Seite auswählen

Translated from The Economist’s article The real risk to America’s democracy

By The Economist, on 03-07-2021

Điều hành bầu cử đậm màu đảng phái còn đáng lo ngại hơn nạn đàn áp cử tri. Lấy phương châm tranh cử để tiếp sức mạnh cho các nền dân chủ toàn cầu thế nhưng bây giờ Joe Biden lại phải bảo vệ chính điều đó tại đất nước mình. Vào tháng Sáu, 200 học giả Mỹ nghiên cứu về dân chủ nổi tiếng đã ký tên vào thư cảnh báo nhiều thay đổi trong luật pháp tại các tiểu bang sẽ “đẩy những bang này thành những hệ thống chính trị không đạt yêu cầu tối thiểu về bầu cử tự do và công bằng.” Một “môn đệ” đã lâu của nền dân chủ mỹ, Lãnh đạo phe Cộng hoà tại Thượng Viện Mitch McConnell nói vào tháng Một rằng nếu một cuộc bầu cử có thể bị lật lại với những luận điểm sai sự thật của bên thua cuộc, “nền dân chủ này sẽ đi vào vòng xoáy tử thần mất thôi.” Nhưng đó cũng là điều mà đảng Cộng hoà của ông đang cố thực hiện.

Với phe Dân chủ, mối nguy với các cuộc bầu cử là việc cử tri nào được bỏ phiếu. Đảng này tấn công những thay đổi về luật yêu cầu xác định nhân thân khi bầu cử, luật bỏ phiếu qua thư và nhiều thay đổi khác mà họ gọi là “thứ luật Jim Crow (luật phân biệt chủng tộc ở những địa phương và tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ ngày xưa) mới.” Mặc dù không có lý do hợp lý nào để ngăn chặn những việc như bầu cử ngày Chủ Nhật (vốn rất được nhiều nhà thờ người Mỹ gốc Phi áp dụng), nỗi sợ này có thể đang bị thổi phồng. Dưới luật Jim Crow cũ, chỉ có 2% dân số người Mỹ gốc Phi được bầu ở những bang miền Nam Hoa Kỳ. Các nhà khoa học chính trị không nghĩ những luật bầu cử mới sẽ giảm lượng cử tri so với hiện tại.

Thay vào đó, mối nguy lớn nhất lại là sau khi phiếu bầu đã được bỏ. Ví dụ như ở Arizona, nghị viện bang muốn giới hạn tính độc lập của viên chức bầu cử trưởng (Chief elections officer) hay một dân biểu bang đã đệ trình dự luật cho phép nghị viện có thể “lật” kết quả cuộc bầu cử Tổng thống, rồi chính dân biểu này bắt đầu chiến dịch kêu gọi ủng hộ bà giám sát các cuộc bầu cử. Ở bang Georgia, nghị viện bang có thể thay đổi bộ máy lãnh đạo các Uỷ ban bầu cử hạt (county election boards) tuỳ ý. Ở Texas thì đang xem xét một dự luật giúp việc khởi tố những quan chức bầu cử dễ dàng hơn. Trên khắp nước Mỹ này, các viên chức giám sát bầu cử ở những bang thiên Cộng hoà đã bị tấn công chỉ vì dám công nhận kết quả bầu cử đúng sự thật, thậm chí có nguy cơ sẽ bị loại bỏ.

Những việc kể trên nghe có vẻ như chỉ là những viễn cảnh quan liêu xa vời. Thế nhưng những luật này càng làm tăng nguy cơ xuất hiện những cuộc bầu cử gây tranh cãi trong tương lai mà thậm chí toà cũng chưa chắc giải quyết nổi. Chúng làm suy yếu hệ thống bầu cử Mỹ, mang vào tương lai nỗi khiếp đảm của cuộc bầu cử năm 2020.

“Cảm hứng” cho sự thay đổi nay là Donald Trump, người đã tận dụng mọi cơ hội có được để tuyên truyền rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp.” Mặc dù không biết chúng ta có nên nghiêm túc với ông hay không, vị cựu Tổng thống đã bắt đầu các cuộc mít tinh chuẩn bị cho bầu cử năm 2024 (tất nhiên là để làm ông chủ Nhà Trắng lần thứ ba liên tiếp rồi!).

Việc cứ khăng khăng mình đã thắng trong khi sự thật là thua nghe cứ như một trò đùa. Thế nhưng nhiều cử tri Cộng hoà lại xem đây là điều nghiêm túc. Khảo sát cho thấy hai trên ba cử tri vẫn tin rằng ông Biden không thắng đợt bầu cử tháng 11 năm ngoái và gần một nửa nghĩ rằng kết quả đáng ra phải bị “lật” lại. Điều này đưa những đảng viên kỳ cựu và phái không ưa Trump trong Đảng Cộng hoà vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bị kẹt giữa các cử tri và lời thề bảo vệ Hiến pháp, trừ khi Toà Quốc Hội Capitol bị vây hãm thì họ sẽ chỉ một mực im lặng thôi.

Nhưng mối đe doạ từ Trump và mối đe doạ thực sự tới Hiến pháp lại ở các mốc thời gian khác nhau. Trump có thể chạy đua Tổng thống lại hoặc không. Ngược lại, những thay đổi tới bộ máy bầu cử cấp bang bởi phe Cộng hoà sẽ được áp dụng từ năm 2024 và sẽ bị lợi dụng bởi ứng viên hai đảng. Để hiểu rằng vì sao điều này đáng lo thế, chúng ta hãy xem ba cơ chế “phòng hờ” được định sẵn trong những cuộc bầu cử tại Mỹ.

Cơ chế đầu tiên là “người thua sẽ nhận hàng.” Cựu Tổng thống Trump đã bỏ qua điều này vào năm 2020. Cơ chế thứ hai là đảm bảo tính chính trực các viên chức bầu cử địa phương, bất kể đảng phái của họ là gì. Mặc dù phải hứng chịu rất nhiều áp lực về việc thay đổi kết quả bầu cử năm ngoái, họ vẫn một lòng kiên định. Vì thế hình phạt cho họ là sức ảnh hưởng bị tước đi, những tội mới bị tăng thêm để bắt nạt các viên chức này. Tiêu biểu như ông Brad Raffensperger thuộc đảng Cộng hoà, bang vụ khanh (Secretary of State) của bang Georgia đã dám đứng lên đối mặt Tổng thống Trump khi vị cựu Tổng thống yêu cầu ông phải “tìm cho đủ” số phiếu cần thiết để lật kết quả bầu cử. Nghị viện bang Georgia đã trừng phạt Raffensperger bằng cách lấy đi một vài quyền hạn của ông.

Điều này dẫn tới cơ chế thứ ba là toà án. Tòa các cấp đã làm rất tốt dưới áp lực năm ngoái, và khả năng rất cao lần tới họ cũng sẽ làm được vậy. Tuy vậy, việc đẩy trách nhiệm cho bên tư pháp để đảm bảo một cuộc bầu cử “chính danh” từ năm này qua năm nọ có nguy cơ làm “quá tải” rồi làm sụp đổ thể chế chính trị này. Còn bao nhiêu thời gian nữa thì người ta sẽ phớt lờ luôn phán quyết từ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ?

Cuộc khủng hoảng về dân chủ ở Hoa Kỳ thường xuất hiện nhan nhản bên cánh hữu: còn ai nhớ bài viết “The Flight 93 Election” (tạm dịch: cuộc bầu cử theo tinh thần Chuyến bay 93) xuất bản năm 2016 kêu gọi phe “ái quốc” hãy vùng lên chiếm buồng lái máy bay để ngăn Hillary Clinton tới chức Tổng thống? Cách suy nghĩ này đã lan tới cánh tả và thậm chí là phía trung dung. Việc nói về một nền dân chủ đang gặp nguy hiểm gợi người ta tới bóng ma của một quốc gia toàn trị, chính là thể chế mà nhân dân Mỹ đã loại bỏ vào ngày Bốn tháng Bảy năm 1776 vậy. Mối nguy lớn hơn nữa là cái hỗn loạn sau cuộc bầu cử 2020 lại trở thành điều bình thường. Hãy tưởng tượng một cuộc bầu cử quá sát sao tới mức không thể thống nhất cả nước rằng ai thắng ai thua đi. Nước Mỹ ngày đó sẽ, trích lời ông McConnell “đi theo con đường độc hại mà ở đó chỉ có người thắng mới chấp nhận kết quả bầu cử.”

Một mực theo đảng, dù đúng hay sai.

Giới kỳ cựu trong đảng Cộng hoà đang tự trói mình lại. Dưới áp lực của Trump và đồng minh của ông, nghị viện nhiều bang đang áp dụng những thay đổi làm suy yếu dần nền dân chủ Mỹ. Cách giải quyết duy nhất là giữ vững nguyên tắc – các viên chức bầu cử phải đứng trên đảng phái. Tuy vậy, họ đã bị nhấn chìm trong những dối trá về một “cuộc bầu cử đã bị đánh cắp” tới nỗi đợt bầu cử tiếp theo sẽ tự ám thị rằng phải có yếu tố gian lận trong đó.

Phe chống-Trump vốn im ắng của đảng Cộng hoà có thể hy vọng rằng những điều kể trên sẽ nhanh chóng đi qua và những người đang gióng hồi chuông về nền dân chủ chỉ là đang “nói quá.” Phe này có thể vừa tin rằng mình đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ nước Mỹ vừa có thể sống tốt với những cử tri của họ. Thế nhưng logic này đã sai từ khi ông Trump thắng cử năm 2016. Trong khi đó, các thành phần trong đảng Cộng hoà đang thay đổi liên tục. Các đảng viên Cộng hoà nên lên tiếng trước khi quá muộn, vừa là để bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ, vừa đúng với tinh thần “vẫy cờ yêu nước” ngày Độc Lập sắp tới.

 

Bản gốc Tiếng Anh của bài này được đăng ở mục Lãnh Đạo trong bản in của tờ The Economist với tựa “The real risk to America’s democracy.”

 

Người dịch: Sam Tran

Biên tập: Khang Ton & Derek Phan

The Interpreter