Seite auswählen

Suy nghĩ về thiết quân luật…

 

 

Phạm Minh Vũ

Mấy ngày qua, hình ảnh cảnh sát lẫn quân đội ở phi trường, hay ngồi trên ôtô tiến vào Saigon với chiến dịch có tên rất kiêu hãnh là ‘’Hỗ trợ chống dịch’’ đã tạo cho dư luận hiểu nhầm rằng: CP thật sự có quan tâm tới Nhân dân.

Ta thẳng thắn mà nói đó là sự ngây thơ khi tin rằng sự hiện diện của các lực lượng chống dịch bằng công an hay quân đội. Vì theo thông báo, họ sẽ cắm hết tất cả các chốt ở Thành hồ để hỗ trợ mua lương thực, hay còn gọi là đảm nhiệm vai trò làm Shipper. Ta nói thẳng đó là hành động tranh miếng ăn với các Shipper chứ chẳng mang một ý nghĩa hỗ trợ nào.

Chúng ta sẽ hỏi quân đội đảm trách vai trò Shipper có hiệu quả không? Câu trả lời chắc chắn là không, vì quân nhân không quen đường, cũng chẳng quen mối hàng, nội ngay việc hỏi đường thì có khi hết ngày cũng chưa giao tới đúng người nhận. Việc quân nhân là cầm súng chiến đấu chứ không phải chạy rong trên đường đi chợ lẫn đi giao hàng. Việc giao quân nhân làm shipper là một việc cực kỳ ngớ ngẩn của CP vì nó không thực tế lẫn hiệu quả.

Không hiệu quả Vậy CP điều quân đội vào làm gì?

Mấy hôm nay, tôi chú ý tới việc điều quân, không chỉ sư đoàn của Quân khu khác đến mà điều luôn cả trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nguyên về. Miền Nam hay đâu có thiếu quân mà điều nơi khác tới?

Điều này làm tôi mường tượng tới cách điều quân của Bắc Kinh khi điều quân đoàn 27 về Bắc Kinh, một quân đoàn vô học, không biết chữ được nhồi nhét tư tưởng xem Dân là kẻ thù nên sẵn sàng bắn vào sinh viên. Cũng như tôi nhớ tới việc Trần đại quang điều quân Miền Bắc vào Tây Nguyên để đàn áp cuộc nổi dậy người thượng ở đây những năm 2001-2004.

Như vậy, điều quân vùng khác tới Saigon thiết quân luật mục đích là chống bạo loạn hay chống lại Nhân dân, khi sự phẫn nộ của Dân chúng ngày càng mạnh mẽ trong các thất bại liên tiếp bởi công tác chống dịch của CP. Nó mang tính chất đe dọa người dân chứ không có ý nghĩa hỗ trợ hay giúp Dân như nhiều người ngộ nhận.

Và với sự hoảng loạn trong việc chống dịch như hiện nay, CP liệu rằng TQL sau 2 tuần sẽ kiểm soát được không? Câu hỏi này không ai biết vì cách chống dịch thiếu khoa học, chống dịch bằng lý luận và súng ống thì rất khó trả lời.

CP Việt Nam nên đối mặt với hiện thực, chấp nhận thất bại, đừng cố gắng và tỏ ra mình có cố gắng chống dịch.

Các quốc gia khác Lokdown cũng vẫn cho Dân đi làm, cho Dân đi học, quán xá vẫn mở nhưng kèm theo điều kiện áp dụng khuyến cáo 5K như Bộ y tế đang áp dụng. Việt Nam cũng tính đến chấp nhận sống chung, đừng hoảng loạn và trốn tránh mà làm rối thêm cuộc sống của Nhân dân đang bị áp bức tới thống khổ.

Những việc CP nên làm hiện nay:

* Triển khai các gói hỗ trợ tiền cho đúng người cần, đừng thông qua trung gian như quận, xã phường, tổ dân phố vì hiện nay, qua bao lần các gói hỗ trợ được tung ra, khi tới tay người nhận chỉ còn cái nịt.

Đẩy mạnh tiêm Vx đúng đối tượng cần tiêm như người trên 65 tuổi, hay nhân viên y tế. Bỏ tù những ai tham nhũng VX tiêm cho con dâu cháu ngoại để mang tính răn đe.

* Lưu thông chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng nguồn lương thực thực phẩm, bên cạnh đó mở lại các chợ truyền thống nhưng thực hiện đúng nghiêm ngặt 5K như khoảng cách hay khẩu trang…

* Xem F0 là một bệnh như cúm thường, ai nhẹ cho ở nhà, ai nặng đem vào viện điều trị. Đừng làm quá lên khi các bệnh khác như ung thư, hay tim mạch cũng cần điều trị mà bị từ chối đã dẫn tới nhiều cái chết thương tâm.

* Mở lại các hoạt động sản xuất, phát test cho lao động tự test nếu ai bị dương tính thì tự cách ly ở nhà, CP sẽ hỗ trợ lương thực, còn doanh nghiệp vẫn trả tiền cho lao động.

* Khoanh vùng chống dịch, ai đi ra đường không lý do chính đáng thì nên khuyến cáo họ trở về nhà. Vẫn để họ tập thể dục, nhà hàng, hay quán cà phê được phép hoạt động với điều kiện khách muốn tới thì phải có giấy đã tiêm VX.

Tôi nhìn cách chống dịch của CP hiện nay không hề ổn chút nào. Vì lãnh đạo ra quyết sách không có tâm cũng chẳng có tầm nhìn. Toàn đội ngũ lý luận nặng mùi luận cương cách mạng và giai cấp. Từ đầu dịch tới bây giờ, chưa một lần CP đưa ra một giải pháp chống dịch hiệu quả. Có chăng, chỉ dùng sai lầm này để thay thế sai lầm khác.

Gía như, các ông bớt ngạo nghễ, chọn người có chuyên môn và có tâm một chút thì đã không tệ đến thế…/.

Sài Gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi sáu

Đỗ Duy Ngọc

23-8-2021

 

Từ 0 giờ hôm nay 23.8, toàn thành phố đã triệt để áp dụng lệnh giới nghiêm toàn thành. Tôi dùng từ giới nghiêm vì nghĩ đó là từ chính xác nhất trong tình hình hiện tại, nếu nói theo thuật ngữ quân sự là Thiết quân luật. Theo luật hiện hành của chính phủ Việt Nam, khi tình hình an ninh, trật tự, xã hội mất ổn định nghiêm trọng, chính quyền sẽ ban bố lệnh giới nghiêm.

Luật Quốc phòng 2018 có hiệu lực từ 1.1.2019 định nghĩa: Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm.

Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, theo luật này, khi thành phố yêu cầu dân không được đi lại, mọi người ai ở đâu ở yên đó, thực phẩm có người mua hộ tức là đã thi hành giới nghiêm rồi. Ngay những lần trước, gọi là giãn cách nhưng thật sự cũng là hình thức giới nghiêm hay lockdown.

Theo giải thích thì giãn cách xã hội có nghĩa là người dân vẫn sinh hoạt bình thường, giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với những người khác, tránh xa những nơi tụ tập đông người và những cuộc họp mặt. Tránh xa những người chịu nguy cơ cao hơn với dịch bệnh (ví dụ: người lớn tuổi và người có sức khỏe kém). Với định nghĩa như vậy thì mấy đợt trước đây thành phố đã giới nghiêm chứ không phải giãn cách.

Tính đến nay, để ngăn chận sự lây lan của dịch cúm Vũ Hán, thành phố đã ba lần ban bố lệnh gọi là giãn cách rồi phong toả.

Lần thứ nhất, bắt đầu từ 0h ngày 9.7. Đợt này theo chỉ thị 25 và 16 của Thủ tướng. Trong lần thứ nhất này, dân tình rất xôn xao và đưa đến tình trạng đổ xô mua hàng dù chính quyền bảo đảm hàng hoá cho dân. Thế nhưng việc đóng cửa cả 3 chợ đầu mối lớn của TP (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) để phòng, chống dịch phần nào làm người dân lo lắng việc cung ứng hàng hóa gặp vấn đề. Dân bắt đầu không tin vào những lời hứa của chính quyền. Và cũng trong lần này, hệ thống lưu thông hàng hoá từ các nơi đưa về bị đứt gãy vì những thủ tục hành chính và thói lạm quyền, quan liêu ở các chốt chặn.

Lần thứ hai, bắt đầu tiếp tục từ 0h ngày 15.7. Lúc này, mạng xã hội và các trang thông tin không chính thống lan truyền thông tin sai lệch về việc “đóng cửa toàn TP.HCM” từ 0h ngày 15.7. Hậu quả tức thì, lượng người đổ ra các chợ truyền thống, siêu thị lại tăng đột biến vào ngày 14.7. Lại một lần nữa dân tình lao đao vì khan hiếm thực phẩm, lương thực giả tạo. Rút kinh nghiệm lần 1, dân chen lấn nhau, giành giật nhau hàng hoá khiến tình trạng lây nhiễm càng bùng phát.

Lần thứ 3, trước thông tin TP.HCM sẽ siết chặt giãn cách trong 2 tuần kể từ 0h ngày 23.8. Đây được xem là các biện pháp mạnh nhằm kéo giảm số ca lây nhiễm trong cộng đồng đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh và khả năng lây lan nhanh của biến chủng Delta, người dân lại một lần nữa chen nhau đi chợ bắt đầu từ trưa ngày 20.8 và trong ngày 21.8. Lực lượng kiểm soát bất lực, trật tự tại các siêu thị, cửa hàng hỗn loạn đưa tới việc lây lan mạnh dịch bệnh.

Trước tình hình đó , chiều 21.8, chính quyền lại đánh lừa bằng cách khẳng định : “Không thực hiện phong tỏa thành phố trong hai tuần tới”. Sau đó là hàng loạt văn bản, chỉ thị liên tiếp ra đời, mỗi văn bản mỗi khác, luẩn quẩn, loanh quanh, mâu thuẫn với nhau. Dân tình nhốn nháo chẳng biết đâu mà lần. Lúc thì bảo có, khi thì bảo không. Rộ lên vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam. Trên mạng lan truyền bảng phân chia khu vực theo màu, nhưng rồi bị cho là tin giả. Cho đến tối hôm qua, chính quyền vẫn xác nhận là chưa hề công bố một bản đồ xanh đỏ nào cho thành phố.

Rồi chuyện xuất hiện của lực lượng quân đội 1.000 người trên 5 chuyến bay từ Bắc vào chi viện. Rồi lực lượng của Quân khu 7 tăng cường. Trong ngày 22.8, trả lời với báo chí, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết Bộ Quốc phòng sẽ huy động khoảng 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia chống dịch tại thành phố trong 15 ngày tới.

Và sáng hôm nay, thành phố đã xuất hiện lực lượng quân đội có mặt khắp các ngã đường trong thành phố. Nó tạo một cảm giác của thời chiến tranh đầy căng thẳng. Có người bảo thành phố giờ không khác chi thời quân quản.

Mà thật sự, tình hình thành phố đang hồi căng thẳng. Các bệnh viện đầy người, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tình nguyện viên đã không còn sức để chiến đấu sau một thời gian quá dài. Đã có nhiều người bị phơi nhiễm, đã lên con số ngàn. Nhiều người không chịu nổi đã rút lui. Trong cuộc họp chiều qua giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thành phố đã có lời kêu gọi những người F0 đã lành bệnh nên xung phong trở thành tình nguyện viên chăm sóc cho bệnh nhân.

Con số tử vong tăng cao ở các cơ sở y tế chữa trị dịch bệnh đa số là do thiếu sự chăm sóc kịp thời và thiếu trang thiết bị. Bệnh viện dã chiến vừa mở ra là lâm vào tình trạng quá tải. Một ngày bốn, năm ngàn người nhiễm dịch thì chỗ nào để chứa? Một ngày bốn, năm trăm người chết, cán bộ y tế bị áp lực, bị ức chế đến kiệt sức. Đã có hàng ngàn đội ngũ ở các nơi vào giúp sức nhưng như muối bỏ biển. F0 đầy dẫy khắp nơi không kiểm soát được. Giờ lại tổ chức xét nghiệm toàn thành lại khiến dân thêm lo. Lo vì sợ nhiễm từ việc xét nghiệm đấy. Tính đến tối 22.8, tại thành phố đã có tổng cộng 175.994 bệnh nhân nhiễm dịch được Bộ Y tế công bố.

Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 34.605 bệnh nhân, trong đó có 2.131 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.442 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Số liệu thống kê được Ban chỉ đạo phòng chống dịch công bố trưa 22. 8 cho thấy, toàn thành phố đã có 6.349 người tử vong vì virus Vũ Hán. Một con số đáng âu lo dù con số đó vẫn chưa đầy đủ. Số bệnh nhân F0 và số người tử vong tại nhà cho đến giờ vẫn chưa thống kê được.

Có dư luận cho rằng, nếu bộ phận quân đội tăng cường là đội ngũ y bác sĩ thì rất hợp lý trong lúc này vì thành phố đang thiếu trầm trọng. Nếu quân đội giữ an ninh trật tự cũng là điều nên làm vì dù sao kỷ luật quân đội và mệnh lệnh được thực hiện một cách có kỷ cương hơn góp phần lập lại trật tự của thành phố là điều đang mong đợi. Tuy nhiên nếu sử dụng quân đội cho việc cung cấp và lưu thông hàng hoá thì không hiệu quả.

Nếu thành phố tập trung được lực lượng shipper có sẵn, trả lương cho họ, cấp giấy cho họ hoạt động có tổ chức và có kiểm soát. Họ được chủng ngừa đầy đủ, xét nghiệm miễn phí thường xuyên, thì đội ngũ này hoạt động tốt hơn lực lượng quân đội nhiều. Bởi họ cơ động hơn, chuyên nghiệp hơn và thông thuộc địa hình ở thành phố này hơn lực lượng quân đội. Họ có thể đến từng ngõ ngách, từng căn nhà vì đó là công việc thường xuyên của họ lâu nay. Hôm qua dù chưa có bản đồ vùng xanh, vùng đỏ cụ thể được công bố nhưng quy định của thành phố người vùng xanh có thể nhờ quân đội đi chợ mỗi tuần một lần.

Nhưng hôm nay lại ra văn bản mới quy định Không phân biệt “đỏ”, “vàng”, “xanh”, toàn bộ người dân TP.HCM sẽ được đi chợ hộ. Theo đó, từ 23.8, người dân dù thuộc phân vùng “đỏ”, “vàng” hay “xanh” cũng đều sẽ áp dụng phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ cộng đồng, các lực lượng tình nguyện hỗ trợ. Lắm văn bản quá, người dân không theo kịp nên cứ ngẩn ngơ không biết phải đối phó thế nào? Xoay xở ra làm sao? Thành phố giống như nhà không nóc mà gặp biến vậy, ai cũng có thể ra lệnh, ai cũng có quyền, chỉ thị, yêu cầu cứ xoay như chong chóng.

Theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng bình thường là 10.964 tấn/ngày. Trong đó, gạo:1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…): 660 tấn; thịt gia súc: 755 tấn; thịt gia cầm: 660 tấn; thực phẩm chế biến: 236 tấn; trứng gia cầm: 108 tấn (2,1 triệu quả); rau củ quả: 4.246 tấn; đường: 236 tấn; sữa: 1.742 tấn (1,7 triệu lít); dầu ăn: 189 tấn; muối: 47 tấn; nước chấm: 104 tấn (79.865 lít).

Như vậy, mức nhu cầu tiêu dùng bình quân của thành phố trong 1 tuần (7 ngày) là 76.747 tấn; trong 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước khoảng 19 triệu lít/ngày, (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch: khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng); nước sát khuẩn (loại 0,5 lít): 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng). Với những con số đó, e rằng lực lượng quân đội và các tổ ở các địa phương không kham nổi. Sợ rằng kế hoạch rồi sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có sự góp mặt của đội ngũ shipper của 4 hãng lớn đang có mặt ở thành phố này.

Trong quá trình kềm chế dịch bệnh, thành phố đã mắc nhiều sai lầm ngay từ những ngày đầu tiên dịch bùng phát. Bắt đầu từ Gò Vấp ở nhóm tín đồ Phục Hưng, con số chỉ mới mấy chục người. Lãnh đạo thành phố bắt đầu lúng túng, lập khu cách ly tập trung, tổ chức xét nghiệm đông hàng ngàn người ở sân Phú Thọ rồi chợ Bình Điền. Con virus biến thể Delta lan rộng, cứ dương tính là nhét vào bệnh viện kéo theo đó cả đám F1 vào khu cách ly. Con số nhiễm từ khu cách ly càng lúc càng cao, số tử vong càng nhiều ở các khu điều trị.

Thiếu nhân lực, thiếu thiết bị, thiếu điều kiện sinh hoạt, người chết nhiều gây sốc cho mọi người. Lúc đấy mới lo vaccine, cũng đã trễ. Đến lúc quá tải lại cho cách ly tại nhà. Nhưng lại thiếu kiểm soát, thiếu hỗ trợ lúc bệnh nhân trở nặng và thế là con số tử vong tiếp tục leo thang và không khí càng bi thương hơn. Và bây giờ, theo nhà chức trách đây là trận cuối cùng nên quân đội nhập cuộc. Người dân tự hỏi nếu trận cuối cùng này mà thất bại thì rồi sẽ ra sao. Buông luôn hay sao? Có còn phương án nào không?

Đã đến lúc người dân chai lì trước những chỉ thị của các cấp chính quyền vì các văn bản cứ xà quần đến chóng cả mặt. Các biện pháp đưa ra thiếu hiệu quả làm dân mất dần lòng tin và nghi ngờ khả năng của những người ký các văn bản, chỉ thị. Khi người dân cần trong tình trạng thập tử nhất sinh thì chẳng biết kêu ai, gặp biến cố thì không nơi nhận vì quá tải. Đói xin hỗ trợ thì cứ hẹn mãi, kẻ có, người không.

Chẳng biết kêu ai và tin vào ai nữa. Trầm cảm, ức chế sinh bệnh là chuyện tất yếu trong cơn khủng hoảng này. Còn nhớ khi thành phố Vũ Hán bị dịch, phong toả từ ngày 23.1.2020 và chấm dứt ngày 8.4.2020, tổng cộng là 76 ngày. Trong thời gian phong tỏa người ta đã nghe những tiếng thét, tiếng la từ những ngôi nhà, từ những chung cư trong đêm khuya. Những tiếng thét vì bế tắc, bị căng thẳng, bị giam hãm và lo âu. Thành phố Sài Gòn chính thức giãn cách toàn thành phố từ ngày 31.5.2021, đến giờ đã là 83 ngày trong bi thương, chết chóc, đau đớn và tù hãm.

Đã nhiều gia đình tan tác, đã có những dãy dài xe chở quan tài chờ thiêu xác, đã có rất nhiều người trở thành kẻ không nhà, lắm đứa trẻ thành kẻ mồ côi. Tiếng thét của người thành phố không bật ra mà đi ngược vào trong với nỗi câm lặng âm thầm. Nỗi đau này lớn quá cũng không còn nước mắt. Và chính vì không bật lên được tiếng thét lúc nửa đêm nên nỗi đau càng đau hơn, nặng nề hơn, mỗi ngày như những vết dao đâm sâu vào lòng những người thành phố này.

Người dân muốn nhà nước cứ ban lệnh giới nghiêm, cứ cho là không thời hạn đi, cho đến lúc kềm chế được dịch. Tại sao cứ cho con số 15 ngày, rồi 15 ngày giật cục với mọi chỉ thị chỉ tạo thêm hoang mang và lo âu. Mỗi lần 15 ngày là mỗi lần có biến động trong sinh hoạt. Điều đó chứng tỏ những người có trách nhiệm không hoạch định được, không có một kế hoạch rõ ràng nào cả, cứ theo nước mà trôi.

Lập ban tư vấn thì toàn những ông đầy bằng cấp mà chẳng có chuyên môn, dự đoán và đưa kế hoạch giống như các lão thầy bói, được gọi tên là Dự báo Fulbright, toàn ăn ốc nói mò chẳng được chi mà làm cho thêm rối. Trong thời kỳ giới nghiêm không thời hạn đó, nỗ lực tiêm chủng tối đa cho dân, mỗi người hai mũi. Trung ương phải phân bổ đầy đủ và hợp lý vaccine, tránh kiểu ngồi chờ và trông đợi, xin xỏ mãi.

Tìm cách cứu đói và phân phối hàng hoá hợp lý và công bằng. Yêu cầu chính phủ mở kho gạo cứu dân, an toàn lương thực là lúc này đây. Các quỹ lao động, bảo hiểm, thiên tai, dịch hoạ có mấy chục ngàn tỷ sao không đem ra sử dụng trong những lúc biến cố thế này? Xuất ngân quỹ để bệnh viện có đủ thiết bị và máy móc chữa bệnh, dần dần làm chủ tình thế chứ không bị động như đã làm. Dựng nhiều trung tâm, mở lắm bệnh viện dã chiến mà rồi phải kêu gọi mạnh tường quân, các nhà hảo tâm trang thiết bị thì hậu quả đã thấy ngay rồi. Trong việc cho cách ly F0 tại nhà, đơn vị phường xã rất quan trọng.

Cho nên phải lưu tâm đến đội ngũ này. Dân tin vào chánh quyền hay không cũng do đội ngũ này mà có. Rất tiếc, các bộ phận ở phường, xã nhiều nơi trình độ và trách nhiệm còn yếu kém, nhất là những vùng xa, nơi người dân cần hỗ trợ nhiều nhất lại là nơi hoạt động kém nhất, làm mất lòng dân nhất.

Một anh bạn vừa kêu cứu tôi mà rồi tôi cũng chẳng giúp được gì. Tình trạng của người bạn của anh là cả gia đình đều dương tính, bị đưa cả gia đình vào cách ly và điều trị tại bệnh viện. Người chồng không thấy triệu chứng rõ rệt nên cho về nhà mà chẳng cấp cho cái giấy tờ gì. Mấy hôm sau bệnh trở nặng và qua đời. Địa phương không chịu xác nhận anh ta chết vì virus Vũ Hán mà kết luận người bệnh chết vì bệnh nền tim mạch và yêu cầu gia đình tự mai táng.

Giới nghiêm nên cũng chẳng biết gọi nhà đòn nào lo liệu cho nên xác vẫn để nằm đó từ hôm qua đến giờ. Gia đình bất lực cũng chẳng biết giải quyết thế nào cả. Anh ta bảo không lẽ khiêng cái xác ra để giữa đường cho bàn dân thiên hạ biết?

Tôi cũng đành bó tay chẳng biết ý kiến hay giải pháp thế nào để giúp anh. Buồn thật./.

 

TP HCM: Quân đội ‘tiếp quản’, nhà nước và dân nói gì?

Covid-19 tại Việt Nam

GETTY IMAGES Quân đội đã được huy động vào hỗ trợ kiểm soát dịch Covid-19 trên nhiều địa bàn tại TP Hồ Chí Minh và miền Nam Việt Nam vào thời điểm này

Từ sáng nay, 23/8, quân đội tham gia quản lý TP HCM. Đây là lần thứ hai sau 1975, quân đội được giao nhiệm vụ này.

Hình ảnh bộ đội Việt Nam bồng súng, kiểm soát TP HCM xuất hiện dày đặc trên truyền thông nhà nước và mạng xã hội.

Bộ đội Việt Nam được truyền thông trong nước loan tin là tham gia chống Covid-19, sau hơn hai tháng giãn cách xã hội được cho là không đạt kết quả mong đợi.

Bối cảnh đã khác so với hơn bốn chục năm trước. Giờ đây, thông tin trên báo chí nhà nước chỉ là một phần bức tranh. Cùng lúc, người dân cũng có tiếng nói riêng, nhiều khi rất khác.

Một ca cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 6 TPHCM

GETTY IMAGES Một ca cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 6 TPHCM

Báo chí trong nước đưa tin

Dường như trước các quyết định quan trọng, truyền thông trong nước thường có động tác “tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu”.

Ngày 23/8, ông Lê Hải Bình, người vừa nhận quyết định bổ nhiệm làm phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đã được điều trực tiếp vào TP.HCM để cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các địa phương phía Nam triển khai công tác chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mô tả thời gian gần đây đội ngũ cán bộ lãnh đạo ban này có sự thiếu hụt tương đối lớn và có những công việc mới, phức tạp, nhạy cảm.

Trang tin Bộ Quốc Phòng nhận định 30 ngày tới là một “trận đánh quyết định”. Tin cho hay ngày 17/8, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, bàn về việc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.

Bộ đội tăng cường được vũ trang đầy đủ

PHÁP LUẬT ONLINE Bộ đội tăng cường được vũ trang đầy đủ

Theo đó, không khí khá giống với chiến trận, rất nhiều tướng tham gia. Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7, Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7, Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7.

Báo Chính phủ chạy hàng tựa: “Trận đánh quyết định” rồi viết: “Người dân TPHCM cần ủng hộ và nghiêm túc thực hiện đúng các nội dung của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày sắp tới. Đây là thời điểm quan trọng cho trận chiến và chỉ có đoàn kết chúng ta mới có thể chiến thắng.”

Tờ Pháp Luật với bài: “Lực lượng quân đội cùng tham gia túc trực các chốt kiểm soát dịch.” Báo này cũng viết: “Lực lượng quân đội được trang bị vũ khí đã chính thức ra đường tham gia nhiệm vụ kiểm soát trên địa bàn TP.HCM. Ghi nhận tại các chốt, lực lượng quân đội tăng cường phối hợp với các đơn vị địa phương túc trực, chốt chặn, kiểm soát tất cả người qua lại.”

Một trong những thông điệp quan trọng báo chí nhà nước nêu là giải thích về nhiệm vụ của bộ đội.

Tờ Lao Động viết: “Các lực lượng sẽ tỏa ra khắp các quận huyện trên địa bàn TP HCM, tham gia các hoạt động của địa phương như tuyên truyền, tuần tra canh gác, vận chuyển lương thực thực phẩm, đem các túi an sinh đến các hộ khó khăn.”

Báo Tiền Phong đưa tin: “Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân…”

Vẫn theo báo này: “Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân Thành phố và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.”

Trong phòng cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy

GETTY IMAGES Trong phòng cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy

Người dân nói gì trên mạng?

Nhiều ý kiến thắc mắc tại sao bộ đội đi chống dịch mà cần xe bọc thép, súng ống… Nguyên Tống viết: “Mặc áo chống đạn là để chống dịch hay chống giặc nhỉ?”

Nguyễn Minh Phương phụ họa: “Nhìn nó rất phản cảm. Chống giặc hay chống dân, đề nghị không nên và ko cần thiết phải mặc áo chống đạn để làm nhiệm vụ chống dịch.”

Đăng Bảo Bùi đặt câu hỏi: “Sao biểu bộ đội đi phát lương thực thực phẩm cho dân mà mặc áo chống đạn, trang bị công cụ hỗ trợ đến tận răng thế này.”

“Hẳn 312 pháo đài chống dịch cơ mà, anh Nguyên Tống, thực tế là chống giặc đấy chứ súng ống xe bọc thép bắn làm sao được Covid” là bình luận của Hai Nguyen.

Văn Phúc Hà thì cho rằng: “Giống đang chiến tranh quá…làm sao đánh lại covis…nó là kẽ thù vô hình mà không khéo phản tác dụng cho coi!”

Viết trên trang cá nhân, Luật sư Lê Công Định nghi ngờ: “Thời kỳ quân quản thứ hai?”.

Danh khoản Hoàng Ngọc Quang viết: “Mang quân đội vào làm gì? Virut Tàu nó sợ chú bộ đội à? Cho dân tự do thông thương, yêu cầu 5K, bệnh nặng đi viện, nhẹ ở nhà, đàm phán mua vacxin uy tín.”

Đinh Việt Trường giải thích vấn đề theo cách khác: “Đúng là chống dịch như chống giặc bằng xe tăng, thiết giáp, kẽm gai, súng ống thiết bị phá sóng. Bước 1: Giăng kẽm gai cho Covid té nhào. Bước 2: Dùng xe tăng cán bẹp chúng nó. Bước 3: Nếu con nào chạy thoát bắn nó. Bước 4: Tui không biết thiết bị phá sóng có tác dụng gì với Covid?”

Quân đội Việt Nam thường được ca ngợi là “bách chiến bách thắng” và việc đưa quân đội tham gia chống Covid-19 được một số nhà quan sát xem là lần “đặt cược” lớn của chính quyền.

Được biết, hôm qua 22/8, cả nước có thêm 11.346 ca nhiễm. TP HCM có thêm 4.193 ca. TP HCM sẽ áp dụng giãn cách thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch từ ngày 23-8 đến 15-9./.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen