Seite auswählen

Trên mạng thì chỉ thấy toàn chửi nhau, hiếm thấy có sự lý luận đối thoại nào. Hình minh họa.

Thế nhưng, muốn thật sự đối thoại, tuy không khó, cũng lắm rào cản. Nào là tôn giáo, chính trị, ngôn ngữ, phái tính v.v… Nhưng không có rào cản nào lớn hơn định kiến con người.

Đối với người Việt Nam, đối thoại dường như là một thử thách không ngừng. Nó chưa có trong văn hóa hành xử của chúng ta. Thay vì đối thoại, thảo luận, đại đa số dường như độc thoại, kết luận. Thành kiến, định kiến dường như đã có trong đầu trước khi bắt đầu thảo luận. Nhưng trong thế giới con người, sự thật chỉ là tương đối. Sự thật tuyệt đối thuộc về Thượng Đế, cõi tâm linh. Vậy mà con người vẫn tranh giành nhau tính tuyệt đối đó để rồi không thể nào đối thoại và hòa đồng với nhau.

Ngay cả giữa giới trí thức hàn lâm với nhau cũng hiếm khi nào thấy những cuộc đối thoại đúng đắn, sâu sắc. Hồi xưa, cách đây gần 100 năm, vẫn còn có đối thoại giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, giữa Phạm Quỳnh và Phan Khôi, giữa tân/Tây học và cựu/Nho học v.v… Hơn 100 năm qua, bao nhiêu thay đổi trên thế giới, với bao tang thương chết chóc. Nhưng cùng lúc có bao nhiêu quốc gia trước kia phong kiến, độc tài nay trở thành nền dân chủ cấp tiến, như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, chẳng hạn. Ngày nay, nhìn những người Việt được xem là trí thức, từ những tiến sĩ đến luật sư tương đối có tiếng tăm, vậy mà khi đọc phải các trao đổi giữa họ với nhau, tôi không nhận ra được tinh thần đối thoại, thảo luận hay tranh luận đúng nghĩa nào. Phần lớn vẫn nói móc, nói xiên xỏ, thái độ trịch thượng và coi thường người đối diện lẫn người quan sát thảo luận, vẫn là đặc tính chung.

Gần đây có vài vụ kiện nhau về tội mạ lỵ, phỉ báng tại Mỹ, ngay cả giữa các trí thức, khoa bảng. Còn trên mạng thì chỉ thấy toàn chửi nhau, hiếm thấy có sự lý luận đối thoại nào. Để tấn công người khác, người ta viết/nói hay làm video với tư thế như một quan tòa nhưng tri thức và chuyên môn thì không có. Trong bầu không khí vẫn đục như thế thì những ai dù có quan tâm và lương tri chắc cũng chẳng muốn nói gì.

Tất nhiên, muốn đối thoại/thảo luận đúng nghĩa thì phải cần mọi bên tham dự tôn trọng nhau, xem nhau bình đẳng trong quyền thể hiện quan điểm/tư tưởng. Đó là điều kiện thiết yếu để vượt qua rào cản. Nếu không có các điều kiện này, đối thoại dễ trở thành độc thoại, hoặc chỉ là một thứ giao tiếp một chiều.

Trong một môi trường lành mạnh, nơi an toàn tâm lý dung chứa, con người sẽ sẵn sàng bày tỏ các ý tưởng của mình mà không ngại hay sợ bị đánh giá. Khi một người, một tập thể, một cộng đồng, hay một đất nước làm được như thế thì những ý tưởng sáng kiến tuyệt vời sẽ được nở rộ. Quốc gia và quốc dân chỉ có thể thăng hoa nếu tư tưởng được tự do, nếu con người có thể tự do bày tỏ suy nghĩ hay chính kiến của mình. Bởi ý kiến, sáng kiến đó, sau khi được trao đổi với nhau, sau khi được thảo luận và tranh luận, thì những gì còn lại được quy trình gạn lọc thành hoa thành trái. Các nền dân chủ cấp tiến (liberal democracy) đều thể hiện rõ các đặc tính này trong mọi mặt đời sống của họ, từ môi trường công sở, giáo dục, doanh nghiệp cho đến ngay tại ngôi nhà mình.

Trong mọi ngành nghề và lĩnh vực, kể cả chính trị, ý/tư tưởng mới thật sự là quan trọng. Xã hội là một thị trường của bao ý tưởng cạnh tranh nhau (market of competing ideas). Người lãnh đạo phải là người có tư tưởng, bởi có tư tưởng mới có tầm nhìn xa. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi bà Eleanor Roosevelt đã từng nói như sau: “Những bộ óc vĩ đại thảo luận về các ý tưởng; bộ óc trung bình thảo luận các sự kiện; bộ óc nhỏ bé thảo luận về con người”.

Người dân thuộc các nền dân chủ cấp tiến hiểu rất rõ giá trị của đối thoại, thảo luận. Diễn ngôn công cộng (public discourse) là nơi mà công dân có thể nêu ra các quan tâm của mình và định hình quan điểm sau thảo luận. Nó là đặc tính của một nền văn hóa đề cao sự trao đổi ý kiến với nhau một cách tự do và bình đẳng. Các nền dân chủ không thể hình thành nếu công dân thiếu quan tâm và thiếu hiểu biết để tham gia thảo luận các vấn đề hệ trọng. Cho nên các cuộc thảo luận công cộng diễn ra mọi nơi, đặc biệt là tại tòa thị chính (town hall). Các cuộc họp tại town hall được xem là một định chế chính trị không còn gì quý giá hơn tại Mỹ, nhất là để phát huy năng lực của công dân. Chính khách và người dân đến đó để bàn thảo và tranh luận về mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Giờ đây các town hall này ở mọi nơi vắng tanh, chẳng còn được dùng như một thời.

Nhưng không chỉ trong lĩnh vực công cộng, mà ngay cả trong lĩnh vực riêng tư, đối thoại cũng quan trọng không kém. Ngay trong gia đình, cha mẹ cũng tìm mọi cách để đối thoại với các con, bởi mọi cuộc đối thoại chỉ có giá trị trên tinh thần bình đẳng, ngang hàng. Nghĩa là cha mẹ muốn đối thoại với con cái thì không thể dùng uy quyền của cha mẹ, mà cần xem con cái, dù chưa đủ tuổi trưởng thành, vẫn có những quyền căn bản của một con người. Ngày nay, các quyền trẻ em đã được ghi nhận trong công ước quốc tế, và được nhiều quốc gia đưa vào thành pháp luật hẳn hoi. Quyền trẻ em, như Điều 14, là tự do tư tưởng, lương tâm và chính trị, hay Điều 13, là “quyền tự do ngôn luận; quyền này sẽ bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng dưới mọi hình thức, bất kể biên giới, bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bản in, dưới hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện nào khác mà người trẻ lựa chọn.”

Tuy nhiên, văn hóa tranh luận, và tinh thần thảo luận công cộng, tại các nền dân chủ cấp tiến hiện cũng đang xuống cấp một cách đáng quan ngại. Sự phân hóa trong quan điểm, về chính trị, tôn giáo và các lĩnh vực khác, quá sâu sắc để không thể có sự đối thoại hay tranh luận đúng nghĩa. Công nghệ thông tin, truyền thông xã hội, thuật toán (algorithms) thay thế cho các biên tập viên làm người gác cổng thông tin, cũng như tin giả tràn ngập mọi ngõ hẻm, đã mang lại những thử thách to lớn đối với văn minh nhân loại khắp nơi.

Ngày nay, trong truyền thông và trong quốc hội của các nền dân chủ cấp tiến, hiếm khi thấy lãnh đạo chính trị thảo luận hay tranh luận một cách hài hòa. Hiếm khi thấy tinh thần biết lắng nghe và biết phản hồi một cách thuyết phục dựa trên lý luận và chứng cớ. Cuộc tranh luận trong bầu cử Mỹ năm 2016, 2020 và bao sự kiện chính trị khác cho thấy được điều này. Nhưng nó không chỉ xảy ra trong chính trị, mà hầu như mọi lĩnh vực khác. Người ta không còn kiên nhẫn để lý luận với nhau, mà chỉ muốn kết luận, lắm khi dựa trên thành kiến, định kiến đã có. Lý luận nhường chỗ cho các miếng âm thanh (sound bite), được trích dẫn trên các đài truyền thanh, truyền hình, và nhất là truyền thông xã hội. Không còn mấy ai chịu khó tìm hiểu kỹ càng, và đọc kỹ các quan điểm hay nhận định của một người nào đó một cách đầy đủ. Thông tin tràn ngập cũng là một vấn nạn lớn trong việc tiếp thu và tiêu hóa. Hơn nữa, sự bất toàn của con người cũng bị truyền thông mọi hướng phanh phui làm cho sự nghi kỵ và coi thường nhau ngày càng gia tăng.

Cũng vì tư duy này nên tin giả, từ tin sai lệch (misinformation) đến tin thất thiệt (disinformation), đã trở thành một vấn nạn của thời đại. Nó có khả năng làm sói mòn hay tiêu diệt nền dân chủ trên đường dài nếu một thành phần dân số thiếu sự trang bị, nhất là tư duy phản biện.

Sự ám sát nhân cách (character assassination), tấn công vào cá nhân hơn là chính sách hay tư tưởng của một người, ngày càng lên ngôi.

Trong thời đại công nghệ thông tin, mọi chuyện xảy ra trên thế giới không bao lâu sau đều có thể đến mọi nơi, và có khi được phát đi trực tuyến, nên thời gian không còn là vấn đề. Lằn ranh biên giới hay không gian trước đây bây giờ mang nặng tính vật lý, hơn là tâm lý. Hồi xưa viết một lá thư mất vài tuần hay vài tháng để đến một nước khác. Bây giờ chỉ mất vài giây. Tốc độ và nồng độ ngày càng gia tăng, không phải gia giảm. Tâm lý so sánh và trông chờ của con người, vì thế, cũng thay đổi hẳn. Những trò chơi điện tử tưởng thưởng liên tục để kích thích và thỏa mãn thần kinh con người. Như thế, tâm lý chung là người ta mong đợi mọi thứ mình làm phải có kết quả liền, còn chờ đợi vài tiếng hay vài hôm là quá lâu. Là không thể chấp nhận.

Có thể nói kiên nhẫn là đức hạnh quý hiếm thời đại nay. Sự kiên nhẫn chịu đựng trước kia dường như không còn. Thiếu kiên nhẫn với nhau, con người trở nên thiếu cảm thông, thiếu tôn trọng, và dễ bất đồng. Dù chưa lắng nghe đủ, mà đã vội kết luận nhau. Một xã hội không có sự cảm thông và tôn trọng thì không thể nào có đối thoại. Bởi lẽ đối thoại mà chỉ để vừa lòng nhau, không thẳng thắn đặt ra các vấn đề hay các câu hỏi quan trọng nhưng nhức nhối, thì đối thoại như thế có cần không? Trong khi đối thoại đích thực là không có vấn đề hay khía cạnh gì là cấm kỵ cả, nhất là các điều đó ảnh hưởng hệ trọng đến bao người khác.

Nhưng văn hóa diễn ngôn công cộng không hiện hữu tại Việt Nam hiện nay hay trước đây. Nó phần nào có hiện hữu thoáng qua giữa thành phần ưu tú, trí thức trong một vài thời điểm của lịch sử Việt Nam, nhưng chưa hề đi vào lòng dân chúng. Việt Nam chưa đi qua tiến trình hiện đại hóa đúng nghĩa, và chưa hề có một nền dân chủ cấp tiến đúng nghĩa. Trong 20 năm ngắn ngủi của Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam đang trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh, nên dù muốn cũng không thể nào xây dựng được tinh thần đối thoại, thảo luận đúng nghĩa. Cho nên diễn ngôn công cộng tại Việt Nam không bị mất hay bị sói mòn, như đang diễn ra tại các nước Tây phương. Tuy nhiên trong bối cảnh chính trị mà diễn ngôn công cộng đang bị sói mòn khắp nơi như thế, sự tranh tối tranh sáng trở thành một vấn đề lớn, và việc đề cao xây dựng văn hóa diễn ngôn công cộng là một thách thức cực kỳ to lớn.

Hệ quả là, có người chưa biết nói một cách văn minh mà đã biết chửi một cách hàm hồ. Người ta không cần lý do và luận cứ để lên án kết tội người khác. Tự do ngôn luận, đối với họ, là bất kể phạm trù đạo đức. Ở trong nước bị xiết cổ tự do ngôn luận nên không còn mấy ai dám phê phán chính quyền, trừ phi sống ngoài nước. Nhưng ở ngoài nước, người ta tự tung tự tác chụp mũ vô tội vạ. Bất cứ ai cũng có thể bị vu khống, mạ lị hoặc bị đội nón cối chỉ vì khác quan điểm. Đây là lối hành xử của một số người trên mạng, nhất là Facebook. Chứng kiến những người tôi quen biết vì khác quan điểm với nhau rồi tố cáo chụp mũ nhau làm tôi thật sự sửng sốt và hãi hùng. Trước đó họ đều quen nhau, có khi cũng rất thân với nhau nữa. Còn những người khác thì tuy có học và bằng cấp, họ lại không dùng tư duy phản biện để nhận xét đánh giá vấn đề một cách khách quan. Họ cũng không chịu tìm hiểu điều gì kỹ lưỡng mà lại dễ dàng đi đến kết luận và kết tội một cách vội vàng. Phải chăng người ta quên rằng suy nghĩ là một tiến trình, và trước khi quyết định điều gì hệ trọng, nó cần phải dựa trên chứng cớ và lập luận vững chắc, xuyên suốt. Không có tiến trình đó thì mọi quyết định dễ có lổ hỏng, có vấn đề. Sự nhận định vội vàng đưa đến đánh giá sai lầm như thế xảy ra rất thường xuyên cho cả những người Việt ở đây lâu và nói tiếng Anh khá. Tôi ngạc nhiên và không biết làm sao giải thích hiện tượng này. Chắc có lẽ thói quen, ăn sâu vào trong tiềm thức, đã trở thành phản xạ tự nhiên mà họ không kiểm soát hay kiềm chế.

Nói chung, văn hóa đối thoại thảo luận một cách tương kính hài hòa vẫn còn rất hiếm trong người Việt, dù đã ở xứ sở dân chủ rất lâu. Biết lắng nghe, nhận lỗi, phục thiện, tương kính, và nhất là tinh thần bao dung và tử tế trong cách giao tiếp đối xử với người chung quanh, là nền tảng của một xã hội văn minh. Tôi không nhìn thấy nhiều yếu tố này tại Việt Nam hay người Việt chung quanh tôi, mặc dầu tôi vẫn tin rằng người lương thiện tử tế ở đâu cũng có.

Tôi vẫn nghĩ người Việt đều mong muốn nhìn thấy một nước Việt Nam tự do, dân chủ trong đó quyền con người được tôn trọng. Nhưng chúng ta không thể đóng góp gì được nhiều cả nếu chúng ta không tự thay đổi chính mình. Nếu không thể đối thoại, thảo luận, là bước đầu tiên để cùng tìm ra mục đích chung và con đường chung, và phương án hoạt động chung, thì làm sao có thể đi thêm các bước tiếp theo.

Cho nên thay đổi chính mình và những người chung quanh mình là bước đầu căn bản. Nhân quyền không phải là tranh đấu cho những gì hay những ai xa xôi. Nó phải được diễn ra ngay trước mặt mỗi người, bên cạnh mỗi người, chung quanh mỗi người. Như bà Eleanor Roosevelt từng phát biểu thuyết phục:

“Rốt cuộc, nhân quyền phổ quát bắt đầu từ đâu? Ở những nơi nhỏ, gần nhà – gần và nhỏ đến mức không thể nhìn thấy chúng trên bất kỳ bản đồ nào trên thế giới. Tuy nhiên, chúng là thế giới của mỗi cá nhân con người; khu phố người đó sống; trường học hoặc trường đại học mà người đó theo học; nhà máy, trang trại hoặc văn phòng nơi người đó làm việc. Đó là những nơi mà mọi người nam, người nữ và trẻ em đều tìm kiếm công lý bình đẳng, cơ hội bình đẳng, nhân phẩm bình đẳng, không bị phân biệt đối xử. Trừ khi những quyền này có ý nghĩa ở đó, chúng có rất ít ý nghĩa ở bất cứ đâu. Nếu không có hành động phối hợp của công dân để duy trì chúng gần nhà, chúng ta sẽ vô vọng nhìn ra sự tiến bộ trong thế giới rộng lớn hơn.”

Dân chủ là một tiến trình; là một văn hóa hành xử; là cách thể hiện tinh thần thấu cảm và bao dung trước những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, chính kiến, phái tính, v.v… Dân chủ là tôn trọng quyền tự do, hay nói chung là các quyền căn bản của con người. Xây dựng văn hóa diễn ngôn/thảo luận công cộng nơi tự do biểu đạt và tư tưởng được tôn trọng là điều tối quan trọng trong thời gian tới. Đó là con đường không thể bỏ qua. Không tôn trọng các nguyên tắc và giá trị này, như chế độ cộng sản Việt Nam và các nhà nước độc tài đang làm, thì đừng mong Việt Nam hay thế giới sẽ thay đổi tốt hơn. Bởi mọi sự thay đổi lớn nhỏ đều phải bắt nguồn từ những cá nhân nhỏ nhoi như mỗi chúng ta./.

Blog VOA

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen