Kurtulus Bastimar, luật sư nhân quyền
10-12-2021
Tác phẩm “GIÃ TỪ TỰ DO” có tên tiếng Anh là “A FAREWELL TO FREEDOM” là một cuốn tiểu thuyết của tác giả trẻ Kurtuluş Baştimar người Thổ Nhĩ Kỳ. Tác phẩm này đã được báo Book Culture Art Times (BCA Times) của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ trao giải thưởng “Bút vàng Văn chương” vào năm 2018. Đây là một giải thưởng danh giá được trao cho các tác phẩm văn học xuất sắc, và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận.
“Giã từ tự do” có bản gốc được viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó được dịch sang tiếng Anh, và nay Nhà xuất bản Tự Do hân hạnh được tác giả trao bản quyền để chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đây là một món quà quý giá mà tác giả ưu ái dành tặng cho người dân Việt Nam, tặng cho những người đã, và đang cống hiến công sức của mình trong cuộc tranh đấu bảo vệ quyền tự do ngôn luận, thông qua Nhà xuất bản Tự Do.
***
“Giã từ dự do” là câu chuyện kể về những người Kurd bị xua đuổi, bị trục xuất khỏi ngôi làng của họ. Họ bị tấn công, bị tra tấn và bị lưu đày khỏi quê hương. Những ngôi nhà, những ngôi làng mà người Kurd sinh sống đều bị thiêu rụi. Văn hóa và ngôn ngữ giao tiếp của người dân bị cấm sử dụng một cách triệt để trong cả khu vực công cộng lẫn riêng tư. Đã từng có nhiều người Kurd bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ tù chỉ vì họ nói, hát, viết, xuất bản… bằng tiếng Kurd. Các đảng chính trị đại diện cho quyền lợi của người Kurd bị cấm đoán.
Người Kurd đã từng có những hoạt động chính trị bao gồm cả các hoạt động ôn hòa vì các quyền dân sự cơ bản, cũng như các cuộc nổi dậy vũ trang, và chiến tranh du kích, với đòi hỏi về các quyền tự quyết, và một nhà nước độc lập của riêng người Kurd. Nhưng cho đến nay, ước mơ tự trị, tự quyết này vẫn luôn bị dập tắt.
Nhận xét về “Giã từ tự do”, nhà văn người Cuba Zoé Valdés – một người chạy trốn chế độ cộng sản và là bạn thân của tác giả – đã viết:
“Có những tác phẩm của một số tác giả làm bạn cảm nhận đến đổ bệnh. Khi tôi đọc Albert Camus tôi đã bị ốm nặng, sốt cao, tôi không thể đọc được vì tôi đã khóc rất nhiều trước vẻ đẹp của ngôn ngữ, và nội dung của tác phẩm. Điều tương tự đã xảy ra khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết này. Tôi đã khóc, tôi bị bệnh. Nó đã xảy ra bởi vì đúng vào thời điểm mà người dân Cuba, đặc biệt là thanh niên, trẻ em, thanh thiếu niên, tràn ngập các đường phố trên đảo Cuba từ đầu này đến đầu kia trên đất nước tôi, và hô vang đòi tự do.
Đồng cảm với nhà văn Zoé Valdés, độc giả Việt Nam cũng sẽ tìm thấy trong tác phẩm này những vấn đề tương tự với hoàn cảnh Việt Nam. Những thảm cảnh của dân oan bị tấn công, bị xua đuổi ra khỏi ngôi nhà, ngôi làng của họ cùng với nó là tình trạng chiếm dụng đất công của những kẻ có quyền có thế… Tình trạng nghèo khổ bất công của tầng lớp lao động, nạn thất học và lao động sớm của trẻ em nghèo; tình trạng bất bình đẳng giữa các thành phần xã hội; tình trạng quá tải trong các bệnh viện diễn ra tràn lan… Quyền tự do xuất bản, tự do ngôn luận bị cấm đoán; những diễn đàn độc lập bị tấn công, nhà xuất bản độc lập bị săn lùng… Những nhà văn, nhà thơ, nhà báo bị cầm tù, bị đày đọa chỉ vì họ dám viết ra những điều họ nghĩ, họ thấy, họ cảm nhận. Từ những Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Phan Khôi của thập niên 1950, những Vũ Thư Hiên, Hoàng Cầm của thập niên 1970 – 1980, cho đến những Phạm Thành, Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang của ngày hôm nay… hay những shipper bị bắt, bị đánh chỉ vì chuyển giao những cuốn sách đến tay bạn đọc, một Nguyễn Bảo Tiên bị khởi tố chỉ vì đi gửi sách… những thế hệ người Việt vẫn tiếp nối nhau ngẩng cao đầu để nói lên sự thật, cho dù có bị đày đọa vì sự thật đó.
Dù là ở hai quốc gia xa xôi, dù là hai dân tộc chưa có nhiều hiểu biết lẫn nhau, nhưng những nhà văn cam đảm như Ahmet hay Phùng Quán đều có chung một ý chí kiên cường:
“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu”
(Phùng Quán – Lời mẹ dặn)
Tác giả Kurtuluş Baştimar là một luật sư nhân quyền, và là một nhà văn trẻ sinh năm 1993 tại Kars, một tỉnh phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, anh chuyển đến sống ở khu tự trị Crimea, và tại đây, cảm nhận về cuộc sống lưu đày của người dân Krym, anh đã viết tác phẩm đầu tay: “Education, War and Exile.”
Năm 2015, anh chuyển đến Hà Lan học Luật châu Âu tại Đại học Maastricht, và tốt nghiệp vào năm 2018. Trong những năm học Đại học, anh tập trung vào quyền con người. Vì thế, tất cả các tiểu thuyết, và truyện ngắn của anh đều xoay quanh các quyền cơ bản, và tự do.
Nhận xét về người bạn của mình, nhà văn Zoé Valdés viết:
“Đã có nhiều luật sư mong muốn được trở thành nhà văn lớn, và một số người đã đạt được thành công nhất định. Kurtulus Bastimar là một trong những người như vậy. Đây là trường hợp người bạn của tôi, người mà cuộc đấu tranh cho nhân quyền đã giao phó nhiệm vụ cho anh ấy. Cuộc đấu tranh đó đã đưa cả hai chúng tôi vào con đường này, cùng sống, và cùng hy vọng. Các bài viết, và tác phẩm của anh ấy đã đưa tôi đến gần anh một cách sâu sắc qua khát vọng tự do, và tình yêu con người nồng nhiệt.”
Ngoài việc viết sách, tác giả Kurtuluş Baştimar còn là một luật sư nhân quyền quốc tế. Anh sớm đã có những cống hiến cho công việc bảo vệ quyền con người ở nhiều nơi trên thế giới. Sứ mệnh của anh không chỉ dừng lại trong phạm vi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với anh, một khi đã là luật sư nhân quyền, anh phải đấu tranh để bảo vệ cho bất kỳ ai bị xâm phạm về các quyền cơ bản trên khắp thế giới. Chính điều này đã thôi thúc và khiến anh trở thành một luật sư nhân quyền cho những nhà hoạt động, những tù nhân chính trị – những người đang đối mặt với sự lạm quyền ở Cuba, Iran, Pakistan, Việt Nam và nhiều quốc gia khác nữa. Anh đã và đang theo dõi sát sao những trường hợp này và bảo vệ họ tại các phiên họp của “Nhóm làm việc về việc bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp Quốc”.
Những nỗ lực cùng với sự nhiệt tình của anh nhằm tác động lên các quyết định của Nhóm này. Hiện nay, anh cũng đang là luật sư nhân quyền quốc tế bảo trợ cho một số tù nhân lương tâm Việt Nam bị chính quyền đàn áp vì quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và tự do xuất bản./.