Seite auswählen

„Thế khó của Hoa Kỳ là ở chỗ Washington hiện nay có nên tiếp tục chính sách kết giao với Hà Nội để mong Việt Nam thay đổi thành “một nhân tố mới trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ bên cạnh các đồng minh truyền thống” như nhận định của Chiến Lược An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương hay không?“

Hiếu Chân

 

Sự kiện Việt Nam bỏ phiếu có lợi cho Nga và Trung cộng trong cuộc chiến ở Ukraine không chỉ gây khó cho chính Việt Nam mà còn có thể gây khó cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đặt ra để kiềm chế ảnh hưởng của Trung cộng.

Yêu cầu của Washington nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện” ngang cấp với quan hệ Việt-Nga, Việt-Trung đều bị phía Việt Nam phớt lờ hoặc đánh trống lảng. Trong hình, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (giữa) được Bộ Trưởng Phan Văn Giang chào đón tại Bộ Quốc Phòng Việt Nam, ngày 29 Tháng Bảy, 2021. (Hình minh họa: STR/Vietnam News Agency/AFP via Getty Images)

 

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm rất ngoạn mục. Năm 1973, với Hiệp Định Paris, đồng minh Hoa Kỳ đơn phương “tháo chạy,” tạo điều kiện thuận lợi để Cộng Sản thôn tính miền Nam Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975. Hai thập niên sau đó, Washington đi cùng với Bắc Kinh tiếp sức cho thây ma chế độ Khmer Đỏ ở Cambodia và bật đèn xanh cho cuộc xâm lược của Trung cộng vào lãnh thổ Việt Nam hồi Tháng Hai, 1979. Hai mươi năm cấm vận không chỉ không làm cho chế độ Cộng Sản ở Hà Nội sụp đổ mà chỉ làm cho cuộc sống của người dân Việt Nam thêm cùng cực.

Một bước ngoặt xảy ra khi Tổng Thống Bill Clinton quyết định bãi bỏ cấm vận kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào Tháng Hai, 1995. Ông Clinton, cùng với những chính quyền Mỹ nối tiếp tin rằng việc mở rộng thương mại giữa hai nước, sự phát triển của công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, cùng với sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN vào Tháng Bảy, 1995, sẽ thúc đẩy “tự do hóa” Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi gọng kìm ý thức hệ Cộng Sản để hòa nhập vào thế giới dân chủ hoặc ít ra sẽ không còn là một mối đe dọa cho tự do và hòa bình ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là niềm tin làm căn cứ cho chính sách “giao kết” (engagement) Hoa Kỳ với Trung cộng trước thời Tập Cận Bình, theo đó mối quan hệ thương mại được mở rộng sẽ góp phần biến Trung cộng thành một “cổ đông có trách nhiệm” với cộng đồng thế giới.

 

Ngay sau quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995, Hoa Kỳ đã dành cho Hà Nội nhiều ưu đãi cả về chính trị và kinh tế như ký hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2000, theo đó hàng hóa Việt Nam xuất cảng vào Mỹ được hưởng quy chế tối huệ quốc (most favoured nation – MFN), ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Hoa Kỳ cũng mở rộng cửa cho việc giao lưu giữa hai nước; hàng triệu người Việt có cơ hội sang Hoa Kỳ thăm thân nhân, du lịch và định cư.

Thương mại với thị trường Mỹ và đầu tư của các công ty Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng nhất giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong hơn hai thập niên qua. Số liệu của cơ quan thống kê Hoa Kỳ (census.gov) cho biết từ năm 2000 đến 2021, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng hơn 100 lần, từ $1,188 triệu lên $112,855 triệu và phần lợi ngày càng nghiêng về phía Việt Nam: thâm hụt thương mại (deficit) của Hoa Kỳ trong buôn bán với Việt Nam năm 2000 chỉ $453 triệu đã tăng lên $90,960 triệu năm 2021, tức là tăng gấp 200 lần! Trong cuộc ứng phó với đại dịch COVID-19 hiện nay, Hoa Kỳ cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, viện trợ không hoàn lại gần 40 triệu liều vaccine mRNA cùng nhiều thiết bị y khoa và tiền mặt, góp phần quan trọng giúp nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam kiểm soát đại dịch, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội.

 

Về chính trị, Việt Nam được nêu tên trong Chiến Lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do chính quyền Joe Biden công bố hồi Tháng Hai vừa qua, như là đối tác hàng đầu mà Hoa Kỳ sẽ tăng cường quan hệ để cạnh tranh với Trung cộng ở khu vực Đông Nam Á. Trong 10 quốc gia Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Singapore được chọn làm đối tác như vậy, vượt qua cả các đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ như Philippines và Thái Lan.

Trong hơn 25 năm Hoa Kỳ theo đuổi một chính sách thân thiện và kết giao với Cộng Sản Hà Nội, những nỗ lực đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam cho nhân quyền, tự do tôn giáo của người Việt hải ngoại và người Việt trong nước gần như đều không tiến triển được bao nhiêu, không nhận được sự ủng hộ đáng kể từ Washington.

 

***

Thiện chí “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” mà Washington ứng xử với quốc gia cựu thù Việt Nam, cùng với vị thế nổi bật của Hoa Kỳ như một tấm gương tự do dân chủ và thịnh vượng hàng đầu thế giới, đã làm cho người dân Việt càng ngày càng nhiều thiện cảm với đất nước Cờ Hoa. Cuộc khảo sát “Tình trạng Đông Nam Á 2022” (The State of Southeast Asia 2022 Survey Report) mà Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak của Singapore công bố ngày 16 Tháng Hai vừa qua cho thấy có tới 56.9% người Việt Nam được hỏi đặt lòng tin vững chắc nhất vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ và bảo vệ luật pháp quốc tế, tăng từ mức 53.7% của cuộc khảo sát năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức bình quân ASEAN 36.6%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ sự lãnh đạo của Trung cộng ở người dân Việt Nam chỉ là 11.8%, thấp hơn mức 13.6% bình quân của ASEAN.

Nhưng thiện cảm của người Việt đối với Hoa Kỳ không tỷ lệ thuận với quan điểm của nhà cầm quyền Cộng Sản. Thứ Bảy, 30 Tháng Tư, đã 47 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ và 49 năm từ ngày người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam, bộ máy tuyên truyền của Hà Nội vẫn tiếp tục tổ chức lễ lạc, ca tụng chiến thắng “chống Mỹ cứu nước” và vẫn luôn miệng lên án Hoa Kỳ là một “thế lực thù địch.”

 

Mưu toan kéo dài độc quyền cai trị đã khiến đảng Cộng Sản Việt Nam luôn nghi ngờ Hoa Kỳ và bỏ qua mọi cơ hội kết thân với người Mỹ để theo đuổi một chính sách ngoại giao “đu dây” “đi hàng hai” giữa hai thế lực cường quốc Mỹ và Trung cộng. Yêu cầu của Washington nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện” ngang cấp với quan hệ Việt-Nga, Việt-Trung – được đưa ra từ các giới chức cao cấp nhất của Mỹ như Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và Phó Tổng Thống Kamala Harris, được Đại Sứ Mỹ Marc Knapper nhắc lại trong cuộc gặp ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, hôm 25 Tháng Tư – trước sau đều bị phía Việt Nam phớt lờ hoặc đánh trống lảng.

 

Có người cho rằng, Việt Nam sợ Trung cộng nổi giận nếu có biểu hiện thân cận hơn với Mỹ, nhưng có lẽ Hà Nội sợ nhất là “mất đảng,” mất sự độc tôn quyền lực của đảng Cộng Sản, sợ chế độ độc tài chuyên chế của họ sẽ bị thay bằng một thể chế dân chủ, tôn trọng pháp quyền và tự do công dân.

 

Nếu bị buộc phải thể hiện lập trường, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không ngại ngần chọn đứng về phía các chính phủ chuyên chế Nga và Trung cộng, cho dù điều đó có thể gây phản ứng bất lợi từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây, thậm chí có thể khiến Việt Nam bị trừng phạt về kinh tế và ngoại giao. Các cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về xung đột Nga-Ukraine cho thấy như vậy.

 

***

 

Lược lại một số sự kiện chính để thấy, chính sách kết giao của Washington với Hà Nội có thể nói là đã thất bại như nó đã thất bại với Trung cộng, đã không đưa được Việt Nam vào quỹ đạo các quốc gia dân chủ, xa rời thể chế độc tài hắc ám. Trong hoàn cảnh đó, mưu cầu một nước Việt Nam là đối tác hàng đầu trong công cuộc kiềm chế Trung cộng cũng tỏ ra là một ảo vọng, một nhiệm vụ bất khả thi. Trước mắt và trong tương lai gần, Việt Nam sẽ không tìm kiếm một quan hệ đồng minh nào với Hoa Kỳ.

Các nhà hoạch định chính sách ngoại giao ở Washington đã quá tự tin vào sức hấp dẫn của thể chế dân chủ tự do, vào “lẽ phải của lịch sử” mà đánh giá thấp tham vọng bám víu quyền lực của các chính thể độc tài. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã không thay đổi và sẽ không thay đổi cho dù Hoa Kỳ và phương Tây có thể hiện “thiện chí” đến mức nào.

 

Hoa Kỳ cũng không thể gây sức ép bằng cấm vận kinh tế như thời trước 1995 để buộc Việt Nam phải thay đổi. Lịch sử cho thấy, các thể chế độc tài chuyên chế không sụp đổ do áp lực bên ngoài trừ khi bị tấn công bằng vũ lực. Trừng phạt kinh tế làm cho người dân bị bần cùng và như vậy chẳng những không làm suy suyển tầng lớp thống trị mà còn triệt tiêu sức phản kháng của người dân. Hiện trạng Việt Nam những năm 1975-1995, Bắc Hàn, Cuba và Venezuela hiện nay chứng tỏ cấm vận kinh tế thương mại không mang lại hiệu quả mong muốn.

Thế khó của Hoa Kỳ là ở chỗ Washington hiện nay có nên tiếp tục chính sách kết giao với Hà Nội để mong Việt Nam thay đổi thành “một nhân tố mới trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ bên cạnh các đồng minh truyền thống” như nhận định của Chiến Lược An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương hay không?

Hoa Kỳ sẽ giải thế khó này như thế nào? Giữa cây gậy (trừng phạt) và củ cà rốt (thân thiện) đâu là lựa chọn hiệu quả?

Hoa Kỳ sẽ tăng lửa cho nước nhanh sôi, để lửa liu riu hoặc rút củi ra là chuyện chưa biết trước được nhưng rõ ràng Việt Nam khó có thể tiếp tục đi hàng hai, vừa lợi dụng thị trường Hoa Kỳ để phát triển kinh tế vừa đứng trong hàng ngũ độc tài, chống Hoa Kỳ và hệ giá trị dân chủ tự do mà quốc gia này theo đuổi và cổ xúy.

 

Hiếu Chân (Người Việt, 29.04.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen