Seite auswählen

Nguyễn Thọ

14-8-2021

Tiếp theo Phần 1

Nhiều người nhầm lẫn, coi bức tường Berlin là biên giới Đức-Đức. Lý do là bức tường đó được bất ngờ dựng lên trong một đêm, như một quả bom hạt nhân nổ khiến cả thế giới nói về nó, coi như một biểu tương của chiến tranh lạnh. Còn biên giới Đức-Đức thì khổng lồ hơn nhiều, cứ ngấm ngầm len lỏi, lớn dần lên giữa các làng mạc trong vòng 7 năm liền nên ít ai để ý đến nó.

Sau hội nghị Potsdam tháng 8.1945, quân đội các bên rút về những đường biên đã thỏa thuận và thiết lập chế độ quân quản. Ba vùng quân quản phía tây chỉ kiểm soát giấy căn cước đi lại để bắt các tội phạm Nazi còn ẩn náu. Sau khi ba vùng thống nhất tiền tệ vào năm 1948, dùng chung đồng DM thì tự do thông thương hoàn toàn.

Giữa vùng Xô Viết và 3 vùng còn lại cũng có một đường ranh. Nhưng bên cạnh việc truy lùng tội phạm chiến tranh (thông qua căn cước), Liên Xô còn kiểm soát hành chính bằng giấy thông hành (Passierschein). Lúc đầu khi lính Liên Xô còn kiểm soát, mọi việc nhiêu khê nhưng vẫn ụ xọe cho xong. Đến khi chính quyền được trao dần cho những người cộng sản Đức thi công việc trở nên khắt khe hơn.

 

 

 

Dải đất chết. Ảnh tư liệu

Công An đông Đức biết rõ lý lịch của từng người làng nên việc cấp giây thông hành trở nên khó khăn. Thế là dân chúng bắt đầu vượt biên, đi qua các con suối, các đường mòn để sang bên kia chơi, mua sắm, thăm nom. Để chống lại việc này, chính quyền miền Đông cứ dần chăng thêm thép gai hết đoạn này đến đoạn khác, buộc người dân phải đi qua các cửa khẩu, giờ đây do công an người Đức kiểm soát.

Câu chuyện có thật của làng Mödlareuth miền nam CHDC Đức được đài truyền hình ZDF làm thành phim với tên “Làng Tannbach” [1] một khắc họa điển hình của quá trình chia cắt nước Đức. Đường biên của khu vực Liên-Xô và Mỹ là một con suối chạy qua giữa làng. Sau chiến tranh, cả hai bên đều đói khổ, điêu tàn như nhau.

 

 

 

Làng cộng hòa Rüterberg ở Tây bắc CHDC Đức có quy chế đặc biệt, vì nằm lọt thỏm trong vùng quân Anh mà sau này Tây Đức quản lý. Ảnh tư liệu

Trong khi cuộc sống ở bên Đông bị xáo trộn bởi cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa, thì ở bên Đoài bọn cựu Nazi lại làm loạn. Những kẻ như lão địa chủ Schober lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng nịnh người Mỹ để thâm nhập vào chính quyền, quân Mỹ thì ú ớ. Nhưng Schober không ngờ rằng có người giữ được tấm thẻ đảng NSDAP (đảng Quốc xã) của gã. Thế là cuộc truy tìm tấm thẻ đảng của Schober trở nên đẫm máu.

Có thể nói thời kỳ mới hòa bình, cuộc sống ở hai miền Đông-Tây Đức đều khốn nạn như nhau. Dòng người đi lại vì kinh tế giữa hai bên chưa nhiều. Nhưng việc cái hàng rào ngăn chặn người dân đi từ Đông sang Tây cứ cao dần lên khiến người Đông Đức hoảng sợ và ngày càng có nhiều người bỏ sang phía Tây. Dòng người càng tăng thì cái hàng rào thép gai đó ngày càng dài ra và cao lên, nhưng nó chưa phải là biên giới. Nước Đức vẫn là một, cùng đói khổ đổ nát như nhau.

Sau ngày 7.10.1949 khi nước CHDC Đức ở miền Đông ra đời để trả lời việc hình thành nước CHLB Đức ở phía Tây thì cái hàng rào thép gai đó được Đông Đức đơn phương xây thành biên giới. Khi đó nó đã dài 1.400km với hàng trăm chòi canh có đèn pha và các trạm chó săn. Cho đến năm 1952, nó được mở rộng thành hai hàng rào thép gai, ở giữa luôn là đường đi của lính biên phòng. Hàng rào dây thép gai được gắn các loại cảm biến để khi có người động vào sẽ báo đông. Lại còn có loại có loại mìn tự động sẽ phát hỏa về phía có tiếng động [2]. Không biết loại mìn có chân tay này đã giết chết người nào chưa, nhưng lợn, hươu rừng thì rất nhiều.

 

 

 

SM-70 là một loại mìn thông minh, phát hiện tiếng động và cử động, tự động phát nổ. Nguồn: ChrisO-Eigenes Werk

Năm 1970, tôi thực tập ở đài truyền hình Rostock, chơi thân với ông Parschen, người phụ trách chương trình săn bắn và lâm nghiệp “Weidmannsheil” nên hay được đi theo quay phim ở vùng sát biên giới Đông-Tây Đức.

Tuy chỉ đứng từ xa nhìn vào, nhưng tôi bị ấn tượng mạnh bởi hệ thống hàng rào dây thép mênh mông này. Người Đức làm cỗ máy giết người đó cũng rất chỉnh tề, chỗ nào cũng có biển báo: hoặc là sẽ bị bắn, hoặc sẽ có mìn. Người ta đã rải 1,3 triệu trái mìn trên nhiều tuyến biên giới [3]. Sau ngày thống nhất nước Đức, việc tháo gỡ các bãi mìn này cũng rất nhanh vì công binh có các bản đồ chính xác đến từng cm.

Dải đất chết 1.400km này chạy qua rất nhiều làng mạc, ấp trại như làng Tannbach nói trên, cắt đứt mọi liên hệ máu mủ, mọi mối tình. Nhưng ngôi làng như Rüterberg thì chỉ có một. Tôi đã may mắn đến đây [4].

Quân Anh và Hồng quân qua định chia vùng quản lý dọc theo sông Elbe, Liên Xô ở bờ Đông, Anh ở bờ Tây. Vì đoạn sông Elbe đi qua Rüterberg lại gấp khúc hình chữ V nên khi chia ranh giới người ta trót kẻ thẳng, để cho quân Anh lấn sang bờ đông sông Elbe, quản luôn cả làng Rüterberg. Tranh chấp mãi, về sau quân Anh rút khỏi Rüterberg, nhưng đóng quân xung quanh để tối tối vào làng uống bia, tán tỉnh chị em thôn nữ. Hồng quân tiếp quản Rüterberg, biến nó thành một vùng thuộc CHDC Đức, nằm lọt thỏm 3 mặt trên lãnh thổ Tây Đức.

Vì lọt thỏm trong lãnh thổ Tây Đức nên nhiều người Đông Đức vẫn đến làng này du lịch và tranh thủ ban đêm, trốn sang bên kia. Năm 1961, CHDC Đức xây hai lớp hàng rào bao quanh 3 mặt làng, ở giữa là đường đi có đèn pha chiếu sáng, có lính biên phòng đi tuần.

Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người cắt được dây thép gai, lừa được lính biên phòng để chạy qua bên kia. Tức quá, công an Đông Đức rào béng cả mặt thứ tư, xây một cái cổng sắt to đùng và chỉ cho người làng được ra vào. Ở giữa làng, người ta xây một tháp canh cao vút, có đèn pha chiếu sáng bốn mặt. Họ hàng, bè bạn ở nơi khác muốn đến thăm, phải làm đơn xin phép trước cả tháng. Lá đơn phải được cơ quan công an ở Rüterberg và ở nơi ông họ hàng kia chứng nhận.

Xe cộ, máy móc nông nghiệp của dân làng Rüterberg mỗi khi đi qua cổng làng đều bị kiếm soát chặt chẽ như ra vào một căn cứ hạt nhân. Từng đống rơm rạ đều bị khui ra xem có ai nằm trong đó không. Dân làng có một loại căn cước riêng. Cuộc sống ở đó cũng khá giả hơn các nơi khác vì là bộ mặt của CHDC Đức lọt thỏm trong Tây Đức giàu có… Từ đó hình thành ra “Làng Cộng hòa Rüterberg”, kẹp giữa hai nước Cộng hòa Dân chủ và Liên Bang Đức.

Những ví dụ trên cho thấy chính quyền CHCD Đức chi một phần rất lớn GDP cho biên giới. Giá như không có cái đó thì đời sống dân Đông Đức chắc sướng lắm. Mà quả thật, tới đầu những năm 1960, khoảng cách về kinh tế giữa hai miền chưa lớn. Nhìn sang Tây Đức người ta chỉ thèm những cái ô-tô đẹp, những loại cà phê, thuốc là thơm, rượu ngon, nói chung là đồ xa xỉ. Dân chúng Đông Đức ăn uống no đủ, có nhà cửa bao cấp, trường học, vườn trẻ, y tế miễn phí, không lo thất nghiệp v.v. Đối với tôi CHDC Đức là thiên đường XHCN, không có lý do gì để dân bỏ đi.

Vì vậy tôi tin là cái biên giới kiểu dinh lũy đó, được canh phòng bởi 45.000 quân nhằm chống lại một cuộc xâm lăng từ bên kia, chứ không biết rằng nó nhằm ngăn chặn làn sóng di dân về phía tây.

Sau này tôi mới vỡ ra rằng: Người dân Đông Đức không thiếu ăn, thiếu mặc, không lo sợ thất nghiệp, nhưng thiếu tự do. Đó là lý do khiến họ bỏ về miền Tây. Chính quyền coi đó là tội bỏ trốn (Republikflucht) trong khi người dân coi là đi tỵ nạn.

Nhưng giải đất chết người đó đã chặn đứng dòng người tỵ nạn.

Trong khi đó thành phố Berlin vẫn tiếp tục hưởng quy chế đặc biệt của Đồng minh. Việc đi lại giữa bốn vùng uỷ trị ở Đông và Tây Berlin vẫn bình thường. Tàu điện, tàu nhanh (S-Bahn), xe Bus vẫn chở khách qua lại. Ở mỗi Checkpoint (cửa khẩu), cảnh sát vẫn kiểm tra căn cước. Ở cái thành phổ mênh mông này còn muôn vàn ngõ ngách mà bọn trẻ con vẫn chạy sang chơi với nhau, đám thanh niên vẫn sang bên kia phố tán gái, nhảy đầm mà không cần check point. Người Đông sang được Tây Berlin mà muốn ở lại bên đó sẽ được chấp thuận ngay và được máy bay đồng minh chở về Tây Đức định cư.

Cửa thoát này khiến dòng tỵ nạn đổ về Berlin ngày càng nhiều. Ngày cao điểm nhất có 20.000 người đổ sang Tây Berlin.

Ước tính từ tháng 10.1949 đến hè 1961 có khoảng 3 triệu công dân CHDC Đức bỏ sang Tây Đức, phần lớn là qua ngả Tây-Berlin [5]. (BBT: theo Wiki Đức Berliner Mauer thì từ 1945 cho tới khi Bức tường được cho xây khoảng 3,5 triệu từ Đông sang Tây Đức sống, từ 1949 thì khoảng 2,6 triệu)

Xem Phần 3

_____

[1] https://www.zdf.de/filme/tannbach

[2] https://de.wikipedia.org/wiki/Selbstschussanlage

[3] https://www.welt.de/kultur/history/article125707234/DDR-Erbe-Landminen-kann-noch-Millionen-kosten.html

[4] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1924741607543903

[5] Từ sau 13.8.1961 đến đầu năm 1990 có thêm khoảng 500.000 công dân CHDC Đức bỏ sang CHLB Đức. Trong suốt 45 năm chia cắt, tổng số người Đông chạy sang Tây Đức 3,5 triệu người, có 400.000 người từ Tây Đức chạy sang Đông Đức. (BBT: Theo Wiki Đức Flucht aus der Sowjetischen Besatzungszone und der DDR thì 400 ngàn người này là số người Đông Đức sang Tây Đức rồi trở về lại. Còn bài trên Spiegel “Geht doch nach drüben!” thì ước tính khoảng 500 ngàn người từ Tây Đức sang Đông Đức sống, đa số xảy ra trước khi bức tường Berlin được xây.)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen