Seite auswählen

Thành tích của Biden sau một năm tại nhiệm (Vũ Ngọc Yên)

Vũ Ngọc Yên

25-1-2022

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11/2020, liên danh Dân chủ Joe Biden – Kamala Harris đã chiến thắng và Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.

Trong diễn văn nhậm chức, Biden đã nhấn mạnh những trọng tâm của chương trình cầm quyền: Chấm dứt đại dịch, phục hồi nền kinh tế và khôi phục lòng tin của người dân vào nền dân chủ Hoa Kỳ, cũng như tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới. Ông cũng long trọng cam kết sẽ thực hiện những lời hứa trong cuộc tranh cử: Hiện đại hóa hạ tầng cơ sở, tạo thêm hàng triệu việc làm mới, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm thiểu hệ quả biến đổi khí hậu, đại dịch Corona và thúc đẩy sự đoàn kết quốc gia… Nay sau một năm, công luận muốn biết bao nhiêu lời hứa to lớn đó đã được chính quyên Biden – Harris thực hiện.

Trong cuộc họp báo ở Toà Bạch Ốc hôm thứ Tư, ngày 19-1-2022, Biden đã trình bày tổng quát về những thành quả và những trở ngại cho những dự án chưa thực hiện được và đưa ra kết luận “năm qua là một năm đầy thách thức, nhưng cũng đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc”.

Kềm chế đại dịch Corona đạt hiệu quả

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Biden đã thực hiện tốt lời hứa tranh cử đắt giá với kế hoạch giải cứu người Mỹ (American Rescue Plan) trị giá 1,9 ngàn tỷ USD nhằm làm giảm hậu quả của đại dịch đối với công dân, thành phố và tiểu bang. Trong kế hoạch này, mỗi người Mỹ nhận được 1.400 USD.

Chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ nhanh chóng tăng tốc sau ngày Biden nhậm chức. Khoảng 209 triệu người (63%) được tiêm mũi thứ hai và 81 triệu người (39%) đã nhận mũi tiêm mới bổ sung.

Hoa Kỳ cũng là nước tiên phong trong việc phê duyệt vaccine cho trẻ em và nghiên cứu thuốc corona. Một loại “vaccine mới” do Quân đội Hoa Kỳ phát triển và có hiệu quả chống lại một số biến thể hiện đang làm dấy lên nhiều hy vọng.

Gần đây số ca nhiễm mới với virus corona ở Hoa Kỳ đã tăng lên mức trung bình 700.000 người mỗi ngày do biến thể omicron dễ lây lan. Theo cơ quan y tế CDC, trung bình khoảng 1.750 người chết mỗi ngày liên quan đến bệnh Covid-19. Vào đỉnh điểm của đại dịch năm ngoái, có thời điểm hơn 3.000 người chết mỗi ngày. Trước tình trạng Corona còn ở mức độ đe dọa xã hội, Biden vẫn tin tưởng có thể kiềm chế đại dịch. Biden khẳng định, vào một thời điểm không xa Corona sẽ không còn làm phiền cuộc sống hàng ngày của người dân và sẽ không còn là lý do cho một cuộc khủng hoảng.

Khôi phục kinh tế, tăng phúc lợi xã hội và bảo vệ khí hậu

Sáu triệu việc làm mới đã được tạo ra trong thời gian cầm quyền của Biden. Tỷ lệ nghèo và tỷ lệ thất nghiệp giảm trong khi tiền lương đã tăng lên cùng lúc. Với tỷ lệ thất nghiệp chỉ 3,9%, gần như đã trở lại mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Corona.

Vào tháng 11, Biden đã ký một trong những gói cơ sở hạ tầng chính phủ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. 1,2 ngàn tỷ USD đầu tư vào các dự án đường xá, cầu cống, hải cảng, sân bay, đường sắt, kết nối internet và hệ thống cung cấp nước. Chương trình cải thiện hạ tầng cơ sở cũng là sự thực hiện lời hứa đối với cử tri Mỹ.

Biden đã hứa với cử tri của mình một chính sách khí hậu có trách nhiệm hơn so với thời người tiền nhiệm Donald Trump. Ngay trong ngày tuyên thệ nhậm chức, ông đã ký quyết định trở lại hiệp định khí hậu Paris.

Biden có tham vọng thực hiện các khoản đầu tư lớn, rất cần thiết để bảo đảm Hoa Kỳ có một nền kinh tế năng lượng sạch, không phát thải vào năm 2050. Để làm được điều này, ông đã đưa ra một chương trình “Xây dựng trở lại tốt hơn” (Build Back Better) ban đầu dự chi 3,5 ngàn tỷ USD cho giáo dục, xã hội và khí hậu. Nhưng bây giờ đã giảm đáng kể xuống còn 1,75 nghìn tỷ USD. Riêng ngân sách dự chi bảo vệ khí hậu vẫn còn ở mức 555 tỷ USD.

Cùng với gói đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã được quyết định, gói phúc lợi xã hội và bảo vệ khí hậu là những dự án quan trọng trong chương trình cầm quyền của Biden. Các biện pháp bao gồm đầu tư năng lượng sạch, trợ cấp cho ô tô điện và cải tạo năng lượng, sẽ giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp Mỹ đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015.

Bất chấp thái độ chống đối của đảng Cộng hòa, Biden vẫn hy vọng các gói đầu tư cho xã hội và khí hậu dù đã bị chặn ở Thượng viện sẽ được thông qua trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.2022.

Sự phân hóa đất nước còn tồn tại

Trong cuộc họp báo vào ngày 19-1-2022, Biden thừa nhận những nỗ lực đoàn kết quốc gia đã không đạt được kết quả như mong đợi. Ông nhìn nhận đã đánh giá thấp sự chống đối cứng rắn của đảng Cộng hòa đối với các chính sách của ông. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã ngăn chặn dự luật cải cách bầu cử và chương trình “Xây dựng trở lại tốt hơn”.

Theo nhận xét của các nhà phân tích chính trị, đảng Cộng hòa đã chống Biden vì cho rằng đường lối cầm quyền của Biden chịu nhiều ảnh hưởng của cánh tả trong đảng Dân chủ, mặc dù Biden đã nhiều lần khẳng định “Tôi không phải là một người xã hội chủ nghĩa”. Thêm vào đó, cựu Tổng thống Trump tiếp tục vu khống kết quả của cuộc bầu cử. Hai điều đó thực sự đã khiến Biden gặp rất nhiều khó khăn trong việc hàn gắn quốc gia.

Thành quả đối ngoại bị lu mờ

Sự thắng cử của Biden đã dấy lên niềm tin rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ nối lại hợp tác quốc tế và đối phó các chính quyền độc tài. Tổng thống Biden đã hứa hẹn quay trở lại ngoại giao, chủ nghĩa đa phương và một chính sách đối ngoại dựa trên giá trị hơn.

Những hy vọng này được phản ánh trong khẩu hiệu “Nước Mỹ đã trở lại”. Trong năm đầu tại nhiệm, Biden đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris, hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới, thực hiện hội nghị thượng đỉnh đa quốc gia ủng hộ dân chủ và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực. Biden coi sự mạnh lên của các quốc gia độc tài như Trung Quốc và Nga là một thách thức quan trọng cho hoà bình thế giới và cam kết đưa phương Tây lại gần nhau. Chính quyền Biden cũng đã có những quyết định đơn phương đối với các đối tác trong khu vực, chẳng hạn việc rút khỏi Afghanistan và Iraq, sự can dự ở Syria hoặc chính sách di cư của Mỹ đối với các nước Mỹ Latin.

Vào ngày 31 tháng 8 năm 2021, chỉ hơn hai tuần sau khi chính phủ ở Kabul sụp đổ, Joe Biden đã đưa ra lời biện hộ nhiều cảm xúc về việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan: “Đối với những người yêu cầu một thập niên chiến tranh thứ ba ở Afghanistan, tôi hỏi: Lợi ích quốc gia quan trọng là gì?

Ông tiếp tục: “Nghĩa vụ cơ bản của một Tổng thống, theo quan điểm của tôi, là bảo vệ nước Mỹ   không phải chống lại các mối đe dọa của năm 2001, mà là chống lại các mối đe dọa của năm 2021 và ngày mai”.

Quyết định của Biden chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ là đúng, nhưng cuộc di tản hỗn loạn khỏi Afghanistan khiến công luận trong và ngoài nước Mỹ bị sốc, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ và hình ảnh của Biden. Cũng lỗi lầm tương tự, Chính quyền Biden đã hy vọng thỏa thuận AUKUS (Úc – Vương quốc Anh – Hoa Kỳ), trong đó Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh cho Úc, sẽ thể hiện cam kết của Mỹ trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng mặt tích cực của thỏa thuận này đã bị lu mờ bởi sự đổ vỡ ngoại giao với Pháp. Ngay sau khi AUKUS được công bố, Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận, nước này chấm dứt hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp trị giá 66 tỷ USD. Động thái này khiến Paris tức giận. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, đây là “sự phản bội và không phải là cách các đồng minh đối xử với nhau”. Biden sau đã lên tiếng nhận lỗi, hối tiếc về vụ này.

Những vấn đề trước mắt

Tuần cuối cùng trước ngày kỷ niệm nhậm chức, công luận đã nhận thấy tầm ảnh hưởng của tổng thống Mỹ đang bị hạn chế và những thách thức mà Biden sẽ phải đối mặt trong năm thứ hai.

Sự xuất hiện của ông trong cuộc họp của khối thượng nghị sĩ Dân chủ vào 13-1-2022 cũng không thể thay đổi suy nghĩ của Joe Manchin và Kyrsten Sinema sẽ bỏ phiếu ủng hộ cho các dự án của chính quyền chưa được thông qua tại Thượng viện.

Cùng lúc, Biden đã thất bại trước Tối cao Pháp viện. Tòa án đã dừng lệnh tiêm vaccine bắt buộc cho các công ty có hơn 100 nhân viên và quỹ dành cho nhân viên y tế do nhà nước tài trợ vẫn được duy trì. Tòa án này với nhiều chánh án bảo thủ do Trump bổ nhiệm sẽ còn gây nhiều khó khăn cho việc điều hành của chính quyền Biden trong tương lai.

Trump đã tập hợp được nhiều đảng viên Cộng hoà đến nay vẫn tin vào “Lời nói dối lớn” (Big Lie) vu khống cuộc bầu cử gian lận và đã thành công trong việc kích động những người ủng hộ chống lại Biden, khiến ông không thể đoàn kết đất nước như đã hứa. Biden bây giờ dường như cảm thấy mệt mỏi về vấn đề này.

Đại dịch đã bùng phát lại, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm và số di dân ở biên giới phía nam nước Mỹ còn nhiều, đang là những lý do mà đảng Cộng hoà sử dụng để chỉ trích chính quyền Biden.

Theo các cuộc thăm dò của Gallup, mức độ tín nhiệm cho Tổng thống Biden đã giảm từ 57% xuống 43% trong năm qua. Dư luận phỏng đoán “Nếu Hạ viện và Thượng viện rơi về tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2022, Biden chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều hành./.

Tiếng Dân

 

Điểm báo quốc tế: Thành quả của Joe Biden sau một năm nhậm chức (Đỗ Kim Thêm)

Đỗ Kim Thêm tuyển dịch

22-1-2022

Ngày 20/1/2022 đánh dấu một năm kỷ niệm ngày Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ. Nhân dịp này, báo chí phương Tây đồng loạt nhìn lại thành quả chấp chính với các  quan điểm chung như sau:

Về mặt đối nội, Biden đã không thể thúc đẩy nhanh hơn các biện pháp cải cách xã hội và môi trường, tạo tình đoàn kết lưỡng đảng và dân chúng, cho dù đạt được các thành công khởi sắc trong phạm vi kinh tế, nhất là thị trường nhân dụng và chứng khoán. Công luận và chính giới ủng hộ cho Biden ít hơn so với trước đây, tín hiệu bi quan này cũng có nghĩa là triển vọng cho Donald Trump trở lại Nhà Trắng có xác xuất cao hơn.

Về mặt đối ngoại, dù điều chỉnh được các chính sách của Trump đối với Trung Quốc, nhưng Biden mất thanh danh sau việc triệt thoái vụng về của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Việc Nga đang huy động quân đội để xâm lược Ukraine là một nguy cơ mới, bên cạnh các vấn đề bảo vệ an ninh cho Đài Loan và Biển Đông vẫn còn tồn tại.

Hiện nay, khi phải giải quyết nhiều thách thức nghiêm trọng cho đất nước, khó khăn nhất của Biden là thời gian còn lại để làm xoay chuyển tình thế rất ít, trong khi cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần. Phần tuyển dịch sau đây sẽ giới thiệu các luận điểm chính.

***

Báo GAZETA WYBORCZA của Ba Lan nhận xét: “Biden muốn đưa nước Mỹ trở lại tình trạng bình thường và gây uy tín sau nhiệm kỳ tổng thống đầy biến động của Trump và  thực hiện các cải cách mang tính đột phá.

Biden đã thành công ở điểm đầu, nhưng không đạt được ở điểm thứ hai. Trong thời điểm này, có vẻ như chương trình cải cách xã hội và khí hậu mang tính đột phá của Biden sẽ đưa thanh danh trở thành Franklin D. Roosevelt thứ hai.

Nhưng sau đó, Biden hóa ra là một chính trị gia ngày càng trở thành không hiệu năng, Biden bị kềm hãm bởi đa số trong Quốc hội và một trận đại dịch không bao giờ kết thúc”.

Báo XINJINGBAO của Bắc Kinh nhận xét: “Trong năm đầu tiên nhậm chức không mang lại cho Biden nhiều niềm vui, những vấn đề cũ vẫn còn đó và những vấn đề mới đang được tăng thêm.

Không phải ngẫu nhiên mà có những cảnh báo về một cuộc nội chiến ở Mỹ. Nhiều đảng viên Cộng hòa vẫn cảm thấy bị lừa dối trong cuộc bầu cử tổng thống và tình trạng phân biệt chủng tộc tiếp tục lan rộng.

Mặc dù dữ liệu ghi nhận khá tốt, nhưng Biden cũng không thể ghi điểm cao về các vấn đề kinh tế. Việc rút quân Mỹ vội vàng và nhục nhã khỏi Afghanistan cũng dấy lên nhiều nghi ngờ về việc khôn khéo ngoại giao của Biden.

Hiện nay, nếu quan hệ với Trung Quốc xấu đi hơn, điều đó sẽ còn gây khó khăn hơn đối với Biden”.

Báo LOS ANGELES TIMES của Mỹ bình luận: “Các kết quả của Biden trong năm đầu tiên bị đánh giá thấp. Trong nhiều thập niên, chúng ta đã nghe điệp khúc quen thuộc: ‘Đó là nền kinh tế, chuyện ngu ngốc’.

Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào nền kinh tế trong thời của Biden: Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ thập niên 1960. Tăng trưởng trong việc làm trong năm 2021 là lớn nhất kể từ khi bắt đầu có việc lập hồ sơ. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới mức 4%, đó là một mức giảm lịch sử so với tỷ lệ 6,2%, một năm trước khi Biden nhậm chức. Và chỉ số trong thị trường chứng khoán S&P 500, thước đo mà tổng thống cuối cùng đo lường thành công của mình, nay đã đạt mức cao mới 70 lần và tăng 29%”.

Báo THE AUSTRALIAN từ Sydney chỉ trích mạnh mẽ việc xử lý khủng hoảng Ukraine của Biden, người đã công khai tuyên bố rằng ông mong đợi một cuộc xâm lược của Nga:

“Những nhận xét ngu ngốc của Biden làm tăng xác suất một cuộc chiến tranh to lớn xảy ra. Sự cởi mở của Biden, dù có vô tình hay không, làm suy yếu kịch bản răn đe của phương Tây. Do đó, một cuộc xâm lược của Nga đã tiến gần hơn”.

Báo NIHON KEIZAI SHIMBUN từ Nhật Bản phê bình: “Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Lavrov, người đồng cấp Nga, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn quyết định trong cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Biden chỉ quan tâm đến các giá trị của các cuộc thăm dò ý kiến.

Trong khi Đức và Pháp đang cố gắng tìm giải pháp ngoại giao, Biden đang phá hủy mọi thứ. Các biện pháp trừng phạt mà Biden đe dọa đối với các ngân hàng Nga cũng không dễ thực hiện, vì Nga là một đối tác thương mại quan trọng của châu Âu. Washington đang ngày càng không quan tâm đến lợi ích của các đồng minh, rất có thể là châu Âu sẽ quay lưng lại với Mỹ”.

***

Nhật báo MAGYAR NEMZET của Hungary khẳng định: “Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kết thúc năm đầu tiên nhậm chức như là người không được lòng cử tri. Biden đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trong và ngoài nước, nhưng nhiều cuộc khủng hoảng trong số đó đã trở nên trầm trọng hơn do chính ông gây ra.

Thất bại chính sách đối ngoại lớn nhất của chính quyền Biden chắc chắn là sự rút quân hỗn loạn của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, mà không thể được gọi là chiến thắng của Mỹ. Cho đến nay, Biden vẫn chưa thể hiện được phong cách lãnh đạo thực sự”.

Báo SLOBODNA DALMACIJA từ Split của Croatia nhìn lại: “Joe Biden đã gây ấn tượng là một người cha già dày dặn khi trở lại chính trường trong năm 2020 như một lão tướng chính trị giàu kinh nghiệm và kín đáo để giúp cho đất nước đang bị phân hoá nặng nề do Donald Trump.

Biden thể hiện năng lực, sự đứng đắn bảo thủ và khả năng đoàn kết, bất chấp những thách thức to lớn mà ông phải đối mặt. Một năm sau, ông là một tổng thống ngày càng có ít thời gian, sự kiên nhẫn và các đồng minh để giải cứu những gì còn lại trong tham vọng của mình”.

Báo RAZON của Mexico City nhận xét: “Biden muốn tìm kiếm đối thoại và thỏa hiệp, nhưng ông gặp phải một phe đối lập cực đoan của đảng Cộng hòa, họ vẫn chịu ảnh hưởng của Trump. Nhưng đảng của Biden cũng bị chia rẽ. Cải cách về luật nhập cư đã bị lãng quên, lạm phát đã đạt đến mức cao trong lịch sử và đảng Dân chủ có thể mất đa số trong Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Biden bắt đầu mất sự ủng hộ sau việc rút quân khỏi Afghanistan, tiếp theo là sự gia tăng giá cả và các trường hợp nhiễm Corona. Như thể một cái gì đó vẫn còn thiếu, hiện đang có những căng thẳng với Nga và nguy cơ xâm lược Ukraine. Và năm thứ hai nhậm chức chỉ mới bắt đầu”.

Báo PRAVDA có trụ sở tại Bratislava, Slovakia cho rằng: “Biden vẫn đang trả giá cho sai lầm của Trump. Biden đã cắn răng chịu đựng nghịch cảnh về Corona, sự chia rẽ của đất nước, tình trạng phân biệt chủng tộc, phong trào chống tiêm chủng, sự thất bại của hệ thống y tế và sự phân hoá xã hội ngày càng mở rộng.

Và sau đó, tất nhiên là vấn đề Afghanistan. Trò hề về việc rút quân mà người tiền nhiệm Donald Trump đã ký, về cơ bản là không thể tránh khỏi, sau tất cả những sai lầm chính trị và chiến lược đã được thực hiện trước đó. Trong trường hợp này, Biden đã lãnh mọi hậu quả do công việc của người tiền nhiệm”.

Báo  RZECZPOSPOLITA của Ba Lan lo ngại, trong cuộc họp báo sau năm đầu tiên nhậm chức, Biden đã nói rõ rằng một cuộc xâm lược có giới hạn Ukraine của quân đội Nga có thể không có hậu quả. “Một ‘cuộc xâm lược nhỏ’ sẽ không thuyết phục được tất cả các đồng minh áp đặt một lệnh trừng phạt lớn, Biden nói như vậy.

Tổng thống Putin phải thực hiện bao nhiêu biện pháp để đáp trả cuộc xâm lược đủ lớn? Người Nga sẽ phải xâm lược Kiev bằng xe tăng? Nếu không có phản ứng đối với một cuộc xâm lược nhỏ, nó có thể nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh to lớn”.

***

Báo La REPUBBLICA của Ý nhận định là các chương trình nghị sự kinh tế thất bại khi liệt kê các công trình xây dựng của Biden: “Các vấn đề của Biden bắt đầu với Afghanistan, nhưng đã trở nên trầm trọng hơn bởi dịch Covid đang diễn ra, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, lạm phát tăng vọt và sự khiêu khích của Putin ở Ukraine 

Tuy nhiên, lý do chính là sự thất bại trong việc thông qua biện pháp Build Back Better với trị giá 1,75 nghìn tỷ đô la, được thiết kế để cải cách xã hội và loại bỏ tình trạng bất bình đẳng, cũng như tạo một luồng gió mới để thoát khỏi chủ nghĩa dân tuý và đề cao chủ quyền mà Trump đã nhờ đó mà thắng cử vào năm 2016.

Ngay cả một số đảng viên Dân chủ cũng nói rằng Biden phải thỏa hiệp với phe bảo thủ và tự do trong đảng của mình để đạt được thành công trong việc lập pháp … Hội nghị hôm qua là một nỗ lực đầu tiên, nhưng theo sau đó bây giờ phải là hành động”.

Báo TELEGRAPH của Anh cho rằng, hình ảnh mềm yếu của Biden làm hại cho uy tín của nước Mỹ:

“Năm đầu tiên của Joe Biden là một sự bối rối đặc biệt trong chính sách đối ngoại. Đối với những kẻ thù của Mỹ, họ coi Biden là một kẻ yếu đuối mà thời gian nhậm chức mang lại một cơ hội để thách thức nước Mỹ và làm suy yếu sức mạnh chiến lược của đất nước.

Không phải ngẫu nhiên mà với cựu Thượng nghị sĩ từ Delaware trong Nhà Trắng, quân đội Nga hiện đang được huy động ở biên giới Ukraine, Trung Quốc đang công khai đe dọa xâm lược Đài Loan và Iran đang nhanh chóng mở rộng chương trình hạt nhân của mình 

Dưới thời Donald Trump, các đối thủ của Mỹ đã cẩn thận không bắt đầu một cuộc xung đột với một tổng thống thường không thể đoán trước và dường như sẵn sàng sử dụng khả năng quân sự của Mỹ”.

Báo THE IRISH INDEPENDANT (Ái nhĩ Lan) tin rằng, cuối cùng, Biden cũng phải tăng tốc và thể hiện lòng can đảm: “Rất ít tổng thống phải đối mặt với một danh sách các công việc cần phải làm dài như Biden. Biden đã thừa hưởng một quốc gia bị chia rẽ, một đảng bị phân hoá và một đại dịch đã đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn. …

Biden nhậm chức với nhiệm vụ trở thành người sửa chữa cho tất cả mọi thứ. Nước Mỹ cần một người chữa lành và một thợ thủ công lành nghề chính trị có khả năng bắc chiếc cầu nối cho những rạn nứt sâu đậm …

Nhưng sự tiến bộ của Biden quá chậm và mọi người đang mất kiên nhẫn. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị nhận ra quá muộn rằng, còn đau đớn hơn nhiều khi nhìn lại và tự hỏi rằng liệu có quá nhiều điều đã xảy ra hơn là cố gắng và có lẽ thất bại không”.

Báo POLITIKEN (Đan Mạch) cho rằng, Biden không còn nhiều thời gian. “Tổng thống Mỹ đang gặp khủng hoảng. Và với viễn cảnh thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, Biden và đảng Dân chủ thật sự chỉ có một năm để tìm cách trở lại cho đúng hướng.

Không chỉ riêng Joe Biden chịu trách nhiệm về điều này, mà ở một mức độ lớn hơn, cũng có các đảng viên Dân chủ chống lại Biden trong Quốc hội. Họ cần phải nhận ra rằng họ đang mở đường cho Donald Trump ngay từ bây giờ. Cả Hoa Kỳ và thế giới đều không thể chấp nhận được điều đó”.

Tổng hợp từ các nguồn của Deutschlandfunk  eurotopics.

Tiếng Dân

 

Chấm điểm năm đầu tiên tại vị Tổng thống Mỹ (BBC)

  • Robin Levinson-King & Mike Hills
  • BBC News

US President Joe Biden

EPA

Khi nhậm chức là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, Joe Biden tuyên bố rằng việc lên nắm chính quyền của ông là “chiến thắng không phải của một ứng cử viên, mà là của một căn nguyên – căn nguyên của nền dân chủ”.

Phát biểu trước một đất nước đang bị chia rẽ giữa đại dịch, chỉ vài tuần sau cuộc bạo động ở Điện Capitol, Biden nguyện sẽ mang lại sự thống nhất và thực hiện “những điều vĩ đại”.

Một năm sau nhiệm kỳ tổng thống của ông, chúng ta cùng xem lại những tiến triển mà ông Biden đã đạt được, vị thế của ông với công chúng Mỹ và tất cả những điều này ý nghĩa gì đối với tổng thống Biden trong tương lai, với phân tích từ phóng viên Anthony Zurcher của BBC Bắc Mỹ.

Xếp hạng tín nhiệm của ông Biden như thế nào?

Theo RealClearPolitics, ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ của mình với 56% dân số Mỹ tín nhiệm, và đã giành được hơn 80 triệu phiếu bầu – nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào khác.

Nhưng trong năm đầu tiên của mình, ông đã có một sự đảo ngược vận mệnh đáng kinh ngạc.

Hôm nay, chỉ số tín nhiệm của ông đã giảm xuống còn 42%. Số người không chấp nhận công việc ông đang làm đã tăng từ 35% lên 52%.

Biden approval ratings

Bạn thậm chí có thể định vị chính xác thời điểm ngôi sao của ông Biden rớt xuống – trong bối cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan bị chỉ trích rộng rãi vào tháng 8/2021. Đó là khi tỷ lệ những người không tín nhiệm ông bằng với tỷ lệ những người tín nhiệm.

Kể từ đó, xếp hạng tín nhiệm của ông đã giảm hơn nữa khi ông cố gắng thực hiện chiến dịch lớn nhất của mình – hứa hẹn sẽ khống chế đại dịch Covid-19 và khôi phục sự phồn vinh cho tầng lớp trung lưu.

So với các tổng thống gần đây, chỉ có Donald Trump là có năm đầu tiên đáng thất vọng hơn – tỷ lệ tín nhiệm của ông giảm từ 45% vào ngày nhậm chức xuống còn 35% một năm sau đó, theo Gallup.

Sếp cũ ông Biden, Barack Obama, bắt đầu ở mức cao gần 70% khi ông nhậm chức và kết thúc gần 50% một năm sau đó. George W Bush bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình ở vị trí tương tự như ông Biden, với tỷ lệ tín nhiệm khoảng 60%, nhưng con số này đã tăng lên gần 90% sau ngày 11/9/2001.

Anthony Zurcher: Thật khó để nói rằng tuần trăng mật đã kết thúc đối với Joe Biden vì ông ấy chưa bao giờ thực sự có tuần trăng mật của tổng thống. Xếp hạng của ông khởi đầu tích cực một cách khiêm tốn, không có những va chạm trong lễ nhậm chức mà hầu hết các tổng thống (không kể Donald Trump) đều nhận. Giờ đây, những con số của ông đang ở trong vùng nguy hiểm đối với các tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên với hy vọng giành chiến thắng trong cuộc tái cử – phản ánh sự không ưa của đa số đảng Cộng hòa và phần lớn các đảng viên độc lập đang chán ghét ông.

line

Ông Biden đã kiểm soát được đại dịch chưa?

Tổng thống Biden, người nói rằng ông mang theo, trong túi quần, một chiếc thẻ có con số người Mỹ thiệt mạng vì virus, đã nói rõ quan điểm rằng giải quyết đại dịch là ưu tiên hàng đầu của ông.

Các trụ cột chính trong kế hoạch Covid của ông nằm ở chiến dịch tiêm chủng rộng rãi và gia tăng xét nghiệm diện rộng.

Biden approval ratings

Trong năm đầu tiên của mình, Biden đã mở rộng nguồn cung vaccine và hiện tại, khoảng 75% người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều và 63% được tiêm chủng đầy đủ. Trẻ em dưới 5 tuổi đã đủ điều kiện tiêm vaccine kể từ tháng 11, 80 triệu liều tăng cường đã được tiêm để giúp bảo vệ chống lại Omicron và bộ xét nghiệm nhanh miễn phí tại nhà vừa có sẵn để đặt hàng trong tuần này.

Nhưng sự gia tăng của các biến thể và tiếp tục có những phản đối tiêm vaccine đồng nghĩa với việc đại dịch còn lâu mới kết thúc. Trong năm qua, Hoa Kỳ đã trải qua ba làn sóng virus lớn và hơn 850.000 người Mỹ đã chết vì Covid – con số tử vong quốc gia cao nhất được ghi nhận do đại dịch toàn cầu.

Anthony Zurcher: Ông Biden tuyên bố trong một bài phát biểu hồi tháng 7 rằng Mỹ có thể kỷ niệm “sự độc lập” khỏi cơn đại dịch Covid-19. Điều đó có thể nằm cạnh biểu ngữ “hoàn thành sứ mệnh” Chiến tranh Iraq của George W Bush trong hội trường tuyên bố chiến thắng sớm của tổng thống. Mặc dù Nhà Trắng sẽ được công nhận vì đã ban hành một dự luật cứu trợ đại dịch lớn vào tháng 5, nhưng việc không có khả năng chuẩn bị cho những thách thức mà các biến thể Delta và Omicron đặt ra đã biến điều tưởng như thành công rực rỡ thành một khẩu hiệu dài và khô cứng.

line

Nền kinh tế Mỹ đã phát triển như thế nào dưới thời Biden?

Đối với nhiều người Mỹ, vấn đề số một mà đất nước phải đối mặt là nền kinh tế. Khi ông Biden nhậm chức, đại dịch đã làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm và Mỹ phải đối mặt với thảm họa thất nghiệp do việc phong tỏa.

Biden approval ratings

Công ăn việc làm đã phần nào hồi phục so với năm ngoái, với 6,4 triệu việc làm được thêm vào. Mặc dù tổng số việc làm vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất gần 50 năm.

Nhưng thay vào đó, những trở ngại kinh tế khác đã phát sinh.

Hàng triệu người Mỹ đã thôi việc. Mặc dù điều này cho thấy niềm tin vào thị trường việc làm, một số ngành công nghiệp hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động, góp phần vào các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Giá tiêu dùng đã tăng 7% từ tháng 12/2020 đến ngày 21/12, mức tăng lớn nhất kể từ những năm 1980.

Anthony Zurcher: Ông Biden nhậm chức khi nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu trỗi dậy sau một năm đại dịch phong tỏa. Tin tốt cho ông là tỷ lệ thất nghiệp giảm, thị trường chứng khoán bùng nổ và mức tăng trưởng kỷ lục. Tin xấu là tốc độ phục hồi khiến chuỗi cung ứng chật vật và mức lạm phát chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Nếu nền kinh tế có thể rũ bỏ những khía cạnh tiêu cực đó, hồ sơ của ông Biden trông có vẻ tốt – nhưng các vấn đề này không phải là “nhất thời” như chính quyền đã hứa.

line

Biden đã thực hiện cải cách nhập cư chưa?

Một trong những lời hứa của ông Biden khi tranh cử là chấm dứt tình trạng chia cắt các gia đình di cư và chấm dứt việc giam giữ trẻ em ở biên giới, một chính sách thời Trump khiến phe tả tức giận.

Tổng thống Biden đã giữ lời khi chấm dứt cái gọi là chính sách “không khoan nhượng”. Số lượng trẻ vị thành niên bị giam giữ trong các trung tâm đã giảm mạnh.

Nhưng kể từ khi ông nhậm chức, Hoa Kỳ đã chứng kiến một làn sóng di cư, tạo ra những thách thức mới. Năm 2021, có gần 2 triệu cuộc chạm trán giữa người di cư và các lính biên phòng Hoa Kỳ, trong đó có 165.000 vụ liên quan đến trẻ vị thành niên.

Biden

Các cải cách dài hạn vẫn khó nắm bắt. Kế hoạch của ông Biden nhằm cung cấp tư cách pháp nhân cho khoảng 11 triệu người không có giấy tờ ở Mỹ đã bị đình trệ tại Quốc hội và ông đã thất bại trong việc lật ngược chính sách thời Trump khiến người di cư phải chờ đợi ở Mexico trong khi các đơn xin tị nạn của họ được xem xét ở Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Biden đã bảo vệ việc sử dụng chính sách của Trump cho phép chính phủ tự động trục xuất những người xin tị nạn không có giấy tờ để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Ông đã sử dụng cái gọi là chính sách Title 42 để đuổi 4.000 người Haiti ra khỏi Texas, vấp phải sự lên án rộng rãi.

Anthony Zurcher: Luôn luôn có sự gia tăng các cuộc vượt biên không giấy tờ sau khi đại dịch khiến việc di cư giảm trong năm 2020. Điều không được kỳ vọng là những cải cách nhập cư của ông Biden – những cải cách mà ông thực hiện – đã khiến cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng thêm. Người di cư tràn ngập các biên giới Hoa Kỳ – nơi không được chuẩn bị cho sự gia tăng này. Kết quả là ít người hài lòng với việc chính sách nhập cư của ông Biden.

line

Thành tựu của Biden là gì?

Ông Biden đã đạt được một số thành tựu ban đầu, như thông qua dự luật cứu trợ đại dịch 1.900 tỷ đôla vào tháng Ba.

Ông cũng đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris, cung cấp 100 triệu mũi tiêm cho 50 triệu người trong 100 ngày và hủy bỏ lệnh cấm người chuyển giới trong quân đội.

Bất chấp sự phản đối từ các đảng viên Cộng hòa và một đảng Dân chủ đang rạn nứt, ông đã nỗ lực để thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ đôla vào tháng 11.

Một thành tựu lâu dài hơn có thể là việc Biden bổ nhiệm nhiều thẩm phán trong năm đầu nhiệm kỳ của mình hơn so với bất kỳ tổng thống nào kể từ Ronald Reagan.

Biden approval ratings

Tuy nhiên, ông Biden đã bị giáng một đòn mạnh vào tuần này khi các thành viên trong đảng của ông nói rõ rằng họ sẽ không giúp ông thúc đẩy các cải cách bầu cử tại Quốc hội. Đây không phải là lần đầu tiên. Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema và Joe Manchin, đảng viên Dân chủ ôn hòa ở các bang xoay trục quan trọng, cũng đã ngăn cản dự luật chi tiêu xã hội và chương trình nghị sự về khí hậu của Biden.

Anthony Zurcher: Trong năm qua, người ta tập trung nhiều vào những gì ông Biden chưa làm được tại Quốc hội so với những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được. Như bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng biết, việc bạn hứa mà không giữ lời là cách tuyệt vời để khiến con trẻ giận dữ. Ông Biden đã đưa ra rất nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử, một số trong số đó không thực tế hoặc phụ thuộc vào những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Bây giờ ông đang đối mặt với những cử tri mà sự giận dữ của họ đang bắt đầu bùng phát.

Đánh giá sơ bộ về thành tích của Tổng thống Biden sau một năm cầm quyền (Hoàng Anh Tuấn)

 

23.1.2022

Tác giả: TS Hoàng Anh Tuấn

Nghiên Cứu Quốc Tế

 

1) Quyết tâm của ông Biden thay đổi nước Mỹ khi trở thành Tổng thống Mỹ được thể hiện như thế nào?

Khi còn là Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, Ông Biden đã đưa ra rất nhiều lời hứa hẹn và cam kết về mặt đối nội, tựu trung ở năm điểm chính:

Một là, đoàn kết, thống nhất lại người Mỹ trên cơ sở khắc phục sự chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ về mặt chính trị, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa… đã bị khoét sâu dưới thời người tiền nhiệm Donald 

Trump.

Hai là, có giải pháp đặc biệt để xử lý dịch bệnh Covid-19 đã khiến nước Mỹ bị tổn thất nhân mạng và lụn bại rất nhiều về mặt kinh tế dưới thời Donald Trump. Khi ông Biden lên nắm quyền ngày 20/1/2021, nước Mỹ đã chịu tổn thất nặng nề khi có tới 400.000 người chết và 25 triệu người bị nhiễm do Covid-19.

Ba là, tăng thuế đánh vào doanh nghiệp và người giàu để dùng số tiền này giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội của nước Mỹ, cũng như thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vốn là nguyên nhân của các bất ổn xã hội tiềm tàng trong lòng nước Mỹ.

Bốn là, tập trung phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đặc biệt là hồi phục nước Mỹ sau đại dịch.

Năm là, đưa ra các gói kích cầu lớn để xây dựng, cải thiện cơ sở “hạ tầng cứng” của nước Mỹ như hệ thống đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng, cũng như “hạ tầng mềm” là đầu tư vào con người với các gói an sinh xã hội mới dành cho người nghèo, giáo dục, bảo hiểm y tế, chống biến đổi khí hậu… Để làm được việc này thì cần có sự hậu thuẫn của Quốc hội nhằm thông qua các dự luật chi tiêu quan trọng.

2) Vậy Tổng thống Biden và chính quyền của ông đã có những thành tích nổi bật gì, cũng như những việc chưa làm được trong 1 năm qua?

Người Mỹ có xu hướng đánh giá Tổng thống của mình qua các thành tích đối nội, còn người nước ngoài thì thường nhìn thành tích của Tổng thống Mỹ qua lăng kính đối ngoại. Cách đánh giá tương đối chính xác là xem kết quả các cuộc thăm dò dư luận đánh giá những việc Tổng thống Mỹ đã làm được một năm qua ra sao.

Sau khi kết thúc một năm cầm quyền, tổng hợp các cuộc thăm dò dư luận của các hãng tin độc lập, cánh tả lẫn cánh hữu, cho thấy mức độ ủng hộ, đánh giá tích cực công việc của ông Biden (Job Approval Ratings) trên cương vị tổng thống rất thấp, chỉ 40%. Đây là mức thấp thứ hai trong lịch sử dành cho một tổng thống Mỹ sau một năm cầm quyền kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Vậy ông Biden đã làm được gì và không làm được gì?

Có thể điểm qua một số thành tích đối nội nổi bật của ông Biden trong một năm cầm quyền như sau:

Thứ nhất, ông Biden đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ. Năm 2021 tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 5,6% (so với -3,5% năm 2020) một con số hết sức ấn tượng đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nước Mỹ quay trở lại đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới. Chỉ số chứng khoán Dow Jones cũng tăng kỷ lục gần 20% và đạt mức đỉnh lịch sử với gần 36000 điểm. Thất nghiệp của nước Mỹ hiện ở mức dưới 4%, mức thấp nhất trong 50 năm qua.

Thứ hai, chính quyền và Biden đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ sau khi nhiều loại vắc xin chống Covid-19 được phát triển dưới thời Donald Trump và được Cơ quan Thực phẩm và Dược của Mỹ (FDA) chấp thuận sử dụng như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson. Tính đến nay 71% người Mỹ đã tiêm một liều, 62% tiêm hai liều, và 24,5% tiêm ba liều.

Ba là, Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua hai dự luật quan trọng và sau đó được Tổng thống Biden ký thành luật là Đạo luật xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1000 tỷ USD và Đạo luật chi tiêu trị giá 1900 tỷ USD giúp phục hồi kinh tế.

Những điều trên cho đến nay được xem là những điểm sáng nhất trong chính sách đối nội của Tổng thống Biden trong một năm qua. Tuy chính quyền Biden đã cố gắng rất nhiều, nhưng đối với phần đông người Mỹ thì chừng đó vẫn là quá ít và chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ. Vậy những gam màu tối trong chính sách đối nội của Chính quyền Biden trong 1 năm qua là gì?

Một là, kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng lạm phát phát lại tăng mạnh hơn. Trong tháng 12/2021, lạm phát của nước Mỹ là 7%, mức cao nhất trong 50 năm qua kể từ năm 1972. Mức lạm phát này lớn hơn rất nhiều mức tăng trưởng kinh tế cũng như mức tăng lương hàng năm. Điều này có nghĩa đa phần người Mỹ phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày với giá thuê nhà, giá gas, điện, nước, nhu yếu phẩm… tăng vọt.

Hai là, mặc dù nước Mỹ dưới thời Biden đang dư thừa vắc-xin, có trong tay nhiều loại thuốc trị bệnh Covid-19 mới… tuy nhiên số ca mắc Covid-19 mới lại không giảm. Trong vòng 3 tuần qua, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, trung bình mỗi ngày nước Mỹ có 800.000 đến 1 triệu người nhiễm bệnh. Nhìn tổng thể, số người chết do Covid-19 trong 1 năm qua dưới thời Biden (450.000) và số người nhiễm bệnh (48 triệu) đều cao hơn nhiều so với thời Donald Trump (số tương ứng là 400.000 và 25 triệu). Điều này cho thấy chống Covid-19 là câu chuyện nan giải và cả Chính quyền Trump lẫn Biden đều chả có phép màu gì để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này.

Ba là, Chính quyền Biden bất lực trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư ồ ạt vào nước Mỹ và từ đó gây ra một loạt các vấn nạn về nhân đạo, buôn người, ma túy và tình trạng tội phạm gia tăng ở một loạt các thành phố lớn của nước Mỹ như Chicago, Baltimo, New York, Los Angeles…

Bốn là, các mâu thuẫn, chia rẽ trong xã hội không những không được hàn gắn mà còn tiếp tục bị khoét sâu hơn, như mâu thuẫn khó có thể thỏa hiệp được giữa phe Dân chủ và Cộng hòa thể hiện qua việc bỏ phiếu thông qua các dự luật quan trọng trong thời gian gần đây đều mang tính chất phe đảng như việc toàn bộ các nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ, còn các nghị sĩ Cộng hòa thì bỏ phiếu chống hoặc ngược lại; và mâu thuẫn nội tại không thể thỏa hiệp ngay trong phe Dân chủ giữa các nghị sĩ cấp tiến và các nghị sĩ ôn hòa…

Năm là, ngay trước ngày kỷ niệm một năm cầm quyền, chính quyền Biden và Đảng Dân chủ lại chịu hai thất bại lập pháp quan trọng mà ông Biden hứa hẹn sẽ thúc đẩy ngay sau khi trở thành Tổng thống, đó là Dự luật chi tiêu xã hội trị giá 1750 tỷ USD và Dự luật về Quyền bầu cử, tức tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những cử tri thiểu số, thân đảng Dân chủ bỏ phiếu…

3) Đánh giá ra sao về thành tích đối ngoại của Chính quyền Biden trong một năm qua?

Mặc dù gặp không ít vấn đề, nhưng so với đối nội, đối ngoại vẫn được xem là một trong số ít các “điểm sáng” trong năm đầu cầm quyền của Chính quyền Biden. Có thể thấy 3 điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Biden như sau:

Một là, chính quyền Biden đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ “nước Mỹ đã quay trở lại” (America is back) theo nghĩa Mỹ đã quay trở lại các cam kết quốc tế lớn và các định chế quan trọng như các cam kết về chống biến đổi khí hậu với sự tham gia hùng hậu của đoàn Mỹ tại COP-26, tham gia trở lại vào Hội đồng nhân quyền, Tổ chức y tế thế (WHO), Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO)…

Hai là, thắt chặt quan hệ với các đồng minh châu Âu trong EU, NATO và các đồng minh ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Mỹ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump đặt Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên quan trọng trong chính sách an ninh – đối ngoại của mình, với một số điểm nhấn: (1) lôi kéo sự can dự của các đồng minh ngoài khu vực như Anh, EU vào các vấn đề của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (2) thúc đẩy việc thiết chế hóa nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản; (3) lập các “liên minh an ninh mini” như AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ.

Ba là, trong quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc và Nga, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố cạnh tranh chiến lược, coi cạnh tranh chiến lược là nhân tố có tính chi phối. Tuy nhiên, khác với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump, Chính quyền Biden còn nhấn mạnh đến mặt hợp tác và sự can dự ở cấp cao với mục đích không để sự cạnh tranh hoặc hiểu lầm chiến lược dẫn đến xung đột hoặc chiến tranh giữa Mỹ với hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này. Trong năm 2021, Biden đã có hai cuộc họp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin, hai cuộc điện đàm và một cuộc họp Thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những nhân tố đó giúp thế giới có sự lạc quan dè dặt rằng hòa bình vẫn tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong 5 đến 10 năm tới.

Vậy các gam màu tối trong chính sách đối ngoại là gì?

Cần thấy ngay rằng, cuộc rút quân vội vã thiếu tổ chức của Mỹ khỏi Afghanistan, cũng như việc lên nắm quyền ngay sau đó của Taliban, là một trong những thất bại lớn nhất về đối ngoại, an ninh và quân sự của Chính quyền Biden. Không chỉ dân chúng Mỹ mất lòng tin, mà các đồng minh của Mỹ trong NATO cũng cảm thấy bất ngờ về việc không được chia sẻ thông tin tình báo và tham khảo đầy đủ

Tiếp đó là quan hệ với các đồng minh. Tuy Chính quyền Biden đã rất cố gắng, nhưng quan hệ với đồng minh vẫn có lúc “cơm không lành, canh chẳng ngon”. Điển hình là việc Pháp bị bất ngờ trong vụ Mỹ nẫng tay trên, bán tàu ngầm cho Australia. Quan hệ xấu đến mức Ngoại trưởng Pháp gọi việc này là bị Mỹ “đâm nhát dao sau lưng”, và thậm chí Pháp còn triệu hồi (trong thời gian ngắn) Đại sứ của mình tại Washington về nước để tham khảo ý kiến.

Cuối cùng là quan hệ của Mỹ với Nga vẫn tiếp tục căng thẳng và thiếu lòng tin nghiêm trọng, thể hiện trong việc xử lý vấn đề Ucraina trong thời gian qua.

4) Đánh giá ra sao về quan hệ Việt Nam – Mỹ trong năm 2022?

Trước hết cần thấy rằng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia và vấn đề đối ngoại mà Mỹ có sự nhất trí của lưỡng đảng. Kể từ khi hai nước Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, quan hệ Việt – Mỹ liên tục phát triển, dù là nước Mỹ dưới thời chính quyền cộng hòa hay chính quyền dân chủ. Do vậy, việc Chính quyền Biden tiếp tục coi trọng và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong năm tới sẽ không nằm ngoài xu hướng chung đó.

Thứ hai, trong 27 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng được nền tảng quan hệ vững chắc. Về chính trị, các cuộc thăm viếng cấp cao của lãnh đạo hai nước, cũng như các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên cấp Bộ trưởng, các đối thoại chính sách… được duy trì đều đặn, qua đó giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp các khác biệt. Về kinh tế, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ, còn Mỹ là nguồn đầu tư quan trọng và là bạn hàng thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước không ngừng được củng cố và tiếp tục phát triển. Các quan hệ giáo dục, y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân ngày càng được mở rộng. Tất cả các nhân tố đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ song phương trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới.

Thứ ba, xét từ góc độ chiến lược, Mỹ nhìn nhận Việt Nam có vị trí chiến lược, có vai trò quan trọng trong tổ chức ASEAN – một tổ chức mà Mỹ hết sức coi trọng, tranh thủ trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình dương của mình. Mỹ còn nhìn nhận vị trí và vai trò quan trọng của Việt Nam tại rất nhiều diễn đàn trong đó ASEAN đóng vai trò dẫn dắt, chi phối và có sự tham gia của Mỹ như ASEAN + 1 (giữa ASEAN và Mỹ), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus)…

Cuối cùng, Mỹ nhìn nhận vị thế và vai trò của Việt Nam đang lên ở quốc tế, có tiếng nói và ảnh hưởng trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như chống biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu, sở hữu trí tuệ… Đặc biệt, Mỹ thấy vai trò quan trọng của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và sự phối hợp hiệu quả giữa Việt Nam Nam và các thành viên Thường trực, trong đó có Mỹ, và thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an trong 2 năm 2020-2021 khi Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.

MỘT NĂM ĐẠI HỌA CỦA “TỔNG THỐNG GIỎI NHẤT” (Vũ Linh)

 

1.1.2022

Vũ Linh

Diễn đàn Trái Chiều

 

 

    Đầu năm cũng như gần đến ngày kỷ niệm một năm chấp chánh của cụ Biden, ta thử xem lại những chuyện gì đã xẩy ra trong năm qua.

    Cụ Biden chiến thắng, hạ được TT Trump trong cuộc bầu cuối năm 2020. Lý do chiến thắng sẽ được tranh cãi cả trăm năm nữa vì cuộc bầu bán này mờ ám nhất. Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên có tranh cãi trong bầu cử như vài tay cuồng chống Trump khẳng định sảng để có dịp bôi bác ông Trump không tôn trọng luật chơi dân chủ. Gần đây nhất, năm 2000 khi Al Gore thua phiếu tại Florida nhưng nhất định đòi đếm lại phiếu đủ kiểu trong cả tháng trời, cho tới khi Tối Cao Pháp Viện ra lệnh ngưng đếm lại, thì ông Gore mới miễn cưỡng chấp nhận nhưng vẫn ngoan cố và ấm ức không chịu chính thức nhìn nhận ông Bush là tổng thống, suốt mấy năm luôn, không bỏ lỡ cơ hội nào để công kích ông Bush.

    Bỏ qua chuyện tranh cãi kết quả bầu cử, ta xem cụ Biden đã làm được chuyện gì sau một năm bóp trán vặn óc.

 

    Một con vẹt mới đây đã rất ‘hoành tráng’ phóng ra câu nhận định tuyệt siêu, bảo đảm sẽ làm nhiều người tự nhéo mình xem mình đang tỉnh hay đang ngủ say trong ác mộng. Con vẹt này viết “TT Biden làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển mạnh mẻ, chứng minh ông là tổng thống giỏi nhất so với bất kỳ tổng thống nào suốt 50 qua”. 

    Kẻ này thề danh dự đây là trích dẫn nguyên văn cái tựa email được gửi tới kẻ này, tuyệt đối không phải Vũ Linh phịa ra để bôi bác. Cái tựa này bảo đảm cũng sẽ đi vào lịch sử thế giới như một nhận định phe đảng ngu xuẩn nhất, phản sự thật nhất lịch sử nhân loại từ ngày loài người ra khỏi hang động cách đây… 50.000 năm! 

 

 

 

 

 

Let’s Go Brandon, I agree !!!

 

    Chính quyền Biden có 3 đặc điểm nổi bật không ai chối cãi được. 

    Thứ nhất, đó là một chính quyền rất thiên tả, thiên tả hơn xa các chính quyền Dân Chủ trước đây của Carter, Clinton và Obama. Dĩ nhiên, không ai nói cụ Biden là cộng sản hết, nhưng chính sách Nhà Nước Vú Em, lo nuôi nấng và kiểm soát người dân từ ngày trong nôi tới ngày vào hòm, vẫn là căn bản, mẫu số chung của phe tả từ hồng nhạt tới đỏ xẫm. 

    Kẻ này đã tưởng dân tị nạn Việt nghe nói đến xã nghĩa thì chắc chắn phải nổi da gà, đổ mồ hôi hột, chạy không dám ngoái đầu nhìn lại. Thế nhưng lại đã có không ít dân tị nạn tung hô chính sách thiên tả của Biden mới lạ. Mà lạ nhất không phải chỉ có đám trẻ được các trường Mỹ ‘cải tạo’ 20 năm trời, mà tung hô hung hăng nhất lại là vài cụ tóc trắng, trốn chạy CS bạt mạng, qua đây lại hoan hô ông thượng nghị sĩ đã giết miền Nam, đẩy các cụ đó vào trại cải tạo, rồi đẩy luôn các cụ vào cảnh mất nước, vứt bỏ mồ mả ông bà qua xứ người xin sống nhờ. Các cụ không dám nói huỵch tẹt ra nhưng trong thâm tâm muốn tạ ơn cụ Biden giúp các cụ được sống an nhàn ở Mỹ, rủng rỉnh ăn tiền già bằng đô-la xanh thứ thiệt, con cháu thoát nạn đi lính chết mất xác trên rừng núi nào đó mà lại có cơ hội ôm cả mớ bằng sĩ lớn sĩ nhỏ, tiến sĩ lùi sĩ, bác sĩ cháu sĩ,… Tuy thỉnh thoảng các cụ cũng cố hét ầm lên nhắc nhở thiên hạ “Tôi chống cộng nhất mà!”.

    Thứ nhì, cụ Biden là một cụ già, già theo số tuổi dĩ nhiên, mà cũng già trong đầu óc. Hết sức lờ mờ, lẩm cẩm, chuyên nói hớ, nói lộn, nói nhầm, triệu chứng tiền alzheimer rõ rệt nhất. Chỉ chưa biết cụ sẽ bị alzheimer trước hay sau khi hết làm tổng thống. 

   Thứ ba, quan trọng hơn cả, đúng như ông cựu bộ trưởng Robert Gates của TT Obama đã nhận định, cụ Biden cũng là người đã lấy những quyết định toàn là sai, mang lại toàn đại họa: từ mở cửa biên giới cho di dân lậu, tới tháo chạy 3g sáng khỏi Afghanistan, từ điều hành kinh tế đưa đến lạm phát cao nhất từ 40 năm qua, tới chống dịch COVID hữu hiệu đến độ số người nhiễm và chết từ ngày nhậm chức đến giờ đã cao hơn xa dưới thời Trump cho dù cả 200 triệu người đã chích ngừa, từ chính sách an ninh trật tự lo vuốt ve dân da đen đưa đến tình trạng trộm cướp công khai kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ, tới các cải cách giáo dục đưa đến sự nổi loạn của giới phụ huynh. Các cụ ơi, tổng thống “giỏi nhất từ 50 năm qua” đó!!!

 

 

    Một năm qua, dĩ nhiên đã có rất rất nhiều chuyện đáng bàn, như Diễn Đàn Trái Chiều này đã bàn lai rai cả năm liền cùng với trang tin tức thật dài, mỗi tuần.

    Trong bài này, DĐTC sẽ tự giới hạn trong một ít biến cố quan trọng nhất, có hậu quả lớn nhất thôi. Xem chơi ông “tổng thống giỏi nhất từ 50 năm qua” đã đạt được những thành tích “giỏi” tới cỡ nào.

    Phải nói ngay, cũng chẳng có gì mới lạ và tất cả những người theo dõi tin thời sự đều đã biết rành, nhưng vẫn nên nhìn lại để… ôn cố tri tân.

 

    1. CỤ BIDEN NHẬM CHỨC RỒI HẬU THUẪN BỐC HƠI

    Biến cố quan trọng nhất đương nhiên là việc cụ Biden tuyên thệ nhậm chức cuối tháng Giêng. Bỏ qua chuyện gian lận, trên nguyên tắc, cụ đắc cử với tỷ lệ 52% qua hơn 81 triệu phiếu, trong khi ông Trump chiếm được 47% với 74 triệu phiếu. Nhìn vào đây thì thấy cụ Biden hơn ông Trump tới 7 triệu phiếu. Nhưng trên thực tế, vì thể thức bầu cử Mỹ dựa trên số phiếu của cử tri đoàn đại diện các tiểu bang chứ không phải dựa trên tổng số phiếu cả nước, cụ Biden chỉ thắng trong khoảng cách có hơn 150.000 phiếu của chừng 5 tiểu bang có tiếng nói quyết định là Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Arizona và Georgia. Nghĩa là chỉ cần 75.000 cử tri đổi ý thì giờ này ông Trump vẫn còn làm tổng thống. Chưa kể việc gian lận 75.000 phiếu quá dễ.

    Những người khư khư ôm con số 7 triệu phiếu khác biệt để tung hô cụ Biden quên mất các ứng cử viên có sách lược vận động tranh cử theo số phiếu của cử tri đoàn chứ không phải theo số phiếu của tổng cộng tất cả cử tri. Nếu tổng thống được bầu qua tổng số phiếu cử tri thì chắc chắn ông Trump đã có sách lược vận động khác, và kết quả cũng đã khác. Bà Hillary chính vì không hiểu nguyên tắc này nên đã thất cử hai lần, thua Obama và Trump, là hai tay mơ chính trị nhưng hiểu sách lược bầu cử hơn.

    Một lần nữa, tạm bỏ qua việc gian lận, cụ Biden thắng trên căn bản nhờ hai yếu tố chính:

    – Thứ nhất là cuộc bầu cử xẩy ra đúng một tháng sau khi cơn dịch COVID bộc phát mạnh nhất, tháng 10/2020, khiến dân Mỹ bình thường là dân chết nhát, hoảng hốt muốn tìm bác sĩ mới, hy vọng mát tay hơn để bảo vệ họ. Bé cái lầm lần thứ nhất.

    – Và thứ nhì vì dân Mỹ nói chung cũng muốn tìm một sự ổn định trong chính trường, sau một năm ông Trump ‘đại náo thiên đình’ qua cách xử thế và trị quốc mạnh tay thẳng thừng của ông, đã đào thêm phân hóa lớn trong chính trường Mỹ. Dân Mỹ cũng nhìn vào quá trình gần nửa thế kỷ của cụ Biden để hy vọng có một thuyền trưởng đầy kinh nghiệm, vững tay lái, ít gây tranh cãi và có thể tạo lại đại đoàn kết quốc gia. Bé cái lầm lần thứ nhì.

    Tuần trăng mật giữa dân Mỹ với ông chủ mới của Tòa Bạch Ốc kéo dài chừng hơn nửa năm, tới mùa thu thì hậu thuẫn của cụ Biden bắt đầu chìm xuồng vì hai diễn biến lớn: khủng hoảng di dân tại biên giới Mễ, và dịch COVID phát tác mạnh. 

    Hiện nay, chưa đầy một năm sau, cụ Biden đang chìm nghỉm dưới ba thước nước khi tất cả các thăm dò đều cho thấy cụ bị chống đối mạnh hơn xa hậu thuẫn. Thậm chí, nhiều dân Mỹ đã hối tiếc, đến độ thăm dò cho thấy nếu có bầu cử tổng thống ngay bây giờ, ông Trump sẽ hạ cụ Biden đo ván ngay. 

 

 

 

Nguồn: Real Clear Politics 19/11/2021

https://theweek.com/politics/1005769/the-biden-presidency-is-floundering

 

    2. COVID VÀ “MÙA HÈ CỦA TỰ DO” 

    Cuộc chiến chống COVID của cụ Biden đã là vết bầm khổng lồ trên hai mắt của cụ Biden. Cụ đã bị ‘bể mặt’ vì câu tấn công lố bịch khi công kích TT Trump tháng 10/2020: “Cho đến nay, đã có 220.000 người chết vì COVID. Bất cứ ai để nhiều người chết như vậy đều không xứng đáng làm tổng thống”. Khi đó, cả thế giới đều biết họa COVID sẽ còn tồn tại lâu dài, vậy mà cụ Biden có thể tuyên bố một câu như vậy được, chỉ chứng tỏ cụ thiếu suy nghĩ, thiếu chiều sâu, thiếu cái viễn kiến của một người có khả năng lãnh đạo, nói mà không ý thức được câu nói đó sẽ quật ngược vào mặt chính mình.

    Tháng 4/2021, cụ Biden hấp tấp đấm ngực khoe đại thành công đã diệt được COVID và bảo đảm cả nước sẽ có dịp ăn mừng “Mùa Hè của Tự Do”! Vấn đề là cụ lẩm cẩm Biden ‘quên’ không nói rõ mùa hè… năm nào! 

    Trong khi đó, chính quyền Biden hợp tác với Cơ Quan Kiểm Dịch, đã tung ra cả ngàn thông tư kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược, với gần như tất cả các thông tư đều được mở đầu bằng câu “Đính chính: Xin quý vị bỏ qua thông tư mới ra tuần rồi”.

    Về việc chích ngừa, có một chuyện ít người để ý vì TTDC không dám viết. Khi thuốc ngừa dịch mới được sáng chế ra cuối năm 2020, cả cụ Biden và bà Kamala đều tuyên bố không tin ở thuốc “do Trump sáng chế” (?!) và sẽ không chích ngừa. Mãi tới cuối tháng Chạp, sau khi đã đắc cử tổng thống thì hiểu được chính quyền Biden sẽ phải trông cậy vào thuốc ngừa “do Trump sáng chế” nên mới chịu chích ngừa, cổ võ cho việc chích ngừa rồi bây giờ nói ngược lại là Trump chống chích ngừa. Đã vậy, cụ Biden còn oai phong lẫm liệt nói láo “Khi tôi nhậm chức chưa có thuốc ngừa”, cho đến khi hình ảnh cụ đang chích tháng Chạp 2020 được tung ra lại thì mới im. Đúng là chính trị gia toàn là loại lưỡi không xương, ai tin ráng chịu.

    Trong toàn bộ cuộc chiến chống COVID, cái sai lầm lớn nhất của cụ Biden là đã ra tay quá mạnh, muốn làm vú em thứ thiệt, bắt buộc tất cả quân nhân, công chức phải chích ngừa, bắt buộc luôn cả các cơ sở kinh doanh tư nhân phải bắt nhân viên chích ngừa. Hoàn toàn lượng giá sai lầm phản ứng của người dân.

    Không ai muốn chống lại các biện phòng phòng ngừa, nhưng cụ Biden quên mất xứ Mỹ này được xây dựng trên tinh thần độc lập tự do của người dân. Chính quyền có bổn phận và có quyền đề nghị, giải thích và thuyết phục người dân chấp nhận các biện pháp chống dịch, nhưng từ đó đi đến chuyện khơi khơi ra sắc lệnh bắt buộc hay cấm lung tung đủ thứ, tưởng mình là Mao Sếng Sáng, thì hiển nhiên là đã đi quá xa, xa hơn những gì dân Mỹ có thể chấp nhận được (Xin đọc bài nhận định dưới đây của Newsweek, một tạp chí đã từng tung hô Obama là ‘God’).

    Mà phải chi sách lược Biden đại thành công thì không nói làm gì, đằng này, bất kể mọi bắt buộc, bất kể cả 200 triệu người đã chích ngừa, số người bị nhiễm và chết trong 11 tháng Biden đã hơn xa số nhiễm và chết trong 12 tháng Trump khi chưa có thuốc chích ngừa. Ngoài ra, việc ép buộc chích ngừa đã đưa đến tình trạng cả trăm ngàn nhân viên y tế bị sa thải, khiến bây giờ cả nước thiếu nhân viên y tế khi Omicron tấn công như vũ bão.

   Tin mới nhất và siêu nhất: cụ Biden tuyên bố “Bước kế tiếp trong việc chống COVID nằm trong tay các tiểu bang, liên bang không có giải pháp” (nguyên văn: “The next step in combating the pandemic needs to start with the states. Look, there is no federal solution”). Như DĐTC này đã viết quá nhiều lần, dưới thời Trump, COVID là trách nhiệm của Trump, dưới thời Biden, COVID là trách nhiệm của tiểu bang. Chưa có một tổng thống nào trong lịch sử Mỹ bất tài mà lại hèn như vậy.

 

 

 

 

https://www.washingtonpost.com/opinions/2021/12/22/president-biden-is-failing-covid-19/

 

    3. KHỦNG HOẢNG BIÊN GIỚI VÌ THÔNG ĐIỆP RỐI MÙ

    Một trong những đề tài tranh cử của cụ Biden là kế hoạch đảo ngược lại chính sách di dân của TT Trump. Cụ Biden hứa hẹn một chính sách di dân ‘nhân đạo’, sẵn sàng đón nhận di dân từ Nam và Trung Mỹ vào. Ngay sau khi cụ vừa tuyên thệ, cụ lấy ngay hai quyết định, thứ nhất cấm trục xuất đám trẻ DACA bị bố mẹ gửi lậu qua Mỹ làm mỏ neo để sau khi chúng được ở lại, thành dân Mỹ, sẽ bảo trợ cả họ qua Mỹ; và thứ nhì ra lệnh ngưng xây tường biên giới Mễ.

    Hai quyết định đó đã gửi một thông điệp không thể nào rõ ràng hơn cho đám dân các xứ khốn khổ Trung Mỹ. Họ ào ạt liều mạng chạy qua Mỹ, bằng những cách bất hợp pháp và hợp pháp. Chỉ trong vòng nửa năm sau khi nắm quyền, cụ Biden đã chặn giữ hơn 1,2 triệu di dân tại biên giới, gần gấp 6 lần số người bị chặn trong nguyên một năm trước. 

 


 

    Mà thật ra, nói bị chặn giữ có thể gây hiểu lầm, tưởng là đám dân này sẽ mau mắn bị bắt rồi trục xuất ra khỏi xứ Mỹ, trong khi thật ra, đúng theo chính sách gọi là ‘bắt rồi thả’ -‘catch and release’-, họ bị bắt, ghi tên tuổi, chụp hình,… cho có, rồi mau mắn được thả ra chờ ngày tòa di trú quyết định có cho họ ở lại hay bị trục xuất. Trong 10 di dân được thả ra như vậy, chỉ có 3 người ra trình diện tòa vì biết rõ họ có đủ điều kiện để được ở lại, còn lại 7 người biến mất trong xã hội Mỹ. Tức là trong hai triệu người bị chặn, khoảng nửa triệu sẽ được nhận vào chính thức, một triệu rưởi sẽ thành ‘di dân không giấy tờ’ chờ được ân xá để chính thức vào dân Mỹ. Tất cả, chẳng ai cần chích ngừa, cũng chẳng cần thử nghiệm gì. Vì đảng DC sẽ cần phiếu của họ mà.

https://www.foxnews.com/politics/migrant-crisis-2021-mexico-us

 

    4. THÁO CHẠY THÊ THẢM AFGHANISTAN

    Trong quân sử Mỹ, có lẽ chưa cái nhục nào thê thảm hơn cái nhục lính Mỹ 3g sáng lén lút tháo chạy ra khỏi căn cứ lớn nhất Afghanistan, tháo chạy khi mấy tên du kích khố rách Taliban còn cách căn cứ mấy trăm cây số, bỏ lại hơn 85 tỷ đô quân cụ, quân trang, khí giới, xe tăng, máy bay,… thân tặng đám khủng bố hồi giáo cuồng điên Taliban, rồi sau đó, cho dù cụ Biden cam kết sẽ không có chuyện trực thăng Mỹ bốc dân tị nạn trong hỗn loạn từ nóc tòa đại sứ Mỹ và phi trường như cả thế giới đã chứng kiến năm 75 tại Sàigòn, tất cả đã diễn ra đúng như kịch bản Sàigòn 75 không sai một ly.

 

 

 

    Ngay sau khi chạy thoát khỏi Afghanistan, cụ Biden đã lên tivi đấm ngực khoe đây là cuộc tháo chạy thành công nhất quân sử thế giới. Không sai, và chúng ta cũng không nên quá gắt gao chê cụ Biden gặp toàn thất bại vì thỉnh thoảng cũng có … thành công đấy.

    Chỉ có 13 anh lính Mỹ và nguyên một gia đình Afghan với hơn một chục người bị chết oan giờ chót, và cả nước với hơn 40 triệu dân Afghan rơi vào tay bọn khủng bố Hồi giáo cuồng tín và tàn ác nhất thôi. Chiệng nhỏ!

https://www.economist.com/leaders/2021/08/21/the-fiasco-in-afghanistan-is-a-grave-blow-to-americas-standing

 

    5. LẠM PHÁT VÀ THẤT BẠI BBB

    Tác phẩm để đời của cụ Biden sau một năm nắm quyền, chỉ có thể là tình trạng lạm phát, khi vật giá trở nên đắt đỏ nhất từ bốn thập niên qua.

 

 

    Đó là hậu quả cụ thể nhất của quyết định lớn đầu tiên của cụ Biden: tặng cho dân Mỹ gói quà gọi là cứu trợ COVID trị giá 1.900 tỷ. Những con vẹt tị nạn bào chữa cho cụ Biden, biện giải lạm phát là gia tài của Trump để lại, chỉ cần nhìn vào biểu đồ dưới đây:

 

 

 

    Trong khi cả nước lo sót vó vì lạm phát lên cao nhất từ gần 40 năm qua, trong khi các thống kê chính thức cho thấy khoảng 4 triệu người mất việc trong vụ dịch tấn công vẫn chưa đi làm lại vì không kiếm được việc làm hay vì nằm nhà ăn trợ cấp quen rồi không muốn đi làm nữa, trong khi mức cung hàng hoá bị kẹt cứng với cả triệu tấn hàng ứ đọng tại các bến tàu và nhà ga xe lửa, trong khi Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang báo động tình trạng kinh tế sẽ khó khăn qua tới năm 2023 hay hơn nữa, trong khi giá xe, giá nhà tăng vọt vì thiếu vật liệu và máy móc phụ tùng, … thì một con vẹt tung hô kinh tế Mỹ dưới cụ Biden phát triển mạnh nhất và cụ Biden giỏi nhất so với bất kỳ tổng thống nào trong nửa thế kỷ nay.

    Cụ Biden giỏi nhất từ nửa thế kỷ nay??? Giỏi đến độ chính báo phe ta New York Times phải năn nỉ xin cụ đừng ra tranh cử lại! Giỏi đến độ đa số dân trong 44 tiểu bang chống đối? 

 

 

 

 

    Thế mới nói tinh thần phe phái mù quáng đến tột đỉnh đã khiến nhiều bộ óc trở thành đậu hũ thật. Mà xin lỗi, có mù quáng thì mù quáng một mình đi, sao lại muốn tất cả mọi người mù quáng theo?

    Công bằng mà nói, con vẹt đưa tin này dĩ nhiên không thể nào đủ khả năng viết bài nhận định và phân tích kinh tế, mà chỉ có khả năng thông dịch thôi. Thông dịch mà không cần biết tác giả đúng hay sai, có thành kiến phe đảng hay không, có vặn vẹo thống kê và dữ kiện hay không, cứ khen Biden là được coi như Thánh Kinh ngay, vội vã tra Gú-Gồ rồi gửi tứ tung ngay.    

    Cái gói quà BBB trị giá đâu 2.000 tỷ được quảng bá như thành tích để đời của cụ Biden, thì đã chết trong trứng nước, chưa biết có hồi sinh lại được không và nếu hồi sinh thì có thiếu một cánh tay hay một cái chân gì không. 

https://reason.com/video/2021/12/30/how-bidens-agenda-is-causing-inflation/

 

    6. TÔN VINH DA MÀU VÀ TRỘM CƯỚP HOÀNH HÀNH

    Cuối mùa xuân 2020, khi COVID chỉ mới bắt đầu nhập cảnh vào Mỹ, ít ai coi đó sẽ là đại họa vĩ đại; cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc bắt đầu sôi nổi, phe DC nhìn thấy vô phương hạ được TT Trump. Đang luống cuống thì ‘ông giời’ tặng cho món quà đặc biệt: một anh cảnh sát trắng ra tay quá đáng, khiến một tay du thủ du thực da đen chết. Dân da đen như thường xẩy ra từ mấy chục năm nay, mau mắn lợi dụng cơ hội, xuống đường nhân danh việc phản đối một bất công xã hội, nhưng thực tế là để có dịp đi hôi của, cướp bóc, đập phá cửa tiệm khuân hàng về nhà.

    Đảng DC nhanh mắt nhận ra ngay cơ hội ngàn vàng: bất mãn của dân da đen mau mắn biến thành vũ khí chính trị để đánh Trump. Chiêu bài Trump kỳ thị da đen, rồi da nâu, da vàng,… trở thành vũ khí chính trị được khai thác triệt để. Bạo loạn của dân da đen được thả lỏng, cả ngàn người bị bắt nhưng được thả ra hết, không có một người nào bị truy tố vì bất cứ tội nào. Phong trào chống cảnh sát được đổ cả ga-lông dầu xăng và chêm củi vào cho cháy càng lớn càng vui. Tay du thủ du thực George Floyd được phong thánh và tất cả các đại lãnh tụ DC từ cụ ông Biden đến cụ bà Pelosi đều quỳ phục xuống cúi đầu tung hô. Thậm chí có anh thối hơn cả, vẽ thánh George thành Chúa Giê-Su luôn. Chưa thấy cụ nào bên Tây Âu bị sốc!

 


 

    Những chính khách thời cơ này chẳng một ai ý thức được hậu quả nghiêm trọng và lâu dài của đòn mánh chính trị thượng tôn da đen này. Đưa đến tình trạng những dân bất hảo da đen cũng lợi dụng nước đục thả câu, cho đến nay vẫn không ngừng tung ra những màn trộm cướp tập thể khó có thể kinh hoàng và ngoạn mục hơn, hơn xa tất cả những gì các đạo diễn Hồ Ly Vọng có thể nghĩ ra được. 

    Bây giờ thì các thống đốc và thị trưởng DC cuống cuồng lo chữa cháy. Thế mới nói các chính khách, không ai có khả năng nhìn xa hơn đầu mũi của mình.

https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2021/06/biden-americas-crime-spike-gun-violence/619282/

————

    Dĩ nhiên trong một năm nắm quyền, cụ Biden đã làm rất nhiều chuyện lớn nhỏ. Bài này chỉ có thể tóm lược vài việc quan trọng nhất thôi, không thể liệt kê hết được.

    Một vài việc khác cũng quan trọng hàng đầu là cải cách giáo dục thức tỉnh, các gói quà trùng tu hạ tầng cơ sở và tái xây dựng BBB, chiến tranh lạnh với Nga và Tầu cộng, quan hệ với Tây Âu và cuộc tỷ thí với Bắc Hàn, viễn tượng chiến tranh nóng thật tại Ukraine và Đài Loan, … nhưng đã không được bàn ở đây vì hậu quả lâu dài chưa xác định rõ rệt được đây là những thành công hay thảm họa cho xứ Mỹ này.

    Câu hỏi mà nhiều người đặt ra: tại sao một người kinh nghiệm chính trường dầy cộm như cụ Biden lại có thể làm toàn sai lầm tệ hại đến vậy. Câu trả lời không có gì khó: cụ Biden cả đời chưa bao giờ là người lấy một quyết định có hậu quả cụ thể nào. Kinh nghiệm của cụ là kinh nghiệm của một người làm luật, tức là chỉ chuyên đấu võ miệng, mặc cả, đổi chác, gãi lưng nhau với các đồng nghiệp trong quốc hội để tìm giải pháp dĩ hòa vi quý, kiếm được đủ phiếu để biểu quyết. Không phải kinh nghiệm của một nhà lãnh đạo có khả năng lấy quyết định. Bài viết dưới đây của Wall Street Journal nói lên đẩy đủ kinh nghiệm và khả năng của cụ Biden:

https://www.wsj.com/articles/senator-biden-shrinking-presidency-democrats-dole-mccain-term-churchill-legislator-executive-11640639440

 

 

 

 

Bức hình biểu tượng của một tổng thống yếu đuối bất lực nhất

 

 

ĐỌC THÊM: báo Mỹ nhận định về một năm đầu của ‘tổng thống giỏi nhất

(Riêng tặng đám vẹt tung hô “tổng thống giỏi nhất từ 50 năm qua”, nếu dám đọc!)

 

 

Một năm đại họa – New York Post:

https://nypost.com/2021/12/19/a-long-year-of-dem-disasters-devine/

 

Một năm kinh hồn của Biden – Washington Examiner:

https://www.washingtonexaminer.com/restoring-america/patriotism-unity/bidens-terrible-first-year

 

Gia tài của Biden – Fox News:

https://www.foxnews.com/opinion/bidens-legacy-build-back-better-inflation-crime-illegal-immigration-lara-trump

 

COVID sẽ hại Biden – Newsweek:

https://www.newsweek.com/pandemic-won-biden-white-house-now-its-costing-him-opinion-1661254

 

Một năm Biden: thất hứa và mất hậu thuẫn – Just The News:

https://justthenews.com/government/white-house/bidens-checklist-promises

 

Một năm thất vọng – The Financial Times (báo Anh Quốc):

https://www.ft.com/content/33cd24e7-2a82-4259-9ef0-58b3f0a7a2d2?segmentId=b385c2ad-87ed-d8ff-aaec-0f8435cd42d9

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen