16-8-2021
Tại sao một nhà nước cảnh sát hùng mạnh như CHDC Đức, thừa sức xây 1.400 km biên giới bất khả xâm nhập từ 1949 mà không khóa nổi mấy chục cây số đường biên Đông-Tây-Berlin suốt bao nhiêu năm, khiến 3 triệu người di tản qua đó?
Vấn đề nằm ở quy chế đặc biệt của thành phố Berlin trong các thỏa thuận ở Yalta và Potsdam. Ở đó việc chia tư nước Đức và thành phố Berlin là những điều khoản khác nhau, khiến Berlin trở thành một lãnh thổ đặc biệt.
Chỉ riêng việc Liên Xô huy động 2 triệu rưởi quân, 7.500 máy bay và 6.000 xe tăng, tổn thất 80.000 người để chiếm trọn Berlin rồi sau đó nhường 3/4 thành phố cho Mỹ, Anh, Pháp đã nói lên tầm quan trọng của Berlin trong cục diện chính trị lúc đó.
Khác với nước Đức, Berlin được coi là “Thành phố tự do”, cai quản bởi “Hội đồng quân quản đồng minh”. Hội đồng này do tư lệnh quân đồn trú Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô thay nhau điều khiển. Sau 1948, Liên Xô đơn phương rút ra khỏi hội đồng này thì ba ông kia họp vẫn phải để cái ghế trống có cờ búa liềm bên cạnh. [1] Bên cạnh đó còn có Ủy ban quốc tế giám sát bao gồm 16 nước đồng minh (Military missions MM). Do đó mọi quyết định đơn phương của từng bên về Berlin luôn gặp rắc rối.
Mặc dù Đạo luật cơ bản 1949 của CHLB Đức coi Tây Berlin là một bang của mình, nhưng Liên Xô, CHDC Đức cùng hai thành viên của MM là Ba-Lan và Tiệp Khắc cực lực phản đối. Vì vậy nhiều đạo luật của CHLB Đức không có giá trị ở Tây Berlin, ví dụ như nghĩa vụ quân sự. Thanh niên Tây Đức trốn lính hay sang Tây Berlin sống. Máy bay dân sự của Tây Đức không được bay qua lãnh thổ Đông Đức để sang Tây Berlin, mọi đường bay Tây Đức-Tây Berlin đều do đồng minh đảm nhiệm.
Chính quyền Đông Đức một mặt coi Đông-Berlin là thủ đô của mình, mặt khác không chấp nhận Tây Berlin như một bang của CHLB Đức, mà chỉ là “Thành phố tự do”. Thái độ mâu thuẫn này gây khó khăn cho chính họ: Không có lý gì để xây biên giới với một thành phố tự do. Chủ tịch CHDC Đức Walter Ulbricht vì vậy mà phải tuyên bố: Không ai có ý định xây tường!
Nhưng trở ngại chính của việc xây tường đến từ lãnh tụ Liên Xô Nikita Kruschev. Ông chủ trương xây dựng một CNXH nhân đạo và phồn vinh, chủ trương giải quyết câu hỏi “Ai Thắng Ai” bằng tính ưu việt của CNXH. Dưới thời ông, Liên Xô đã có những thắng lợi quan trọng trong chạy đua vũ trang và vũ trụ với Mỹ, văn học, nghệ thuật được cởi trói, đời sống nhân dân nâng cao [2]. Vì vậy Krushev không cho phép Ulbricht xây tường Berlin mà đòi hỏi thành công trong kinh tế để chặn dòng người ra đi. Đối với Krutshev, bức tường sẽ phá tan giấc mơ XHCN tươi đẹp.
Krutshev có chính sách riêng cho Berlin. Tuy mềm mỏng hơn người tiền nhiệm, nhưng ông cũng sử dụng lý lẽ cứng của Stalin ngày trước “Tớ đã tốn nhiều máu để giải phóng Berlin, sau cho các cậu “mượn” quyền quân quản 3 vùng để giữ hòa hiếu. Nay chế độ quân quản đã hết (từ 1948), tớ muốn bàn lại“.
Một mặt, ông dùng vũ lực đe dọa phương Tây, mặt khác đưa ra sáng kiến “Hiệp định hòa bình” mà bốn nước thắng trận sẽ ký với hai nước Đức, công nhận chủ quyền lãnh thổ của hai nước. Khi đó quyền kiểm soát các ngõ ra vào “Thành phố tự do Berlin” hoàn toàn nằm trong tay CHDC Đức. Ông hy vọng, mặc dù Đông-Tây Berlin vẫn đi lại tự do, nhưng chính sách bao vây xung quanh sẽ khiến cái ao tư bản khô cạn và phương tây sẽ chán nản từ bỏ dần Tây Berlin. [3]
Đầu năm 1961 Kennedy lên cầm quyền, khẳng định ý đồ giữ Berlin bằng mọi giá. Chính sách đó phá sản.
Trong khi đó sự tụt hậu của miền Đông so với miền Tây ngày càng nặng. Người Đông Đức ồ ạt kéo về Đông Berlin rồi tìm cách sang Tây Berlin xin tỵ nạn. Mặc dù không được Liên Xô đồng ý, nhưng chính quyền Ulbricht vẫn ngấm ngầm chuẩn bị xây bức tường. Kế hoạch này bí mật đến mức ông Hans Modrow, thủ tướng cộng sản cuối cùng của CHDC Đức năm 1989, tháng 8.1961 là cán bộ đảng cấp quận, cũng không được biết. [4]
Kế hoạch này phải giải quyết hàng loạt bài toán. Nếu như xây 1.400km biên giới Đức-Đức là chia cắt một gia đình, thì chia cắt Berlin là cuộc giải phẫu tách hai đứa bé song sinh. Một cuộc giải phẫu không có thuốc mê vì cả hai đứa sẽ cùng giãy dụa, chống lại.
Trẻ song sinh vì các mạch máu kinh tế, xã hội đan xen nhằng nhịt giũa hai bên. Thành phố gần 4 triệu dân này không chỉ sử dụng chung hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, một mạng giao thông công cộng, mà từng tế bào kinh tế cũng phụ thuộc vào nhau. Rất nhiều dân Đông ngày sang Tây làm việc, tối về nhà ngủ. Tiền lương DM đổi ra DDR-M (Ostmark) nuôi cả nhà. Rất nhiều cá nhân và hãng Tây mang đồ sang Đông gia công, giá rẻ như bèo. Vải lụa Tây may bởi thợ Đông ra cái váy tuyệt cú mèo. Hàng ngàn nông trại Đông Đức sống nhờ vào cung cấp rau quả cho Tây Berlin. Hai bên cứ dính vào nhau mà sống như vậy.
Các nhà “thiết kế” bức tường đã tính toán mọi chi tiết liên quan. Từ việc cân phụ tải khi cắt đôi mạng lưới điện, đến việc thay đổi dòng chảy các cống ngầm. Đó là chưa kể đến việc vận chuyển hàng ngàn tấn dây thép, bê tông, vật liệu xây dựng đến gần các đường biên mà không để ai biết.
Ngày 3.6.1961, tại cuộc gặp thượng đỉnh Vienna, Khrushev vẫn tìm cách thuyết phục Kennedy về kế hoạch hóa giải Berlin của ông, nhưng thất bại.
Mãi đến ngày 20.06.1961, Khi N. Schelepin, phụ trách KGB ở Đức báo cáo cho Krushev về sự nguy kịch của Berlin, ông ta mới thay đổi ý kiến. Đây có lẽ là quả đắng lớn nhất mà Krushev phải nuốt. Các đơn vị đồn trú Liên Xô được lệnh giúp đồng minh xây tường. Lẽ ra đây mới là ngày ra đời của bức tường.
Chiến dịch “Hoa Hồng” (Aktion Rose) lập tức được tư lệnh quân đồn trú Liên Xô cùng các đồng nghiệp Đức soạn thảo. Người Nga ngạc nhiên vì mọi việc đều đã được người Đức chuẩn bị xong hết.
Nửa đêm thứ bảy 12.08 rạng sáng chủ nhật 13.08.1961 Erich Honecker, nhân vật thứ hai của CHDC Đức phát lệnh ra quân. Hàng vạn binh sỹ, dân quân tự vệ được các sư đoàn xe tăng của Hồng quân và Quân đội Nhân dân Quốc gia Đức (NVA) yểm trợ dựng lên các hàng rào bằng dây thép gai và gỗ. Một số nơi được củng cố bằng cột bê tông. Xung quanh các công trường xây dựng này là những đám đông dân chúng hỗn loạn chen lấn để vượt qua tường, người thì muốn về chỗ ở bên này hoặc bên kia, người thì muốn thoát thân, người thì chỉ chạy đi tìm người thân đang còn kẹt ở đâu đó bên kia.
Bên phía Đông, môt hàng rào dân quân tự vệ dàn ra để ngăn cản người dân vượt qua những chỗ rào chưa kín. Bên phía Tây, cảnh sát được điều đến hàng rào để cứu giúp những người vượt dây thép gai chạy sang. Nhưng cũng có những người đang mải chơi bên Tây, nay sống chết phải về với gia đình ở bên Đông. Người ta xô đẩy giành giật từng người sang phía mình. Những ai đã sang bên kia vạch trắng thì dù nửa mét cũng coi như thoát. Hai bên rất quân tử tây, không ăn gian.
Bộ phịm tài liệu “Một ngày trong tháng 8” [4] do đài truyền hình ZDF mới sản xuất đã ghi lại những câu chuyện thật của nhiều nhân chứng ngày 13.8.1961. Tất cả họ đều bị sốc vì hành động nhanh chóng và lạnh lùng của các lực lượng xây tường. Ai cũng đoán là sẽ có điều gì xảy ra, nhưng với một bức tường thép gai chia cắt mọi tế bào của cuộc sống thì không ai tính tới.
Phương Tây bị bất ngờ hoàn toàn, nhưng không hề có phản ứng xứng đáng. Vài xe tăng Mỹ kéo ra checkpoint Charly đối đầu với tăng Liên Xô. Công binh Đông Đức vẫn cần mẫn kéo dây thép gai ở giữa. Chỉ thế rồi tăng Mỹ lại rút. Không có lệnh gì từ nhà trắng. Báo chí lá cải đổ tội cho ngày chủ nhật.
Kennedy khi được tin thậm chí còn thấy nhẹ nhõm vì vấn đề người tỵ nạn đổ vào Tây Berlin sẽ biến mất, trong khi nguyên tắc “Three essentials” (3 trọng yếu) [5] mà ông đang đấu với Krushev không hề bị phá vỡ.
1- Dân Tây Berlin không bị tấn công;
2- Quân đồn trú Mỹ, Anh, Pháp vẫn ở lại;
3- Các tuyến giao thông transit từ Tây Đức đi Tây Berlin vẫn còn nguyên
Số phận của người dân Đông Berlin không có trong “3” điều này.
Bà Ingrid Taegner, ngày đó là một cô gái Đông Berlin, nhớ lại: Bố tôi hét từ bên kia hàng rào. “Con đừng sợ, người Mỹ sẽ không để trò này kéo dài. Bố sẽ về với con”.
Lâu lâu cô lại thấy ông đến bên kia hàng rào để tìm cô, nhưng cô không dám lộ diện. Ingrid không bao giờ gặp lại bố mẹ nữa, kể cả khi ông bà mất ở Tây Đức.
(Còn tiếp)
_____
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Allied_Kommandatura
[2] Liên xô phóng tầu Sputnik, đưa chó Laika, đưa ngươi (Gagarin) vào vũ trụ đều trước Mỹ. Mỹ làm ra máy bay U2 bay cao 22km, tưởng LX chịu thua. Nhưng LX dùng tên lửa SAM2 bắn hạ U2 năm 1961… Thời kỳ này những phim “Đàn sếu bay qua”, hay “Người thứ 41” của LX nói về tình người trong chiến tranh rất hay, nhưng bị cấm chiếu ở VN và TQ.
[3] https://www.bpb.de/geschichte/zeitgeschichte/deutschlandarchiv/53708/die-udssr-und-die-mauer?p=1
[4] https://www.zdf.de/dokumentation/zdfzeit/zdfzeit-ein-tag-im-august–mauerbau-61-100.html