Thoạt đầu đa số người gốc Á bị hành hung ngày càng nhiều ở Mỹ là người già yếu không thể tự vệ, được cho là lựa chọn dễ dàng của giới căm ghét họ.
Nhưng tình hình bây giờ đã rất khác.
Cả người trẻ mới 29 tuổi cũng bị đâm chết như một người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang Washington.
Tiếp xúc với BBC News Tiếng Việt, anh William Bùi, 30 tuổi, sinh ra và lớn lên ở New York, tâm sự:
“Vài tuần trước, lúc mẹ tôi gọi phôn hỏi con ơi kỳ thị có hệ thống là gì, thì tôi biết những vụ hành hung gần đây đang làm bà rất lo.”
”Tôi nhắc là mẹ với ba là cần đi đâu thì kêu tụi con đến chở đi, lớn tuổi rồi… thì chưa đợi tôi dứt lời, mẹ đáp lớn tuổi gì, ông John Huỳnh gì mới bị đâm chết cỡ tuổi con đó.”
William kể sau khi buông điện thoại, anh ngỡ ngàng vì nỗi lo âu trong giọng người mẹ đã gần 70.
”Bây giờ thì không phải chỉ tụi tôi lo cho ba mẹ, mà ông bà cụ cũng phải lo cho mình nữa. Sống kiểu này chán quá.” William than.
Mục lục
Những người trẻ bị tấn công
Thân mẫu của William Bùi có lý do để quan tâm. Trong vòng hơn một tháng qua, ngày càng nhiều nạn nhân châu Á bị hành hung là người trẻ hoặc trung niên.
Tại San Francisco, hôm 30/4, Bruce, người đàn ông châu Á 36 tuổi đang chờ sang đường ở ngã tư với đứa con mới lẫm chẫm biết đi ngồi trong xe đẩy, thì bị một người đàn ông từ phía sau, nhào đến đánh vào đầu, khiến ông ngã xuống đất.
Theo báo cáo của cảnh sát SFGATE, kẻ tấn công Bruce mới 26 tuổi, tên là Sidney Hammond, tiếp tục đánh Bruce sau khi ông đã ngã xuống đất, cho đến khi cảnh sát kéo đến lôi hắn ra.
Nói chuyện với đài truyền hình địa phương, Bruce cho biết cảm giác an toàn của anh ”hoàn toàn bị phá vỡ.”
”Tôi không bảo vệ được con. Tôi nằm dưới đất, và con thì ở trong một xe đẩy đang bị lăn đi, đó là trải nghiệm hãi hùng nhất của một người làm cha.” Bruce tâm sự.
Hôm 3/5, tại thành phố New York, cảnh sát công bố một video có dấu chân của nghi phạm mà họ đang truy lùng trong vụ tấn công một phụ nữ châu Á 31 tuổi.
Người đàn bà 31 tuổi này bị tấn công bằng búa khi đang đi dạo với người bạn trong khu Hell’s Kitchen, tối Chủ nhật 2/5. Đây là một trong những sự việc mới nhất trong chuỗi các vụ tấn công bạo lực nhằm vào người châu Á trên khắp Hoa Kỳ.
Đoạn phim của cảnh sát cho thấy nữ nghi phạm hét lên yêu cầu nạn nhân cởi khẩu trang ra.
Nạn nhân trẻ tuổi nhất và làm cộng đồng người Việt rúng động nhất là anh John Huỳnh, 29 tuổi, bị đâm chết ở gần nhà tại khu Bothell, thành phố Seattle, thuộc tiểu bang Washington, đêm 25/4.
Sở Cảnh sát Bothell cho biết họ đang điều tra “tất cả các động cơ có thể có” trong cái chết của anh.
Tuy nhiên, theo hồ sơ tòa án, John Huỳnh bị nghi phạm là Patrick william, 25 tuổi, đâm nhiều nhát, có nhát trúng tim, sau khi hai bên lời qua tiếng lại về vấn đề đeo khẩu trang. John Huỳnh chết ngay tại chỗ.
Cảnh sát, trong đa số trường hợp, khá ngần ngại trong việc tuyên bố lý do của việc tấn công, nhất là khi có tử vong.
Nhưng giới ủng hộ AAPI và các nhà hoạt động cho rằng đây là những tội ác thù ghét và thường liên quan đến tâm lý đổ lỗi cho người châu Á về sự lây lan của Covid-19, một biến cố bị chính trị hóa trầm trọng ở Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump.
Những con số ngày càng tăng
Theo BBC, khi Covid bắt đầu bùng phát mạnh ở Mỹ, cơ quan FBI đã cảnh báo rằng họ dự kiến tội ác thù hận với những người gốc Á sẽ gia tăng.
Dữ liệu tội phạm căm thù của liên bang cho năm 2020 hiện vẫn chưa được công bố, nhưng số tội phạm căm thù năm 2019 đã ở mức cao nhất trong hơn một thập niên.
Cuối năm ngoái, Liên Hiệp Quốc đưa ra một báo cáo chi tiết về “mức độ đáng báo động” của bạo lực có động cơ chủng tộc và các sự việc thù hận khác với người Mỹ gốc Á.
Rất khó để xác định con số chính xác cho các tội phạm liên quan đến kỳ thị chủng tộc, vì không có tổ chức hay cơ quan chính phủ nào theo dõi vấn đề này lâu dài, hơn nữa các tiêu chuẩn báo cáo có thể khác nhau giữa các khu vực.
Tuy nhiên, một báo cáo cho biết các vụ kỳ thị mang tính thù hằn chống người châu Á tăng gần 150% vào năm 2020.
Và nhóm Stop AAPI Hate mới đây cho biết họ đã nhận được báo cáo về 6.603 vụ tấn công từ tháng Ba 2020 đến tháng Ba 2021 so với khoảng 3.800 vụ trong suốt năm 2020, một sự gia tăng đáng kể.
Con giun xéo lắm cũng quằn
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, hơn 1/3 người Mỹ gốc Á nói họ sợ có thể bị ai đó bất chợt đe dọa hoặc tấn công, hơn 80% nói họ cảm thấy rằng nạn tấn công vì thù ghét kỳ thị chủng tộc đang gia tăng.
Khó giải thích được hiện tượng tại sao ngày càng nhiều người trẻ gốc Á bị tấn công đưa con số nạn nhân nói chung ngày càng lên cao.
Trả lời phỏng vấn của BBC News, Amanda Nguyễn, một nhà hoạt động gốc Việt, sáng lập viên của tổ chức phi lợi nhuận Rise, cho rằng sự gia tăng này đến từ tình trạng “bỏ sót diện rộng” người Mỹ gốc Á trong các cuộc đối thoại về văn hóa.
Mặc dù dân số gốc Á tăng nhanh hơn so với các nhóm thiểu số khác trong dân số Hoa Kỳ, nhưng truyền thông không đưa tin nhiều về những câu chuyện của cộng đồng này, và mối quan tâm của họ cũng không được các đảng chính trị mấy quan tâm, bà Amanda Nguyễn nói với BBC.
Bàn về việc này trên Twitter, chủ tài khoản ‘Stocks-R-Hard’ thắc mắc:
‘Tại sao người châu Á không mang theo vũ khí tùy thân, và không chống cự, đó là điều tôi không hiểu nổi.”
Người có tài khoản Sokunthy đáp:
”Người Á đông chúng tôi không tin vào việc mang vũ khí. Chúng tôi cũng không đánh trả mà chỉ bỏ đi. Văn hóa nhiều đời nó thế, khó sửa.”
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, Sharon Trần, 26 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Los Angeles, California, nói:
”Trước đây việc là người Á đông không bao giờ làm tôi bận tâm, nhưng lúc này thì định đi đâu, làm gì cũng phải suy tính kỹ hơn.”
”Sự e ngại luôn lẩn khuất đâu đó. Tôi thường thấy mình có cảm giác nặng nề và không tự do và vô lo như trước,” cô giải thích.
Sharon Trần kể sau khi có tin nhiều người trẻ gốc Á bị hành hung, cha cô đã giục cô ghi danh ngay vào một lớp Taekwondo ở gần nhà để học cách tự vệ, và cô đã làm theo, dù ”không bao giờ nghĩ là mình một ngày sẽ đi học võ.”
Ted Nguyễn, 28 tuổi, bạn trai của Sharon, cũng sinh ra ở Mỹ, phản ứng mạnh mẽ hơn:
”Nạn kỳ thị người châu Á đã có từ lâu, và ở một chừng mực nào đó, người châu Á, nhất là thuộc thế hệ thứ nhất, chọn thái độ nhẫn nhịn, cho đó là cái giá phải trả khi định cư ở xứ người.” anh nói với BBC News Tiếng Việt.
Và khẳng định:
”Rõ ràng là người gốc Á ngày càng bị tấn công nhiều. Cứ vài ngày lại nghe tin có người bị đâm, bị đập. Đột nhiên những kẻ hung bạo này chính là đại dịch, chứ virus không phải đại dịch. Không thể chấp nhận được!”
”Tôi từ đầu tháng Tư đã tham gia vào các tổ chức chống nạn thù hận người AAPI ở địa phương. Tụi tôi rủ nhau quyên tiền làm những việc thiết thực như mua còi báo động tặng người cao niên, tổ chức những nhóm theo dõi chia nhau đến các khu phố để bảo vệ người già.” Ted kể.
”Chúng tôi học việc mua còi báo động từ nhóm ‘Asians in America’ ở New York. Họ rất thực tế. Giúp người già tự vệ khó hơn việc tặng cho họ chiếc còi báo động nhiều. Nói tóm lại chúng tôi phải lên tiếng, phải có hành động.
”Trước làn sóng người bị tấn công, tụi tôi nhận ra là mình phải tự giải quyết vấn đề. Không thể chấp nhận sống trong sợ hãi, mà cũng không thể ngồi chờ những bộ luật cấm tội ác thù ghét của chính phủ giúp mình được.” Anh kết luận.
“Chắc để học võ khá một chút, tôi cũng sẽ tham gia những tổ chức này. Không thể ngồi yên được nữa.” Sharon, bạn gái Ted, phụ họa.
Những cuộc hành hung gần đây đã tạo một loạt phản ứng.
Nhiều người nổi tiếng như nữ tài tử Trung Quốc Gemma Chan, cũng lên tiếng ủng hộ chiến dịch quyên tiền để chống nạn thù ghét người gốc Á.
Gemma Chan nói cha mẹ cô cũng phải đối mặt với những cuộc tấn công bằng lời từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, và kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức và hỗ trợ phong trào.
“Giống như nhiều người khác, tôi lo lắng cho người thân mỗi khi họ ra khỏi nhà hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng,” Gemma tiết lộ.
Nam diễn viên Henry Golding cũng cam kết ủng hộ phong trào.
“Sự căm ghét người châu Á đã lan tràn khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở Mỹ,” bạn diễn Crazy Rich Asians của Gemma viết trên Instagram.
Cuối Instagram tin, 1
Được gắn nhãn hiệu ”người thiểu số gương mẫu” nhiều người Mỹ gốc Á trước đây đã chọn thái độ nhẫn nhịn, và cố hòa mình vào dòng chính, mong được sống yên bình với người bản xứ.
Nhưng những cuộc tấn công gần đây khiến nhiều người trẻ nhận ra là họ phải tích cực hơn trong việc đối phó với nạn thù ghét hiện không thấy có dấu hiệu nguôi ngoai./.
BBC