Seite auswählen

Người Việt

Hòa ước Doha và cuộc sụp đổ báo trước của Kabul

Nhã Duy

16-8-2021

Đặc sứ Zalmay Khalilzad ký hòa ước Doha với lãnh tụ Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar tại Doha, Quatar vào ngày 29 tháng Hai năm 2020. Ảnh trên mạng

Cuối cùng thì kết cục của một cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng can dự và đã từng được dự đoán từ nhiều năm qua cũng đã xảy ra: Kabul thất thủ và quân Taliban đã kiểm soát được Afghanistan để thành lập một tân chính phủ.

Năm 2001, khi tổng thống George W. Bush ra lệnh đưa quân vào Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố mà Afghanistan đã được trùm khủng bố Bin Laden chọn làm nơi trú ẩn sau vụ khủng bố 9/11, hầu như cuộc chiến đã được đa số dân Mỹ cùng chính khách cả lưỡng đảng ủng hộ.

Nhưng rồi cuộc chiến đằng đẵng 20 năm, qua bốn đời tổng thống – hai Cộng Hòa, hai Dân Chủ, đã làm Hoa Kỳ và người dân Mỹ mệt mỏi với những thiệt hại nhân mạng và phí tổn chiến tranh hơn 2,000 tỉ đô la, gấp đôi kế hoạch tái thiết cấu trúc hạ tầng nước Mỹ vừa được thông qua, trong khi chẳng có lối thoát nào khả dĩ trong tương lai nếu vẫn còn kéo dài. Sớm hay muộn nó phải cần chấm dứt. Và hôm nay nó đã chấm dứt.

Quyết định của tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan không phải là việc bỏ rơi Afghanistan mà đúng ra, ông chỉ là người cuối cùng dứt khoát thực hiện những kế hoạch chưa thực hiện được của các tổng thống tiền nhiệm, dựa trên lợi ích của nước Mỹ.

Tổng thống Barack Obama đã có ý định rút quân ra khỏi Afghanistan trong các nhiệm kỳ của ông. Năm 2011, đúng 10 năm sau vụ khủng bố 9/11 và Bin Laden đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, công luận Mỹ đã xem sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Afghanistan là không còn cần thiết, TT Obama đã đưa lộ trình rút quân khỏi Afghanistan cho đến Hè 2016. Các cuộc tấn công của quân Taliban đã làm hoãn kế hoạch của TT Obama vì các cố vấn của ông e ngại chính phủ Afghanistan sẽ không đủ sức chống cự. Khi ông rời nhiệm sở thì quân đội Mỹ còn giữ khoảng 8,400 quân, chủ yếu làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và tình báo.

Khi Donald Trump nhậm chức, trong hai năm đầu tiên Trump đã không đưa ra chính sách hay thời hạn kéo dài hay rút quân rõ ràng. Tuy nhiên chính sách của nội các Trump là nhắm đến việc thương lượng với quân Taliban để tìm hòa bình hơn là bảo vệ cho chính phủ Afghanistan thân phương Tây kể từ cuối năm 2018.

Tháng Chín năm 2019, khi Trump thông báo ý định mời các lãnh tụ Taliban sang họp bí mật tại Camp David ngay trước ngày tưởng niệm 9/11 là một điều đầy bất ngờ với thế giới. Ngay cả các dân biểu đảng Cộng Hòa cũng đã phản đối mạnh mẽ việc mời một tổ chức khủng bố không chính danh đến nước Mỹ và họp cùng tổng thống Mỹ. Dân biểu Adam Kinzinger thuộc đảng Cộng Hòa viết, “Không bao giờ cho phép một tổ chức khủng bố và đang tiếp tục làm điều xấu xa đến đất nước vĩ đại chúng ta. Không bao giờ. Ngừng ngay lập tức”. Trump sau đó đã hủy cuộc hội đàm này.

Dẫu vậy, các cuộc thương lượng riêng giữa Hoa Kỳ và Taliban vẫn tiếp tục ngầm diễn ra. Tháng Hai năm 2020, Đặc Sứ Hoa Kỳ riêng vấn đề Afghanistan là Zalmay Khalilzad đã ký hòa ước với lãnh tụ chính trị của Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Doha, Qatar mà không có sự tham dự của chính phủ Afghanistan.

Hòa ước Doha (Doha Agreement 2020) cam kết Hoa Kỳ và NATO sẽ rút quân khỏi Afghanistan và ngược lại, Taliban cam kết sẽ không cho khủng bố al-Queda hoạt động trong vùng kiểm soát của mình và mở “đối thoại” với chính phủ Afghanistan. Trump mong muốn đến Giáng Sinh 2020 thì lính Mỹ phải rút khỏi Afghanistan.

Hòa ước Doha chẳng mấy được công luận Mỹ chú ý vì đại dịch Covid ngay sau đó đã làm cả nước Mỹ hốt hoảng và lo đối phó với nó trong suốt cả năm qua, kéo theo là cuộc bầu cử với lắm biến động và gây xáo trộn cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Hơn vậy, theo cuộc thăm dò của AP/NORC hồi năm trước, chỉ khoảng 12% dân Mỹ cho biết họ còn để ý ít nhiều đến cuộc chiến Afghanistan và sự hiện diện của lính Mỹ tại đây.

Việc Taliban tiến quân vào Kabul và xem như Afghanistan đã sụp đổ chẳng là điều mấy quan tâm với dân Mỹ bởi họ đã không còn mấy chú ý đến nó như đã nói trên. Hàng chục tỉ đô la đổ vào hàng năm để nuôi một chính phủ và quân đội không có khả năng chiến đấu dù đã được Mỹ viện trợ và huấn luyện suốt nhiều năm qua. Tổng thống và cả nội các Afghanistan là những người đã trốn chạy đầu tiên khi quân Taliban tiến vào Kabul. Họ không sụp đổ hôm nay thì cũng tháng tới, năm tới bởi Mỹ không thể hiện diện mãi mãi tại đây. Đã đến lúc để cho chính người Afghanistan quyết định vận mệnh của dân tộc họ.

Với người Việt Nam, khá dễ hiểu với những cảm xúc hay suy nghĩ khi một số người liên tưởng đến cuộc chiến Việt Nam, cũng đã được giới truyền thông so sánh. Hay với một số người từng ủng hộ Donald Trump, đây là cơ hội để họ tấn công tổng thống Joe Biden là “phản bội” hay “bỏ rơi” đồng minh mà bất cần biết đến lịch sử cuộc chiến ra sao. Đó là lý do cần nhắc sơ lại Hòa Ước Doha 2020, bởi nếu xem chính phủ Afghanistan là một “đồng minh” của Hoa Kỳ thì đồng minh này đã bị phản bội và bức tử ngay tháng Hai năm 2020 theo sau Hòa Ước Doha của nội các Donald Trump ký với Taliban chứ không phải hôm nay.

Liệu có cần nhắc lại hòa đàm Paris vào năm 1973 đã dẫn đến sự sụp đổ báo trước của miền Nam Việt Nam vào tháng Tư năm 1975? Và giới sử gia thường nhắc lại vai trò của tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger trong việc bỏ rơi Nam Việt Nam chứ không phải tổng thống Gerald Ford, vị tổng thống Mỹ đương nhiệm năm 1975.

Không có cuộc chiến nào giống cuộc chiến nào và thời điểm cùng những mối quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ và người dân Mỹ cũng thay đổi theo các giai đoạn cùng tình trạng nước Mỹ khác nhau. Nếu xét lại bốn đời tổng thống thì có lẽ tổng thống Joe Biden là người ít can dự và chịu trách nhiệm nhất vào cuộc chiến Afghanistan hiện nay, ngoài việc ông đã dứt khoát với việc đã quá hạn mà nước Mỹ phải làm từ lâu./.

Tiếng Dân

Afghanistan: Mồ chôn của những đế chế

 

  • PGS.TS Nguyễn Phương Mai
  • ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam

Bé 10 tuổi ly tán cùng hàng ngàn gia đình tới Kabul khi Taliban chiếm giữ các thành phố

AFP Bé 10 tuổi ly tán cùng hàng ngàn gia đình tới Kabul khi Taliban chiếm giữ các thành phố

Vào thời kỳ mùa xuân Ả Rập, tôi dành gần trọn một năm sống ở Trung Đông để tìm hiểu về Hồi giáo. Tôi đã gặp những tín đồ cực đoan, nhìn tự do văn minh phương Tây hay giáo dục cho phụ nữ như những điều tội lỗi. Thậm chí có người coi việc nói chuyện trực tiếp với một cô gái như tôi là điều cấm kị, khiến tôi phải hứa sẽ choàng khăn kín đầu. Vừa sợ vừa tò mò, tôi không nén nổi sự ham muốn được lặn sâu hơn vào mê cung tâm lý của những con người này. Đó chính là lý do sau khi xuất bản cuốn “Con Đường Hồi Giáo”, tôi đã hứa với độc giả cuốn sách tiếp theo sẽ có tên là: “Đi Tìm Taliban”.

Taliban là ai?

Pakistan và Afghanistan tuy chia cắt về ranh giới, nhưng ở cả hai bên đường biên là lãnh thổ sinh sống của người sắc tộc Pashtun. Không gì có thể chia cắt người Pashtun, và không gì có thể đánh bại ý chí quật cường cũng như lòng trung thành với đồng loại của người Pashtun. Chính vì thế, khi Liên Xô xâm chiếm Afghanistan để bảo vệ chính quyền cộng sản bù nhìn, những người Pashtun trở thành những chiến binh mãnh liệt nhất. Bên cạnh họ, trên khắp lãnh thổ Afghanistan và Pakistan, hàng trăm nhóm vũ trang được Mỹ hỗ trợ để chống lại kẻ thù chung: những người “cộng sản vô đạo”.

Khi Liên Xô và chính quyền bù nhìn thua trận và Mỹ buông tay, các nhóm quyền lực này quay sang tranh giành lẫn nhau và đẩy Afghan rơi vào nội chiến. Một trong những nhóm quyền lực này hình thành Taliban (có nghĩa là người đi học hay sinh viên). Nhóm khởi đầu với 50 sinh viên người Afghan đang tị nạn tại Pakistan với tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của tôn giáo. Hành động đầu tiên của họ là giải cứu 2 bé gái bị quan chức địa phương gọt đầu hãm hiếp và một bé trai bị đe dọa cưỡng bức. Taliban bắt kẻ có tội đền tội theo luật Hồi giáo. Trong bối cảnh các nhóm quyền lực bắn giết lẫn nhau, nhiều người thấy vui mừng khi Taliban phần nào đem lại sự ổn định và công bằng.

Tuy nhiên, mặt trái của ổn định và công bằng là là cực đoan và tàn khốc. Chính quyền ngắn ngủi của Taliban khiến cả thế giới rùng mình. Ăn cắp sẽ bị chặt tay. Tội ngoại tình bị ném đá đến chết. Âm nhạc, múa hát và giải trí bị cấm hoàn toàn. Đàn ông buộc phải để râu, phụ nữ ra đường buộc phải che hết cả mặt mũi, chỉ được nhìn qua một lớp vải đan thưa. Có những cô gái bị bắt quả tang đi cùng đàn ông không phải người nhà bị đánh cả trăm roi. Phụ nữ chỉ có quyền được làm việc trong bệnh viện, điều này khiến hàng triệu trẻ em gái không được đến trường và hàng trăm trường học phải đóng cửa.

Vào ngày 15/8 thì Sân bay Quốc tế Kabul là "nơi duy nhất" để rời khỏi đất nước.

GETTY IMAGES Vào ngày 15/8 thì Sân bay Quốc tế Kabul là “nơi duy nhất” để rời khỏi đất nước.

Tại sao Mỹ can thiệp?

Sau khi thất bại trong cuộc chiến tại Việt Nam, Mỹ và Liên Xô tiếp tục chiến tranh lạnh bằng những cuộc chiến uỷ nhiệm trên lãnh thổ của nước khác. Mục tiêu của Mỹ không gì hơn là trả thù Liên Xô và lấy lại thể diện sau khi phải rút quân khỏi Việt Nam. Chính vì thế, họ cung cấp vũ khí cho các nhóm quân du kích Afghan mà không hề tính toán đến kế hoạch dài hơi sau khi Liên Xô thua trận. Khi những người lính cuối cùng của Liên Xô rời bỏ chiến trường cũng là lúc Mỹ buông bỏ Afghanistan trong tình trạng những nhóm du kích thắng trận quay ra cắn xé lẫn nhau.

Không phải nội chiến, cũng không phải sự tàn bạo của Taliban khiến Mỹ quay lại nơi đây, mà chính là sự kiện Tháp Đôi bị đánh bom cảm tử. Trùm khủng bố Al-Qaeda chính là do Taliban cưu mang (BBT: đùm bọc trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn). Khi Taliban từ chối giao nộp Bin Laden, Mỹ tiến quân vào Afghanistan nhưng không bắt được trùm khủng bố. Hắn ta chạy sang Pakistan – đất nước vốn là đồng minh của Mỹ.

Chart showing number of casualties as a result of Afghan conflict 
Số người thiệt mạng tại Afghanistan từ 2001 – 2021. Đen là lính Mỹ và quân đồng minh, xanh lá là quân đội, cảnh sát Afghanistan, xanh lam là dân thường, và đỏ là các tay súng Taliban

Kể từ thời điểm đó, các nhóm tàn quân Taliban ở cả hai bên biên giới dần dần gượng dậy, sống dai dẳng, dùng bom cảm tử để phá hoại kế hoạch tái thiết Afghanistan của Mỹ và đồng minh. Hai mươi năm trôi qua, hàng nghìn tỷ đô la đã đổ vào đây, hơn 3,500 binh sĩ đồng minh đã hy sinh, 64.000 binh sĩ Afghan bỏ mạng cùng hàng trăm ngàn dân thường.

Tại sao Taliban vẫn được ủng hộ?

Lời hứa về cuốn sách tiếp theo của tôi được đưa ra khi Taliban đã bị đánh bại. Gương mặt của nữ thần chiến thắng có tên là Malala – cô bé Pakistan 15 tuổi – nhà hoạt động chính trị bảo vệ quyền được đi học bị Taliban ám sát hụt và bị thương nặng ở đầu. Với giải Nobel Hòa Bình, từ cõi chết trở về, cô gái nhỏ đầu trùm chiếc khăn tôn giáo màu đen xuất hiện trước toàn thế giới, tiếng Anh không tỳ vết nói đĩnh đạc như một chính trị gia: “Với một cuốn sách và một cây viết, một bé gái sẽ làm đổi thay thế giới”.

Hệt như bao người khác, tôi tan chảy vì Malala và căm ghét Taliban. Sự yêu ghét rõ ràng ấy chỉ bị đập tan tác cho đến khi chính bản thân tôi đặt chân đến Pakistan.

Các chiến binh Taliban ở Balkh
Các chiến binh Taliban ở Balkh

Gia đình cưu mang tôi ở Islamabad là một tổ ấm 5 người với ông bố là giáo sư giảng dạy tại một trường ĐH nhỏ. Tối hôm ấy từ trong phòng mình, tôi nghe thấy cô con gái 20 tuổi vừa đi học về khóc nức nở. Cậu em trai đi đón chị từ bến xe trên đường về bị một nhóm cướp chặn đường dí súng vào đầu để trấn lột. Gia đình đã báo cảnh sát nhưng tất cả khẳng định rằng cảnh sát biết rất rõ tụi cướp là ai nhưng sẵn sàng làm ngơ. Bên bàn ăn, đôi mắt cậu bé mới 17 tuổi rực lên sự uất ức, căm phẫn và bất lực. Người bố thở dài: “Chính quyền tham nhũng, thối nát. Nếu phải chọn giữa Taliban và cái chính quyền tồi tệ này, tôi chọn Taliban. Ít nhất với Taliban, chúng tôi có thể đòi lại sự công bằng”.

Tại những vùng bị tái chiếm đóng và quân chính phủ thua chạy, Taliban tuyên bố họ đã thay đổi không còn cực đoan như trước. Ví dụ, các bé gái giờ đã được đi học dù những lớp học chỉ dạy kinh Quran. Cộng với sức mạnh của tôn giáo, Taliban với khuôn mặt của những kẻ ngoan đạo từ chỗ là kẻ thua trận dần dần trở thành một lực lượng chính trị không thể bị tiêu diệt mà buộc phải coi như một đối tác trên bàn đàm phán.

Tại sao? Vì những câu chuyện như đã xảy ra với gia đình cưu mang tôi ở Pakistan: Khi tội ác đã rõ rành rành và quan chức địa phương đứng khoanh tay, Taliban dường như là kẻ cuối cùng có thể đòi lại chân lý, mặc dù việc chọn Taliban đồng nghĩa với lựa chọn một nhà tù. Cuối cùng, trong cơn uất ức, tức nước không vỡ được bờ, khát khao trả thù đã mạnh hơn sự đe dọa mất tự do.

Army soldiers from the 2nd Platoon, B battery 2-8 field artillery - 2011

REUTERS Cuộc xung đột Afghanistan đã trở thành cuộc chiến dài nhất của Mỹ

Afghanistan: Mồ chôn của những đế chế

Vào thế kỷ thứ 19, Afghanistan là một vùng đất hiểm trở với hơn 20.000 cộng đồng làng xã nhỏ lẻ sống tách biệt nhau như những vương quốc tý hon. Cái vùng đất bao la, nghèo đói, không tài nguyên, không cửa biển ấy nằm giữa Liên Xô và Ấn Độ – khi đó là thuộc địa của Anh. Cả Anh và Liên Xô đều lo lắng kẻ kia sẽ dùng Afghanistan làm bàn đạp để tấn công. Nỗi sợ hãi ấy khiến Anh đem quân vào Afghanistan và sau hai cuộc chiến, phải rút lui với thảm bại.

Vào thế kỷ 20, Afghanistan và trở thành mồ chôn của đế chế thứ hai: Liên Xô. Những người cộng sản vì quá lo sợ chính quyền thân cộng tại Afghanistan bị suy yếu đã đem quân vào đây sau một cuộc chính biến. Từ vị thế của kẻ giật dây, Liên Xô trở thành kẻ xâm lược vô đạo trong con mắt những nhóm du kích mujahideen.

Người Liên Xô không hề biết sự thật về cuộc chiến đã lấy đi 15.000 sinh mạng chiến binh Xô Viết. Khi một nhà báo Liên Xô sang Afghanistan viết bài, ông chỉ được chụp những bức ảnh đẹp đẽ thanh bình trong khi cách đó 20 mét là máu đổ. Nhìn những chiếc hòm chồng chất lên nhau, ông được cho biết đó là nơi chứa “những khối thịt đã không dùng được nữa”. Quan tài của binh sĩ tử trận được hàn kín và chở về cho gia đình của họ trong bí mật.

Vào thế kỷ 21, như chúng ta đang chứng kiến trong những ngày qua, Mỹ và đồng minh hối hả rút quân trong khi Taliban theo thế chẻ tre lần lượt chiếm cứ từng thành phố, đẩy hàng trăm nghìn người dân hoảng loạn chạy trốn, tạo ra một cơn khủng hoảng tị nạn lớn lên tính theo giờ. Afghanistan lại một lần nữa trở thành nơi các đế chế đem quân tới trong hiên ngang và thoát thân trong màu cờ chiến bại.

Nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Quốc sẽ thế chân và trở thành đế chế thứ tư thử sức với mảnh đất khắc nghiệt này. Giàu có, khôn khéo, thực dụng, và cùng tư tưởng độc tài, liệu Trung Quốc có khiến Taliban bỏ qua việc quốc gia này cũng là những người “cộng sản vô đạo” và có lịch sử không mấy nhân từ với người Hồi giáo ở Uighur?

PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

BBC

Kabul năm 2021 có phải là Sài Gòn năm 1975?

Jackhammer Nguyễn

16-8-2021

Người dân Afghanistan xếp hàng dài hàng tiếng đồng hồ để rút tiền trước một ngân hàng ở Kabul. Ảnh: Rahmat Gul / AP

Các lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8/2021. Tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy ra nước ngoài. Cuộc chiến Afghanistan kéo dài 20 năm của người Mỹ xem như chấm dứt.

5000 quân Mỹ được triển khai tới Afghanistan không phải để đánh nhau mà là để di tản những công dân Mỹ tại đây.

Hơn 46 năm trước, ngày 30/4/1975 là ngày chấm dứt cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam, kết thúc 10 năm tính từ cuộc đổ bộ Đà Nẵng của thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 1965, Nhưng nếu lấy mốc cuộc truất phế Bảo Đại của ông Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ của người Mỹ thì cũng tròn 20 năm.

Vào ngày 30/4/1975 cũng có những đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ được không vận tới Sài Gòn, không phải để đánh nhau mà là để rút đi.

Những con số tròn, cân đối và lạnh lùng, nhưng lại đưa đến cảm giác thú vị về sự đối xứng như Jon Sopel, biên tập viên BBC ở Bắc Mỹ, đề cập.

Nhưng đó cũng là những con số nhân tạo, như ông Biden quyết định lấy ngày 11/9 là hạn chót cho những đơn vị quân đội Mỹ rút ra khỏi Afghanistan. Không rõ có phải ông muốn lấy ngày đó để gợi lại cho người Mỹ hiểu cái nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến là cái ngày thảm khốc 9/11/2001 hay không. Cái ngày định mệnh của cuộc chiến, ngày mà lần đầu tiên lãnh thổ chính thức của Mỹ bị tấn công bởi người ngoại quốc (Trân Châu Cảng bị Nhật tấn công vào năm 1941, lúc Hawaii chưa phải là một tiểu bang mà là lãnh thổ hải ngoại, cho đến năm 1959).

Cả hai cuộc chiến, Việt Nam và Afghanistan đều do người Mỹ chủ động, người Mỹ đến rồi rút đi.

Cho nên không ngạc nhiên khi các xe bán tải chở các chiến binh Taliban áp sát các thành phố Afghanistan, báo chí phương Tây lại rộ lên sự liên tưởng, và trong chừng mực nào đó, bóng ma Việt Nam lại ám ảnh một số người Mỹ, trong đó có không ít người Mỹ gốc Việt.

Quả thật có rất nhiều điểm tương đồng.

Thứ nhất đó là sự chủ động đến rồi đi của người Mỹ như vừa đề cập. Mục đích của người Mỹ ở Afghanistan là tiêu diệt Al-Qaeda và họ đã làm được (hạ thủ Bin Laden), họ thấy rằng họ không còn trách nhiệm ở lại. Mục đích của người Mỹ ở Nam Việt Nam là chống cộng sản, thì họ đã tìm ra con bài Trung Quốc vào năm 1972, cho nên cũng không có lý do để ở lại.

Nếu hiệp định Paris vào năm 1973 cho phép các lực lượng cộng sản ở lại miền Nam, một điều kiện vô cùng thuận lợi cho họ tiến hành chiếm Sài Gòn hai năm sau đó, thì thỏa ước 2020 giữa Mỹ và Taliban cũng không có gì khác hơn là một nhịp cầu để cho những chiến binh Taliban có mặt tại Kabul vài tháng sau.

Thứ hai là, cả hai cuộc chiến đều có chút ít màu sắc ý thức hệ. Cuộc chiến ở Việt Nam là để ngăn chặn làn sóng cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, còn cuộc chiến ở Afghanistan là để cổ vũ cho những giá trị dân chủ (mục đích thứ hai), chống lại sự bạo tàn, hà khắc của luật Sharia Hồi giáo.

Thứ ba là sự hiện diện của lực lượng Mỹ (và đồng minh) không giúp kiến tạo được một nhà nước dân chủ, mạnh như mong muốn. Lực lượng quân đội Afghanistan và Việt Nam Cộng hòa đều không một mình chiến đấu chống lại được đối phương, dù có trang bị hùng hậu hơn. Các viên tướng không có tài, sự nhũng lạm, làm suy yếu sức chiến đấu của các đội quân này. Nếu có những lính ma (ghost soldier) trong quân đội nhà nước Afghanistan hiện nay, thì trong quân đội Việt Nam Cộng hòa có lính kiểng.

Điểm tương đồng thứ tư, có lẽ là khá quan trọng làm cho các đồng minh Afghanistan và Nam Việt Nam của người Mỹ không chinh phục được cảm tình của đa số dân chúng, đó là chủ nghĩa dân tộc. Ở miền Nam Việt Nam là chủ nghĩa dân tộc còn để lại từ phong trào Việt Minh chống Pháp, là sự đối kháng với những đội quân nước ngoài qua hơn 2000 năm lịch sử của người Việt Nam. Ở Afghanistan, các bộ lạc ở đây từ vài ngàn năm qua, chống trả dữ dội những đạo quân ngoại bang, từ Alexander Macedonia đến binh lính Anh, từ các sư đoàn Soviet đến liên quân do Mỹ đứng đầu.

Sự hiện diện của binh lính nước ngoài vô tình làm cho những tư tưởng cực đoan hà khắc trở thành đại diện cho chủ nghĩa dân tộc trong mắt dân chúng, tại Việt Nam là chủ nghĩa cộng sản, tại Afghanistan là những tín điều tàn bạo của luật Sharia. Bên cạnh đó, sự nhũng lạm của các nhà nước được phương Tây ủng hộ, cũng làm cho nhiều người trở nên bất mãn mà ủng hộ cộng sản trong chiến tranh Việt Nam, hay ủng hộ Taliban trong chiến tranh Afghanistan.

Biên giới Afghanistan và biên giới Việt Nam đều không thể bao kín chống lại sự xâm nhập của các lực lượng vũ trang và vũ khí từ bên ngoài.

Sự tương đồng lớn nhất có lẽ là mô hình dân chủ phương Tây không được người địa phương hiểu, hoặc là chưa đủ thời gian để họ hiểu ra.

Tuy nhiên cũng có những sự khác biệt rất lớn.

Đầu tiên là nguồn cơn của cuộc chiến. Nếu ở Việt Nam là lý tưởng chống cộng sản, thì ở Afghanistan là để tự vệ sau cuộc tấn công của Al-Qaeda vào tòa tháp đôi ngày 11/9/2021, vì Al-Qaeda dùng xứ này làm căn cứ hoạt động.

Nếu các lực lượng cộng sản tại Việt Nam có một “hậu phương lớn” ý thức hệ rất rạch ròi trong chiến tranh lạnh, cung cấp cho họ những phương tiện tài chính, quân sự dồi dào, thì lực lượng Taliban lai được cung cấp những phương tiện ấy từ những đồng minh của… Mỹ, Pakistan và Arab Saudi.

Các lực lượng cộng sản Việt Nam, gồm miền Bắc cộng sản và bình phong của nó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là một lực lượng rất thống nhất. Lực lượng đó đến gần nửa thế kỷ sau vẫn còn là một khối thống nhất trên cơ sở dân tộc và kinh tế. Lực lượng này đã từng có một ý thức hệ, nhưng đã tàn phai. Trong khi các chiến binh Taliban là một liên minh khá lỏng lẻo, liên kết nhau bằng một niềm tin có lịch sử gần 2000 năm.

Khi bắt đầu nhúng tay vào Việt Nam, người Mỹ hầu như không biết gì về xứ sở này, trong khi đó Afghanistan lại khá quen thuộc với họ, vì họ ủng hộ các chiến binh Mujahedeen chống lại quân đội Soviet trước đó. Xuyên suốt cuộc chiến, người Mỹ có những chuyên gia người Afghanistan am tường xứ sở của họ.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của miền Nam Việt Nam trước đây không phải phân tán quyền lực về các thủ lĩnh địa phương, mà đôi khi khác hẳn về chủng tộc.

Cuộc chiến Afghanistan là cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ trong lịch sử của nó, nhưng nếu so vị trí của nó trên bàn cờ chiến lược quốc tế thì nó không lớn bằng cuộc chiến Việt Nam. Lẽ ra người Mỹ có thể rút lui khi đã diệt được lực lượng Al-Qaeda sau khi hạ sát Osama Bin Laden vào năm 2011, nhưng họ ở lại để tiếp tục một lý tưởng gọi là “xây dựng quốc gia” (nation building) một lý tưởng đã thất bại cách đó mấy ngàn cây số ở miền Nam Việt Nam.

***

Truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về những đoàn người Afghanistan chạy loạn, vì họ sợ cuộc tắm máu đã từng diễn ra cách đây 20 năm. Các chiến binh Taliban mà giới truyền thông Anh quốc gọi là Taliban 2.0, tuyên bố rằng, họ sẽ không trả thù, sẽ không có tắm máu.

Tương tự như vậy, đoàn người chạy loạn ở miền Nam Việt Nam trong tháng 4/1975 bị thúc đẩy bởi những cảnh giết chóc kinh hoàng của lực lượng cộng sản vào năm 1968, và xa hơn nữa là cảnh đấu tố cải cách ruộng đất 1955.

Nhưng điểm khác nhau là những người Việt chiến thắng năm 1975 đang ở đỉnh cao hưng phấn ý thức hệ của họ, một ý thức hệ, một cách sống hoàn toàn khác biệt với những người miền Nam cùng chủng tộc với họ. Các chiến binh Taliban và dân chúng Afghanistan không khác nhau nhiều đến thế.

Đã có lác đác những người Afghanistan “thuyền nhân” đến Úc, châu Âu để thoát đói nghèo và chiến tranh trong hơn 10 năm qua. Khác với cuộc chiến Việt Nam, có hàng triệu người tị nạn Afghanistan đã có mặt trong những năm qua ở các nước láng giềng Pakistan và Iran.

Sau ngày 15/8/2021, liệu sẽ có một làn sóng “thuyền nhân” Afghanistan hay không? Như hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi sau năm 1975?  Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói vào ngày 15/8/2021, rằng Kabul không phải là Sài Gòn. Ông đúng hay sai? Câu trả lời có lẽ còn nằm ở phía trước khá xa.

 

 

Sài Gòn tháng Tư, Kabul tháng Tám

  • Bùi Văn Phú
  • Gửi đến BBC từ California

Các tay súng Taliban

AFP Các tay súng Taliban

Tình hình Afghanistan đang trong những giờ phút cuối của chính quyền Kabul, khi quân Taliban đã tiến vào dinh tổng thống, sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời nước mà không có việc chuyển giao quyền hành. Ông Ghani nói ông ra đi để tránh đổ máu lan tràn cho dân.

Chính quyền của Tổng thống Ghani đã đổ nhanh chóng hơn tiên liệu, trước cả thời điểm 31/8 là ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loan báo sẽ rút hết lính Mỹ khỏi Afghanistan.

Chủ Nhật 15/8 quân Taliban đã vào Kabul mà không gặp sự kháng cự đáng kể nào của quân đội và lực lượng an ninh.

Những tuần qua các binh sĩ và lực lượng an ninh của Afghanistan, hơn 300 nghìn người được Hoa Kỳ huấn luyện trong hai thập niên, cũng đã không chiến đấu chống lại khi quân Taliban tấn công vào các trung tâm tỉnh lị và các căn cứ quân sự chiến lược.

Theo dõi diễn biến trên truyền hình, tôi không khỏi liên tưởng đến Sài Gòn vào những ngày cuối tháng Tư 1975, khi Hoa Kỳ di tản khỏi Việt Nam, ít giờ trước khi bộ đội cộng sản tiến vào Sài Gòn.

Nghe tin từng tỉnh của Afghanistan như Uruzgan, Zabul, Helmand rồi Kandahar, Herat lần lượt rơi vào tay Taliban tôi hồi tưởng lại Việt Nam với Đà Lạt, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng những ngày tháng Tư 1975 lần lượt rơi vào tay cộng sản Bắc Việt.

Có khác biệt là hình ảnh trên truyền hình tôi theo dõi không thấy có cảnh người dân Afghan di tản theo binh sĩ hay rời bỏ nơi cư trú chạy trên những quốc lộ để lánh nạn. Thủ đô Kabul, ngoài phi trường, không có nhiều nơi dân chúng hoảng loạn tìm đường ra đi, vì khác với Sài Gòn còn có tầu của hải quân và thuyền bè có thể ra biển.

Ông Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, vào hôm 30/4/1975

GETTY IMAGES Ông Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, vào hôm 30/4/1975

Những phát biểu của giới làm chính sách, cũng như những nhà bình luận về tình hình Afghanistan trong những ngày qua cũng có nhiều so sánh với tình hình Việt Nam Cộng vào mùa xuân 1975.

Tác phẩm “Decent Interval” của Frank Snepp ghi nhận các phân tích tình báo của Hoa Kỳ cho biết Nam Việt Nam có thể cầm chân được các cuộc tấn công của cộng sản cho đến năm 1976, ba năm sau khi Hoa Kỳ rút hết quân theo tinh thần Hiệp định Ba Lê 1973.

“55 Days: the Fall of SouthVietnam” của Alan Dawson ghi lại những trận chiến, những quyết định của Washington, Sài Gòn và Hà Nội từ khi quân cộng sản mở cuộc tấn công Ban Mê Thuột, trên vùng Tây nguyên, vào đầu tháng Ba rồi từ đó như vết dầu loang tràn xuống đồng bằng, chiếm Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Xuân Lộc trước khi tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Những người rời khỏi Afghanistan

REUTERS Những người rời khỏi Afghanistan

Chính quyền Sài Gòn đổ cả năm trước thời gian tiên liệu của giới chức Hoa Kỳ. Còn chính quyền Kabul tan rã ngay cả khi binh lính Mỹ còn đang có mặt ở Kabul và một số căn cứ chiến lược để bảo đảm an ninh cho việc rút hết quân vào cuối tháng này. Còn hai tuần nữa mới đến ngày 31/8, nhưng quân Taliban đã vào chiếm Kabul.

Afghanistan là nơi Hoa Kỳ đã can dự quân sự trong 20 năm, cũng huấn luyện và trang bị cho quân đội và lực lượng an ninh của quốc gia này mà chính quyền Kabul xụp đổ còn nhanh hơn Sài Gòn nhiều.

Gần một triệu lính Việt Nam Cộng hoà không chống lại được hai trăm nghìn bộ đội cộng sản năm 1975. Trên 300 nghìn quân chính phủ Afghanistan không ngăn chặn được sức tiến của 70 nghìn quân Taliban hiện nay.

Tổng thống Joe Biden mới đây đã từng đánh giá thấp khả năng quân sự của Taliban, so với bộ đội cộng sản Bắc Việt, khi được hỏi về tương lai Afghanistan một khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút lui. Ông tin là quân đội chính phủ Kabul có thể bảo vệ được quốc gia.

Nhận định của một số giới chức quân sự và chính trị cho đó là thất bại về tình báo từ phía Hoa Kỳ đã đánh giá sai về bộ đội cộng sản Bắc Việt trong chiến tranh Việt Nam, nay lại sai về quân Taliban ở Afghanistan khiến Mỹ phải vội vàng di tản.

Hình ảnh máy bay trực thăng di tản người Mỹ và những người đã hợp tác với Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn cuối tháng Tư 1975 và ngày 15/8 vừa qua ra khỏi Kabul sẽ còn in dấu trong tâm thức người Mỹ và dư luận thế giới trong nhiều năm.

Quân lực Việt Nam Cộng Hòa không còn được Mỹ yểm trợ hỏa lực sau 1973

FRANCOISE DE MULDER Việt Nam Cộng Hòa không còn được Mỹ yểm trợ hỏa lực sau 1973

Chiến tranh ở Việt Nam là thất bại quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ, để sau đó khi lãnh đạo Mỹ có những quyết định can thiệp quân sự vào một nơi nào đó trên thế giới, từ Grenada, Nicaragua, El Savador cho đến Kuwait, Kosovo các tổng thống Mỹ thường được nhắc nhở về “Vietnam Syndrome” – Hội chứng Việt Nam.

Năm 1992, sau khi Hoa Kỳ đem quân đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait, Tổng thống George W. H. Bush (cha) đã tuyên bố từ nay nước Mỹ không còn ám ảnh bởi “Vietnam Syndrome” nữa.

 

Có nhiều nhận định về cuộc di tản ra khỏi Kabul giống Sài Gòn 1975, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chương trình “This Week” của truyền hình ABC sáng Chủ Nhật 15/8 đã không đồng ý về so sánh đó. Ông Blinken cho là sự can dự quân sự vào Afghanistan đã thành công trong mục tiêu chính vì khi Hoa Kỳ đem quân vào sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ là với mục đích giết Osama bin-Ladin và tiêu diệt Al-Qaeda.

Ở điểm này, Ngoại trưởng Blinken có lẽ đúng, vì thủ lãnh bin-Ladin đã bị lính Mỹ giết và thuỷ táng, còn Al-Qaeda tan rã và trong hai mươi năm qua đã không có cuộc tấn công khủng bố nào trực tiếp vào Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ rút lui khỏi Afghanistan vì tin rằng khủng bố Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo ISIS không còn là mối đe doạ trực tiếp cho nước Mỹ.

Leo lên máy bay tại sân bay Kabul
Leo lên máy bay tại sân bay Kabul

Cuộc chiến tranh tại Việt Nam, khi Hoa Kỳ quyết định can dự quân sự vì muốn be bờ, ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Á. Sau khi bắt tay được với Trung Quốc, Hoa Kỳ quyết định rút lui ra khỏi Việt Nam năm 1973, để rồi chính quyền Sài Gòn xụp đổ hai năm sau đó.

Nhưng đến nay Hoa Kỳ vẫn còn đang phải đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt. Với sự trở lại của Taliban, trong tương lai Hoa Kỳ rồi sẽ lại phải đối phó với các nhóm khủng bố chống Mỹ ở nhiều nơi và ngay cả trong nội địa.

“Hội chứng Việt Nam” ngày nay đã được thay bằng “Hội chứng Afghanistan”.

Theo một thăm dò dư luận do Chicago Council on Global Affairs thực hiện vào cuối tháng Bảy có 70% dân Mỹ ủng hộ quyết định rút hết quân của Tổng thống Joe Biden. Riêng những người theo Đảng Cộng hoà có 56% tán đồng.

Với người dân Afghan, đó là “Sự phản bội của Hoa Kỳ”, như nhận định của cựu đại sứ Afghanistan tại Mỹ Roya Rahmani với phóng viên truyền hình MSNBC hôm 15/8.

Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả Bùi Văn Phú là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

Nhìn Kabul nghĩ về Sài Gòn: Các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa lên tiếng

VOA

TƯ LIỆU – Hình chụp ngày 29 tháng 4, 1975 cho thấy máy bay trực thăng trên nóc Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn thực hiện những đợt di tản cuối cùng những nhân viên và thường dân.

 

Tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, một cảnh tượng chấn động khắp thế giới. Một máy bay quân sự của Mỹ lăn bánh trên đường băng giữa đám đông những người Afghanistan vây kín cố ngăn nó cất cánh, một số người tuyệt vọng bám lên thân báy bay. Rồi vài phút sau, có người rơi xuống từ máy bay khi nó đang ở trên không trung.

Từ tư gia ở Reston thuộc bang Virginia của Mỹ, ông Đinh Hùng Cường không khỏi xúc động trước những hình ảnh đau lòng. Cảm xúc của ông không chỉ xuất phát từ vị thế một công dân Mỹ chứng kiến sự sụp đổ và kết cục hỗn loạn nơi quân đội nước ông đã tham chiến hơn 20 năm, nó còn đến từ tâm thế của một người tị nạn từng được di tản khỏi một sự sụp đổ tương tự gần 50 năm trước.

Những diễn biến ở Afghanistan đầu tuần này khiến ông nhớ lại những gì xảy ra ở miền Nam Việt Nam vào năm 1975 khi lực lượng cộng sản miền Bắc mở cuộc tiến công mang tính quyết định. Tại Đà Nẵng, người ta cố leo lên một máy bay dân sự của Mỹ bay vào Sài Gòn với một số người bám lấy cánh máy bay, ông kể. Một người được phát hiện đã chết trong hốc máy bay khi nó đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

“Cái thảm cảnh đó làm cho tôi rất xúc động và tôi thấy rằng sau mấy chục năm rồi tôi rất là thương dân chúng Afghanistan,” ông nói. “Họ đã chịu đựng cuộc chiến 20 năm mà trong vòng có mấy ngày thôi mà cả đất nước đó sụp đổ.”

Ông Đinh Hùng Cường trong một bức ảnh thời trẻ (Ảnh: Đinh Hùng Cường)

Ông Đinh Hùng Cường trong một bức ảnh thời trẻ (Ảnh: Đinh Hùng Cường)

Ông Cường, nay 78 tuổi, từng là Quận trưởng Quận Thủ Thừa của tỉnh Long An. Trong vai trò thiếu tá bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông tham gia chiến đấu bảo vệ một tuyến đường tiếp tế vào đầu tháng 4 năm 1975. Ông được di tản trước khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 trong khi đang được chữa trị thương tích, ông nói.

Trong những cuộc phỏng vấn với VOA, các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ở khắp nước Mỹ bày tỏ xúc động và xót xa khi sự sụp đổ ở Afghanistan được đem ra so sánh với sự sụp đổ ở quê hương của họ. Hình ảnh máy bay trực thăng bốc người di tản trên nóc đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cách đây gần nửa thế kỷ vẫn còn xuất hiện tràn ngập trên truyền thông ở Mỹ và khắp thế giới.

Nhưng sự so sánh về hình ảnh đó khỏa lấp bối cảnh lịch sử khác biệt mà những cựu quân nhân này hiểu rõ hơn ai hết. Họ nói binh sĩ của Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu “anh dũng” và “kiên cường” cho tới những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến trong khi quân đội Afghanistan tan rã một cách nhanh chóng và Taliban tiến vào Kabul mà gần như không vấp phải sự kháng cự nào.

Những binh sĩ cuối cùng của Mỹ rút khỏi Việt Nam vào tháng 3 năm 1973 sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được kí vào tháng 1, chấm dứt sự can dự trực tiếp của Mỹ trong cuộc xung đột ở quốc gia Đông Nam Á này. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cầm cự thêm hai năm nữa trước khi sụp đổ dưới cuộc tiến công của phe cộng sản.

Máy bay trực thăng Chinook của Mỹ bay gần Đại sứ quán Mỹ ở Kabul, Afghanistan, ngày 15 tháng 8, 2021.

Máy bay trực thăng Chinook của Mỹ bay gần Đại sứ quán Mỹ ở Kabul, Afghanistan, ngày 15 tháng 8, 2021.

Tại Afghanistan, sau gần 20 năm tham chiến, Mỹ kí thỏa thuận hòa bình với Taliban vào tháng 2 năm 2020 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump để rút hết lực lượng Mỹ khỏi quốc gia Trung Á này trong vòng 14 tháng. Chính quyền kế nhiệm của Tổng thống Joe Biden xúc tiến thỏa thuận và đặt ra hạn chót triệt thoái binh sĩ là ngày 31 tháng 8 năm 2021.

Taliban tiến vào Kabul ngày 15 tháng 8.

“Phía cộng sản Bắc Việt đã nhận được rất nhiều viện trợ từ hai nguồn tài trợ [Trung Quốc và Liên Xô] và khối cộng sản thế giới, ngược lại quân đội Việt Nam Cộng Hòa sau khi Mỹ rút đi thì viện trợ giảm sút rất là nhiều, 300 triệu đô la mà Hạ viện Hoa Kỳ dứt khoát không chấp nhận,” ông Đinh Văn, 73 tuổi, cựu binh nhảy dù từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, nói. Ông hiện cư ngụ ở thành phố Houston thuộc bang Texas.

Ông Nguyễn Phương Lâm, 75 tuổi, cựu trung úy bộ binh và giảng viên sinh ngữ của Không quân Việt Nam Cộng Hòa, nhớ lại cụ thể việc Mỹ cắt giảm viện trợ đã ảnh hưởng nặng nề tới năng lực chiến đấu của đồng minh Việt Nam như thế nào, trong khi Afghanistan vẫn liên tục nhận được viện trợ quân sự của Mỹ và thậm chí còn nhiều hơn một chút trong năm nay, theo đề xuất ngân sách 2021 của Nhà Trắng.

“Mình thiếu vũ khí, thiếu quân trang quân dụng, Mỹ nói là ‘một đổi một’ nhưng mà thật sự là đâu có,” ông giải thích. “Những cái khẩu đại bác của mình bắn nhiều phải thay cò súng. Họ đưa đại bác sang mà không đưa cò súng thì làm sao mà bắn? Rồi xăng nhớt họ cúp, không quân không có đủ xăng mà bay nữa.”

“Khác biệt là ở đó, miền Nam vẫn anh dũng chiến đấu dù bị Mỹ bội phản.”

Ông Lâm kẹt lại ở Việt Nam khi Sài Gòn sụp đổ. Ông vượt biên và đến Mỹ năm 1979 và hiện đang cư ngụ ở thành phố Tampa ở bang Florida.

 Sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng an ninh Afghanistan khơi lên nhiều câu hỏi về năng lực điều hành của giới lãnh đạo chính trị và quân sự nước này sau hơn 20 năm nhận được vô số hình thức hỗ trợ về quân sự và phát triển từ Mỹ. Nhưng một số cựu quân nhân gốc Việt cũng cho rằng sự lụn bại nhanh như vậy một phần lớn là do tinh thần chiến đấu của binh sĩ tiêu tan do quyết định rút quân của Mỹ.

“Khi mà con người ta mất tinh thần thì sự rã đám đến rất là nhanh,” ông Nguyễn Kim Khoa, 78 tuổi, cựu đại úy phi công trực thăng, nhận định. “Một khi họ thấy họ bị bỏ rơi và chung quanh họ họ không nhìn thấy sự yểm trợ nào khác nữa thì tinh thần họ sẽ xuống, mà một khi tinh thần xuống thì họ không còn tinh thần chiến đấu nữa.”

“Bản tính của người Việt chúng ta rất là quật cường cho nên quân nhân Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu rất là kiên cường. Mặc dầu là mình bị đồng minh bỏ rơi đó, nhưng mà mình vẫn chiến đấu với một sự hy vọng là mình có thể lật ngược thế cờ, có thể những thế lực ở các nước tự do khác yểm trợ mình. Có một chút hy vọng như vậy thành thử ra mình đã cầm cự được trong hai năm.”

Ông Khoa nói ông là một trong những phi công cuối cùng bay khỏi Căn cứ Không quân Biên Hòa vào ngày 29 tháng 4 năm 1975. Ông hiện cư ngụ tại thành phố Fresno ở bang California, nơi có cộng đồng người Afghanistan lớn nhất ở Mỹ.

Ông Nguyễn Kim Khoa trong quân phục Không quân Việt Nam Cộng Hòa (Ảnh: Nguyễn Kim Khoa)

Ông Nguyễn Kim Khoa trong quân phục Không quân Việt Nam Cộng Hòa (Ảnh: Nguyễn Kim Khoa)

Các cựu quân nhân người Việt nói với VOA họ hiểu và đồng ý với việc Mỹ cuối cùng phải triệt thoái lực lượng khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh, song hầu như tất cả họ đều chỉ trích cách thức mà chính quyền Biden tiến hành việc rút quân mà họ xem là nóng vội và thiếu sự chuẩn bị chu đáo, dẫn đến việc di tản hỗn loạn và nguy hiểm tại sân bay ở Kabul.

Ông Nguyễn Bình, cựu trung úy điều hành tiếp liệu hiện đang sinh sống ở khu vực thành phố Chicago thuộc bang Illinois, nói Tổng thống Biden đã “không làm tròn trách nhiệm” với việc gấp rút rời đi trong khi hàng ngàn công dân Mỹ và đồng minh người Afghanistan vẫn còn kẹt lại. Ông cho rằng vụ việc này gây tổn hại uy tín của Mỹ “rất nhiều.”

“Trung Cộng đã lợi dụng vấn đề Afghanistan này và bảo Đài Loan hãy coi chừng Mỹ sẽ bỏ Đài Loan,” ông Bình nói, nhưng nhấn mạnh rằng ông chỉ xem đó là lời đe dọa mang tính tuyên truyền.

“Nhưng chính vấn đề đó cũng làm cho nhiều người suy nghĩ, nhất là những người Việt Nam mình.”

Đối mặt với những chỉ trích dồn dập trong những ngày qua từ trong nước lẫn ở nước ngoài, Tổng thống Biden ngày thứ Sáu 20 tháng 8 cam kết sẽ đưa hết công dân Mỹ ra khỏi Afghanistan nếu họ muốn như vậy, cũng như những người Afghanistan đã hỗ trợ trong cuộc chiến. Ông cho biết 13.000 người đã được di tản tính đến thời điểm này.

Hàng ngàn người Afghanistan tuyệt vọng mang theo giấy tờ, trẻ nhỏ và một số đồ đạc đã vây kín sân bay Kabul, nơi các thành viên Taliban cầm súng kêu gọi những người không có giấy tờ quay về nhà. Tại sân bay và xung quanh, 12 người đã thiệt mạng kể từ 15 tháng 8, các quan chức NATO và Taliban cho biết./.

 

Kabul: Khi đồng minh lại ‘tháo chạy’


Quang cảnh hỗn loạn của Afghanistan tại phi trường Quốc Tế Kabul.

Trong lời nói đầu, Tiến sỹ Hưng, người từng là Tổng trưởng Kế hoạch và cố vấn cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, viết:

“Ngày 10 tháng ba, 1975 quân đội Bắc Việt đánh chiếm Ban Mê Thuộc. Đến ngày 30.4 đã tiến vào Sài Gòn. Tốc độ như vũ bão, vỏn vẹn chỉ có 52 ngày?

“Không lẽ một cuộc chiến kéo dài tới hai mươi năm, đến khi kết thúc lại nhanh như vậy?

“Rồi cuộc di tản tiếp theo. Trước hết lạ thời gian di tản, sao nó quá ngắn ngủi? Tuy hai cuộc chiến năm 1954 và 1975 kết thúc trong những hoàn cảnh khác hẳn nhau, ta vẫn có thể hỏi tại sao khi Pháp rút khỏi Miền Bắc, thời gian được quy định là 300 ngày.

“Bây giờ đến lúc Mỹ rút hết khỏi Miền Nam thì không có quy định gì hết, cuộc di tản chỉ kéo dài được vỏn vẹn năm ngày!”

Hơn 46 năm sau, Hoa Kỳ lại bỏ rơi Afghanistan sau hai thập niên đưa quân vào nước này để rồi lực lượng Taliban chỉ mất có 10 ngày để kiểm soát toàn bộ đất nước từ một vài tỉnh họ chiếm được lúc đầu.

Tổng thống Ashraf Ghani rời đi hôm 15/8, cũng là ngày quân Taliban tiến vào thủ đô. Hiện ông vẫn giữ chức danh ‘Tổng thống Cộng hoà Afghanistan’ trên tài khoản Twitter nơi ông có gần 900.000 người theo dõi. Trước đó vài ngày ông còn họp với các lãnh đạo lưỡng viện quốc hội cùng những chính trị gia chủ chốt khác và tuyên bố quyết tâm bảo vệ đất nước. Những người ủng hộ ông nói ông ra đi để tránh một cuộc đổ máu.

Tôi có một cựu đồng nghiệp trước đây làm ở ban tiếng Pashto, ngôn ngữ phổ biến thứ hai ở Afghanistan sau tiếng Dari, giờ làm Giám đốc Đài Phát thanh Truyền Hình Afghanistan. Không rõ anh có tin thật không nhưng cho tới tận hôm 14/8 anh còn viết trên Twitter rằng “Kabul sẽ không sụp đổ”. Chức danh trên tài khoản Twitter của anh cũng vẫn là giám đốc cơ quan phát thanh truyền hình quốc gia. Lâu rồi tôi không giữ liên hệ với anh nhưng cầu mong anh và gia đình an lành.

Có lẽ hình ảnh biểu tượng của sự tháo chạy khỏi Afghanistan của Hoa Kỳ sẽ là cảnh rất đông người Afghanistan chạy theo chiếc phi cơ của Không lực Hoa Kỳ đang lăn bánh rời sân bay ở Kabul. Hình ảnh cho thấy sự hỗn loạn, hoảng hốt và vô tổ chức của một cuộc rút quân bỗng biến thành cuộc tháo chạy giống ở Sài Gòn năm nào.

Người dẫn chương trình của BBC, Yalda Hakim, đăng video lên Twitter kèm theo bình luận: “Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói sứ mệnh ở Afghanistan đã thành công. Vậy thất bại trông thế nào? #Kabul”. Bản thân cô Hakim, năm nay 38 tuổi, sinh ra ở Kabul và cha mẹ cô đưa cô rời khỏi đất nước vào năm 1983 giữa lúc Liên Xô giao chiến với các lực lượng ở Afghanistan. Lúc đó cô mới vài tháng tuổi và ba năm sau gia đình được định cư tại Úc.

Cho tới nay phía Taliban có vẻ khá khôn khéo về ngoại giao. Người phát ngôn của họ còn gọi điện trực tiếp cho cô Yalda Hakim khi cô đang dẫn chương trình và tuyên bố bảo vệ tài sản và tính mạng cho người dân. Ông Suhail Shaheen, người có trên 336.000 người theo dõi trên Twitter, cũng nói với cô Hakim rằng Taliban là “đầy tớ” của nhân dân.

Nhưng sự tháo chạy của người dân Afghanistan cho thấy họ không tin vào những điều ông Shaheen nói. Bốn sáu năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, người dân Việt Nam vẫn phải chịu gông cùm tư tưởng của những người cộng sản thuộc “phe thắng cuộc”. Khó có hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho Afghanistan.

Còn để hiểu điều gì có thể xảy ra sau khi Kabul sụp đổ, chúng ta có thể nghe lời kể của cố Tướng Lê Minh Đảo, người bị “cải tạo” 17 năm sau khi chiến tranh kết thúc: “Họ tiêu diệt chúng tôi một cách rất là tinh vi, thế giới không biết được đâu. Nhìn qua Pol Pot thấy giết, tắm máu này kia. Việt Nam ở ngoài nhìn không thấy tắm máu nhưng thật sự ra máu của chúng tôi từ trong cơ thể rỉ xuống chân, nó nhiễm xuống đất lan tràn mà không ai thấy. Chết đủ cách. Đói rét. Đói chết, bệnh tật chết, bị hành hạ vì lao động chết. Nội cái thời tiết khắc nghiệt… tôi ngủ mà tôi phải lấy nhật trình, cái giấy báo đó, tôi quấn quanh mình tôi.”

Dù có học được chút ít từ cuộc chiến Việt Nam nên người Mỹ chỉ mất gần 2.500 binh sĩ ở Afghanistan so với trên 58.000 trong Cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn một lần nữa khiến các đồng minh mất niềm tin vào họ.

Các chuyên gia quân sự đã nói rằng Hoa Kỳ nên giữ số quân ít ỏi còn lại, từ 2.500-3.500, ở Afghanistan để duy trì thành quả xây được trong 20 năm qua. Nhưng Tổng thống Joe Biden đã quyết rút quân bằng được trước kỷ niệm 20 năm cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào Hoa Kỳ. Ông sẽ đi vào lịch sử với quyết định để lại màn tháo chạy hỗn loạn thứ hai trong vòng nửa thế kỷ của Hoa Kỳ./.

Blog VOA

Báo châu Âu

 

Sứ mệnh Afghanistan: Phương Tây thất bại, nhưng không phải chỉ là lỗi của riêng họ

Mỹ và NATO không nên rút quân vội vàng như vậy. Nhưng người dân Afghanistan đã bị bỏ mặc bởi chính quân đội của họ và chính phủ tham nhũng.

 Matthias Naß

  1. 08.2021

Die Zeit

 VNC chuyển ngữ từ Der Westen ist gescheitert, aber nicht allein schuld

Từ đồn của họ ở tỉnh Balk, các binh sĩ của quân đội Afghanistan đangquan sát Taliban. Trong vòng vài ngày, những người Hồi giáo quá khích đã chiếm hết thành phố lớn này đến thành phố lớn khác. © Farhad Usyan/​AFP/​Getty Images

 

Kabul đầu hàng. Chính phủ Afghanistan hứa hẹn một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình, vị tổng thống đã rời khỏi đất nước. Taliban có thể tiến vào thủ đô mà không cần giao tranh. Nhưng ngay cả khi không chiến đấu cũng sẽ có một cuộc thanh toán đẫm máu. Một tương lai kinh hoàng đang ở phía trước Afghanistan. Nhiều người Afghanistan, đặc biệt là nhiều phụ nữ, sẽ không tìm ra lối thoát, không con đường thoát chạy.

Đó là một khoảnh khắc khủng khiếp. Thế giới đứng ngoài nhìn choáng váng, khi Afghanistan một lần nữa nằm dưới sự thống trị của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong vòng vài ngày, hết thành phố này đến thành phố khác rơi vào tay các chiến binh tôn giáo. Không ai, thực sự là không ai nghĩ rằng Taliban có thể tiến nhanh đến vậy. Lính chính phủ không chống lại họ mà hoảng sợ bỏ chạy. Và bỏ lại phía sau dân chúng lo sợ kinh hoàng.

Joe Biden có phải chịu trách nhiệm về thảm họa này không? Tổng thống Mỹ có gây ra sự sụp đổ với quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan cho đến ngày 11 tháng 9 năm 2021? Liệu sự hiện diện liên tục của các đơn vị tinh nhuệ của Hoa Kỳ, kết hợp với các cuộc không kích vào lực lượng Taliban đang tiến công, có ngăn cản được chiến thắng của họ? Không, sự kháng cự của quân đội từ bên ngoài có thể làm trì hoãn cuộc tiến quân, nhưng nó không ngăn cản được.

“Tôi sẽ không giao cuộc chiến này cho tổng thống thứ năm”

Đã từ lâu, Biden không còn tin rằng phương Tây có thể ổn định lâu dài Afghanistan. Ngay từ năm 2009, khi vẫn còn là Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama, ông đã phản đối việc gia tăng mới lực lượng quân đội Hoa Kỳ. Ông không thấy một đối tác đáng tin cậy trong giới lãnh đạo chính trị ở Kabul. Tổng thống Mỹ đắc cử, Biden nói rõ rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Hiện ông đã khẳng định lại quyết tâm rút lui này, trong đó lưu ý đến trường hợp Kabul. “Tôi là tổng thống thứ tư có quân đội Mỹ ở Afghanistan – hai đảng viên Cộng hòa, hai đảng viên Dân chủ. Tôi sẽ không giao cuộc chiến này cho tổng thống thứ năm.”

 

Mỹ, được NATO hỗ trợ, đã can thiệp vào Afghanistan 20 năm trước vì một lý do cụ thể: Họ muốn lấy khu vực do Taliban bảo vệ được làm nơi ẩn náu cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda, nhóm đã tấn công New York và Washington, DC vào ngày 11 tháng 9, Năm 2001. Mục tiêu này đã đạt được với cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden trễ lắm là vào năm 2011. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng đất nước đã thất bại hoàn toàn – việc thiết lập các cơ cấu dân chủ, xã hội dân sự giúp phụ nữ ở Afghanistan trên hết được sống trong nhân phẩm và quyền tự quyết.

Không ai được quyền hạ thấp thiện chí và sứ mệnh đầy ấn tượng của tất cả những người đã cố gắng giúp Afghanistan trên con đường tiến vào thời đại hiện đại: binh lính, những người giúp đỡ nhân đạo, bác sĩ và y tá, doanh nhân và nhà ngoại giao. Họ đã hy sinh bản thân rât nhiều, nhiều người đã trả giá cho nỗ lực của họ bằng cuộc sống của mình. Tuy nhiên, nước này hiện đang rơi trở lại chế độ chuyên chế Hồi giáo.

Đó chủ yếu hay chỉ là lỗi của phương Tây, nơi lẽ ra không bao giờ được phép  can thiệp vào Afghanistan, vốn đơn giản là không có chỗ ở HinduKush (bbt: khu vực dãy núi HinduKush bao gồm Pakistan và  Afghanistan)? Người ta có thể tranh cãi như vậy. Nhưng cũng có nhiều ví dụ về nơi nhận được sự giúp đỡ, nơi mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng những tiến bộ này trong trường học, bệnh viện, trường đại học và các phương tiện truyền thông dường như chỉ có thể thực hiện được với sự bảo vệ liên tục của quân đội. Và người Mỹ – và cả người châu Âu – vẫn chưa sẵn sàng cho một sứ mệnh bất tận. Thật là lố bịch khi một vài các chính trị gia  lại yêu cầu can thiệp quân sự để đẩy lùi Taliban. Sẽ không có ủy quyền nào cho việc này, bất kể ở Washington, D. C., hay Berlin.

Quân đội đầu hàng Taliban mà không kháng cự

Tất nhiên, các hoạt động của Mỹ và NATO không nên kết thúc một cách vội vàng như vậy. Nhưng điều đó không thay đổi một vài sự thật cơ bản. Quân đội Afghanistan bao gồm 300.000 binh sĩ, ít nhất là trên giấy tờ. Ước tính chỉ có khoảng 75.000 chiến binh Taliban. Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 83 tỷ đô la vào trang bị thiết bị và đào tạo quân đội Afghanistan – nhưng cuối cùng quân đội này đã đầu hàng Taliban mà không kháng cự lại. Những người lính không muốn chiến đấu cho một chính phủ hoàn toàn tham nhũng, đôi khi thậm chí không cung cấp thức ăn cho họ tại địa điểm hoạt động của họ.

Việc kéo dài sự hiện diện của quân đội phương Tây thêm một, hai hoặc năm năm nữa sẽ không làm thay đổi sự phá sản của giới lãnh đạo chính trị ở Kabul. Không phải phương Tây đã bỏ rơi người dân Afghanistan, mà là chính phủ của chính họ không có khả năng để lãnh đạo quân đội.

Tuy nhiên, các nỗ lực phải luôn được thực hiện để cung cấp viện trợ nhân đạo. Ngay cả tại Afghanistan, nơi Taliban hiện đang thiết lập lại chế độ chuyên chế của họ. Quyền con người được áp dụng phổ quát, không ai được phép đứng yên khi một dân tộc bị khuất phục và tước quyền. Nhưng sự trợ giúp từ bên ngoài chỉ có thể đến bằng vũ lực trong một trường hợp hoàn toàn ngoại lệ. Và nó cần những đối tác có năng lực, đáng tin cậy trong nước.

Đã đến lúc phải rút kinh nghiệm cho những sai lầm mắc phải ở Afghanistan. Hiện tại chủ yếu là nỗi đau buồn khi đối mặt với thảm kịch của sự thất bại./.

 

Điều gì giúp Taliban thắng như chẻ tre ở Afghanistan?

 

 

Nguồn: The Taliban’s terrifying triumph in Afghanistan”, The Economist, 15/8/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Trong những năm gần đây, dinh tổng thống ở Kabul, được gọi là Arg, hay tòa thành, đã là một ốc đảo yên bình trong một thành phố nhộn nhịp, căng thẳng. Để đến được nó, du khách phải đi một dặm qua các trạm kiểm soát, được biên chế bởi các đội biệt kích quân đội Afghanistan được trang bị ngày càng tốt. Bên trong tòa nhà được xây từ thế kỷ 19, các quan chức chính phủ Afghanistan nhâm nhi ly latte tại một quán cà phê thông minh, được bao quanh bởi những khu vườn được chăm sóc tốt, và thảo luận về tình hình chính trị bên ngoài, ở một đất nước Afghanistan thực tế.

Khi phóng viên chúng tôi đến thăm lần gần đây nhất, các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia giải thích rằng theo quan điểm của họ, Taliban rất yếu. Theo các quan chức này, lý do duy nhất khiến họ không bị quân đội chính phủ Afghanistan được Mỹ hỗ trợ đánh bại, là vì chính phủ Afghanistan không muốn gây nguy hiểm cho dân thường bằng cách tiến hành các cuộc tấn công. “Họ không thể giành chiến thắng quân sự,” một quan chức nói. “Lực lượng đặc biệt của chúng tôi rất mạnh. Taliban chỉ có thể đánh kiểu du kích”.

Vào ngày 15 tháng 8, máy bay trực thăng đã bay qua bay lại dinh tổng thống để sơ tán những vị quan chức đó. Một đám khói bốc lên từ tòa nhà đại sứ quán của Mỹ, vốn trông giống như một pháo đài, khi nhân viên đốt các tài liệu nhạy cảm. Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố “sẽ không có trường hợp nào bạn phải chứng kiến người dân được bốc lên khỏi mái nhà” của tòa đại sứ quán Mỹ, như ở Sài Gòn năm 1975, đã xuất hiện hình ảnh các máy bay trực thăng bay lượn trên khu nhà này, đưa các nhà ngoại giao Mỹ đến sân bay.

Trong khi đó, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban ở Doha, thủ đô Qatar, nơi lực lượng này có đại diện ngoại giao và chính trị, đã hùng hồn tuyên bố rằng lực lượng Taliban sẽ ngừng tiến quân ngay cửa ngõ thành phố trong khi tiến hành các cuộc đàm phán về việc đầu hàng của chính phủ. Ashraf Ghani, tổng thống Afghanistan từ năm 2014, được cho là đã tháo chạy khỏi đất nước cùng với các phụ tá thân cận nhất của mình. Nhà nước Afghanistan, được xây dựng trong hơn hai thập niên với hàng nghìn tỷ đô la, dường như đã biến mất vào hư không.

Làm thế nào mà một chính phủ với 350.000 binh sĩ, được huấn luyện và trang bị bởi những quân đội tốt nhất trên thế giới, lại sụp đổ nhanh chóng như vậy? Năm 1975, quân đội Bắc Việt Nam, được hậu thuẫn bởi một siêu cường, vẫn phải mất nhiều tháng để tiến quân qua miền Nam Việt Nam, chiến đấu khốc liệt để giành lãnh thổ. Taliban, được cho là có quân số không quá 200.000 người, được trang bị phần lớn bằng các thiết bị mà họ thu được từ kẻ thù, đã chiếm tất cả các trung tâm đô thị của Afghanistan trong vòng chưa đầy một tuần, mà nhìn chung hầu như không gặp phải nhiều kháng cự (xem bản đồ). Câu trả lời dường như là các hạn chế về sức mạnh quân sự của họ đã được bù đắp bởi sự mưu trí, quyết tâm, và khôn ngoan chính trị. Trong năm qua, các nhà ngoại giao ở Doha đã hy vọng rằng Taliban có thể bị buộc phải đàm phán với chính phủ của ông Ghani để chấp nhận một loại thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào đó. Taliban rõ ràng nhận ra rằng sẽ có lợi hơn cho họ nếu thương lượng với cấp dưới của ông Ghani, qua từng thành phố một, từ đó làm mất vị thế của chính phủ trung ương.

Do đó, tại Herat, một thành phố chiến lược gần biên giới Iran, Ismail Khan, vị lãnh chúa đã giành lại thành phố từ tay Taliban vào năm 2001 sau nhiều ngày chiến đấu, đã đầu hàng và được quay phim cảnh đang bị giam giữ, cầu xin “một môi trường hòa bình”. Tại Kandahar, thành phố nằm ở trung tâm kinh tế phía nam Afghanistan và là nơi khởi nguồn của lực lượng Taliban trước đây, xuất hiện hình ảnh vị thống đốc bàn giao chính quyền cho người đồng cấp Taliban của mình. Ở Jalalabad, nằm ở phía đông, Taliban tiến vào mà không phải bắn một phát súng nào, sau khi những người lớn tuổi trong thành phố thương lượng về việc đầu hàng. Mazar-i-Sharif, một thành phố phía bắc từng là pháo đài của quân kháng chiến chống Taliban vào những năm 1990, cũng đầu hàng theo kiểu tương tự.

Trong mỗi trường hợp như vậy, phía Taliban đã đưa ra những lời hứa rộng rãi, là sẽ “tha thứ” cho những người từng phục vụ trong chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, để đổi lại sự đầu hàng. Tại Kandahar, những cựu binh đầu hàng đã được cấp giấy thông hành mà họ có thể xuất trình tại các trạm kiểm soát của Taliban. Ở đó, suốt đêm thứ sáu, tiếng súng vang vọng khắp thành phố. Theo người dân, đây chủ yếu là súng bắn chỉ thiên để ăn mừng.

Quân đội Afghanistan, với tất cả sức mạnh rõ ràng của mình, dường như đã rơi vào cái gọi là hội chứng Yossarian, đặt theo tên một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết về chiến tranh thế giới thứ hai của Joseph Heller, có tựa đề “Bẫy 22”. Yossarian được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều nghĩ như anh ta, rằng chiến đấu là điều vô nghĩa, và anh ta trả lời rằng anh ta sẽ “là một kẻ ngu ngốc nếu nghĩ theo bất kỳ một cách nào khác”. Tương tự, tờ Washington Post dẫn lời một sĩ quan Afghanistan giải thích lý do tại sao các binh sĩ của anh ta không ngăn chặn Taliban: “Này anh, nếu không có ai khác chiến đấu, thì tại sao tôi phải làm như vậy?” Tinh thần quân đội Afghanistan bị xuống thấp bởi cuộc khủng hoảng ngân sách của chính phủ, dẫn đến việc nhân viên chính phủ và quân đội không được trả lương trong nhiều tháng.

Vậy sự tiếp quản của Taliban có nghĩa là gì? Về tất cả những hứa hẹn của họ là sẽ thể hiện lòng khoan dung sau chiến thắng, rất ít người trong giới tinh hoa trí thức của Afghanistan cảm thấy yên tâm về điều đó. Sau khi các chiến binh chiếm Spin Boldak, một thị trấn trên biên giới với Pakistan, vốn nằm trong số những địa phương đầu tiên thất thủ vào cuối tháng Bảy, các báo cáo đáng tin cậy xuất hiện nhanh chóng sau đó cho thấy hàng chục người ủng hộ chính phủ đã bị thảm sát. Ở Kandahar vào cuối tháng 7, khi các chiến binh bắt đầu chiếm vùng ngoại ô thành phố, họ đã bắt cóc Nazar Mohammad, một diễn viên hài nổi tiếng, và sát hại anh ta. Các báo cáo từ Kandahar nói rằng các lính Taliban có vũ trang đã đi từng nhà để tìm kiếm những người làm việc cho các chính phủ phương Tây. Trong những tuần gần đây, hàng nghìn người tị nạn đã tập trung tại các công viên của Kabul. Hàng trăm người đã dồn vào các trung tâm xử lý thị thực, hy vọng giành được một chỗ trong các cuộc di tản vào phút chót do các cường quốc phương Tây tổ chức.

Nhánh chính trị của Taliban ở Doha tuyên bố rằng họ không còn là những nhà cầm quyền đẫm máu từng cai trị Afghanistan giai đoạn 1996 – 2001, khi những người bị cáo buộc là tội phạm bị hành quyết công khai tại sân vận động Kabul, bao gồm cả những phụ nữ bị ném đá đến chết vì tội ngoại tình. Ví dụ, các nhà đàm phán của họ đã nhấn mạnh rằng không có quy định nào trong đạo Hồi chống lại việc giáo dục phụ nữ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các tuyên bố từ Qatar và những gì đang được thực hiện bởi các chỉ huy Taliban ở Afghanistan là rất lớn. Ở Herat, nơi 60% sinh viên đại học là phụ nữ, họ được cho là đã được yêu cầu trở về nhà. Các nhân viên nữ đã được yêu cầu bàn giao công việc cho những người thân là nam giới. Một chỉ huy Taliban được BBC phỏng vấn đã nói rõ về vấn đề giáo dục trẻ em gái. “Không một bé gái nào đi học trong làng và huyện của chúng tôi… Các trường học như vậy không tồn tại, và chúng tôi cũng sẽ không cho phép điều đó.”

Ngay cả triển vọng tốt nhất có thể, theo đó ban lãnh đạo Taliban quyết định thể hiện rằng họ nghiêm túc trong việc cải cách, cũng có vẻ ảm đạm. Một điều rõ ràng là chính phủ Afghanistan mới chỉ đạt được tiến bộ khiêm tốn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Afghanistan bình thường, ngay cả ở các thành phố, nơi họ có nhiều quyền kiểm soát hơn so với vùng nông thôn. Tình trạng tham nhũng của nó ngày càng sâu rộng, và chắc chắn đây là một phần lý do khiến Taliban có thể chinh phục đất nước một cách nhanh chóng như vậy. Đoạn phim về những binh sĩ Taliban đi qua những nội thất sang trọng trong ngôi nhà bị chiếm của Abdul Rashid Dostum, một lãnh chúa và cựu phó tổng thống, người được cho là đã trốn sang Uzbekistan, thể hiện sự thối nát của nhà nước này. Tuy nhiên, được hỗ trợ bởi rất nhiều viện trợ, chính phủ đã có thể cung cấp giáo dục cho người dân, và rất ít người Afghanistan bị chết đói. Nay khi các đại sứ quán đóng cửa và người nước ngoài tháo chạy, các khoản viện trợ từng giúp duy trì nền kinh tế và giáo dục trẻ em, bao gồm cả các trẻ em gái, chắc chắn sẽ cạn kiệt. Một thảm họa nhân đạo có thể nhanh chóng xảy ra sau đó.

Sự sỉ nhục đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây khó có thể nặng nề hơn. Một khi quá trình sơ tán công dân của họ — và một số ít nhân viên người Afghanistan may mắn giành được chỗ — kết thúc, các chính phủ phương Tây sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rằng Taliban đang nắm quyền. Vào cuối những năm 1990, chính quyền Taliban chỉ được một số quốc gia công nhận, đáng kể nhất là Pakistan và Saudi Arabia. Hồi đó, Liên minh phương Bắc, một tập hợp các nhóm dân quân tập trung ở phía bắc Afghanistan, đã tổ chức chống lại Taliban. Lần này, Taliban đủ thông minh để quyết định chinh phục miền bắc trước. Hôm nay, các quan chức Taliban đã gặp gỡ các nhà ngoại giao từ một số cường quốc khác. Vào cuối tháng 7, một phái đoàn của Taliban đã gặp ngoại trưởng Trung Quốc. Đại sứ quán Nga đã tuyên bố rằng họ sẽ không sơ tán khỏi Kabul. Liên minh châu Âu đã hứa sẽ “cô lập” chính phủ mới nếu họ nắm quyền thông qua bạo lực, một điều dường như ngày càng khó tin hơn./.

Nghiên Cứu Quốc Tế

 

Láng giềng Afghanistan đa số ủng hộ Taliban: Thất bại của Mỹ không tránh khỏi

 

Quốc gia Afghanistan nằm ở vị trí chiến lược tại Trung Á.
Quốc gia Afghanistan nằm ở vị trí chiến lược tại Trung Á. © Wikipedia

Ngày 15/08/2021, quân Taliban tiến vào Kabul, thủ đô Afghanistan, sau chiến dịch tấn công chớp nhoáng chiếm hơn một nửa số thủ phủ các tỉnh chỉ trong vòng một tuần lễ. Nhiều tiếng nói chỉ trích việc chính quyền Kabul đầu hàng nhanh chóng, và đặc biệt là thất bại của nước Mỹ trong việc hậu thuẫn chính quyền dân cử chống lại phong trào Hồi giáo cực đoan.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và nhà quan sát cho rằng thất bại của Hoa Kỳ tại Afghanistan là điều không thể tránh khỏi do bối cảnh địa – chính trị bất lợi tại khu vực. Hầu hết các láng giềng của Afghanistan, ngoại trừ Ấn Độ, đều ủng hộ phe Taliban, ở các mức độ khác nhau. 

1/ Vì sao thất bại của Hoa Kỳ tại Afghanistan là không thể tránh khỏi ?

Đáng chú ý có bài phân tích của giáo sư Natasha Lindstaedt, Đại học Essex, Anh quốc, trên trang mạng The Conversation, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về cục diện địa – chính trị, dẫn đến thất bại không tránh khỏi của Hoa Kỳ. Bài viết nhan đề « Afghanistan : Thắng lợi của Taliban bất chấp hàng tỉ đô la của nước Mỹ » nhấn mạnh đến vị trí chiến lược của vùng đất Afghanistan tại khu vực Trung Á và Nam Á, với những xung đột nội bộ kéo dài nhiều thế kỷ, cùng các can thiệp thường xuyên của các thế lực bên ngoài trong suốt thế kỷ 20, từ Anh, Liên Xô, rồi tiếp đó là Nga, Mỹ, Iran, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và tất nhiên không thể không kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của Pakistan.

Afghanistan là một quốc gia đa sắc tộc, nơi không có một sắc tộc nào chiếm đa số áp đảo. Hai nhóm sắc tộc lớn nhất, là Pachtoun và Dari (tức ngôn ngữ cùng họ với tiếng Iran), chiếm lần lượt khoảng 40% và 25% dân số nước này. Trong suốt chiều dài lịch sử, nỗ lực độc lập của nhiều sắc tộc, trong đó có người Pachtoun, đều không thành công.

Theo nhà chính trị học Anh, các can thiệp sâu sắc của nhiều thế lực láng giềng khiến cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía phong trào Hồi giáo Taliban. Hầu hết các láng giềng của Afghanistan, « ngoại trừ Ấn Độ », đều ủng hộ phe Taliban ở các mức độ khác nhau.

Pakistan ủng hộ phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban, bởi một mặt họ lo ngại các phong trào ly khai của sắc tộc thiểu số Pachtoun, với 30 triệu dân (chiếm khoảng 15% dân số Pakistan), được người Pachtoun tại Afghanistan ủng hộ, mặt khác Islamabad muốn có thêm « quốc gia chư hầu », để đối trọng lại với Ấn Độ.

Pakistan đã góp phần quan trọng cho việc Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 1996. Thông qua vai trò của cơ quan tình báo quốc gia (ISI), chính quyền Pakistan đã tài trợ cho nhiều hoạt động của Taliban, tuyển mộ binh sĩ, cung cấp vũ khí, và hỗ trợ trong các chiến dịch quân sự. Người Pakistan thậm chí đôi khi còn chiến đấu trong hàng ngũ Taliban.

Chính quyền Hồi giáo Iran, cường quốc khu vực, vốn có quan hệ không dễ dàng với Taliban, bởi mâu thuẫn về ý thức hệ tôn giáo. Iran và Hoa Kỳ từng có các hợp tác để ngăn cản các đe dọa từ Taliban trong những năm 1990. Tuy nhiên, quan hệ Teheran và Washington xấu đi nghiêm trọng hai thập niên sau đó đã « trực tiếp » thay đổi thái độ của chính quyền Iran với Taliban. Iran dần dần thừa nhận Taliban, cùng lúc ủng hộ chính quyền Kabul và Taliban, và tìm cách lợi dụng các mâu thuẫn giữa hai thế lực này.

Quan hệ giữa Nga với Taliban cũng bất lợi cho Mỹ. Ngay từ những năm 1990, chính quyền Nga đã tìm cách củng cố khu vực biên giới phía nam, gần với Afghanistan, để ngăn ngừa các ảnh hưởng của Mỹ. Matxcơva thiết lập quan hệ với nhiều nhóm tại Afghanistan, kể cả với Taliban, bất chấp khả năng Taliban ủng hộ các nhóm khủng bố. Quan hệ Nga – Taliban cải thiện rõ rệt sau khi xuất hiện tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) vào năm 2015. Trong cuộc chiến chống Daech tại Afghanistan, Nga coi Taliban như đồng minh.

Trung Quốc cũng luôn có quan hệ hữu hảo với phong trào Hồi giáo này. Quan tâm chủ yếu của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng sang phía tây, để giành lợi thế về chiến lược với Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Chuyên gia Natasha Lindstaedt nhấn mạnh là, nếu như nhiều người lên án tổng thống Joe Biden rút quân, và không làm gì để ngăn cản lực lượng Taliban chiếm quyền, thì căn cứ trên cục diện tương quan lực lượng tại khu vực, rất ít có khả năng Hoa Kỳ có thể làm gì hơn để duy trì được ổn định tại khu vực.

2 / Hậu thuẫn của Pakistan với Taliban: Yếu tố quan trọng hàng đầu ?

Theo nhà chính trị học Anh Natasha Lindstaedt, Pakistan đã can dự vào Afghanistan « hơn bất cứ quốc gia láng giềng nào khác ». Afghanistan là một vùng đất có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với Pakistan. Quan hệ giữa Pakistan và nước láng giềng ngay từ đầu đã xung khắc. Pakistan tuyên bố độc lập năm 1947, Afghanistan là quốc gia duy nhất tại Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu không công nhận quốc gia này. Một trong các lý do chủ yếu là vấn đề biên giới : Kabul từ chối công nhận đường phân định Durand, dài 2.400 km. Đường ranh giới Durand vốn được phân chia vội vã vào năm 1893 (theo thỏa thuận giữa đại diện của đế quốc Anh với một thủ lĩnh tại Afghanistan), đã chia tách một cách võ đoán các khu vực định cư lâu đời của hàng triệu dân thuộc cùng sắc tộc Pachtoun, cùng ngôn ngữ.

Lo ngại sự trỗi dậy của các phong trào đòi độc lập của người Pachtoun, chính quyền Pakistan chủ trương hậu thuẫn sự trỗi dậy của « bản sắc Hồi giáo » tại quốc gia láng giềng, để làm đối trọng. Về vấn đề này, giáo sư Olivier Roy, Viện đại học châu Âu ở Florence (Ý), một chuyên gia về Afghanistan, trong một bài viết trên La Croix (« Các thế lực nào hậu thuẫn Taliban ? ») cho biết cụ thể là, sau bước ngoặt 2001 (khi Hoa Kỳ lật đổ chính quyền Taliban để trả đũa vụ tấn công 11/09) lực lượng Taliban đã có được chỗ trú ẩn an toàn trên lãnh thổ Pakistan.

3 / Quan hệ Trung Quốc với Taliban: Có ý nghĩa đáng kể trong thắng lợi của phe này ?

Theo phóng viên kỳ cựu Richard Arzt, kênh truyền hình Quốc Hội Pháp, làm việc lâu năm tại Trung Quốc, về mặt chính thức, cho đến những tuần trước khi Kabul thất thủ, chính quyền Bắc Kinh vẫn tuyên bố ủng hộ chính quyền hợp pháp tại Kabul, nhưng Trung Quốc cũng song song có các đối thoại cấp cao với Taliban. Bắc Kinh ủng hộ bất kể chính quyền nào tại Kabul vì hai mối quan tâm chính: bảo đảm các hoạt động thương mại và kinh tế tại cửa ngõ của con đường giao thương sang phía tây (Trung Quốc và Afghanistan có chung 75 km biên giới), và không để Afghanistan trở thành hậu phương cho các hoạt động của những người Duy Ngô Nhĩ chống đàn áp của Bắc Kinh tại khu tự trị Tân Cương miền viễn tây.

Mối quan hệ tay ba Taliban – Trung Quốc và Pakistan có ý nghĩa đặc biệt. Pakistan vừa là « đồng minh » từ lâu của Bắc Kinh, vừa là thế lực hậu thuẫn cho Taliban. Theo Richard Artz, Islamabad đã gây áp lực để Taliban duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, để bảo đảm rằng các chủ nhân tương lai ở Kaboul không can thiệp vào số phận của hơn 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại Tân Cương, mà giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc đang bị đàn áp khốc liệt.

Tuy nhiên, vẫn theo nhà báo Richard Artz, chính bản thân Taliban cũng đã có quan hệ lâu dài với Trung Quốc. Ngay từ những năm 1980, Bắc Kinh đã « ngầm thể hiện thiện cảm » với các lực lượng chống Liên Xô tại Afghanistan. Trong thời gian Taliban cầm quyền tại Afghanistan (1996-2001), Bắc Kinh cũng ủng hộ Taliban một cách kín đáo, đổi lại Taliban không can thiệp vào các cộng đồng người theo đạo Hồi tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã hoàn toàn nhắm mắt trước các đạo luật Hồi giáo khắc nghiệt, các xâm phạm nhân quyền của chính quyền Taliban. Trung Quốc tiếp tục hậu thuẫn các thủ lĩnh Taliban ẩn náu tại Pakistan, sau can thiệp của Mỹ năm 2001.

Giờ đây, với chiến thắng của Taliban, Bắc Kinh hy vọng sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống hai bên cùng có lợi khá lâu đời này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng chỉ ra rằng : chơi dao có ngày đứt tay. Nhà chính trị học Natasha Lindstaedt ghi nhận : Một vài tuần lễ trước khi sụp đổ, chính quyền dân cử Afghanistan liên tục cảnh báo các quốc gia láng giềng đừng nên « tin tưởng ngây thơ » là Taliban sẽ cải tổ, sẽ giúp cho Afghanistan được ổn định. Với sự thắng thế của Taliban, nhiều thông tin cho thấy, các xâm phạm nhân quyền đang trở nên trầm trọng, và lãnh thổ Afghanistan có nhiều nguy cơ trở thành căn cứ địa cho các băng nhóm khủng bố mới./.

 

Taliban “cướp” chính quyền : Do chính phủ Afghanistan tham nhũng để quân đội kiệt quệ

 

RFI

Sau 20 năm chiến tranh, quân Taliban đã kiểm soát trở lại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 15/08/2021.
Sau 20 năm chiến tranh, quân Taliban đã kiểm soát trở lại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 15/08/2021. – AFP

Từ lúc chiếm thủ phủ đầu tiên Zarani ở tây nam cho đến lúc tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/08/2021, lực lượng Taliban chỉ mất 10 ngày. Cộng đồng quốc tế, từ Mỹ đến Nga, đều bất ngờ trước đà tiến thần tốc của quân Taliban. Lính Afghanistan bỏ súng, vượt biên, trong khi nhiều lãnh đạo tỉnh đàm phán giữ mạng, để Taliban tiếp quản. Khoảng 70.000 quân nổi dậy đánh bại lực lượng có đến 300.000 người.

Tại sao quân đội Afghanistan lại thất bại ê chề như vậy ?

Tham nhũng có tổ chức  

Lý do chính đó là tệ nạn tham nhũng có tổ chức và phổ biến trong giới lãnh đạo. Bằng chứng mới nhất, theo phát ngôn viên Nikita Ishenko của đại sứ quán Nga tại Afghanistan hôm 16/08, là tổng thống Ghani bỏ trốn khỏi Kabul “với bốn xe ô tô chất đầy tiền. Họ cố gắng nhét số tiền vào trực thăng, nhưng không vừa, nên một số tiền đã bị bỏ lại trên đường băng”. Năm 2019, Afghanistan bị xếp thứ 173 trên 180 nước trong bảng xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế.

Cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn 2,26 nghìn tỉ đô la. Kể từ khi bắt đầu can thiệp vào Afghanistan, Washington đã chi 83 tỉ đô la để thành lập một quân đội kiểu Mỹ. Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan, gồm quân đội và cảnh sát, có đến 300.000 người. Nhưng thực tế, chỉ có 18.000 người thuộc biên chế của bộ Quốc Phòng Afghanistan vào tháng 07/2020, số còn lại là cảnh sát hoặc làm việc cho cơ quan an ninh. Theo phân tích của Trung tâm chống khủng bố thuộc Học Viện Quân sự Hoa Kỳ West Point, Afghanistan có 8.000 lính không quân và 96.000 lính bộ binh.

Tại sao lại có con số quá chênh lệch này ? Trả lời France 24 ngày 16/08, ông Frédéric Grare, nhà nghiên cứu ở Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu, cho biết : “Nói dối về quân số cho phép (chính quyền Kabul) nhận được tài trợ từ phía Mỹ nhiều hơn mức thực tế”. Còn theo một nhà ngoai giao phương Tây tại Kabul, được Le Monde trích dẫn, “có lẽ có 46 tiểu đoàn ma, mỗi tiểu đoàn có 800 người”. Tình trạng “nhiều lãnh đạo (Afghanistan) hiện nay đều tham nhũng và/hoặc bất tài” đã được nêu trong báo cáo Quốc Hội Mỹ năm 2017.

Quân đội không thiện chiến 

Quân nhân thì thất vọng vì “giới lãnh đạo không quan tâm đến nghỉ phép, thăng chức, tăng lương” nên giải ngũ. Điều này giải thích cho việc quân đội Afghanistan không có lực lượng ổn định, tinh nhuệ, do thường xuyên phải huấn luyện tân binh. Ví dụ vào năm 2020, số tân binh chiếm đến 25% lực lượng, theo báo cáo của SIGAR Mỹ. Nhưng tân binh cũng thiếu nhiệt huyết do thường xuyên phải “triển khai dài ngày, có thể phải tham chiến gần như thường trực và điều kiện sống khó khăn” và bị điều động ngoài vùng họ sinh sống.

Khi Washington thông báo rút hết quân, Lầu Năm Góc chuyển tiền cho chính phủ Kabul trả lương cho quân đội, thay vì trả trực tiếp như vẫn làm trước đó. Nhưng nhiều quân nhân Afghanistan khẳng định không nhận được lương trong nhiều tháng. Mất hỗ trợ bằng đường hàng không của Mỹ, nhiều tuyến hậu cần phải ngừng, vì chính quyền Afghanistan không có phương tiện. Kết quả là quân nhân trên chiến tuyến không được chi viện lương thực và đạn dược, nên dễ dàng buông súng khi quân Taliban đến và trốn ra nước ngoài.  

Hoa Kỳ muốn đầu tư trang thiết bị tối tân cho quân đội Afghanistan, nhưng trình độ quân nhân lại có hạn, cơ sở hạ tầng yếu kém, chỉ có khoảng 30% người dân có điện cả ngày. Khi Mỹ bất ngờ đẩy nhanh rút quân, chính quyền Kabul không còn trông cậy được vào lực lượng không quân Mỹ, để cho lực lượng nổi dậy thoải mái di chuyển.

Ngoài việc thiếu lực lượng có khả năng tác chiến, quân đội Afghanistan còn không có người có tầm lãnh đạo. Quyền chỉ huy nằm trong tay những quan chức dân sự ở phủ tổng thống thiếu kinh nghiệm chiến trường và những vị tướng già lo “đấu đá chính trị” nhiều hơn là vạch kế hoạch đối phó Taliban.

Tất cả những điểm nêu trên đều có lỗi của Hoa Kỳ. Washington biết những điểm yếu đó, nhưng vẫn làm ngơ, thậm chí chấp nhận “giấu” những thất bại của quân đội Afghanistan theo yêu cầu của chính quyền Kabul. Sai lầm mới nhất của Mỹ chính là đã đánh giá thấp khả năng của Taliban “không thể thắng trận”, để lực lượng nổi dậy tiến vào Kabul không cần một phát súng và sớm hơn so với tính toán của Washington. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cảnh tháo chạy hỗn loạn từ ngày 15/08/2021./.

 

Báo Á châu

 

Afghanistan: Cắt bỏ thủ tục nghịch lý

Asia Sentinel

11-8-2021

Tác giả: David Brown

Người dịch: Song Phan

Tiếng Dân

Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ lâu năm, là người đã chứng kiến ​​sự sụp đổ của Sài Gòn, nhìn về Afghanistan hiện nay.

Vào đầu tháng 4 cách đây 46 năm, các sư đoàn quân đội Bắc Việt đã tràn qua hầu hết miền Nam Việt Nam. Họ đã nhanh chóng tiến sát tới Sài Gòn. Quốc hội Hoa Kỳ không chấp nhận bỏ phiếu viện trợ thêm, thậm chí không yểm trợ không lực. Nhà tôi và tôi biết điều mà cha cô ấy không muốn tin: Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, sẽ sớm rơi vào tay Cộng sản.

Nhiều ngàn người Việt Nam đang trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Họ đã từng làm việc với quân đội Mỹ hoặc đã trợ giúp cho các nhân viên người Mỹ làm cứu trợ, phóng viên, giáo viên và huấn luyện viên thực hiện công việc một cách hiệu quả. Bây giờ, về mặt chiến lược và chiến thuật, chế độ Sài Gòn đang tuyệt vọng. Những người bạn Việt Nam thân thiết nhất của Hoa Kỳ, những người đã tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, họ có thể xây dựng một nước hiện đại và tự do, của Việt Nam, đã bị mắc kẹt trong mớ bòng bong các thủ tục xin thị thực nhập cư.

Lịch sử đang lặp lại ở Afghanistan. Từ Kabul, phóng viên Jane Ferguson đã cho biết ngày 30 tháng 7, rằng “Hệ thống xét đơn xin thị thực của Mỹ cho người Afghanistan vẫn còn giữ nguyên vẹn bài bản và tốn thời gian… Hơn 20.000 người nộp đơn, một nửa trong số họ chưa hoàn thành giai đoạn đầu của quy trình… Cuộc rút quân của Biden ngày càng có vẻ kém kế hoạch, vội vã và hỗn loạn“.

Vào ngày 1 tháng 8 đã xuất hiện một tia hy vọng: Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng tiêu chuẩn thị thực nhập cảnh bao gồm thêm nhiều tầng lớp người Afghanistan. Nhưng Nhà Trắng cũng sẽ cắt bỏ các thủ tục rườm rà. Họ sẽ cho phép các nhân viên toà đại sứ cấp giấy thông hành khẩn cấp. Họ có chỉ thị cho Lầu Năm Góc không vận những người tị nạn này ra khỏi tình trạng nguy hiểm không?

Mạng sống của những người bạn Afghanistan thân thiết của Mỹ có thể được cứu vớt nếu Washington hành động mạnh trong khi vẫn còn thời gian – như đã từng làm trước đây.

Tại Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, chắc chắn không khác ở Kabul bây giờ, các sĩ quan cao cấp của Phái bộ Hoa Kỳ vẫn công khai lạc quan. Lúc đó họ sợ, những bước đi sai lầm sẽ làm mất đi hy vọng ít ỏi còn sót lại, rằng chế độ miền Nam Việt Nam có thể thương lượng một hiệp định đình chiến.

Gần như tất cả những công chức Mỹ và những người phụ thuộc của họ đã được di tản. Chỉ một số ít còn lại, tất cả đều tự nguyện. Với một cái nháy mắt và cái gật đầu từ Washington, họ đã được phép cắt bỏ nhưng thủ tục phiền toái của hệ thống nhập cư Mỹ.

Tôi không biết lệnh gì đã được gửi sau cuộc tham vấn giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng trong những tuần cuối cùng trước khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt, những ứng biến về thủ tục của các nhân viên Phái bộ Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người Việt Nam di tản; những người mà theo trách nhiệm làm việc của họ, được coi là đang gặp nguy hiểm.

Tin tức về điều này đến với tôi ở Tokyo qua tin hành lang trong Bộ Ngoại giao. Vào ngày 23 tháng 4, tôi đã mua vé máy bay một chiều. Ngay sau khi tôi đang ở trên không, một đồng nghiệp ở Tokyo đã báo với đại sứ rằng – trái với chỉ thị rõ ràng từ Washington – tôi đang trên đường bay đến Sài Gòn. Anh ấy đã trao thư cáo lỗi của tôi.

Sáng hôm sau, tôi tìm đường đến một ‘ngôi nhà an toàn’ – nơi một số viên chức Mỹ đang hoạt động “chuyển lậu người”. Đều là người tình nguyện, họ đang làm hết công suất. Đã bỏ nhiều ngày giờ trong vài tuần, rồi tra cứu danh sách những người Việt Nam được cho là đang gặp nguy hiểm. Hoặc là ‘hướng dẫn’ của Washington đã cực kỳ co giãn, hoặc các anh em viên chức toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã quyết định theo cách phóng khoáng. Những quy tắc phức tạp đã biến mất.

Tôi giải thích mục đích của mình. Ai đó đã tìm thấy tên của cha mẹ vợ tôi và tám anh chị em trong một danh sách. Tôi có thể xin giấy tờ thêm không, tôi hỏi, cho hai con và dâu rể của chị vợ tôi? Trong một vài phút, điều đó đã được thực hiện ngay. Tôi được cấp một xấp giấy tờ mang tên và số căn cước những người thân của vợ tôi đã được đóng dấu.

Mặt trời đang lặn khi một chiếc xe 12 chỗ của toà đại sứ với kính sậm đã chạy qua một số điểm hẹn để đưa người phía bên vợ tôi và tôi đến một khu nhà cố vấn quân sự Mỹ ở sân bay. Chúng tôi nằm chờ ở đó: Marcos, là Tổng thống Philippines lúc đó, đã cấm đưa thêm người tị nạn Việt Nam đến hai căn cứ lớn của Hoa Kỳ ở nước này. Việc không vận đã bị tạm dừng cho đến khi thu xếp được các chỗ tạm trú an toàn khác.

Đến giờ ăn tối ngày hôm sau, ngày 25 tháng 4, những hàng người đang chờ bắt đầu di chuyển trở lại. Đến 10 giờ tối, người phía bên vợ tôi và tôi cùng khoảng 250 người tị nạn khác đã ngồi xếp bằng, nắm chặt những sợi dây căng trên khoang hàng của một chiếc máy bay C-141. Không ai trò chuyện, không một đứa trẻ nào khóc lóc khi máy bay của Không quân Mỹ lao ra đường băng, rồ ga bốn động cơ phản lực và cất cánh theo hướng bay lên dốc nhất. Sáu giờ sau, chúng tôi đã an toàn trên đảo Guam.

Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4. Trong trại ở Orote Point, một nỗi buồn lớn lao xâm chiếm, mỗi người tị nạn đều có những tâm sự riêng vây quanh. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng tôi đã kết thúc tốt đẹp. Tái định cư ở California, những người bà con bên vợ tôi nhận làm những công việc mọn, học tiếng Anh và gia nhập vào tầng lớp trung lưu Mỹ. Tôi không bị Bộ Ngoại giao sa thải. Trên thực tế, lúc tôi trở lại công việc của tôi ở đại sứ quán ở Tokyo tôi đã được hoan nghênh với chút khích lệ.

Hơn 50.000 người tị nạn đã thoát khỏi Sài Gòn qua cuộc không vận mà tôi đã mô tả. Trong những năm sau đó, hàng trăm ngàn người khác tìm cách rời khỏi Việt Nam bằng đường biển. Tính đến năm 1983, khoảng 600.000 người Việt Nam đã được nhận vào Mỹ trong tư cách người tị nạn. Nhiều người khác đã được định cư ở Úc, Canada và các nước khác.

Rất ít trong những người Việt Nam đó muốn rời bỏ quê hương. Họ đã chấp nhận nguy hiểm lớn. Hai thế hệ sau, họ và con cái của họ là một tài sản đặc sắc của Hoa Kỳ.

Nếu nước Mỹ cho phép những người Afghanistan là bạn thật của người Mỹ thoát khỏi phe Taliban, thì cùng lắm họ cũng sẽ chỉ là gánh nặng nhất thời, giống như những người tị nạn từ ‘cuộc chiến không dứt’ đầu tiên của chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay họ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trừ khi, như đã xảy ra cách đây 46 năm, có lệnh cho phép cắt bỏ cách cung cấp visa quá phức tạp và khó thực hiện.

Nếu điều đó xảy ra, chi tiết làm thế nào không thành vấn đề. Tôi chỉ muốn biết rằng một cuộc không vận từ Kabul đang hoạt động ở mức tối đa./.

 

Điều xảy ra ở Kabul không chỉ giới hạn ở Kabul

+ Ở Đông Nam Á, đồ rằng Trung Quốc sẽ tăng cường áp lực đối với Đài Loan – và có thể cả việc chiếm lãnh thổ của Malaysia và gia tăng bắt nạt Philippines, trong khi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một đứa trẻ Afghanistan cùng những người lớn tuổi chờ rời sân bay Kabul vào ngày 16 tháng 8 năm 2021, sau khi Afghanistan kết thúc nhanh chóng cuộc chiến kéo dài 20 năm. Ảnh: AFP / Wakil Kohsar

Khi nước Mỹ tỏ ra yếu ớt, bối rối, mất tập trung và với vấn đề do chính nó tự gây ra cho mình thì chỉ xảy ra những điều tồi tệ

ASIA TIMES by GRANT NEWSHAM – AUGUST 18, 2021

(Grant Newsham là thành viên nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo, với hơn 20 năm kinh nghiệm ở Nhật và các nơi khác của châu Á, với tư cách là nhà ngoại giao, điều hành kinh doanh và sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.)  

Ba Sàm lược dịch

VNC hiệu đính

 

George Orwell đã viết rằng “cách nhanh nhất để kết thúc một cuộc chiến là chịu thua trận.” Chính quyền Biden đã thử áp dụng ý tưởng đó ở Afghanistan.

Nhưng đây là vấn đề: Thua trận hiếm khi có nghĩa là bạn bỏ lại được sự khó chịu ở sau lưng và chuyển sang những thứ bạn muốn giải quyết hơn. Thay vào đó, để bị thua trong một cuộc chiến và bạn có thể gặp phải những vấn đề khác, lớn hơn và có thể là những cuộc chiến khác nữa.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào Afghanistan và sự sụp đổ bất ngờ của chính phủ và các lực lượng của nó – và sự tháo chạy cuống cuồng của người Mỹ. Những màn tố cáo và đổ lỗi cho nhau đã bắt đầu và sẽ tiếp tục. Nhưng thứ đáng làm lúc này là xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và không chỉ ở Afghanistan. Các hiệu ứng gợn sóng lan truyền từ sự kiện này sẽ xảy ra trên toàn thế giới và đáng lo ngại.

Chúng ta đã thấy điều này trước đây. Khi nước Mỹ tỏ ra yếu ớt, bối rối, mất tập trung và với vấn đề do chính nó tự gây ra cho mình thì chỉ xảy ra những điều tồi tệ.

Những cuộc chiến không thực sự kết thúc

Hãy xem xét một số điều đã xảy ra sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt vào năm 1975 – trong khi Hoa Kỳ đứng ngoảnh mặt nhìn xa giữa lúc hàng chục nghìn người bị hành quyết, hàng trăm nghìn người bị tống vào các trại tù và cuộc di cư của ‘thuyền nhân’ dẫn đến đau khổ lớn lao và chết chóc.

Cú đánh vào uy tín và độ tin cậy của Mỹ là một điều đáng tiếc và nó khuyến khích kẻ thù của Mỹ – do Liên Xô dẫn đầu, nhưng cũng mở rộng ra các nhóm khủng bố khác nhau – khuấy động trên một số mặt trận:

+ Matxcơva tăng cường viện trợ cho quân nổi dậy cộng sản do Liên Xô hậu thuẫn ở Trung Mỹ và Mỹ Latinh. Cuối cùng, họ tiếp quản Nicaragua trong khi gia tăng bạo lực và bất ổn ở El Salvador, Colombia, Peru và những nơi khác.

+ Liên Xô đã thiết lập sự hiện diện quân sự ở vùng Sừng châu Phi và giúp củng cố sự tiếp quản của chủ nghĩa Marx trước đó ở Ethiopia, cùng với tình trạng tàn sát hàng loạt.

+ Khmer Đỏ theo chủ nghĩa Marx đã hoành hành ở Campuchia và tàn sát một phần ba dân số để tạo tiền đề cho một điều không tưởng theo chủ nghĩa Marx.

+ Người Cuba, khách hàng của Liên Xô, đã phái một lực lượng đặc nhiệm quân sự đến Angola vào mùa hè năm 1975.  Và khi chính phủ Mỹ – vẫn chưa lành vết thương từ sự sụp đổ ở Việt Nam – từ chối can thiệp theo bất kỳ biện pháp nghiêm túc nào, người Cuba đã thiết lập một chế độ thân Liên Xô, theo chủ nghĩa Marx ở đó. Đây là một mảnh trong tấm hình ghép nối dẫn đến 40 năm chế độ Robert Mugabe ở Zimbabwe, và làm mất đi bất kỳ cơ hội nào của Nam Phi cho việc phát triển đất nước theo cách nhân đạo hơn.

+ Năm 1979, Liên Xô tiến vào Afghanistan – sau một âm mưu đảo chính của những người Mác-xít vào năm 1978. Và đất nước này đã bị tàn phá kể từ đó.

+ Tuyên truyền và chiến tranh chính trị của Liên Xô – được hỗ trợ bởi những người có cảm tình với họ ở các nước phương Tây và các nơi khác – có được một động lực lớn từ thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Đây là một vấn đề nghiêm trọng nổi lên trong những năm 1980. Tuyên truyền này thậm chí còn đe dọa NATO thông qua các chiến dịch gây hấn, như chiến dịch phản đối việc triển khai Tên lửa Pershing tới châu Âu, và tuyên truyền cho rằng “bom neutron” là “bom tư bản” – chỉ phá hủy con người chứ không phải các tòa nhà.

Nhớ lại những lời kích động theo sau bộ phim truyền hình The Day After hoặc “các cuộc biểu tình vì hòa bình” ở Greenham Common. Ngay cả Jimmy Carter cũng nghĩ giải trừ vũ khí hạt nhân là ưu tiên hàng đầu – sau khi cô con gái 13 tuổi của ông, Amy, đã nói với ông như vậy.

+ Việt Nam tạo nên động lực cổ vũ thêm cho các nhóm khủng bố chống phương Tây khác – chẳng hạn như băng đảng Baader-Meinhof ở Đức và Lữ đoàn Đỏ của Ý – được KGB, Đông Đức và các cơ quan tình báo Liên Xô khác hậu thuẫn.

+ Năm 1979, Shah của Iran bị lật đổ và một chế độ Hồi giáo tàn bạo được thiết lập. Trung Đông chưa bao giờ yên bình, nhưng Iran theo đạo Hồi đã gây ra nhiều rắc rối trong 40 năm qua. Mặc ai muốn nói gì về Shah, ông ta là một con mèo nhỏ so với Ayatollah và các mullah và không gây rắc rối cũng như không cổ vũ cho chủ nghĩa khủng bố trong khu vực và xa hơn nữa.Trung Đông chưa bao giờ yên bình, nhưng Iran theo đạo Hồi quá khích đã gây ra nhiều rắc rối trong 40 năm qua.

+ Trung Quốc đã hành động mau lẹ chớp lấy những vùng lãnh thổ ở Biển Đông, khi Nam Việt Nam đang sụp đổ và sau đó không được Hoa Kỳ ủng hộ, kế đến là chiếm các đảo nhỏ trong vùng biển của Philippines.

Hai tàu Trung Quốc neo đậu tại Rạn san hô Whitsun, cách đảo Palawan trên Biển Đông khoảng 320 km về phía tây, một khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền. Ảnh: AFP / National Task Force-West Philippine Sea

Ngoại trưởng Antony Blinken nói về sự thất thủ của Kabul, rằng “đây không phải là Sài Gòn.” Nhưng dường như ông đã có một Sài Gòn khác trong tâm trí. Rất ít người đồng ý với ông ấy.

Điều gì sẽ xảy ra với Kabul đã thất thủ?

Tất nhiên, nó sẽ đủ tệ hại ở Afghanistan. Hoa Kỳ gần đây đã treo một lá cờ cầu vồng ngũ sắc (lá cờ biểu trưng cho giới đồng tính LGBT) tại tòa đại sứ ở Kabul, để chứng tỏ ngay trên phố phường về tư tưởng cấp tiến của mình. Bây giờ thì nó sẽ là lá cờ của Taliban.

Cờ của Taliban cũng sẽ bay phấp phới trên các sân vận động bóng đá, nơi mà trước đây người ta bắt buộc phải tham dự để xem ném đá (tử hình).

Nhưng nó sẽ không dừng lại ở đó. Lần này, chủ yếu sẽ là từ Bắc Kinh, chứ không phải là Moscow, sẽ châm ngòi và truyền bá ngọn lửa được thiết kế để đốt cháy các nền dân chủ và mở rộng quyền bá chủ của nó. Một số kết quả có thể xảy ra:

+ Chúng ta có thể đoán trước được rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu nói với các nhà lãnh đạo và các đối tác liên quan trên toàn cầu rằng, Mỹ thiếu ý chí – hoặc thậm chí là khả năng – để thách thức Bắc Kinh, ngoài lối biểu cảm nhíu mày rồi nói “quan ngại nghiêm trọng”. Chiến tranh chính trị đang được tăng cường của ĐCSTQ trên toàn thế giới có thể sẽ bao gồm việc thổi phồng lên rằng người Mỹ không đáng tin cậy – và thậm chí không thể đánh bại 75.000 quân Taliban, vậy làm sao họ có thể chống chọi với gần 3 triệu quân nhân Trung Quốc được huấn luyện và có vũ trang.

+ Ở Đông Nam Á, đồ rằng Trung Quốc sẽ tăng cường áp lực đối với Đài Loan – và có thể cả việc chiếm lãnh thổ của Malaysia và gia tăng bắt nạt Philippines, trong khi cả gan không sợ thách thức người Mỹ dám làm điều gì đó và đạt được thêm khí thế mỗi khi họ không.

+ ASEAN đang dao động – chỉ cần lắng nghe Thủ tướng Singapore nói đủ thứ, ngoại trừ điều ông cho rằng tương lai thuộc về Trung Quốc. Và đó là trước khi Kabul thất thủ.

+ Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) có thể sẽ tiến hành và hoàn thành căn cứ hải quân mà lực lượng này đang xây dựng ở Campuchia (nhưng họ phủ nhận chuyện này).

+ Nhật Bản sẽ cảm nhận được sức nóng ở Biển Hoa Đông. Đoán đợi khởi đầu sẽ là một chiến thuật hung hăn xung quanh Quần đảo Senkaku. PLAN sẽ vây lấn và cảnh cáo người Nhật. Và có thể sẽ có “những khoản phí hành chính ” đối với tàu bè Nhật Bản khi quá cảnh Biển Đông.

+ Hãy trông đợi CHND Trung Hoa sẽ thách thức trực tiếp các lực lượng Hoa Kỳ ở Biển Đông và các khu vực lân cận. Cho đến nay, người Trung Quốc chỉ lấp lửng và phàn nàn về sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ. Dự phóng sẽ có hành động quấy phá cản trở và ra tối hậu thư.

+ Đừng ngạc nhiên khi thấy các căn cứ của Trung Quốc được thiết lập ở Trung và Nam Mỹ.

+ Ở châu Phi, Trung Quốc sẽ dốc toàn lực và cuối cùng cắt giảm một số thỏa thuận xây dựng tại các cảng Bờ Tây và Bờ Đông.

+ Ở Nam Thái Bình Dương, chiến tranh chính trị sẽ bùng phát mạnh mẽ và PLAN sẽ có mặt ở nhiều nơi hơn, thường xuyên hơn và với số lượng lớn hơn – và có lẽ đảm bảo an toàn cho những cảng mà họ đã cố gắng rất nhiều để có được.

+ Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục tăng tốc  xây dựng vũ khí hạt nhân – như đã thấy với các công trình hầm chứa tên lửa – nhằm vượt mặt và đe dọa người Mỹ cũng như tất cả các đối thủ trong khu vực.

+ Sẽ có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với Venezuela và Cuba, và những kẻ buôn lậu ma túy, khi chúng gây bất ổn cho các nước láng giềng.

+ Bắc Kinh sẽ đưa các phương thức ủy nhiệm vào hoạt động: khuyến khích Pakistan cố gắng làm suy yếu Ấn Độ (bao gồm cả việc tái bố trí lực lượng khủng bố không còn “cần thiết” ở Afghanistan); có thể khuyến khích người Argentina để có động thái tấn công tiếp người Anh qua vấn đề quần đảo tranh chấp Falklands; đưa ra nhiều hỗ trợ công khai hơn cho Triều Tiên, và – ai biết được? – có thể có một gợi ý để Bình Nhưỡng gây ra một số rắc rối cho người Hàn Quốc, người Nhật Bản hoặc thậm chí người Mỹ.

+ Có thể CHND Trung Hoa sẽ tăng cường tấn công vào đồng đô la Mỹ để thay thế vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới và do đó loại bỏ đòn bẩy mạnh mẽ nhất còn lại của Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc – cũng như rút ruột nền kinh tế Mỹ và khả năng tài trợ cho quân đội Mỹ.

Những quốc gia khác sẽ sử dụng chỗ trống để làm lợi cho họ – và cả bất lợi cho Hoa Kỳ.

Người Nga sẽ tăng cường áp lực lên các nước Baltics và Ukraine, đồng thời hăm dọa các nước châu Âu. Và họ sẽ hợp tác với người Trung Quốc, và ngược lại, để giữ chân người Mỹ.

Iran? Nó sẽ gây ra rắc rối ở Trung Đông vốn là khu vực từng thoát khỏi sự kiềm chế của nước này dưới thời Trump.

Và mong đợi sẽ được nghe nhiều điều hơn nữa từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông và hơn thế nữa. Sự sụp đổ của Kabul là một động lực lớn cho các chiến binh thánh chiến trên toàn thế giới – vượt qua cả việc Donald Trump tiêu diệt ISIS.

Đối với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ, liệu nước nào ở bất cứ đâu sẽ tin vào những lời hứa của Hoa Kỳ? Thay vào đó, trong trường hợp của Nhật Bản và có thể là Hàn Quốc và Đài Loan, họ sẽ phủi sạch bụi các bản thiết kế vũ khí hạt nhân (ý nói ba nước này sẽ trở lại kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân – ND). Ở những nơi khác, đặc biệt là những nước gần Trung Quốc, các chính phủ sẽ tìm cách tránh khiêu khích Trung Quốc và thậm chí ngả theo Bắc Kinh.

Chính quyền cánh tả ở Hàn Quốc sẽ kín đáo hài lòng, rằng mọi chuyện đã đúng về người Mỹ – nhưng cũng trở nên khó đối phó hơn. Tổng thống Moon Jae-in từng nói ông rất “phấn khích” khi nghe tin Mỹ thua ở Việt Nam. Bây giờ chắc hẳn ông ấy cũng vui mừng không kém.

Không ai biết chính xác điều gì sắp xảy ra, dù rằng có điều gì đó đang diễn ra. Những kẻ thù của nước Mỹ và thế giới tự do ngửi thấy mùi máu – hoặc cảm nhận được sự yếu kém – và sẽ thúc ép.

Phản ứng của Mỹ?

Người ta hy vọng nước Mỹ đã sẵn sàng. Nhưng chính quyền Biden đã không cho thấy có nhiều nghị lực và khả năng. Và người Trung Quốc đang hành động như thể họ cảm thấy họ không hề bị đe dọa một chút nào.

Họ tuyên bố rằng họ đã dễ dàng hạ gục (mop the floor) Trợ lý Ngoại trưởng Wendy Sherman và quở mắng (lambaste) Antony Blinken và Jake Sullivan (và Kurt Campbell) ở Alaska. Giờ thì nó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn thôi.

Đặc biệt, một điểm khác biệt lớn so với thời hậu Việt Nam, là giới tài chính và kinh doanh Mỹ sẽ tài trợ cho các hoạt động ở nước ngoài và xây dựng quân đội của CHND Trung Hoa. Trước đây họ không bao giờ làm điều đó cho người Nga.

Vì vậy, liệu giai cấp thống trị trong quân đội Hoa Kỳ có đảm bảo đối phó được tình hình hiện tại hay không?

 

Tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm của Thủy quân lục chiến Mỹ, gặp Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ Peter Vasely, Tư lệnh Lực lượng Afghanistan-Forward của Mỹ, tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Afghanistan vào ngày 17 tháng 8. Ảnh: AFP / Đại úy Hải quân Mỹ William Tin tức Urban / EyePress

Hoa Kỳ vừa mất hai lực lượng dự phòng lớn cuối cùng trong khu vực – mặc dù có sức mạnh không quân áp đảo, nhiều binh lính xuất sắc và sự hỗ trợ không giới hạn từ công chúng và ngân khố.

Và họ được cả một thế hệ sĩ quan lãnh đạo, những người đã thiết kế các chiến dịch hợp đồng tác chiến mà không bị kiềm chế bởi sự can thiệp của dân thường (họ không thể “đâm sau lưng” bằng những lời đổ lỗi vô nghĩa), và sau đó trang trí cho mình bằng các giải thưởng chiến dịch và cuống huân chương.

Và điều này, mặc dù đã đánh mất chiến dịch ủng hộ trái tim và khối óc ở Afghanistan vào tay một lực lượng không chính quy với quan điểm nhân quyền từ thế kỷ 12, không có niềm tin vào chính phủ dân chủ và được hỗ trợ với một bến cảng an toàn và chỉ có kinh phí tối thiểu do dịch vụ tình báo của một chính phủ thuộc thế giới thứ ba cung cấp.

Đáng buồn thay, điển hình của những chỉ huy như vậy là một tướng ba sao đã phục vụ hai chuyến công du ở Afghanistan và sau đó làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Kabul, người từng khoe rằng mình được biết tới là “cha đẻ của quân đội Afghanistan”. Có thật không.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân hiện nay, Tướng Milley, tỏ ra quan tâm nhiều đến việc hiểu “Cơn thịnh nộ da Trắng” hơn là việc đánh bại kẻ thù của Mỹ.

Đối với hải quân, ngày nay Nimitz (cựu Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương), Burke (Tư lệnh hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi), Spruance (một đô đốc hải quân Hoa Kỳ, từ Thế chiến 2) và Halsey (đô đốc Hoa Kỳ) là ai? Nếu họ tồn tại, chắc họ được giấu kỹ. Bộ trưởng Hải quân mới cho biết bốn ưu tiên hàng đầu của ông là: Trung Quốc, khí hậu, văn hóa và Covid. Ông ấy đã đúng ở ưu tiên thứ nhất, nhưng ba lĩnh vực còn lại không liên quan gì đến việc đánh bại Trung Quốc hay bất kỳ ai khác.

Và đó là những người sẽ đối đầu với kẻ thù của nước Mỹ, những người luôn tràn đầy tự tin và động lực?

Tuy nhiên, Trung Quốc, Nga và các đối thủ khác có thể tính đến chuyện nếu họ chờ đợi thêm một thời gian thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn, khi Chính quyền Biden phá dỡ hết – dù cố ý hay cách khác – các biện pháp phòng thủ của Mỹ, làm suy yếu tiền tệ và khiến người Mỹ chống lại người Mỹ.

Đây là những thời điểm nguy hiểm, và tốt hơn là nước Mỹ nên thức tỉnh nhanh chóng. Chúng ta sẽ trả giá cho những gì đã xảy ra ở Afghanistan.

Chúng ta đã thấy điều này từ trước đây rồi.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen