Hôm 28/12, báo chí tây phương đồng loạt có nhiều bài về việc ông Michael Lohscheller rời bỏ chức vụ Tổng Giám Đốc Vinfast toàn cầu.
Việc một người thay đổi chức vụ- dù là những chức vụ quan trọng trong những công ty quốc tế- cũng không có gì đáng quan trọng để khá nhiều báo nhắc đến.
Nhưng điều làm giới truyền thông báo chí quan tâm là sự ra đi nhanh chóng của ông Michael Lohscheller sau một thời gian ngắn ngủi làm việc ở Vinfast.
Tờ fr.detv.us chạy tựa : Sự xuất hiện chớp nhoáng của Lohscheller: Ông chủ cũ của Opel rời Vinfast (Brève apparition de Lohscheller : l’ex-patron d’Opel quitte Vinfast)
Tờ Autoevolution chơi chữ: “sự ra đi của Michael Lohscheller sẽ khiến thế giới ngạc nhiên về người Việt Nam, đó là quá nhanh (Vin) fast
(Lohscheller’s departure will also make people wonder about the Vietnamese: It was just too Vin (fast)
Thật vậy, ngày 27/7/2021, lãnh đạo của hảng xe uy tín Đức Opel đã từ bỏ thương hiệu truyền thống của xe hơi Đức Opel (thành lập từ 1862)để nhận chức vụ Tổng Giám Đốc toàn cầu, phụ trách Bắc Mỹ và Âu châu của một thương hiệu xe hơi còn non trẻ của tỉ phú người Việt Phạm Nhật Vượng :Vinfast (thành lập từ 2017). Thế nhưng, đúng 5 tháng sau (27/12/2021) báo chí lại đăng tin ông đã từ giả vị trí lãnh đạo toàn cầu Vinfast. Trên trang LinkedIn, ông cho biết là vì lý do “cá nhân”.
Bà Lê thị Thu Thủy, hiện là Phó Chủ tịch tập đoàn, sẽ thay thế ông Michael Lohscheller làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu.
Michael Lohscheller là một cái tên không lạ trong giới sản xuất xe hơi, một lãnh đạo giàu kinh nghiệm đã dẫn dắt Opel qua những giai đoạn thăng trầm, giữ vững tiếng tăm và lợi nhuận cho thương hiệu xe hơi uy tín của Đức.
Với những kinh nghiệm đó, ông không dễ gì gặp khó khăn để điều hành Vinfast trở thành một thương hiệu quen biết với giới mến mộ xe hơi trong thời đại kỷ thuật tối tân hiện đại.
Vậy thì lý do gì để Michael Lohscheller phải rời chức vụ một cách mau chóng như thế ? Ngoài lý do “cá nhân” đã nêu, còn những lý do nào khác ???
Trong bài báo đăng ngày 14/12/2021 trên BBC; tác giả K. Tran cho biết trong giai đoạn làm lãnh đạo cho tập đoàn Opel, Michael Lohscheller đã thành công trong việc điều đình với Nghiệp đoàn Đức để “tăng giờ làm việc nhưng không tăng lương”
Ở Âu châu, ảnh hưởng của các nghiệp đoàn rất mạnh trong các công ty tư nhân lẫn trong chính quyền. Với những Nghiệp đoàn dầy dặn kinh nghiệm trong việc bảo về quyền lợi công nhân, việc thương lượng để đi đến một thỏa thuận thành công cho cả hai phía chủ và công nhân không phải là dễ. Thế nhưng ông Michael Lohscheller đã thành công trong việc tăng giờ làm việc của công nhân từ 35 giờ/tuần lên 38 giờ/tuần mà không tăng lương để đem công ty Opel vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên Pháp, nhiều đời chính phủ đã đòi tăng giờ làm việc từ 36 tiếng lên 38-40 tiếng/tuần từ hàng chục năm nay vẫn chưa thành công.
Mặc dù đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận với nghiệp đoàn , thế nhưng, có lẽ việc đó không dễ dàng, nên khi nhận chức vụ mới ở Việt Nam, khi được hỏi về sự khác biệt giữa công nghệ xe hơi Đức và Việt Nam, tác giả K. Tran trích dẫn báo News-in24.com câu trả lời của Michael Lohscheller như sau :
“Ở Việt Nam không có nghiệp đoàn lao động nên mọi việc nhanh hơn nhiều. Một chiếc xe làm xong trong vòng 18 tháng, chứ không phải 48 tháng, mọi người làm việc sáu ngày một tuần và sống ngay gần nhà máy”
Nói cách khác, ở Việt Nam không có nghiệp đoàn (hoặc có, nhưng tổ chức này không có tiếng nói, không đứng về phía công nhân) nên mọi quyết định từ phía chủ sẽ không có tiếng nói đối lập, công nhân sẽ không có người thay mình bảo vệ quyền lợi, chủ nắm quyền và chủ quyết định, công nhân chỉ việc tuân hành, nếu không thì mất việc!
Độc tài tạo điều kiện để người ta giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh chóng, không cần hỏi ý kiến ai, không cần quan tâm đến hậu quả vì chẳng ai dám chống mình.
Rất tuyệt vời để đứng ở một đất nước dân chủ, nơi mà mọi người được hưởng quyền lợi đồng đều như nhau để nói như câu nói của Michael Lohscheller
Có lẽ một số người sống ở nước dân chủ thỉnh thoảng cũng sẽ mơ được cái quyền độc tôn như thế để có thể quyết định mọi vấn đề một cách nhanh chóng !
Có lẽ về Việt Nam, ông Michael Lohscheller không còn gặp khó khăn với những tay Nghiệp đoàn cứng rắn, khó chịu như ở Đức nữa, ông sẽ thong dong thực hiện những ý tưởng của mình mà không có bất kỳ tiếng nói phản đối nào ?
Ở Việt Nam, ông không còn những nghiệp đoàn rắc rối để đối phó, nhưng cũng không còn một môi trường Dân chủ để thương lượng, mà chỉ còn một mệnh lệnh độc tài phải tuân theo.
Hoặc, có lẽ ở Việt Nam, ông đã chạm trán với nhiều điều khác khó chịu và khó nói hơn ?
Cũng nhắc lại, Đức đứng hàng thứ 9/179 về chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index -CPI) trong khi Việt Nam đứng hàng thứ 104 trong 179 quốc gia trên thế giới. Liệu Michael Lohscheller đã làm quen, đã học và áp dụng được câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn ” ?
Và đó có phải chăng là một trong những lý do để ông từ bỏ một chức vụ hàng đầu tại Vinfast trong vòng 5 tháng ngắn ngủi ?
Ca Dao
Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam
28/12/2021
Ref:
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59652108
https://journalauto.com/constructeurs/michael-lohscheller-a-la-tete-de-vinfast/
https://fr.detv.us/2021/12/28/breve-apparition-de-lohscheller-lex-patron-dopel-quitte-vinfast/