Seite auswählen

Ông Bùi Tuấn Lâm bắt chước động tác của Salt Bae khi phục vụ món bò dát vàng cho Bộ trưởng Tô Lâm  Chụp màn hình video

Hôm 16 tháng 11, công an Đà Nẵng tới tận nhà trao giấy triệu tập cho ông Bùi Tuấn Lâm, sự việc diễn ra chỉ năm ngày sau khi ông Lâm đăng một video lên trên trang Facebook cá nhân nhại lại động tác của “thánh rắc muối” Salt Bae khi phục vụ món bò dát vàng đắt đỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Phía công an không đưa ra lý do chi tiết về lần triệu tập này, nội dung duy nhất liên quan đến lệnh triệu tập được đề cập trong văn bản là “để làm việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra, xử lý nguồn tin tội phạm”.

Video quay lại quang cảnh buổi làm việc với công an sáng ngày 16 tháng 11 do ông Lâm cung cấp cũng cho thấy cho dù đương sự yêu cầu phía công an giải thích rõ lý do triệu tập, nhưng hai sĩ quan công an xuất hiện trong video vẫn không đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Bùi Tuấn Lâm cho biết về sự việc:

Sáng nay người ta có ghé qua nhà, đi gồm có hai nhân viên của cơ quan an ninh thành phố Đà Nẵng, đi chung với lại một anh cảnh sát khu vực, rồi đương nhiên không thiếu những an ninh thường phục đứng ở ngoài quay phim.

Lần này họ đưa cho tôi giấy triệu tập, cũng với nội dung là yêu cầu tôi lên làm việc với cái vấn đề là cung cấp thông tin về xử lý tội phạm, mở ngoặc đóng ngoặc là theo điều 188 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Thì tôi từ chối và nói là nếu như thay đổi nội dung trong giấy triệu tập, ghi một cách rõ ràng hơn thì tôi sẽ làm việc, tại vì theo nguyên tắc khi mà đưa giấy triệu tập thì phải thể hiện rõ ràng ở trên đó là cái vụ án nào, người nào bị khởi tố và cái mức độ liên quan của mình ở trong đó chứ không thể nào ghi kiểu chung chung như vậy.”

Sau khi nghe phần lập luận của ông Lâm, phía công an đe dọa rằng nếu ông không hợp tác thì sẽ bị cưỡng chế áp giải sau ba lần gửi giấy triệu tập.

Ông chủ xe bún bò hôm 10-11 đăng tải lên trang Facebook cá nhân một video, trong đó ông tự gọi mình là “thánh rắc hành”, một hình thức nhại lại động tác rắc muối của đầu bếp nổi tiếng Salt Bae trong vụ lùm xùm phục vụ một quan chức cộng sản Việt Nam gần đây.

Tuy nhiên, ông Bùi Tuấn Lâm nhận định rằng video trên có thể không phải là lý do chính dẫn đến lệnh triệu tập này, mà trên thực tế phía công an đã gửi giấy mời lên làm việc đến ông từ cách đây nhiều tháng, nhưng cũng vì nội dung không rõ ràng và do dịch bệnh nên ông liên tiếp từ chối.

Việc thực hiện video bắt chước hành động rắc muối đó, theo ông Lâm, có chăng chỉ khiến phía công an cảm thấy thêm phần tức tối, ông nói:

Với tôi thì tôi nghĩ rằng cái clip đó, nếu như có (ảnh hưởng) gì thì cũng chỉ là cái sự bức bối trong cái việc họ đi đưa giấy triệu tập thôi, chứ còn tôi nghĩ thì cái giấy triệu tập này nó đã có trong cái suy nghĩ của người ta từ trước rồi chứ không phải vì tôi làm cái clip này mà bị triệu tập.

Dù không cho rằng hành động bắt chước thánh rắc muối của bản thân, đặc biệt là trong bối cảnh vụ việc Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng đang gây xôn xao dư luận, là nguyên do chính của việc bị triệu tập, nhưng ông Bùi Tuấn Lâm không thể tìm ra nguyên do nào khác dẫn đến việc bản thân bị phía công an tìm đến.

Được biết đến với cái tên Peter Lâm Bùi trong giới hoạt động xã hội ở Việt Nam, ông Bùi Tuấn Lâm từng là một trong những nhà hoạt động năng nổ trong các vấn đề như nhân quyền, dân oan, hay thiện nguyện.

RFA (16.11.2021)

 

Thêm người bị án tù nặng với cáo buộc chống Nhà Nước

Ông Nguyễn Trí Gioãn tại phiên xử ngày 15/11/2021 Courtesay TTXVN

Ông Nguyễn Trí Gioãn, 42 tuổi, ở phường Cam Thuận, Thành phố Cam Ranh vào ngày 15/11 bị Tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên án bảy năm tù giam với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo khoản 1, Điều 117, Bộ Luật Hình sự.

Thông tấn xã Việt Nam  dẫn cáo trạng cho rằng ông Nguyễn Trí Gioãn vào tháng hai năm 2018 đã lập một tài khoản Facebook cá nhân và kết bạn với nhiều tài khoản của người có quan điểm chính trị bị cho là ‘phản động’.

Trên tài khoản cá nhân, ông Gioãn đăng công khai nhiều hình ảnh tự sáng tác, sưu tầm và chia sẽ của những bạn bè trên mạng. Những bài viết mà ông Gioãn sáng tác và sưu tầm dưới dạng thơ và hình ảnh cắt ghép bị cho là có những lời lẽ, ý nghĩa nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, phỉ báng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Trí Gioãn còn được nói tham gia biểu tình tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 6/2018 để phản đối dự luật Đặc Khu Kinh tế. Vào tháng 8/2018, ông bị Công an Thành phố Cam Ranh triệu tập làm việc và bị phạt 750 ngàn đồng về hành vi ‘tập trung đông người nơi công cộng.’

Cáo trạng còn nêu, đến cuối năm 2019, ông Nguyễn Trí Gioãn lập thêm một tài khoản Facebook khác và đăng tải những nội dung tương tự như tài khoản Facebook cũ.

Với trường hợp ông Nguyễn Trí Gioãn, từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã kết án ít nhất 14 người theo Điều 117, Bộ Luật Hình sự. Tổng cộng những người bị án tù chính trị trong năm cho đến lúc này ít nhất là 34 người.

RFA (15.11.2021)

 

 

Công an Cần Thơ dọa mở chiến dịch trấn áp người chỉ trích trên mạng xã hội

Hôm 15 tháng 11, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ tuyên bố sẽ mở chiến dịch trấn áp tội phạm trong thời gian tới, đặc biệt là những người chỉ trích nhà nước trên mạng xã hội được cho là một “loại tội phạm”.

Giám đốc công an thành phố Cần Thơ dọa không khoan nhượng với các tiếng nói bất đồng .  báo Công an Nhân dân/RFA edited

Trong cuộc phỏng vấn được báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đăng tải cùng ngày, người đứng đầu lực lượng công an Cần Thơ cho rằng khi thành phố mở cửa sau đại dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì tình hình tội phạm cũng thay đổi và cần phải đối phó.

Điều đáng chú ý là trong một loạt các loại tội phạm được ông Thuận nêu ra và nhấn mạnh cần phải xử lý thì các chỉ trích nhắm đến Nhà nước trên mạng xã hội được ông nhắc đến đầu tiên.

Cụ thể, ông này nói rằng “các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động” sẽ có những “diễn biến phức tạp”. Giải thích rõ hơn, ông cho rằng sẽ có những người “lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, đăng tải trên mạng xã hội những thông tin sai sự thật nhằm chống phá.”

Đây là cách nói thường thấy của quan chức Nhà nước dùng để chỉ những tiếng nói bất đồng, hoặc phản biện trên mạng xã hội.

Trước đó, hồi tháng 10 năm 2021, công an Cần Thơ bắt ông Võ Hoàng Thơ vì cáo buộc ông này sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải các bài viết bị cho là “xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước”.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Chung Hoàng Chương, một người dân Cần Thơ từng bị kết án 18 tháng tù vì bày tỏ quan điểm về vụ việc Đồng Tâm trên Facebook, cho biết quan điểm của ông về nguy cơ bị bỏ tù vì lên tiếng trên mạng xã hội, ông nói:

Nói chung là như trước đây mình tham gia trên Facebook thì mình đăng bài, mình chỉ nghĩ là mình cất lên tiếng nói thứ nhất là phản biện, thứ hai nữa là cái đó là suy nghĩ riêng cá nhân của mình, cho nên là nó không đến nỗi là phải đi tù đi tội.

Nhưng mà khi mà mình bị bắt và mình bị kết tội thì mình cảm thấy là cái luật pháp của Việt Nam rất là dễ diễn giải.

Thí dụ như là mình nói là rác nhiều quá, rác đầy đường, rác ngoài xã hội cũng nhiều. Thì nếu người bình thường nghe vậy thì sẽ nghĩ là người này đang nói về các vấn đề bức xúc, không hay trong xã hội. Nhưng mà nhà cầm quyền thì lại cho rằng đó là mình chê bai hay là mình phỉ báng chính quyền.

Thành ra cái chuyện mà mình đăng, mình suy nghĩ đó là lẽ phải nhưng mà khi bị kết tội thì mình cũng không ngờ đâu.

Ông Chung Hoàng Chương bị công an Cần Thơ bắt tạm giam hồi tháng 4/2020. Ảnh: Công an Cần Thơ

Cựu tù nhân lương tâm vừa ra tù hồi tháng 6 năm nay cũng cho rằng, chính quyền vẫn thường trấn áp các tiếng nói phản biện, nên tuyên bố của ông Giám đốc Công an Nguyễn Văn Thuận là không có gì mới và trong bối cảnh mà luật pháp có thể bị diễn giải theo nhiều cách như hiện tại thì người sử dụng mạng xã hội nên cẩn trọng.

Hôm 28 tháng 10, một tòa án ở Tây Đô cũng đã xét xử và tuyên án 14 năm sáu tháng tù đối với các thành viên của nhóm Báo Sạch, những hành vi phạm tội được nêu trong cáo trạng của các nhà báo này là tạo Fanpage và đăng tải thông tin trên mạng xã hội Facebook.

Bình luận về việc liệu trấn áp người bảy tỏ quan điểm trên mạng xã hội sẽ khuất phục được người dân, ông Chung Hoàng Chương cho biết những vụ bắt bớ có thể khiến người dân im lặng, nhưng im lặng không có nghĩa là người dân không biết gì, ông nói:

Thời buổi bây giờ là thế giới nó phẳng rồi, lên mạng xã hội hoặc là coi tin tức này kia phân tích tình hình trong nước ngoài nước. Rồi là ở những cái nước tiên tiến người ta như thế nào, ở nước mình như thế nào, thành ra đa số người dân mình đã có sự hiểu biết nhiều rồi. Cho nên dù mình thấy cho dù họ không đăng lên Facebook thì họ chắc cũng hiểu, biết. Nhưng mà tại vì người ta biết nhưng mà người ta không dám nói.

Theo một thống kê không đầy đủ của Đài Á Châu Tự Do, từ đầu năm 2021 đến nay cơ quan An ninh điều tra của Việt Nam bắt tạm giam khoảng 40 người bất đồng chính kiến, phần đông bị cáo buộc tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước”.

Quốc gia Đông Nam Á này được tổ chức nhân quyền Freedom House có trụ sở tại Mỹ xếp vào nhóm các nước “không có tự do”.

RFA (15.11.2021)

 

 

Khánh Hòa bỏ tù Facebooker Nguyễn Trí Gioãn vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Ông Nguyễn Trí Gioãn tại phiên xét xử của tòa án tỉnh Khánh Hòa, 15/11/2021.

Tòa án của tỉnh Khánh Hòa hôm 15/11 tuyên án 7 năm tù giam đối với ông Nguyễn Trí Gioãn, 42 tuổi, sau khi tòa đi đến kết luận rằng ông phạm tội “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, báo chí trong nước loan tin.

Ông Gioãn sẽ còn phải thi hành hình phạt bổ sung là bị quản chế tại nơi cư trú trong thời hạn 3 năm sau khi ông mãn hạn tù, theo bản án của tòa, được báo chí Việt Nam dẫn lại.

Theo tìm hiểu của VOA, ông Gioãn, một nông dân làm nghề nuôi trồng thủy sản, bị bắt hồi tháng 1 năm nay.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết ông Gioãn lập một tài khoản Facebook cá nhân hồi đầu năm 2008 và sau đó “công khai đăng tải, chia sẻ 6 bài viết, nhiều hình ảnh tự sáng tác, sưu tầm, chia sẻ từ bạn bè trên Facebook, các trang web để thể hiện quan điểm chống nhà nước”.

Vẫn bản cáo trạng nói rằng các bài viết do ông Gioãn sáng tác, sưu tầm “có lời lẽ, ý nghĩa thô tục nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, phỉ báng sự lãnh đạo” của đảng, nhà nước Việt Nam và cố lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Các báo trong nước, dẫn lại thông tin đưa ra tại phiên tòa, tường thuật rằng hồi tháng 8/2018, công an thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã triệu tập ông Gioãn để làm việc về các nội dung đăng trên Facebook.

Khi đó, ông “thừa nhận hành vi sai trái” và “cam kết sẽ tự gỡ bỏ”, “không tái phạm” và xin “không xử lý hình sự”, theo các bản tin trong nước.

Nhưng đến cuối năm 2019, ông Gioãn lập thêm 1 tài khoản Facebook cá nhân mới và đăng, chia sẻ 7 bài viết và nhiều hình ảnh “xuyên tạc lịch sử, đả kích, bôi nhọ, lăng mạ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh và các lãnh đạo đảng, nhà nước”, báo chí Việt Nam viết, trích dẫn thông tin của tòa án.

Việc làm của ông Gioãn bị tòa xem là “nguy hiểm cho xã hội” và “kích động tư tưởng, hành động chống đối nhà nước”, do đó, tòa đã tuyên mức án 7 năm tù.

Liên quan đến phiên xét xử ông Gioãn, luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết trên Facebook cá nhân hôm 15/11 rằng ông làm hồ sơ đăng ký bào chữa cho ông Gioãn cách đây khá lâu nhưng phía công an từ chối với lý do “giữ bí mật điều tra”.

Sau đó, hồ sơ được gửi tới Viện Kiểm sát và vị luật sư không nhận được thông báo nào cho đến chiều hôm thứ Sáu 12/11 mới nhận được tin báo phiên tòa được tiến hành lúc 7h30 sáng thứ Hai 15/11, nên vị luật sư có văn phòng ở thành phố Hồ Chí Minh không thể tham gia phiên tòa và bào chữa cho ông Gioãn.

Như VOA đã đưa tin, thời gian qua, chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp các tiếng nói chỉ trích, bất đồng, liên tục bắt bớ và bỏ tù nhiều nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền cũng như những nhà tranh đấu trực ngôn khác.

Tổ chức theo dõi về nhân quyền Human Rights Watch (HRW), có trụ sở ở New York, tin rằng “có ít nhất 145 người” đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ một cách bất công chỉ vì họ “thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hoà”.

HRW, vẫn thường xuyên lên tiếng về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, ước tính rằng có hơn 30 người bị kết án và bỏ tù chỉ riêng trong năm 2021, với hầu hết trong số đó bị kết án “vì thể hiện ý kiến trên mạng ngược với quan điểm của chính quyền”.

Công an Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 người khác trong năm nay, theo thống kê của HRW.

Cách đây ít ngày, HRW thúc giục các chính trị gia Hoa Kỳ sử dụng đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam để kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ ở quốc gia Đông Nam Á này.

VOA (15.11.2021)

 

 

LHQ kêu gọi Việt Nam trấn áp nạn buôn bán người lao động xuất khẩu sang Ả-rập

Những người phụ nữ Việt Nam cầm bảng kêu cứu trong một cơ sở tạm trú dành cho lao động nước ngoài gặp khốn khó, ở Riyadh, Ả-rập Xê-út. LHQ vừa kêu gọi Việt Nam bảo vệ những lao động được cho là bị buôn bán sang quốc gia Trung Đông này.

Liên Hợp Quốc vừa lên tiếng kêu gọi Việt Nam trấn áp nạn buôn người sau khi ghi nhận tình trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái được tuyển dụng từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc nhà.

Vụ việc thu hút sự chú ý gần đây sau khi VOA ghi nhận các trường hợp nữ lao động Việt Nam làm việc ở Ả-rập Xê-út báo cáo bị chủ ngược đãi dẫn tới những tổn thương về thể xác và tinh thần, trong đó có một thiếu nữ 17 tuổi tử vong sau hai năm lao động tại quốc gia Trung Đông.

Các ghi nhận của VOA cho thấy cách thức mà ít nhất một công ty tuyển dụng lao động ở Việt Nam đã sử dụng nhằm chiêu dụ các thiếu nữ thuộc sắc dân thiểu số từ những vùng quê nghèo hẻo lánh tham gia lực lượng lao động xuất khẩu, gồm cả một số em chưa đủ tuổi theo quy định của luật pháp Việt Nam.

“Chúng ta đang chứng kiến những kẻ buôn người nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người trong số họ vốn dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề của xã hội,” các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 4/11. “Những kẻ buôn người này hoạt động mà không bị trừng phạt.”

Theo các chuyên gia của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới, sau khi ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, một số trẻ em gái và phụ nữ đã làm việc tại Ả-rập Xê-út và bị chủ lao động ở đây “lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn và đối xử tàn bạo.” Các chuyên gia còn cho biết, những phụ nữ Việt Nam thường bị bỏ đói và không được điều trị y tế cũng như không được trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định trong hợp đồng của họ.

Mười ba lao động nữ người Việt tại Ả-rập Xê-út hồi tháng 6 nói với VOA rằng họ bị chủ ngược đãi dưới những hình thức khác nhau. Những phụ nữ này, thuộc nhiều dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và miền Bắc của Việt Nam, cho biết họ hoàn tất hợp đồng giúp việc nhà nhưng chủ không mua vé cho về nước và không được trả lương sau nhiều tháng làm việc. Họ còn nói bị chủ bạo hành và bị giữ lại hành lý cùng giấy tờ tuỳ thân. Trong số đó, một phụ nữ tên Đinh Thị Ca nói với VOA rằng chị bị chủ “cưỡng hiếp nhiều lần” trong 2 năm làm giúp việc tại đây và sau đó đã bỏ trốn vì không chịu nổi “sự ngược đãi tàn tệ”.

Các chuyên gia nhân quyền của LHQ nói họ đã nhận được “những cáo buộc thực sự đáng báo động” rằng một số công ty ở Việt Nam đã tuyển dụng các thiếu nữ sang Ả-rập Xê-út làm giúp việc gia đình và giả mạo tuổi của họ trên giấy tờ tuỳ thân để che giấu sự thật họ là trẻ vị thành niên.

Tuyên bố của các chuyên gia LHQ hôm 4/11 dẫn ra trường hợp một cô gái Việt Nam 15 tuổi bị ốm vì bị chủ đánh đập và người chủ này đã bỏ đói và không chữa bệnh cho cô. Cô gái này đã chết trước khi có thể lên chuyến bay trở về Việt Nam. Do giấy tờ của cô bị đơn vị tuyển dụng làm giả nên gia đình không thể đưa được thi thể của cô về nhà.

VOA hồi đầu tháng 10 ghi nhận về trường hợp tử vong của H Xuân Siu, một thiếu nữ Việt Nam thuộc dân tộc Gia Rai đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà ở Ả-rập Xê-út. Các tài liệu mà VOA có được cho thấy năm sinh của cô đã bị thay đổi trên hộ chiếu để làm cho H Xuân Siu lớn hơn 1 tuổi khi được công ty Vinaco chiêu dụ vào năm 2018 lúc gần 15 tuổi. Thi hài của cô được chôn ở Ả-rập Xê-út thay vì được đưa về nước theo nguyện vọng của gia đình.

Theo thống kê của LHQ trong khoảng thời gian từ 3/9 đến 28/10 năm nay, đã có gần 205 phụ nữ, nhiều trong số đó được cho là nạn nhân của nạn buôn người, đã được hồi hương về Việt Nam.

Các chuyên gia của LHQ kêu gọi chính phủ Việt Nam và Ả-rập Xê-út tiến hành một cuộc điều tra khách quan và độc lập về các vụ vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái nhập cư, cũng như các cáo buộc rằng các cơ quan công quyền tham gia vào nạn buôn người và kêu gọi truy tố thủ phạm.

“Chúng tôi kêu gọi Ả-rập Xê-út và Việt Nam áp dụng các biện pháp và chính sách hiệu quả để phòng, chống buôn bán người và bảo vệ người lao động bị buôn bán,” các chuyên gia LHQ nói. “Chúng tôi cũng kêu gọi các chính phủ này đảm bảo sự hợp tác song phương về di cư lao động dựa trên quyền con người, trong đó bao gồm cơ chế trách nhiệm giải trình hiệu quả.”

Việt Nam chưa đưa ra phản ứng chính thức nào trước lời kêu gọi của các chuyên gia LHQ nhưng một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội vào tháng trước nói rằng bộ này đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út “phối hợp chặt chẽ” với chính quyền sở tại cũng như làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để “tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết” khi đề cập đến trường hợp của H Xuân Siu.

VOA (15.11.2021)

 

 

Giúp các gia đình tù nhân lương tâm: Vấn đề và giải pháp đề nghị

Ngọc Vân 

Thiếu thông tin là vấn đề chính trong tình trạng các GĐTNLT không được giúp đỡ đầy đủ.

Có thể nói rất nhiều người trong chúng ta quan tâm đến nhân quyền, dù ở trong hay ngoài nước. Tuy vậy, việc giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm (GĐTNLT) chưa được hiệu quả. Khi tôi hỏi những người tôi gặp rằng anh/chị có chắc chắn rằng mọi GĐTNLT đều đủ ăn không? Tôi chưa bao giờ nghe “tôi chắc chắn.” Ngược lại, đa số anh chị em (ACE) cho tôi những lý do vì sao không bao giờ có thể bảo đảm được. Qua bài viết này, tôi phân tích một số vấn đề và đề nghị một giải pháp để giải quyết các vấn đề này.

Vấn đề chính là mỗi cá nhân chúng ta, khi quyết định giúp cho các GĐTNLT, thường không có thông tin về những người đã được giúp và những người chưa được. Do đó, chúng ta chỉ chọn một hoặc một vài TNLT mà chúng ta biết; rồi gửi cho họ mà không cần biết họ đã được giúp chưa. Vì vậy, người nổi tiếng sẽ được giúp nhiều, người mà ít người biết đến thì khốn khó. Ai trong số những người đọc bài này biết mọi người trong số hơn 200 TNLT? Ai trong số quý vị biết mọi người trong số hơn 300 người dù không bị giam nhưng bị chính quyền gây khó dễ và đứng trước nguy cơ bị đàn áp (activist at risk, theo Project 88)? Ai trong quý vị biết từng người trong số hơn 60 người thuộc các sắc tộc thiểu số đang bị đàn áp? Trong số những người này, ai trong quý vị biết rằng người nào được nhận đủ, và người nào chưa?

Nếu những người mà chúng ta giúp đã nhận được đủ sự giúp đỡ rồi thì liệu số tiền chúng ta giúp có đến đúng chỗ không? Nếu không thì việc chúng ta làm có giúp gì cho phong trào đòi nhân quyền ở Việt Nam hay không? Hay tác dụng là ngược lại?

Có những người nói rằng cộng đồng không công bằng, ưu ái những người nổi tiếng, ưu đãi người Kinh. Cho dù trong thâm tâm mỗi người chúng ta không muốn thiên vị. Trên thực tế, những lời chê trách này có lẽ đúng sự thật. Ai trong quý vị biết đến TNLT tên Yoeung Kaiy? Ai trong quý vị biết đến Rmah Hlach?

Tất cả chỉ vì chúng ta thiếu thông tin.

Nếu các GĐTNLT không được giúp đỡ đầy đủ, liệu những người đang có dự định đấu tranh có chùn bước không? Có ai cam tâm để vợ con mình đói khổ trong khi đấu tranh vì người khác không?

Liệu những nhận định về tình trạng thiếu công bằng, phân biệt sắc tộc này có giúp củng cố tình đoàn kết trong phong trào đấu tranh đòi dân quyền hay không? Có bao nhiêu người trong quý vị đã giúp cho các TNLT thuộc các sắc tộc thiểu số? Nếu quý vị chưa, có phải vì quý vị phân biệt sắc tộc không? Hay vì quý vị không biết?

Do đó, vấn đề thiếu thông tin khi quyết định giúp đỡ các GĐTNLT là vấn đề quan trọng, cấp bách và cần được giải quyết sớm.

Chúng ta có thể giải quyết tình trạng thiếu thông tin này như thế nào? Tôi đề nghị một giải pháp và trả lời một vài thắc mắc liên quan đến giải pháp này trong phần còn lại của bài viết.

Để có được thông tin, chúng ta có thể giúp qua các tổ chức. Ví dụ, nếu quý vị giúp GĐTNLT Nguyễn Văn A qua Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) – một tổ chức của người Việt tại California đã hoạt động trong lĩnh vực này hơn 30 năm qua, hàng năm, trao giải thưởng Nhân quyền Việt Nam – họ có thể cho quý vị biết người đó đã được giúp đầy đủ chưa. Dựa vào thông tin này, quý vị có thể cân nhắc quyết định của mình cách chính xác hơn.

Hãy tưởng tượng có 1 ngàn người làm cách này. Khi đó, theo quý vị, thông tin mà quý vị có, tổ chức này có, sẽ hoàn thiện hơn, chính xác hơn đến mức nào? Cách làm này thực sự không có gì mới. Giá trị hàng ngàn tỷ Mỹ kim của các công ty Google, Facebook, dựa trên hiện tượng này, tiếng Anh gọi là network effect. Càng nhiều người tham gia, mạng lưới càng có giá trị. Với tôi, nếu có được 1000 người giúp thông qua một tổ chức, thông tin mà tổ chức này là vô giá đối với phong trào đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam.

Tiếp theo, tôi xin trả lời một số thắc mắc mà tôi được nghe khi trình bày giải pháp này với một số ACE.

Thứ nhất, tôi có giúp được người tôi muốn khi giúp thông qua một tổ chức không? Thưa có. Hãy yêu cầu tổ chức trung gian giúp cho người quý vị muốn. Tôi biết MLNQVN có nhận chuyển tiền cho người mà quý vị chỉ định.

Thứ hai, số tiền của tôi có đến được tay người tôi muốn giúp không? Thưa có. Hãy yêu cầu tổ chức mà bạn nhờ họ làm trung gian cung cấp bằng chứng. Tôi biết MLNQVN có cung cấp thông tin này cho người giúp.

Thứ ba, ai là TNLT? Những người cần được quan tâm là ai? Tổ chức Project88 cập nhật, chia sẻ thông tin về TNLT và những người cần được quan tâm trên trang web theproject88.org

Một cách ngắn gọn, thiếu thông tin là vấn đề chính trong tình trạng các GĐTNLT không được giúp đỡ đầy đủ. Và thông tin, nằm trong tay mỗi người đang tham gia vào việc giúp đỡ TNLT. Chúng ta cần chia sẻ chúng.

Nếu quý vị muốn giúp qua MLNQVN, xin xem hướng dẫn sau đây:

Mng Lưới Mhân Quyn Vit Nam thiết tha kêu gi tt c các t chc và cá nhân kêt hp vi MLNQVN trong công cuc tranh đu cho nhân quyn ti Vit Nam. MLNQVN là mt t chc bt v li và mi đóng góp đu được min thuế. Xin đóng góp bng ngân phiếu v:

Mng Lưới Nhân Quyn Vit Nam

8971 Colchester Ave.

Westminster, CA 92683

U.S.A.

hoc dùng debit card, credit card hay Paypal account, xin bm vào đây:

xin bm vào đường dn này đ biết thêm thông tin: http://vietnamhumanrights.net/viet/Cho.htm

VNTB (15.11.2021)

 

 

Chuyện tài sản bất minh ở xứ ta

Đỗ Duy Ngọc

Đọc trên báo thấy có tin: “Sau 3 kỳ thảo luận, các ĐBQH vẫn chưa nhất trí việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Thậm chí, qua phát phiếu lấy ý kiến, vẫn không quyết được ‘số phận’ tài sản này“.

Đồng thời, khi lấy ý kiến các đại biểu chỉ có 209/456 ý kiến, chiếm 45,93% số ĐB tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số ĐBQH), tán thành phương án giải quyết tại tòa án. Phương án đánh thuế thu nhập còn nhận được ít sự ủng hộ hơn, chỉ 156/456 ý kiến (chiếm 32,16% tổng số ĐBQH) tán thành. Ngoài ra, 40/456 ĐB (chiếm 8,24% tổng số ĐBQH) đề nghị giữ như quy định của luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Chỉ có 1 ý kiến đề nghị tịch thu và 31 vị ĐBQH (chiếm 6,39% tổng số ĐBQH) không thể hiện chính kiến của mình.

Có lẽ đây là một trong số những vấn đề bàn cãi trong Quốc hội Việt Nam mà lại có những con số khác biệt như thế này. Thường tỷ lệ tán thành là trên 90% và có lúc 99,9%. Tại sao vấn đề này lại có những con số khác biệt như vậy?

Lý do là đang bàn về vấn đề dính dáng đến quyền lợi của các đại biểu. Tất cả các đại biểu Quốc hội ở nước ta đều là cán bộ lãnh đạo đương chức. Và điều tất nhiên tham nhũng chỉ có ở những người đang có quyền lực. Dân đen thì lấy gì để tham nhũng. Do vậy, khi đụng đến chuyện tịch thu, đánh thuế hay đưa ra toà tài sản không chứng minh được nguồn gốc tức là đụng đến đồng tiền nhờ quyền lực mà có, tức là tham nhũng. Mà tài sản tham nhũng thì lấy đâu mà chứng minh được nguồn gốc.

Đồng tiền đi liền khúc ruột, dù đó là đồng tiền bất minh, đồng tiền phạm pháp cũng đã là tài sản của các ông. Dễ gì các ông ấy lại bấm nút biểu quyết tán thành việc tịch thu tài sản của chính mình. Có ai lại dại thế? Cho nên các ông không đồng tình là hợp lý thôi.

Phần đông chấp nhận giải quyết tại toà bởi thật sự tài sản có được do tham nhũng, hối lộ thường được phân tán cho thân nhân, con cháu, họ hàng đứng tên cả rồi. Ra toà thì chẳng còn chi. Hơn nữa, ra toà thì chạy chọt, nén bạc đâm toạc tờ giấy, trám tiền vào thì mọi việc êm đẹp cả thôi mà.

Nói như ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao: “Hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật Đăng ký tài sản, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị ‘thăm hỏi’ ngay. Như thế, chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng“. Như vậy, khi ra toà án chẳng còn tài sản bao nhiêu để thu hồi.

Có 32% ý kiến chấp nhận thu thuế với tài sản không chứng minh được. Theo phương án này, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có, thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản này.

Kiểu này cũng là khôn, khi có vấn đề phải bị điều tra, lòi ra tài sản bất minh chỉ cần chấp nhận đóng thuế thu nhập là xong, tiền bạc, tài sản vẫn còn đó, có sứt mẻ chút xíu cũng chẳng chết thằng Tây nào. Khôn quá đi chứ. Đóng thuế xong là xong, chẳng vướng tội lỗi gì. Tài sản nhiều mà, đóng thuế một ít cũng chẳng sao, phần còn lại là hợp pháp, ăn ba đời cũng chưa hết.

Thương cho một đại biểu cô đơn đồng tình với việc tịch thu tài sản bất minh. Có lẽ vị này chưa dính tham nhũng, chưa có tài sản hoặc chưa có cơ hội để có tài sản tham nhũng. Cũng có thể vị này tự tin mình đã tạo vành đai an toàn cho số tài sản của mình chăng?

Có 31 vị chọn im lặng là vàng, không biểu quyết. Tội gì, cứ để mọi người cho ý kiến, xem tình hình thế nào? Im lặng đúng lúc cũng là một hành động khôn ngoan. Cứ lặng lẽ đừng để lòi mặt chuột là được. Cứ chường mặt ra có khi dính bẫy oan.

Qua những con số trên mới thấy, việc kê khai tài sản của cán bộ chỉ là một trò vui. Có mấy ai khai thật và luật pháp cũng chưa có một biện pháp gì để xử lý khi cần thiết. Mà có khui ra được cũng chưa có điều luật nào để giải quyết, toà xử, đánh thuế hay tịch thu, cho đến giờ vẫn còn cù cưa.

Theo quy định pháp luật hiện hành, tại Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm.

Như vậy, người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu, “đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng ‘thời gian vàng’ giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có”. Một đại biểu đã từng phát biểu như thế.

Cũng theo luật, khoản 3 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “chỉ kê biên bán tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại” cũng làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng.

Có rất nhiều vụ án lên đến hàng ngàn tỷ, nhưng tiến hành và xử lý chậm chạp, nhiêu khê, qua nhiều tầng, nhiều lớp khiến cho việc kiểm kê hoặc kê biên tài sản kéo dài trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp.

Tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc hình thành tài sản do phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền nên rất khó phát hiện, thu hồi”.

Ông Lê Minh Trí đã nhấn mạnh: “Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được. Quyết tâm nhưng thu, kê biên không đúng luật thì người ta kiện. Đúng hay không thì phải xác minh, mà trong quá trình xác minh thì họ tẩu tán mất rồi. Cho nên việc này phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật, để chúng ta có thể thu hồi tốt hơn”.

Tui nghĩ, cứ phạm tội là kê biên gia sản ngay. Điều tra, xử án, tiền nào có nguồn gốc rõ ràng thì trả lại, tài sản bất minh, không nguồn gốc thì tịch thu, cho vào công quỹ. Làm ngay khi có lệnh bắt còn hi vọng chứ đợi điều tra thì nó tẩu tán mất rồi, còn đâu. Ở xứ này mà chờ minh bạch là thua rồi.

Nhưng giờ lấy gì minh bạch, có thằng tham nhũng nào mà tự khai, chẳng có ai cầm dao tự cắt mình, chẳng có ai lại đi bấm nút để đồng tình việc tịch thu tài sản của mình. Bàn biện pháp ngăn ngừa ăn trộm với thằng ăn cắp thì cũng bằng thừa. Thế mới thấy cán bộ ta đụng đến quyền lợi cá nhân là phân hoá rõ ràng ngay.

Do vậy, họp thì cứ họp, bàn thì cứ bàn nhưng sẽ chẳng đi đến đâu. Chuyện chống tham nhũng ở xứ ta là chuyện dài lắm chuyện, rối như tơ, khó mà gỡ bởi anh chưa bị lộ ngồi xử thằng bị lộ. Rốt cuộc chẳng có luật nào rõ ràng, minh bạch để xử cả.

Đỗ Duy Ngọc  (15.11.2021)

 

 

Quảng Bình: 5 người được giải oan sau 34 năm, khi đã hoặc sắp chết

Năm người ở tỉnh Quảng Bình bị kết án oan và họ chỉ được “giải oan” sau 34 năm, khi một người đã chết và một người bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Tờ Dân Việt hôm 14 Tháng Mười Một cho hay, tòa án CSVN tại huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình “vừa tổ chức buổi công khai xin lỗi, cải chính đối với 5 người mang án oan ở Quảng Bình trong vụ án xảy ra cách đây 34 năm.

Bốn người trong vụ án oan ở xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được giải oan 34 năm sau. (Hình: Dân Việt)

Tất cả đều là cư dân xã Liên Trạch thuộc huyện Bố Trạch gồm ông Đinh Xuân Hồ (sinh năm 1961), Đinh Xuân Kỳ (sinh năm 1955), Trần Văn Ôn (sinh năm 1954), Hoàng Trọng Lưu (sinh năm 1955) và ông Đinh Xuân Tạo (sinh năm 1927, nay đã chết).

Họ bị bắt giam ngày 17 Tháng Sáu 1987 vì bị vu cho là “trộm 187 kg lạc vỏ và 34 kg tiêu hạt của kho nông sản hợp tác xã mua bán xã Liên Trạch” với tội danh “Trộm cắp tài sản XHCN”.

Sau năm tháng tạm giam, ông Đinh Xuân Hồ bị coi là chủ mưu nên bị kết án sơ thẩm ba năm tù. Kêu oan được xử phúc thẩm thì bản án lại nặng thêm một năm nữa tức bốn năm tù.

Ông Đinh Xuân Kỳ bị kết án sơ thẩm 18 tháng tù rồi lại tăng lên thành 24 tháng tù khi phúc thẩm. Ông Kỳ cho biết qua cuộc phỏng vấn của tờ Dân Việt mới đây, ông “đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, không biết sẽ chết lúc nào” thì mới được “giải oan”.

Ông Trần Văn Ôn phải chịu bản án bằng với ông Kỳ. Còn ông Hoàng Trọng Lưu bị kết án sơ thẩm hai năm tù nhưng khi phúc thẩm lại tăng lên thành ba năm tù.

Ông Hồ và những người kia vẫn đều kêu oan nên cuộc điều tra lại từ cấp tỉnh thấy “không có cơ sở buộc tội” nên Công An tỉnh Quảng Bình vào Tháng Sáu năm 1991 đã ra quyết định “đình chỉ điều tra vụ án”.

Ông Hồ và những người đồng vụ vẫn khiếu nại yêu cầu “minh oan” nhưng “không nhận được phản hồi”.

Ông Đinh Xuân Hồ mới đây nói với tờ Dân Việt rằng: “Đến năm 2020, thấy nhiều vụ oan sai được minh oan, tôi như thắp lên hy vọng và liền gọi các bạn liên quan đến vụ việc viết lại đơn kêu oan gửi cơ quan chức năng. Hơn một năm làm đơn, tôi được Toà án huyện Bố Trạch tuyên không có tội và công khai xin lỗi vào ngày 12 Tháng Mười Một”.

Công an CSVN tra tấn, ép cung là chuyện bình thường tại Việt Nam. Các vụ án oan sai dẫn đến chết người không phải họa hiếm.

Ngày 25 Tháng Ba 2021, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình khi báo cáo với huốc hội về công tác của ngành tòa án nhiệm kỳ 2016-2021 đã “khoe” rằng: “Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội”.

Nhưng cũng trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Hòa Bình, theo tờ Dân Việt tường thuật, ông Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Lê Minh Trí báo cáo tại phiên họp của quốc hội ngày 13 Tháng Mười Một năm 2018 là có 3 vụ công an “dùng nhục hình dẫn đến chết người”.

Tử tù Hồ Duy Hải. (Hình: Tuổi Trẻ)

Thật ra, những năm vừa qua, năm nào cũng có hơn chục người bị công an tra tấn ép cung dẫn đến chết người dù chế độ Hà Nội đã ký tên vào Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc. Hiện Hồ Duy Hải, người thanh niên đang ngồi đợi bị hành quyết vì bị vu cho tội giết hai cô gái tại sở bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa tỉnh Long An) để cướp tài sản.

Chứng cứ là con dao giết người trong vụ án thì được công an mua ở chợ. Mẫu máu thủ phạm thì không phải của Hồ Duy Hải. Nhiều nhân chứng cả quyết thời gian Hồ Duy Hải bị nghi “giết người” thì đang có mặt ở nơi khác. Dù vậy, tòa án CSVN chỉ căn cứ vào lời nhận tội sau những trận tra tấn thừa sống thiếu chết. Hải cũng kêu oan khi đưa ra tòa nhưng vẫn bị kết án tử hình.

Người Việt (14.11.2021)

 

 

Đổi chác dâm và cưỡng dâm trong chính trường

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Hình minh hoạ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021 (trái) và Bí thư Huyện uỷ Cô Tô Lê Hùng Sơn (phải)  AFP/ RFA edit

Sau đúng 10 năm từ khi đưa ra Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Đảng CSVN đã có văn bản mới, Quy định 37-QĐ/TW.

Mặc dù cả hai đều có số điều như nhau (19), nhưng có một số “điểm mới” trong văn bản vừa ban hành, được báo chí phân tích.

Hối lộ tình ái

Thế nhưng, những điểm mới đó có thể vẫn chưa đủ giữa lúc ngày càng bộc lộ nhiều hơn, đa dạng hơn hiện tượng suy thoái đạo đức trong hàng ngũ đảng viên.

Thực tế là nhiều khi không phải dùng tới tiền bạc, mà chỉ mối quan hệ tình ái thôi là có thể xoay chuyển được những quyết định rất lớn nơi chính trường.   

Vụ Bí thư huyện ủy Cô Tô bị tố cáo hiếp dâm rất có thể như một lời nhắc nhở giúp ĐCSVN quyết không né tránh, để bổ sung một, hai điều cấm nữa mà lâu nay đã thấy nhưng phải chăng do quá “nhạy cảm” nên chưa đưa vào văn bản quy định.

Có thể phần vì sự “thiếu” đó đã làm cho vụ việc xem ra đang khó giải quyết. Đảng, chính quyền, công an địa phương vào cuộc cả tuần nay, nhưng vẫn chưa có được thông tin rõ ràng để làm yên dư luận. Cụ thể: sao chưa khởi tố vụ án? Một vụ hiếp dâm hay chỉ là thông dâm, hối lộ tình ái nhưng bị lộ rồi vu cáo bị hiếp dâm? …

Trông người …

Chẳng phải chỉ ở xứ ta, mà khắp các chính trường thế giới, chuyện mua bán trao đổi tình dục, lợi dụng chức quyền để cưỡng dâm đã có nhiều.

Ở Mỹ, hiện tượng đình đám nhất là của cựu TT Clinton, mà đến giờ đã có cả phim tài liệu và phim truyện nhiều tập.

Ở Anh mới đây, là Bộ trưởng Y tế, chỉ vì một nụ hôn bị phát hiện mà dẫn tới mất chức.   

Ngay cả ở xứ “cộng sản anh em” Trung Quốc, trong nhiều năm nay, chuyện công khai quan chức bị kỷ luật do “suy thoái đạo đức” kiểu này đã khá phổ biến. Đến độ trong đó có cả vài “quan bà”, với khái niệm “trao đổi quyền, tiền, sắc”.

Từ gần 20 năm trước, ĐCSTQ đã ban hành quy định cấm đối với đảng viên, có tới 178 điều.

Ngẫm đến ta

Vậy mà ở Việt Nam, có vẻ như khác hẳn với … thế giới. Chuyện quan chức bị phanh phui những hành động lợi dụng chức quyền để cưỡng dâm và đổi chác, hối lộ tình dục để thăng tiến hầu như chưa thấy có.

Vụ tai tiếng của Bí thư Thừa Thiên-Huế sàm sỡ nữ nhân viên nhà hàng từ nhiều năm trước là rất hiếm và quá nhỏ. Hay mới hơn, vụ cựu Phó viện trưởng kiểm sát Đà Nẵng dâm ô cháu bé. Còn trường hợp có vẻ nặng, là mối quan hệ “tình cảm cá nhân” của Phó chủ tịch TPHCM với một chủ doanh nghiệp, cùng lắm cũng chỉ thuộc loại “bán dâm”. Vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao bị tội “hiếp dâm” cũng tương tự, tất cả đều chưa ở cấp độ mang tính chính trị như đổi chác dâm ô nơi công sở nhằm phục vụ thăng quan tiến chức.

Phải chăng trong lĩnh vực này VN “nghiêm” hơn các xứ khác nên ít có? Những đồn thổi ngoài xã hội và thông tin trên mạng xã hội lại cho thấy ngược lại.

Một logic tự nhiên, khi thực trạng đạo đức suy đồi, tham nhũng khủng khiếp trong hàng ngũ quan chức đảng viên đương nhiên không tránh khỏi nạn đổi chác tình dục.

Tại sao khác người

Có ít nhất hai lý do để lý giải về chuyện “thầm kín” nơi công sở liên quan mua quan bán chức ở Việt Nam khác với thiên hạ – khó được phanh phui.

Thứ nhất, do có một thời quá dài, việc tuyên truyền về đạo đức của người cộng sản quá mạnh, vô đạo đức thì được che giấu, để phục vụ cho thắng lợi trong chiến tranh, và tất nhiên cả sự “chính danh” của Đảng. Nay “tập quán” đó chưa thay đổi.   

Thứ hai, chưa quyết liệt diệt trừ tham nhũng. Đây là điểm dễ dàng thấy khi so sánh với Trung Quốc. Đối chiếu quy định những điều cấm đối với đảng viên giữa hai đảng cũng có thể thấy rõ.

Có vẻ như điều cấm của ĐSCVN nặng về những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa quá” quá, tức là quá sợ đảng viên có quan điểm chính trị “lệch lạc”, mà nhẹ đối với loại đạo đức suy đồi. Những quan chức tham nhũng thường lại là những đảng viên cao giọng “đạo đức cách mạng” hơn cả; có thể họ chiếm thành phần áp đảo để hình thành nên quy định cấm đảng viên.

Sửa quy định

Một khi trong nội bộ cấp cao của đảng chưa thống nhất những nội dung cần cấm đối với đảng viên sao cho nghiêm khắc hơn, bao quát hơn với những biểu hiện suy thoái đạo đức, thì đáp án cuối cùng vẫn là phải DÂN CHỦ TRONG ĐẢNG.

Đáng tiếc, trong 19 điều cấm nói trên, việc quy định quá chung chung ngay ở Điều 1 (cấm “nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng”) lại đã cản trở những phản biện, tố cáo của đảng viên về hiện tượng suy thoái đạo đức của quan chức.

Những đảng viên có chức quyền tham nhũng rất dễ lợi dụng điểm chưa rõ ràng, cụ thể đó để trừng phạt đảng viên, quần chúng cấp dưới tố cáo mình.

Trở lại vụ việc bí thư bị tố hiếp dâm nói trên để làm ví dụ. Nếu các cấp dưới không sợ quyền lực của cấp trên, không bị bó buộc quá mơ hồ trong việc tố cáo, phản đối hành vi sai trái, thì làm sao có thể dẫn đến hiện tượng cả một “nhóm người” như tham gia (?) vào một vụ việc suy đồi như vậy được?

Cho nên, ngoài việc cần sửa đổi, bổ sung những điều cấm đối với đảng viên liên quan tệ nạn đổi chác tình dục, còn cần phải sửa theo hướng dân chủ, cởi mở hơn.

“Không có vùng cấm” nói mới có thể “không có vùng cấm” xử lý.

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
RFA (16.11.2021)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen