Seite auswählen

Vinfast “méc công an” và 3 nguyên nhân của một thứ văn hóa pháp lý rùng rợn

 

Vinfast chỉ là một phần của văn hóa “méc công an”.

 

  

Công an Việt Nam. Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: 123rf.

Công an Việt Nam. Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: 123rf.

Tóm tắt:

  • Chuyện Vinfast viện đến công an để bịt miệng một khách hàng là một phần của thứ văn hóa pháp lý “đi méc công an” ở Việt Nam. Thứ văn hóa pháp lý này do ba nguyên nhân tạo ra.
  • Một, chính quyền đầu têu trong việc sử dụng công an để bịt miệng những người chỉ trích mình.
  • Hai, hệ thống pháp luật Việt Nam có hàng loạt công cụ để chính quyền có thể sử dụng trong việc đàn áp các tiếng nói “trái tai” cũng như can thiệp sâu sắc vào các tranh chấp dân sự.
  • Ba, hệ thống tòa án Việt Nam vừa không độc lập, lại kém chất lượng, khiến cho bản thân họ không phán xử trái ý chính quyền được, và do đó người dân lẫn doanh nghiệp cũng không có động lực khởi kiện vụ việc ra tòa.

 

Chỉ cách đây hơn một tháng, Luật Khoa đăng bài viết khẳng định vai trò thúc đẩy dân tộc chủ nghĩa của ngành công nghiệp ô-tô nói chung, của Vinfast tại Việt Nam nói riêng, và vì sao nhãn hàng này sẽ tiếp tục được ưu đãi, bảo vệ trong tương lai như một chiến lược phát triển của chính quyền Việt Nam đương đại.

Tuần này, chủ trang Go Go TV, một khách hàng của Vinfast không hài lòng với sản phẩm Lux, đang bị hãng này cáo buộc “gây hoang mang người tiêu dùng”. Qua thông cáo, Vinfast dường như khẳng định ông Trần Văn Hoàng, người chi ra gần 1 tỷ đồng mua chiếc Lux A 2.0 của hãng, là khách hàng “không chân chính” vì ông này chỉ ra 10 lỗi của chiếc xe. Đáng chú ý hơn, ông Hoàng đã mang đi sửa chữa chính hãng 10 lần, đúng theo quy trình mà Vinfast đặt ra, song tình trạng xe vẫn không thể cải thiện.

Từ đó, Vinfast thông báo rằng họ đã đưa thông tin vụ việc lên… công an, và ẩn ý sẽ có biện pháp thích đáng để trừng phạt vị khách hàng “không chân chính” này.

Nhiều người sẽ nói Vinfast đang lợi dụng vị thế thương hiệu quốc gia, các mối quan hệ thân hữu bên trong nhà nước và từ đó dùng công an để đàn áp chính khách hàng của mình, đơn giản vì người này để lại những bình luận không có lợi cho sản phẩm của họ trên không gian Internet. Tuy nhiên, cái thói quen “méc công an” chỉ vì những ngôn luận và biểu đạt thường nhật là thứ không phải chỉ mới xuất hiện gần đây.

Bài viết này mong muốn lý giải nguyên do đằng sau thứ văn hóa pháp lý phổ biến này.

1. Chính quyền đầu têu

Việc sử dụng quyền năng nhà nước vô hạn để đảm bảo rằng không ai nói khác, nói ngược với mình đã là một nhiễm sắc thể không thể thiếu trong chuỗi vật liệu di truyền của của nhà nước Việt Nam đương đại.

Bạn phê phán quan chức tham nhũng, bạn chỉ trích một chính sách nhất định của nhà nước, bạn thách thức và đặt câu hỏi về tính độc quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam? Việc bị truy đuổi, bắt bớ hay tống giam được xem là các phản ứng “tiêu chuẩn” của một bộ máy nhà nước khổng lồ đối với những cá nhân đơn lẻ và thấp cổ bé họng.

Và đấy là chưa kể những người này thậm chí còn không dùng đến bất kỳ diễn ngôn cổ vũ bạo lực nào.

Những cái tên của các nhà báo độc lập bị bắt bớ gần đây như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Phạm Chí Thành, Lê Hữu Minh Tuấn… cho thấy một thượng tầng kiến trúc luôn trong tình trạng giận dữ và chủ động tìm kiếm những “kẻ thù” hoàn toàn không tương xứng với vị thế và nguồn lực mà họ có.

Nhưng điều này không có nghĩa là việc né tránh các chủ đề “nhạy cảm” sẽ giúp bạn an toàn khỏi tầm mắt cú diều của cơ quan công an.

Lấy một ví dụ gần đây, anh Nguyễn Văn Nhanh ngụ tại Trảng Bom, Đồng Nai, có một số bức xúc với bà Vũ Thị Minh Châu và bà Lương Thị Lan, lần lượt là chủ tịch và phó chủ tịch huyện này liên quan đến hoạt động khai thác tại khu vực công trình thủy lợi hồ suối Đầm.

Trong một livestream với chỉ khoảng 4.000 lượt xem, anh Nhanh chỉ trích: “Bà Vũ Thị Minh Châu là người không có đạo đức, cấp dưới bà làm mà bà không biết. Bà biết mà bà không nhắc nhở thì bà là kẻ bất tài, người độc ác…” và “... bà Lương Thị Lan… cũng là con người tàn ác lắm… nếu mà làm cán bộ không giải quyết được nỗi đau của người dân thì bà đừng làm cán bộ, xin về hưu đi…”.

Đây rõ ràng là những câu nói thuần túy xuất phát từ bức xúc thực tế của một người dân không biết (hoặc không thể) sử dụng các công cụ pháp lý, hành chính để giải quyết khúc mắc của mình đối với chính quyền.

Hệ quả của nó là gì?

Anh Nhanh nhanh chóng bị khởi tố, đối mặt với tối đa ba năm tù giam. Trong khi đó, các biên bản giám định tư pháp và biên bản điều tra đưa ra những kết luận toát mồ hôi như: “mục đích hạ thấp danh dự, uy tín, gây áp lực cho bà Châu, bà Lan cũng như UBND H.Trảng Bom để giải quyết vụ việc theo yêu cầu và nguyện vọng của Nhanh”.

Vâng, bạn đọc không đọc sai, hai video clip đạt vài nghìn lượt xem được cho là có khả năng cưỡng ép hai chức danh hành chính cao nhất huyện làm theo ý mình.

Kể ra những ví dụ tương tự về mối quan hệ xã hội giữa nhà nước – công dân thì có mà đến Tết cũng không hết.

Tính tùy tiện của chính quyền trong việc sử dụng các công cụ vũ lực để giải quyết các bất đồng ngôn luận từ lớn đến nhỏ đã tạo nên thói quen và tư duy pháp lý phổ biến rằng ai cũng có thể “méc công an” khi có ai đó nói trái ý mình. Không chỉ vậy, tư duy của chính các cơ quan điều tra từ lâu cũng đã thừa nhận rằng mình là người phân xử có thẩm quyền nhất trong các tranh chấp về ngôn luận và biểu đạt.

Tổng hòa thói quen pháp lý, tư duy pháp lý và cơ chế trao quyền bừa bãi của chính quyền đối với cơ quan công an trong các vấn đề ngôn luận đã tạo nên thứ văn hóa quái gở nói trên.

Ảnh: Chụp màn hình the88project.org/Reuters. Đồ họa: Luật Khoa. 

 

 

 

 

Ảnh: Chụp màn hình the88project.org/Reuters. Đồ họa: Luật Khoa.

2. “Kho đạn được” chống tự do biểu đạt quá dồi dào

Tại Hoa Kỳ (và nhiều quốc gia khác), công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp về ngôn luận giữa các chủ thể tư với nhau chỉ gói gọn trong nhóm án lệ dân sự liên quan đến phỉ báng – bôi nhọ (defamation). Thuộc nhóm pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort law theo cách gọi của hệ thống pháp luật Thông luật), án về phỉ báng là loại án mà các cơ quan nhà nước – các cá nhân nắm giữ chức danh công quyền khó thắng nhất. Các tác giả Luật Khoa đã giải thích sơ lược vì sao đây lại là thực tế tư pháp của Hoa Kỳ thông qua bài viết 4 án lệ định hình tự do báo chí tại Hoa Kỳ, bạn đọc có thể tham khảo thêm.

Trở lại với Việt Nam, chỉ cần nhìn vào Bộ luật Hình sự thôi, cơ quan công an điều tra đã có không ít hơn bốn công cụ hoàn toàn khác biệt vừa để khóa mồm lẫn khóa thể xác của người nói vào bốn bức tường, một con số đáng kinh ngạc trong tiêu chuẩn pháp luật hình sự thế giới.

Điều 117 là điều luật đầu tiên và cũng là điều khét tiếng nhất, từng được biết đến với số 88 – biểu tượng của hai chiếc còng số tám.

Điều này ghi nhận về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, song điều luật không có bất kỳ thông tin hay chỉ dấu nào cụ thể về nội dung, loại ngôn ngữ nào và hình thức biểu đạt nào là “làm, tàng trữ hay phát tán” nhằm “chống” nhà nước Việt Nam.

Vậy nên chuyện diễn giải điều luật ra sao gần như chỉ lệ thuộc vào chính bản thân cơ quan điều ra, không hề có quy chuẩn pháp lý nào cụ thể. Chỉ cần bạn đã từng chỉ trích hay thách thức thẩm quyền của bất kỳ cơ quan nhà nước hay cơ quan đảng nào, đừng bất ngờ khi một ngày nào đó công an đến gõ cửa nhà bạn.

Nhưng 117 là một điều luật chỉ nhằm vào các phát ngôn nhắm đến chính quyền. Và không phải phát ngôn nào chỉ trích quan chức, cán bộ đảng cũng liên quan đến quyền lực công vụ của họ. Vậy Bộ luật Hình sự còn gì?

Chắc chắn phải kể đến tội danh vu khống quy định tại Điều 156.

Bất kể khi nào cơ quan điều tra muốn chứng minh với công luận rằng lập luận và thông tin của người nói là sai trái, là không có thật, tội danh này dường như chắc chắn sẽ được áp dụng.

Cuối năm 2020, giảng viên Phạm Đình Quý bị Công an Đắk Lắk bắt, đơn giản vì ông cáo buộc người khác đạo văn luận án tiến sĩ. Công an Gia Lai bắt ông tại thành phố Hồ Chí Minh lúc ông đang đi ăn với vợ sắp cưới. Ông bị di lý lên Đắk Lắk trong thời điểm gia đình không thể có mặt để giúp đỡ hay mời luật sư. Vài ngày sau, báo giới loan tin từ công an Đắk Lắk rằng ông Quý đã “cúi đầu nhận tội”.

Thật nhanh chóng và tiện lợi.

Không khó để phát hiện ra rằng Công an Đắk Lắk cất công lặn lội để bắt Phạm Đình Quý chủ yếu là vì người bị ông cáo buộc đạo văn là đương kiêm bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường, một lãnh đạo “hạt nhân” nay đã được giao chức danh tổng thư ký Quốc Hội Việt Nam, trong thời điểm chưa người dân nào biết mặt mũi phiếu bầu ra sao.

Nhưng như vậy là không đủ, giả sử như thông tin hay biểu đạt nhắm tới giới quan chức hay các thân hữu của họ không hề có thông tin đặc biệt để cho là giả mạo, vu khống thì sao?

Tội danh làm nhục người khác luôn sẵn sàng nghênh trận.

Quy định tại Điều 155, cấu thành của điều luật này không có bất kỳ quy định cụ thể nào. Miễn là cơ quan công an cho rằng thông tin được đưa ra đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của bất kỳ cá nhân nào trong xã hội, án tù đang chờ đón người đưa ra thông tin.

Vì sự vô định của cấu thành tội phạm này, việc anh Nhanh chỉ trích hai vị lãnh đạo huyện bằng ngôn ngữ bình dân mà chúng ta nhắc đến ở trên cũng tương đồng về độ nghiêm trọng với hành vi tung clip ảnh riêng tư của người khác lên mạng xã hội.

Ngành luật đáng lẽ phải là chặt chẽ nhất và có mức giới hạn cao nhất, nay lại trao cho giới chức công an quyền can thiệp không giới hạn vào các biểu đạt và phát ngôn thông thường nhất, bất cứ khi nào họ muốn.

Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ.

Điều 331 hội tụ đủ mọi tiêu chuẩn kép và sự tùy tiện trong pháp luật hình sự Việt Nam để tạo ra tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Là tội danh được sử dụng thường nhất chỉ sau Điều 117, Điều 331 được sử dụng để bắt giữ và điều tra một số nhà báo có tiếng như Trưởng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng Phan Bùi Bảo Thy, bốn nhà báo thuộc nhóm Báo Sạch trong đó có Trương Châu Hữu Danh… cùng hằng hà sa số các cá nhân khác.

Được trang bị “vũ khí” tận răng, có thể được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, được quyền diễn giải theo mọi hướng họ có thể nghĩ tới, khó có thể trách toàn bộ cộng đồng (và giới công quyền) đều vịn vào công an để giải quyết các tranh chấp liên quan đến biểu đạt và ngôn luận.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Bộ trưởng Công an Tô Lâm (phải). Ảnh: BBC. 

 

 

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Bộ trưởng Công an Tô Lâm (phải). Ảnh: BBC.

3. Quyền lực của tòa án và chất lượng của các bản án

Tiếp nối điểm chúng ta vừa nhắc đến ở trên, người viết quay trở lại với vấn đề trọng tâm nhất – bản thân cơ quan tòa án.

Cần thừa nhận rằng ngay cả khi pháp luật thực định của một quốc gia hoàn toàn ngô nghê hay ngờ nghệch, thì thứ có thể giúp hệ thống tư pháp quốc gia không biến thành trò hề là tính độc lập của tòa án và chất lượng của các thẩm phán.

Pháp luật Hoa Kỳ không bao giờ là hoàn hảo. Pháp luật của các quốc gia châu Âu cũng không phải được sơn son thếp vàng. Bạn chỉ cần bỏ ra chút thời gian để hiểu được rằng pháp luật của họ cũng ngờ nghệch, dị hợm và đôi khi lạm quyền tương tự như tại Việt Nam mà thôi.

Vấn đề ở chỗ là các cơ quan tòa án luôn sẵn sàng đi ngược lại mong muốn của cơ quan điều tra nói chung và chính quyền nói riêng. Tính độc lập được thiết kế từ trước của tòa án khiến cho chúng thật sự là nơi giải quyết và dàn xếp tranh chấp thực tế, không phải là nơi để hợp pháp hóa, chính danh hóa mong muốn trước đó của cơ quan điều tra và chính quyền sở tại.

Có lẽ không có ví dụ nào rõ ràng hơn về vai trò độc lập đầy quyền lực của tòa án tại Hoa Kỳ bằng vụ Apple v. FBI từ năm 2016. Trong đó, Cục Điều tra Liên bang (FBI), cơ quan điều tra hình sự quyền uy nhất của nhà nước quyền lực nhất thế giới, phải đi hầu tòa để “xin xỏ” một công ty tư nhân mở khóa thiết bị cá nhân của nghi phạm cho mình.

Tại Việt Nam, bối cảnh hoàn toàn ngược lại: quyền quyết định đã nằm sẵn trong tay cơ quan điều tra. Và thật ra cũng không cần thiết phải tách bạch giữa cơ quan điều tra hay cơ quan tòa án, khi mà cả hai đều chịu sự chi phối trực tiếp từ cơ quan hành pháp trung ương lẫn địa phương, và trên hết là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ở mặt khác, các bản án liên quan đến tranh chấp ngôn luận, tranh chấp biểu đạt ở Việt Nam cũng đặc biệt thiếu chất lượng, thiếu chiều sâu và thiếu các suy luận pháp lý có ý nghĩa.

Chỉ cần thử vào trang web chính thức của Tòa án Nhân dân Tối cao để tìm vài bản án có liên quan đến các tội danh mà chúng ta liệt kê ở trên, bạn đọc có thể nhanh chóng nhận ra rằng ⅔, hay thậm chí ¾ độ dài bản án chỉ là sao chép lại hoàn toàn thông tin từ phía cơ quan điều tra như thể đó là sự thật. Phần lập luận pháp lý còn lại thì không gì khác ngoài “đúng người, đúng tội”.

***

Thứ văn hóa gọi vui là “đi méc công an” là một thứ văn hóa pháp lý vô cùng nghịch lý và gây tổn hại lớn đến sự phát triển của hệ thống tư pháp quốc gia. Tuy nhiên, cân nhắc các yếu tố nói trên, chúng là một sản phẩm được sinh ra khá tự nhiên trong môi trường các quốc gia tương tự như Việt Nam.

Nếu ngay cả việc bạn chi tiền ra để mua một món hàng mà cũng không được phép phàn nàn về nó, mà lại còn bị bắt lên cả công an để trình báo, giải thích thì tự do ngôn luận làm gì còn tồn tại để mà được “lợi dụng” trên mảnh đất này./.

Luật Khoa

Khi VinFast làm luật

Blog VOA

CanhCo

4-5-2021

 

Không biết tự bao giờ mỗi khi một khách hàng có biểu hiện tố cáo hay nhẹ hơn, phanh phui, một sản phẩm bị lỗi thì hình như chính người tố cáo sẽ nhận lấy sự trừng phạt từ công ty bị tố cáo qua công an hay tòa án, còn công ty, doanh nghiệp bị tố cáo sẽ lu loa trên truyền thông báo chí rằng họ bị bôi bẩn, tống tiền hay nhẹ lắm cũng là vu khống những lỗi mà họ không có.

Người ta sẽ khó mà quên vụ án con ruồi Tân Hiệp Phát khi có người tố cáo công ty này đã đóng chai chứa chất bẩn là con ruồi còn nằm trong chai thì sau đó người tố cáo là anh Võ Văn Minh bị công an gài bắt với lý do tống tiền 500 triệu bất kể sự thật là công ty Tân Hiệp Phát hẹn gặp và bồi thường cho anh.

Dư luận phẫn nộ sau khi anh Minh bị bắt. Người ta kết án Tân Hiệp Phát đã toa rập với công an để bịt miệng anh Minh, cho dù anh Minh có thực sự tống tiền thì biện pháp gài bẫy của công ty lẫn công an là trái với pháp luật.

Anh Minh là khách hàng vì vậy có quyền đòi hỏi Tân Hiệp Phát bồi thường cho anh. Tiếc là anh đã sai lầm trong cách lên tiếng bảo vệ quyền của mình mặc dù mức án 7 năm oan nghiêt đã làm người dân phẫn nộ và kết quả là Tân Hiệp Phát mất liền 2.000 tỷ thu nhập ngay sau đó.

Tân Hiệp Phát thứ hai xuất hiện mấy ngày nay, người dân vừa tò mò, vừa thích thú lẫn giận dữ khi lần này là một đại công ty tầm cỡ có biểu hiện giống như Tân Hiệp Phát. Không phải giống ở hành vi hòa giải, gài hàng mà giống ở việc mang công an ra hù dọa người tố cáo sản phẩm của mình.

Vụ tranh chấp lần này xảy ra giữa một bên là công ty VinFast của đại tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nơi bán chiếc xe VinFast Lux A 2.0 cho ông Trần Văn Hoàng chủ một kênh Youtube có tên GoGo TV với hơn 450 ngàn người theo dõi.

Ông Hoàng cho lên Youtube của mình về chiếc xe mà ông đã mua của VinFast với 10 lỗi lớn nhỏ. Ông đã từng đem xe tới hãng Vinfast sửa chữa bảo hành nhiều lần nhưng không thành công trong khi xe của ông chỉ chạy được 8000 km.

Đáp lại, hôm 2/5, trang Facebook chính thức của VinFast đăng bài nói rằng ông Hoàng đã loan tải thông tin không đúng sự thật về chất lượng xe VinFast Lux A2.0, gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của hãng.

Bài viết cũng thừa nhận mặc dù ông Trần Văn Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip trên, nhưng VinFast đã lưu đầy đủ bằng chứng và gửi cùng đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công An đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc.

Cuối thông báo, VinFast nói “luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng”, tuy nhiên “chúng tôi cũng kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, và đặc biệt là gây lo lắng, hoang mang cho cộng đồng người dùng” và cho rằng “đây là cách để VinFast thể hiện sự tôn trọng và mong muốn bảo vệ quyền lợi tối thượng của những khách hàng chân chính”.

Qua những chi tiết vừa nêu không khó để nhận ra rằng VinFast đang gắp lửa bỏ tay người và nói cho tận cùng thì nó đang dùng quyền lực tài chính để uy hiếp công dân Việt Nam chứ không riêng gì khách hàng của nó. Sở dĩ nó uy hiếp mọi công dân Việt vì tầm cỡ đại công ty của Phạm Nhật Vượng lớn gấp hàng trăm lần Tân Hiệp Phát và sức mạnh của nó làm áp lực lên cơ quan điều tra không nói cũng đủ biết là mạnh tới mức nào.

Tập đoàn của Vượng làm chủ từ nhà cửa, sân golf, chung cư, đất đai, resort nghĩ dưỡng, cho tới siêu thị, bệnh viện, trường học, xe hơi…hầu như lãnh vực quan trọng nào thuộc sinh hoạt đời sống của người dân thì Vượng đều vươn vòi của nó tới. Cung cách lên tiếng khi bị khiếu nại của VinFast không khác nào tờ trình của công an trước một vụ bắt bớ người bất đồng chính kiến… người dân Việt khi sử dụng dịch vụ của Vượng có nghĩa là đang chạm tay tới lửa không biết phỏng lúc nào.

Mặc dù lớn mạnh và vòi bạch tuộc phủ khắp nơi nhưng Vượng khó một tay che hết mạng xã hội nơi có hơn 65 triệu người dân trong nước và hàng trăm ngàn chuyên gia người Việt khắp thế giới đang âm thầm theo dõi. Trần Văn Hoàng cùng với hơn 450 ngàn người phía sau chắc chắn cũng đang sẵn sàng lên tiếng nếu có một vụ con ruồi thứ hai.

Trần Văn Hoàng không đòi bồi thường mà chỉ yêu cầu VinFast sửa chữa nhanh chóng sản phẩm hư cho anh ta vì vậy VinFast kiện anh Hoàng dựa vào yếu tố loan tải thông tin không đúng sự thật về chất lượng gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của hãng sẽ khó thuyết phục ở tòa án nếu được mở ra.

Chiếc xe còn đó, lỗi hư hỏng vẫn nguyên vẹn và VinFast khó có thể nói rằng lỗi đó do anh Hoàng tự làm ra rồi vu khống cho VinFast.

Bởi tin vào đồng tiền của mình có thể làm cho luật pháp cong theo, ông Vượng và bộ sậu xử lý thông tin nghĩ rằng sự hăm dọa sẽ khiến cho những người như ông Hoàng chột dạ và rút lui nhưng Vinfast quên rằng người dân hôm nay đã khác với những năm trước khi mà Tân Hiệp Phát còn làm trời làm đất. Ông Vượng đánh giá người tiêu dùng quá thấp, cái ông mang ra trao cho họ là pháp luật một chiều, chiều của sức mạnh, sẽ không làm cho họ khiếp hãi. Có chăng sự khiếp hãi ấy sẽ biến thành tẩy chay, chống đối và phỉ nhổ.

Reuters mới đây loan tin VinFast có thể sẽ có mặt ở Mỹ vào năm 2022 và sẽ lên sàn IPO. Người Việt ở Mỹ chắc rất hớn hở chờ đợi nó xuất hiện, không phải hớn hở đón chào nó bằng tự hào Việt Nam mà hớn hở ném trứng, cà chua thối vào nó cho dân bản xứ biết khuôn mặt thật của một tập đoàn tư bản đỏ./.

 

Thối lắm Vinfast à!

Đoàn Bảo Châu

4-5-2021

Mấy ngày trước, khi một giáo viên đấm đá, chửi đ. mẹ, đ. cha học sinh chỉ vì tội không mặc đồng phục theo quy định, thì hiệu trưởng rồi đến cả giám đốc sở giáo dục đã chỉ đạo trung tâm giáo dục thường xuyên phải mách công an để xử lý những người “bóp méo” sự thật.

Cái sự thật quá phản cảm, thể hiện sự mất dạy, vô giáo dục của một giáo viên thì ai có thể làm nó méo mó hơn được nữa?

Tôi tưởng cái cách ứng xử hơi tí là dùng quyền lực để bịt miệng công luận chỉ xảy ra ở những cơ quan như hiệu trưởng và Sở giáo dục kia, giờ lại đến một doanh nghiệp lớn như Vinfast thì quả là kì quái.

Về logic, một người đã mua xe Vinfast, là người ấy đã đặt lòng tin vào một doanh nghiệp, như vậy vạn bất đắc dĩ người ta mới phải lên tiếng nói lên những nhận xét, suy nghĩ và sự phàn nàn của mình về sản phẩm đã mua.

Việc ấy là vô cùng bình thường. Vậy chẳng lẽ người ta mua hẳn một chiếc xe tiền tỉ chỉ để bôi nhọ, nói xấu một sản phẩm? Vậy thế lực nào, đối thủ cạnh tranh nào thuê người ta làm việc ấy? Có ai muốn bạn bè hay xã hội chỉ trỏ mình đi một chiếc xe tồi không?

Hãy bỏ cái trò hơi một tí là dùng đến công an để doạ dẫm người tiêu dùng đi. Ứng xử tử tế, lịch sự, chu đáo cũng là một cách quảng cáo tốt cho sản phẩm của mình, thương hiệu của mình.

Đằng này, chưa gì đã dùng đến quyền lực để bịt miệng người tiêu dùng. Từ giờ thì có lẽ tất cả những người dùng xe Vinfast mà yếu bóng vía thì sẽ chọn cách câm lặng không dám ho he gì về vấn đề mà họ gặp phải.

Cái tư tưởng độc tài, cả vú lấp miệng em, dùng quyền lực thô thiển để xử lý vấn đề chẳng lẽ đã ăn sâu vào não bộ của tất cả các thành phần ngoài người dân thấp cổ bé họng rồi sao?

Muốn thành một thương hiệu có uy tín thì hẵng học cách ứng xử có văn hoá, tôn trọng người tiêu dùng, lắng nghe ý kiến của họ, cầu thị thật sự. Một thương hiệu khi mới xuất hiện có thể có lỗi nhưng với ứng xử đúng thì sẽ mở ra cả một khoảng trời để hoàn thiện sản phẩm của mình. Người tiêu dùng khi chứng kiến điều ấy, niềm tin của họ vào thương hiệu ấy sẽ tăng lên.

Là một thương hiệu lớn mà không biết xử lý khủng hoảng truyền thông, lại dùng xăng đổ vào đám cháy. Vin đừng đi fast quá, hãy đi theo con đường tử tế.

Cách ứng xử này thối lắm Vinfast ạ!

Vinfast đâu có méc công an, mà họ sai bảo công an làm việc

Jackhammer Nguyễn

5-5-2021

Một khách hàng mua xe hơi của Vinfast, sau một thời gian sử dụng, đã than phiền về lỗi của xe, làm mất uy tín công ty. Công an bèn “làm việc” ngay với khách hàng này, như là một vụ án an ninh quốc gia hay là một vụ án hình sự, rất kinh hoàng. Người ta cho rằng Vinfast đã méc công an.

Tạp chí Luật khoa gọi chuyện méc công an đó là một loại văn hóa của xã hội Việt Nam hiện nay.

Tôi cho rằng Vinfast không méc công an, mà là sai bảo công an, và đây không phải là văn hóa, mà là một định chế mang tính hệ thống.

Các viên công an phường

Nếu bạn sống ở Việt Nam vài năm, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến nay, bạn có đủ kinh nghiệm để không phải ngạc nhiên về hình ảnh các nhân viên công an vào ra các doanh nghiệp, dù đó là một tiệm chạp phô ở góc phố, một cửa hàng sang trọng trên đường Đồng Khởi, một “tổ hợp” sản xuất xà bông rẻ tiền ở xã, hay một công ty vận tải… Tất cả những doanh nghiệp tôi vừa kể đều là tư nhân và công an dĩ nhiên là người của nhà nước.

Các viên công an vào ra những chốn nói trên để làm gì? Họ vào đó để “nắm bắt quần chúng”, tức là tạo mối quan hệ với doanh nghiệp. Họ là “công an” mà, tức là an ninh công cộng, họ có nhiệm vụ giữ gìn an ninh; thế nhưng, ai tinh mắt sẽ thấy họ ra vào có lịch hẳn hoi và nếu để ý kỹ hơn nữa, bạn có thể thấy họ đi ra… với bàn tay đút túi quần!

Doanh nghiệp chính là nguồn thu của họ. Và ngược lại họ sẽ bảo vệ cho doanh nghiệp, hay nói chính xác là “bảo kê”. Ngoài công việc chính, lãnh lương nhà nước, công an ở Việt Nam còn kiêm thêm nghề “bảo kê” cho các doanh nghiệp. Và thu nhập từ công việc phụ này đôi khi còn cao hơn thu nhập từ việc chính.

Thường đây là các viên công an địa phương, công an phường, có khi cấp quận, nằm trong hệ thống công an trị, hay toàn trị bao trùm mọi lãnh vực đời sống của người dân Việt Nam. Nhưng hệ thống này không chỉ có công an quận, phường, hay công an sát vách nhà bạn ở “tổ dân phố”, mà có cả các nhân vật chóp bu là các viên công an rất nổi tiếng, như là Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Minh Chính, Trần Đại Quang… chưa kể loại tép riu như Thượng tá tình báo Vũ “nhôm”.

Nếu bạn hiểu rõ mối quan hệ … đút túi quần của các viên công an cấp thấp và các doanh nghiệp mà tôi vừa kể, thì bạn sẽ không ngạc nhiên gì hết về chuyện công ty Vinfast “méc công an” vừa rồi.

Với việc bảo kê của công an ở cấp phường thì ta sẽ thấy các viên công an tay đút túi quần, ở cấp phục vụ cho Vinfast thì phải hoành tráng hơn chứ!

Từ “thanh gươm và lá chắn” đến bảo kê

Các chính quyền độc đảng như Cộng sản Việt Nam không giấu giếm rằng, lực lượng công an là xương sống của chế độ. Cách đây vài năm, có thông tin vô tình tiết lộ từ chính phủ Bắc Kinh, cho thấy ngân khoản hàng năm dành cho Bộ Công an nước này, cao hơn cả quân đội. Tức là bảo vệ chế độ tốn nhiều chi phí hơn bảo vệ an ninh quốc gia. Ở Việt Nam người ta không biết chính xác các con số này là bao nhiêu, nhưng khả năng ngân sách dành cho Bộ Công an cũng vô cùng lớn.

Thế rồi chủ nghĩa tư bản tới, đô la Mỹ tới và được Đảng chấp nhận, được chế độ chấp nhận, và rồi công an phải bảo vệ chủ nghĩa tư bản, bảo vệ đô la Mỹ là đúng rồi!

Thật ra, câu chuyện Vinfast “méc công an” vừa là sự thể hiện của chế độ công an trị trong cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vừa là chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism). Đâu phải ai cũng có thể méc công an như Vinfast đâu, mà phải là những chủ nhân ông có quan hệ rộng và cao, chứ chẳng phải loại tầm thường.

Công an thời Đảng trị đã tìm ra được phương cách sống hùng, sống mạnh hiện nay. Một mặt là công an tự tổ chức doanh nghiệp, vừa có doanh nghiệp vừa “làm luật” thì ai chơi cho lại; mặt khác, họ ra sức bảo kê cho các chủ nhân ông “tư bản thân hữu” bồ bịch này.

Mà chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam đang lên như diều gặp gió. Sự trơ trẽn của chủ nghĩa tư bản bồ bịch này ngày càng lớn, việc bổ nhiệm Nguyễn Hồng Diên, con rể đại gia Trần Văn Sen, làm Bộ trưởng Bộ Công thương, việc Vinfast “méc công an”, thật ra là sai bảo công an, là biểu hiện cho sự trơ trẽn đó.

Vingroup, là công ty mẹ của Vinfast, đi từ chỗ tinh vi như thao túng bộ máy truyền thông nhà nước, rút những bài báo “bất lợi” cho mình, “vận động” các “chuyên gia” viết bài có lợi cho mình, đến chỗ dùng công an như đầy tớ. Chỉ cách đây vài năm, phụ huynh học sinh ở một trường học do Vingroup làm chủ ở Hà Nội, bị công an “làm việc” vì đã dám phàn nàn về trường này.

Thời ông thủ tướng công an Nguyễn Tấn Dũng còn huy hoàng, báo chí Việt Nam hết sức ca ngợi mong muốn thực hiện mô hình Chaebol của Hàn Quốc ở Việt Nam. Chaebol là mô hình mà các đại tập đoàn kinh tế, các nhà tài phiệt giữ vai trò chính trị, như tập đoàn Hyundai, Daewoo… bên Hàn. Nhưng “đồng chí X” chưa kịp thực hiện giấc mơ Chaebol Việt Nam thì đã phải “về vườn làm người tử tế”. Các “quả đấm thép” của thủ tướng hóa ra là các ổ tham nhũng, liên tục đổ bể như Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Dầu khí VPN, Gang thép Thái Nguyên…

Mô hình Cheabol Hàn Quốc cũng phải đối đầu với những vụ nhũng lạm của các tập đoàn Daewoo, Hyundai, Samsung,… nhưng Hàn Quốc đã thoát khỏi chế độ độc tài để xây dựng được các định chế độc lập, kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Các tay tư bản bồ bịch, cả các chính khách cao cấp nhất cỡ tổng thống cũng phải xộ khám.

Với sự cai trị độc đảng tại Việt Nam, mà xương sống của nó là chế độ công an trị, công an bảo kê, những chuyện trơ trẽn như Vinfast sẽ còn xảy ra nhiều trong tương lai.

Và đương kim thủ tướng Việt Nam cũng là một ông công an đó!

Tiếng Dân

Ông Hoàng GoGo TV phản biện về đơn tố cáo của VinFast

 

Lê Ngọc Luân

8-5-2021

Ông Hoàng và chiếc xe VinFast trong clip đăng tải ngày 28/4. Ảnh chụp màn hình.

Đại diện truyền thông VinFast có ý kiến trên báo Zing cho rằng Ông Trần Văn Hoàng – Chủ kênh YouTube GoGo TV đăng clip chiếc xe mua của VinFast phản ánh sai sự thật và đây là ý kiến chính thức của Thân chủ chúng tôi.

Với tư cách là luật sư bảo vệ cho ông Hoàng, Công ty Luật GOLD KEY đã khẩn cấp gửi văn bản đến Hội bảo vệ người tiêu dùng đề nghị lên tiếng bảo vệ cho ông Hoàng trước cáo buộc của VinFast theo đúng quy định của pháp luật. Chúng ta chờ xem ý kiến của Hội về chiếc xe bị lỗi nhưng khi người tiêu dùng phản ánh thì bị tố cáo. Điều đó gây bất an và hoang mang cho những người tiêu dùng khác vì họ có quyền phản ánh, đánh giá sản phẩm có lỗi từ nhà sản xuất. Điều này được minh thị rõ ràng tại Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Thông qua bài viết này, tôi cũng có ý kiến chính thức vì quá nhiều người hỏi và trên mạng lan truyền những thông tin không đúng về tôi. Trong đó có nhiều Nick Facebook ao và cả thật cho rằng tôi là luật sư bảo vệ cho những người như mẹ Nấm, cụ Kình… trong khi tôi không phải là luật sư của họ. Với tư cách cá nhân, tôi tin các luật sư tại Việt Nam đều trân trọng về những luật sư đồng nghiệp đã từng bào chữa cho mẹ Nấm (chị Quỳnh) hay cụ Kình…

Trách nhiệm đạo đức của người luật sư không được phép từ chối Thân chủ nếu không có lý do chính đáng. Nếu người dân nào (không may vướng vòng lao lý và bị cáo buộc trước bất kỳ hành vi gì, dù đó là hành động thế nào) tin tưởng nhờ, các luật sư vẫn sẵn sàng đứng ra biện hộ dù có gặp khó khăn hay nguy hiểm.

Và tôi nghĩ, những người người luật sư Việt Nam luôn trong tâm thế bảo vệ cho người yếu thế, họ là người cần và đáng được bảo vệ.

P/S: Để đảm bảo tối đa quyền lợi hợp pháp cho Thân chủ trong vụ việc này. Tôi tạm thời chỉ chia sẻ như vậy. Thay mặt Thân chủ của mình, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn đến tất cả những động viên, chia sẻ với ông Trần Văn Hoàng – một chàng trai trẻ hài hước đầy chân thành./.

Canh bạc tất tay của Vingroup

Dương Quốc Chính

11-5-2021

Việc VIN cho chấm dứt sản xuất điện thoại và TV không phải là chuyện quá bất ngờ với mình. Vì gần hai năm trước mình đã có status phân tích là việc tham gia thị trường điện thoại của VIN có gì đó sai sai. Nhưng việc họ chấm dứt sản xuất điện thoại và TV cũng không hoàn toàn là do hai mặt hàng đó không có tương lai, mà là do họ khó khăn về vốn để dàn hàng ngang phát triển cả ô tô lẫn công nghệ. Động thái này cho thấy rằng VIN đang chơi tất tay với canh bạc VinFast.

Anh em “iu lước” lâu nay vẫn hay có câu “đừng dạy nhà giàu tiêu tiền” với ý là nhà giàu luôn đúng khi tiêu tiền. Mấy hôm nay, anh em KOLs seeder và báo chí cách mạng đang ra sức biện hộ cho việc VIN rút khỏi một số ngành hàng như siêu thị, nông nghiệp và bây giờ là mảng công nghệ như một sự sáng suốt, lãnh đạo tài tình của anh Vượng. Ca ngợi kiểu này nó y chang như ca ngợi đảng vĩ đại khi đổi mới, cởi trói rồi tăng trưởng kinh tế so với trước. Tự trói mình rồi tự cởi trói, xong rồi tự khen là tài giỏi, thế có hài không? Trước đó ai đã làm sai để phải sửa sai?

Với VIN cũng vậy, họ tự tham gia các lĩnh vực nông nghiệp, siêu thị, công nghệ, tài chính, thiết kế kiến trúc, rồi tự sa lầy và phải rút chân ra. Đấy là sai và sửa sai, nhưng không nhận sai, có gì là tài đâu mà bưng bô hở Vin “nô”? À, có tài một tý, là có sửa sai. Thế là nhà giàu cũng sai, sai nhiều lần, trả giá toàn ngàn tỷ đồng đó. Anh em đã sáng mắt ra chưa? Đừng bao giờ bi bô cái câu “đừng dạy nhà giàu tiêu tiền nữa nhé”. Người giàu nhất Việt Nam còn sai thì người giàu Việt Nam nào mà chẳng có thể sai. Còn Vinmec và Vinschool cũng chẳng biết thế nào đâu. Hai cái đó cũng có thể bị bán nếu VIN thiếu vốn. Nhất là khi chính anh Vượng nói rằng đó là “làm từ thiện” khi nói chuyện với cán bộ Viettel.

Vấn đề sống còn của VIN bây giờ phụ thuộc vào canh bạc VinFast. Vì họ đã dồn rất nhiều vốn liếng vào đó. Trước đến giờ mình vẫn rất ủng hộ VIN chuyển dần sang mảng ô tô và công nghệ. Vì như thế là phát triển bền vững và sạch sẽ hơn so với phát triển bất động sản. Để chuyển dịch, họ vẫn phải dùng bất động sản để gom tiền của thiên hạ về rồi bơm vào công nghệ. Nhưng bất động sản thực tế đã không thể đủ cho VIN phát triển ngành ô tô vốn là cỗ máy đốt tiền đầu tư ban đầu.

Chính vì thế nên VinFast có kế hoạch IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) lên sàn chứng khoán Mỹ. Vì Mỹ là thị trường vốn lớn nhất thế giới. Việc IPO ở Mỹ sẽ biến VF thành công ty đại chúng với các nhà đầu tư quốc tế nhưng điều kiện để được IPO cũng không dễ và lấy được tiền đầu tư của thiên hạ cũng không đơn giản. Vấn đề khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam là tính minh bạch đối với nhà đầu tư ngoại. Khi đại chúng hoá công ty thì nguy cơ bị mất quyền quản lý cũng sẽ cao hơn nhiều.

Đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng như vậy (kế hoạch IPO dự kiến trong quý 2) thì VinFast lại dính ngay vụ chú Hoàng GoGo TV. Việc VinFast phản ứng mang tính “bạo lực”, muốn đánh phủ đầu, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn bạn Hoàng cho thấy rằng đây chính là điểm siêu nhạy cảm của hãng xe “quốc dân” (theo lời báo chí cách mạng).

Tuy nhiên, phản ứng đó của VinFast là rất sai lầm. Họ đã bê nguyên não trạng kinh doanh bất động sản trong nước đập sang ngành ô tô đang có tham vọng quốc tế. Không có hãng xe nước ngoài nào có cách hành xử tương tự, ngay cả ở Việt Nam, như VF. Những lỗi do Hoàng đưa ra, theo mình đánh giá, nó chả có gì ghê gớm để làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu hay hãng xe, vì chỉ là lỗi vặt, hoàn toàn có thể khắc phục, kể cả thay thế linh kiện để làm vừa lòng khách hàng cũng không có gì tốn kém.

Nhưng phản ứng của VinFast đã cho thấy cách ứng xử bề trên, độc tài, muốn hình sự hoá quan hệ dân sự để đàn áp Hoàng (cũng có thể suy diễn là với các khách hàng khác), đe một thằng cho vạn thằng sợ. Với cách ứng xử đó thì sao có thể ra biển lớn? Khách hàng Mỹ đâu sợ cảnh sát Mỹ? Lẽ ra VinFast phải công bố bằng chứng Hoàng đã sai và nhận sai, nếu có, trước công luận, thay vì đe doạ Hoàng mà không cần chứng cớ. Họ đã đưa ra sau đó, nhưng thời điểm công bố quan trọng hơn, nó thể hiện thái độ cầu thị hay đe doạ.

Cơ hội sửa sai để thu phục nhân tâm của VinFast vẫn còn đó. Vì vụ việc còn chưa ngã ngũ. Mình nghĩ, anh Vượng nên thay đổi, thà chịu nhục trước một vài khách hàng để thu phục nhân tâm của hàng triệu khách hàng khác còn hơn là bị mang tiếng xấu trước nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng quốc tế và thời điểm nhạy cảm này.

Nhưng không chỉ có vậy, VinFast còn đang dính thêm vụ “gãy trục xe” với khách hàng tên Toàn ở HN. Vụ việc hiện vẫn chưa được hai bên giải quyết. Đây chính là đòn cân não tiếp theo với VinFast mà mình nghĩ là sẽ còn căng thẳng hơn nhiều so với vụ Hoàng GoGo TV, do càng A là bộ phận quan trọng và đắt tiền hơn nhiều so với lỗi vặt mà Hoàng dính phải. Hơn nữa, có nhiều vụ tương tự đã xảy ra trong thời gian gần đây mà anh em seeder đang bẻ lái là xe nào mà chả thế. Vấn đề là thế là thế nào, khi nào, với lực tác động nào thì gãy?

Mong VinFast có cách hành xử phù hợp trong hoàn cảnh mới, vị thế mới để có thể hiên ngang làm xe quốc dân, không phải bắt ép ai mua xe nữa.

Xin nhớ rằng VinFast đang là canh bạc tất tay của VIN. Vấn đề chính của VIN hiện tại không phải là chất lượng sản phẩm mà là thái độ với khách hàng và cách ứng xử với khủng hoảng truyền thông. Nếu VIN không thay đổi cách ứng xử, mình tin là lành ít dữ nhiều./.

Thông tin mới nhất vụ GoGo TV và VinFast: Chiếc xe tiếp tục bị lỗi!

Lê Ngọc Luân

16-5-2021

Vụ việc trước khi luật sư tiếp nhận và ngay sau khi vào cuộc bảo vệ cho Thân chủ – Hoàng GoGo TV đã xảy ra nhiều sự kiện mà tôi từng có bài viết chia sẻ chưa bao giờ gặp trong xuyên suốt năm tháng hành nghề của mình. Xin nêu một chi tiết rất nhỏ và thông tin ra công luận để cơ quan thực thi luật pháp (công an) có biện pháp bảo vệ cho nhân dân – người tiêu dùng cũng như xử lý đảm bảo đúng luật pháp.

Ngày 28/4 Kênh GoGo TV đăng clip phản ánh chiếc xe Lux A2.0 mà Hoàng mua của VinFast đã xảy ra một số lỗi (VinFast đã thừa nhận). Ngày 29/4 VinFast bảo Hoàng đưa xe lên, hai bên trao đổi và để xe lại để kiểm tra từ trưa đến tối. Khi đến lấy xe về theo thông tin Hoàng cung cấp, phía đại diện VinFast lập một biên bản không đúng một số nội dung nên Hoàng đã từ chối ký (thật may mắn cho Hoàng đã tỉnh táo không ký và cũng chụp lại biên bản này).

Vì chiếc xe đã được sửa nên Hoàng cũng gỡ bỏ clip, nghĩ rằng mọi việc cũng không có gì. Bất ngờ ngày 2/5/2021 (chủ nhật) đúng dịp cả nước đang nghỉ lễ thì trang Fanpage VinFast đăng tin tố cáo Hoàng ra công an và cùng ngày (2/5/2021) Hoàng nhận được giấy mời của phía công an. Lập tức Hoàng với sự cố vấn của nhiều người khuyên phải tìm luật sư ngay và Hoàng đã thực hiện.

Sau khi lấy xe về (29/4/2021), Hoàng chạy xe về quê thăm gia đình đến 1/5 để xe ở hầm Landmark không sử dụng nhằm đảm bảo khách quan và ngày 12/5/2021, các luật sư GOLD KEY đã đề nghị Thừa Phát Lại tiến hành lập vi bằng những lỗi xe còn tồn tại (nếu có) làm chứng cứ. Hoàng sẽ vào xe và chạy khoảng 100 km kiểm tra xem còn bị lỗi gì không? Kết quả xe vẫn còn lỗi (lỗi gì xin bí mật để đảm bảo quyền lợi cho Thân chủ). Ngay lập tức, GOLD KEY đã phát đi văn bản cung cấp cho công an để thông tin sự việc, văn bản cũng gửi cho Giám đốc Công an TP.HCM.

Quay trở ngược văn bản ngày 29/4/2021 mà Hoàng từ chối ký, trong đó có điểm đề cập tất cả các lỗi trên xe đã được sửa, khắc phục. May mà Hoàng không ký và 12/5/2021 chúng tôi đã nhờ Thừa Phát Lại đích thân trực tiếp ngồi lên chiếc xe do Hoàng điều khiển để chứng kiến trực tiếp xem xe có xảy ra sự cố, hay lỗi gì không.

Khi vừa tiếp nhận vụ việc, GOLD KEY đã gửi văn bản đến Hội bảo vệ người tiêu dùng đề nghị lên tiếng bảo vệ cho Hoàng nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi dù đây là sự việc dư luận đặc biệt quan tâm. GOLD KEY cũng có văn bản khẩn phân tích pháp lý đồng thời kiến nghị phía công an trả lại đơn và hồ sơ tố cáo cho VinFast vì Hoàng đăng clip không có gì vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng đề xuất phương án để dung hoà quyền lợi cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Chỉ cần VinFast thiện chí.

Hi vọng mọi việc sớm kết thúc trên tinh thần đúng pháp luật cũng như ứng xử phù hợp giữa các bên.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen