Seite auswählen

Sản phẩm được chụp trong một siêu thị ở Berlin, Đức, hôm 17/03/2020. (Ảnh: Fabrizio Bensch/File Photo/Reuters) 

Lạm phát tại 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng Năm, chủ yếu là do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Và lạm phát có thể tăng cao hơn theo sau cam kết mới của EU về việc cấm hầu hết các hoạt động nhập cảng dầu của Nga.

Eurostat, cơ quan thống kê của EU, cho biết trong một ước tính hôm 31/05 (pdf) rằng tốc độ lạm phát hàng năm ở khu vực đồng euro đã tăng từ 7.4% của tháng Tư lên 8.1% vào tháng Năm, mức cao kỷ lục.

Một năm trước, con số đó ở mức 2.0%, phù hợp với mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB).

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, sự phình to của tiền dễ mượn tràn ngập các thị trường để hỗ trợ các nền kinh tế Âu Châu đang gặp khó khăn, và bây giờ là sự gián đoạn liên quan đến việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine và các lệnh cấm vận năng lượng của Nga, tất cả đều dẫn đến lạm phát tăng vọt trong năm qua.

 

Lạm phát lõi — ‘mối lo ngại chính’

Bên cạnh đó, tốc độ lạm phát của khu vực đồng euro chạm mức cao mới, lạm phát lõi — vốn loại bỏ các nhóm thực phẩm và năng lượng dễ biến động và được coi là thước đo tốt hơn cho áp lực lạm phát tiềm ẩn — cũng tăng lên.

Các nhà phân tích tại ING cho biết trong một lưu ý: “Mối lo ngại chính là xung quanh vấn đề lạm phát lõi. Việc tăng từ 3.5% lên 3.8% ngày hôm nay cho thấy giá đầu vào cao đang được định giá cho người tiêu dùng với tốc độ nhanh. Trong khi kỳ vọng về giá bán từ các doanh nghiệp đã giảm nhẹ trong tháng Năm, thì kỳ vọng về [lạm phát] lõi sẽ vẫn cao hơn mục tiêu trong những quý tới khi giá đầu vào cao hơn chuyển đến người tiêu dùng.”

Không chỉ giá cả tăng mạnh, mà kỳ vọng về việc tăng giá hơn nữa trong tương lai cũng tăng lên, dẫn đến lo ngại về khả năng giảm kỳ vọng lạm phát và vòng xoáy giá lương đáng sợ sẽ đẩy giá cao hơn nữa.

 

Kỳ vọng lạm phát

Một cuộc khảo sát gần đây của ECB với các nhà dự báo chuyên nghiệp cho thấy kỳ vọng lạm phát trong tương lai đã được điều chỉnh tăng 3.0% cho năm 2022, lên 6.0%, chủ yếu phản ánh lạm phát giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.

Dữ liệu của Eurostat cho thấy giá thực phẩm trong khu vực đồng euro đã tăng 7.5% trong năm tính đến tháng Năm trong khi giá năng lượng tăng 39.2%. Cả hai đều đóng góp chính vào tốc độ lạm phát.

Các nhà dự báo được khảo sát cũng điều chỉnh kỳ vọng lạm phát của họ cho năm 2023 thêm 0.6% lên 2.4%, trong khi giữ nguyên dự báo năm 2024 ở mức 1.9%.

Họ cũng giảm bớt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro cho năm nay và năm sau.

ECB cho biết trong một tuyên bố: “Nhìn chung, những người được hỏi cho thấy cuộc chiến ở Ukraine và những tác động của nó là những yếu tố chính đằng sau việc điều chỉnh dự báo lạm phát và tăng trưởng của họ vào năm 2022 và 2023.”

Và trong khi Chỉ số Tâm lý Kinh tế EU gần đây nhất cho thấy kỳ vọng giá bán vào tháng Năm của người tiêu dùng giảm nhẹ, các nhà phân tích tại ING lưu ý rằng, “với môi trường đầy biến động, còn quá sớm để gọi là đỉnh về tỷ lệ lạm phát,” nói thêm rằng khảo sát tổng thể “tiếp tục cho thấy giá cả tăng mạnh trong những tháng tới.”

 

Lệnh cấm vận dầu Nga của EU

Dữ liệu lạm phát của Eurostat được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels về việc cấm vận phần lớn dầu nhập cảng của Nga vào khối này vào cuối năm 2022 như một phần của gói trừng phạt thứ sáu chống lại Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.

Trong những tuần trước khi đạt được thỏa thuận, một số chuyên gia và nhóm ngành đã cảnh báo rằng lệnh cấm của EU đối với năng lượng của Nga có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao hơn.

Tập đoàn thương mại công nghiệp Đức BDI cho biết hồi đầu tháng Năm: “Dầu của Nga có thể được thay thế trên thị trường thế giới trong ngắn hạn, nhưng cùng với đó là thêm nhiều chi phí và những khó khăn về hậu cần. Với lệnh cấm vận dầu mỏ, giá năng lượng có thể sẽ tiếp tục tăng.”

Số liệu lạm phát của khu vực đồng euro cũng diễn ra trước cuộc họp quan trọng của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) vào tuần tới, nơi các quan chức dự kiến ​​sẽ thông báo về việc thay đổi các chính sách tiền dễ mượn trong những năm gần đây.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde gần đây đã gợi ý rằng nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất 0.25% vào tháng Bảy và sau đó là tháng Chín.

Bà Lagarde đã viết trong một bài đăng trên blog gần đây rằng bà ấy hy vọng việc mua ròng theo chương trình mua tài sản của ECB sẽ kết thúc “rất sớm trong quý thứ ba”, mở đường cho ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất vào tháng Bảy.

Bà Lagarde viết, “Dựa trên triển vọng hiện tại, chúng ta có khả năng thoát khỏi mức lãi suất âm vào cuối quý thứ ba.”

Lãi suất chính sách quan trọng của ECB hiện được đặt ở mức âm 0.5%.

Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. 

 

02.06.2022

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen