Seite auswählen

Jackhammer Nguyễn

19-10-2021

Câu chuyện các kênh YouTube của ông Ngụy Vũ bị YouTube cấm vì đưa tin vịt, làm tôi tò mò vào trang Facebook của ông ta, cũng như một cộng sự của ông là Ken Phạm để xem. Cả hai đều thực hiện những live stream trên Facebook, số người tương tác không đông như kênh YouTube, nhưng có cùng một mẫu số chung là mức độ sùng bái của họ (tôi không dám nói đến chữ cuồng tín). Họ tin tất cả những gì mà hai người này nói ra.

Điều này làm tôi nhớ tới bài phân tích của nhà báo Max Fisher, trên báo New York Times, nói về thời đại của thông tin sai lệch. Tác giả cho rằng, đối với những người nghe tin vịt, chuyện tin ấy có thật hay không là điều không quan trọng, điều quan trọng ở những người này là, khi tin như vậy, họ cảm thấy sung sướng vì họ thuộc về một cộng đồng nào đó.

Trên các phương tiện truyền thông, có hai nội dung chúng ta cần phân biệt đó là tin tức và quan điểm. Tin tức là những gì đã và đang xảy ra, rất cụ thể: Ai, ở đâu, lúc nào, vì sao… Chẳng hạn như ngày 18/10/2021, ông Colin Powell, cựu ngoại trưởng Mỹ qua đời tại một quân y viện ở bang Maryland, vì những biến chứng liên quan đến Covid, đó là tin tức.

Còn quan điểm là những ý kiến chủ quan, ví dụ như khi nhà nước cộng sản Việt Nam ban hành chính sách truy quét cái mà họ gọi là F0 để chống dịch Covid. Có những người nói làm như vậy là tốt, những người khác nói là không tốt. Hai quan điểm này chưa được chứng minh là đúng hay sai vào lúc đó. Sau bốn tháng giới nghiêm, người ta mới biết rằng quan điểm ủng hộ truy quét F0 là cách làm sai, vì nó dẫn tới nhiều người lây nhiễm và chết vì Covid.

Còn một loại bài nữa là phân tích, để đưa đến một quan điểm. Chuyện phân tích cũng có những cách khác nhau, dựa trên khả năng, kinh nghiệm của người phân tích, cũng như những số liệu mà họ có. Sẽ có những phân tích sai và những phân tích đúng.

Thế còn tin vịt là gì? Rất đơn giản, tin vịt là thông tin sai sự thật, hoặc những tin không hề tồn tại. Ví dụ như ông Trump bảo rằng ông Obama sinh ra ở Kenya. Đây là tin vịt vì trên thực tế, ông Obama sinh ra ở Hawaii, có giấy khai sinh ở một bệnh viện tại đây.

Hay như một tin vịt khác lan truyền rất mạnh sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở Mỹ mà nhiều người Việt tin theo, đó là “biệt kích Mỹ đột nhập vào một công ty điện toán ở Đức, thu giữ những tài liệu gian lận bầu cử”! Thực tế chuyện này không hề xảy ra, cứ xem chuyện an ninh VN qua Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, gây ra khủng hoảng ngoại giao như thế nào, để thấy rằng chuyện “biệt kích Mỹ đột nhập vào một công ty điện toán ở Đức” là chuyện bịa.

Tuy nhiên, có những trường hợp đánh đồng quan điểm với tin vịt, khi một số người nghe một quan điểm mà họ không thích, họ bèn cho đó là tin vịt. Và đây là điều mà ông Trump cùng các đồng minh của ông ta tấn công vào hệ thống truyền thông Mỹ, làm cho những ủng hộ viên của họ lên án các quan điểm của các cơ quan truyền thông này là fake news, mà thật ra đó chỉ là quan điểm, chứ không phải là news (tin tức).

Nhưng ngày nay, khi người Việt nghe tin vịt từ các YouTube của ông Ngụy Vũ, hay người Mỹ nghe YouTube của Alex John, chuyện phân biệt tin tức và quan điểm đối với họ không thành vấn đề. Họ cảm thấy rằng, cho dù biết đó là tin vịt, nhưng khi tin vào những điều không có thật như vậy, họ thuộc về một nhóm nào đó, đứng chung với một lãnh tụ nào đó.

Hãy nhìn vào hình ảnh một nhóm phụ nữ mặc áo dài Việt Nam đứng chụp hình với ông Ngụy Vũ, hay họ chụp chung với nhân vật sừng bò nổi tiếng của QaNon, có thể thấy rằng những người phụ nữ này sung sướng tới mức nào.

Nhiều người Mỹ da trắng tin vào tin vịt, vì họ bị mất việc làm, chới với với sự phát triển của xã hội Mỹ gắn chặt vào toàn cầu hóa, cho rằng những di dân lạ lẫm từ nơi khác tới đang lấy mất việc làm của họ. Nhiều người Việt ở Mỹ, bơ vơ và không hiểu chuyện gì đang xảy ra xung quanh, bám ngay lấy những nguồn tin vịt.

Người Việt trong nước thất vọng vì kiểu tuyên truyền (quan điểm) của truyền thông cộng sản, cũng bám chặt vào các nguồn tin vịt. Đã có những khuôn mặt bất đồng chính kiến rất nổi tiếng ở Việt Nam lại tin vào các loại tin vịt của QAnon, Đại Kỷ Nguyên,… một cách dễ dàng!

Đối với một số người Việt, có thể họ còn có một khát khao nữa là, họ mong mỏi tìm một lãnh tụ, cho nên họ rất tin vào những “strong men” tung tin vịt. Mà thật ra, một số người Mỹ cũng có thể có nỗi khát khao đó khi họ tin Donald Trump như điếu đổ.

Tin vịt bắt đầu nở rộ khi Facebook, Twitter, YouTube… ra đời, vì bất cứ ai cũng có thể “đưa tin”, bình luận trên các mạng xã hội này và nó đến với đại chúng nhanh như chớp. Những công ty này được tạo ra vì mục đích lợi nhuận quảng cáo, họ cảm thấy không có trách nhiệm kiểm soát tin vịt. Chỉ đến khi tin vịt gây ra tai hại quá lớn cho xã hội, như chuyện Trump kích động cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021, thì Facebook, Twitter, YouTube mới bịt miệng ông ta lại.

Trường hợp ông Ngụy Vũ, dù tin vịt của ông ta lan truyền như dịch Covid trong mấy năm qua, nhưng không đến được tai những người có trách nhiệm của YouTube vì nó được phát bằng tiếng Việt, cho một cộng đồng thiểu số bé nhỏ. Chỉ đến khi sự việc này được nhóm The Interpreter của các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt đưa lên trên kênh HBO của truyền thông đại chúng Mỹ, YouTube mới ra tay.

Nhưng nghĩ cho cùng, việc lan truyền tin vịt cũng có phần lỗi rất lớn của các cơ quan truyền thông dòng chính (main stream), tức là các cơ quan truyền thông ở các xã hội dân chủ phương Tây, chứ không phải của các quốc gia cộng sản, vì ở các nước cộng sản, thật sự không có truyền thông, mà chỉ có các loa tuyên truyền của đảng cộng sản cầm quyền.

Truyền thông chính mạch đã không biết đến những vấn đề hệ trọng đang xảy ra ở các cộng đồng nghe tin vịt. Người Mỹ ở các vùng công nghiệp lỗi thời miền Trung Tây, hay những người nông dân trồng đậu nành, không thấy báo chí chính mạch nói gì về cuộc sống của họ cả. Chẳng có nông dân nào đang thất bát mùa đậu nành lại quan tâm đến tình hình Afghanistan, cũng như chẳng có người di dân Cuba nào ở Florida đang rối đầu tìm việc làm, lại quan tâm đến vấn đề đồng tính ở San Francisco.

Đối với những người dân bị bỏ quên này, giới truyền thông thuộc về một tầng lớp xa cách họ, mà nói theo ngôn ngữ của những người cộng sản là… “xa rời quần chúng”. Đây là nơi mà những kẻ như Trump, Alex John, hay Ngụy Vũ nhảy vào, dần dà biến giới truyền thông thành kẻ thù của những người bị bỏ quên.

Đối với một số người Việt ở Mỹ, tình trạng còn tồi tệ hơn khi không có được các kênh thông tin đàng hoàng bằng ngôn ngữ của họ. Vì lý do này hay lý do khác, các kênh truyền thông tiếng Việt có uy tín từ trước đến nay như Người Việt, BBC, VOA, RFA, RFI đã không hoàn thành trách nhiệm của mình, như một bài viết của trang Viet-Studies gần đây nêu ra.

Các cơ quan truyền thông chính mạch đang nỗ lực kiểm tra sự chính xác của thông tin, bên cạnh các biện pháp dù muộn màng nhưng cần thiết của Facebook, YouTube, Twitter,… cũng như sự xuất hiện các nhóm kiểm tra tin tức của các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt, tạo nên hy vọng là tin vịt vẫn chưa làm loạn được cả thế giới này.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là, cần phải đến với những người bị bỏ quên, như nhóm The Interpreter của những bạn trẻ người Mỹ gốc Việt đã và đang thực hiện./.

Tiếng Dân