán với kiểu dạy nhồi sọ, về lịch sử và các môn nhân văn tại Việt Nam, nên đại đa số vẫn chưa nắm rõ vấn đề. Du sinh Dương Đức Thịnh là một nạn nhân, như hàng triệu nạn nhân khác bị nhồi nhét bởi một nền giáo dục phi nhân văn/bản, nên có những hành xử quá khích và hỗn xược. Hành xử này vừa đến từ cá nhân của Thịnh vừa đến từ nền giáo dục đào tạo ra nó. Bởi rằng không phải bạn trẻ nào lớn lên trong chế độ này cũng đều hành xử như thế, mặc dầu rất có thể trong tư duy, nhiều bạn không thích cờ Vàng hay VNCH. Nhưng cách kéo cờ xuống, giẫm đạp lên rồi thóa mạ cả cộng đồng tị nạn cộng sản, cho thấy tính cách vô giáo dục và cực đoan hóa của đương sự. Nhưng không phải du sinh nào, hay người trẻ Việt Nam nào, cũng hành xử như thế.
Sự tức giận của cộng đồng người Việt tự do tại Úc và khắp nơi là điều dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng là cách đối phó giải quyết sự việc ra sao.
Úc là một nền dân chủ pháp quyền. Các hành vi phi pháp của Dương Đức Thịnh sẽ được các cơ quan công quyền xét xử một cách công minh. Những hành vi, bằng chứng, hay động cơ mà cảnh sát và các cơ quan công quyền liên hệ, tiểu bang và liên bang, cũng như Bộ Di Trú, sau khi điều tra đương sự, sẽ là yếu tố quyết định của trường hợp này. Các cơ quan công quyền Úc dù có hiểu được hoàn toàn nguyện vọng của cộng đồng nhưng họ vẫn chiếu theo luật pháp Úc để xét xử công minh. Sẽ không có sự tùy tiện hay chính trị hóa trong quá trình xét xử Dương Đức Thịnh hay bất cứ ai. Bởi nếu có, thì nguyên đơn có thể kháng án lên tòa cao hơn, dù đó là tòa hình sự hay tòa duyệt xét các vấn đề di trú.
Tất cả chúng ta nên tìm hiểu, nên lắng nghe các luật sư chuyên ngành, và tham khảo các chuyên gia về luật liên hệ, để có quyết định đúng đắn và thích hợp, cho mọi vấn đề. Với tính cách cá nhân, tập thể hay cộng đồng đều vậy. Không hiểu luật pháp, quy trình xét xử và những vấn đề của nguyên đơn, mà lại muốn áp đặt tư duy hay ước muốn của mình lên cơ quan công quyền đang thi hành pháp luật, thì không phải là một phương pháp thích hợp để tranh thủ sự ủng hộ. Khoan nói đến thay đổi hay đạt được kết quả.
Trao đổi với một vài bạn trẻ từ Việt Nam mấy hôm nay, tôi học hỏi được rất nhiều.
Bạn Nam (đã đổi tên), khoảng 30 tuổi, cho biết trước đây bạn cũng có cái nhìn cực đoan và sai quấy giống như Dương Đức Thịnh. Không chỉ riêng Nam mà hầu như đa số các bạn của Nam đều vậy. Vì nền giáo dục của chế độ XHCN là thế. Nam xác định tuy mình không cực đoan và sẽ không làm như Thịnh, nhưng sự thù ghét “Mỹ nguỵ” và những gì chế độ này đại diện đã có trong đầu từ nhỏ. Cho đến khi Nam tiếp thu những thông tin khác và sau một thời gian dài, Nam đã nhận thức được vấn đề. Nam mong rằng các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội được hướng dẫn chia sẻ nhiều hơn để nhận thức tốt hơn.
An (đã đổi tên), một bạn trẻ khác, cũng chừng 30 tuổi, chia sẻ rằng bạn trước đây cũng tin vào đảng, “bác Hồ”, XHCN, v.v… Nhưng bây giờ đã thức tỉnh, nhờ được tiếp cận thông tin, được hướng dẫn và được đi ra nước ngoài. An nghĩ rằng muốn thay đổi người trẻ bị tiêm nhiễm bởi nền giáo dục không nhân văn trong nước, nó sẽ mất một thời gian dài, và nó cần tinh thần khoan dung, nhân bản, tử tế. Chửi họ thì càng làm họ xa mình. Cần giúp họ hiểu bằng cách giải thích từ tốn, ôn hòa.
Phan (đã đổi tên), chừng 45 tuổi, chia sẻ rằng anh không hiểu vì sao người ta lại muốn làm lớn chuyện với Dương Đức Thịnh. Phan thắc mắc tại sao lại muốn bỏ tù hay trục xuất cậu trẻ này? Phan cho rằng hơn hai triệu, trên bốn năm triệu, người Việt tị nạn đang sống ở ngoài Việt Nam, là nạn nhân của chế độ cộng sản. Nhưng những người sống ở trong nước, ngoại trừ 4 triệu đảng viên cộng sản, cũng đều là nạn nhân cộng sản. Hơn 90 triệu người này cũng bị đầy đọa bằng đủ mọi hình thức. Nhân quyền không hề có. Người Việt trong nước còn chịu đựng nhiều hơn cả người Việt tị nạn cộng sản, phải sống với sự áp bức ngày đêm. Dương Đức Thịnh có thể cũng chỉ là một nạn nhân trong bao triệu nạn nhân như thế. Phan thắc mắc vì sao nạn nhân cộng sản lại đối xử với nạn nhân cộng sản như thế! Phan cho rằng, nếu không cùng nhau giúp nhau nhìn ra được đâu là nguồn gốc, là mầm móng hiểm họa thật sự của đất nước, để tìm ra giải pháp, thì tương lai đất nước đi về đâu?
Đối với con người, những giá trị nhân văn cốt lõi từ hàng ngàn năm trước vẫn còn với chúng ta hôm nay, và mãi mãi về sau. Quá khứ – Hiện tại – Tương lai có sự gắn liền chặt chẽ, qua niềm tin vào giá trị sống của con người. Tất nhiên mỗi thời đại nhận thức và diễn giải mỗi khác, nhưng tập hợp các giá trị này sẽ cấu thành những nguyên tắc định hình cung cách hành xử của con người. Các giá trị như nhân hậu, tôn trọng, tình nghĩa, hiểu biết, tín nhiệm, khoan dung, lịch thiệp, độ lượng, trí tuệ, cam kết, can trường, v.v… có giá trị lâu dài và mọi nơi. VNCH đã từng cổ súy các giá trị này, và tuy không còn nữa, nhưng các giá trị này không phải vì thế mà mất ý nghĩa. Nó sẽ tiếp tục có giá trị hôm nay, và sau này, nếu chúng ta biết thể hiện qua cách sống của mình. Chắc chắn nó sẽ không nằm ở những người phất cờ, hay núp đằng sau cờ, hay lợi dụng lá cờ ở mọi lúc mọi nơi, để đánh phá chụp mũ những người có lòng với đất nước. Biểu tượng có giá trị chỉ nhắc nhở chúng ta, như là một tấm gương để chúng ta soi.
Nếu cố gắng thể hiện các giá trị văn minh và nhân nghĩa trong cách đối xử và giải quyết vấn đề với người khác, thì cho dầu chế độ cộng sản có thắng miền Nam bằng bạo lực và dối trá, họ cũng không thắng được cuộc chiến văn hóa qua lối hành xử thiếu văn minh từ bản chất trí trá của họ, dù đã sau 46 năm cầm quyền.
Chính nghĩa nằm sâu xa, không phải bề ngoài. Biểu tượng chỉ có ý nghĩa, và chính nghĩa, nếu hành động phản ảnh niềm tin của con người vào các giá trị đích thực./.
Blog VOA
Trần Kiều Ngọc: Từ vụ Dương Đức Thịnh, nhìn lại mặt trận pháp lý và giá trị pháp quyền
19.5.2021
Đọc cả bài ở đây: Từ vụ Dương Đức Thịnh, nhìn lại mặt trận pháp lý và giá trị pháp quyền