Nguồn: Vladislav Zubok, “Can Putin Survive?,” Foreign Affairs, 21/06/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nghiên Cứu Quốc Tế
Putin đã học được bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô.
Ngày 09/05/2022, một đoàn xe tăng và pháo binh đổ dồn về Quảng trường Đỏ ở Moscow. Hơn 10.000 binh sĩ diễu hành qua các đường phố của thành phố. Đó là cảnh tượng của cuộc diễu binh thường niên lần thứ 27 nhân dịp Ngày Chiến thắng của Nga, nhằm kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc Xã trong Thế chiến II. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người chủ trì buổi lễ, đã có bài phát biểu ca ngợi quân đội và lòng dũng cảm của đất nước mình. “Việc bảo vệ tổ quốc khi vận mệnh của chúng ta bị đe dọa luôn là điều thiêng liêng,” ông nói. “Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc.” Putin đang nói về quá khứ, nhưng cũng đồng thời nói về hiện tại, truyền tải một thông điệp rõ ràng cho phần còn lại của thế giới: Nga sẽ quyết tâm tiếp tục cuộc chiến đối với Ukraine.
So với phương Tây, chiến tranh trong lời kể của Putin hiện lên rất khác. Nó là cuộc chiến của công lý và dũng cảm. Nó là một sự thành công. “Các chiến binh thuộc mọi sắc tộc khác nhau của chúng ta đang chiến đấu cùng nhau, che chắn cho nhau khỏi bom đạn như những người anh em ruột thịt,” Putin nói. Kẻ thù đã cố gắng sử dụng “các băng nhóm khủng bố quốc tế” để chống lại nước Nga, nhưng chúng đã “thất bại hoàn toàn.” Tất nhiên, trên thực tế, quân đội Nga đã vấp phải sự phản kháng dữ dội từ chính người dân Ukraine chứ không phải từ quân đội nước ngoài; họ cũng không thể chiếm được Kyiv và lật đổ chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, đối với Putin, chiến thắng là kết quả duy nhất được phép được công khai. Ngoài ra, không có kịch bản thay thế nào được phép thảo luận công khai ở Nga.
Tuy nhiên, những kịch bản thay thế ấy vẫn được thảo luận ở phương Tây, những người đang mừng vui trước thành công của Ukraine. Thất bại quân sự của Nga đã làm hồi sinh liên minh xuyên Đại Tây Dương, và trong một khoảnh khắc, khiến Moscow trở thành ‘cường quốc đạo tặc hạng ba.’ Nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích giờ đây đang mơ mộng rằng xung đột cuối cùng có thể kết thúc, không chỉ với một chiến thắng của Ukraine, mà còn buộc chế độ của Putin chịu chung số phận như Liên Xô: sụp đổ. Niềm hy vọng này được thể hiện rõ qua nhiều bài báo và bài phát biểu trong đó so sánh cuộc chiến thảm khốc của Liên Xô ở Afghanistan với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nó dường như là động lực tiềm ẩn cho các lệnh trừng phạt hà khắc áp đặt lên Nga, và là nền tảng cho tất cả các cuộc trao đổi gần đây về sự thống nhất mới của thế giới dân chủ. Theo logic này, chiến tranh sẽ khiến Điện Kremlin mất đi sự ủng hộ của công chúng khi tổn thất ngày càng tăng cao và các lệnh trừng phạt phá hủy nền kinh tế Nga. Không còn khả năng tiếp cận hàng hóa, thị trường, và văn hóa phương Tây, cả giới tinh hoa lẫn dân thường Nga sẽ ngày càng chán ghét Putin, thậm chí có thể xuống đường để đòi hỏi một tương lai tốt đẹp hơn. Cuối cùng, Putin và chế độ của ông ta có thể bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hoặc một làn sóng biểu tình lớn.
Lối suy nghĩ này dựa trên một diễn giải lịch sử sai lầm. Liên Xô không sụp đổ vì những lý do mà người phương Tây vẫn hay viện dẫn: thất bại nhục nhã ở Afghanistan, áp lực quân sự từ Mỹ và châu Âu, căng thẳng chủ nghĩa dân tộc tại các nước cộng hòa thành viên, và bị quyến rũ bởi nền dân chủ. Trên thực tế, các chính sách kinh tế sai lầm của Liên Xô và một loạt sai lầm chính trị của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã khiến nước này tự hủy diệt chính mình. Nhưng Putin đã học được rất nhiều điều từ sự sụp đổ của Liên Xô, nhờ đó giúp ông xoay sở để tránh được sự hỗn loạn tài chính đã khiến nhà nước Xô-viết tan rã, bất chấp việc đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt gay gắt. Sự kết hợp giữa tính linh hoạt và tính dễ bị tổn thương ở nước Nga ngày nay rất khác với những gì đặc trưng cho Liên Xô thời kỳ cuối. Bài học lịch sử này rất quan trọng, bởi khi nghĩ về cuộc chiến ở Ukraine và hậu quả của nó, phương Tây nên tránh áp đặt những nhận thức sai lầm của họ về sự sụp đổ của Liên Xô lên nước Nga ngày nay.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phương Tây chẳng thể làm gì để định hình tương lai của nước Nga. Chế độ của Putin tuy ổn định hơn so với thời Gorbachev, nhưng nếu phương Tây có thể duy trì sự thống nhất của mình, họ vẫn có thể từ từ làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Nga. Putin đã tính toán sai lầm khi xâm lược Ukraine, và khi làm vậy, ông đã để lộ những điểm yếu của chế độ – một nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào các nền kinh tế phương Tây so với nền kinh tế Liên Xô, và một hệ thống chính trị tập quyền cao độ, thiếu các công cụ mà Đảng Cộng sản dùng để huy động chính trị và quân sự. Nếu chiến tranh tiếp diễn, Nga sẽ trở thành một chủ thể quốc tế yếu hơn. Thậm chí, một cuộc xâm lược kéo dài có thể dẫn đến tình cảnh hỗn loạn vốn đã khiến Liên Xô sụp đổ. Nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây không thể hy vọng vào một chiến thắng nhanh chóng, dứt khoát, mà trong tương lai gần, họ vẫn sẽ phải đối phó với một nước Nga độc tài, dù đã suy yếu.
Sự hủy diệt sáng tạo
Tại Mỹ và Châu Âu, nhiều chuyên gia cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô đã được định trước. Theo đó, Liên Xô từ lâu đã ‘hóa thạch’ về kinh tế và ý thức hệ, còn quân đội của họ đã kiệt quệ. Dù phải mất một thời gian để những sai sót kinh tế và mâu thuẫn nội bộ khiến cho liên bang sụp đổ, nhưng khi phương Tây gia tăng sức ép lên Điện Kremlin qua việc chạy đua vũ trang, Liên Xô đã bắt đầu đi xuống. Và khi các phong trào dân tộc tự quyết ở các nước cộng hòa thành viên dần phát triển, thì liên bang cũng bắt đầu tan rã. Dù mang mục đích tốt đẹp, những nỗ lực tự do hóa của Gorbachev cũng chẳng thể cứu được một hệ thống đang chết dần.
Có một số sự thật đằng sau câu chuyện này. Liên Xô không bao giờ có thể cạnh tranh thành công về mặt quân sự hoặc công nghệ với Mỹ và các đồng minh của họ. Các nhà lãnh đạo Liên Xô đã cật lực cố gắng bắt kịp phương Tây, nhưng đất nước của họ luôn luôn tụt hậu. Trên chiến trường của các ý tưởng và hình ảnh, sự tự do và thịnh vượng của phương Tây đã giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của ý thức hệ cộng sản, khi giới tinh hoa trẻ tuổi của Liên Xô mất đi niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa nước ngoài, cũng như du lịch và văn hóa đại chúng phương Tây. Đồng thời, dự án của đế quốc Liên Xô chắc chắn đã vấp phải sự bất bình và coi thường của các nhóm dân tộc thiểu số trong nước.
Tuy nhiên, đây không phải là những vấn đề mới, và bản thân chúng không đủ để nhanh chóng phế truất Đảng Cộng sản trong giai đoạn cuối những năm 1980. Tại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cộng sản cũng phải đối mặt với một loạt khủng hoảng tương tự vào cùng thời điểm, nhưng họ đã đối phó với sự bất bình ngày càng gia tăng bằng cách tự do hóa nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời sử dụng vũ lực để dập tắt các cuộc biểu tình lớn. Sự kết hợp này – chủ nghĩa tư bản không đi kèm dân chủ – đã phát huy tác dụng, và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc giờ đây đang cai trị một cách mưu lược và hưởng lợi từ chủ nghĩa tư bản nhà nước, trong khi vẫn giương cao bức chân dung của Karl Marx, Vladimir Lenin, và Mao Trạch Đông. Các chế độ cộng sản khác, chẳng hạn như ở Việt Nam, cũng trải qua những đổi thay tương tự.
Trên thực tế, Liên Xô tan ra không hẳn chỉ bởi các lỗi hệ thống mà còn bởi chính những cải cách dưới thời Gorbachev. Như các nhà kinh tế học Michael Bernstam, Michael Ellman, và Vladimir Kontorovich đã lập luận, cải tổ (perestroika) giải phóng năng lượng kinh tế, nhưng không phải theo cách tạo ra một nền kinh tế thị trường mới và lấp đầy các kệ hàng cho người tiêu dùng Liên Xô. Thay vào đó, thứ năng lượng ấy lại có tính hủy diệt. Các doanh nhân kiểu Xô-viết đã vơ vét hết tài sản kinh tế của nhà nước, xuất khẩu các nguồn tài nguyên có giá trị để thu về lợi nhuận bằng USD, nhưng lại đóng thuế bằng đồng rúp. Họ chuyển doanh thu ra nước ngoài, và mở đường cho một chế độ đạo tặc đầu sỏ (oligarchic kleptocracy). Các ngân hàng thương mại nhanh chóng tìm ra cách thức khéo léo để bòn rút nhà nước Xô-viết, buộc ngân hàng trung ương phải in thêm ngày càng nhiều tiền rúp để trang trải nghĩa vụ tài chính của các ngân hàng thương mại, trong lúc thâm hụt ngân sách chính phủ tiếp tục tăng cao. Vào năm 1986 và 1987, khi doanh số rượu vodka cùng với giá dầu đều sụt giảm, và đất nước vẫn còn quay cuồng sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, Bộ Tài chính Liên Xô chỉ in lần lượt 3,9 tỷ và 5,9 tỷ rúp. Nhưng vào năm 1988 và 1989, khi các cải cách của Gorbachev được ban hành, thanh khoản của đồng rúp đã tăng thêm 11,7 tỷ, và sau đó là 18,3 tỷ.
Dù sao thì Gorbachev và các nhà cải cách khác vẫn tiếp tục con đường của mình. Nhà lãnh đạo Liên Xô đã phân quyền chính trị và kinh tế nhiều hơn cho 15 nước cộng hòa thành viên. Ông cũng đã loại bỏ Đảng Cộng sản khỏi chiếc ghế quyền lực, và tổ chức bầu cử ở các nước cộng hòa để chọn ra các hội đồng được trao quyền lập pháp và hiến pháp. Ý tưởng của Gorbachev mang ý nghĩ tốt đẹp, nhưng nó lại làm gia tăng hỗn loạn kinh tế và bất ổn tài chính. Nga và các nước cộng hòa khác giữ lại 2/3 khoản tiền đáng lẽ phải chuyển cho ngân sách liên bang, buộc Bộ Tài chính Liên Xô phải in thêm 28,4 tỷ rúp vào năm 1990. Trong khi đó, giai cấp thống trị của Liên Xô bị chia rẽ thành các nhóm dân tộc: giới tinh hoa cộng sản ở các nước cộng hòa khác nhau – người Kazakhstan, Litva, Ukraine, và những nước khác – bắt đầu xác định lòng trung thành của mình dựa trên “dân tộc” của họ hơn là dựa vào trung tâm đế quốc. Chủ nghĩa ly khai dân tộc dâng cao như một cơn lũ.
Sự thay đổi lòng trung thành đặc biệt nổi bật trong trường hợp của người Nga. Hồi Thế chiến II, người Nga đã thay mặt Liên Xô thực hiện hầu hết các nhiệm vụ chiến đấu, và nhiều người ở phương Tây coi đế chế cộng sản đơn giản là phần mở rộng của nước Nga. Nhưng trong giai đoạn 1990-1991, chính hàng chục triệu người Nga, dẫn đầu là Boris Yeltsin, đã tự tay phá bỏ nhà nước Xô-viết. Họ là một nhóm đa dạng, bao gồm các trí thức có tư tưởng tự do từ Moscow, các quan chức cấp tỉnh của Nga, và thậm chí cả các sĩ quan xuất thân từ KGB và quân đội. Điều gắn kết họ là việc chối bỏ Gorbachev và chế độ đang sa sút của ông. Suy nghĩ rằng nhà lãnh đạo Liên Xô là kẻ kém cỏi đã thúc đẩy một âm mưu đảo chính vào tháng 08/1991. Những người tổ chức đảo chính buộc Gorbachev chịu quản thúc tại gia và điều xe tăng đến Moscow với hy vọng khiến người dân phải khuất phục, nhưng họ đã thất bại trong cả hai nhiệm vụ. Họ do dự sử dụng vũ lực tàn bạo, thay vào đó, đã kêu gọi biểu tình phản đối sự kiểm soát của Điện Kremlin. Sự kiện tiếp theo là sự tự tan rã của cấu trúc quyền lực Liên Xô. Yeltsin gạt Gorbachev sang một bên, ra lệnh cấm Đảng Cộng sản, và hành xử như thể người cai trị một nước có chủ quyền. Ngày 08/12/1991, Yeltsin cùng các nhà lãnh đạo của Belarus và Ukraine tuyên bố rằng Liên Xô đã “không còn tồn tại như một chủ thể của luật pháp quốc tế và thực tế địa chính trị”.
Nếu không có tuyên bố của Yeltsin, Liên Xô hẳn đã có thể đi tiếp. Ngay cả sau khi nó không còn tồn tại chính thức, đế chế này vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều năm như một khu vực đồng rúp chung không có biên giới và kiểm soát hải quan. Các quốc gia hậu Xô-viết thiếu sự độc lập về tài chính. Dù đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về độc lập quốc gia, theo sau bởi các lễ kỷ niệm nền tự do mới, hàng chục triệu cựu công dân Liên Xô sống bên ngoài nước Nga vẫn phải mất hàng chục năm mới có thể hình thành bản sắc hậu đế chế của mình, để suy nghĩ và hành động như những công dân Belarus, Ukraine, và các quốc gia mới khác. Theo nghĩa này, Liên Xô thực chất rất bền bỉ chứ không hề mong manh dễ vỡ. Tương tự như các đế chế khác, cần nhiều thập niên, chứ không phải vài tháng, để nó thực sự tan rã.
Bài học từ quá khứ
Putin rất quen thuộc với câu chuyện này. Tổng thống Nga từng tuyên bố rằng “sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết là thảm họa địa chính trị lớn nhất” của thế kỷ 20, và ông đã xây dựng chế độ của mình để tránh số phận tương tự. Ông nhận ra rằng Marx và Lenin đã sai về kinh tế học, và ông đã hăng hái làm việc để tìm ra cách giúp nước Nga có thể tồn tại và phát triển dưới chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Ông tuyển dụng các nhà kinh tế có năng lực, biến ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối ngân sách thành những ưu tiên hàng đầu của mình. Trong mười năm cầm quyền đầu tiên của Putin, giá dầu tăng vọt đã lấp đầy kho bạc của Nga, và vị tổng thống nhanh chóng trả sạch khoản nợ 130 tỷ USD của nước mình đối với các ngân hàng phương Tây. Ông giữ các khoản nợ tương lai ở mức tối thiểu, còn chính phủ của ông thì bắt đầu tích lũy dự trữ bằng ngoại tệ và vàng. Những biện pháp phòng ngừa đó đã trở nên hữu dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi Nga có thể thoải mái cứu trợ các tập đoàn quan trọng đối với nền kinh tế của mình (tất cả đều do các cộng sự của Putin điều hành).
Sau khi Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và các ngành công nghiệp khác của Nga, và giá dầu đã giảm mạnh chẳng kém gì thời Gorbachev. Nhưng chính phủ Nga đã phản ứng một cách khôn ngoan. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina và Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, chính phủ đã cho phép đồng rúp giảm giá, khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô. Sau khi suy giảm trong thời gian ngắn, nền kinh tế Nga đã phục hồi trở lại. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, nước này vẫn duy trì kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt. Trong khi phương Tây in hàng nghìn tỷ USD để trợ cấp cho nền kinh tế của họ, thì Nga lại tăng thặng dư ngân sách. Các nhà kinh tế của chính phủ “còn thần thánh hơn cả Đức Giáo Hoàng trong việc áp dụng” cách tiếp cận được Quỹ Tiền tệ Quốc tế ủng hộ, Dmitry Nekrasov, người từng là nhà kinh tế của chính phủ Nga, cho biết. “Trong mười năm qua, không có quốc gia nào trên thế giới thực hiện một chính sách nhất quán, bảo thủ, và cứng rắn dựa trên [một] mô hình kinh tế vĩ mô tự do như vậy.” Đến năm 2022, chính phủ của Putin đã tích lũy được hơn 600 tỷ USD dự trữ tài chính, một trong những kho dự trữ lớn nhất thế giới.
Nhưng đối với Putin, mục đích chính của việc hoạch định chính sách tài chính hợp lý không phải là để được quốc tế khen ngợi, hay thậm chí là để giúp người dân Nga giữ được tiền tiết kiệm của họ. Mục đích của ông là củng cố quyền lực của chính mình. Putin đã sử dụng số tiền dự trữ tích lũy được để khôi phục sức mạnh của nhà nước độc tài, bằng cách xây dựng hệ thống các cơ quan an ninh, mở rộng ngành công nghiệp quân sự và vũ khí của Nga, đồng thời hỗ trợ người đứng đầu Chechnya, Ramzan Kadyrov, và lực lượng bán quân sự của ông ta – một trụ cột khác của chế độ độc tài Điện Kremlin.
Khi Putin quyết định xâm lược Ukraine vào đầu năm nay, ông tin rằng nguồn dự trữ lớn của Nga sẽ cho phép nước này vượt qua bất kỳ lệnh trừng phạt nào có thể xảy ra. Nhưng phản ứng tài chính của phương Tây khắc nghiệt hơn nhiều so với những gì vị tổng thống mong đợi – ngay cả những người cuồng nhiệt chống Nga ở phương Tây cũng phải bất ngờ. Phương Tây và các đồng minh đã loại bỏ một số ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFT, mạng lưới thanh toán quốc tế, và phong tỏa 400 tỷ USD dự trữ quốc tế của Nga đang nằm tại các nước G-7. Washington và các đồng minh cũng cấm hàng loạt công ty sản xuất của mình giao dịch với chính phủ Nga hoặc các doanh nghiệp Nga. Hơn 700 tập đoàn sản xuất và bán lẻ phương Tây đã tự mình rời khỏi Nga, vì bị dư luận ở quê nhà lên án. Nhiều công ty tài chính và vận tải quốc tế lớn, cũng như công ty trung gian, đã ngừng làm việc với các công ty có liên kết với Moscow. Sự phân tách này khác với bất cứ điều gì mà thế giới đã từng chứng kiến kể từ cuộc phong tỏa Đức và Nhật trong Thế chiến II.
Ở phương Tây, những hành động này đã được chào đón nồng nhiệt. Giới chuyên gia tuyên bố rằng đồng tiền của Nga sẽ sụp đổ và sẽ có biểu tình rộng rãi. Một số người thậm chí còn suy đoán rằng Putin có thể bị lật đổ. Nhưng chẳng có kịch bản nào trong số đó xảy ra. Ban đầu, đồng rúp có xuống giá, nhưng Nabiullina và Siluanov đã nhanh chóng hành động để cứu nó. Chính phủ Nga đã đình chỉ khả năng chuyển đổi tự do của đồng tiền, và ra lệnh rằng 80% doanh thu từ dầu mỏ của các công ty Nga và các nhà xuất khẩu khác (bao gồm cả doanh thu tính bằng USD) phải được bán cho ngân hàng trung ương. Họ cũng cấm công dân Nga chuyển hơn 10.000 USD ra nước ngoài mỗi tháng, đập tan cơn sốt hoảng loạn của những người vội vàng đổi rúp sang USD, và đồng tiền của Nga cuối cùng đã quay trở lại mức trước xâm lược. Nếu Gorbachev được hỗ trợ bởi một dàn chuyên gia như vậy, Liên Xô có lẽ đã tiếp tục tồn tại.
Trong khi đó, các doanh nhân Nga đang học cách thích nghi với thực tế mới của họ. Nhiều cánh cửa dẫn vào nền kinh tế quốc tế đã đóng lại, nhưng các doanh nhân của Nga – kể cả những người điều hành ngành công nghiệp vũ khí của nước này – biết cách đi cửa sau để đạt được điều họ muốn. Các doanh nghiệp Nga vẫn được tiếp cận hợp pháp với nhiều nền kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai đều sẵn sàng làm ăn với Nga. Có rất ít lý do kinh tế để họ không làm vậy: sức mạnh của đồng rúp khiến họ thu lợi từ việc mua năng lượng và các nguyên liệu khác của Nga với giá rẻ. Chính phủ Nga sau đó có thể đánh thuế những khoản lợi nhuận này và buộc chúng phải được quy đổi sang đồng rúp, tiếp tục duy trì khả năng thanh toán của đất nước. Do đó, trong ngắn hạn, các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây khó có thể giết chết đồng rúp và buộc Điện Kremlin phải nhượng bộ.
Chia để trị
Các hình phạt của phương Tây có thể không làm thay đổi tư duy của Moscow. Tuy nhiên, chúng rõ ràng đã làm tổn thương một số thành phần dân cư Nga: cụ thể là giới tinh hoa của đất nước và tầng lớp trung lưu thành thị. Các chính phủ, trường đại học, và các tổ chức khác trên khắp thế giới đã hủy bỏ hàng nghìn dự án khoa học và học thuật với các nhà nghiên cứu Nga. Các dịch vụ mà trước đó đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của nhiều nhân viên văn phòng Nga – từ Facebook đến Netflix, và cả Zoom – đột nhiên không còn khả dụng nữa. Người Nga không thể nâng cấp MacBook hoặc iPhone của mình. Việc xin thị thực nhập cảnh vào Vương quốc Anh hoặc Liên minh châu Âu đã trở nên vô cùng khó khăn, và ngay cả nếu có thành công, thì cũng chẳng chuyến bay hoặc chuyến tàu nào có thể đưa họ thẳng đến đó. Họ không còn có thể sử dụng thẻ tín dụng của mình ở nước ngoài, hoặc thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài. Đối với dân cư thành thị Nga, cuộc xâm lược của nước họ đã khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn trước.
Thoạt tiên, điều này trông như một điềm xấu cho Putin. Trong cuộc khủng hoảng chính trị của Liên Xô giai đoạn 1990-1991, các thành viên của tầng lớp trung lưu và thượng lưu đã đóng một vai trò lớn trong việc dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước. Hàng trăm nghìn trí thức người Liên Xô đã tập hợp tại các quảng trường chính của Moscow và St. Petersburg, để yêu cầu phải thay đổi. Một tầng lớp tinh hoa Nga mới, ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và phản đối lực lượng lớn tuổi trung thành với Liên Xô, đã giành được quyền lực sau cuộc bầu cử năm 1990. Giới trí thức và học giả của đất nước đã hợp tác với tầng lớp mới này, cùng nhau lật đổ đế chế.
Nhưng Gorbachev đã dung thứ, và thậm chí có thể coi là khuyến khích, thứ hoạt động chính trị đó. Còn Putin thì không. Khác với Gorbachev, người cho phép các đối thủ ra tranh cử, Putin đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn bất kỳ người Nga nào nổi lên như một mối đe dọa – gần đây nhất, là bằng cách đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny vào tháng 8/2020, và bắt giữ ông này một năm sau đó. Không có cuộc biểu tình phản chiến nào được tiến hành ở quy mô mà Gorbachev cho phép, một phần không nhỏ là nhờ vào sự tàn nhẫn của các cơ quan an ninh Nga. Các sĩ quan hành pháp trong nhà nước cảnh sát của Putin có quyền lực và kỹ năng cần thiết để trấn áp bất kỳ cuộc biểu tình đường phố nào, từ đe dọa, bắt giữ, đến những loại hình phạt khác như phạt một khoản tiền không lồ. Nhà nước Nga cũng đang ráo riết đẩy mạnh việc kiểm soát tâm trí người dân. Trong những ngày đầu tiên sau cuộc xâm lược, cơ quan lập pháp của Nga đã thông qua luật hình sự hóa các cuộc thảo luận công khai và việc phổ biến thông tin về cuộc chiến. Chính phủ cũng buộc các hãng tin độc lập phải đóng cửa.
Tuy nhiên, đây chỉ là những công cụ dễ thấy nhất trong hệ thống kiểm soát của Putin. Giống như nhiều nhà độc tài khác, Tổng thống Nga còn học cách khai thác bất bình đẳng kinh tế để thiết lập một cơ sở ủng hộ vững chắc cho mình, dựa trên những điểm khác biệt mà học giả người Nga Natalya Zubarevich gọi là “bốn nước Nga.” Nước Nga đầu tiên là nhóm cư dân đô thị ở các thành phố lớn, nhiều người trong số này làm việc trong nền kinh tế hậu công nghiệp và có mối liên hệ văn hóa với phương Tây. Họ là nguồn gốc của hầu hết lực lượng đối lập với Putin, và trước đây đã từng tổ chức các cuộc biểu tình chống lại tổng thống. Nhưng họ chỉ chiếm 1/5 dân số, theo ước tính của Zubarevich. Ba ‘nước Nga’ còn lại là cư dân của các thành phố công nghiệp nghèo hơn, những người còn hoài niệm về quá khứ Liên Xô; những người sống ở các thị trấn nông thôn đang suy yếu; và nhóm dân cư đa sắc tộc không phải là người Nga ở Bắc Caucasus (bao gồm cả Chechnya) và miền nam Siberia. Cư dân của ba nước Nga đó cực kỳ ủng hộ Putin, vì họ phụ thuộc vào trợ cấp nhà nước, và vì họ tuân thủ các giá trị truyền thống về thứ bậc, tôn giáo, và thế giới quan – những giá trị văn hóa mà Putin tung hô trong chiến dịch tuyên truyền mang màu sắc chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc của Điện Kremlin, vốn đã trở nên mạnh mẽ hơn kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu.
Putin, do đó, không cần phải tiến hành đàn áp hàng loạt để giữ cho mình quyền chỉ huy. Thật vậy, khi nhận ra sự vô ích của việc chống lại nhà nước, nhiều thành viên của ‘nước Nga đầu tiên’, những người thực sự chán ngấy Putin, chỉ đơn giản chạy trốn khỏi đất nước – một hành động mà Putin công khai ủng hộ. Ông đã tuyên bố sự ra đi của họ là “một sự tự thanh lọc tự nhiên và cần thiết của xã hội [Nga]” khỏi “đạo quân thứ năm” thân phương Tây. Ngoài ra, cho đến nay, cuộc xâm lược hầu như không làm xói mòn sự ủng hộ Putin của ba nước Nga còn lại. Hầu hết thành viên của các nhóm này không cảm nhận được sự kết nối với nền kinh tế toàn cầu, và do đó họ chẳng mấy quan tâm đến trò “rút phép thông công” Nga bởi phương Tây qua các lệnh trừng phạt và cấm vận. Để duy trì sự ủng hộ của các nhóm này, Putin có thể tiếp tục trợ cấp cho một số khu vực, và rót hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng và xây dựng ở những khu vực khác.
Ông cũng có thể tận dụng tình cảm bảo thủ và hoài cổ của họ – điều mà Gorbachev không bao giờ có thể làm được. Lịch sử đầy biến động của Nga đã khiến hầu hết người dân nước này mong muốn có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và biết củng cố đất nước – chứ không phải một người ủng hộ dân chủ, dân quyền, và quyền tự quyết dân tộc. Gorbachev không phải là người mạnh mẽ. Nhà lãnh đạo Liên Xô bị thúc đẩy bởi một tầm nhìn lý tưởng phi thường và từ chối sử dụng vũ lực để duy trì đế chế của mình. Ông đã huy động các nhóm tiến bộ nhất của xã hội Nga, trên hết là giới trí thức và các chuyên gia đô thị, để giúp Liên Xô vực dậy từ sự cô lập, trì trệ, và bảo thủ. Nhưng khi làm như vậy, ông đã đánh mất sự ủng hộ của phần còn lại của đất nước và buộc phải rời nhiệm sở, để lại hậu quả là khủng hoảng kinh tế, tình trạng phi nhà nước, hỗn loạn, và ly khai. Tuổi thọ của người Nga giảm từ 69 tuổi vào năm 1990 xuống còn 64,5 tuổi vào năm 1994; riêng với nam giới, mức giảm là từ 64 tuổi xuống 58 tuổi. Dân số Nga suy giảm, và đất nước phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực. Thế nên, không có gì lạ khi rất nhiều người Nga muốn có một người đàn ông mạnh mẽ như Putin, người đã hứa sẽ bảo vệ họ khỏi một thế giới thù địch và khôi phục lại đế chế Nga. Trong những tuần sau cuộc xâm lược Ukraine, phản ứng tự động của người dân Nga là tập hợp xung quanh ‘sa hoàng’, chứ không phải buộc tội ông ta về hành vi xâm lược vô cớ.
Duy trì áp lực
Không điều nào trong số này mang lại hi vọng cho những người phương Tây đang mong muốn hệ thống của Putin sụp đổ – hoặc cho những người Ukraine đang chiến đấu để đánh bại bộ máy quân sự của Nga. Dù sự sụp đổ của Liên Xô có thể không giúp dự đoán quỹ đạo của Nga, nhưng điều đó không có nghĩa là hành động của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến tương lai của nước này. Các nhà kinh tế học phương Tây và Nga đều nhất trí rằng, về lâu dài, các biện pháp trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế Nga thu hẹp khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng. Các ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc của nước này đặc biệt dễ bị tổn thương. Các máy bay chở khách, tàu lửa tốc độ cao, cũng như hầu hết xe hơi của Nga được sản xuất ở phương Tây, và hiện đã không thể tiếp cận với các công ty biết cách bảo trì và bảo dưỡng chúng. Ngay cả các số liệu thống kê chính thức của chính phủ cũng cho thấy rằng việc lắp ráp xe hơi mới ở Nga đã giảm mạnh – mà một phần là do các nhà máy ở Nga không còn nhập được các bộ phận sản xuất ở nước ngoài. Đến nay, tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga vẫn tiếp tục phát triển mà không bị cản trở gì, nhưng nó cuối cùng cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt. Trong quá khứ, các công ty phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp cho các nhà sản xuất vũ khí của Nga, kể cả sau khi nước này sáp nhập Crimea. Giờ đây, họ không còn làm vậy, không chỉ vì lý do đạo đức.
Ngành năng lượng của Nga hầu như không bị trừng phạt, và trong lúc giá cả tăng cao, họ thậm chí còn kiếm được nhiều tiền từ xuất khẩu hơn so với trước chiến tranh. Nhưng cuối cùng, sản lượng năng lượng cũng sẽ suy giảm, và ngành năng lượng cũng sẽ cần các phụ tùng thay thế và công nghệ nâng cấp mà chỉ phương Tây mới có thể cung cấp. Nhà chức trách Nga đã thừa nhận rằng sản lượng dầu của nước này đã giảm 7,5% trong tháng 3 và có thể giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 2003. Nhiều khả năng, việc bán năng lượng cũng sẽ trở thành một vấn đề, đặc biệt nếu Liên minh châu Âu có thể cắt giảm dầu và khí đốt từ Nga.
Putin phủ nhận rằng điều này sẽ xảy ra. Tại cuộc họp với những người đứng đầu các tập đoàn năng lượng, ông gọi các biện pháp trừng phạt của phương Tây là “hỗn loạn”, đồng thời khẳng định rằng chúng sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế và người tiêu dùng phương Tây hơn là người Nga, vì lý do lạm phát. Ông thậm chí còn nói về “hành động tự sát kinh tế” của châu Âu và hứa hẹn sẽ đi trước các hành động chống Nga của phương Tây. Ông tự thuyết phục bản thân rằng phương Tây không còn có thể ra quyết định theo ý mình trong nền kinh tế toàn cầu, do tính đa cực ngày càng tăng của thế giới. Ông không đơn độc; ngay cả các nhà kinh tế Nga phản đối Putin cũng tin rằng miễn là tài chính của đất nước còn ổn, thì phần còn lại của thế giới – bao gồm một số công ty, thương nhân, và trung gian phương Tây – sẽ chấp nhận vi phạm các lệnh trừng phạt để làm ăn với Nga. Khi nền kinh tế toàn cầu oằn xuống dưới sức nặng của chiến tranh, và khi cú sốc quốc tế vì xâm lược phai nhạt dần, họ tin rằng mối quan hệ của Nga với thế giới sẽ trở lại bình thường, như giai đoạn sau năm 2014.
Tuy nhiên, phương Tây dường như đã chuẩn bị sẵn sàng. Một ngày trước khi Putin phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng, các nhà lãnh đạo G-7 đã ra tuyên bố ủng hộ Ukraine, trong đó họ công nhận nước này là đồng minh của phương Tây và cam kết hỗ trợ tài chính, cung cấp vũ khí đều đặn, cho phép tiếp cận thông tin tình báo của NATO, và quan trọng là, tiếp tục gây áp lực kinh tế lên Nga. Chìa khóa trong tuyên bố này là một thông báo rằng họ nỗ lực hướng tới “sự cô lập Nga trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.” Nó lặp lại những gì Ursula von der Leyen, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, mô tả là các mục tiêu của EU: ngăn chặn các ngân hàng Nga “hoạt động trên toàn thế giới,” “phong tỏa xuất khẩu và nhập khẩu của Nga” và “khiến [Ngân hàng Trung ương Nga] không thể bán tài sản của mình.”
Sẽ không dễ dàng để duy trì mức độ thống nhất này, cũng không dễ để gia tăng áp lực trên nhiều lĩnh vực khác của Nga – chẳng hạn bằng cách đưa ra lệnh cấm vận của EU đối với dầu khí của Nga. Một số quốc gia, bao gồm Hungary (với Thủ tướng Viktor Orban, vẫn là một trong số ít bạn bè của Putin ở châu Âu) cũng như Đức và Ý, nhận thức được rằng lệnh cấm vận năng lượng sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của chính họ. Và dù châu Âu có đưa ra lệnh cấm năng lượng, điều đó sẽ không ngay lập tức dẫn đến khủng hoảng ở Nga. Suy cho cùng, doanh thu từ dầu mỏ của Liên Xô đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ cuối những năm 1980, nhưng đó không phải là điều khiến nước này phá sản. Thay vào đó, nguyên nhân là việc Gorbachev để mất quyền kiểm soát đối với ngân hàng trung ương, đồng rúp, và các cơ chế tài chính của đất nước. Miễn là Putin vẫn nắm quyền đối với những tài sản này và nghe theo lời khuyên của các chuyên gia, suy giảm lợi nhuận từ năng lượng sẽ không làm suy giảm mức độ dẻo dai của chế độ của ông.
Nếu phương Tây nghiêm túc về việc ngăn chặn Putin, họ sẽ phải cố gắng duy trì áp lực. Các biện pháp trừng phạt càng kéo dài và càng khắc nghiệt, thì chế độ kinh tế chống Nga của phương Tây càng được triển khai và nội hóa bởi các tác nhân khác trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia và công ty bên ngoài phương Tây sẽ ngày càng lo ngại hơn về các lệnh trừng phạt thứ cấp. Một số doanh nghiệp thậm chí có thể lo lắng cho danh tiếng của mình. Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã đình chỉ các hợp đồng mới với Nga. Các công ty Ấn Độ từng thể hiện sự sẵn sàng mua dầu của Nga với mức chiết khấu 30% hiện đang chịu áp lực mạnh mẽ, kêu gọi họ từ bỏ thương vụ.
Nếu các lệnh trừng phạt kéo dài và được thể chế hóa, phương Tây có thể vẫn thành công trong việc phá hoại hệ thống của Putin. Các nhà kinh tế tài năng của Moscow cuối cùng sẽ không thể bảo vệ đất nước khỏi những tác động kinh tế vĩ mô có tính hủy diệt. Ngay cả với khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng hoặc các biện pháp kích thích khác, nhà nước Nga cũng sẽ không thể vượt qua những tác động của việc bị cô lập, khi mà chi phí cho các dự án này tăng vọt, đặc biệt là với nạn tham nhũng đi kèm. Nếu không có bí quyết từ nước ngoài, hiệu suất sản xuất hàng hóa của Nga và chất lượng của chúng sẽ trở lại như những năm đầu thập niên 1990. Ba ‘nước Nga’ phụ thuộc vào trợ cấp nhà nước khi ấy sẽ cảm nhận sâu sắc sự yếu kém và cô lập ngày càng tăng của đất nước họ theo cách mà hiện tại họ chưa thể cảm nhận được. Những người này thậm chí có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn cho gia đình mình. Tất cả những điều này sẽ phá hủy câu chuyện của Putin: rằng ông là nhà lãnh đạo của “một nước Nga có chủ quyền và vĩ đại,” đất nước đã “vươn dậy” dưới nhiệm kỳ của ông.
Về lâu dài, có thể hình dung điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nhà nước Nga. Chủ nghĩa ly khai có thể gia tăng hoặc quay trở lại ở một số khu vực, chẳng hạn như Chechnya, nếu Điện Kremlin ngừng thanh toán hóa đơn cho cư dân tại đó. Căng thẳng nói chung sẽ gia tăng giữa Moscow – nơi gom tiền – với các thành phố và khu vực công nghiệp phụ thuộc vào xuất nhập khẩu. Kịch bản này nhiều khả năng sẽ xảy ra ở Đông Siberia và khu vực trung lưu sông Volga, những khu vực sản xuất dầu có thể bị buộc phải cống nạp phần lợi nhuận ngày càng lớn hơn cho Điện Kremlin.
Tuy nhiên, dù có yếu đi nhiều, nước Nga vẫn không phải chịu cảnh tan rã theo kiểu Liên Xô. Chủ nghĩa ly khai dân tộc không thực sự là mối đe dọa lớn đối với nước Nga ngày nay, nơi mà khoảng 80% công dân coi mình là người dân tộc Nga, so với thời kỳ Liên Xô. Các thể chế đàn áp mạnh mẽ của Moscow cũng đảm bảo rằng Nga sẽ không trải qua sự thay đổi chế độ, hoặc chí ít là không giống như kiểu thay đổi chế độ đã diễn ra vào năm 1991. Và người Nga, dù có chuyển sang thái độ chống chiến tranh, có lẽ sẽ không tiếp tục nổi cơn thịnh nộ và phá hủy đất nước của chính họ.
Dù thế, phương Tây vẫn nên kiên định đi trọn con đường. Các lệnh trừng phạt sẽ dần dần rút cạn kho tàng chiến tranh của Nga và cùng với đó là năng lực chiến đấu của nước này. Đối mặt với những thất bại ngày càng chồng chất trên chiến trường, Điện Kremlin có thể đồng ý với một hiệp định đình chiến không có lợi cho họ. Nhưng phương Tây cũng nên thực tế. Chỉ một người cực kỳ ủng hộ thuyết định mệnh mới có thể tin rằng vào năm 1991, không có lựa chọn nào thay thế cho sự sụp đổ của Liên Xô. Thật ra, con đường hợp lý hơn cho nhà nước Xô-viết là tiếp tục chủ nghĩa chuyên chế kết hợp với tự do hóa thị trường triệt để, và trao sự thịnh vượng cho các nhóm nhất định – tương tự như con đường mà Trung Quốc đã lựa chọn. Tương tự, việc phương Tây kỳ vọng rằng một nước Nga suy yếu sẽ sụp đổ cũng chỉ là thuyết định mệnh viển vông. Chí ít vẫn sẽ có một thời kỳ mà Ukraine và phương Tây phải chung sống với một nhà nước Nga suy yếu và nhục nhã, nhưng vẫn chuyên quyền. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây nên chuẩn bị cho tình huống này, hơn là mơ mộng về sự sụp đổ ở Moscow.
Vladislav Zubok là Giáo sư Lịch sử Quốc tế tại Trường Kinh tế London và là tác giả cuốn sách “Collapse: The Fall of the Soviet Union.”