Seite auswählen

Thorsten Berner

Sự trừng phạt của Trung cộng đối với các nhà nghiên cứu Đức

Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc tham vấn trực tuyến giữa hai chính phủ Đức-Trung ở Berlin. Ảnh: Janine Schmitz / images / photothek

Vào ngày 10 tháng 12 năm 2018, tôi đến Bắc Kinh. Đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của tôi đến Trung cộng. Lý do rất dễ hiểu được rằng sự đàn áp của Bắc Kinh từ lâu đã không chỉ đến với người dân nước này, mà còn cả với các nhà nghiên cứu nước ngoài.

Tại Bắc Kinh, tôi đã tham gia một hội nghị gồm các nhà nghiên cứu và những người ra quyết định chính trị từ Trung cộng, Châu Âu và một số nước khác ở Châu Á, do Quỹ Körber cùng với Vụ Quốc tế của Trung ương đảng cộng sản Trung Hoa tổ chức. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất hiệu quả. Hội nghị này đã kết hợp được nhiều tiếng nói từ bên ngoài Trung cộng (bao gồm cả Tổng thống Liên bang Đức, Frank-Walter Steinmeier) và từ bên trong hệ thống Trung cộng. Không có đề tài thảo luận nào bị cấm kỵ. Bản thân tôi trong ngày 10 tháng 12 này đã trình bày về việc chống khủng bố tại Tân Cương. Ngay sau đó là một cuộc thảo luận cởi mở với những người tham gia từ phía Trung cộng bằng những lời nói vượt xa các cụm từ tiêu chuẩn.

 

Michael Kovrig hiện giờ vẫn còn ở trong nhà tù Trung cộng

Nhưng ngày hôm đó, một chuyện khác đã xảy ra ở Bắc Kinh, điều mà tôi chỉ biết được sau khi trở về: vụ bắt con tin của Michael Kovrig, một nhà nghiên cứu và nhà ngoại giao người Canada làm việc cho tổ chức tư vấn “International Crisis Group”. Cho đến ngày nay, Kovrig vẫn đang ngồi tù tại Trung cộng với những cáo buộc gián điệp không có thật nhằm gây áp lực lên chính phủ Canada. Ottawa đã bắt giữ giám đốc tài chính Meng Wanzhou của Huawei do yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.

Đối với tôi, đó là một vụ đập ước vỡ tràn. Tôi hiểu ra rằng sổ thông hành nước ngoài không còn bảo vệ các nhà nghiên cứu khỏi bị tống vào nhà tù dài hạn tại Trung cộng. Việc đại sứ Trung cộng tại Canada mới đây tuyên bố bảo đảm một cách đầy hoài nghi rằng “đa số” các du khách đến Trung cộng không có gì phải lo sợ chỉ nhấn mạnh thêm mối nguy hiểm này. Các nhà nghiên cứu nước ngoài ngày nay có thể bị mắc bẫy của Bắc Kinh chỉ đơn giản là khi họ nói những điều mà giới lãnh đạo Trung cộng không thích, hoặc khi (như trường hợp của Kovrig) chúng hữu ích như một con bài người để thương lượng.

 

Luật an ninh của Trung cộng cũng áp dụng cho các hành động bên ngoài Trung cộng – một mức độ nguy hiểm mới

Mối nguy chỉ gia tăng kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố luật an ninh quốc gia của họ có giá trị cả bên ngoài lãnh thổ. Do đó, người nước ngoài có thể bị truy tố về các hành vi “chống lại an ninh quốc gia”, ngay cả khi họ đã thực hiện ở nước ngoài. Trí tưởng tượng rõ là không có giới hạn.

Do đó, tôi đã quyết định không đến Trung cộng nữa chừng nào những người nắm quyền như Tập bẻ cong luật pháp. Tôi thường xuyên viết những điều hoặc có những liên hệ mà Bắc Kinh có thể dễ dàng cho là một hành vi phạm tội. Và dù tôi sẽ phải bỏ lỡ các chuyến thăm Trung cộng và các cơ hội trao đổi cá nhân với các đối tác hợp tác trước đây, quyết định của tôi khá là dễ dàng. Tôi là một người theo chủ nghĩa tổng quát. Đến Trung cộng là hữu ích cho công việc của tôi, nhưng không cần thiết.

Sự sợ hãi chắc chắn không phải là một ngôi sao dẫn đường tốt khi phải đối đầu với các chế độ độc tài. Ngay cả đối với một số nhà nghiên cứu về Trung Hoa, những người do khả năng ngôn ngữ và khả năng tiếp cận gặt hái được rất nhiều từ các chuyến đến đó nghiên cứu, cũng có những lý do chính đáng để cân nhắc các rủi ro mà quyết định khác. Nhưng thời kỳ đen tối cũng đang mở ra đối với những ai vẫn muốn tiếp tục đi du lịch Trung cộng. Từ lâu, Bắc Kinh đã sử dụng thị thực như một vũ khí. Bất cứ ai viết quá nghiêm khắc về quốc gia đảng trị đều bị nguy cơ không nhận được chiếu khán nhập cảnh lần sau, hoặc chỉ nhận được muộn. Những dấu kim đâm này được cho là để khuyến khích sự tự kiểm duyệt. Chỉ một số nhà nghiên cứu nhận được lệnh cấm nhập cảnh hoàn toàn – và điều này không bao giờ được công khai phổ biến.

 

Một viện nghiên cứu Trung Hoa lớn nhất châu Âuví dụ bị quy chế áp đặt điển hình do Trung cộng đưa ra

Dấu kim đâm giờ đã trở thành súng bazooka. Vào ngày 22 tháng 4, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong đó bao gồm trừng phạt toàn bộ Viện Nghiên cứu Trung Hoa (Berliner Mercator Institute for China Studies – Merics) tại Berlin và một số nhà nghiên cứu về Trung Hoa nổi tiếng khác ở châu Âu như Adrian Zenz và Björn Jerdén. Các biện pháp trừng phạt có nghĩa là cấm nhập cảnh và cấm “làm ăn với Trung cộng”. Cơ quan tuyên truyền Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) vui mừng: “Cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Đại lục có nghĩa là các kênh nghiên cứu của Merics khó có thể duy trì và ảnh hưởng của nó sẽ bị suy yếu một cách rõ ràng.”

Áp đặt một quy chế điển hình đối với viện nghiên cứu Trung Hoa lớn nhất châu Âu. Đây là một cuộc tấn công lớn vào tự do học thuật. Bắc Kinh muốn chấm dứt sự nghiên cứu độc lập về Trung cộng. Thông điệp gửi đến các nhà nghiên cứu Trung cộng còn lại là rất rõ ràng: “Chỉ chúng tôi có quyền xác định ai là người đối thoại có thể chấp nhận được. Hãy tránh xa các nhà khoa học và viện nghiên cứu đã bị trừng phạt. Và kẻ nào không viết tích cực về nhà nước đảng rồi đây sẽ bị số phận tương tự. “

 

Sự im lặng của Thủ tướng Đức thật đáng xấu hổ

Tất cả chúng ta phải bảo đảm để các toan tính của Bắc Kinh không thành công. Những tuyên bố đoàn kết của hơn 1.300 nhà nghiên cứu và hơn 30 giám đốc các tổ chức tư vấn (Think Tank) châu Âu là một bước khởi đầu tốt. Nhiều thành viên của Hạ viện và đại diện cấp cao của Bộ Ngoại giao Đức cũng công khai ủng hộ Merics. Sự im lặng của Thủ tướng Đức và cơ quan của bà về các lệnh trừng phạt lại càng đáng xấu hổ hơn.

Các viện và nhà nghiên cứu phải được hiểu rõ và được công nhận là những nguồn nghiên cứu không thể thiếu. Họ phải tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ của chúng ta ở Trung Hoa lục địa. Họ phải luôn được tham gia vào các phiên điều trần của quốc hội, các hội nghị chuyên môn gồm các chính trị gia và đại diện công ty hoặc các sự kiện do các quỹ tổ chức về chủ đề Trung cộng, thậm chí và đặc biệt khi có sự tham gia của các đại diện Trung cộng. Đặc biệt, các trường đại học đang có mối quan hệ nghiên cứu chặt chẽ với Trung cộng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật nên định vị rõ ràng là ủng hộ quyền tự do nghiên cứu.

Việc viện trưởng Đại học Trier thẳng thắn lên án các lệnh trừng phạt và đáp lại bằng việc quyết định tạm dừng hoạt động của Viện Khổng Tử tại đại học mình do một giáo sư Trier đứng đầu là một ví dụ. Một điều rõ ràng là: nhận tiền từ Trung cộng (bất kể nhà nước hay công ty) nên là điều cấm kỵ đối với các trường đại học và các tổ chức tư vấn để duy trì sự độc lập. Đại học Tự do (Freie Universität) Berlin cũng nên chấm dứt ngay việc nhận tiền của nhà nước Trung cộng. Và các công ty Đức đang hoạt động mạnh mẽ ở Trung cộng nên đầu tư vào một quỹ giúp tăng cường hoạt động độc lập về Trung cộng nhằm gửi đi một tín hiệu rõ ràng chống lại các lệnh trừng phạt.

 

Phải phát triển các phương pháp mới trong việc nghiên cứu về Trung Hoa

Nghiên cứu Trung Hoa ngày càng phải học hỏi nhiều hơn để sử dụng các phương pháp sáng tạo nhằm miêu tả sự đa dạng trong xã hội Trung cộng và nhà nước đảng, ngay cả trong những điều kiện ngày càng hà khắc và khả năng tiếp cận thực thể rất hạn chế. Đồng thời, chúng ta phải đầu tư thật nhiều vào nguồn hiểu biết Trung Hoa tại nước mình. Sẽ thật bi thảm nếu sự đàn áp của ông Tập tiếp tục dẫn đến sự giảm hứng thú học tiếng Hoa. Những người không thể hoặc không muốn đến Trung cộng đại lục có thể  xem Đài Loan là một thiên đường rộng mở và an toàn để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ.

Chúng ta phải tăng cường trao đổi về Trung cộng với các nền dân chủ cùng chí hướng, đặc biệt là ở châu Á. Như chúng tôi đã trình bày trong nghiên cứu GPPi “Kinh doanh rủi ro”, hợp tác nghiên cứu cũng như các chương trình trao đổi và đối thoại có thể là những cầu nối quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm xung đột. Nhưng những cây cầu này chỉ bền vững nếu chúng ta đối phó tốt hơn với rủi ro và hăng hái đứng lên bảo vệ quyền tự do ngôn luận và khoa học. Chúng ta hãy cùng bắt tay vào làm.

Thorsten Benner. (Tagesspiegel – Berlin, 10.05.2021)

Lê Quang Thành dịch thuật

.Chuyên gia chính trị học Thorsten Benner là Giám đốc của Global Public Policy Institute (Viện Chính sách Công Toàn cầu GPPi ) ​​ở Berlin. Bài đăng trên nhật báo Tagesspiegel, xuất bản ở Berlin, số ra ngày thứ hai 10.05.2021.

 

Nguồn:

https://www.tagesspiegel.de/politik/chinesische-sanktionen-gegen-deutsche-wissenschaftler-warum-ich-nicht-mehr-nach-china-reise/27172172.html?utm_source=pocket-newtab-global-de-DE

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen