Diễn Đàn BBC
BBT: Vấn đề vẫn còn được tranh cãi.
Mục lục
Cuộc chiến VN: Nhắc lại vai trò ‘cứu Sài Gòn’ của Tướng Dương Văn Minh
- Phạm Cao Phong
- Gửi bài từ Paris, Pháp cho Diễn đàn BBC
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua sau ngày 30/4/1975, song những gì diễn ra trong thời khắc định mệnh của VNCH vẫn có những điều người Việt gần như coi là “đương nhiên xảy ra”, nhưng các nhà nghiên cứu nước ngoài lại có lý giải khác.
Đó là câu hỏi cùng sự tiến quân của các đơn vị quân đội Bắc VN và lữ đoàn xe tăng tới tận Dinh Độc Lập, vì sao Sài Gòn thoát khỏi sự tàn phá, đổ vỡ ra sao.
Nhà báo Pháp Jean Lartéguy trong L’Adieu à Saïgon (Presses de la Cité 1975. Bản tiếng Việt: Vĩnh biệt Sài Gòn đã in ở VN năm 1991), viết về câu chuyện này, tôi xin trích để nhắc lại vai trò không thể bỏ qua của một nhân vật lịch sử, Đại tướng VNCH Dương Văn Minh:
“Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tướng Minh đã là diễn viên và nhân chứng trong những giờ phút chót của Sài Gòn và họ đã kể cho tôi nghe những giờ chót ấy.
Số phận của Sài Gòn đã được định đoạt như dưới đây, trong vòng vài phút, khoảng từ 10 giờ 30 tới 11 giờ sáng ngày 30/04.
Ai đã cứu Sài Gòn? Không phải Kissinger hoặc Graham Martin đã cứu Sài Gòn, khi họ gạt ông Thiệu ra.
Cũng không phải Sauvagnargues hoặc Mérillon đã cứu Sài Gòn, khi bứt ông Hương thống khổ ra khỏi chiếc ghế tổng thống. Cứu tinh của Sài Gòn, đó là Tướng Dương Văn Minh. Lúc này là 10 giờ 15. Trên đài phát thanh, Tướng Minh phổ biến lệnh đầu hàng không điều kiện:
“Đường lối chính trị mà chúng tôi trù liệu, là hòa giải giữa những người Việt Nam, để tránh đổ máu vô ích. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt những sự thù địch trong bình tĩnh và tôi yêu cầu họ ở đâu hãy ở đó”.
“Tôi yêu cầu những người lính anh em của Chính phủ Cách mạng Lâm Thời ngưng những sự thù địch. Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam, để cùng nhau thảo luận về lễ chuyển giao quyền hành trong trật tự, tránh mọi sự đổ máu vô ích cho nhân dân.”
Một người ngoại quốc khác, nhà báo Paul Dreyfus chia sẻ cảm nghĩ tương tự như Jean Lartéguy:
“Bằng việc gạt qua cá nhân mình, Minh đã chấp nhận trong con mắt của lịch sử, là một viên tướng đầu hàng không điều kiện, để tránh cho đất nước của ông những đớn đau không cần thiết”. (Et Saigon tomba.1975).
Vậy với chúng ta, chuyện gì đã diễn ra trong thời điểm từ 10h30 đến 12h15?
“… Ngồi ở góc bàn, Vũ Văn Mẫu gấp rút thảo lời kêu gọi ngừng bắn. Rồi Mẫu và Minh ngồi vào trong xe đi tới đài phát thanh. Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền lui vào một phòng nhỏ để cầu nguyện. Cả ba người biết rằng, lực lượng cộng sản đã sẵn sàng tàn phá Sài Gòn, nếu mọi sự kháng cự không chấm dứt ngay…Người bên kia sợ hãi cái thành phố này. Họ muốn Sài Gòn phải mang thương tích và quì gối đầu hàng.
Minh và Mẫu vừa mới quay trở về (từ Đài phát thanh Sài Gòn), thì nhìn thấy những chiếc xe thiết giáp ở bãi cỏ. Không phải là những xe tăng cộng sản mà họ chờ đợi, mà là ba xe tăng M-48 của quân đội Nam Việt Nam. Vài sĩ quan trẻ tuổi vừa từ trên tháp xe nhảy xuống. Họ từ chối đầu hàng. Họ muốn tiếp tục chiến đấu vì danh dự, vì họ từ chối chủ nghĩa cộng sản. Họ đâu thèm bận tâm đến việc họ có thể bị chôn vùi dưới những đống gạch vụn đổ nát của Sài Gòn?
Tướng Minh chỉ còn có vài phút để thuyết phục các sĩ quan này. Đại bác 130 và những giàn phóng hỏa tiễn 122 ly Bắc Việt đã đặt sẵn xung quanh thủ đô.”
Giờ phút chấp nhận bước vào Dinh Độc Lập, Tướng Minh đã hiểu, ông không còn một đường nào khác là chấp nhận đầu hàng, “một sự thật không vui thú gì”, như ông nói.
Có nên gọi đó là sự quả cảm ? Tướng Minh không những phải giáp mặt với sự trả thù của phe thắng, mà còn có thể bị xử bắn bởi chính những binh sĩ VNCH không muốn buông súng. Đó là sự thật.
“Dùng uy tín của người cựu chỉ huy, của vị tướng thật sự đã tạo dựng quân đội Nam Việt Nam, với giọng nói oai nghiêm của người cha răn dậy những đứa con ngỗ nghịch, Minh Lớn cảm phục lòng can đảm của các sĩ quan trẻ tuổi, giải thích cho họ biết rằng nếu đánh nữa, thì binh sĩ chỉ làm tăng thêm sự bất hạnh cho đất nước. Họ còn được bao nhiêu người? Chừng hai ngàn người tất cả, những thành phần còn lại của một lữ đoàn Dù và Thiết giáp.
Đối mặt họ là 15 sư đoàn: hơn 100.000 người, các trung đoàn pháo, hỏa tiễn, pháo phòng không. Tất cả bọn họ đều sẵn sàng xung phong, chỉ mơ ước được nhào vào thành phố biểu tượng của chế độ thực dân và chế độ đế quốc. Để trừng phạt và tiêu diệt thành phố này, vì nó luôn luôn chối bỏ cộng sản. Tiếp tục chiến đấu là mắc mưu phía bên kia.
Các sĩ quan đã hiểu và họ trở về đơn vị để thuyết phục các thuộc cấp ngưng chiến đấu. Cũng có nhiều người sẽ đi về vùng đồng bằng để lập chiến khu. Những kẻ chiến thắng có thể tiến vào Sài Gòn được rồi.
Sau khi kêu gọi ngưng bắn và kêu gọi quân lực VNCH buông súng, trước khi xe tăng cộng sản tiến vào dinh, ông ta tuyên bố với một trong những người ký giả cuối cùng mà ông ta đã gặp là Jean- Louis Arnaud của hãng AFP (Agence France Presse):
“Hôm nay hoặc ngày mai, tôi chờ họ. Phải làm như vậy. Phải cứu lấy những mạng người, những mạng người Việt và cả Pháp nữa. Hãy kể lại cho Đại sứ Pháp nghe rằng ông đã trông thấy tôi ở đây”.
Lúc 12 giờ 15 phút, chiếc xe jeep cắm cờ chạy trên đường Catinat tới, tiếp theo là những xe vận tải Molotova chở đầy binh sĩ bộ binh.
Trên bao lơn, cờ Việt Cộng được được kéo lên trước mặt tiền của Dinh. Sài Gòn bị chiếm và không bốc cháy. Chỉ thiếu chút nữa thôi” (Sđd).
Vai trò của Tướng Minh trong việc chấm dứt cuộc chiến
Tướng Minh đã không như các tướng lĩnh Sài Gòn khác, những kẻ bỏ rơi đồng đội trong cơn hoạn nạn.
“Vũ Văn Mẫu cho chúng tôi biết là sự đe dọa ấy có thật. Ông ta và tướng Minh bị cầm tù 48 giờ trong dinh và một trong những sĩ quan Bắc Việt canh giữ họ, cấp đại tá hay cấp tướng gì đó, đã nói:
“Chúng tôi được lệnh bắn Sài Gòn từ 11 giờ sáng nếu mọi sự kháng cự không ngưng. Thành phố đã được chia ra làm 30 ô vuông. Mỗi ô vuông sẽ lãnh 100 hỏa tiễn và 3.000 đạn đại bác 130 ly”.
“Sau đó, chúng tôi sẽ xung phong. Chúng tôi biết sẽ có những trận đánh dữ dội trong thành phố và có một số đơn vị nhất quyết chiến đấu tới cùng.
Chúng tôi dự trù những cuộc chiến đấu ấy kéo dài bảy ngày, từ 30 tháng 4 tới 7 tháng 5, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tới lúc đó, chúng tôi sẽ làm chủ Sài Gòn, mọi sự kháng cự sẽ ngưng.”
Vũ Văn Mẫu nói thêm:
“Tướng Minh và tôi biết rằng những cuộc chiến đấu ấy vô ích, vì sẽ gây ra cho 250.000 đến 300.000 thường dân thương vong và chết. Một phần lớn Sài Gòn sẽ bị tiêu hủy, vì những đám cháy không gì có thể dập tắt được. Rất nhiều chung cư ở Sài Gòn đều làm bằng gỗ và tệ hại là cảnh sát cũng như mọi lực lượng an ninh đều đã biến mất”.
“Tại Tân Sơn Nhất, những xác chết mà chúng tôi nhìn thấy ngày hôm qua vẫn còn đó và bốc lên những mùi hôi thối. Nhưng những đám cháy đã được dập tắt rồi.
Một xe tăng do Mỹ sản xuất và một xe tăng Liên Xô (sản xuất) đối diện nhau. Cả hai cùng bị phá hủy. Hai xe đã bắn nhau rất gần. Cuộc đấu súng kỳ lạ này diễn ra sáng nay. Hai cái xác xe còn bốc khói. Ở trong xe, những xác người cháy thành than.
Binh sĩ Dù đã tiêu diệt năm xe tăng Nga T-54 nặng năm mươi tấn, tất cả còn đang bốc cháy. Một chiếc tăng nổ tung với tất cả đạn dược trong xe. Chúng tôi chỉ kịp đậu xe lại để tránh. Gần Lăng Cha Cả, những binh sĩ Dù đã đánh trận chót. Họ chiến đấu tới 11 giờ 30, cho tới khi các cấp chỉ huy của họ từ cuộc gặp gỡ đau thương với Tướng Minh trở về, thuyết phục họ nên bỏ cuộc chiến” (Sđd – L’Adieu à Saïgon).
Sài Gòn thất thủ ngày 30/04/1975 là một trong những sự kiện chấn động thế giới ở thế kỷ trước, có lẽ ngang sự kiện quân đội của Mao Trạch Đông tiến vào Bắc Kinh sau thắng lợi trong Nội chiến năm 1949.
Thời điểm đó, ở mảnh đất xa xôi Trung Hoa, có rất ít người phương Tây được tận mắt nhìn những gì thật sự xảy ra. Còn cuộc chiến Việt Nam đã là ‘chiến tranh truyền hình’ và ở Sài Gòn con số những nhân chứng cho sự kiện này ngày 30/04 có tới 125 phóng viên phương Tây.
Ngày nay nhìn lại, chỉ cần đào xới một chút thôi những di chỉ ký ức mà họ để lại, chúng ta sẽ thấy các góc nhìn khác, đầy ₫ủ hơn về vai trò của các nhân vật miền Nam cũng như miền Bắc VN trong cuộc chiến khủng khiếp nhất của dân tộc này gánh chịu trong Thế kỷ 20.
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Phạm Cao Phong ở Paris, Pháp.
Lịch sử có nợ gì Tướng Dương Văn Minh?
Nhà báo Pháp Paul Dreyfus là một trong 25 nhà báo Pháp có mặt tại Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng của tháng Tư năm 1975.
Trong cuốn sách của mình với tựa đề “và Sài Gòn sụp đổ” (Et Saigon tomba – Collection Témoignages 1975), tác giả đánh giá sự kiện Sài Gòn thất thủ là sự kiện ‘quan trọng nhất’ với hệ thống cộng sản châu Á sau cuộc tiến vào Bắc Kinh năm 1949 của Mao.
Ông thuật lại những cảm nhận cá nhân qua những lần tiếp xúc với đại tướng Dương văn Minh, tổng thống cuối cùng của miền Nam, theo giới thiệu sau qua lời dịch của nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris:
Theo Paul Dreyfus, tướng Minh là “một người minh mẫn và nắm vững tình hình”.
Những tâm sự của tướng Minh thời điểm đó mang lại một cách đánh giá đa chiều về nhân vật gây nhiều tranh cãi.
“Tôi thích sống trong ngục tù của tổ quốc tôi còn hơn tự do ở nước ngoài.”
Nhà báo Pháp viết trong cuốn sách:
“Tôi gặp tướng Minh vào ngày thứ hai, trong một villa rộng lớn, yên bình, không bày biện xa hoa, bao bọc xung quanh bởi một vườn hoa, nơi ông sống từ nhiều năm, ở giữa Sài Gòn. Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hơn một giờ, ông nói cho tôi biết cơ hội mỏng manh về đàm phán với phía bên kia ra sao.
Ông mô tả xúc động về tình trạng kiệt quệ của quân đội, những tướng lĩnh mất tinh thần, những kho đạn và chiến cụ gần như trống rỗng, vật tư bị bỏ mặc, bộ máy hành chính bất lực, dân chúng lo lắng và những người của Thiệu không làm gì khác là cất giấu đô la, vàng, trang sức cùng những tác phẩm nghệ thuật của họ…
Tướng Minh có giọng nói chậm rãi và nhẹ nhàng. Cặp mắt không chớp sau cặp kính gọng kim loại, nhưng người ta nhận thấy rõ rệt ông bối rối sâu sắc trước hiện tình đất nước ông.”
Không ra nước ngoài
“Thế nào đi nữa, ông nói với tôi, tôi sẽ không đi đâu cả. Hạnh phúc hay bất hạnh đó vẫn là tổ quốc tôi. Tôi đã sống những năm định cư ở Bangkok. Tôi không thiếu thốn gì. Nhưng tôi cảm thấy rất bất hạnh. Tôi thích sống trong ngục tù của tổ quốc tôi còn hơn tự do ở nước ngoài.”
Cuối cuộc phỏng vấn, tôi hỏi ông thẳng thắn rằng, ông nghĩ sao sắp tới sẽ đóng một vai trò quan trọng của một nhân vật chính trị.
“Nếu để làm bù nhìn, thì chắc chắn không. Nhưng nếu tôi có thể hữu ích hay có thực quyền thì tôi sẽ không từ chối.” Từ cách nhìn của tôi, từ thời điểm này, tướng Minh đã sẵn sàng.
Hôm nay (24/4/1975), ông già không có chút sinh khí (chỉ tổng thống Hương) đã đến gặp tướng Minh nêu ra một vai phụ số hai : đó là chức Thủ tướng. Vai trò mà một người tiền nhiệm vừa bỏ lại sáng nay.”
Minh cự tuyệt, vì ông không có toàn quyền. Ngày mai, ông sẽ có tất cả.
Nếu không, Việt Cộng sẽ bắt đầu đặt quyền cai trị lên Sài Gòn.”
Khi CIA giả danh Khmer Đỏ
“Thứ Sáu 25/4/1975. Sau khi Phnom Penh sụp đổ, CIA sử dụng một đài tiếp vận radio từ Okinawa, hòn đảo lớn phía Nam quần đảo Nhật Bản. Những nhân viên bí mật của Mỹ phát sóng dưới danh nghĩa những người Khmer. Họ đưa tin như từ chức năng quyền lực của Khmer Đỏ.
Đài phát thanh gián điệp này tung những tin thất thiệt, hướng vào cộng đồng dân chúng Campuchia, hy vọng gây những bất ổn cho những chủ nhân mới của đất nước.
Cũng là CIA, trong một buổi phát thanh đội lốt ngôi sao đỏ đã đưa tin, có một cuộc đảo chính tại Hà Nội và họ nói rằng đã có ba sư đoàn Bắc Việt rút về cứu nguy cho miền Bắc.”
Bình luận về việc xuyên tạc này, giám đốc CIA tại Sài Gòn hả hê với những ai muốn nghe:
“Đó thật sự là chương trình duy nhất hoạt động tốt.”
Thật khó tin, nhưng đúng như thế!
Tướng Minh và sứ mệnh bất khả thi
“Tối thứ Bảy, Thượng và Hạ viện nhất trí trao toàn quyền cho tướng Minh hoạt động ngõ hầu mang lại một ‘nền hòa bình trong danh dự’, trong lúc cả tối thứ Bảy và Chủ Nhật đạn pháo nã vào trung tâm quyền lực giữa Sài Gòn.
Người dân thủ đô sống trong thấp thỏm trước những đợt pháo kích ngày càng gia tăng. Những sư đoàn Bắc Việt và Việt Cộng được chiến xa hạng nặng hỗ trợ chỉ còn không đầy 30 km cách thủ đô VNCH. Những tướng lĩnh can đảm nhất cũng nói rằng tất cả đã mất.
“Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Trần Văn Đôn u ám trước tấm bản đồ ngày càng đen tối. Các chuyến bay ‘Galaxia’ của không quân Mỹ hối hả chuyển những công dân Hoa Kỳ di tản. Tất cả như trong tình trạng như khi Byzance thất thủ, các chân tay thân cận của Thiệu theo chân chủ chạy trốn với những valy chật căng đô la, nữ trang, vật dụng quý giá, nhà băng đóng cửa , nền kinh tế sụp đổ.
Trong tình thế gần như tuyệt vọng, Lưỡng viện và ông tổng thống mắt lòa, chậm chạp với tuổi già vẫn còn loay hoay bàn cãi về thủ tục bàn giao chính quyền cho tướng Minh, mà không ‘vi hiến’.
Trong không khí nghẹt thở, lưỡng viện bỏ phiếu cho giải pháp tình thế hệt như trong buổi đẹp trời của Đệ Tam Cộng hòa. Cuối cùng, sau một ngày điên rồ, khi màn đêm đã buông xuống Sài Gòn, Lưỡng viện Quốc hội nhất trí chuyển giao hoàn toàn quyền lực cho tướng Minh.”
Một người cộng sự thân thiết của tướng Minh đã nói với tôi ngay từ hôm qua không úp mở:
“Chúng tôi nắm một sứ mệnh không thể thực hiện nổi.”
Thứ Tư, ngày 30/4/1975: ‘Tôi đợi các ông ở đây’
Cuốn sách mô tả tiếp giờ phút tiếp quản:
“Nhóm sĩ quan cấp cao nhảy xuống xe. Xung quanh họ là những binh sĩ đầy súng ống. Họ chạy nhanh qua những bậc thang rộng của Phủ Tổng thống, vượt qua phòng khánh tiết và gặp tướng Minh trong phòng làm việc của ông ta.
‘Tôi đã đợi các ông ở đây’, tướng Minh nói. Buổi sáng cùng ngày, lúc 10 giờ, ông đã cho phát trên radio lời tuyên bố gửi đến đối phương.
Minh từ căn phòng của Phủ Tổng thống đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị Nam Việt Nam ngừng bắn. Rất trầm tĩnh, Minh trao đổi với các phụ tá và một vài bộ trưởng mà chỉ trong thời gian ngắn ông đã tìm được ra.
Các chiến binh Bắc Việt ngay lập tức vây quanh ông. Trong số những sĩ quan của đoàn quân chiến thắng có những Việt Cộng hoạt động bí mật tại Sài Gòn, không mặc quân phục, không mang quân hàm, quân hiệu, có người biết rất rõ tướng Minh. “
Ông ta tiến gần và nói:
“Ông đã làm một việc lớn cho Việt Nam, ngăn không cho Sài Gòn bị phá hủy. Chúng tôi cám ơn ông, tướng Minh.”
Minh đáp lại rằng, ông hy vọng vào sự nghĩa hiệp của người chiến thắng.”
Nhà báo Paul Dreyfus cũng suy tư về chuyện ông Minh đã nghĩ gì:
“Có lúc nào, ở thời khắc ngắn ngủi những ngày trước, tướng Minh đã nghĩ là khả thi thỏa thuận được một cuộc đàm phán? Tôi không tin. Trong lần gặp gần nhất với ông, khi chưa nắm bộ máy quyền lực, tôi nhận thấy ông đã nghĩ rằng việc đầu hàng là không tránh khỏi. Song không nghi ngờ gì, tướng Minh hy vọng có thời gian để dàn xếp thể thức ra sao.
“Bằng việc gạt qua cá nhân mình, Minh đã chấp nhận trong con mắt của lịch sử, là một viên tướng đầu hàng không điều kiện, để tránh cho đất nước của ông những đớn đau không cần thiết.
Vai trò của ông đã hết.
Thật ngắn ngủi.
Song chúng ta nợ sự đánh giá lại về một con người tỉnh táo và can đảm này.”
Các đoạn trích do nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris chuyển ngữ.
BBC
Tản mạn về nhân vật lịch sử Dương Văn Minh
Tác giả: Trần Văn Chánh
Trong lịch sử cận-hiện đại của Việt Nam nói chung và miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève 1954 nói riêng, trường hợp nhân vật lịch sử Dương Văn Minh (1916-2001) có lẽ khá đặc biệt, và không ít người đã coi ông là một vị tướng lãnh “có vấn đề”. Ông sống nói chung trong sạch, bề ngoài có vẻ luôn khiêm tốn hiền lành nhưng toàn tham gia những đại sự quân chính có tác dụng đảo chuyển hướng đi của lịch sử.
Vào thời kỳ đầu của Việt Nam Cộng Hòa, dưới thời Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh đã từng được coi là anh hùng trong thành tích đánh dẹp lực lượng Bình Xuyên (năm 1954) ở khu Rừng Sác (ngoại vi Sài Gòn) và dẹp tan quân đội của giáo phái Hòa Hảo (năm 1956), được thăng chức Trung tướng (5.1.1956). Hai đại sự khác trong đời ông là việc năm 1963 với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng ông cầm đầu nhóm tướng lãnh đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và việc năm 1975 với tư cách Tổng thống đã quyết định đầu hàng không điều kiện “đối phương” miền Bắc để kết thúc gọn nhẹ cuộc chiến tranh thảm khốc 30 năm, lập lại hòa bình cho dân tộc Việt.
Sở dĩ bị coi là vị tướng “có vấn đề” vì trong cả hai trường hợp vừa nêu trên, ông có những chỗ rất dễ bị chỉ trích bởi một số người khác biệt quyền lợi hoặc không đồng quan điểm. Đây cũng là một lẽ rất thường tình, bởi nếu ông Minh chỉ là một kẻ tầm thường vô dụng, không lý tưởng, chỉ biết sống “dĩ hòa vi quý” cho được vinh thân phì gia như bao người khác thì có lẽ chẳng ai cần nhắc gì tới ông, kể cả việc chỉ trích ông thậm tệ nhất đi nữa.
Liên quan cuộc đảo chánh 1.11.1963, trừ ra một số người sùng bái ông Diệm mà quyền lợi của họ vốn gắn chặt với chế độ Đệ nhất Cộng hòa, còn thì đa số nhân dân miền Nam lúc đó đều hoan nghênh ủng hộ.
Về lịch sử/ diễn biến cuộc đảo chánh, đã có rất nhiều sách báo/ tài liệu đề cập chi tiết nên ở đây xin khỏi nhắc lại. Chỗ có vấn đề đang nói cho đến nay vẫn còn nhiều người thắc mắc, đó là việc ông Minh có phải hay không là người ra lệnh cho những người dưới trướng ông hạ sát Tổng thống Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu trên chiếc xe bọc sắt M 113 một cách thảm thiết quá, trên đường chở hai ông Diệm-Nhu về Bộ Tổng tham mưu ngày 2.11.1963 để xử lý, thay vì theo truyền thống văn hóa chính trị, phải để cho hai nhân vật lãnh đạo này được lưu vong sang xứ khác? Ngoài ra, nhắc lại việc này, một số người còn tố cáo ông Minh là kẻ phản bội tàn ác, vì con đường binh nghiệp của ông được thăng tiến nhanh chóng có một phần quan trọng là nhờ ở Tổng thống Ngô Đình Diệm…
Cho đến cuối đời, sống ở Pháp rồi ở Mỹ, vì là việc quá tế nhị, nhóm đảo chánh của ông Minh (gồm cả Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính…) không ai dám hé môi nói rõ việc này. Tuy nhiên, cũng có vài chi tiết được hé lộ trong hồi ký của một vài chứng nhân, qua đó chúng ta có thể đánh giá tương đối chính xác.
Hồi ký Tâm sự tướng lưu vong của Hoành Linh Đỗ Mậu (NXB Công An Nhân Dân, 1995, tr. 502-503), có đoạn kể, ngày 2.11.1963, ông Mậu thấy các tướng đảo chánh gồm Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Đại tá Dương Ngọc Lắm đang xầm xì bàn tán có vẻ bí mật, đến hỏi thì tướng Trần Văn Minh (Minh nhỏ) trả lời rất nhỏ, “Anh em đang bàn định cách đối xử với ông Diệm, nên giết hay nên cho ông ta xuất ngoại”. Ông Mậu phát biểu không đồng ý giết ông Diệm[1] thì tướng Nguyễn Ngọc Lễ nói to lên: “Xin anh em đừng nghe lời anh Mậu, đã nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận rễ”. Thấy không ai phản đối tướng Lễ mà có vẻ im lặng đồng ý, Đỗ Mậu bèn nói thêm: “Việc tha hay giết ông Diệm là hành động lịch sử, vậy muốn tha hay giết ông ta, tôi đề nghị phải lấy quyết định tối hậu qua một cuộc bỏ phiếu kín, phải ghi vào biên bản đàng hoàng”. Đỗ Mậu cho biết tiếp: “Tất cả mọi người lại im lặng không có ai tỏ ra tán đồng ý kiến của tôi. Còn tướng Dương Văn Minh thì nhún vai tỏ thái độ bất mãn với tôi… Sau đó tướng Minh ra lệnh cho tướng Mai Hữu Xuân, Đại tá Dương Ngọc Lắm, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và Đại úy Nguyễn Văn Nhung đi đón hai ông Diệm-Nhu tại nhà thờ Cha Tam”.
Đỗ Thọ (cháu gọi Đỗ Mậu bằng chú ruột) lúc đó là sĩ quan tùy viên thân cận nhất của Ngô Đình Diệm, người đã theo sát đến phút chót bên cạnh hai ông Diệm-Nhu trên đường trốn từ Dinh Gia Long đến nhà thờ Cha Tam, trong một đoạn hồi ký cũng có nhắc lại sự kiện gần giống như trên: “Chú tôi (tức Đỗ Mậu- TVC) nói rằng luôn luôn kính trọng thương tiếc Tổng thống Diệm. Vụ 1.11.1963 chỉ cốt lật đổ ông bà Ngô Đình Nhu. Đưa Tổng thống Diệm lên Đà Lạt hoặc Côn Đảo trong một thời gian. Nhưng quyết định này đã có nhiều tướng lãnh không chịu. Trong đó có tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân” (Nhật ký Đỗ Thọ, Đồng Nai xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr. 158). Ở một đoạn tiếp theo, tác giả Đỗ Thọ còn cho biết, khi ông Nhu không chịu lên xe M 113 để chở về Bộ Tổng tham mưu, một sĩ quan phe đảo chánh đã gào lên: “Ông không còn là cố vấn… Và Tổng thống nữa. Hãy lên xe gấp. Chúng tôi được lệnh Trung tướng Chủ tịch phải thi hành” (tr. 177).
Theo mấy chi tiết dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể thấy, việc giết hai ông Diệm-Nhu, ông Minh không quyết định một mình, mà có sự họp bàn tập thể nhưng chỉ bàn kín hạn chế với vài tướng lãnh chủ chốt, trong đó có các tướng Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Đại tá Dương Ngọc Lắm, chứ không đưa ra toàn thể Hội đồng Quân nhân Cách mạng lấy quyết định. Còn ở một vài tướng tá khác, tuy không thấy nhắc trong đoạn hồi ký trên kia của Đỗ Mậu, nhưng chắc chắn cũng đã được ông Minh tham khảo ý kiến trước đó theo một cách nào đó thôi.
Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba, một người thân cận có vài năm sống tá túc hoạt động báo chí trong nhà của Dương Văn Minh (ở số 3 Võ Văn Tần bây giờ), “Có sách ngoại quốc nói rõ người điều khiển việc bắt giết Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu là Trung tướng Mai Hữu Xuân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tướng Xuân là người thân tín với Dương Văn Minh. Rất có thể tướng Xuân đã ra lệnh bắn chết Diệm, Nhu để tuyệt trừ hậu họa. Người thi hành lệnh bắn là thiếu tá Nhung, một trong những cận vệ của tướng Minh. Tướng Mai Hữu Xuân trực tiếp chỉ huy việc tiến chiếm Dinh Gia Long, ông chịu trách nhiệm về cái chết của Diệm, Nhu với tư cách người chỉ huy trực tiếp trận đánh. Nhưng một vấn đề chưa sáng tỏ là ông Xuân thi hành lệnh của Dương Văn Minh hay tự ý quyết định tại mặt trận. Giết Diệm, Nhu để tránh hậu họa, một giả thuyết hợp lý đối với con người mưu lược như ông Mai Hữu Xuân”. Rồi Dương Văn Ba kết luận: “Về phần Dương Văn Minh, ông chưa lần nào lên tiếng nói rõ vấn đề này. Dù có ra lệnh giết hay không, tướng Minh vẫn phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về cái chết của Diệm, Nhu” (Hồi ký Những ngả rẽ, Bản thảo phổ biến nội bộ, tr. 26-27).
Từ khi hai anh em ông Diệm-Nhu bị chết thảm (ngày 2.11.1963), ông Minh và đám tướng tá đồng sự của ông không ai công khai thừa nhận mình có tham gia quyết định giết Tổng thống, có thể vì 2 lẽ: (1) Việc giết nguyên thủ quốc gia có tiếng tăm lớn như ông Diệm là một việc quá sức tưởng tượng theo quan niệm của Việt Nam Cộng Hòa thời đó; (2) Các tướng tá tham gia đảo chánh trong chừng mực nào đó hầu hết đều có thọ ơn ông Diệm trên con đường thăng tiến binh nghiệp của mình, nhưng họ bất đắc dĩ phải hạ thủ là để “sát nhất miêu cứu vạn thử” (giết một con mèo để cứu muôn con chuột), và cần phải “nhổ cỏ tận gốc” đề phòng nhóm ông Diệm lưu vong nước ngoài sẽ có thể tái tập hợp lực lượng, kết hợp với ngoại bang hoặc thành phần trong nước tìm cách phục hồi.
Xét hai lẽ nêu trên thì thấy việc nhóm ông Minh trước sau vẫn kín tiếng không thừa nhận giết Tổng thống Diệm cũng là một sự cận nhân tình, hầu như ai cũng vậy, vì họ sợ dư luận nghĩ không tốt về mình. Còn việc bắt buộc phải giết Tổng thống như trong trường hợp ông Diệm thì đó thuộc về lý do chính trị mà theo cách nghĩ của họ ngay vào thời điểm đó, khó thể có một chọn lựa nào khác tốt hơn. Có thể rằng ông Minh và vài người khác sau này cảm thấy áy náy trong lòng khi nghĩ lại chuyện đã qua, nhưng đây thuộc trường hợp mâu thuẫn mà một chính khách có lương tâm dễ bị mắc phải khi phải đối đầu với những tình huống quá phức tạp. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động của nhóm ông Minh đã có thể được biện minh khi kết quả cuộc đảo chánh như được biết đã mang lại lợi ích cho đại đa số dân chúng, bằng việc loại trừ được một chế độ có nhiều chỗ bất ổn cho dân, theo kiểu “sát nhất miêu cứu vạn thử!”.
Đại sự thứ hai trong cuộc đời ông Minh liên quan đến ngày 30.4.1975 lịch sử, khi đại quân miền Bắc ồ ạt tiến sát vào Sài Gòn, quân lính Việt Nam Cộng Hòa nhiều nơi đã bị tan rã. Khi ấy, với cương vị Tổng thống vừa được Quốc hội đưa lên trước đó chỉ 3 ngày, nhóm chấp chính Dương Văn Minh (gồm cả Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu…) đã quyết định “không chống cự” và sau đó tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự đầu hàng nhanh chóng này tất nhiên nhận được nhiều sự đánh giá trái ngược nhau. Đối với “bên thua cuộc”, mỗi lần nhắc đến Dương Văn Minh, không ít người Việt tị nạn ở nước ngoài vẫn còn oán trách, cho ông là “hàng tướng” đã hèn nhát đầu hàng CS, “trao nước cho giặc”, để đến nỗi đất nước phải như ngày hôm nay (theo họ là nghèo nàn lạc hậu, nạn tham nhũng tràn lan vô phương cứu chữa, mất dân chủ này khác…). Đây là một quan điểm đánh giá có nhiều phần vội vã, cực đoan, đơn giản, không thấy hết thực tế của hình thế thời cục lúc đó, cũng như nhu cầu bức thiết chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình phải là mối ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào biết thương dân, vì đó là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả hai miền Nam, Bắc, sau khi đã bị nếm trải cuộc chiến tranh kéo dài vô cùng khốc liệt, mà cuộc chiến tranh ấy, ai cũng biết, không hoàn toàn do mỗi bên chủ động vì còn chịu ảnh hưởng nặng nề của các cường quốc, trong đó cả hai bên chiến tuyến đều thường có những người là họ hàng ruột thịt với nhau. Là một quân nhân kinh qua nhiều chiến trận, hơn ai hết ông Dương Văn Minh là người thấu cảm với nỗi khổ của nhân dân vô tội trong chiến tranh, và ngay cả bản thân ông, cũng có người em ruột là sĩ quan cao cấp Dương Thanh Nhựt (Mười Tỵ) đang đấu tranh chống lại Việt Nam Cộng Hòa ở bên kia chiến tuyến.
Giả định, ngày 30.4.1975, Dương Văn Minh không chịu đầu hàng mà kiên quyết “tử thủ” thì khó thể suy đoán sẽ còn bao nhiêu dân và quân của cả hai bên chiến cuộc tiếp tục thương vong, đổ máu. Ngay cả những người chủ trương “tử thủ” cùng với gia đình vợ con họ vì thế còn chưa biết số phận rồi sẽ đi đến đâu? Trong khi đó, tử thủ trong điều kiện cận kề ngày 30.4 như đã biết thì kết quả hầu như chắc chắn phải thua, nhưng cho dù có thắng, phía bên kia tiếp tục kháng chiến thì chiến tranh vẫn sẽ còn kéo dài lâu hơn, 5 năm hay 10 năm nữa chưa biết chừng. Cho nên có thể nói, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng là một hành động sáng suốt tránh cho Sài Gòn và cả nước không bị đổ máu thêm vô ích, trước hết vì mục tiêu hòa bình và hòa giải hòa hợp dân tộc, vốn là chủ trương căn bản của ông, cho dù ông có chịu ảnh hưởng bởi những ý đồ chính trị phức tạp của người Mỹ, người Pháp, hay có bị CS móc nối hay không. Trong trường hợp này, cũng giống như trong cuộc đảo chánh năm 1963, có lẽ phải nghĩ ông Dương Văn Minh tuy không hoàn toàn độc lập hành động (làm sao có sự độc lập này được?), cũng không phải tiếp tay cho CS (tuy rằng về mặt tác dụng khách quan thì có), nhưng là người đã biết khéo nương theo diễn biến thời thế, khai thác những chỗ “ám hợp” (hợp ngầm) giữa ông với những thế lực chi phối khác để làm lợi cho dân tộc: năm 1963 xóa bỏ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, còn nay là để kết thúc cuộc chiến tranh đau khổ tái lập nền hòa bình. Giả định, nếu được cầm quyền lâu hơn, đường lối chính trị của ông Minh chắc chắn sẽ có nhiều điểm không giống hẳn với những người CS.
Việc ông Dương Văn Minh đầu hàng “giặc” trong thế thua để tránh bớt thương vong cho dân quân của cả hai phe xem ra cũng có khía cạnh hao hao giống với quyết định giao thành cho giặc rồi uống thuốc độc tự tử của Phan Thanh Giản, khi hùng binh của Pháp tiến đánh Vĩnh Long tháng 6.1867. Điểm khác biệt là ở đối tượng được giao, và ông Minh đã không tự tử như Phan Thanh Giản,[2] vì hoàn cảnh lịch sử và tình huống cụ thể có khác, nhưng trong cả hai trường hợp của người xưa và người nay, đều rất dễ phát sinh dị nghị.
Có quan điểm khá phổ biến cho rằng ông Minh tuyên bố đầu hàng đơn giản chỉ vì bị lâm vào cái thế hoàn toàn thúc thủ, nhưng theo một số nhân chứng lịch sử lúc bấy giờ, tướng Dương Văn Minh nhận lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với phe cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông vốn chủ trương hoà bình, hòa giải hòa hợp dân tộc (xem Chánh Trinh, Hồi ký không tên, NXB Thời Đại, 2012).
Một câu hỏi nữa cũng đáng để đặt ra: Là một tướng lãnh cấp cao nhất trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thông thường phải có khuynh hướng chủ chiến, nhưng tại sao Chính phủ do ông Minh đứng đầu lại có vẻ hiền lành chủ hòa với thiện ý cao nhất?
Ngoài những lý do đương nhiên về chính trị, cũng như những đòi hỏi khách quan của lịch sử cùng nguyện vọng hòa bình của dân tộc, theo tôi chắc hẳn còn có một lý do sâu xa tiềm ẩn quan trọng nữa có thể giải thích nguồn gốc thái độ và chủ trương hòa bình-hòa giải hòa hợp dân tộc của Chính phủ Dương Văn Minh, từ đó đi tới quyết định đầu hàng nhanh chóng. Đó là lý do tôn giáo: Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đều theo Phật giáo, trong khi Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền là người rất mộ Kitô giáo. Đạo Phật là đạo của hòa bình, từ bi hỉ xả; Kitô giáo là đạo của lòng bác ái vị tha, lẽ tất nhiên các ông đứng đầu này đều có khuynh hướng chung không muốn cho sinh linh phải bị tàn sát, trong bất kỳ điều kiện nào còn có thể tránh được.
Họ đều là những người nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, sống nghèo, chưa nghe có tai tiếng gì về đời tư, thậm chí có người còn sống khổ hạnh, như ông Huyền cả đời chỉ ở nhà cấp 4, không có xe hơi riêng, cuối đời chỉ chuyên lo việc tu hành. Riêng bản thân ông Dương Văn Minh theo đạo Phật, nhân từ, thương người, sợ sát sinh, sợ phải giết người. Thấy ai hoạn nạn thì ra tay can thiệp, cứu giúp, cả đối với một số người thuộc chiến tuyến đối lập.
Cả ba vị đứng đầu Chính phủ Dương Văn Minh đều đã hành động xuất phát từ lòng nhân đạo, đã kết hợp nhuần nhuyễn nhau trong sự đồng thuận chấp nhận ưu tiên đường lối hòa giải hòa hợp dân tộc và giải pháp đầu hàng trong buổi hoàng hôn của chế độ để tránh cho thành phố Sài Gòn khỏi đổ nát và nhân dân vô tội cả nước khỏi phải chết thảm thêm nữa vì việc đánh nhau giữa hai bên vào giờ chót. Nếu không có sự đồng thuận giữa những con người cùng lý tưởng, được hun đúc thấm nhuần bởi tinh thần từ bi hỉ xả và vị tha của các bậc giáo chủ, thì thật khó đi đến một quyết định mau lẹ, kịp thời và sáng suốt như vậy. Vì thế cho nên bây giờ bình tĩnh nhìn lại, có người còn đánh giá cuộc đầu hàng lịch sử nêu trên chẳng những không chút nhục nhã mà còn đáng ca ngợi là một hành vi anh hùng, đặc biệt hợp với lối hành xử bi-trí-dũng của nhà Phật.
Một số người thân cận với Dương Văn Minh (như các ông Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Thích Trí Quang…) đều cho rằng ông không phải là người làm chính trị sắc bén, có bản lĩnh,[3] có lẽ họ nói theo nghĩa phàm đã xông pha vào chính trị thì phải khéo linh hoạt với rất nhiều thủ đoạn.
Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba, một người thân cận từng ở nhờ thời gian khá dài trong tư gia của tướng Dương Văn Minh (số 3 đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần), cả trước và sau 30.4.1975, thì ông Minh là “loại người trầm lắng, suy tư dù gốc của ông là một quân nhân. Triết lý của ông là triết lý trầm lắng của Phật giáo, ông không đua chen, không sân si; ông thuộc vào loại thấy đủ biết đủ, thấy nhàn biết nhàn. Đó là một loại triết lý pha lẫn giữa Phật giáo và Lão giáo. Ông sống khá bình dị, hòa mình với mọi người, đa số bạn bè bà con đều thương ông” (tldd., tr. 263).
Ông Ba còn cho biết tiếp: “Gia đình ông Dương Văn Minh thuộc vào loại thanh bạch, không có dư dả nhiều. Tài sản ông để lại trước khi ông đi Pháp là hàng ngàn chậu Hoa Lan, 3-4 con chó bẹc giê, 5-7 cái máy chụp hình loại chuyên nghiệp và lũ khũ những đồ đạc, vật dụng linh tinh không giá trị nhiều lắm của một vị tướng lãnh” (tr. 364).
Rõ ràng, ông Dương Văn Minh đầu hàng “giặc” không phải để được vinh thân phì gia, vì ai cũng biết, sau khi hoàn tất trách nhiệm trước lịch sử và lui khỏi chính trường, ông đã sống cuộc đời ẩn dật nơi nước ngoài với con cái, không phát biểu về chính trị, không viết hồi ký để kiếm tiền, chấp nhận cuộc sống nghèo bình thường, từ chối mọi sự trợ cấp từ phía các chính phủ Pháp, Mỹ mà ông đã có thời gian từng phục vụ.[4] Ông không giống như một vài vị tướng khác, suốt ngày đeo cái lon tướng để được tiếp tục nhận sự vinh danh cho tới chết mới thôi, mặc dù nhiệm vụ lịch sử đã hoàn thành từ rất lâu.
Ngày nay, xét diễn biến các sự kiện, đa số người ta đều thừa nhận việc đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông chẳng những không nhục nhã mà còn là hành động sáng suốt thức thời vụ. Điều này về sau đã được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt công khai thừa nhận trong một lần trả lời cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề đang xét của tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) nhân dịp 30.4.2005. Có lần ông Kiệt chia sẻ với cựu dân biểu Lý Quý Chung: “Ông Minh là một con người tốt và có lòng yêu nước…” (Hồi ký không tên, sđd., tr. 447).
Cho nên, liên quan đến một chi tiết về thủ tục tiếp quản tại Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975, khi ông Minh bảo rằng sáng nay đã có một tuyên bố trao quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời rồi thì người cán bộ tiếp quản nói “Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng!”,[5] tôi cho câu nói vặn lại này là một câu hơi lố, rất dở, không thật sự cần thiết, không xứng với tầm nghĩ việc lớn cũng như với thiện chí rất đáng được trân quý của ông Dương Văn Minh.
Con trai ông Dương Văn Minh, kỹ sư Dương Minh Đức, có lần được hỏi ý kiến nhận xét sự kiện lịch sử ngày 30.4.1975, và về người cha của mình, đã phát biểu: “Tôi rất yêu quý ba tôi…Thứ nhất, ông là vị tướng sống trong sạch, không chấp nhận chuyện tham nhũng; thứ hai, trong nguyên tắc tìm giải pháp hòa bình cho đất nước Việt Nam, theo ông phải do chính người Việt Nam tự giải quyết. Tôi hiểu quan điểm của ba tôi luôn đặt dân tộc và sinh mệnh nhân dân trên hết. Chính vì vậy, ông không ngại đứng ra đảm nhận vai trò Tổng thống trong buổi hoàng hôn của một chế độ…. Ba tôi là người luôn chủ trương hòa giải, hòa bình dân tộc và ông đã bác bỏ ý kiến của một số người yêu cầu “tử thủ” Sài Gòn. Tôi tin rằng đây là quan điểm xuyên suốt trong cuộc đời chính trị của ông “ yêu nước trước hết là phải cứu dân” (theo tạp chí Hồn Việt, 1.6.2009).
Đúng như vậy đó, khái niệm yêu nước rất rộng. Đánh giặc hăng say chỉ là một trong những biểu hiện của tinh thần yêu nước khi đất nước bị xâm lăng mất độc lập, nhưng đó chẳng qua cũng chỉ là hành động bất đắc dĩ chứ chẳng nên lúc nào cũng cổ vũ thái quá, bởi lẽ đơn giản “phi nguy bất chiến” (lời trong Tôn Tử binh pháp, không kẹt vào thế nguy thì đừng đánh). Trong mọi trường hợp khác nhau, yêu nước không thể tách rời với thương dân/ cứu dân, mà thương dân/ cứu dân trước hết là phải bảo vệ tối đa và bằng mọi cách sinh mạng của dân, rồi sau đó mới tính tới chuyện để cho họ được hưởng đầy đủ các phúc lợi vật chất cũng như các quyền về tự do dân chủ. Thà chịu “thua” ngay tức khắc mà bảo vệ được sinh mạng của dân, sớm mang lại hòa bình cho dân tộc, còn danh dự hơn cố đánh trong cái thế tất bại mà để cho dân, quân phải hi sinh xương máu quá nhiều. Mặt khác, cho dù một bên có thắng mà nướng con dân trong lửa đỏ cũng không phải điều tốt. Hiểu được như vậy ta sẽ thấy ông Dương Văn Minh là một người có đức kiên trì tốt nhịn, có lòng nhân ái thiết tha, đã xử lý vấn đề hợp tình lý, đúng lúc đúng thời theo cái nghĩa “quân tử kiến cơ nhi tác” (người quân tử biết nương theo thời cơ mà hành động), “thức thời giả vi hào kiệt” (kẻ thức thời là hào kiệt), và sẽ là không quá đáng nếu chúng ta hôm nay coi quyết định đầu hàng ngày 30.4.1975 của ông là một hành động anh hùng.
——————
[1] Đỗ Mậu tham gia đảo chánh chỉ vì muốn loại trừ sự lộng hành của vợ chồng Ngô Đình Nhu, còn đối với ông Diệm, Đỗ Mậu vẫn là người tâm phúc.
[2] Trong một bức thư ông Minh gởi cho tướng Nguyễn Chánh Thi (người từng đảo chánh Ngô Đình Diệm năm 1960 nhưng thất bại) đề ngày 15.4.1987, có đoạn viết: “Theo tôi, tự tử không phải lúc nào cũng là đúng. Đôi khi mình phải dám sống để hứng nhận những hậu quả cho sự quyết định của mình gây ra. Có lẽ anh Đỗ Mậu (cũng như nhiều người) không rõ là tôi lấy quyết định cuối cùng sau khi đã tham khảo ý kiến với một số những vị dân biểu và nghị sĩ còn lại, với những anh em quân nhân đến gặp tôi vào giờ chót, với các thầy mà trong đó thầy Trí Quang và Trí Thủ đã nói và đã nhắn nhủ để cứu dân” (xem Trương Võ Anh Giang, Máu chảy về tim, NXB Trẻ, 2016, tr. 311).
[3] Xem Chánh Trinh, Hồi ký không tên, NXB Thời Đại, 2012, tr. 225, 305.
[4] Về cuộc sống đạm bạc của ông Dương Văn Minh trong thời gian ẩn dật ở Pháp và ở Mỹ, cũng như nhiều chi tiết khác liên quan cả cuộc đời ông, rất nhiều sách vở tài liệu đã ghi chép. Có thể xem: Trương Võ Anh Giang, sđd., “Viết tiếp bài ‘Ông Dương Văn Minh và tôi’”, NXB Trẻ, 2016, tr. 290-318.
[5] Xem Lý Quý Chung, sđd., tr. 410.
Nguồn: Viet-studies
Rose Hill (VB)- Với linh cữu phủ quốc kỳ VNCH, Đại Tướng Dương Văn Minh, vị Tổng Thống cuối cùng của miền Nam Việt Nam, đã được hoả thiêu trưa thứ bảy 18 tháng 8 năm 2001 váo lúc 12 gìớ tại vãng sanh đường Skyrose thuộc nghĩa trang Rose Hill, Nam California.
Tang lễ vị cố Tổng Thống đã diễn ra đơn sơ nhưng rất trang nghiêm với gần 100 vòng hoa tang kính viếng, Người ta có thể đọc được một số ngay phía sau quan tài phủ lá Quốc kỳ VNCH là các vòng hoa của Ô.B Nguyễn Văn Thiệu, Ô.B Nguyễn Cao Kỳ, một số vòng hoa của Hội đồng các Tướng lãnh các sĩ quan trong bộ Tư Lệnh Hành Quân..v..v..và nhiều vòng hoa của các Chùa,Tự viện, trong số này có vòng hoa của Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Hòa Thượng Thích Mãn Giác.
Trong gần 250 khách tham dự, ngay hàng đầu người ta cũng nhận thấy có các cựu Tướng Lê Quang Lưỡng, Trần Văn Nhật, Diệp Quang Thủy vàTôn Thất Đính. Ông Đính là người duy nhất trong 5 vị tướng đã cầm đầu cuộc đảo chánh năm 63 còn sống hiện nay. Các Tướng Xuân, Kim, Đôn và nay là Tướng Minh đã lần lượt qua đời. Ngoài ra cũng có một số nhân sĩ và nhiều sĩ quan cấp tá cư trú tại Quận Cam
Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ và Ban HD Miền Quảng Đức cũng đã đề cử một phái đoàn đến tham dự lễ tang. Phần phụ lễ do Đạo Tràng Diệu Quang tại Santa Ana phụ trách. Phần nghi lễ chính thức được Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, chủ sám cùng hơn 20 Tăng Ni khác tiến hành theo nghi thức Phật Giáo Đại Thừa.
Hòa Thượng Mãn Giác cũng đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gởi đến hương linh cố Đại Tướng và gia đình lời chia buồn của cá nhân ngài và GHPGVNTN. Trong mối xúc động, HT nói: Dẫu có mất đi hình tướng, nhưng hình ảnh của Đại Tướng luôn luôn sống mãi trong trái tim của mọi người. HT nói thêm: “Nếu đối với một quân nhân, đầu hàng là nhục thì Đại Tướng đã một mình chịu ôm lấy cái nhục cho tất cả mọi người. Trong cả hai biến cố 63 và 75 tấm lòng nhân ái của Đại Tướng là cái ơn nghĩa mà mọi người chúng ta phải nhớ.”
Cựu Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy đã tuyên đọc tiểu sử của Cố Đại Tướng từ ngày nhập ngũ đến hôm nay. Bản tiểu sử vắn tắt, sắp theo niên biểu, không bình luận về các chức vụ mà Cố Đại Tướng Dương Văn Minh từng đảm nhận.
Sau đó ông Nguyễn Hữu Chung một chính khách từng có thời làm việc với Cố Đại Tướng kể cả trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, đã đọc bài điếu văn duy nhất trong lễ tang.( Xem toàn bài điếuvăn trên Việt Báo).
Theo ông Chung trong 6 năm làm việc ông không nghĩ ĐT Minh là một chính trị gia vì ĐT không có cái khôn khéo của những con buôn chính trị và cái vẻ dễ thương đối với người ngoại quốc, Ông chỉ là một người Lính.
Ông Chung tiết lộ trong những ngày cuối tháng Tư, chính Đại Tướng Dương Văn Minh khi nhận lấy trách nhiệm thì đã sẵn sàng chịu số phận của thủ tướng Miên Sirik Matak (bị giết ở Nam Vang) và ông xem như mình đã chết trong một trận hành quân nào đó với binh sĩ của mình. Ông chỉ muốn: “Không có thêm người chết vì chuyện thống nhất không thể giải quyết như thế này và ngay hôm nay.” Để chấm dứt bài điếu văn Ông Chung nói: Riêng phần tôi, tôi nghĩ rằng, nếu con người quả có linh hồn, thì ở thế giới bên kia, những đồng bào của ông, nạn nhân của cuộc chiến điên dại vừa qua, và những chiến binh đã ngã gục khi chiến đấu vì nghĩa vụ của mình, những người đó đã mở rộng vòng tay để ôm lấy ông như là một người thân thương của họ.”
Sau cùng một thân nhân của Cố Đại Tướng Dương Văn Minh đã thay mặt gia đình cảm tạ mọi người. Tiếp theo là lễ di quan. Linh cữu phủ quốc kỳ VN được di chuyển lên xe bởi 6 người thân gồm các ông Hoa Hải Đường, Nguyễn Hồng Đài, Trịnh Bá Lộc, Hoa Hải Thọ, Ngô Long, Nguyễn Trí Dũng. Tất cả theo linh cữu đến nhà thiêu cách đó gần 1 cây số và gười cháu đích tôn của Cố đại tướng bấm nút lò hồ quang.
Tang lễ chỉ kéo dài khoảng hai giờ. Không lễ nghi quân cách. Không hàng rào danh dự. Tang lễ, theo yêu cầu sau cùng của cố Đại Tướng, phải hết sức đơn sơ.
Trong tang lễ không có một hình ảnh nào liên hệ đến đời quân ngũ của Đại Tướng, Những kỷ vật như nón kết pi, gươm lệnh, gậy chỉ huy hay huy chương cũng không thấy trình bày, ngay tấm di ảnh trên bàn thờ cũng là ảnh chụp sau này trong bộ thường phục. Trong buổi lễ Ban tổ chức không giới thiệu thành phần quan khách tham dự và các nhân vật lên diễn đàn cũng không giới thiệu chức vụ cũ, chỉ dùng một danh từ Ông mà thôi. Các cựu quân nhân dự tang lễ cũng không một ai mặc lại quân phục cũ như trong các buổi lễ thường thấy tại Quận Cam.
Và theo như ông Chung trong bài điếu văn đây là cái chết lần thứ hai (Đối với cá nhân Đại Tướng, ông tự coi như mình đã tử trận từ sau ngày bàn giao miền nam lại cho kẻ thù, và ông đã sống trong tâm trạng này từ đó, cái chết hôm nay chỉ là cái chết của thể xác mà thôi).
Mối liên hệ giữa cuộc đời quân ngũ đầy sóng gió của một Đại Tướng với thế giới hiện tại duy nhất chỉ là một lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ trên chiếc áo quan bình thường. Nếu không đọc được lời chia buồn trên các vòng hoa tang, người đi đường sẽ nghĩ đây là đám tang của một người rất bình thường trong xã hội. Và đây chính là ước mơ cuối cùng được thực hiện trọn vẹn của Cố Đại Tướng Dương Văn Minh vị Tổng thống cuối cùng của VNCH. (Nguyễn Ngân).