Translated from LAist’s article In Orange County, Anti-Vaccine Activists Attack Top Elected Official For His Vietnamese Heritage
Cuộc họp Hội đồng giám sát Quận Cam mới đây xuất hiện những lời lẽ bài ngoại nhắm vào chủ tịch hội đồng, dân cử gốc Việt Andrew Đỗ.
By Josie Huang, on 30-07-2021
Cuộc họp Hội đồng giám sát Quận Cam mới đây xuất hiện những lời lẽ bài ngoại nhắm vào chủ tịch hội đồng, dân cử gốc Việt Andrew Đỗ.
Trong suốt đợt dịch, những nhà hoạt động chống vaccine đã tham dự các cuộc họp của Hội đồng giám sát Quận Cam để chống đối việc chích vaccine, quy định đeo khẩu trang hoặc lệnh cách ly tại nhà và thường so sánh những biện pháp này với luật dưới các chế độ Phát Xít hay cộng sản.
Nhưng trong buổi họp lộn xộn tuần này, quan điểm chống vaccine dần biến thành tràng đả kích bài ngoại và phân biệt chủng tộc nhắm vào Giám sát viên Andrew Đỗ, một người gốc Việt. Với vai trò là chủ tịch Hội đồng, ông là người lãnh đạo tiến trình phòng dịch COVID của Quận.
Một người phát biểu tự gọi mình là Tyler Durden (theo tên một nhân vật trong phim Fight Club) chỉ trích chính sách cách ly COVID của Việt Nam và nói với dân cử Đỗ: “Ông tới đất nước chúng tôi mà ông dám ăn nói giống tụi ký sinh trùng cộng sản vậy đấy. Tôi mong ông cút xéo về Việt Nam đi!”.
Gia đình Ông Đỗ là người tị nạn chạy trốn khỏi chế độ Cộng sản Việt Nam và đã sinh sống ở Mỹ suốt 46 năm nay.
Một người phát biểu khác nói: “Thưa ông Andrew Đỗ, Ông có gan tới đây và cố biến đất nước chúng tôi thành nước cộng sản. Xấu hổ thay cho ông!”
“Sáng nay ông vừa nói tới việc trốn cộng sản cơ mà”, lại một người phát biểu khác nói. “Sao ông lại mang cộng sản tới Quận Cam cơ chứ? Chúng tôi muốn tự do cho mình. Chúng tôi là dân Mỹ, chúng tôi có tự do.”
Bình luận ‘kinh hoàng’
Nhiều chính khách Quận Cam gốc Á khác lên án những bình luận nhắm vào ông Đỗ vào thứ Ba vừa rồi, một vài người trong số đó là đảng viên Dân Chủ cấp tiến trái ngược với dân cử Đỗ, vốn là một đảng viên Cộng Hoà bảo thủ.
“Thật là đáng sợ”, Thượng nghị sĩ Dave Min (Dân Chủ – Irvine) nói. Các chính khách gốc Á đã quen với việc nhận phải email hoặc thư thoại (voicemail) mang tính phân biệt chủng tộc, nhưng ông Min nói những lời cay độc nhắm vào dân cử Đỗ là “thật sự rất khác biệt”.
“Đây là một diễn đàn công khai mà một vài người dân cảm thấy họ có thể bộc lộ, dù biết họ đang bị quay phim lại, và cất lên tiếng nói phân biệt cực đoan và đáng kinh tởm.” Min nói.
“Tổn thương lắm chứ”, Thai Viet Phan nói. Bà là một thành viên của hội đồng thành phố Santa Ana gốc Việt và thường bị các đối thủ chính trị cáo buộc là cộng sản. Khi nhắc tới người đàn ông nói Đỗ hãy trở về Việt Nam, Phan – một đảng viên Dân Chủ – nói: “Tôi nghĩ ông ta thật sự có ý đó trong lòng mình.”
Việc cáo buộc quan chức nhập tịch “không phải người Mỹ” (un-American) không chỉ diễn ra ở Quận Cam. Ở Missouri, quyền giám đốc sức khoẻ công cộng của Hạt St. Louis cũng bị tấn công tuần này vì nguồn gốc Nam Á của ông từ những nhà hoạt động chống vaccine, chỉ trích ông vì đã đồng ý với những biện pháp đeo khẩu trang trong nhà.
Về phần mình, Đỗ nói rằng ông không muốn đề cao những lời lẽ phân biệt mà mình đã nhận phải trong suốt sáu năm phục vụ dưới cương vị giám sát viên, những lời lẽ mà theo ông đã trở nên tồi tệ hơn sau luận điệu phân biệt chủng tộc của cựu Tổng thống Trump, vì thế nên Đỗ thường không bộc lộ cảm xúc trong các phiên họp.
Nhưng ông nói việc bị kêu gọi hãy trở về Việt Nam trong phiên họp vừa rồi là điều “vượt quá giới hạn.”
“Điều ngạc nhiên nhất mà tôi không nghĩ tới là tôi đã tới đây từ những năm 70, nhưng luận điệu đó vẫn được dùng để chống lại tôi cơ.” Ông Đỗ nói.
Long Bùi, phó giáo sư ngành Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học California (UC) Irvine, nói trong một email rằng ông không ngạc nhiên về việc những người chống vaccine đã sử dụng nguồn gốc Việt của ông Đỗ như một món vũ khí, gọi đây là “sự kết hợp của quan điểm bài chính quyền với tư tưởng da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa dân tộc.”
Những người chống vaccine, theo ông Bùi, “đưa tâm trạng giận dữ và cảm xúc bị xem là người ngoài cuộc vào những người mà họ xem là “kẻ ngoài cuộc thật sự”: người nhập cư.”
“Những trải nghiệm thời hậu chiến, mang tính quốc tế của dân nhập cư thường không được người bản xứ thông cảm, những người không hiểu tại sao chúng ta lại ở đây hay vì sao lại tin vào những điều khác họ.”
Quận Cam là nơi tập trung đông dân Việt Nam nhất tại hải ngoại, đa số tới đây với tư cách người tị nạn và cương quyết chống cộng sản.
“Gia đình tôi mất trắng vì chúng tôi là dân miền Nam và chúng tôi phải chạy trốn cộng sản.” Phan nói. “Việc nghĩ người tị nạn Việt Nam tới đây để truyền bá hệ tư tưởng đó đúng là ý tưởng nực cười.”
Phê bình thẳng thừng chủ nghĩa cộng sản
Ông Đỗ là người chỉ trích nặng nề chủ nghĩa cộng sản và có lẽ là nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Việt có tiếng nhất ở miền Nam California. Một vài người chỉ trích biện pháp ngăn ngừa COVID của ông, lấy lý do rằng những biện pháp này chưa đủ mạnh như Hạt Los Angeles gần đó, và họ cảm thấy mỉa mai khi những tay chống vaccine lại nhắm vào ông.
“Tôi nghĩ vài người nhìn vào Andrew Đỗ và không xem ông là người dẫn đầu với những biện pháp chống COVID.” Thượng nghị sĩ Min nói.
Phan và Min cho biết họ lo ngại rằng bầu không khí thù địch trong các cuộc họp hội đồng quản trị và hành động của các nhà hoạt động không đeo khẩu trang có thể làm giảm khả năng sẵn sàng lên tiếng của công chúng về các vấn đề khác.
Những người gốc Á đã thấy dân cử Đỗ bị xúc phạm có lý do để tin rằng họ có thể bị tấn công, đặc biệt là trong khi xu hướng bài Á đang tăng gần đây, ông Min cho hay.
Dân cử Đỗ nói rằng ông cảm thấy phiền với sự lộn xộn trong buổi họp Hội đồng, nhưng sẽ không đưa Quận tới những vụ kiện liên quan tới Tu Chính Án thứ nhất bất kể những bình luận đó có khiếm nhã hay phân biệt tới mức nào.
Ông nói kể từ buổi họp ồn ào thứ Ba vừa rồi, Hội đồng đã tham vấn với Sở Cảnh sát Quận Cam cách để xử lý những hành vi phiền nhiễu (disruptive), nhưng cũng nhấn mạnh từng vụ phải được xử lý tuỳ tình huống.
Với các cư dân không muốn ngồi chung phòng với bên chống vaccine, ông Đỗ nói họ có thể ngồi phía đối diện với các thành viên hội đồng, được một tấm kinh ngăn cách.
“Không thể để sự đe đoạ buộc chúng ta phải im lặng với quyền tự do phát biểu của mình.” Ông Đỗ nói.
Người dịch: Sam Tran
Biên tập: Michael Le
The Interpreter