Seite auswählen

CHIẾC LƯ HƯƠNG DƯỚI CHÂN TƯỢNG ĐỨC THÁNH TRẦN

 

Tương Lai

CHIẾC LƯ HƯƠNG DƯỚI CHÂN TƯỢNG ĐỨC THÁNH TRẦN

(bài có 9 trang, bấm vào mũi tên chỉ xuống dưới để đọc tiếp)

Chiếc lư hương Đức Thánh Trần – “Trời còn để có hôm nay…”

 

 

Chiếc lư hương bị dời đi khỏi tượng đài Đức Thánh Trần từ ngày 17 Tháng Hai 2019. Cũng ngần ấy thời gian, nhiều sóng gió xảy ra với TPHCM, khiến người ta càng dồn sự chú ý vào chiếc lư kia. Nhiều chiếc ghế quan trọng bất ngờ bị rời đi như chiếc lư kia vậy.

Ngay từ khi chiếc lư hương bị chuyển đi, dân chúng Sài Gòn đã không ngớt phản ứng, dù một số nhà văn hóa, nhà khoa học cố gắng giải thích tượng đài không phải chỗ thờ cúng thắp nhang.

Nhưng khi dân chúng thấy tượng Thánh không chỉ là tượng đài và chiếc lư là vật thiêng thì đó chính là tâm thức cộng đồng kết nên sự linh thiêng ấy. Hương khói cũng chỉ là hương khói, nhưng một khi nó được thắp lên trước dòng chữ “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”, thì lại là một tâm thức cộng đồng hoàn toàn khác.

Đây cũng gọi là nhất thiết duy tâm tạo. Và vì thế người xưa mới nói “để hòn đất, cất ông Bụt”. Để thì tùy tiện, nhưng cất thì tôn kính. Hai hành động của hai tâm thức khác nhau, tùy ta chọn cho các ứng xử xã hội vậy.

Rõ ràng, chúng ta sống trong vô vàn tâm thức và cảnh giới khác nhau. Cái anh cho là thiêng thì tôi không thấy thiêng. Và ngược lại. Điều đó là bình thường, nhưng không vì bình thường mà tôi đạp đổ bàn thờ linh thiêng của anh. Cho nên con người mới có tâm thức văn hóa, tâm thức tổ tiên, tâm thức nguồn đạo, tâm thức dân tộc, tâm thức thời đại…

Tứ Thánh địa của Phật giáo cũng chỉ là vật chất gỗ đá gạch. Nó có thể tự nhiên biến mất bằng động đất, lũ lụt… Nhưng chính quyền nào thử phá hủy nó xem. Bởi chính hành động phá hủy có thể khởi nguồn cho những tai ương bất ổn xã hội trầm trọng.

Nhìn vào nhân quả là nhìn vào tương quan tâm thức xã hội ấy. Có những thứ giáo lý Phật giáo, Công giáo đi vào vùng văn hóa này phải uyển chuyển dung hóa. Cho nên pháp Phật mới có cao thấp, mới tùy xứ, tùy thời, tùy căn cơ mà thể hiện.

 

 Chiếc lư hương khi chưa bị dời đi (ảnh chụp ngày 28 Tháng Tám 2006 – Chau Doan/LightRocket/Getty Images)

Vì sao thời kỳ đầu tăng đoàn duy trì hình thức truyền y bát. Cái y cái bát kia thì giác ngộ thế nào được cho ai, nếu nó giác ngộ được cho chúng sinh thì chỉ cần cho mỗi người ôm một cái là chứng quả khỏi cần nhọc lòng giảng giải tu tập làm chi. Nhưng nó là y cứ cho giải thoát, vì thế sư tăng mới phải cạo đầu, khoác y… Y bát Phật truyền dù vô tri nhưng là tướng của giải thoát. Và vì thế mới nói y phục xứng kỳ đức.

Xin đừng ban phép màu một cách vội vàng cho chiếc lư hương của Đức Thánh Trần, nhưng chỗ nào đã là bàn thờ thì đừng nên xâm phạm. Nếu dân Việt mỗi người còn có một chỗ linh thiêng cất giữ trong lòng, thì e gì mọi sự không phải linh tại ngã bất linh tại ngã. Tâm chuyển thì cảnh sẽ chuyển theo thôi. Họa hay phúc cũng vậy, đều ở nơi tâm này mà ra cả.

Chúng ta đang sống ở cõi người, lại sống ngay cạnh người hàng xóm bất hảo mà chúng ta còn nơm nớp lo âu, huống gì cõi tam giới này có trời, thần, quỷ, Càn thát bà, A tu la, Dạ xoa, Ma hầu la già, phi nhân… cùng cộng nghiệp sinh sống. Cái chúng ta không thấy không có nghĩa nó không có, bởi trời đất con người, núi sông vạn vật đều là Phật tính-Pháp tính bao trùm. Thấy Phật là thấy tương quan của vạn pháp không tách rời ấy.

Chiếc lư hương có thiêng không còn xem cách người ta “để” hay “cất” nó thế nào. Nhưng chuyện “vật về chủ cũ”, chẳng phải cũng là chuyện mừng “trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” hay sao ạ?

 

Lư hương của Đức Thánh Trần

 

FB Đỗ Duy Ngọc

18-2-2019

 

Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã được lịch sử và nhân dân phong Thánh. Và Đức Thánh theo đạo lý nhân gian từ xưa đến nay hiện diện ở đâu thì ở đó có lư hương để nhân dân chiêm bái và thắp nén hương để tưởng nhớ và ghi nhớ công ơn của ngài đối với dân tộc này.

Bây giờ, để ngăn chận những người đến kỷ niệm và ghi ơn những chiến sĩ, những anh hùng của dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ tấc đất của cha ông 40 năm trước trước họng súng của bè lũ xâm lược Trung quốc, bà Trần Kim Yến, bí thư quận nhất đem xe cẩu lư hương đi và cho rằng dời về đề thờ ở đường Võ Thị Sáu thì mới đúng vì công viên không phải là nơi thờ phụng.

Đó là cách nguỵ biện dối trá và ti tiện. Đó cũng là ngôn ngữ của kẻ vô đạo đi ngược lại với tâm linh của nhân dân đối với một vị Thánh đã từng đánh cho tan nát bọn giặc bắc phương.

Khi cẩu lư hương và cho xe rác vây quanh tượng đài của Đức Thánh Trần, các người đã tỏ rõ thái độ của lũ người hèn nhát trước kẻ thù, các người đã xâm phạm lòng tôn kính tổ tiên, các người đã phản bội lại những người anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình để đất nước này tồn tại và các người có chỗ ngồi quyền lực như hôm nay.

Hàng ngàn người lính cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được xác. Xương cốt của các anh, dòng máu đỏ của các anh đã thấm vào lòng đất, thế mà nén hương tưởng nhớ các người không cho thắp, vòng hoa tưởng niệm các người cũng không cho dâng. Các người còn là người Việt Nam không? Các người còn mang dòng máu của dân tộc này không?

Khi xây tượng đài này, cái chính quyền mà các người gọi là nguỵ đó đã tạo một lư hương, và lư hương này đã có mặt ở đó từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Đã một thời gian dài hơn nửa thế kỷ, đã gần 44 năm rồi các người có mặt ở thành phố Sài Gòn, sao các người không di dời, lại chờ cho đến ngày có người muốn thắp nén nhang tưởng niệm để nhắc lại nỗi đau thương mất mát nhưng cũng rất oai hùng của một cuộc chiến tranh chống bọn xâm lược Trung quốc, các người mới cuống cuồng lo sợ dời đi với những lời thanh minh chẳng ai thuận nhĩ.

Các người có thể hèn hạ khom mình sợ hãi trước kẻ thù nhưng nhân dân không hề run sợ. Nhân dân không bao giờ hèn nhát trước bất cứ thế lực xâm lược nào. Lịch sử không thể dấu giếm, không thể bóp méo, lịch sử ghi nhận mối thù này, nhân dân nuôi mãi căm thù này. Các người có thể giấu lư hương nhưng trong lòng nhân dân lúc nào cũng mãi thắp sáng nén nhang tưởng niệm.

Làm lãnh đạo mà hành động đốn mạt, dối trá, ngu si và ti tiện đến thế thì dân làm sao có thể có lòng tin. Yêu nước và thể hiện lòng yêu nước mà là một tội lỗi thì những trang sử của thời đại này sẽ ghi lại những gì? Hay chỉ là những trang mãi quốc cầu vinh?

Nhân dân Sài Gòn và nhân dân cả nước yêu cầu chính quyền thành phố này mang trả lại chiếc lư hương trở về vị trí cũ, nơi lư hương đã có mặt hơn nửa thế kỷ nay. Nếu không làm được thế, không những các người xâm phạm anh linh đối với Đức Thánh Trần mà còn đi ngược lại lòng dân.

 

 

Chiếc lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần, có mặt ở Saigon từ thập niên 1960. Ảnh: Ron Ryan

 

 

Bà Trần Kim Yến, bí thư quận nhất, người cho xe cẩu lư hương của Tượng Đức Thánh Trần. Ảnh trên mạng

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen