Seite auswählen

Bài học nào từ thất bại thảm hại của Việt Nam trong chống dịch Covid?

 

Jackhammer Nguyễn

11-9-2021

Công cuộc chống dịch Covid-19 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang thất bại thảm hại. Minh chứng cho sự thất bại đó là trung bình có hơn 300 người chết mỗi ngày ở Sài Gòn, trong khi các hoạt động kinh tế và xã hội tại thành phố này đã và đang bị phong tỏa hơn hai tháng qua, mà vẫn chưa thấy lối ra.

Với hơn 300 người bị virus giết chết mỗi ngày, dù đã hơn hai tháng phong tỏa, các hoạt động kinh tế, xã hội… bị đóng băng, càng thảm bại hơn khi Việt Nam có những thế mạnh mà không tận dụng được: Hơn một năm rưỡi yên tĩnh để chuẩn bị trong khi các nước trên thế giới và trong khu vực vất vả đối phó với đại dịch; cũng như thái độ tuân thủ chính quyền của dân chúng, và nhất là người dân ở Việt Nam không có tâm lý chống vaccine…

Các viên chức tuyên truyền của Đảng có thể dùng chiến thuật ngụy biện cũ rích là Whataboutism (Thế cái này thì sao), để biện minh rằng thì là Thái Lan thế này, Indonesia thế nọ, Mỹ cũng còn thế kia, Ý còn như thế đó… thiết nghĩ, lần này người dân Việt Nam không còn bị thuyết phục bởi sự ngụy biện đó, bởi cái chết đang đến đầu ngõ, cũng như cái đói đang chực chờ họ.

Sự thất bại này cho người dân Việt những bài học nào?

1/ Xã hội dân sự Việt Nam bị tê liệt

Điều rất quái gỡ là, hơn một tháng sau khi dịch bệnh hoành hành ở Sài Gòn, biến thành phố thật sự trở thành một thành phố chết, người ta mới bắt đầu nói đến việc đưa các bệnh viện tư nhân vào chống dịch.

Đây chỉ là một trong nhiều sự việc cho thấy rằng sức lực và trí tuệ của những thành phần khác nhau trong xã hội không được huy động khi đất nước rơi vào khủng hoảng.

Những thành phần khác nhau ấy thường được gọi là xã hội dân sự. Có thể nói không quá đáng rằng xã hội dân sự chính là một xã hội bình thường, trong đó người dân sống tự do, họ rất linh họat để đối phó và phản ứng với những biến động của xã hội. Nhưng xã hội dân sự không bao giờ được những người cộng sản ưa thích, vì sự tự do của nó thách thức sự toàn trị của Đảng.

Đảng Cộng sản thường tuyên truyền rằng, họ cũng có những cái gọi là các tổ chức quần chúng, như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… nhưng những tổ chức này đều là những công cụ chính trị, trở thành những ung nhọt hành chính, không hề thấy bóng dáng của họ ở đâu trong những ngày đại dịch đang hoành hoành người dân trên đất nước này.

Giả sử không có các tổ chức tôn giáo nấu ăn cho dân nghèo trong những ngày giới nghiêm này, những đội thiện nguyện đi hỏa táng hàng trăm người chết mỗi ngày… chắc hẳn Sài Gòn đã trở thành địa ngục.

2/ Nghịch lý của chính quyền toàn trị tập trung

Sự hỗn loạn trong cách điều hành chống dịch của hệ thống chính trị Việt Nam từ trung ương tới địa phương, gợi chúng ta nhớ tới sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô cũ chỉ trong vài ngày.

Hệ thống chính trị ở Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, cũng như Đông Âu và Liên Xô ngày xưa là hệ thống toàn trị, với những tầng nấc chặt chẽ từ trung ương đến tổ dân phố. Nhưng hệ thống này cho thấy, nó chỉ hoạt động được theo lối mòn. Những lối mòn đó là: Công nghiệp hóa với các xí nghiệp nhà nước của Liên Xô cũ, tổ chức mô hình phân phối xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh thế giới thứ hai ở Đông Âu, xã hội chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam trước 1975, mô hình tư bản nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.

Một lối mòn rất điển hình nữa của chế độ toàn trị là lạm dụng bạo lực (cái gọi là bạo lực cách mạng) với sự ưu tiên cho các bộ máy công an và bộ đội.

Đại dịch Covid-19, với biến chủng Delta là những điều nằm ngoài những con đường mòn của các chế độ toàn trị, nó cũng giống như vài yếu tố thị trường tự do xâm nhập vào Đông Âu trước kia, làm cho các cán bộ điều hành không biết điều gì đang xảy ra để đối phó.

Việc sử dụng những lọ vaccine hiếm hoi đầu tiên cho công an, bộ đội, thay vì cho những người già, những y tá tuyến đầu, những shipper, những người lao động sống trong những con hẽm chật chội,… đã lợi (cho chế độ) nhưng bất cập hại (cho dân chúng), khi những tầng lớp dân chúng dễ tổn thương đó lần lượt gục ngã, tạo sức ép kinh hoàng lên hệ thống y tế vốn đã quá tải, làm tê liệt hệ thống kinh tế cơ sở ở các đô thị phục vụ dân sinh.

3/ Cán bộ điều hành quốc gia bất tài

Với cơ cấu tuyển chọn cán bộ theo kiểu “quy hoạch”, các nhà nước toàn trị khó lòng đưa ra được những những nhà lãnh đạo có năng lực thật sự, để có khả năng đối phó với đại dịch. Bộ máy tuyên truyền cộng sản thường hay ba hoa rằng, họ trân trọng cái gọi là “có tâm có tầm” (sic) nhưng về thực chất kiểu quy hoạch cán bộ ở các chế độ toàn trị cho ra những thế hệ sau bất tài hơn thế hệ trước, vì người đứng ra “quy hoạch” không thể chấp nhận kẻ nối nghiệp thông minh và tài giỏi hơn mình. Điều đó dẫn tới một sự suy thoái di truyền trong giới lãnh đạo.

Bộ máy cán bộ điều hành tại Việt Nam hiện nay đã và đang lúng túng như gà mắc tóc, cán bộ trung ương thì ba hoa, nói những lời vô nghĩa như bị mê sảng, các cán bộ tại các tỉnh thì ra sức dựng nên các “pháo đài” tại các biên giới tỉnh, đúng theo “chỉ đạo”.

Kết

Kịch bản tồi tệ nhất, theo những gì chúng ta biết về Covid hiện nay là dịch bệnh lây ra cho toàn bộ dân chúng Việt Nam, và sẽ có khoảng hơn 2 triệu người thiệt mạng (theo tỷ lệ 2,5%). Các lực lượng công an, bộ đội, 200 ủy viên trung ương vẫn toàn vẹn vì đã được chính ngừa.

Nhưng có còn Việt Nam nữa không?

Cuộc khủng hoảng ở Việt Nam hiện nay có nguồn cơn từ chính cấu trúc chính trị toàn trị của quốc gia. Khi nói như vậy không có nghĩa là ở các xã hội dân chủ, mọi thứ đều có thể diễn ra êm đẹp, vì cuộc khủng hoảng Covid là cuộc khủng hoảng trăm năm có một, không ai biết trước. Nhưng Việt Nam lại là kẻ quan sát suốt hơn một năm rưỡi, khi đại dịch diễn ra trên toàn cầu. Các cán bộ Việt Nam chỉ lo ba hoa những bài ca chính trị, không chuẩn bị gì cả. Các cán bộ lãnh đạo Việt Nam lẽ ra phải biết trước điều gì đang xảy ra ở Sài Gòn và Hà Nội, vì nó đã xảy ra ở New York, New Delhi…

Một điều quan trọng nữa là dân chúng tại các quốc gia dân chủ có thể bãi nhiệm các cán bộ bất tài, chẳng hạn như cha con Donald Trump ở Hoa Kỳ, trong khi người dân ở Việt Nam thì không thể đuổi cổ các lãnh đạo quá tệ hại./.

Tiếng Dân

 

Covid ở Việt Nam: Khi lãnh đạo ‘thất học’

 


Một chốt chặn kiểm soát dịch bệnh ở Quảng Ninh, ngày 29/1/2021.

Với khí thế của chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập ở Sài Gòn cách đây đã hơn 45 năm, Việt Nam bước vào “cuộc chiến” chống Covid vẫn ở cùng thành phố, nay với tên Hồ Chí Minh, hồi tháng Tư năm nay.

Sài Gòn năm xưa thất thủ nhưng Hồ Chí Minh năm nay lại cũng chào thua. Covid chủng mới chẳng ngán gì ý thức hệ và các loại “vũ khí” vừa lạc hậu và vừa được triển khai muộn.

Vậy sau nửa năm “chống dịch” gần đây nhất, Việt Nam giờ ở đâu?

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới được cập nhật hôm 9/9/2021, Số ca nhiễm ở Việt Nam đang tiến dần tới con số 600.000 ca nhiễm và số người chết vì Covid đã vượt quá 14.000. So với hai nước láng giềng, Cam-Pu-Chia có gần 100.000 người nhiễm và 2.000 người tử vong; Lào có gần 17.000 người nhiễm và 16 người tử vong.

Nhưng phải so với Thái Lan mới thấy khả năng chữa trị và phòng bệnh của Việt Nam yếu kém tới đâu so với khu vực. Thái Lan có hơn 1,3 triệu ca nhiễm, gấp hơn hai lần Việt Nam nhưng số người chết của họ chưa tới 14.000, kém số ca tử vong ở Việt Nam.

Chỉ có hai yếu tố lý giải được tỷ lệ tử vong thấp bằng nửa Việt Nam của Thái Lan; sự chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân của họ tốt hơn và số người đã được tiêm vắc-xin của họ cũng nhiều hơn Việt Nam. Điều này có thể hiểu được vì Thái Lan chi tiêu nhiều hơn cho y tế so với Việt Nam và khả năng quản trị xã hội của họ cũng nhỉnh hơn. Theo số liệu của World Bank, được cập nhật lần cuối vào năm 2018, Thái Lan có chi tiêu bình quân đầu người cho y tế là 275 đô la, đứng thứ 101 trên thế giới trong khi Việt Nam xếp thứ 125 với mức chi tiêu 151 đô la.

Một điều đã được nhiều người chỉ ra là sự kiêu ngạo không đúng lúc của Việt Nam đã góp phần tạo ra sự vỡ trận. Niềm tin vô căn cứ rằng Việt Nam có dư khả năng “thắng” Covid khiến các nhà lãnh đạo không có sự chuẩn bị về mặt y tế dẫn tới sự quá tải, về mặt an sinh xã hội dẫn tới người nghèo khó bị bỏ rơi, về mặt chính sách dẫn tới việc ban hành những mệnh lệnh không có tính khả thi và làm tình hình thêm tồi tệ.

Kết quả là nhiều ngàn người đã chết oan vì Covid, chưa kể những người chết vì đói và chết vì các bệnh khác do ngành y tế quá tải không cứu chữa được họ. Đó là còn chưa kể tới sự trả giá khác trong đó có sức khoẻ tâm thần, sự phá sản của các doanh nghiệp khiến không những chủ mà cả nhân viên sẽ điêu đứng sau dịch và sự chững lại của cả nền kinh tế mà khả năng hồi phục của nó bị xếp thứ 125/125 nước có tên trong danh sách của Nikkei từ Nhật Bản hồi cuối tháng Tám.

Hô 4.0, dùng 0.4

Các nhà lãnh đạo Việt Nam không những không chịu học những bài học chống dịch từ cả năm trước của thế giới. Họ cũng không chịu học từ chính những thất bại của họ. Chẳng hạn thành phố Hồ Chí Minh từng thay đổi chính sách giấy đi đường vào cuối tuần để áp dụng ngay đầu tuần sau đó khiến người dân xếp hàng dài chờ qua các chốt kiểm soát trong điều kiện không đảm bảo giãn cách xã hội. Thế nhưng Hà Nội vẫn đi theo vết xe đổ này nhiều tuần sau đó, ngay cả khi Đà Nẵng đã thành công trong việc cấp giấy đi đường qua mạng để hạn chế tiếp xúc khi người dân cần có giấy phép. Chuyện bắt người dân phải lên phường hay tới cơ quan công an cũng khiến người dân đặt câu hỏi liệu có phải chính quyền đang hô hào công nghệ 4.0 nhưng lại dùng công nghệ 0.4.

Một trong những bài học nữa mà Việt Nam không chịu học của thế giới là người già cần được tiêm vắc-xin trước những người trẻ tuổi vì họ dễ tử vong vì Covid hơn vài chục lần so với những người trẻ hơn họ vài chục tuổi. Nhưng “vắc-xin ông ngoại”, ông anh, ông quen biết khiến cho nhiều người già ở thành phố Hồ Chí Minh chưa kịp tiêm vắc-xin đã qua đời. Việt Nam cũng có quy trình tiêm vắc-xin kéo dài cả tiếng cho mỗi người, lâu gấp nhiều lần so với các nước có nền y tế tiên tiến trên thế giới. Điều này, cộng với sự thiếu hụt nhân lực, khiến cho quy trình tiêm vắc-xin chậm hơn nhiều so với mức cần thiết. Người ta cũng có thể đặt câu hỏi liệu có phải Việt Nam không muốn ưu tiên toàn bộ vắc-xin cho người có tuổi bởi vì họ không còn có thể đóng góp nhiều cho xã hội và nếu họ có qua đời nhà nước thậm chí còn khỏi phải trả lương hưu cho họ?

Ngoài ra Việt Nam cũng là nước hiếm hoi trên thế giới khổ vì chữ F. Hết F0, tới F1, F2… bị truy vết, bị bắt nhốt và bị kỳ thị. Chính sách bắt nhốt người lây nhiễm hay những ai tiếp xúc với người lây nhiễm khiến nhiều người mắc bệnh oan vì điều kiện cách ly không đảm bảo vệ sinh và không đủ không gian để có giãn cách xã hội đúng mức.

Điều cuối cùng Việt Nam hiểu ra quá muộn màng, sau khi hơn một vạn người đã chết vì Covid chỉ trong vài tuần, là “cuộc chiến” chống Covid không thể dùng lý luận, khẩu hiệu và hung khí. Nó cần tới não, tới khoa học và tới công nghệ. Tiếc thay cả ba thứ này của các nhà lãnh đạo Việt Nam đều thật là thiểu não. Bảo sao họ vẫn có thể chẳng sượng sùng mà nói “Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa” trong khi nước đông dân trong tốp 20 của thế giới nghiên cứu mãi chưa sản xuất ra vắc-xin và người dân bảo “vắc-xin là vác rá đi xin”./.

VOA

Phạm Minh Chính: Thủ Tướng hay Chủ tịch huyện Việt Nam?

Bài bình luận của Gió Bấc
2021-09-10

Phạm Minh Chính: Thủ Tướng hay Chủ tịch huyện Việt Nam?Thủ tướng Phạm Minh Chính với áo đẫm mồ hôi khi đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 ở TPHCM hôm 26/8/2021

 Người Lao Động

Chưa từng kinh qua quản lý nhà nước, lên ngôi ngay lúc đại dịch bùng phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã sớm chứng tỏ tài năng thiên bẩm, sự tận tâm tận lực. Trên phương tiện truyền thông, ngày nào cũng xuất hiện hình ảnh, diễn ngôn của Thủ tướng. Không như người tiền nhiệm quanh đi quẩn lại chỉ một từ “đầu tàu phát triển”, ông Chính đã có nhiều sáng tạo mới lạ. Chống dịch như chống giặc nhưng “phải đạt mục tiêu kép”, phải chủ động tấn công dịch dù trong tay không có lấy một liều vắc-xin.

Kém là thay, không lằng ngoằng!

Ngặt một nỗi, cấp thừa hành quá yếu kém. Ở TP. HCM, Nguyễn Thành Phong ngoan ngoãn tuân chỉ lệnh, cách ly phong tỏa, ba tại chỗ, một điểm đến hai con đường nhưng tư duy, tầm nhìn nông cạn, chỉ mới sáng tạo được kịch bản 100.000 ca nhiễm và bệnh viện dã chiến 50.000 giường lại còn đòi hỏi 28.000 tỉ đồng và trên 100.000 tấn gạo. Chỉ tách một phát, ông Phong được chuyển về Ban Kinh Tế TƯ nghiên cứu chính sách.

Ông Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương Vũ Đức Đam quá lỏng tay, chỉ mỗi việc phân cấp vắc-xin mà phải năn nỉ ỉ ôi các tỉnh, thành chia sẻ cho TP.HCM lại cao giọng thách thức “ai không làm được hãy đứng sang một bên”

Chỉ một ngày sau, ngày 24-8 lãnh đạo chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là và thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch. (1)

Ông Đam bị mất chức mà không được đứng sang bên như ông Phong, vẫn phải tiếp tục nằm trong Ban Chỉ Đạo.

Thương dân áo mướt mồ hôi

Quả nhiên, khi trực tiếp nắm Trưởng Ban, Thủ tướng đã đưa cuộc chiến chống dịch lên tầm cao mới với hàng đoàn Quân đội, Công an từ miền Bắc, từ Tây Nguyên với xe bọc thép, súng AK tiến vào TP.HCM hừng hực khí thế như đại thắng mùa xuân năm nào. Dây kẽm gai, hàng rào sắt dựng lên từ đường chính đến hang cùng ngỏ hẻm. “Ai ở đâu, ở đó”. “Mỗi phường xã thành một pháo đài”. Chỉ có quân đội gác đường và đi chợ hộ người dân. Làn sóng hàng vạn người lao động nhập cư các tỉnh trả nhà trọ “chạy giặc” về quê đã được bộ đội chặn đường thuyết phục phải quay về lơ ngơ tìm nơi nương náu. Hàng vạn người thiếu hiểu biết, hoang mang đi vét hàng dự trữ ùn ứ các cửa hàng cũng được quân đội, công an thuyết phục quay về.

Đường phố sạch bóng con người. Shipper ngừng hoạt động. Siêu thị, cửa hàng thực phẩm không bán trực tiếp cho khách hàng mà chỉ qua kênh mua hộ của Bộ đội. Trong vòng một ngày, kinh tế hàng hóa thị trường lạc hậu đã thẳng tiến lên kinh tế xã hội chủ nghĩa mua theo nhu cầu bán theo khả năng combo. Muốn mua cọng rau phải kèm con cá, cần mua nước mắm phải lấy tương chao. Đặt hàng hôm nay sẽ nhận ngày mai, ngày kia tùy hỉ….

Khác biệt với lãnh đạo che ô!

Hình ảnh gần dân của Thủ tướng Phạm Minh Chính lại càng ngời sáng không có gì so sánh nổi với “cái áo đẫm mồ hôi” khi đi thị sát nhiều địa điểm khác nhau ở các vùng tâm dịch.

Nó không chỉ là ẩn dụ lấn át ngọn đèn đom đóm của ai đó mà báo chí lề phải còn nhấn mạnh sự so sánh lộ liễu “tạo hẳn một sự khác biệt so với hình ảnh lãnh đạo được che ô. Nhưng điều quan trọng hơn mà người dân mong ở tất cả các cấp lãnh đạo, là phải gần dân hơn nữa để có quyết sách phù hợp thực tiễn”. (2) Chẳng biết báo chí đá xéo ai mà hiểm rứa?

Ở đây dù rất ngưỡng mộ tấm áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng nhưng cho tôi được phép thay mặt 90 triệu dân bày tỏ lòng tin yêu và thông cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc phải có người che ô thậm chí dìu đi đó chẳng qua là do tuổi cao sức yếu chứ tấm lòng vì dân, gần dân của TBT thì khó ai so sánh được. Nếu chẳng gần dân, vì dân thì Người hẳn đã vui thú điền viên chứ đâu mãi cặm cụi lao tâm khổ tứ cho công cuộc đốt lò suốt năm này qua tháng khác.

Quản trực tuyến hơn 9.000 cái pháo đài!

Chính sau những chuyến vi hành sát sao ấy, Thủ tướng đã có phát kiến vĩ đại về tầm quan trọng và trách nhiệm của xã phường. Dân cần chi cứ gọi điện cho phường. Đỉnh cao hơn nữa, Thủ tướng tận dụng công nghệ để quản lý trực tiếp xã phường. Ngày 5-9, hệ thống chỉ huy chống dịch được kết nối từ phòng làm việc của Thủ tướng đến tận cấp xã.

Với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông, hệ thống chỉ huy, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng chống dịch đã được kết nối từ nơi làm việc của Thủ tướng tới tận cấp xã, phường, thị trấn.

Chiều 5.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ (BCĐ) đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của BCĐ với các địa phương.

Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới. (3)

Mô hình Thủ tướng một đất nước gần 100 triệu dân trực tiếp chỉ đạo, quản lý kiểm tra trên 9.000 xã, phường quả là độc nhất vô nhị trên thế giới và chứng tỏ năng lực quản lý điều hành siêu việt của người lãnh đạo.

Cầu thị, tặng hũ gốm cho các nhà khoa học

Ấy vậy mà Thủ Tướng rất cầu thị, đã làm việc với 70 nhà khoa học; các giáo sư, bác sĩ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu ngành y dược học; đại diện các hội đồng khoa học và cơ quan quản lý khoa học ngành y tế lắng nghe ý kiến đóng góp cho chương trình chống dịch.

Ai như Bí thư Nguyễn Văn Nên, cả Sài Gòn chỉ mời được có chín người, đã vậy lai còn lằng nhằng góp ý sửa lưng đòi cho F0 không triệu chứng cách ly ở nhà, đòi tăng cường bệnh viện, giảm tử vong… Rách việc!

Các nhà khoa học cấp quốc gia rất sáng suốt ca ngợi tung tóe chủ trương, biện pháp chống dịch như chống giặc của Thủ tướng. Từ quyết tâm truy quét loại khỏi cộng đồng, tiêu diệt F0, phân vùng xanh đỏ đến chủ trương sống chung với dịch đều chính xác và khoa học.

Đề nghị duy nhất của họ cũng rất thiên tài và mang tầm cỡ quốc tế về đề tài mà đám khoa học của bọn tư bản giãy chết bù đều nghiên cứu hàng chục năm nay vẫn chưa làm được. Đó là: “đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho cơ sở sản xuất vắc-xin của Việt Nam nghiên cứu sản xuất vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi” (4)

Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với viễn kiến của Thủ tướng, khi làm việc với đại diện tổ chức Y tế thế giới – WHO, đã đề nghị tổ chức này giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất vắc-xin để trở thành “cường quốc sản xuất vắc-xin của khu vực”.

Thủ Tướng đã ưu ái tặng cho các nhà khoa học cái hũ sành biểu trưng cho túi khôn nhân loại. Ấy vậy mà có kẻ xấu miệng cho rằng nó giống các hũ tro cốt của nạn nhân COVID-19 tử vong.

phamminhchinhtanghugom2021.jpeg

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hũ gốm cho các nhà khoa học hôm 1/9/2021. Hình: Đảng bộ TPHCM

Nhờ mạnh tay, tử vong chỉ cao hơn thế giới 0,4%!

Nhờ sự điều hành sáng suốt của Thủ tướng, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 576.096 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chỉ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 571.745 ca,

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.470 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%). (5)

Đấy là nhờ Thủ tướng quyết liệt mạnh tay, nếu không tử vong còn cao hơn nhiều nữa vì do Bộ Y tế cảnh báo biến chủng Delta của Việt Nam nó lai từ biến chủng của Anh với Ấn độc hơn Delta thường!

Hiện nay Hà Nội đang theo gót TP.HCM truy quét, xét nghiệm diện rộng, mở thêm bệnh viện dã chiến COVID-19, không khôn ngoan sống chung với lô cốt, pháo đài chắc sẽ bị diệt nay mai. Mục tiêu số 1 kiểm soát dịch bệnh của Thủ tướng tất có ngày thành công mỹ mãn.

Chỉ có hơn 80.000 doanh nghiệp rời thị trường

Riêng cái chuyện pháo đài xã phường lại phát sinh thêm pháo đài huyện tỉnh thành nên việc đi lại vân chuyển hàng hơi khó xíu. Ấy vậy mà bọn xấu lại làm to chuyện. Nhiều hiệp hội kiến nghị lên Thủ tướng về giấy đi đường mới. Quy định cấp giấy đi đường mới khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng. (7)

Ấy nhưng có lẽ do tập trung quản lý kiểm tra các pháo đài nên kinh tế vỉ mô có vài diễn biến trong mức cho phép! Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 8/2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. (6)

Đó chỉ là chuyện nhỏ, diệt xong F0, Thủ tướng phất tay sẽ có hàng vạn doanh nghiệp khác mọc ra, doanh nghiệp của bạn vàng Trung Quốc sẵn sàng thuê đất 90 năm để ổn định lâu dài. Chẳng có gì phải ngại.

Rồi doanh nghiệp Thủy sản than khan hiếm nguồn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI cũng rộn ràng than vãn khó khăn không thể thực hiện hợp đồng có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, õng ẹo đòi chuyển địa bàn…. Mục tiêu kép phát triển kinh tế song song với chống dịch thì thôi cứ chờ đấy, đến nhiệm kỳ hai không đạt được thì nhiệm kỳ ba. Có chi phải vội?

Ấy vậy mà vẫn còn trục trặc nhỏ là bọn xấu hay dùng thỉ đoạn chống phá.

Bọn xấu bày chuyện bom hàng!

Ngày 24/08, ngay khi bộ đội đi chợ hộ dân, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong buổi livetream “Dân hỏi thành phố HCM trả lời” đã tố cáo nhiều người dân Sài Gòn bom hàng làm khó bộ đội, nhiều thế lực lợi dụng mạng xã hội để gây chia rẽ tình quân dân cá nước thắm thiết làm mấy ngày sau hình ảnh bộ đội tay súng tay hàng cho dân không còn xuất hiện trên báo đài.

Thủ tướng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi ‘bom hàng’ đi chợ hộ tại TP.HCM gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc. (8)

Ấy vậy mà Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TPHCM dám trả lời rằng “Công an thành phố rà soát các công ty vận chuyển hàng đều nhận thông tin chưa phát hiện tình trạng “bom hàng”. (9). Y còn đỗ lỗi do giao hàng chậm người mua đã dời đi chỗ khác, do giao hàng không đúng ý đặt mua …. cứ như bộ đội của ta có lỗi, …

2021-08-24T072550Z_1990009180_RC2IBP90EH42_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM.JPG

 

 

Bộ đội giao hàng tại nhà người dân ở TPHCM hôm 24/8/2021. Reuters

Tay công an này quả là bọn xấu!

Đã vậy báo chí TP. HCM còn tung tin thất thiệt cho rằng “Tại TP.HCM, một số mặt hàng thực phẩm chế biến có hiện tượng thiếu hàng. Các nhà cung ứng cho biết gặp khó khăn về nguyên liệu và lao động nên khó đáp ứng đủ nhu cầu thị trường”. (10)

Tượng Nữ Thần Tự Do lội bộ sang VN trốn dịch!

Tức thật, Thủ Tướng đã mướt mồ hôi dựng pháo đài chống dịch. Bộ trưởng Phan Văn Giang hùng hồn tuyên bố chưa hết dịch chưa về ấy vậy mà bọn xấu vẫn cứ đặt điều. Thủ Tướng quản lý sâu đến tận 9.000 xã phường bằng công nghệ ấy vậy mà có kẻ hoài nghi bảo quản lý xã phường Phạm Minh Chính không đáng Thủ tướng chỉ tầm Chủ tịch quận Việt Nam?

Chúng còn bảo chỉ cái giấy phép đi đường từ TP.HCM đến Hà Nội đổi đi cấp lại bốn năm lần theo công nghệ 0.0 gây ùn tắt, vi phạm 5 K, làm lây nhiễm dịch mà diễn tuồng Thủ tướng quản lý xã phường bằng công nghệ 4.0.

Bọn xấu còn kích động cho bác sĩ, hộ lý tuyến đầu bỏ việc than van, đòi chính sách, đòi chế độ bảo hiểm an toàn. Chờ nhé, quét sạch F0, Thủ tướng sẽ nghiền nát, tiêu diệt bọn mày như tiêu diệt COVI!!!

Đừng đùa! Nói sống chung với dịch là Thủ tướng chỉ mẹo đánh lừa cho COVID chủ quan thôi chứ sống chung với dịch là sống chung thế nào? Ông ngoáy toét mũi hết 90 triệu dân đen thì COVID có đường lên trời mà sống. Năm trước Nguyễn Xuân Phúc bất quá ăn may với con Alpha tầm thường. Thiên tài như Thủ Tướng Phạm Minh Chính thì không chỉ cây cột đèn mà cả đến tượng Nữ Thần Tự Do cũng phải xách dép chạy qua Việt Nam./.

RFA

—————————————–

Tham khảo:

1-https://tienphong.vn/thu-tuong-lam-truong-ban-chi-dao-quoc-gia-phong-chong-dich-post1369221.tpo

2-https://danviet.vn/tu-cai-ao-dam-mo-hoi-cua-thu-tuong-nghi-ve-nhung-quyet-sach-gan-dan-20210828110958634.htm

3-https://1thegioi.vn/he-thong-chi-huy-chong-dich-duoc-ket-noi-tu-phong-lam-viec-cua-thu-tuong-den-tan-cap-xa-171271.html

4-https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/thu-tuong-pham-minh-chinh-gap-mat-cac-nha-khoa-hoc-nganh-y-te-662755/

5-https://covid19.gov.vn/toi-9-9-viet-nam-ghi-nhan-12420-ca-mac-covid-19-va-12523-benh-nhan-khoi-171210909185604694.htm

6-https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/hon-85-000-doanh-nghiep-roi-bo-thi-truong-moi-thang-hon-10-nghin-doanh-nghiep-rut-lui-770151.html

7-https://zingnews.vn/nhieu-hiep-hoi-kien-nghi-len-thu-tuong-ve-giay-di-duong-moi-post1255198.html

8-https://tuoitre.vn/thu-tuong-de-nghi-bo-cong-an-xu-ly-nghiem-hanh-vi-bom-hang-di-cho-ho-tai-tphcm-20210906114524485.htm

9-https://vnexpress.net/ly-do-nhieu-don-hang-di-cho-ho-khong-co-nguoi-nhan-4353381.html

10-https://zingnews.vn/nguy-co-dut-nguon-cung-mi-goi-va-do-hop-o-tphcm-post1260058.html

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen