Seite auswählen

Nguyễn Thọ

2-12-2021

Phần 1

Khái niệm “Truyền thông thổ tả” chỉ có trong tiếng Việt, không dịch được ra ngôn ngữ nào hết. Trước kia người Việt cánh hữu thỉnh thoảng gọi người phái tả là ”Bọn thổ tả”. Nhưng trong thời gian cầm quyền của D.Trump, người ta coi tất cả báo nào dám phê phán ông ta đều là “Truyền thông thổ tả”.

Rồi chống phân biệt chủng tộc, khen ngợi Bill Gates hay ủng hộ các biện pháp cách ly và tiêm phòng Covid-19 v.v và v.v cũng là “Thổ tả” tuốt. Khái niệm này hầu như được gắn cho gần hết báo chí phương Tây, từ CNN, WP, WSJ ở Mỹ, đến BBC, Financial Time ở Anh, Le Monde của Pháp, ZDF hay FAZ của Đức đến NZZ của Thụy Sỹ…

Truyền thông, báo chí được coi là quyền lực thứ tư trong xã hội dân chủ, bên cạnh ba trụ cột: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cái trụ thứ tư này không được thể chế hóa, không đầu não, không ngân sách, nhưng xem ra rất mạnh, có thể chiếu tướng cả ba cái trụ kia cùng lúc. Vì không có đầu não, không có tổ chức nên nó không bao giờ bị đánh bại hay bị khuất phục. Vì là một quần thể đa nguyên nên nếu tế bào nào chết thì cứ chết, tế bào khác lại mọc ra. Vì đa nguyên nên nó có quang phổ rộng, bao gồm mọi mầu sắc.

Trong chế độ không chấp nhận tam quyền phân lập thì ba chân chụm một. Truyền thông lẽ ra phải là chân thứ tư cũng vui vẻ chui tọt vào cái ống quần duy nhất. Người ta mừng vì có cái chân to gấp bốn, nhưng đáng buồn là 4 chân trong một ông quần khó mà đi nhanh, lại càng khó đứng vững. Cái “chân” truyền thông, lẽ ra phải chỉ cho bọn kia những điều cần phải chỉnh đốn, thì toàn a dua khen vùi những chuyện bậy bạ. Thậm chí, truyền thông trở nên lực lượng xung kích để tiêu diệt những cái gì mà ba tay kia không ưa. Trước khi kết tội, bắt giam ai đó, một chiến dịch vu khống được phát động để dọn đường dư luận.

Suốt một thời gian dài, bức màn sắt đã phát huy hết tác dụng của nó, nhốt hàng tỷ người trong u mê. Người ta tưởng rằng Internet sẽ làm cho truyền thông độc tài mất tác dụng. Đó là một nhầm lẫn chết người.

Về chủ quan: Internet giúp người ta tự do tiếp nhận thông tin, điều đó không thể chối cãi. Nhưng nó không giúp kẻ lười sàng lọc, hời hợt và ngại khó. Những người này chỉ thích vào các nơi dễ tham gia, như là đi lễ hội, thấy show nào đông thì xúm vào tìm chỗ giải trí. Họ lười đọc các phân tích sâu sắc, lười kiểm chứng các tin thật giả, thậm chí không cần quan tâm đến cách vượt tường lửa nên cái gọi là “Tự do thông tin” trên mạng chỉ lùa họ vào những cái bẫy mới, thâm độc hơn.

Khách quan thì có nhiều nguyên nhân biến internet thành một cái bẫy thông tin khổng lồ.

Thứ nhất là toàn cầu hóa và cách mạng kỹ thuật đã đưa thế giới xích lại gần nhau về công nghệ. Không còn chuyện phương tây xem TV-màu, phương đông ngồi nghe loa nén nữa. Mọi chế độ độc tài đều có khả năng kiểm soát kỹ thuật. Chúng sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (vốn bắt nguồn từ phương tây) để xử lý thông tin, tìm ra thị hiếu người đọc để tạo ra các thông tin theo hướng có lợi. Những tin giả này không nhất thiết phải phê phán kẻ thù, ca ngợi phe mình hoặc phản bác hoàn toàn tin thật. Loại tin rẻ tiền đó vẫn nhan nhản nhưng đang mất dần tác dụng.

Chiến tranh thông tin mới rất thâm độc. Fake news đưa ra có vẻ rất khách quan, có vẻ rất bất đồng, nhưng làm cho những ai nhẹ dạ, lười suy đoán bị mất phương hướng. Người ta vẫn còn nhớ đến vụ dân Anh bỏ phiếu Brexit hôm 23.06.2016. Gần ngày bầu cử bỗng xuất hiện một loạt kết quả thăm dò dư luận trên mạng chứng tỏ phe phản đối Brexit thắng áp đảo. Điều này khiến cho rất nhiều người trẻ tuổi, vốn thích ở lại EU, sao nhãng đi bầu, tranh thủ ngày nghỉ lễ ngủ bù cho đêm disco. Ngày hôm sau, khi phe Brexit thắng, các tài khoản tung tin đó biến mất.

Các kênh tin giả kiểu Russian Today (RT) hay Đại Kỷ Nguyên là những ví dụ rõ nét cho chiến thuật tung hỏa mù kiểu này tại các nơi mà internet phát triển rộng.

Đối với những nơi mà sự kìm kẹp trên mạng đã thành công như ở Trung Quốc thì internet là bộ máy tẩy não tuyệt vời. Người dân từ sáng đến tối bị khống chế bởi các loại tin nhắn, huấn thị của đảng. Khi lên mạng thì hoàn toàn chỉ được nghe, xem những thứ đã được chỉ đạo.

Vụ cô cầu thủ quần vợt Peng Shuai bị biến mất mấy tuần liền trên mạng Trung Quốc khiến thế giới kinh ngạc không chỉ ở các bức thư giả, email giả, ảnh giả của cô, mà ở chỗ một tỷ người sử dụng mạng không thể tìm ra chữ “Peng Shuai”, “Zhang Gaoli” (ông phó thủ tướng bị tố cáo hiếp dâm cô). Thậm chí từ “Tennis” (Quần vợt) cũng biến mất. Đó là cách xóa trí nhớ của một dân tộc.

Không thể kể hết các mánh khóe của cái lưới trời truyền thông độc tài giăng ra khắp không gian mạng. Đó là chưa kể đến sự đồng lõa của các nhà mạng phương tây tham tiền.

Vậy mà “Truyền thông 4 chân như một” không bị chửi là “Truyền thông thổ tả”, trong khi phần lớn truyền thông phương tây bị xếp vào cái rọ đó. Vả lại “cái quần một ống” không phải là chủ đề của bài viết này.

Tuy chỉ là anh thợ, nhưng vì có dính dáng đến báo chí và truyền hình ở Đức, tôi xin nói chuyện Đức để mổ xẻ một chút về cái gọi là “Truyền thông thổ tả”.

Từ hơn 200 năm trước, khi chủ nghĩa tư bản ra đời, người ta đã nghĩ đến tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Đó là cách tốt nhất để phát triển con người và xã hội. Không có tự do thì không có con người sáng tạo [1]. Người ta coi việc phê phán nhà nước, phê phán pháp luật là điều cần thiết để giúp xã hội lành mạnh. Vì vậy nên dù sợ “Bóng ma cộng sản” của ông Marx người ta vẫn phải để ông in sách, viết báo.

Thời đó phương tây chỉ có báo chí tư nhân, nhà nước không rỗi hơi in báo. Họ chỉ nắm đài phát thanh quốc gia, (bên cạnh các đài tư nhân) là đủ để thông báo đường lối của chính phủ. Vì chính phủ của các đảng thay phiên nhau nên không đảng phái nào nắm được đài phát thanh.

Hitler lên cầm quyền ở Đức năm 1933, thành lập “Bộ khai dân trí và tuyên truyền đế chế” (Reichsministerium für Volksaufklärung und Propaganda) do Goebbels (nhiều người gọi là Gơ-Ben) cầm đầu. Ngay từ 1925, mặc dù chưa cầm quyền, đảng quốc xã (NSDAP) đã thành lập “Cơ quan chỉ đạo tuyên truyền đế chế” (Reichspropagandaleiters der NSDAP ) trực thuộc trung ương đảng.

Goebbels nắm tất cả các đài phát thanh, ra lệnh cho công nghiệp Đức sản xuất máy thu thanh rẻ (bằng ¼ giá máy đang hiện hành) để phổ cập nhanh chóng trong toàn quốc. Đồng thời y quốc hữu hóa công nghiệp điện ảnh và phần lớn công nghiệp in ấn. Báo chí tư nhân thì không dễ dẹp, nhưng bị khống chế toàn bộ. Khi truyền thông bị “nhét vào chung một ống quần” với bọn khác, bắt nói gì phải nói nấy thì thảm họa đã xảy ra. Cả một dân tộc văn minh, nổi tiếng về nền triết học, văn học, âm nhạc, hội họa… bổng bị tẩy não, thành một đám đông man rợ, bạc nhược đến thảm hại.

Để kể về bộ máy này của Hitler, từ kiểm duyệt đến các học viện báo chí tuyên truyền, phải mất mấy bài. Xin để lúc khác.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, người ta nhận ra tác hại của báo chí nhà nước. Đã là báo chí ăn tiền của chính phủ, người lãnh đạo do chính phủ bổ nhiệm thì làm gì còn tính độc lập. Ăn cơm chúa múa tối ngày, kể cả khi chúa cởi truồng vẫn khen đẹp.

Nhưng nước Đức còn có hệ thống báo chí tư nhân khổng lồ thì sao lại để NSDAP thao túng như vậy? Báo chí nào thì cũng sống bằng tiền. Báo chí tư nhân sống được nhờ bú sữa của các nhà tư bản. Nhưng khi chế độ độc tài khống chế được đàn bò sữa thì thì bọn khát sữa chỉ còn biết hát theo kẻng. Và kẻ đánh kẻng là truyền thông nhà nước.

Từ nhận thức trên, ngay từ trước khi lập quốc năm 1949, CHLB Đức kiên quyết xóa bỏ truyền thông nhà nước. Trong xã hội chỉ tồn tại báo chí công cộng, báo chí tư nhân và gần đây có thêm mạng xã hội của các loại phó thường dân. Cũng như ở Mỹ, Anh và tất cả các nước phương tây khác, nhà nước bị cấm không được làm báo để tự tuyên truyền cho mình [3].

Vậy truyền thông công cộng (Public media, rechtlich-öffentliche Medien) khác truyền thông nhà nước ở chỗ nào? Vai trò của báo chí tư nhân trong xã hội dân chủ ra sao? Phải chăng mạng xã hội là một thành phần của báo chí hiện đại?

_____

*Ghi chú:

[1] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1468978406453561

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Propaganda_in_Nazi_Germany

[3] Từ năm 1948, nước Mỹ cấm không cho phép nhà nước bỏ tiền ra làm báo chí. Năm 2004 Lầu năm góc lập ra kênh PentagonChannel, chạy khá tốt. Nhưng vì dư luận lên án mạnh nên năm 2015 kênh này phải đóng.

 

Nguyễn Thọ

4-12-2021

Phần 2

Người ta nhận ra rằng: Chỉ một khi báo chí không phụ thuộc vào nhà nước cũng như các tập đoàn tư bản, độc lập về tài chính và nhân sự thì mới không bị lợi dụng. Mô hình truyền thông công cộng ra đời.

Mô hình này chỉ bao gồm các đài phát thanh và truyền hình. Báo giấy, in ấn, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc hội họa v.v vẫn tiếp tục nằm trong tay tư nhân và xã hội.

Truyền thông công cộng đảm nhiệm những nhiệm vụ chính trong nước: Thông tin, giáo dục công dân, phát triển văn hóa và giải trí, cũng như đại diện cho quốc gia ra quốc tế. Đó vẫn là các nhiệm vụ mà các đài nhà nước đảm nhiệm.

Nhưng khi nhà nước không rót tiền cho nó, không chỉ định các ông tổng biên tập, không có bộ truyền thông để quản lý nội dung thì vị thế của nó đối với nhà nước khác hẳn. Nó đủ độc lập để kiểm tra và phê phán hoạt động của nhà nước, từ Tổng thống, Thủ tướng, Quốc hội (Hạ viện), Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đến các bộ và chính quyền địa phương.

Vậy ai sẽ chỉ định tổng biên tập các đài này? Mỗi một đài đều chịu sự kiểm soát của một hội đồng. Hội đồng này bao gồm đại diện của các chính đảng trong quốc hội, của các bang và của các tổ chức ngoài quốc hội, ví dụ như hội đồng quân nhân, công đoàn, các tôn giáo, hội nghề nghiệp, hội bảo về người tàn tật, tổ chức môi trường v.v. Ví dụ “Hội đồng truyền hình” của đài ZDF (Kênh 2 của Đức) bao gồm 60 người [1]. Họ hưởng phụ cấp chỉ để theo dõi các hoạt động của đài và bầu hoặc phế truất tổng giám đốc đài. 60 vị này đại diện cho các khuynh hướng chính trị và các nhóm quyền lợi trong xã hội Đức nên vị Tổng biên tập nào được họ thống nhất lựa chọn phải có quan điểm chính trị hài hòa với tất cả. Vì được hội đồng này bầu ra nên TBT chỉ chịu trách nhiệm trước họ, chứ không phải trước thủ tướng hay bộ trưởng nào.

Bên cạnh sự độc lập về chính trị, các đài công cộng cần độc lập về tài chính.

Không được phép ăn tiền của chính phủ để khỏi nịnh chính phủ đã đành, nhưng ăn tiền tài trợ cũng như phụ thuộc vào tiền quảng cáo cũng không được phép. Như vậy mới tránh được ảnh hưởng của giới tài phiệt và công nghiệp lên nội dung của đài. Khi xem chương trình y tế hay kinh tế của các đài công cộng như ZDF hay ARD người xem cảm nhận được tính khách quan so với chương trình của đài tư nhân. Vì đài tư nhân sống bằng quảng cáo nên đứng phía sau mỗi chương trình chữa bệnh hay giới thiệu công nghệ thường là các hãng y dược, công nghiêp nên bóng dáng của chúng khá đậm. Đã có trường hợp người sản xuất chương trình của đài công cộng bị đuổi việc vì tội “quảng cáo ngầm” (Schleichwerbung).

Đài công cộng nếu là của dân thì chỉ được ăn tiền của dân. Dân nuôi hệ thống phát thanh truyền hình công cộng thông qua “Cước truyền thông” (Rundfunkgebühr). Tất cả gia đình nào có máy thu thanh, thu hình đều có nghĩa vụ đóng cước này hàng tháng để nuôi “cố máy thông tin quốc gia”. Đừng chày cối là tôi chỉ xem kênh tư nhân, không xem kênh công cộng! Khi có thiên tai, địch họa, khủng hoảng chính trị, ai rồi cũng sẽ cần đến nó. Anh có ghét thì cũng phải góp tiền nuôi nó. Hiện nay mỗi gia đình đóng 18,35 EUR/tháng để nuôi hệ thống này. Đầu thế kỷ, con số này chỉ khoảng 15 EUR.

Vài năm một lần, “Hội đồng tuyền hình quốc gia” (Khác với hội đồng của từng đài), sẽ bàn xem nên tăng hay giảm cước, tùy theo lạm phát, theo nhu cầu xã hội. Hội đồng này cũng quyết định chia cái bánh “cước truyền thông” cho các đài phát thanh và truyền hình công cộng. Tỷ lệ chia phụ thuộc yêu cầu chi tiêu của từng đài, vào lượng khán thính giả (qua công cụ thăm dò). Thường thì họ cãi nhau cả tháng mới đi đến thỏa thuận.

Cơ quan quản lý cước GEZ [2] giải trình thu chi năm 2020 như sau: Toàn quốc có 45.938.729 hộ đăng ký máy thu, trong đó có 3,06 triệu hộ thu nhập thấp đươc miễn phí. Nếu nhân với 17,5 EUR (cước 2020) rồi nhân với 12 tháng thì mỗi năm toàn dân đóng khoảng 8,2 tỷ EUR cho hệ thống truyền thông công cộng. Chương trình 1 (ARD) gồm 9 đài được 5,7 tỷ, đài ZDF (chương trình 2) được 2,02 tỷ, đài phát thanh Đức được 231 triệu v.v.[3]

Trên thế giới hiện có khoảng 40 nước áp dụng mô hình truyền thông công cộng [4], ở Mỹ có VOA, PBS, ở anh có BBC, ở Pháp có TF1 chẳng hạn, là những đài không phụ thuộc cả vào chính phủ lẫn tư nhân.

Ở Đức, các đài công cộng than phiền rằng kinh phí eo hẹp, nhưng dân không chịu tăng cước vô hạn. Do đó các đài được thu thêm 15% ngân sách qua quảng cáo. Nhưng quảng cáo không được phát vào các giờ cao điểm, vào các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ và không được ngắt các chương trình.

Các đài tư nhân không chịu hạn chế này, vì họ sống bằng quảng cáo. Xem đua xe F1 trên RTL tức như bị bò đá, vì đúng lúc Schumacher bị Häkkinen vượt thì màn ảnh chui vào góc, nhường chỗ cho quảng cáo. Mô hình đài công cộng đã khiến các đài tư nhân gặp muôn vàn khó khăn. Khán giả muốn có thông tin khách quan đều không xem các chương trình thông tin của đài tư nhân, do đó các đài tư nhân thường tập trung vào giải trí, phim truyện.

Đài, báo tư nhân bị thao túng bởi các nhóm quyền lợi khác nhau, phải phản ảnh quan điểm chính trị của ông chủ, nhưng vì không ông nào giống ông kia nên tổng thể lại, các báo chí tư nhân nhân cũng phản ánh một quang phổ rất rộng, giúp người đọc có nhiều lựa chọn. Dù ở Đức, Mỹ hay Thụy Điển thì báo chí tư nhân đều đại diện cho tất cả các quan điểm từ cực tả đến cực hữu.

Đó chính là cái hay của truyền thông tự do. Mọi quan điểm đều có chỗ phát biểu và có người nghe, vì nó đại diện cho mọi nhóm trong xã hội. Do đó, dù có xây dựng được hệ thống truyền thông công cộng hoàn hảo đến mấy, cũng không thể từ bỏ truyền thông tư nhân.

Vậy trong truyền thông tự do có tồn tại kiểm duyệt hay không? Có chứ!

Mỗi tờ báo tư nhân đều có mầu sắc riêng. Chính nhờ vậy mà nó mới được ông chủ chi tiền và quan trọng nhất: giữ được được những bạn đọc cùng quan điểm. Rời khỏi đường ray này sớm muộn sẽ sập tiệm.

Báo “Nước Đức Mới” (Neues Deutschland), có thể coi là báo “Nhân Dân” của CHDC Đức, đến hôm nay, nhờ giữ nguyên lập trường cộng sản và số độc giả trung thành mà mỗi ngày vẫn ra 17.000 tờ báo in [5]. Ông biên tập viên nào trót dại ca ngợi CNTB thì sớm về đuổi gà.

Tuy nhiên báo nào thì cũng có giai đoạn nhuộm mầu khác. Lý do là tư chất của ông TBT hoặc các nhân vật ảnh hưởng đến nó. Vai trò và trách nhiệm cá nhân của ông Tổng biên tập thường được coi trọng, cho đến lúc… giọt nước tràn ly khiến ông chủ phải ra tay.

Các đài công cộng cũng vậy, chúng không thể trung lập tuyệt đối, vì cách nhìn của từng biên tập viên từng ban biên tập khác nhau. Tuy không có ban tuyên huấn chỉ đạo đường lối tuyên truyền, nhưng các toàn soạn sợ nhất là mất khán giả. Đài nào cũng bị đo chất lượng bởi số người xem. Khi đám đông đang thích A mà anh nói ra sự thật B ắt “không có lợi”. Tôi có người bạn, đang ở địa vị tốt trong một đài công cộng ở miền nam Đức mà phải bỏ ra ngoài làm để phản đối kiểm duyệt là vậy.

Nhưng vì kiểm duyệt không đến từ một nơi, không theo một khuôn, mà tùy thuộc từng ông chủ, từng ông tổng biên tập nên vẫn ra kết quả khác nhau. Nơi này cắt bài bênh lão Trump vì sợ khán giả bất bình thì nơi kia bài chê bác Trump lại bị cắt.

Có thể ví nền truyền thông tự do là một khu rừng đa dạng sinh học, có cây quả ngọt, có cây độc, có cây lim tạo bóng mát, có cỏ dại chống xói mòn. Rừng cây này tạo điều kiện cho nhiều thú vật, côn trùng sinh sống. Cây này chết đi, cây khác mọc lên. Đó chính là điều khác biệt với khu rừng mà chỉ một loại cây được sống.

Độc canh là cách phá hủy môi sinh khủng khiếp nhất mà tôi đã nêu trong bài “Vườn rừng Cao Quảng”.

 

_____

[1] https://www.zdf.de/zdfunternehmen/zdf-fernsehrat-mitglieder-100.html

[2] GEZ: Gebühreneinzugzentrale = Trung tâm thu cước phí. Cơ quan này có gần 1000 nhân viên làm việc các cơ sở thu cước phí trong toàn quốc. Hàng năm GEZ tiêu từ 2,5%-2,7% số cước phí thu được. Mỗi năm nó phát hiện vài triệu trường hợp không khai báo máy thu để trốn cước.

[3] https://www.rundfunkbeitrag.de/e175/e7364/Jahresbericht_2020.pdf

Nguyễn Thọ

8-12-2021

Phần 3

Đang định viết tiếp về vai trò của mạng xã hội đối với truyền thông thì hôm nay có một chuyện thú vị lên báo.

Ở Đức có hai kênh TV công cộng phát toàn quốc, chương trình 1 (ARD) và chương trình 2 (ZDF). ARD không phải là đài truyền hình nào cả, mà là tập hợp của tất cả các đài truyền hình địa phương . Tập hợp này gồm 9 đài cho 16 bang, vì có những đài chung cho 3 bang (NDR) hoặc cho 4 bang (MDR) . Các đài địa phương này cũng là đài công cộng, không phụ thuộc vào chính quyền bang. Chúng chịu trách nhiệm phát kênh 3 là kênh địa phương và hàng ngày phải đóng góp chương trình cho ARD để phát chung trong toàn quốc.

Vì thế ARD không có trụ sở ở đâu cả. Chủ tịch ARD thì do 9 ông tổng giám đốc các đài kia thay nhau làm từng nhiệm kỳ. Chương trình hàng ngày của ARD lúc thì phát từ Hamburg, lúc sau chuyển sang studio Berlin, rồi Munich, Cologne v.v. Đây là cách để nước Đức tạo thành thế liên bang ngay cả trên truyền hình.

Liên bang là cách chống tập trung quyền lực trên mọi hoạt động xã hội của Đức ngay từ năm 1949. Thế là toàn quốc được xem chương trình 1 ARD và tại các bang có thêm chương trình địa phương.

Đến năm 1963 người ta thấy phải thêm chương trình 2 để cạnh tranh với chương trình 1. Thế là kênh 2 lấy tên ZDF (Zweites Deutsches Fernsehen = Truyền hình 2 của Đức) ra đời. Lúc này thì không chơi kiểu phát sóng phân tán được nữa, vì mạng truyền viba cho ARD đã quá tải. Trung tâm truyền hình ZDF được xây tại thành phố Mainz, là đài truyền hình to và đẹp nhất nước Đức.

Tôi có hân hạnh làm việc với ZDF từ năm 1990, khi còn làm ở VTV, nên khá gắn bó với đài này. Trong số các gương mặt trên sóng ZDF tôi khoái nhất Steffen Seibert. Anh là bình luận viên chính trị, đẹp trai như tượng, thông minh nhưng điềm đạm. Khi nghe anh bình về chính trị không ai đoán ra anh thiên tả hay thiên hữu. Năm 2009, khi nói về kết quả bầu cử, đã có người hỏi: Anh thích đảng nào?

Seibert nói luôn: Tôi có chính kiến rõ ràng, nhưng là người nhà đài, tôi không được phép nói ra. Vì khi biết như vậy khán giả bỗng dưng sẽ có cảm giác là tôi không còn trung lập nữa!

Năm 2010, Seibert xin thôi ở ZDF, sang làm người phát ngôn cho bà Merkel. Lúc bấy giờ tôi mới biết anh ta là người của đảng CDU (trung hữu). Tôi phục anh ta sát đất, vì xưa nay không thấy “hương vị hữu“ ở anh.

Đài ZDF cũng ngỡ ngàng và rất tiếc. Họ thanh lý hợp đồng lao động với Seibert, ghi thêm điều khoản cho phép anh quay lại ZDF bất cứ lúc nào. Chẳng ai biết bà Merkel cầm quyền được bao lâu, mà người như anh thì hiếm.

Từ đó đến nay, anh luôn xuất hiện bên cạnh bà Merkel như một trợ lý thân cận. Trong nhiều cuộc họp quan trọng với những đối thủ cộm cán, bà Merkel chỉ kéo Seibert đi cùng. Seibert vừa là cánh tay trái, vừa là bộ nhớ của bà. (Cánh tay phải là bộ trưởng phủ thủ tướng, nhưng cóc phải bộ nhớ). Từ một nhà báo, anh đã vươn lên tầm một bộ trưởng.

Từ hôm bà Merkel chuẩn bị về hưu đến nay, người ta đồn đoán rằng Seibert lại quay về đài ZDF, nhưng với cương vị cao hơn. Bản thanh lý hợp đồng năm 2010 với điều khoản cho anh quay lại ZDF được nhiều báo moi ra. Ai cũng khoái việc này, vì một người nắm giữ nhiều thông tin cơ mật như Seibert mà quay lại làm báo thì tuyệt cú mèo.

Đến hôm nay thì mọi việc đã rõ ràng. Đài ZDF chính thức cho biết: „Một nhà báo có thể chuyển sang làm việc cho chính phủ hay đảng phái. Nhưng khi đã dính sâu vào nền chính trị và gắn bó với một đảng như ở cương vị của Seibert thì việc quay lại làm việc cho một đài công cộng sẽ làm mất tính trung lập của nhà đài“ [1]

Đã có trường hợp ông Michael Speng, thủ lĩnh của báo “Bild“ ra làm cố vấn cho ông Stoiber trong liên minh bảo thủ CDU/CSU. Sau khi ông Stoiber thua cử, ông Speng lại quay về làm cho các báo tư nhân mà không ai kêu ca gì cả, vì báo tư nhân có quyền ủng hộ bất cứ đảng phái nào. Các chính khách cũng có thể thông qua quan hệ với các ông chủ truyền thông để tạo ảnh hưởng lên báo tư nhân.

Nhưng đối với truyền hình công cộng thì điều đó là cấm kỵ. Vụ “Hans Michael Strepp“ làm tôi nhớ đến già.

Trong đợt tranh cử bang Bayern năm 2012, ông Strepp lúc đó là người phát ngôn của đảng CSU cầm quyền ở Bayern đã nhiều lần gọi đến ZDF để cản đài không đưa tin nhiều về đại hội đảng SPD đang diễn ra. SPD là đối thủ của CSU ở cả liên bang và bang Bayern. Strepp nhiều lần đe dọa ban biên tập thời sự ZDF về những hậu quả nào đó. Nhà đài cáu quá đưa chuyện này lên sóng. Dư luận chửi ầm ỹ và vài hôm sau Strepp mất chức [2]

Loại như Strepp mất chức là đáng. Nhưng tôi lại tiếc hùi hụi về việc anh bạn đẹp trai Seibert không lên sóng được nữa.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen