Seite auswählen

Danh sách các nước độc tài ở Châu Á theo Chỉ số dân chủ 2021  đồ họa RFA

Hãng nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit hôm 10 tháng 2 công bố báo cáo Chỉ số Dân chủ năm 2021, trong đó Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thể chế toàn trị. 

Hãng này đánh giá mức độ dân chủ của một quốc gia dựa trên năm yếu tố, bao gồm bầu cử, sự hiệu quả của chính quyền, tỉ lệ tham gia chính trị, văn hoá chính trị, và quyền tự do cá nhân. 

Các quốc gia trên thế giới được chia ra làm bốn nhóm ứng với mức độ dân chủ. Xếp trên nhất là nhóm nước dân chủ hoàn thiện, thứ hai là nhóm nước dân chủ khiếm khuyết, thứ ba là dân chủ lai tạp, và cuối cùng là nhóm các nước toàn trị. 

Kể từ khi báo cáo Chỉ số Dân chủ được thực hiện từ năm 2006 tới nay thì Việt Nam luôn luôn được xếp vào nhóm nước không có dân chủ, tuy nhiên, về mặt thứ hạng thì lại có chuyển biến. 

Nếu như trong năm 2006, Việt Nam đứng thứ 145 trên tổng số 167 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ dân chủ, thì trong năm 2021 thứ hạng của Việt Nam đã có chút cải thiện khi leo lên vị trí 131. 

Thế nhưng, điều này có thể được lý giải rằng do tình hình dân chủ ở nhiều quốc gia khác đã thụt lùi nghiêm trọng, đơn cử như Venezuela và Cambodia- hai nước đứng trên Việt Nam hồi năm 2006 nhưng do xảy ra khủng hoảng chính trị trong những năm gần đây nên đã bị tụt hạng.  

Bình luận về thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo này, ông Nguyễn Tiến Trung, nhà theo dõi và bình luận chính trị, gửi cho RFA quan điểm qua ông qua ứng dụng nhắn tin:

Sau khi đọc báo cáo của EIU, tôi thấy đây là một nghiên cứu rất công phu và có tính tổng quát cao. Các tiêu chuẩn để đánh giá một nền dân chủ rất đầy đủ và rõ ràng. Việc Việt Nam tiếp tục được xếp vào nhóm các nước toàn trị không có gì ngạc nhiên vì bao nhiêu năm nay vẫn thế. Nhìn vào tiêu chuẩn xếp hạng thì thấy không thấy có điểm sáng nào ở Việt Nam.

Báo cáo năm 2021 của EIU xem Trung Quốc là thách thức đối với nền dân chủ của toàn thế giới. Ảnh: Chụp màn hình bản báo cáo

Ông cũng chỉ ra vấn đề ở cả năm lĩnh vực được cơ quan nghiên cứu dựa vào nhằm đưa ra chỉ số dân chủ ở Việt Nam. Như không có bầu cử tự do, chính phủ tham nhũng, người dân không có quyền tham gia chính trị, các chiến dịch đàn áp của chính quyền dẫn tới văn hoá chính trị không phát triển, và quyền công dân bị xâm phạm nghiêm trọng. 

Trong năm 2021, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc bắt vớ và xét xử những người bất đồng chính kiến. Theo thống kê của Đài Á châu Tự do thì trong năm 2021 đã có khoảng 40 người bị bắt trong các vụ án có yếu tố chính trị. 

Từ Cộng hoà Liên bang Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài, người sáng lập Hội Anh em Dân chủ thì cho rằng việc Việt Nam được xếp thứ 131 trên tổng số 167 quốc gia và khu vực về mức độ dân chủ vẫn còn là cao, ông nói:

Theo quan điểm của tôi thì Việt Nam sẽ phải đứng một trong mười nước đội sổ về các nền dân chủ ở trên thế giới.

Lý do mà ông đưa ra là: 

Chúng ta đều biết rồi, dân chủ tức là người dân có quyền làm chủ đất nước thông qua cái lá phiếu của mình, bằng cách là lựa chọn cái đảng cầm quyền và người lãnh đạo đất nước thông qua các cuộc bầu cử tự do, công bằng, có sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị. Đấy gọi là cái cơ bản nhất của nền dân chủ. 

Thế thì Việt Nam chưa bao giờ có đa đảng, mà chưa có đa đảng thì chắc chắn là chưa có dân chủ rồi.

Trên bình diện thế giới, các quốc gia Châu Âu chiếm đa số trong nhóm các nước dân chủ hoàn hiện, với 12 nước lọt vào thứ hạng này. Trong đó có Na Uy là nước được đánh giá là dân chủ nhất thế giới. 

Trong khi đó, Hoa Kỳ được cho là nước có nền dân chủ khiếm khuyết, khi chỉ xếp hạng 26 trên tổng số 167. 

Ở khu vực Châu Á thì bất ngờ nằm ở việc Đài Loan ngoi lên trở thành nền dân chủ hoàn thiện nhất, xếp trên cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Hòn đảo này cũng đứng thứ 8 thế giới về mức độ dân chủ. 

Việt Nam bị xếp trong nhóm các nước toàn trị bao gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Bắc Triều Tiên, Cuba, Venezuela…

RFA (11.02.2022)

 

 

USCIRF tiếp tục đề nghị đưa Việt Nam vào ‘quan tâm đặc biệt’ về tôn giáo

Một điểm nhóm của các tín hữu Tin lành Đấng Christ ở Phú Yên

Nhận định rằng vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn ở Việt Nam, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) của Hoa Kỳ thúc giục chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo.

Trong một báo cáo ngày 7/2/2022, USCIRF cập nhật tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam năm 2021. Theo đó, Uỷ hội nêu ra các bằng chứng để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước “cần quan tâm đặc biệt” (CPC).

“Sự đàn áp của chính quyền tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt đối mặt với các nhóm tôn giáo độc lập chưa đăng ký, với nhiều người trong số họ bị coi là “tôn giáo lạ, tà đạo hay tà giáo”. Và như vậy, nhà chức trách tiếp tục bắt bớ các tín đồ và những người ủng hộ tự do tôn giáo phải ngồi tù dài hạn, trong đó một số người cho biết sức khỏe ngày càng xấu đi do liên tục bị sách nhiễu và ngược đãi trong tù”, phúc trình cho biết.

USCIRF tập hợp các báo cáo ghi nhận rằng nhà chức trách yêu cầu một số tín đồ từ bỏ hoặc rời bỏ hội nhóm của họ và thay vào đó phải tham gia vào các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận.

Trong một trường hợp, công an địa phương đã thẩm vấn và đe dọa một thành viên của một nhóm Tin lành độc lập với án tù dài hạn, theo yêu cầu của hội thánh của họ phải đăng ký các hoạt động dưới tên của nhóm tôn giáo được chính phủ chấp thuận, theo phúc trình của USCIRF.

Phúc trình cập nhật của USCIRF về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam 2021, công bố ngày 7/2/2022.

“Chính quyền Việt Nam đã tiếp tục tích cực sách nhiễu, hoặc ngược đãi, đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập chưa đăng ký, bao gồm người dân tộc Hmong và người Thượng theo đạo Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tín đồ Cao Đài, Công giáo, cũng như các tín đồ khác của các phong trào tôn giáo mới như nhóm tôn giáo Hà Mòn, Pháp Luân Công, Dương Văn Mình, Hội thánh Truyền giáo Thế giới của Đức Chúa Trời, và những nhóm khác” phúc trình viết.

Chính phủ Việt Nam đã liệt nhiều nhóm tôn giáo độc lập này là nhóm “tôn giáo lạ”, “tà giáo”, hay “tà đạo”. Tính đến tháng 4/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ đã liệt 85 nhóm là “tôn giáo lạ”. Nhà chức trách thường xuyên làm gián đoạn các buổi lễ tôn giáo, các buổi dạy giáo lý, hay sách nhiễu, đe dọa, giam giữ và bỏ tù các tín đồ và nhà hoạt động tôn giáo thuộc các nhóm này, theo báo cáo của USCIRF.

“USCIRF tiếp tục quan ngại về tình trạng cộng đồng đạo Tin lành dân tộc thiểu số ở khu vực miền trung xa xôi và Tây Nguyên. Vào năm 2021, chính quyền địa phương được biết là đã sách nhiễu, giam giữ các tín đồ Tin lành người Thượng thuộc nhóm chưa đăng ký, bao gồm cả việc buộc họ từ bỏ niềm tin của họ trước công chúng”.

Từ xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, ông Y Coan Nie, 51 tuổi, thầy truyền đạo cho khoảng 60 tín hữu Tin lành Đấng Christ, một hội nhóm độc lập không được chính quyền công nhận, cho VOA biết rằng ông đồng tình với phúc trình của USCIRF và đề xuất của cơ quan này.

Ông cho biết thêm về tình hình hội nhóm của người Thượng:

“Cả khu vực Phú Yên, Đak Lak, Gia Lai chúng tôi mong muốn được tự do hội họp, tự do thờ phượng, hát thánh ca.

“Chứ họ cũng không có hát thánh ca. Noel vừa rồi người ta thu hết banner mà tôi in ở thị trấn Tân Lập. Người ta thu trắng trợn luôn, rồi “mời” tôi “làm việc” ba ngày. Trong điểm nhóm của tôi họ cũng đi phá rối. 60 tín đồ của tôi cũng bị phá rối.

“Chúng tôi yêu cầu quốc tế lên tiếng để chúng tôi được tự do nhóm họp, thờ phượng”.

Phúc trình USCIRF nhắc lại các trường hợp các nhà hoạt động tự do tôn giáo đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, bao gồm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển (án 11 năm tù); mục sư người Thượng theo đạo Tin lành Y Yich (bị kết án 12 năm tù); người sáng lập Ân đàn Đại đạo Phan Văn Thu (án tù chung thân); và nhiều những người khác được cho là đã bị sách nhiễu hoặc bị ngược đãi trong tù và tình trạng sức khỏe của họ đang bị xấu đi.

Theo USCIRF, chính phủ Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC vào năm 2006 để nước này có thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng ngay sau đó, Hà Nội lại gia tăng đàn áp tôn giáo cũng như bỏ tù những ai hoạt động cho tự do tôn giáo và nhân quyền. Dù vậy, đến nay chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, dù USCIRF hàng năm vẫn hối thúc.

Chính quyền Việt Nam chưa phản hồi về cáo báo cập nhật tình hình tự do tôn giáo 2021 của USCIRF. Trước đó, vào tháng 4/2021, phản hồi về phúc trình thường niên tình hình tự do tôn giáo 2021 của USCIRF đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng báo cáo của USCIRF “vẫn còn một số nội dung, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tại Việt Nam”.

Bộ này cho biết rằng “tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên nói rằng chính sách “nhất quán” của nước này là “bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.”

VOA (11.02.2022)

 

Bà Phạm Đoan Trang được Chính phủ Anh và Canada trao giải Tự do Truyền thông 2022

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị tòa án Việt Nam tuyên án tù nhưng được cộng đồng quốc tế vinh danh  TTXVN/RFA edited

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị tòa án Hà Nội tuyên 9 năm tù giam vừa trở thành chủ nhân của giải Tự do Truyền thông năm 2022 do chính phủ hai nước Anh và Canada tài trợ. 

Hôm 10 tháng 2, trong hội thảo Tự do Truyền thông Toàn cầu tại thủ đô Tallinn, Estonia, ban tổ chức đã thông báo Giải thưởng Anh-Canada về Tự do Truyền thông năm 2022 được trao cho Phạm Đoan Trang, nhà báo người Việt Nam. 

Theo mô tả trên trang web của chính phủ Anh, giải thưởng này nhằm ghi nhận nỗ lực của những người đấu tranh cho tự do báo chí, truyền thông, và bảo vệ nhà báo, cũng như nhằm tôn vinh những tổ chức và cá nhân ít được biết tới. 

Nhà báo Phạm Đoan Trang được ban tổ chức mô tả là người viết ra những cuốn sách về dân chủ, và những bài viết về xã hội dân sự, và sự bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Bà cũng được giới thiệu là người vận động cho nhân quyền, thượng tôn pháp luật, và môi sinh.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí và là đại diện của nhà báo Phạm Đoan Trang, nói về ý nghĩa của giải thường này:

Tôi tin rằng cái giải thưởng này sẽ có tác động rất là có ý nghĩa, là tại vì đây là giải thưởng của hai chính phủ, hai nước lớn trao cho một nhà báo Việt Nam đang bị cầm tù. 

Nó rất là khác so với những giải thưởng của các tổ chức xã hội dân sự, của các tổ chức quốc tế. Các tổ chức quốc tế thì vẫn bị chính phủ Việt Nam liệt vào cái hàng là những tổ chức phản động quốc tế, những tổ chức kém thân thiện với Việt Nam. 

Thế nhưng mà đây là hai chính phủ đã làm việc với Việt Nam, đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam, tài trợ cho Việt Nam rất là nhiều. Báo Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân không mấy khi có những bải chỉ trích những nước này. Thì tôi cho rằng cái sự thừa nhận của một chính phủ có giá trị rất mạnh đối với chính phủ Việt Nam.”

Ông Tariq Mahmood Ahmad – Bộ trưởng Ngoại giao các vấn đề về thịnh vượng chung & phát triển của Vương Quốc Anh công bố giải thưởng trong buổi lễ và sau đó viết trên Twitter. Ảnh: Chụp màn hình

Không chỉ có ảnh hưởng đến chính phủ Việt Nam, ông Long còn cho rằng việc hai nước lớn trao giải cho nhà báo Phạm Đoan Trang còn có tác động đến người dân, ông nói thêm:

Tôi tin rằng là nó còn có sức nặng với người dân Việt Nam nhiều hơn nữa, đó là tại vì rất nhiều người dân Việt Nam vẫn bán tín bán nghi, vẫn có một cái sự ngờ vực nhất định rằng những việc làm của nhà báo Phạm Đoan Trang là có đúng đắn hay không.

Thế thì thông qua cái giải thưởng, cái sự thừa nhận của hai nước, hai nền dân chủ rất là tiến bộ. Hai nước có nền kinh tế rất là mạnh mẽ trên thế giới là Anh và Canada. 

Cái sự thừa nhận đó, tôi tin rằng nó giúp cho rất nhiều người Việt Nam hiện nay còn đang lưỡng lự, xác quyết về cái góc nhìn của mình đối với những việc làm của nhà báo Phạm Đoan Trang hơn.”

Với việc được trao giải Tự do Truyền thông của chính phủ Anh và Canada, nhà báo Phạm Đoan Trang trở thành người Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực cổ vũ dân chủ và nhân quyền. 

Trước đó, bà được nhận Giải Nhân quyền Homo Homini từ tổ chức People In Need hồi năm 2018. Sau đó, được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF ở Pháp trao tặng giải Tự Do Báo Chí năm 2019. 

Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao giải IPA Prix Voltaire 2020 cho Nhà Xuất bản Tự do mà bà là một trong những người sáng lập, điều hành và là tác giả chính. 

Mới đây nhất nhà báo đang bị cầm tù này được trao giải Martin Ennals năm 2022, đây được ví như giải Nobel trong lĩnh vực nhân quyền. 

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10 năm 2020, bà bị giam giữ đến tháng 12 năm 2021 mới được đưa ra xét xử. 

Trong phiên toà sơ thẩm diễn ra vào ngày 14 tháng 12, bà bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999, rồi bị kết án chín năm tù. Bà hiện đang trong quá trình kháng án. 

RFA (11.02.2022)

 

 

Ông Lê Chí Thành bị khởi tố thêm tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Ông Lê Chí Thành lúc mới bị bắt (ảnh trái) và ông này lúc ra tòa sơ thẩm (ảnh phải)  FB Lê Chí Thành/ RFA Edited

Ông Lê Chí Thành, cựu đại uý công an, vừa làm đơn kháng cáo bản án hai năm tù do toà sơ thẩm tuyên về tội “chống người thi hành công vụ”, thì lại bị khởi tố thêm một tội danh khác là “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. 

Hôm 10 tháng 2, Đài Á châu Tự do phỏng vấn luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa của ông Lê Chí Thành, để tìm hiểu về sự việc, luật sư này cho biết: 

Toà án gửi văn bản báo cho biết là Thành có kháng cáo chứ chưa biết cụ thể là đơn kháng cáo gì.”

Trước đó, hôm 14 tháng 1, ông Lê Chí Thành bị toà án thành phố Thủ Đức tuyên hai năm tù giam dưới cáo buộc “chống người thi hành công vụ”. 

Ngoài ra, luật sư Đặng Đình Mạnh cũng thông tin thêm rằng vị cựu đại uý công an vừa mới bị khởi tố thêm một tội danh nữa. Ông nói:

Thành đồng thời cũng bị khởi tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo điều 331, mà đơn vị khởi tố là cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bình Thuận”. 

Như vậy là án chồng án, trong khi vụ án “chống người thi hành công vụ” chưa ngã ngũ vì còn phiên xét xử phúc thẩm, thì ông Lê Chí Thành còn phải đối mặt với một bản án nữa với mức phạt tù còn nặng nề hơn nếu bị buộc tội. 

Bình Thuận cũng là nơi ông Thành từng công tác khi còn là cán bộ tại trại giam Hàm Tân, cũng ở đây ông đã lên tiếng tố cáo giám thị trại giam là Đại tá Lê Bá Thụy có hành vi tham nhũng. Cục Quản lý trại giam (Bộ Công an) sau đó ra quyết định kỷ luật, tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Lê Chí Thành vào tháng 7 năm 2020.

Sau khi bị đuổi khỏi ngành, ông Lê Chí Thành trở thành một người hoạt động tích cực trên mạng xã hội, chuyên tổ chức các cuộc phát sóng trực tiếp về việc giám sát hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông.

Cũng chính vì hoạt động giám sát cảnh sát giao thông mà ông bị bắt ngày 14 tháng 4 năm 2021, và bị cáo buộc tội “chống người thi hành công vụ”.

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh thì có khả năng ông Thành sẽ bị di lý ra Bình Thuận sau khi kết thúc phiên toà phúc thẩm ở Thủ Đức. Tuy nhiên, lịch xét xử vẫn chưa được thông báo. 

Từ khi xảy ra vụ việc con trai bị bắt, bà Lê Thị Phú, mẹ của đương sự đã nhiều lần lên tiếng kêu oan và tố cáo cán bộ điều tra thực hiện hành vi tra tấn con mình. 

Khi được hỏi về liệu bà có hy vọng gì vào phiên xét xử phúc thẩm hay không, bà Phú nói:

Bây giờ thực ra mà nói Thành có sai đâu, chứ bây giờ giấy tờ đã in ấn rồi, trắng thành đen, đen thành trắng rồi thì tôi chẳng có hy vọng gì nữa.” 

RFA (10.02.2022)

 

 

 

Việt Nam bắt giữ người từng được xem là ‘anh hùng môi trường’

NGUỒN HÌNH ẢNH,GOLDMANPRIZE.ORG Chụp lại hình ảnh, Năm 2018, bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman,

Công an TP.Hà Nội loan báo rằng họ vừa khởi tố, bắt tạm giam bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID, để điều tra hành vi trốn thuế.

Thông tin công bố sáng ngày 9/2, nói Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Ngụy Thị Khanh (46 tuổi, trú Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra về hành vi “trốn thuế”, quy định tại điều 200 bộ luật Hình sự.

Năm 2018, bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman, giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở.

Truyền thông Việt Nam từng gọi bà là “anh hùng môi trường” qua công tác về kết nối mạng lưới môi trường, từ năng lượng xanh đến ô nhiễm không khí.

Giải thưởng Goldman ghi nhận họ trao giải cho bà vì nỗ lực giúp Việt Nam loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

Trả lời báo chí, bà Khanh từng giải thích: “Con số 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mà Ban Chấm giải ước tính là lượng phát thải tránh được khi Chính phủ cắt bỏ 20.000 MW nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Kết quả này không chỉ là nỗ lực của tôi mà còn của các đồng sự tại Green ID, nhiều chuyên gia và Bộ, ngành cùng cởi mở trao đổi đi đến đồng thuận.”

“Nhưng có lẽ tôi và GreenID được nhắc đến là bởi chúng tôi đã theo đuổi đến cùng mục tiêu này và cũng là nhóm duy nhất đưa ra con số mục tiêu cần cắt giảm.”

Theo tiểu sử, bà Ngụy Thị Khanh sinh ra trong một gia đình nông thôn tại Bắc Am, một ngôi làng ở miền Bắc Việt Nam.

Giải Goldman nói lớn lên gần một nhà máy nhiệt điện than, bà Khanh đã phải chịu đựng ô nhiễm và bụi do hoạt động của nhà máy này gây ra và chứng kiến nhiều người trong khu vực mắc bệnh ung thư.

Bà Khanh theo học lịch sử, tiếng Pháp và ngoại giao và từng dự định trở thành một nhà ngoại giao.

Tuy nhiên, bà đam mê với lĩnh vực môi trường và sau khi tốt nghiệp đại học, bắt đầu làm về bảo tồn tài nguyên nước và phát triển cộng đồng cho một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ của Việt Nam.

Năm 2011, bà thành lập Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh.

Bà đồng thời là thành viên sáng lập Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, một mạng lưới gồm 11 tổ chức Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường và xã hội cùng hợp tác về các vấn đề năng lượng khu vực.

Bà Ngụy Thị Khanh sinh năm 1976. Vào thời điểm bị bắt, bà vẫn đang là Giám đốc GreenID.

BBC (09.02.2022)

 

 

CSVN bị tố đàn áp xã hội dân sự với vụ bắt Ngụy Thị Khanh

Trước vụ bắt bà Ngụy Thị Khanh, chỉ tính trong vòng một năm qua, nhà cầm quyền CSVN đã bắt và phạt tù ít nhất hai người thuộc giới xã hội dân sự với cùng cáo buộc “Trốn thuế”.

Hôm 9/2/2022, tin cho hay, bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID, bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “Trốn thuế”.

Báo đảng đăng cùng bản tin do công an phát ra nhưng không cho biết cụ thể bà Khanh đã “trốn thuế” như thế nào.

Được biết Trung tâm GreenID chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tích cực tham gia tư vấn, góp ý về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và cung cấp nước sạch.

“Một phần của chiến dịch đàn áp xã hội dân sự”

Đáng lưu ý, tin về vụ bắt giữ bà Khanh đã được lan truyền từ ít nhất bốn ngày trước khi báo đảng xác nhận.

Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ cho hay: “Gần đây, nhà cầm quyền độc tài toàn trị ở Việt Nam đã bắt giữ nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, giám đốc tổ chức phi chính phủ GreenID với cáo buộc ngụy tạo “Trốn thuế.” Vụ bắt giữ này là một phần của chiến dịch đàn áp xã hội dân sự đang manh nha ở Việt Nam, kể cả những tổ chức đã đăng ký.

Bà Khanh, người được giải thưởng quốc tế danh giá Goldman 2018 và được truyền thông nhà nước ngợi ca trong nhiều năm qua về các hoạt động bảo vệ môi trường, đang bị giam giữ.

Với mục tiêu bảo vệ chế độ độc tài toàn trị, lực lượng an ninh Việt Nam đang mạnh tay trấn áp giới xã hội dân sự. Từ năm 2015, nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập không đăng ký với nhà nước, liên tiếp bị đàn áp với nhiều nhân vật cốt cán bị cầm tù bằng những tội danh ngụy tạo như “Hoạt động lật đổ chính quyền” như đối với Hội Anh em Dân chủ hay “Tuyên truyền chống nhà nước” như đối với Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền kịch liệt phản đối việc đàn áp của Hà Nội.”

“Triệt phá các tổ chức NGO”

Từ nhiều năm qua, bà Ngụy Thị Khanh từng là nhân vật được báo đảng ca ngợi vì các hoạt động bảo vệ môi trường.

Báo Tài Nguyên và Môi trường hồi tháng 2/2019 mô tả bà Khanh là “nữ anh hùng môi trường” và cho biết thêm: “Sự cuốn hút nhất ở người phụ nữ ấy đến từ những đam mê không mệt mỏi, năng lượng tràn đầy và sự lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực với người đối diện, với cộng đồng”.

Trước bà Khanh, hồi tháng 1/2022, nhà cầm quyền cộng sản đã kết án hai ông Mai Phan Lợi, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Cộng đồng (MEC) và ông Đặng Đình Bách, Giám đốc tổ chức Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) với mức án tương ứng 4 năm và 5 năm đều với cáo buộc “Trốn thuế”.

Hai ông Lợi và Bách bị bắt từ giữa năm 2021 và hình thức giam giữ, xét xử đều tương tự như các vụ án chính trị với bản án bỏ túi.

Luật sư Lê Quốc Quân, cựu tù nhân lương tâm, từng đi tù vì cáo buộc “Trốn thuế” cho biết: “Cách tiến hành bắt giữ giám đốc của hai trung tâm hoạt động như NGO (tổ chức phi chính phủ) về tội trốn thuế tự nó đã cho thấy đây là một bước đi mới.

Tất nhiên, không mới là vì vẫn bài “Trốn thuế” cũ như trường hợp của tôi hoặc Luật sư Trần Vũ Hải, hay trước đó như anh Điếu Cày. Nhưng mới vì nó áp dụng cho đối tượng là “trung tâm”. Các trung tâm này hoạt động bằng cách tự xin dự án, tự hoạt động và cân đối ngân sách, thường là không lấy tiền của cổ đông cũng không lấy tiền từ ngân sách.

Phải chăng đây là vấn đề của an ninh chứ không phải của cảnh sát? Nếu thế an ninh Việt Nam đã tiến sang một bước là triệt phá các tổ chức NGO hoạt động phát triển vì cộng đồng do các thành viên mà NN cho là nguy hiểm quản lý.

Thực tế, các NGO là một nền tảng quan trọng của Xã hội dân sự và là cái gai trong các chế độ độc tài, toàn trị”.

Định Tường

Đất Việt (09.02.2022)

 

USCIRF thúc đưa CSVN vào ‘quan tâm đặc biệt’ về tự do tôn giáo

Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) thúc giục Mỹ đưa CSVN trở lại danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo.

Ngày 7 Tháng Hai, USCIRF đưa ra bản tường trình về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam năm 2021. Trong đó, ủy hội nêu ra các bằng chứng để kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa tên nước Việt Nam trở lại danh sách các nước “cần quan tâm đặc biệt” (Country of Particular Concern, hoặc CPC).

Những tín đồ của Hội Thánh Tin Lành đấng Christ ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên bị chính quyền địa phương đấu tố hồi đầu năm 2021. (Hình: Phú Yên)

USCIRF là một tổ chức độc lập do chính phủ và Quốc Hội cùng bổ nhiệm các thành viên theo một đạo luật có từ năm 1998. Ủy hội theo dõi tình hình tự do tôn giáo trên thế giới để báo cáo cho Bộ Ngoại Giao và khuyến cáo chính sách.

USCIRF nói rằng năm 2006, chính phủ Mỹ lấy tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC để nước này có thể gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WHO), nhưng ngay sau đó, Hà Nội lại gia tăng đàn áp tôn giáo cũng như bỏ tù những ai hoạt động cho tự do tôn giáo và nhân quyền. Dù vậy, đến nay chính phủ Mỹ vẫn không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC dù cơ quan USCIRF vẫn hằng năm thúc giục.

Trong bảo tường trình mới đưa ra hôm Thứ Hai, 7 Tháng Hai, USCIRF nói năm 2018, Việt Nam đưa ra Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo với các điều khoản mang tính giới hạn quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân. Trong đó, đầy những điều khoản không đồng đều và không nhất quán (uneven and inconsistent) khi áp dụng.

Dựa vào đó, nhà cầm quyền tiếp tục áp bức tất cả các tổ chức tôn giáo và tín ngưỡng độc lập, có khi gán cho họ những từ ngữ như mê tín, dị giáo, tin nhảm. Tín đồ và những chức sắc tôn giáo vẫn bị nhà cầm quyền bỏ tù với những bản án nặng nề.

Các nhóm hay tổ chức tôn giáo độc lập vẫn tiếp tục bị nhà cầm quyền sách nhiễu, khủng bố. Đáng kể nhất là tai họa cho các nhóm người Hmong, người Thượng theo đạo Tin Lành và Công Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài.

Những nhóm tín ngưỡng nhỏ hơn như đạo Hà Mòn, Pháp Luân Công, đạo Dương Văn Mình và một số nhóm khác đều bị nhà cầm quyền coi là tà đạo để đàn áp. Theo ủy hội, cho đến Tháng Tư, 2021, Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ, tức cơ quan kiểm soát tôn giáo của Hà Nội, coi 85 tổ chức tôn giáo là “tà đạo.”

Nhà cầm quyền thường xuyên ngăn cấm các buổi hành lễ, huấn luyện và các nghi thức tôn giáo của các tổ chức tôn giáo độc lập, đe dọa, bắt giữ và bỏ tù người ta. Hơn nữa, nhà cầm quyền lấy cớ bảo vệ an ninh để đàn áp dẫn tới triệt hạ đến tiêu diệt cả tổ chức như đạo Hà Mòn.

USCIRF cũng đặc biệt nêu tên một số nhân vật tôn giáo hiện đang bị nhà cầm quyền bỏ tù với những bản án rất nặng như ông Nguyễn Bắc Truyển, Hòa Hảo, bị 11 năm tù; mục sư Tin Lành người Thượng Y Yich bị 12 năm tù; người đứng đầu nhóm Phật tử Ân Đàn Đại Đạo tên Phan Văn Thu ở Phú Yên bị kết án tù chung thân.

Hà Nội luôn luôn cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao chống chế rằng báo cáo hằng năm của USCIRF “thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.” Các bản tin, hình ảnh và cả video clip về nhà cầm quyền đàn áp tôn giáo mỗi khi xảy ra vẫn thấy phổ biến trên mạng xã hội. 

Người Việt (08.02.2022)

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen