Nhã Duy
11-9-2021
Những người từng ghé thăm cụm bảo tàng tưởng niệm nạn nhân 9/11 tại New York chắc thế nào cũng thấy hay từng chụp dăm tấm ảnh những phiến đá đen khắc tên các nạn nhân, mà lác đác đó đây cắm những đóa hồng trắng.
Người ta gọi đó là những “nụ hồng ngày sinh”, Birthday Rose.
20 năm trôi qua, chẳng ai nghĩ thời gian có thể trôi nhanh như vậy. Nước Mỹ đã thay đổi hoàn toàn sau vụ khủng bố 9/11 năm 2001. Nó lại thay đổi một lần nữa từ vài năm qua, khi người dân Mỹ nhận ra rằng, khủng bố và lòng thù hận không chỉ đến từ ngoại bang. Nó ở ngay trong lòng nước Mỹ, trong lòng của những người ngỡ là anh em, là đồng bào của mình. Đại dịch Covid là cú cảnh tỉnh nhưng dường như lắm người đã đắm vào cơn mộng du, không tỉnh lại được.
Rồi đây nước Mỹ cũng có thể sẽ xây một đài tưởng niệm nạn nhân Covid, những người mà cái chết lẽ ra đã được ngăn ngừa. Để những thế hệ sau còn nhớ hay biết đến một thời khổ nạn của thế hệ trước. Để học được rằng, muốn chống lại kẻ thù thật sự, họ không thể là kẻ thù của nhau.
Mỗi ngày, vẫn có những gia đình, du khách, cô giáo đưa con cái, học trò đến viếng đài tưởng niệm những nạn nhân vụ khủng bố. Những nụ hồng cắm quanh năm ngay đài tưởng niệm là điều đơn giản nhưng mang một ý nghĩa lớn lao, thâm trầm. Chúng là sự hiện diện cảm động và tiếp diễn để nhắc nhở họ rằng, những mất mát riêng tư của mỗi cá nhân, mỗi gia đình là mất mát của cộng đồng, của cả nước Mỹ. Nước Mỹ không quên những nạn nhân của chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh…
Ngày hôm nay rực một màu cờ trên những phiến đá đen tại đài tưởng niệm. Và chen lẫn là dăm nụ hồng trắng. Để nhớ về, để tưởng niệm và để bày tỏ lòng yêu thương. Bởi như nhà thơ Pablo Neruda đã từng viết, “Nếu chẳng có gì cứu chúng ta khỏi sự chết, thì chí ít tình yêu cũng cứu chuộc chúng ta khỏi cuộc đời này”.
Tôi gọi những nụ hồng ngày sinh này là những nụ hồng yêu thương. Cho dù lòng thù hận có trỗi dậy như thế nào, chúng ta cũng tin rằng lòng bác ái và hy vọng vẫn luôn là một điều bất biến trong xã hội này./.
Tiếng Dân