Seite auswählen

Thánh thất Cao Đài Phú Lâm tọa lạc ở khóm 5, thị trấn Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hôm 12/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo 2020 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, trong đó ghi nhận một số nhóm tôn giáo không được nhà nước công nhận tiếp tục bị chính quyền sách nhiễu như dọa nạt, quấy rối, gây mâu thuẫn, phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo, can thiệp vào công việc nội bộ hay hạn chế đi lại.

Việt Nam hôm 13/5 lên tiếng rằng báo cáo này “đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác”.

Trong báo cáo này, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ nêu sự khác biệt giữa Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 với Chi Phái Cao Đài 1997 được nhà nước hậu thuẫn.

Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố viết: “Một số nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm không yêu cầu được công nhận hoặc không được chính thức công nhận cho biết họ bị các hình thức quấy rối khác nhau của chính quyền – bao gồm cả tấn công thể chất, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và thu giữ tài sản”.

“Các nhà hoạt động tôn giáo buộc tội chính quyền thao túng các nhóm tôn giáo đã được công nhận và cài cắm người gây ra xung đột để từ đó trấn áp hoạt động của các nhóm chưa đăng ký”, báo cáo viết. Báo cáo nêu sự kiện các thành viên của Hệ phái Cao Đài được công nhận (Cao Đài 1997) đã phá rối nghi thức của tín đồ Cao Đài chưa đăng ký (Cao Đài 1926) tại một tư gia ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, diễn ra ngày 11 và 13/9/2020.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc đến việc chính quyền cưỡng chế Thánh thất Hiếu Xương ở Tuy Hoà, Phú Yên.

Liên quan đến việc chính quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo, bản báo cáo viết: “Nhiều tổ chức xã hội dân sự bày tỏ lo ngại về khả năng chính phủ can thiệp vào các quyết định của Nhà thờ Công giáo liên quan đến việc phân công hoặc bổ nhiệm lại các linh mục, những người đặc biệt thẳng thắn về nhiều vấn đề nhân quyền”.

“Trong số các trường hợp gây tranh cãi trong năm là việc chuyển Linh mục Nguyễn Đình Thục và Linh mục Đặng Hữu Nam ở Giáo phận Vinh, sau thông báo vào tháng 6 rằng Linh mục Đặng [Hữu Nam] sẽ bị hạn chế công việc mục vụ trong giáo phận”, báo cáo nêu.

Về việc cấm xuất cảnh, báo cáo cho biết một số nhà chức sắc tôn giáo phải đối mặt với các hạn chế đi lại ra bên ngoài, và các nhà lãnh đạo và tín đồ của một số nhóm tôn giáo cũng gặp phải những hạn chế đi lại từ phía chính quyền.

Báo cáo dẫn nguồn tin từ Dòng Chúa Cứu Thế cho biết nhà chức trách vẫn giữ hộ chiếu bị tịch thu vào năm 2018 của ít nhất hai linh mục của dòng. Vào tháng 5/2020, nhà chức trách đã từ chối yêu cầu gia hạn hộ chiếu của Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Toản, với lý do ông có hành vi “hoạt động chống lại Nhà nước”.

Báo cáo nêu: “Một số mục sư lên tiếng chỉ trích chính quyền bày tỏ lo ngại về việc đi du lịch nước ngoài vì sợ bị chặn lại biên giới hoặc bị giam giữ khi trở về nước”.

Từ Lâm Đồng, ông Hứa Phi, Trưởng Khối Nhơn Sanh Đạo Cao đài Chơn Truyền, đồng thời là đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, chia sẻ với VOA ý kiến của ông về tình hình tự do tôn giáo năm 2020:

“Ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tạo điều kiện cho những nhóm tôn giáo do nhà cầm quyền dựng lên, còn những nhóm tôn giáo chân truyền thì không có tự do”.

Hôm 11/5, ông Michael Orona, nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phát biểu tại sự kiện Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27 nêu quan ngại về những hạn chế tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông nói:

“Chúng tôi vẫn lo ngại về những hạn chế phổ biến về tự do tôn giáo và sự phân biệt đối xử, cũng như sự sách nhiễu. Một số thành viên của các nhóm tôn giáo cụ thể đã phải chịu đựng những hạn chế này, đặc biệt là những người là thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký ở những vùng sâu vùng xa như Tây Nguyên”.

“Một số nhóm tôn giáo nhất định đã bị từ chối trong nỗ lực đăng ký sau khi chạy trốn khỏi sự đàn áp tôn giáo từ những nơi khác trong nước”, ông Orona cho biết thêm.

Sau khi cáo báo tự do tôn giáo quốc tế 2020 được công bố, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội viết trên Facebook hôm 13/5: “Chính quyền Biden cam kết mạnh mẽ với việc thúc đẩy và bảo vệ sự tôn trọng phổ quát đối với tự do tôn giáo và tín ngưỡng cho tất cả mọi người. Đây là một ưu tiên trọng tâm trong chính sách đối ngoại”.

Ngày 13/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ năm 2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.

Bà Hằng cho biết Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đằng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

“Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi”, bà Hằng cho biết thêm.

Trong diễn biến liên quan, sáng ngày 13/5 tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp mặt đoàn đại biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cho biết rằng Đảng và Nhà nước “tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện tốt tu hành chân chính, đóng góp cho đất nước”, theo báo Tuổi Trẻ.

Những phát biểu tích cực của giới chức Việt Nam về tình hình tôn giáo trong nước phác họa một bức tranh trái ngược với những đánh giá của một số nhà hoạt động tôn giáo. Từ Houston, Texas, Hoa Kỳ, Hòa thượng Thích Huyền Việt, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại, phát biểu hôm 11/5 tại Ngày Nhân quyền Việt Nam.

“Cộng sản đã cho phát triển các cơ sở chùa to, Phật lớn nhằm khoe trương cái gọi là ‘tự do tôn giáo’, nhưng thực chất hoàn toàn không có tự do tôn giáo vì làm theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Tất cả mọi sinh hoạt dưới mọi hình thức đều do Đảng lãnh đạo”.

VOA (13.05.2021)

 

 

Việt Nam nói báo cáo tự do tôn giáo của Mỹ thiếu khách quan

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng  Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế của Mỹ công bố vào ngày 12/5 với nhiều bằng chứng về việc Việt Nam can thiệp, hạn chế quyền tự do của các nhóm tôn giáo và người dân, bị Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối, cho rằng còn có một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra vào ngày 13/5, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế vừa công bố của Mỹ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Bà Hằng cũng khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

“Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”- bà Hằng nói.

Như RFA đã đưa tin, tại buổi lễ công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế ngày 12/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: Tự do tôn giáo không kém quan trọng hơn bất kỳ quyền con người nào khác và chính phủ Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Về tình hình Việt Nam, báo cáo năm nay vẫn tiếp tục đưa ra các vi phạm về quyền tự do tôn giáo của Chính phủ Việt Nam thông qua các hình thức can thiệp và hạn chế quyền tự do của các nhóm tôn giáo và người dân, từ việc bắt giữ, đe dọa, giám sát cho đến hạn chế đi lại, tịch thu tài sản và từ chối yêu cầu đăng ký và các quyền khác.

RFA (13.05.2021)

 

 

Việt Nam vẫn còn vi phạm nhiều về quyền tự do tôn giáo

Một lớp học ở Học viện Phật giáo Việt Nam. Ảnh chụp ngày 28/6/2020  Ảnh: AFP

Tự do tôn giáo không kém quan trọng hơn bất kỳ quyền con người nào khác và chính quyền Biden-Harris cam kết sẽ bảo vệ quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố như vậy trong buổi lễ ra mắt Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2020 hôm 12/5 tại Washington D.C. Về tình hình Việt Nam, tuy có ghi nhận một số tiến bộ, báo cáo năm nay vẫn tiếp tục lên án mạnh mẽ các vi phạm về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nêu rõ Chính phủ Việt Nam tiếp tục có nhiều hình thức can thiệp, hạn chế quyền tự do của các nhóm tôn giáo và các tín đồ, từ việc bắt giữ, đe dọa, giám sát cho đến hạn chế đi lại, tịch thu tài sản và từ chối yêu cầu đăng ký và các quyền khác.

Dọa nạt, quấy rối

Báo cáo cho biết Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của Việt Nam duy trì một quy trình đăng ký và công nhận bao gồm nhiều giai đoạn đối với các nhóm tôn giáo, nếu chưa có được đăng ký hoặc công nhận, hoạt động của các nhóm tôn giáo sẽ bị hạn chế và giám sát nghiêm ngặt. Một số giới chức tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm tôn giáo chưa được đăng ký chính thức hoặc không yêu cầu được công nhận đã phản ánh nhiều hình thức quấy rối, đe dọa của nhà cầm quyền.

Ông Dan Nadel, quan chức cấp cao phụ trách vấn đề tự do tôn giáo quốc tế tại buổi lễ công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP

“Chính quyền địa phương ở một số khu vực của Tây Nguyên được ghi nhận là đã dọa nạt và đe dọa bạo lực đối với các thành viên của một số nhóm Tin lành chưa đăng ký vì đã thông tin về các vi phạm nhân quyền của Việt Nam với các tổ chức quốc tế” – báo cáo viết và cho biết theo Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) – một tổ chức phi chính phủ của Mỹ – chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã đe dọa giết các trưởng lão của Hội thánh Tin lành Đấng Christ  (Evangelical Church of Christ ) chưa đăng ký ở Thành phố Buôn Ma Thuột và Hội thánh Truyền giảng Phúc âm (Good News Mission Church) ở huyện Cư Kuin trong các cuộc thẩm vấn được tiến hành sau khi các trưởng lão này có các cuộc gặp với các nhà ngoại giao nước ngoài vào tháng 6.  Đồng thời, các nhà chức trách của tỉnh này cũng bị cáo buộc là “đã gây áp lực buộc các trưởng lão trong Hội thánh phải từ bỏ đức tin của họ, ngừng hoạt động của hội nhóm mình và gia nhập Hội thánh Tin lành Việt Nam (Evangelical Church of Vietnam) đã đăng ký” .

Gây mâu thuẫn, phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo

Báo cáo cho hay đã có những phản ánh về sự can thiệp của Chính phủ, gây mâu thuẫn, xung đột giữa thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và với các nhóm đã đăng ký hoặc đã được công nhận hoặc giữa các tín đồ và những người không theo tôn giáo.

“Các nhà hoạt động tôn giáo buộc tội chính quyền thao túng các nhóm tôn giáo đã được công nhận và cài cắm người gây ra xung đột để từ đó trấn áp hoạt động của các nhóm chưa đăng ký” – báo cáo viết và cho biết một trong những ví dụ của hiện tượng này là vụ việc các thành viên của Hệ phái Cao Đài được công nhận (Cao Đài 1997) đã phá rối nghi thức của tín đồ Cao Đài chưa đăng ký (Cao Đài 1926) tại một tư gia ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh diễn ra ngày 11 và 13/9/2020.

Lễ Phục sinh tại Hà Nội. Ảnh: Reuters

Báo cáo cũng cho hay Chính phủ Việt Nam đã thể hiện một số phân biệt đối xử đối với các tín đồ tôn giáo và các nhóm tôn giáo trên khắp đất nước. Các thành viên của một số nhóm tôn giáo có thành viên là người nghèo hoặc người dân tộc thiểu số cho biết bị chính quyền từ chối một số lợi ích hợp pháp mà các thành viên được hưởng. Báo cáo dẫn phản ánh của Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) về việc chính quyền địa phương xã Thạch Lỗi, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, đã từ chối hỗ trợ tài chính của nhà nước đối với COVID-19 cho các thành viên của Giáo hội Báp-tít Việt Nam (VBC) – một nhóm tôn giáo chưa đăng ký.

Can thiệp vào công việc nội bộ

“Nhiều tổ chức xã hội dân sự bày tỏ lo ngại về khả năng chính phủ can thiệp vào các quyết định của Nhà thờ Công giáo liên quan đến việc phân công hoặc bổ nhiệm lại các linh mục, những người đặc biệt thẳng thắn về nhiều vấn đề nhân quyền” – báo cáo nhận định  và cho biết việc thuyên chuyển của Linh mục Nguyễn Đình Thục và Linh mục Đặng Hữu Nam từ Giáo phận Vinh là hai trong những trường hợp gây ra nhiều nhiều tranh luận trong năm. Báo cáo cho biết cả hai linh mục đều nổi tiếng vì sự ủng hộ của họ đối với các nạn nhân của thảm họa do nhà máy Formosa xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra môi trường hồi năm 2016 cũng như một loạt các hoạt động vận động nhân quyền và việc thuyên chuyển này diễn ra sau khi có thông báo vào tháng 6/2020 rằng Cha Đặng Hữu Nam sẽ bị hạn chế làm việc mục vụ trong giáo phận. Trong một diễn biến tương tự, trong tháng 10/2020, Giáo phận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã điều chuyển và đình chỉ công tác mục vụ của linh mục Nguyễn Duy Tân, một linh mục nổi tiếng thẳng thắn. Ông Tân cũng là người lên tiếng chỉ trích các điều kiện nhân quyền ở Việt Nam sau vụ Formosa năm 2016.

Hạn chế đi lại

Báo cáo cho biết một số nhà chức sắc tôn giáo phải đối mặt với các hạn chế đi lại ra bên ngoài, và các nhà lãnh đạo và tín đồ của một số nhóm tôn giáo cũng gặp phải những hạn chế đi lại từ phía nhà cầm quyền.  Cụ thể  Dòng Chúa Cứu Thế Công giáo (Catholic Redemptorist Order) cho biết nhà chức trách vẫn giữ hộ chiếu bị tịch thu vào năm 2018 của ít nhất hai linh mục của dòng.  Vào tháng 5/2020, nhà chức trách đã từ chối yêu cầu gia hạn hộ chiếu của Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Toản, với lý do ông có hành vi “hoạt động chống lại Nhà nước”.

“Một số mục sư lên tiếng chỉ trích chính quyền bày tỏ lo ngại về việc đi du lịch nước ngoài vì sợ bị chặn lại biên giới hoặc bị giam giữ khi trở về nước” – báo cáo viết.

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Toản – người bị nhà chức trách Việt Nam từ chối yêu cầu gia hạn hộ chiếu. Ảnh: RFA-printscreen

Ngăn cản post ảnh, thông tin trên mạng

Tiếp tục trích dẫn Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS), báo cáo cho biết vào ngày 27/8/2020, chính quyền địa phương xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột đã thẩm vấn một thành viên nhà thờ Y Nguyệt Bkrông về hình ảnh trên trang Facebook của ông vì bức ảnh cho thấy các công an địa phương có mặt tại nhà ông khi thực hành nghi lễ tôn giáo của Hội thánh Tin lành của Đấng Christ. Báo cáo cũng cho biết các quan chức địa phương đã đe dọa sẽ trừng phạt nếu ông không gỡ bỏ các bức ảnh và yêu cầu ông ngừng tổ chức các cuộc tập trung của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký này. Trước đó, ngày 14/1/2020, chính quyền địa phương huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã thẩm vấn Y Khiu Niê và Y Blon Niê, các thành viên của Hội thánh Truyền giáo Phúc Âm (Good News Mission Church) chưa đăng ký, về việc họ chia sẻ các báo cáo chỉ trích chính phủ với quốc tế và gây áp lực buộc họ phải dừng lại truy cập và đăng các báo cáo tiêu cực trên các website nhân quyền và Facebook.

“Nhiều vụ việc tương tự khác ở tỉnh Đắc Lắc đã được BPSOS ghi nhận” – báo cáo viết.

Gây phiền hà, thậm chí đòi hối lộ để cấp đăng ký

Các chức sắc tôn giáo trong toàn quốc đã ghi nhận một số điều kiện cải thiện so với những năm trước, ví dụ như mối quan hệ tốt hơn giữa các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và chính quyền địa phương. Thành viên của các nhóm tôn giáo được công nhận hoặc có giấy chứng nhận đăng ký cho biết nhìn chung họ có thể thực hành tín ngưỡng của mình nhiều hơn mà ít bị chính quyền can thiệp hơn – Trích báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Báo cáo đã ghi nhận việc Ủy ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam hợp tác với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký để họ hoàn thành các thủ tục đăng ký cần thiết. Trong năm 2020, cơ quan này đã thông qua đăng ký khoảng 70 hội thánh địa phương, bao gồm bốn hội thánh địa phương Tin lành, khoảng 50 giáo xứ Công giáo và 12 hội thánh Cao Đài địa phương. Tuy nhiên báo cáo cũng cho hay trong năm 2020, Việt Nam vẫn “không công nhận bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào” đồng thời vẫn duy trì nhiều thủ tục đăng ký phiền hà.

“Các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký tiếp tục tuyên bố rằng các cơ quan chính phủ đôi khi không trả lời đơn đăng ký hoặc yêu cầu chấp thuận cho các hoạt động tôn giáo trong khoảng thời gian quy định và thường không giải thích lý do từ chối theo quy định của pháp luật” – báo cáo viết. Theo báo cáo cũng đã có những phản ánh rằng một số chính quyền địa phương đã yêu cầu các tài liệu hoặc thông tin vượt quá quy định của pháp luật và nhà chức trách đôi khi đòi hỏi hối lộ để có được quyết định chấp thuận. Ngoài ra, các nhóm tôn giáo cho biết quá trình đăng ký về các hoạt động ở các địa điểm mới hoặc vùng sâu vùng xa là đặc biệt khó khăn.

“Một số nhóm tôn giáo báo cáo rằng chính quyền đã thúc giục họ đăng ký làm một nhánh của nhóm tôn giáo được công nhận” – báo cáo viết.

RFA (12.05.2021)

 

 

Liệu chính phủ  Việt Nam sẽ tạm hoãn thi hành án đối với ông Nguyễn Tường Thụy?

Ông Nguyễn Tường Thụy đang bị giam tại trại tù An Phước, tỉnh Bình Dương cách Hà Nội hàng ngàn cây số. 

Ngày 5 tháng giêng vừa qua, nhà cầm quyền VN đã đưa 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam (Hội NBĐLVN) ra xét xử tại Toà án Nhân dân TP. HCM. Các ông Phạm Chí Dũng – Chủ Tịch HNBĐL, Nguyễn Tường Thụy – Phó Chủ Tịch và Lê Hữu Minh Tuấn, cộng tác viên bị nhà cầm quyền Việt Nam cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Phạm Chí Dũng bị mức án 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy 11 năm, và ông Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm.

Những người có lương tri trên thế giới quan tâm đến vụ này đành giá đây là những bản án sai trái, được định trước có tinh cách trả thù của chính quyền Việt Nam qua bản án này.

Ông Nguyễn Tường Thụy đang bị giam tại trại tù An Phước, tỉnh Bình Dương cách Hà Nội hàng ngàn cây số. Ngày 18/4/2021 bà Nguyễn Thường Thụy lần đầu tiên được thăm gặp chồng sau gần 1 năm. Việc đi lại thăm gặp chỉ một giờ đồng hồ, nhưng rất tốn kém, mất thì giờ, bà Thụy cũng lớn tuổi, sức khỏe cũng không tốt.

Ông Thụy năm nay đã 70 tuổi. Từ lâu, ông đã là người có sức khỏe yếu. Ông còn mắc các chứng bệnh đau xương khớp, cao huyết áp, và sỏi thận. Nhiều khi, ông không tự phục vụ cho bản thân mình. 22 năm phục vụ trong quân đội đã lấy hết sức khỏe của ông. Từ khi bị bắt, sức khỏe của ông càng tồi tệ, hơn thế nữa hệ  thống nhà tù tại Việt Nam nói chung không bảo đảm được việc duy trì sức khỏe của tù nhân. Như vậy, có thể  ông Thụy sẽ mất trong tù trước khi mãn  án phạt vào năm 2032, khi ông đã 81 tuổi. Hoặc sức khỏe của ông sẽ bị suy giảm nghiêm trọng trong thời gian ở đó.

Một nhóm thành viên của Hội NBĐLVN và thân hữu đang  vận động một số chính phủ trên thế giới, các tổ chức nhân quyền yêu cầu chính quyền Việt Nam hoãn thi hành án đối với ông Nguyễn Tường Thụy

Ngày 9 tháng 5, trả lời luật gia Trương Minh Tam, người đang làm cố vấn cho nhiều vụ tranh chấp của người trong nước  với chính quyền Việt Nam, ông Nguyễn Gia Quốc đại diện Hội NBĐLVN cho biết:

Trước hết phải nói các ông Phạm chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn không phạm tội như đã bị cáo buộc. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng bênh vực và yêu cầu chính quyền VN trả tự do cho họ. Trường hợp của họ cũng đã được đưa ra Ủy ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi nghĩ nếu  Việt Nam biết lắng nghe và thực thi khuyến cáo của LHQ, và quan trọng hơn cả họ biết  tôn trọng nhân quyền, dân chủ thì 3 người trong hội NBĐLVN và các tù nhân lương tâm khác sẽ được trả tự do không chóng thì chầy. Tuy nhiên vì tình hình sức khỏe của ông Thụy như vậy, chúng tôi cố gắng vận động chính quyền VN thực hiện các biện pháp nhân đạo với ông Thụy. Nhóm chúng tôi gồm nhiều anh chị em trong hội NBĐL và thân hữu đang cố vận động các cá nhân, tổ chức nhân quyền, các chính phủ tác động lên chính quyền Việt Nam. Rất mừng nhiều người, nhiều nơi chúng tôi vận động đã nhận lời. Trong đó có tổ chức yểm trợ nhân quyền cho Việt Nam là tổ chức BPSOS

Ông Nguyễn Gia Quốc nói thêm, thi hành án là một hoạt động pháp lý, dù chúng ta hay người nhận bản án có phản kháng bản sai, chính quyền vẫn bắt người nhận bản án phải thi hành án, nghĩa là phải ở tù, phải nộp phạt hay gì đó theo phán quyết của tòa. Nhưng chính quyền phải tôn trọng nhân vị người bị giam cầm và phải đúng theo nhân đạo. Trong trường hợp ông Thụy, chúng tôi kêu gọi chính phủ  Việt Nam tạm hoãn thi hành án khi ông bị bệnh nặng, có lúc không tự lo cho bản thân. Trong quá khứ, chúng tôi được biết chính phủ VN đã hoãn thi hành án cho một số người, như trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý.

Ông Nguyễn Gia Quốc tỏ ý mong muốn sự tiếp tay nhóm vận động chính phủ  Việt Nam tạm hoãn thi hành án đối với ông Nguyễn Tường Thụy của các tổ chức nhân quyền trên thế giới trong đó có tổ chức phi chính phủ BPSOS. Ông nói: Vận động hoãn thi hành án cho ông Nguyễn Tường Thụy của chúng tôi được sự tiếp tay của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Trong các tổ chức đó có BPSOS của người Việt.

Chúng tôi mong muốn Đề Án Dân quyền thuộc BPSOS sẽ giúp chúng tôi thực hiện các yêu cầu pháp lý về nhân đạo đối với nhà nước VN trong việc đối xử ông Thuỵ. Ngoài ra chúng tôi cũng đề nghị BPSOS và Đề Án Dân Quyền thực hiện các thủ tục pháp lý phù hợp với luật pháp VN để khiếu nại quá trình tố tụng đã bị vi phạm dẫn tới bản án sai trái.

Đây chính là các gợi ý của các chính phủ, các cá nhân và tổ chức quan tâm tới ông Thuỵ mong muốn để qua đó họ có cơ hội đánh giá thái độ tuân thủ pháp luật của chính nhà nước  Việt Nam đồng thời có căn cứ để làm việc với Chính phủ  Việt Nam cho cuộc vận động nhân đạo đối với ông Thuỵ và các anh em trong hội NBĐLVN  nói riêng và các tù nhân lương tâm khác, nói chung.

Thục Đoan

VNTB (12.05.2021)

 

 

Chủ tịch Việt Nam cảnh báo ‘dân chủ tào lao’, lo đất nước ‘loạn’

Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi, Sài Gòn, hôm 9/5.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam là một “nhà nước pháp quyền” và lên tiếng cảnh báo về cái mà ông gọi là “dân chủ tào lao” khi cho rằng đất nước sẽ “loạn” nếu không giữ được “kỷ cương phép nước.”

Ông Phúc, người từng có nhiều phát ngôn khiến cộng đồng mạng bàn cãi trong thời gian làm thủ tướng Việt Nam, phát biểu như vậy trong một buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi ở TPHCM, theo Tiền Phong.

Theo vị chủ tịch nước, Việt Nam là một “nhà nước pháp quyền” và “luôn đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.” Ông Phúc cho rằng Việt Nam “quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật” và cảnh báo nếu không giữ vững “kỷ cương, phép nước” thì sẽ không đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Đề cập đến vấn đề dân chủ, Chủ tịch Phúc được Tiền Phong trích lời khẳng định rằng quan điểm của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông là “phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân và giải quyết thấu tình đạt lý.” Ông Phúc kêu gọi đề cao “dân chủ” và cho rằng nếu “dân chủ tào lao” thì “đất nước sẽ loạn.”

Phát ngôn của ông Phúc với các cử tri khiến nhiều người dùng mạng xã hội thắc mắc về ý nghĩa của “dân chủ tào lao” khi họ không hiểu là gì và đề nghị vị chủ tịch nước giải thích cho người dân.

“Dân chủ tào lao là gì? Có ai biết không?,” một người dùng mạng xã hội có tên Đinh Văn Hải thắc mắc trong đăng tải khi chia sẻ bài báo của Tiền Phong về tuyên bố “Dân chủ tào lao thì đất nước sẽ loạn…” của ông Phúc.

Luật sư Nguyễn Duy Bình, trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 9/5, đề nghị vị chủ tịch nước giải thích thế nào là “dân chủ tào lao” để dân chúng hiểu. Vị luật sư này cho rằng ông Phúc là người thường đưa ra “những ngôn từ sáo rỗng, bay bướm, thiếu chính xác và nổ khắp nơi.”

Theo nhận định của Tiến sỹ Lê Vĩnh Triển của Đại học Kinh tế TPHCM trên tờ The Diplomat, “dân chủ hóa” là một thuật ngữ nhạy cảm về mặt chính trị ở Việt Nam vì các lãnh đạo Đảng Cộng sản cho rằng (và lo sợ) rằng nó sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị cũng như đe dọa sự ổn định của hệ thống độc Đảng của Việt Nam. Theo vị tiến sỹ của Khoa Quản lý Nhà nước, Chính phủ tin tưởng chắc chắn rằng thể chế thống nhất chính trị (rõ ràng) hiện nay là ưu việt và không thể thay đổi.

Phát ngôn của ông Phúc được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội khoá 15, dự kiến diễn ra vào ngày 23/5.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập khi cáo buộc họ “tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước” và “thông tin xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.”

Báo cáo nhân quyền của Mỹ được công bố gần đây cho rằng Việt Nam là một quốc gia do Đảng Cộng sản toàn trị và người dân không có tự do để bầu chọn ra chính phủ mà họ mong muốn cũng như bị hạn chế tham gia chính trị, trong số nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng khác. Tổ chức Freedom House trong báo cáo gần đây nhất cũng gọi Việt Nam là quốc gia độc Đảng, thiếu dân chủ và không có tự do về ngôn luận, tôn giáo, hoạt động xã hội cũng như tăng cường đàn áp đối với người dân bất đồng chính kiến.

Nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước đã bị bắt giữ trong những tháng gần đây trong đợt “trấn áp” mà các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là nhằm dập tắt các tiếng nói bất đồng đối với chính phủ Hà Nội quanh Đại hội 13 của Đảng Cộng sản và kỳ bầu cử khoá 15 của Quốc hội Việt Nam.

VOA (11.05.2021)

 

 

Nhân Quyền: “Khai sáng kỷ nguyên tả trắng thắng cờ hồng”

Lê Minh Nguyên

 (Sẽ Có Một Ngày – Nguyễn Chí Thiện)

Trong tranh đấu, một danh tướng phương tây có nói: Ta có thể chiến thắng dù thua từ trận này qua trận khác, trừ trận đánh cuối cùng.

Trước đây hơn một thập niên, dân biểu Chris Smith có nói với một nhóm của chúng tôi khi gặp ông trong Quốc hội rằng: Tranh đấu nhân quyền, muốn thành công bằng một đạo luật để nước Mỹ bắt buộc phải thi hành thì phải kiên trì, nếu bị thất bại không thông qua được thì chờ Quốc hội khoá sau (mỗi 2 năm) để đệ nạp nữa, theo kinh nghiệm làm luật ở Quốc hội, cứ kiên trì thì một ngày nào đó nó sẽ được thông qua.

Hôm 4/5/2021, Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, HR 3001, do các dân biểu Chris Smith, Zoe Lofgren, Alan Lowenthal đồng chủ trì đưa ra quốc hội, một tuần trước ngày Nhân quyền cho Việt Nam hằng năm 11/5.

DB Smith đã từng chủ trì 11 buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam, đã đưa ra thông báo hôm 6/5 để công bố về đạo luật lưỡng đảng này.

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 30/3 nói rằng, Việt Nam dù đang nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ từ Mỹ, nhưng vẫn độc tài dưới sự cai trị duy nhất của Đảng Cộng sản và có nhiều vấn đề nhân quyền “đáng lưu ý”.

Dự luật này cũng nhận được sự bảo trợ của các dân biểu khác như Lou Correa, Young Kim, Michelle Steel.

Đạo luật này sẽ cho phép Mỹ áp dụng chế tài lên các quan chức CSVN và những người vi phạm có hệ thống các quyền con người được quốc tế công nhận, đặc biệt bao gồm những sự vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.

Dân biểu Smith, tác giả của dự luật, trước đây từng 3 lần giới thiệu luật Nhân quyền Việt Nam ra Quốc hội. Các phiên bản trước đều được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ áp đảo từ các thành viên lưỡng đảng nhưng đều bị kẹt tại Thượng viện.

Dân biểu Smith nói: “Dự luật này gửi đi một thông điệp lưỡng đảng mạnh mẽ rằng một Việt Nam tự do hơn – quốc gia có tiềm năng là một mỏ neo chiến lược của khu vực và một đồng minh thân cận của Mỹ – là lợi ích quốc gia quan trọng đối với Mỹ”.

Với 3 tiền lệ đã có trước và với truyền thống ủng hộ nhân quyền mạnh mẽ ở Hạ viện, thì Dự luật này chắc sẽ được thông qua dễ dàng ở viện này.

Với đảng Dân Chủ, có triết lý và cương lĩnh là dân chủ, nhân quyền, bình đẳng xã hội.

Với chính quyền Tổng thống Biden chính thức công bố, lấy dân chủ, nhân quyền làm chiến lược để liên minh các quốc gia dân chủ, chống lại Trung Quốc và các nước độc tài.

Với Thượng viện do đảng Dân Chủ kiểm soát và có nhiều nghị sĩ Cộng Hoà ủng hộ nhân quyền Việt Nam.

Nó cho thấy các ngôi sao đã nằm trên đường thẳng, cơ hội Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, HR 3001 trở thành luật là rất cao, dù CSVN có lobby cản trở.

Sự chiến thắng sẽ không phụ công dân biểu Smith, là người đã khuyên chúng ta phải kiên trì và chính ông đã rất kiên trì để giúp dân tộc Việt Nam.

“Dân chủ tào lao” đang vận hành bởi độc đảng CSVN sẽ đối diện với diễn biến hoà bình hoặc là cách mạng để trở thành dân chủ chân chính, không còn tào lao như ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tiếng Dân (13.05.2021)

 

 

Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27 được tổ chức trực tuyến, 11 tháng Năm

Dân biểu Úc Chris Hayes phát biểu trong video gửi đến sự kiện Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27, tổ chức trực tuyến tối ngày 11/5/2021.

Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27 được tổ chức trực tuyến vào tối ngày 11/5 với sự tham gia của đông đảo các nhà làm luật, đại diện các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, các nghị sĩ từ Canada, Úc và các hội đoàn quan tâm đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam.

Từ Virginia, Mỹ, ông Phan Thông Hưng, đại diện ban tổ chức Ngày Nhân quyền Việt Nam, cho VOA biết về nội dung và ý nghĩa của sự kiện này:

“Sự kiện này nói lên sự công nhận của Quốc hội Mỹ về Ngày Nhân quyền Việt Nam, phản ánh sự cam kết của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đối với công cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ, và nhân quyền cho Việt Nam”.

“Qua đó thể hiện ý chí và quyết tâm của người Việt hải ngoại đấu tranh và yểm trợ các quyền căn bản của người dân trong nước”.

Giáo sư Phan Thông Hưng hiện là Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ.

Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ John Cornyn phát biểu trong một video:

“Là một nhà vận động lâu dài cho nhân quyền tại Việt Nam, tôi đã tiếp tục đấu tranh để chấm dứt những vi phạm nhân quyền bi thảm mà đáng tiếc vẫn còn xảy ra ở đó. Người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng các quyền tốt hơn. Trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, tôi tự hào giới thiệu Đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và tôi mong muốn tiếp tục đấu tranh để chấm dứt sự tàn bạo này trong Quốc hội khóa tới”.

Ông Piero Tozzi, Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của các dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện Hoa Kỳ phát biểu:

“Hôm nay là một dịp rất long trọng và là ngày chúng tôi đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam. Và trước đó chỉ vào tuần trước, Dân biểu Chris Smith cùng các dân biểu Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Young Kim, Michelle Steele và Lou Correa đã giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam H.R. 3001”.

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng của dự luật này là nó khuyến khích chính phủ của chúng ta thực hiện toàn bộ cách tiếp cận của chính phủ khi làm việc với chính phủ Việt Nam. Chỉ nói về thương mại, chỉ nói về quân sự hay chỉ để nói về hỗ trợ nhân đạo thôi thì chưa đủ, mà nhân quyền phải được đan cài vào tất cả các cuộc thảo luận của chúng ta mà không thể bị bỏ qua một bên”.

Ông Michael Orona, đại diện Bộ Ngoại Hoa Kỳ phát biểu.

Ông Michael Orona, nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người từng phụ trách các vấn đề nhân quyền Việt Nam tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội từ năm 2009-2013, phát biểu:

“Chúng tôi biết rằng chỉ riêng trong năm 2021 có khoảng một chục vụ bắt giữ các cá nhân vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tôi rất buồn vì tôi không có thời gian nêu tên mọi tù nhân bị giam giữ vì thực hiện quyền con người của họ”.

“Nhưng tôi lo ngại sâu sắc trường hợp của ông Trần Đức Thạch và các thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ, bị án tù chỉ vì với cáo buộc mơ hồ là ‘Lật đổ chính quyền nhân dân’ do tham gia vào tổ chức này”.

“Tôi thật đau buồn khi nghĩ rằng một người đàn ông 70 tuổi đã bị kết án 12 năm tù vì ủng hộ khát vọng một cách ôn hòa để mang lại tự do và dân chủ hơn cho Việt Nam”.

Ông Orona cũng nhắc đến trường hợp của Facebooker Nguyễn Quốc Đức Vượng, nhà tranh đấu và nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giam chỉ vì bày tỏ quyền tự do biểu đạt.

Bà Anurima Bhargava, Chủ tịch Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.

Bà nói:

“Chúng tôi vẫn lo ngại về cuộc đàn áp của chính quyền đối với người H’mong và truy nã các tín hữu Tin lành ở miền Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam. Chính quyền địa phương bắt giam các thành viên của cộng đồng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương này, đánh đập, giam giữ, bỏ tù, tra tấn và buộc họ phải từ bỏ đức tin…”

Từ Australia, Dân biểu Chris Hayes phát biểu:

“Đáng buồn thay, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, trên thực tế, việc đàn áp các quyền và tự do cơ bản của con người ngày càng gia tăng”.

“Những ai đủ dũng cảm để lên tiếng chống lại sự bất công đang hiện hữu thì bị xử theo những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia và trên hết là những người đã bị kết án tù đang phải đối mặt với những điều kiện rất tồi tệ trong việc giam giữ và ngược đãi của chính quyền”.

“Chính phủ Việt Nam cho thấy họ không muốn tuân thủ pháp quyền, nhưng nhanh chóng bắt bỏ tù và đày ải những người chỉ đơn thuần vận động cho những quyền cơ bản nhất của con người mà tất cả chúng ta đều coi là đương nhiên như quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền thực hành một tôn giáo do mình lựa chọn, và quan trọng là quyền bình đẳng trước pháp luật.”

Dân biểu Úc nêu quan ngại về trường hợp công dân của nước này, ông Châu Văn Khảm, hiện đang thụ án 12 năm tù tại Việt Nam với cáo buộc “khủng bố”.

Từ California, Mỹ, ông Trí Tạ, Thị trưởng Thành phố Wesminster, nói:

“Họ vẫn tiếp tục bắt bớ và cầm tù bất cứ cá nhân nào lên tiếng đòi hỏi tự do và nhân quyền. Gần đây nhất bà Cấn Thị Thêu và con trai bị kết án mỗi người 8 năm tù vì cả hai đã biểu tình chống lại việc cưỡng chiếm đất đai của dân oan”.

“Họ là một trong những vô số các nhà tranh đấu nhân quyền hiện nay vẫn đang tiếp tục lên tiếng về hiện trạng nhân quyền và dân chủ đang bị vi phạm một cách trầm trọng tại Việt Nam”.

“Ngày Nhân quyền Việt Nam không chỉ là ngày chúng ta lên án nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về việc vi phạm nhân quyền, nhưng chúng ta cũng cần tiếp tục vận động chính quyền Hoa Kỳ để tạo thêm áp lực lên Việt Nam trong việc trả tự do cho các nhà tranh đấu nhân quyền”.

Ngày 11/5 đánh dấu ngày bác sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế vào năm 1990 ra công bố Tuyên ngôn của Phong trào đấu tranh bất bạo động cho Nhân quyền tại Việt Nam. Từ năm 1994, ngày này được Quốc hội Mỹ công nhận là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích các quyền tự do căn bản của công dân tại Việt Nam được quốc tế công nhận.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ về sự kiện Ngày nhân quyền Việt Nam lần thứ 27, tuy nhiên VOA chưa nhận được phản hồi.

Bộ Ngoại Việt Nam từng phát biểu rằng quyền con người luôn được tôn trọng ở Việt Nam. Hà Nội luôn bác bỏ các cáo buộc về thiếu tự do dân chủ hay đàn áp nhân quyền, hoặc sách nhiễu giới bất đồng chính kiến, nói rằng chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật.

VOA (11.05.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen