Seite auswählen

Lời giới thiệu: 

hai phóng sự của nhà báo Đoan Trang về Ba Lan đăng trong báo Saigonnhonews (Hoa Kỳ) đính kèm dưới dạng PDF.

Chắc hẳn nhiều ACE bên Mỹ đã đọc qua, nay xin chuyển tiếp đến Quý vị và ACE ngoài Mỹ để cùng biết, cùng tìm hiểu thêm về Ba Lan, nơi mà Công đoàn Đoàn kết (Solidarność) năm 1989 đã lật đổ được Cộng sản và chấm dứt chế độ „xã hội chủ nghĩa“ tại Ba Lan.

Xin Quý vị và ACE đọc thêm chi tiết trong các bài đính kèm, nhất là về các hoạt động của Phan Châu Thành và người Việt Ba Lan đã hết lòng cứu giúp, hỗ trợ người Việt tỵ nạn từ Ukraine chạy qua Ba Lan.

Từ lúc đó sứ quán Cộng sản Hà Nội bắt đầu nhòm ngó, để ý đến nhóm người Việt được gọi là phe “nổi loạn“ chống Nga, ủng hộ Ukraine, giúp đỡ người tỵ nạn và không chấp nhận sự chỉ đạo của Sứ quán.

Anh Phan Châu Thành kể cho nhà báo Đoan Trang Facebook của anh đã thường xuyên bị đánh sập. Anh nói “Người Việt bị mất lòng tin. Cộng sản làm cho lòng tin con người nát bét, họ toàn nói một đàng làm một nẻo. Đó là sự thật, và tôi muốn chỉ cho mọi người thấy lòng tin vẫn ở đâu đấy, nó sẽ thể hiện khi có cơ hội.”.

Phan Châu Thành cũng tâm sự với Đoan Trang sau nhiều năm là việc thiện nguyện anh nhận thấy: “Người tử tế vẫn nhiều hơn những tên khốn nạn”.

Trong những “bản tin” của Phan Châu Thành, bao giờ anh cũng kết bằng hai từ “Viva Ukraina”.

Tôi cũng xin bắt chước anh Thành và chấm dứt ở đây bằng câu

VIVA UKRAINA” và thêm câu “STOP THE WAR” (Ngừng ngay chiến tranh).

 TS Duong Hong-An (Forum Vietnam 21-Germany)

Ghi chép từ Warsaw, Ba Lan

 

 

Anh Phan Châu Thành (ảnh: Đoan Trang)

Từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ, Phan Châu Thành là một trong những cái tên được người dùng Facebook Việt Nam biết nhiều nhất. Tình hình chiến sự Ukraine ngày thứ 1, ngày thứ 2,… ngày thứ 76… Phan Châu Thành kiên nhẫn, tận tuỵ, chọn lọc tin tức đưa lên trang cá nhân đều đặn gần như mỗi ngày. Số lượng độc giả của những “bản tin” vắn tắt do “nhà báo không chuyên” này đưa lên ngày càng tăng. Gặp Thành trong chuyến sang Ba Lan đầu Tháng Năm, tôi có dịp tìm hiểu thêm về nhân vật đang “hot” trên mạng xã hội này…

“Con buôn”

“Tôi chỉ là ‘con buôn’ thôi mà!” Thành cười, nói, giọng miền Bắc, nghe hiền từ. Nhưng Thành là “con buôn” trí thức. Thành sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Năm 14 tuổi, anh cùng gia đình sang Ba Lan theo người bố là giáo sư Phan Xinh. Thành kể, bố anh sang Ba Lan vào năm 1963 để học tập và làm việc. Ông là một trong những du học sinh chọn quê hương thứ hai của mình là Ba Lan, để rồi đưa các con sang, trong đó có người con trai Phan Châu Thành mà giờ đây là một người có tiếng nói và uy tín trong cộng đồng người Việt – cộng đồng người nước ngoài lớn nhất Ba Lan.

Thành học trung học, sau đó theo ngành luật ở Đại học Warsaw, lấy bằng master và trở thành luật gia. Nhưng anh không sử dụng kiến thức luật học để hành nghề kiếm sống mà lại dùng để làm chuyện… bao đồng, giúp đồng hương giải quyết các vụ việc liên quan đến pháp luật.

“Tôi sang đây năm 1992. Lớn lên một chút, tôi bắt đầu nhìn thấy sự thay đổi từ khi Công Đoàn Đoàn Kết (CĐĐK) Ba Lan lật đổ chính quyền năm 1998, khiến tôi cũng có thay đổi trong tư duy và nhận thức,” Thành nói. CĐĐK là một liên minh công đoàn và là một phong trào chính trị-xã hội được thành lập vào Tháng Chín 1980 tại Xưởng đóng tàu Gdańsk, Ba Lan, dưới sự lãnh đạo của Lech Wałęsa. Đây là tổ chức then chốt trong việc chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản lãnh đạo theo chủ nghĩa Marx-Lenin tại Ba Lan.

 

Tranh thủ những lúc rảnh, Thành vào công ty kiểm tra công việc (ảnh: Đoan Trang)

Vào năm thứ ba đại học, một công ty chuyên mua hàng ở Việt Nam thuê Thành phiên dịch vì đối tác phía Việt không biết tiếng Ba Lan. Thành kể lại ngày “khởi nghiệp” của mình: “Vì thấy mỗi lần giao dịch với người Việt khó quá, không những vướng chuyện bất đồng ngôn ngữ mà lại còn phải làm giấy tờ này nọ, nên công ty này nói thôi thì tôi cứ mua hàng của người Việt rồi bán lại cho họ, và làm luôn thủ tục giấy tờ, như thế nhanh hơn. Tôi mở công ty từ lúc đó, đến giờ cũng được 21 năm rồi.”

Công ty do Thành làm chủ có tên T-GROUPE, hiện là một trong những nơi cung cấp hàng cho các siêu thị ở Ba Lan. T-GROUPE là nhà nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ khắp nơi như: Pháp, Cộng hòa Czech, Ý, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. “Bán cho siêu thị mãi cũng chán, và vì muốn biết hoạt động bán lẻ như thế nào, thế là tôi mua luôn ba siêu thị,” Thành nói. “Có nghĩa tôi vừa cung cấp hàng, vừa là chủ”. Thành thuê nhân công gần 100 người, đa số là người Ba Lan.

Nhà hoạt động, tình nguyện viên

Nếu không có chiến tranh ở Ukraine, có lẽ Thành không có dịp để làm được nhiều việc cho cộng đồng Việt ở thủ đô Warsaw cũng như tại các thành phố khác của Ba Lan.

Từ Thứ Sáu, 25 Tháng Hai, ngay sau ngày Nga tấn công Ukraine, Thành đã có mặt tại cửa khẩu Zosin – một trong những cửa khẩu rất nhỏ, cách nhà anh gần 197 dặm. Từ Ba Lan sang Ukraine có 14 cửa khẩu, gồm 10 cửa khẩu lớn đi lại rất dễ dàng, còn bốn cửa khẩu nhỏ chỉ là những con đường mòn, ít người qua lại, trong đó có Zosin. Tuy nhiên lúc đó dòng người đổ về đây lại khá đông. Thành được biên phòng và cảnh sát Ba Lan tạo điều kiện đến ngay sát đường biên giới để cắm lều trại đón người tị nạn.

“Thấy Putin ‘chơi bẩn’, người dân Ba Lan rất căm nên họ đồng lòng giúp người Ukraine không chỉ bằng thực phẩm, vũ khí, mà còn mở rộng cửa đón người tị nạn vào, từ ngay ở biên giới cho đến từng gia đình trong thành phố,” Thành kể.

 

Hết chuyến hàng này đến chuyến hàng khác từ Cộng đồng người Việt gửi sang người dân Ukraine (ảnh: Phan Châu Thành)

Ba Lan nhận ba triệu người tị nạn, trong tổng số hơn năm triệu người Ukraine phải chạy loạn khỏi quê hương. Tại Warsaw nơi có khoảng 1.8 triệu dân (tức khoảng 450,000 gia đình), mỗi ngày chính phủ Ba Lan nhận vào cả trăm ngàn người. Warsaw chỉ có 25,000 người Việt, nhưng tiếp nhận 3,000 người Việt từ Ukraine sang tị nạn. Rồi chính phủ kêu gọi ai có điều kiện thì tiếp đón người tị nạn về nhà, nhiều người hưởng ứng. Lúc đầu, Thành chần chừ vì ngại người lạ sống chung. Ngôi nhà của Thành vốn gồm tám người, vợ chồng anh và bốn đứa con, cùng cha mẹ vợ. Nhưng chị Huệ Chi, vợ anh, thuyết phục anh nhận giúp bà con trong cơn hoạn nạn. Thế là gia đình anh nhận luôn một lúc hai bà mẹ và bốn cháu nhỏ.

Huệ Chi là cánh tay mặt đắc lực của Thành, không chỉ kề vai sát cánh mà còn là người điều phối mọi chuyện từ giao dịch mua bán hàng hóa đến liên lạc tình nguyện viên chở hàng đi tiếp ứng. Lấy được hai bằng đại học cùng lúc: Kinh tế và Bách khoa, Huệ Chi cùng chồng điều hành công ty, và nuôi nấng bốn đứa con, tất cả đều ngoan và học giỏi.

Bạn bè và người quen đóng góp, nhờ Thành mua thực phẩm, vật dụng để chuyển ra biên giới giúp người tị nạn Ukraine. Thời gian đầu, anh dùng xe của công ty mình chuyển hàng. Sau đó, các tình nguyện viên người Ukraine sang tận Warsaw để nhận hàng cứu trợ. Đó là những tấn hàng mà Thành nhận được từ “mạnh thường quân” ở các nơi, trong đó có người chưa từng quen biết anh. Chương trình hỗ trợ người Việt do Thành cầm trịch thậm chí được chính quyền Ukraine chú ý. Bộ Thông tin và Liên lạc của Ukraine gửi thư chính thức gửi đến Cộng đồng người Việt, nhờ giúp đỡ cho Kharkiv, Sumy, Chernihiv, là những vùng trước kia có đông người Việt sinh sống. Họ cần các loại thực phẩm khô, nước uống, mì, bột…

 

Gia đình Phan Châu Thành hình chụp năm 2016. Thành và vợ đứng ở bìa phải (ảnh: Phan Châu Thành)

Tính đến nay, Thành tổ chức được 27 chuyến xe với gần 200 palete, tương đương hơn 100 tấn hàng-thực phẩm sang Ukraine. Ngoài ra còn có gần chục chuyến tới ngày phải đi nhưng chưa đủ hàng, Thành lại lấy hàng ở công ty hoặc siêu thị của mình bù vào cho đủ. Trị giá những tấn hàng này không dưới $500,000, nhưng đó là do Thành mua được giá bán buôn, nếu tính giá bán lẻ, với nửa triệu USD không thể mua được ngần ấy hàng.

Không phải bây giờ Thành mới làm công tác thiện nguyện. Từ nhiều năm qua, anh cùng bạn bè hỗ trợ hệ thống cô nhi viện Vinh Sơn ở Việt Nam, với gần một ngàn em nhỏ. Anh đóng góp cho cô nhi viện từ bao gạo, đàn gà, đàn heo,… khoan giếng, sửa lò bánh mì, đến thành lập thư viện, phòng máy cho các cháu học. “Tôi cho rằng công việc thiện nguyện phải làm lâu dài, và phải đem lại kết quả nhất định,” Thành tâm sự. “Tương lai có thể tốt đẹp hơn thì sẽ đáng giá mọi đồng tiền, mọi công sức đổ vào. Lâu lâu nhận được tin từ các sơ, tôi lại có chút niềm vui khi biết tụi nhỏ vẫn ổn.”

Làm vì bổn phận

“Dân tộc Ba Lan cũng ‘chia năm, xẻ bảy’ nhưng trước thảm kịch chiến tranh, họ trở nên gắn kết với nhau, giống hệt thời Công Đoàn Đoàn Kết. 93% dân Ba Lan nói rằng họ ủng hộ Ukraine và chống Nga,” Thành cho biết. “Cộng đồng người Việt cũng thế. Trong tổng số 8,000 gia đình người Việt ở Warsaw, đợt này có 3,000 gia đình tham gia đóng góp trực tiếp. Khi chiến tranh chưa nổ ra, nếu có việc gì cần đóng góp, chỉ có khoảng vài trăm người tham gia là cùng.”

Nhưng Thành cho biết thêm, trong cộng đồng Việt cũng có phe “thân” Sứ quán Việt Nam, và phe “nổi loạn” – không chấp nhận sự chỉ đạo của Sứ quán, trong đó có Thành. Chống Nga, ủng hộ Ukraine và làm được việc, trang cá nhân của anh bắt đầu bị để ý. “Bọn ‘bò đỏ’ liên tục tấn công, trang Facebook của tôi bị đánh sập, nhưng hôm sau lại mở,” Thành cười kể. 75 ngày qua, Thành bị khóa tài khoản bốn lần, bị dọa “khóa miệng” từ ba đến 30 ngày, nhưng chỉ vài ngày sau, Thành lại xuất hiện. Lâu nhất là sáu ngày. Không thấy Thành “đưa tin”, mọi người nháo nhào lo lắng hỏi thăm, anh phải chuyển thông tin qua trang cá nhân của vợ để cập nhật thông tin kịp thời.

Từ Ba Lan – Ghi nhanh những gì chứng kiến

Tường thuật từ Warsaw
Thú nhồi bông và nến đặt bên lề đường trước Tòa Đại sứ Nga ở Warsaw để tưởng niệm những trẻ em Ukraine chết vì bom đạn của Nga

Đến Ba Lan không vì mục đích “tác nghiệp” nhưng tôi lại được những bạn bè người Ba Lan gốc Việt đưa đi để chứng kiến tận mắt những gì đang diễn ra tại quốc gia giáp ranh với vùng chiến sự Ukraine. 

Điểm đầu tiên mà nhà hoạt động Phan Châu Thành, một doanh nhân người Ba Lan gốc Việt, chở tôi đến là Tòa Đại sứ Nga ở Warsaw. Đó không phải là một tòa nhà như các đại sứ quán các nước trong khu ngoại giao đoàn ở thủ đô Ba Lan, mà là cả một đoạn dài trên đường Starościńska. Nhưng bây giờ không ai quan tâm đến sự “khổng lồ” của khuôn viên của một tòa đại sứ, mà là những gì xuất hiện ngay trước cổng của “đại diện” quốc gia đang gây chiến ở Ukraine.

Đó là hàng chữ “Slava Ukraine” (Niềm tự hào cho Ukraine) mang màu cờ Ukraine (vàng và xanh dương) được sơn công phu và cẩn thận trên lề đường đối diện Tòa Đại sứ Nga. Đó là hàng trăm con búp bê, thú nhồi bông đặt gọn gàng sau những ngọn nến như tưởng nhớ những đứa trẻ Ukraine bị giết hại bởi bom đạn của Nga. Đó là hàng chữ “Hòa bình kiểu Nga” sơn màu đỏ máu bên những chiếc đầu lâu ma quái…

Hôm 9 Tháng Năm, chủ của “dinh thự” này, Đại sứ Sergey Andreyev bị sự phản đối của hàng ngàn người dân Warszawa và người Ukraina tị nạn khi tới “Tượng đài tưởng niệm những người lính Xô Viết” để đặt vòng hoa trong ngày lễ “Mừng chiến thắng” của Nga. “Quà tặng” dành cho vị đại sứ là sơn đỏ và nước củ cải đỏ với lời “chào đón”: “Nhục nhã”, “Quân phát xít!”.

Thú nhồi bông và nến đặt bên lề đường trước Tòa Đại sứ Nga ở Warsaw để tưởng niệm những trẻ em Ukraine chết vì bom đạn của Nga

Tòa Đại sứ Nga chiếm một diện tích rộng lớn tại khu “đất vàng” ở Warsaw nhưng Nga và Ba Lan từng xảy ra nhiều cuộc xung đột đẫm máu trong quá khứ, nhiều cuộc chiến tranh giữa hai nước. Trong một thời gian dài, Ba Lan nhiều lần bị các triều đại phong kiến Nga đô hộ. Thế kỷ 20, Liên Xô từng “xé Ba Lan ra thành từng mảnh nhỏ” khi bắt tay với phát xít Đức năm 1939. Một năm sau đó là vụ thảm sát ở Katyn, với gần 22,000 người Ba Lan bị giết thảm. Warsaw cũng không quên hơn bốn thập niên sống dưới ách Liên Xô cho đến khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Kể từ thời hậu cộng sản, quan hệ giữa hai quốc gia này bước sang trang sử khác, nhưng vẫn khá căng thẳng vì quá khứ bất ổn.

 

Hàng chữ “Hòa bình kiểu Nga” sơn màu đỏ máu bên những chiếc đầu lâu ma quái

Bảng tên đường trên cao tốc hiện lên hàng chữ “Đoàn kết với nhân dân Ukraine”

Hàng chữ “Slava Ukraine” được sơn trên lề đường đối diện Tòa Đại sứ Nga

Còn Ba Lan và Ukraine là hai quốc gia vừa là láng giềng với chiều dài biên giới chung hơn 530km, vừa có huyết thống người Slavs cổ và lịch sử gắn bó lâu dài. Khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra, Ba Lan là quốc gia đầu tiên đón nhận người tị nạn từ Ukraine, và là cửa ngõ chính để chuyển viện trợ nhân đạo và vũ khí của phương Tây cho chính quyền Kyiv. Trong năm triệu người từ Ukraine di tản, Ba Lan đón nhận ba triệu người. Thủ đô Warsaw chỉ có 1.8 triệu dân, giờ đón thêm 400,000 người từ Ukraine, nhưng thành phố không có gì khác so với trước chiến tranh.

Nhà hoạt động Phan Châu Thành cho biết, khi chiến sự nổ ra, người dân tràn qua biên giới, Warsaw cũng lập trại tị nạn. Tuy nhiên, nhiều gia đình Ba Lan nhận người tị nạn về nhà mình, do đó, “dân số” có tăng đột ngột nhưng bộ mặt thành phố không trở nên lôi thôi nhếch nhác vì đường phố không có lều bạt hay cảnh người tỵ nạn vạ vật. Bản thân gia đình Thành cũng nhận nuôi hai bà mẹ và sáu đứa trẻ. Điều khác biệt duy nhất ở Warsaw trong những ngày này, là ở khu trung tâm, người ta sẽ nghe được nhiều tiếng Ukraine hơn. Người Ukraine chạy loạn sang Ba Lan không cần visa, được cấp ngay vé đi tàu điện hoặc xe buýt, được quyền đi làm ngay, và được nhận một khoản tiền để chi tiêu.

 

 

Bên lề đường trước Tòa Đại sứ Nga ở Warsaw, người dân vẽ những hình ảnh chống cuộc chiến của Putin tại Ukraine

Ba Lan là một trong những quốc gia phản đối gay gắt nhất cuộc tấn công của Nga ở Ukraine, đồng thời thúc đẩy EU cũng như các nước đồng minh phương Tây đưa ra biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow. Tại cuộc họp báo ở Kyiv hôm 13 Tháng Tư, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói: “Đây không phải là chiến tranh, đây là khủng bố”. Trên đường phố và một số tuyến đường cao tốc, nhiều màu cờ vàng-xanh xuất hiện bên hàng chữ “Ủng hộ Ukraine”, “Hòa bình cho Ukraine”, “Đoàn kết với nhân dân Ukraine”.

Ở cố đô Krakow, tại quảng trường chính trước Nhà thờ Đức Mẹ, mỗi buổi tối, các nhóm tình nguyện hát vang những bài ca ngợi đất nước Ukraine, phản đối chiến tranh

Tại trạm xe buýt ở Krakow có một dãy phòng kế kiếp nhau dán cờ Ukraine, chứa vật dụng, đồ chơi, thức ăn giúp người tị nạn

Khi tôi đi xe điện từ Warsaw xuống cố đô Krakow, vẫn còn nhiều tình nguyện viên mặc áo màu xanh túc trực tại các bàn đặt tại ga trung tâm để giúp người Ukraine sang tị nạn, hướng dẫn đường đi nước bước để hòa nhập ngay với cuộc sống mới. Trọng Đoàn, một trong những tình nguyện viên, cho biết những ngày đầu, có lúc ga trung tâm này dồn ứ hàng ngàn người mà tất cả đều trong cơn hỗn loạn. “Giờ thì ổn rồi, nhưng vẫn phải có người ở đây để giúp người tị nạn khi cần,” anh Trọng Đoàn nói. Không chỉ ga trung tâm mà trạm xe buýt ở Krakow cũng dành một dãy phòng kế tiếp nhau dán cờ Ukraine, chứa vật dụng, đồ chơi, thức ăn giúp người tị nạn. Đây cũng là nơi tiếp nhận quà tặng từ những người hảo tâm muốn giúp Ukraine.

Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki: “Nếu Putin bẻ gẫy được Ukraine thì sẽ đến lượt chúng ta (…) Chỉ một hay hai năm nữa, Vladimir Putin sẽ hướng tới những mục tiêu kế tiếp, mà những mục tiêu đó sẽ là Phần Lan, Litva, Ba Lan, Rumani và rất có thể là kể cả Đức.”

Bài và ảnh: Đoan Trang

_______

 ‘Người Ukraine không muốn đi cùng Nga nữa’

BBC

Doanh nhân, nhà hoạt động Phan Châu Thành, người trực tiếp điều phối hoạt động cứu trợ của người Việt ở hải ngoại cho người dân Ukraine, nói người dân Ukraine coi cuộc chiến hiện nay là cơ hội duy nhất để họ có thể ‘thoát Nga’.

Ông cho BBC biết nhóm của ông, hoạt động từ Warsaw, Ba Lan trong vai trò điều phối, đã nhận được sự đóng góp của ‘rất nhiều người Việt từ khắp nơi trên thế giới’.
“Đứng trước sự bất công, người Việt có nhận thức rất rõ ràng,” ông nói, và cho biết thêm nhóm ông đã tiếp tế cho người dân Ukraine khoảng hơn 100 tấn hàng hoá, thực phẩm.
Kể từ khi cuộc chiến nổ ra, đã có khoảng 2500 người Việt từ Ukraine sang Ba Lan sơ tán, ông Phan Châu Thành cho biết.
“Cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã lo cho họ, hoàn toàn không cần nhờ tới bất kỳ sự trợ giúp của nhà nước Ba Lan,” ông nói.
“Nhà nước sẵn sàng giúp nhưng cộng đồng mình tự cảm thấy người Việt có thể lo được cho người Việt.”

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen