Seite auswählen

Tuyết Mai

1.5.2022

“Tôi may mắn là học trò của Giáo Sư Tùng Long dạy môn Việt Văn.” Tôi nói may mắn vì cô là người thầy đã hướng dẫn, dạy dỗ, ảnh hưởng rất nhiều đời sống tinh thần của tôi. Cô đã gieo vào đầu óc tôi cũng như nhiều bạn bè, thanh thiếu niên thuở ấy nhiều tư tưởng lớn, như ý niệm về sự “bình quyền,” ý thức vai trò của người phụ nữ trong xã hội, phải hãnh diện và xứng đáng là người phụ nữ Việt Nam. Cô đã uốn nắn cho nhiều học sinh sống có lý tưởng, có tâm hồn cao đẹp, hăng hái phụng sự xã hội, thiết tha với đất nước quê hương.

 

Bà Tùng Long với các học trò, trong tiệc sinh nhật 2004, 2 năm trước khi mất. (Hình: Nguyễn Đông Thức)

Tôi còn nhớ rõ lời cô nói trong buổi học đầu tiên. Cô nói: “Cô có thể dạy ở các lớp cao hơn như Đệ Tam, Đệ Nhị, nhưng cô chọn dạy lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ vì ở lứa tuổi này, các em giã từ tuổi thơ, bắt đầu biết suy nghĩ để chọn cho mình một hướng đi, vì vậy dạy dỗ, hướng dẫn thanh thiếu niên ở tuổi này rất quan trọng cho đời sống của các em sau này.”

Khi đọc tin cô Tùng Long đã mất, nhìn hình cô trên báo, những kỷ niệm học trò thuở ấy ào ạt kéo về. Tôi gởi thư báo tin cho bạn bè hay và bạn bè gởi thư báo tin cho tôi hay. Chúng tôi miên man nhớ về những ngày tháng cũ dưới mái trường xưa.

Hồi đó, trước hay sau giờ học chúng tôi thường đứng trước lớp ở từng lầu hai, nhìn người qua lại dưới đường. Tôi nhớ cô Tùng Long luôn mặc áo dài, đầu bới tóc, dáng đi thật dịu dàng, thanh tao, sang cả. Gương mặt cô đẹp, vẻ đẹp phúc hậu của người phụ nữ Việt Nam trí thức, nước da trắng, giọng nói êm dịu. Lúc nào cô cũng có phong cách điềm đạm, nghiêm trang.

Trong lớp sau giờ dạy, cô hay kể chuyện có khi là một chuyện tình thơ mộng, có khi là chuyện của những danh nhân thế giới, những người nghèo nhưng với ý chí đã làm nên sự nghiệp. Giọng kể và câu chuyện của cô thu hút cả lớp lắng nghe một cách say mê.

Qua những câu chuyện hấp dẫn đó, cô đã gói ghém một ý hướng giáo dục, một lời khuyên dạy nào đó. Một trong những câu chuyện đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần của tôi, là sự nghiệp của bà Marie Curie đã bán cả cái áo cưới để có tiền cho sự phát minh khoa học của bà.

Cô Tùng Long dạy chúng tôi ý thức về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Cô nói, chúng ta không thể tự cho mình là phái yếu, chỉ quanh quẩn trong bếp lo việc nội trợ và phục vụ chồng con thôi. Cô cổ xuý vấn đề bình quyền”, nhưng muốn được bình quyền thì mình phải có thực tài, phải thay đổi quan niệm sống. Mình không thể giữ mặc cảm phụ nữ không có khả năng, chỉ là những bông hoa đẹp để trang điểm cho đời. Chúng ta có khả năng như các ông, có thể chung lo việc nước, việc đời. Cô đã khơi dậy trong tôi và nhiều bạn gái lòng tự tin và niềm tự hào, hãnh diện mình là ngươi phụ nữ Việt Nam, là con cháu của hai Bà Trưng, Bà Triệu.

Cô dạy cho chúng tôi phân biệt cái “Đẹp” và tha thiết yêu cái “Đẹp.”

Cô hỏi, “thế nào là một đôi bàn tay đẹp?”

 

Bà Tùng Long (Hình: Nguyễn Đông Thức)

Theo cô, một đôi bàn tay đẹp không phải là đôi bàn tay có làn da mịn màng, tươi mát, móng dài với màu son tươi sáng. Mà đôi bàn tay đẹp là đôi bàn tay của những người đóng góp, xây dựng đem lại ích lợi cho nhân quần, xã hội. Đó là bàn tay của những người làm việc từ thiện, xoa dịu những nỗi thống khổ của người nghèo. Bàn tay của những cô giáo, kiên nhẫn dạy trẻ em nắn nót việt từng nét. Bàn tay của những người nữ cứu thương, tận tuỵ săn sóc cho những thương binh, hy sinh trên chiến trường…

Ở Việt Nam đời sống khó khăn, thường thì cha mẹ tần tảo lo cho con cơm ăn áo mặc, cho con cắp sách đến trường, không mong gì hơn có được mảnh bằng, đỗ đạt thành danh. Cha mẹ nào quan tâm thì dạy cho con gái phải nết na, đức hạnh, chứ không mấy ai kiên trì gieo vào đầu óc con những tư tưởng lớn với ước mong con gái mình trở thành một người có lý tưởng, có tâm hồn cao đẹp, hăng say phụng sự xã hội, nặng tình với đất nước quê hương.

Tâm hồn chúng tôi ở tuổi dậy thì trong sáng như trang giấy trắng. Cô Tùng Long đã vẽ lên đó những bông hoa tuyệt đẹp. Những lời dạy dỗ của cô như một làn gió mạnh thổi vào tâm tư thơ ngây của chúng tôi. Tôi như người mù, bừng sáng, bắt đầu biết suy tư và cảm thấy cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn nếu mình sống có lý tưởng.

Sau một, hai năm học với cô, những hạt giống mà cô đã gieo vào tâm tưởng học trò đã nẩy mầm và lớn mạnh. Tôi và nhiều bạn bè đã thay đổi. Chúng tôi không còn mặc cảm mình là phái yếu, nhút nhát, không có khả năng, đàn bà không thể làm được việc lớn, đàn bà không nên xông xáo hoạt động ngoài xã hội… Chúng tôi không sống một cách vô tư, nhí nhảnh như những “thường tình nhi nữ,” dành rất nhiều thì giờ trang điểm cho vẻ đẹp bên ngoài, son phấn, quần áo hợp thời trang.

Với thời gian, bạn bè tôi mỗi đứa đi một nơi, hoạt động trong nhiều lãnh vực khác nhau nhưng luôn giữ tinh thần đấu tranh, phụng sự xã hội, đất nước, quê hương cao độ.

Có người chê tiểu thuyết của Bà Tùng Long có “trình độ thấp kém.” Cô giải thích, đối tượng độc giả của cô là những người phụ nữ bình dân, lời văn phải giản dị dễ hiểu và câu chuyện cũng phải gần gủi với tâm tình, đời sống của phụ nử bình dân. Nếu lời văn cầu kỳ, câu chuyện triết lý, bí hiểm, cao siêu như của nhiều nhà văn hiện đại thì người bình dân không thích đọc. Cố nhiên qua những mẫu chuyện cô sáng tác, cô cũng đã gói ghém nhiều điều cô muốn nói với phụ nữ bình dân.

Mấy mươi năm trôi qua, nay cô Tùng Long đã mất. Những lời khuyên dạy của cô vẫn còn trong tâm trí tôi và nhiều học trò. Cảm ơn cô đã dạy, giúp chúng tôi biết phân biệt cái “Đẹp,” tha thiết yêu cái “Đẹp,” “đẹp trong tâm hồn, đẹp trong việc làm.” Cái “Đẹp” đó mới thật sự là khởi điểm của một cuộc sống xứng đáng.