Seite auswählen

Huntington và Brzezinski nói về Nga, Ukraine: Tiên tri hay nhầm lẫn?

 

Các tín đồ của Nhà thờ Chính thống Ukraine tham gia một lễ rước tôn giáo ở Kyiv vào ngày 27 tháng 7 năm 2018

AFP Các tín đồ của Nhà thờ Chính thống Ukraine tham gia một lễ rước tôn giáo ở Kyiv vào ngày 27 tháng 7 năm 2018

Hai nhà khoa học chính trị có ảnh hưởng sâu rộng của Hoa Kỳ, đều đã qua đời, đã từng đưa ra nhận định của họ về mối quan hệ phức tạp giữa Nga và Ukraine.

Nhà khoa học chính trị người Mỹ Samuel P. Huntington (1927 -2008) rất quen thuộc với độc giả quan tâm chính trị ở Việt Nam, vì cuốn sách“Sự va chạm của các nền văn minh và Xây dựng lại trật tự thế giới“ xuất bản năm 1996.

Còn Zbigniew Brzezinski (1928-2017) là nhà ngoại giao người Mỹ gốc Ba Lan, từng là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter từ năm 1977 đến năm 1981.

Nhân cuộc chiến mà Nga đang gây ra tại Ukraine hiện nay, mời độc giả xem lại nhận định của hai nhân vật nhiều ảnh hưởng này về Ukraine và Nga như một tham khảo.

Samuel P. Huntington

Trong sách „Sự va chạm của các nền văn minh và Xây dựng lại trật tự thế giới“ xuất bản năm 1996, Samuel P. Huntington viết khá dài về Ukraine và Nga.

„Phương pháp phân loại theo khái niệm quốc gia cho phép John Mearsheimer tiên đoán rằng: „Tình hình giữa Ukraine và Nga đã chín muồi để bùng nổ cuộc cạnh tranh an ninh giữa hai quốc gia này. Những cường quốc có biên giới chung dài và lâu nay không được bảo vệ như giữa Nga và Ukraine thường cạnh tranh vì lo lắng an ninh. Nga và Ukraine có thể vượt qua vấn đề này và học cách chung sống hòa hợp, nhưng sẽ là bất thường nếu họ làm được điều ấy.“

Nhưng phương pháp phân loại theo quan điểm nền văn minh lại nhấn mạnh quan hệ gần gũi về văn hóa, con người, lịch sử và khả năng hòa hợp giữa người Nga và người Ukraine ở cả hai nước, chú ý đến những yếu tố thuộc văn minh đã phân biệt Đông Ukraine theo Thiên chúa giáo chính thống và Tây Ukraine theo Thiên chúa giáo La Mã, một thực tế lịch sử lâu đời mà Mearsheimer đã hoàn toàn bỏ qua.

Kyiv năm 2018

GETTY IMAGES Kyiv năm 2018

Trong khi quan điểm quốc gia dự đoán Nga và Ukraine có thể có chiến tranh, thì quan điểm văn minh không thấy có khả năng đó mà nhìn thấy khả năng Ukraine bị tách ra làm hai, sự chia rẽ có thể ác liệt hơn Tiệp Khắc nhưng không đẫm máu như ở Nam Tư. Những dự đoán khác nhau này ắt sẽ đưa đến những ưu tiên chính sách khác nhau.

Quảng trường Độc lập ở Kyiv

AFP Quảng trường Độc lập ở Kyiv

Dự đoán của Mearsheimer về khả năng xảy ra chiến tranh và sự xâm chiếm của Nga đối với Ukraine khiến ông ủng hộ việc Ukraine có vũ khí hạt nhân. Một cách tiếp cận về mặt văn minh thì lại sẽ khuyến khích hợp tác giữa Nga và Ukraine, thúc giục Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hỗ trợ kinh tế đáng kể và các biện pháp khác để giúp duy trì sự thống nhất và độc lập của Ukraine, đồng thời tài trợ cho việc lập kế hoạch dự phòng cho sự chia cắt của Ukraine.

 

… Ngoài Nga, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đông dân nhất và quan trọng nhất là Ukraine. Vào nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử, Ukraine đã được độc lập. Tuy nhiên, trong hầu hết thời kỳ hiện đại, Ukraine là một phần của một thực thể chính trị được điều hành từ Moscow. Sự kiện quyết định xảy ra vào năm 1654 khi Bohdan Khmelnytsky, lãnh đạo Cossack của một cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của Ba Lan, đồng ý tuyên thệ trung thành với sa hoàng để đổi lấy sự giúp đỡ chống lại người Ba Lan. Từ đó cho đến năm 1991, ngoại trừ một nước cộng hòa độc lập trong thời gian ngắn từ năm 1917 đến năm 1920, Ukraine ngày nay đã được kiểm soát về mặt chính trị từ Moscow. Ukraine, tuy nhiên, là một quốc gia khe hở với hai nền văn hóa khác biệt.

Samuel Huntington năm 1996

GETTY IMAGES Samuel Huntington năm 1996

Đường đứt gãy văn minh giữa phương Tây và Chính thống giáo chạy qua trái tim của Ukraine nhiều thế kỷ. Trong quá khứ, miền tây Ukraine là một phần của Ba Lan, Lithuania và đế chế Áo-Hung. Một phần lớn dân số ở đây là tín đồ của Nhà thờ Thống nhất thực hành các nghi thức Chính thống giáo nhưng thừa nhận thẩm quyền của Giáo hoàng. Trong lịch sử, người miền Tây Ukraine nói tiếng Ukraine và có quan điểm dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ. Mặt khác, người dân miền đông Ukraine theo Chính thống giáo áp đảo và phần lớn nói tiếng Nga. Vào đầu những năm 1990, người Nga chiếm 22% và người bản địa nói tiếng Nga chiếm 31% tổng dân số Ukraine. Phần lớn học sinh tiểu học và trung học được dạy bằng tiếng Nga. Bán đảo Crimea chủ yếu là người Nga và là một phần của Liên bang Nga cho đến năm 1954, khi Khrushchev chuyển giao nó cho Ukraine như thể để công nhận quyết định của Khmelnytsky 300 năm trước đó.

Nhà thơ Taras Shevchenko trên tờ tiền 100 hryvnya

NATIONAL BANK OF UKRAINE Nhà thơ Taras Shevchenko trên tờ tiền 100 hryvnya

Sự khác biệt giữa miền đông và miền tây Ukraine được thể hiện trong thái độ của các dân tộc của họ. Vào cuối năm 1992, chẳng hạn, một phần ba số người Nga ở miền tây Ukraine so với chỉ 10% ở Kiev cho biết họ chịu sự thù địch vì tình cảm chống Nga.

Sự chia rẽ đông-tây thể hiện rõ ràng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 7 năm 1994. Người đương nhiệm, Leonid Kravchuk, mặc dù làm việc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo của Nga, lại tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc, đã nhận phiếu của 13 tỉnh ở miền tây Ukraine với tỷ lệ đa số lên đến hơn 90%. Đối thủ, Leonid Kuchma, người còn phải học tiếng Ukraine để phát biểu trong chiến dịch, đã lấy phiếu của 13 tỉnh phía đông với tỉ lệ tương đương. Kuchma đã thắng với 52% phiếu bầu. Trên thực tế, một đa số mong manh công chúng Ukraine vào năm 1994 đã xác nhận sự lựa chọn của Khmelnytsky vào năm 1654. Cuộc bầu cử, như một chuyên gia người Mỹ đã nhận xét, „đã phản ánh, thậm chí kết tinh, sự chia rẽ giữa những người Slav được Âu hóa ở miền tây Ukraine và tầm nhìn của người Nga-Slav về những gì Ukraine nên là. Nó không phải là sự phân cực sắc tộc nhưng là các nền văn hóa khác nhau.“

Cựu Tổng thống Ukraine Kuchma

GETTY IMAGES Cựu Tổng thống Ukraine Kuchma

Do sự phân chia này, quan hệ giữa Ukraine và Nga có thể phát triển theo một trong ba cách.

Vào đầu những năm 1990, các vấn đề cực kỳ quan trọng đã tồn tại giữa hai nước liên quan đến vũ khí hạt nhân, Crimea, quyền của người Nga ở Ukraine, hạm đội Biển Đen và các mối quan hệ kinh tế. Nhiều người nghĩ rằng có khả năng xảy ra xung đột vũ trang, điều này khiến một số nhà phân tích Tây phương lập luận rằng phương Tây nên ủng hộ việc Ukraine có kho vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự xâm lược của Nga. Tuy nhiên, nếu nền văn minh là điều quan trọng thì bạo lực giữa người Ukraine và người Nga không xảy ra đâu. Đây là hai dân tộc Slav, chủ yếu là Chính thống giáo, những người đã có mối quan hệ thân thiết trong nhiều thế kỷ và giữa họ kết hôn là phổ biến. Mặc dù có nhiều vấn đề gây tranh cãi và trước sức ép của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở cả hai bên, các nhà lãnh đạo của cả hai nước đã làm việc cố gắng và phần lớn đã thành công để điều hòa những tranh chấp này. Việc bầu chọn một người theo Nga làm tổng thống Ukraine vào giữa năm 1994 càng làm giảm khả năng làm trầm trọng thêm xung đột giữa hai nước. Trong khi giao tranh nghiêm trọng xảy ra giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở những nơi khác thuộc Liên Xô cũ và có căng thẳng và giao tranh giữa người Nga và các dân tộc vùng Baltic, tính đến năm 1995 hầu như không có bạo lực nào xảy ra giữa người Nga và Ukraine.

Khả năng thứ hai và có phần khả thi hơn là Ukraine có thể chia đôi, dọc theo đường đứt gãy của mình thành hai thực thể riêng biệt, phía đông sẽ hợp nhất với Nga. Vấn đề ly khai từng đặt ra cho Crimea. Người dân Crimea, 70% là người Nga, đã ủng hộ đáng kể sự độc lập của Ukraine khỏi Liên Xô trong một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12 năm 1991. Vào tháng 5 năm 1992, quốc hội Crimea cũng đã bỏ phiếu để tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và sau đó, dưới áp lực của Ukraine, đã hủy bỏ cuộc bỏ phiếu đó. Quốc hội Nga, tuy nhiên, đã bỏ phiếu để hủy bỏ việc nhượng Crimea năm 1954 cho Ukraine. Vào tháng 1 năm 1994, người dân Crimea đã bầu một tổng thống đã vận động tranh cử theo chiêu bài „đoàn kết với Nga“. Điều này đã gợi cho một số người câu hỏi: „Crimea sẽ là Nagorno-Karabakh tiếp theo hay Abkhazia?“ Câu trả lời vang dội là „Không!“ khi tổng thống mới của Crimea từ bỏ cam kết trưng cầu dân ý về độc lập và thay vào đó là thương lượng với chính phủ Kiev. Vào tháng 5 năm 1994, tình hình lại nóng lên khi quốc hội Crimea bỏ phiếu khôi phục hiến pháp năm 1992 khiến Crimea hầu như độc lập với Ukraine. Tuy nhiên, một lần nữa, sự kiềm chế của các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đã ngăn vấn đề này phát sinh bạo lực, và cuộc bầu cử hai tháng sau khi Kuchma thân Nga làm tổng thống Ukraine đã làm suy yếu động lực đòi ly khai của Crimea.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử đó đã làm dấy lên khả năng miền Tây của đất nước ly khai khỏi một Ukraine đang ngày càng xích lại gần Nga. Một số người Nga có thể hoan nghênh điều này.

Những người ủng hộ Viktor Yushchenko tại Quảng trường Độc lập của Kyiv ngày 8 tháng 12 năm 2004

AFP Những người ủng hộ Viktor Yushchenko tại Quảng trường Độc lập của Kyiv ngày 8 tháng 12 năm 2004

Như một vị tướng Nga đã nói, „Ukraine hay đúng hơn là miền Đông Ukraine sẽ trở lại sau 5, 10 hoặc 15 năm nữa. Tây Ukraine thì kệ xừ nó! “ Nhưng một Ukraine thống nhất và hướng về phương Tây sẽ chỉ khả thi nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả của phương Tây. Sự hỗ trợ như vậy có thể chỉ đến nếu quan hệ giữa phương Tây và Nga xấu đi nghiêm trọng và trở nên giống với thời Chiến tranh Lạnh.

Nhà thờ Thánh Sophia ở Kyiv

GETTY IMAGES Nhà thờ Thánh Sophia ở Kyiv

Kịch bản thứ ba và nhiều khả năng hơn là Ukraine sẽ vẫn đoàn kết, vẫn tách biệt, vẫn độc lập và nói chung là hợp tác chặt chẽ với Nga. Một khi câu hỏi chuyển tiếp liên quan đến vũ khí hạt nhân và lực lượng quân sự đã được giải quyết, các vấn đề dài hạn nghiêm trọng nhất sẽ là kinh tế, việc giải quyết vấn đề này sẽ được tạo điều kiện thuận lợi bởi một nền văn hóa chia sẻ một phần và quan hệ cá nhân chặt chẽ. John Morrison đã chỉ ra mối quan hệ Nga-Ukraine với Đông Âu giống mối quan hệ Pháp-Đức với Tây Âu. Pháp-Đức là cốt lõi của Liên minh châu Âu, thì Nga-Ukraine cũng có tầm quan trọng sống còn đến sự thống nhất trong thế giới Chính thống giáo.“

Zbigniew Brzezinski

Còn với Zbigniew Brzezinski, ông có tác phẩm quan trọng là The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperations (1997).

Mục đích của Zbigniew Brzezinski khi viết cuốn này là đưa ra một tầm nhìn toàn cầu mới để Hoa Kỳ duy trì thế siêu cường trong thế kỷ 21.

Zbigniew Brzezinski năm 2014

GETTY IMAGES Zbigniew Brzezinski năm 2014

Trong sách này, Zbigniew Brzezinski viết về Ukraine và Nga như sau:

„Ukraine, một không gian mới và quan trọng trên bàn cờ Á-Âu, là một trục địa chính trị vì chính sự tồn tại của Ukraine như một quốc gia độc lập giúp chuyển đổi nước Nga. Không có Ukraine, Nga sẽ không còn là một đế chế Á-Âu. Nga không có Ukraine vẫn có thể phấn đấu cho vị thế đế quốc, nhưng khi đó Nga sẽ trở thành một nhà nước đế quốc chủ yếu châu Á, có nhiều khả năng bị lôi kéo vào các cuộc xung đột suy nhược với những người Trung Á đang kích động, những người sẽ phẫn uất về sự mất độc lập mới giành lại gần đây của họ và sẽ được hỗ trợ bởi các quốc gia Hồi giáo đồng bào của họ phía Nam. Trung Quốc cũng có thể sẽ phản đối khôi phục thống trị của Nga đối với Trung Á, vì mối quan tâm ngày càng tăng đối với các quốc gia mới độc lập ở đó.

Tuy nhiên, nếu Moscow giành lại quyền kiểm soát Ukraine, với 52 triệu dân và các nguồn tài nguyên chính cũng như quyền tiếp cận Biển Đen, Nga tự động một lần nữa lấy lại đủ sức mạnh để trở thành một đế quốc hùng mạnh, trải dài khắp Châu Âu và Châu Á.

Việc Ukraine mất độc lập sẽ có hậu quả ngay lập tức đối với Trung Âu, khiến Ba Lan bị biến đổi vào trục địa chính trị ở biên giới phía đông của một châu Âu thống nhất.“

Ở phần sau, Zbigniew Brzezinski viết:

„Sự xuất hiện của một nhà nước Ukraine độc lập không chỉ thách thức người Nga suy nghĩ lại bản chất của bản sắc chính trị và dân tộc của họ, mà việc này còn là một thất bại địa chính trị đối với nhà nước Nga. Sự hủy bỏ hơn ba trăm năm của lịch sử đế quốc Nga có nghĩa là sự mất mát của một nền kinh tế công nghiệp và nông nghiệp giàu tiềm năng và 52 triệu người đủ gần gũi về mặt dân tộc và tôn giáo với người Nga để biến nước Nga trở thành một đế quốc thực sự rộng lớn và tự tin. Nền độc lập của Ukraine cũng tước đi vị trí thống trị của Nga trên Biển Đen, nơi Odessa từng là cửa ngõ quan trọng của Nga để giao thương với Địa Trung Hải và thế giới xa hơn.

Nhiều tháng biểu tình bạo lực dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Yanukovych vào năm 2014

GETTY IMAGES Nhiều tháng biểu tình bạo lực dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Yanukovych vào năm 2014

Sự mất mát của Ukraine có ý nghĩa quan trọng về mặt địa chính trị, vì nó hạn chế đáng kể các lựa chọn địa chiến lược của Nga. Thậm chí không có các nước Baltic và Ba Lan, một nước Nga giữ quyền kiểm soát đối với Ukraine vẫn có thể tìm cách trở thành nhà lãnh đạo của một đế chế Á-Âu quyết đoán, trong đó Moscow có thể thống trị những người không thuộc chủng tộc Slav ở phía Nam và Đông Nam của Liên Xô cũ. Nhưng không có Ukraine và 52 triệu người Slav, bất kỳ nỗ lực nào của Moscow nhằm xây dựng lại đế chế Á-Âu có khả năng khiến Nga bị cuốn vào các cuộc xung đột kéo dài với những người không phải người Slav, cuộc chiến với Chechnya có lẽ chỉ đơn giản là ví dụ đầu tiên.

Hơn nữa, với tỷ lệ sinh giảm của Nga và tỷ lệ sinh bùng nổ ở người Trung Á, một thực thể Á-Âu mới hoàn toàn dựa trên sức mạnh của Nga, không có Ukraine, chắc chắn sẽ trở nên ít châu Âu hơn và trở nên châu Á hơn theo thời gian.“

Map of Ukraine

‚Phần Lan hóa‘?

Tháng Ba năm 2014, trả lời phỏng vấn, Zbigniew Brzezinski nói như sau:

„Cuối cùng, giải pháp tốt nhất cho Ukraine là trở thành như Phần Lan đã từng đối với Nga. Đó là, một mối quan hệ có cả quan hệ kinh tế mở với Nga và mở rộng kết nối với Liên minh châu Âu, nhưng không có sự tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào.“

Cũng trong phỏng vấn này, khi được hỏi về phản ứng của Ukraine nếu Nga giành lấy Crimea, Zbigniew Brzezinski trả lời:

„Nếu Nga làm điều đó, nước này có thể sẽ có Crimea, nhưng nước này sẽ mất Ukraine mãi mãi. Họ sẽ không bao giờ tha thứ cho Nga về điều này.“

Ukraine bị lôi kéo vào cuộc chiến năm 2014 khi phe ly khai thân Nga chiếm giữ các khu vực ở phía đông

GETTY IMAGES Ukraine bị lôi kéo vào cuộc chiến năm 2014 khi phe ly khai thân Nga chiếm giữ các khu vực ở phía đông

Trong một bài viết khác đăng tháng Hai năm 2014 trên Financial Times, Zbigniew Brzezinski nêu quan điểm:

„Mỹ có thể và nên chuyển tải rõ ràng với ông Putin rằng họ sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình để đảm bảo một Ukraine thực sự độc lập và không bị chia cắt về mặt lãnh thổ sẽ theo đuổi các chính sách đối với Nga tương tự như những chính sách mà Phần Lan đã thực hiện một cách hiệu quả: các nước láng giềng tôn trọng lẫn nhau với quan hệ kinh tế đa dạng với Nga và EU; không tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào được Moscow coi là nhắm vào mình, nhưng mở rộng kết nối với châu Âu.“

„Tóm lại, mô hình Phần Lan lý tưởng cho cả Ukraine, EU và Nga,“ ông viết.

Nhưng nhiều người, ngay cả ở Phần Lan, lại không đồng tình về ý tưởng ‚Phần Lan hóa‘ này, như một bài trên The New York Times tháng Hai năm nay cho biết.

Niall Ferguson và Francis Fukuyama tranh luận ai có lỗi với Ukraine

 

Biden và Putn

EPA Biden và Putn

Hai nhà nghiên cứu nổi tiếng ở Hoa Kỳ, vừa tham gia một cuộc thảo luận để cho biết phân tích của họ về khủng hoảng ở Ukraine.

Niall Ferguson, nhà sử học người Scotland đang sống ở Hoa Kỳ, rất nổi danh với các sách như Empire, Colossus. Năm 2015, ông ra tập đầu bộ sách về Henry Kissinger, Kissinger: 1923-1968: The Idealist.

Francis Fukuyama, nhà khoa học chính trị người Mỹ, lần đầu vang danh với cuốn The End of History and the Last Man (1992) và sau này đã viết hàng loạt sách có ảnh hưởng lớn.

„Vào tháng 7 năm ngoái, Putin đã xuất bản một bài luận giả lịch sử kỳ lạ, „Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine“, về cơ bản nói rằng nền độc lập của Ukraine là một dị thường lịch sử. Và khi tôi đọc bài luận khi tôi ở Kyiv vào tháng 9, tôi nhận ra rằng Ukraine tiêu tùng rồi. Ông ta sẽ phá bỏ nền độc lập của Ukraine hoặc, có thể khả dĩ hơn, giảm xuống thành một nhà nước bù nhìn tương tự như Belarus hoặc Kazakhstan — rõ ràng là trong phạm vi ảnh hưởng của Nga và không có nguy cơ trở thành một nền dân chủ thành công theo hướng phương Tây hoặc một thành viên của Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).“

Ukraine bị lôi kéo vào cuộc chiến năm 2014 khi phe ly khai thân Nga chiếm giữ các khu vực ở phía đông

GETTY IMAGES Ukraine bị lôi kéo vào cuộc chiến năm 2014 khi phe ly khai thân Nga chiếm giữ các khu vực ở phía đông

Francis Fukuyama ca ngợi Tổng thống Joe Biden:

„Tôi nghĩ rằng ông ấy đã tuyệt vời trong việc tập hợp toàn bộ liên minh NATO để chống lại Putin, chẳng hạn như chuyển nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu để họ có thể chịu đựng việc Nga cắt khí đốt trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ông có lẽ là người chịu trách nhiệm lớn nhất về sự thay đổi đáng kinh ngạc trong chính sách đối ngoại của Đức: người Đức đã từ bỏ 40 năm lấy lòng Nga, là dấu ấn qua nhiệm kỳ của Angela Merkel. Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Đức và ông sẵn sàng chuyển vũ khí cho Ukraine. Những động thái đó là kết quả của nhiều hoạt động ngoại giao diễn ra trong thời gian kéo dài nhiều tuần dẫn đến chiến tranh. Biden hoàn toàn không phải là một tổng thống thành công về chính sách đối ngoại — việc rút quân khỏi Afghanistan thực sự là một thất bại — nhưng tôi nghĩ rằng, theo nhiều cách, về cơ bản, ông ấy đã tự sửa chữa khá nhiều.“

Nhưng Niall Ferguson không tán thành:

„Trong nền văn học Nga, có một cuốn tiểu thuyết rất hay: Gã khờ của Dostoevsky. Biden là gã khờ. Lý do điều này xảy ra là vì chính quyền Biden đã làm chậm lại việc giao vũ khí cho Ukraine, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với đường ống Nord Stream 2 mà sẽ bỏ qua Ukraine, báo hiệu với Nga rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, và do đó đã nói rõ cho Putin rằng ông ta có cơ hội thực hiện hành động quân sự mà chỉ phải sợ các biện pháp trừng phạt mà thôi. Chiến lược của chính quyền Mỹ là đe dọa các lệnh trừng phạt tồi tệ nhất — cứ làm như lệnh trừng phạt sẽ ngăn cản Putin. Sau đó, họ đã thử một điều gì đó thậm chí còn điên rồ hơn, đó là nói, „Nga sẽ xâm lược và chúng tôi biết ngày rồi“ — làm như sẽ ngăn Putin xâm lược. Và điều tồi tệ nhất mà họ làm là kêu gọi Trung Quốc can ngăn xâm lược, trong khi Trung Quốc đã bật đèn xanh cho Putin với điều kiện không được làm cho đến sau Thế vận hội Bắc Kinh.“

Nhà thờ Thánh Sophia ở Kyiv

GETTY IMAGES Nhà thờ Thánh Sophia ở Kyiv

Được hỏi vì sao Tổng thống Vladimir Putin muốn xâm lược Ukraine, Francis Fukuyama nói:

„Putin muốn thống nhất Belarus, Ukraine và Nga. Ông ấy không tin rằng họ nên tách biệt.“

„Ngoài ra, tôi nghĩ rằng nếu nhìn vào yêu cầu của họ trong các cuộc đàm phán dẫn đến cuộc xâm lược, họ cũng muốn NATO bé lại – không chỉ từ bỏ việc mở rộng sang Ukraine, mà còn quay lại những năm 1990.“

„Không giống như Niall, tôi nghĩ quyết định của Hoa Kỳ cung cấp tất cả thông tin tình báo này và dự đoán cuộc xâm lược thực sự là một chiến lược tuyệt vời. Chúng ta biết rằng người Nga sẽ tung ra những câu chuyện sai sự thật về những gì họ đang làm ở Ukraine. Và tôi nghĩ rằng chính quyền đã giải mật rất nhiều thông tin tình báo để mọi người sẵn sàng, để họ không tin một số thứ đến từ Nga. Và nó đã rất hiệu quả.“

Niall Ferguson nêu ý kiến:

„Vấn đề là chúng ta đã tạo ra khả năng Ukraine gia nhập NATO và gia nhập Liên minh châu Âu. Nhưng thái độ thực tế của chúng ta giống như tranh biếm của tờ New Yorker về anh chàng trên điện thoại nói: „Không, tôi không thể làm trong thứ Năm. Không bao giờ luôn đi?“ Chúng ta chưa bao giờ nghiêm túc muốn họ gia nhập NATO hoặc EU. Chúng ta đã không cung cấp gần như đủ vũ khí cho họ để ngăn chặn Nga tấn công. Và kết quả là một cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn mà lẽ ra có thể tránh được.“

Quảng trường Độc lập ở Kyiv

AFP Quảng trường Độc lập ở Kyiv

Được hỏi lẽ ra nên làm gì, Niall Ferguson nói:

„Có hai sự lựa chọn, và chúng ta đã bỏ đi cả hai. Hoặc yêu cầu Ukraine chấp nhận trung lập, bởi vì nếu không, người Nga sẽ xâm lược và chúng ta sẽ không chiến đấu — đây là điều mà Henry Kissinger đã đề xuất hồi năm 2014 — hoặc bạn phải trang bị vũ khí đầy đủ cho người Ukraine để họ có thể ngăn chặn người Nga. Và chúng ta đã không làm.“

Nhưng Francis Fukuyama không tán thành ý kiến trên:

„Một phần lý do giúp Ukraine đang làm Nga sa lầy là chúng ta đã nâng cấp rất nhiều vũ khí cho họ. Chúng ta đã đào tạo cho họ. Chúng ta đã cho họ hợp tác tình báo. Những gì bạn đề xuất rằng ta có thể đã làm, đều phi thực tế.“

Nhìn về tương lai, Niall Ferguson suy tư:

„Những gì phương Tây nên làm là cố gắng, nếu có thể, để giữ cho sự kháng cự của người Ukraine không bị sụp đổ, mặc dù tôi nghĩ rằng gần như chắc chắn là quá muộn.“

„Và nếu không thể ngăn cản chiến thắng của Nga, thì nên tìm cách môi giới một lệnh ngừng bắn. Đây là vở kịch năm 1973 mà Kissinger đã sử dụng khi Israel, cũng không phải là thành viên NATO, bị Ai Cập, Syria và các quốc gia Ả Rập khác tấn công. Thủ đoạn của Kissinger là cung cấp cho người Israel đủ vũ khí để họ có thể tránh thất bại, nhưng cũng không quá nhiều để họ hoàn toàn áp đảo người Ả Rập. Sau đó, ông ta làm trung gian cho lệnh ngừng bắn và đảm bảo rằng Hoa Kỳ chủ động và người Nga về cơ bản đã bị gạt ra ngoài lề.“

„Những gì chúng ta đang làm vào lúc này gần như hoàn toàn ngược lại. Chúng ta đang cung cấp những vũ khí là vỗ tay, bài xã luận và bài phát biểu mạnh mẽ thay vì phần cứng mà người Ukraine cần.“

„Điều thực sự khiến tôi khó chịu nhất, là hiệu ứng mà một thảm họa này dẫn đến một thảm họa khác: không nghi ngờ gì nữa, tại một thời điểm nào đó sẽ có một cuộc khủng hoảng về tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân của Iran, và sẽ có một cuộc khủng hoảng Đài Loan. Và chúng ta đang tiến tới những cuộc khủng hoảng này với tư thế yếu đáng kể, và tôi thực sự không thể nhìn lại và nói rằng chính quyền Biden đã làm bất cứ điều gì khác ngoài việc vớ va vớ vẩn.“

Francis Fukuyama không đồng tình:

„Bạn đang tỏ ra quá tiêu cực về tình hình ở Ukraine. Tình hình ở Ukraine gần như không tồi tệ như bạn đang miêu tả.“

„Ngay cả nếu Nga xóa bỏ được chế độ Zelensky, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy kéo dài, bởi vì người Ukraine đoàn kết hơn bao giờ hết.“

„Chúng ta đang làm rất nhiều, và ý tưởng rằng chúng ta biết Putin cuối cùng sẽ giành chiến thắng, thì thật là tiêu cực.“