Seite auswählen

Trong 23 năm đầu tiên sau khi Anh trao lại Hồng Kông cho Trung cộng, cư dân của lãnh thổ này vẫn tự do bày tỏ quan điểm của họ về việc bàn giao Hồng Kông cho Trung cộng và nhiều hơn nữa.

Người biểu tình Hồng Kông cùng thông điệp “quang phục Hồng Kông, cách mạng thời đại” (ảnh: Youtube/BBC News 中文).

Một năm sau khi Bắc Kinh áp Luật An ninh Quốc gia hà khắc lên Hồng Kông, những hành động gần đây của chính quyền đặc khu như gây sức ép buộc Apple Daily phải đóng cửa, đang khiến cho cư dân ở thành phố này không dám nói lên quan điểm, nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều người dân Hồng Kông tiếp tục lên tiếng.

Tại mỗi lượt của phiên tòa vào ngày 11/6, khi mỗi lần hơn 20 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị buộc tội tụ tập bất hợp pháp xuất hiện, những người ủng hộ đều reo hò “Tôi yêu các bạn! Tất cả chúng tôi đều ủng hộ các bạn!”. Một chủ nhà hàng 42 tuổi nói với Nikkei Asia rằng anh đến bày tỏ sự ủng hộ “thường xuyên nhất có thể”. Một người về hưu 68 tuổi nói rằng: “Tôi sẽ làm những gì có thể làm để hỗ trợ họ”.

Nhà hoạt động dân chủ Chu Đình hiện tại khá im lặng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi cô đã bị bắt theo luật anh ninh quốc gia vào năm ngoái. Nhưng đối với vai trò của mình trong một cuộc tụ họp bị chính quyền cho là trái phép vào năm 2019, cô đã bị bỏ tù 10 tháng và được thả vào ngày 12/6 sau khi thụ án hơn 6 tháng. Cô gái 24 tuổi được những người ủng hộ chào đón nhưng vẫn im lặng. Sau đó, cô đã đăng một tin nhắn trên Instagram, cảm ơn mọi người đã chào đón cô. Cô viết: “Từ bây giờ, tôi cần phải nghỉ ngơi thật tốt và hồi phục cơ thể, vì tôi đã giảm cân quá nhiều trong giai đoạn này”.

Cô Chu nổi tiếng ở Nhật Bản nhờ các cuộc vận động dân chủ của mình, cô nói và viết thông thạo tiếng Nhật nhờ tự học. Tài khoản Twitter tiếng Nhật của cô có 581.000 người theo dõi. Giáo sư Tomoko Ako, người đã tổ chức các chuyến thăm của cô Chu đến Nhật Bản, nói rằng dưới thời luật anh ninh quốc gia cô Chu “có thể bị coi là thông đồng với các thế lực nước ngoài nếu cô ấy thể hiện bất cứ điều gì bằng tiếng Nhật.” 

Tomoko Ako, giáo sư xã hội học và nghiên cứu về Trung cộng tại Đại học Tokyo, người đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Hồng Kông, cho biết cô không còn cảm thấy an toàn khi đến thăm thành phố này.

Cô nói với Nikkei Asia: “Luật an ninh quốc gia đã lấy đi nhân tính của Hồng Kông. Vì “lằn ranh đỏ” về những gì cấu thành hành vi phạm tội là không rõ ràng, cô  tin rằng nó đã lấy đi quyền tự do thể hiện ngay cả “những cảm xúc và nỗi buồn cơ bản”.

Bất chấp lệnh cấm biểu tình trên đường phố Hồng Kông, mọi người vẫn cố gắng thể hiện sự phản đối với đạo luật này.

Một ngày sau khi cảnh sát vào tháng 5 đột kích cửa hàng quần áo trẻ em Chickeeduck, với cáo buộc vi phạm luật an ninh vì trưng khẩu hiệu phản đối, khách hàng đã xếp thành hàng dài xung quanh cửa hàng để thể hiện sự ủng hộ với cửa hàng và phản đối cảnh sát.

Herbert Chow, người sáng lập thương hiệu cho biết: “Tôi rất biết ơn sự ủng hộ của mọi người. Ông Châu đã rút khoản đầu tư của ông tại đại lục và chuyển dây chuyền sản xuất của công ty sang Đông Nam Á vào năm 2019, sau khi ông bị truyền thông nhà nước công kích vì ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Các tập đoàn bất động sản lớn của Hồng Kông đã từ chối gia hạn hợp đồng với ông, khiến chuỗi cửa hàng quần áo chỉ còn bốn cửa hàng ở thành phố này, so với 12 cửa hàng trước khi diễn ra các cuộc biểu tình.

Ông nói: “Nếu chính phủ thực sự bận tâm trong việc chống lại tôi, thì chính phủ đang tuyên chiến với tất cả các chủ doanh nghiệp nhỏ trong thành phố. Hành động đó sẽ tiếp thêm năng lượng cho các phong trào dân chủ Hồng Kông. Đó là cách tôi vượt qua nỗi sợ [bị bỏ tù].”

Một nhà hoạt động nổi tiếng, Nathan Law (La Quán Thông), đã đến London ngay trước khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực. Việc anh ra nước ngoài nhằm bảo đảm tiếng nói của những người bất đồng chính kiến ​ trên thế giới.

La Quán Thông cho biết việc rời đi là quyết định đúng đắn và hoàn thành trách nhiệm tạo sự chú ý đến Hồng Kông trên trường quốc tế. Anh cảm thấy rằng các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang ngày càng coi Trung cộng là một mối đe dọa, và trở nên mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề vi phạm nhân quyền Bắc Kinh. 

Anh nói: “Tôi vẫn tin rằng mình có thể trở lại Hồng Kông với tư cách là một người tự do vào một ngày nào đó, mặc dù có thể mất nhiều năm, hoặc nhiều thập niên, miễn là chúng tôi không bao giờ quên lý do tại sao chúng tôi bắt đầu và sống thật với chính mình”. 

Emily Lau Wai-hing, một cựu nghị sĩ Hồng Kông ủng hộ dân chủ cho biết: Vào năm 1984, khi bà còn là một nhà báo, Anh và Trung cộng vừa ký Tuyên bố chung về việc trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh, bà đã hỏi Thủ tướng Margaret Thatcher rằng: “Bà đã ký với Trung cộng  một thỏa thuận hứa hẹn sẽ đưa hơn năm triệu người vào bàn tay của một chế độ độc tài. Điều này có thể bào chữa được về mặt đạo đức không?”.

Hiện nay bà vẫn tiếp tục ủng hộ dân chủ trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế, bất chấp nguy cơ bị buộc tội thông đồng với các thế lực nước ngoài.

Trong cuộc nói chuyện với Nikkei Asia gần đây, bà nói, “Tôi nghĩ cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Tôi sẽ không im lặng cho dù bị đe dọa.” Tuy nhiên, bà nói thêm, mọi người cần “mạnh dạn, khôn ngoan, nhưng phải cẩn thận”, để tránh những vụ bắt giữ không cần thiết, trước tình hình thực tế mới của Hồng Kông.

Phụng Minh, Đại Kỷ Nguyên (30.06.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen