Seite auswählen

Hình minh hoạ: Công an đứng canh giữa các tù nhân trong lễ công bố lệnh đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khanh hôm 31/8/2015 tại một trại giam ở ngoại thành Hà Nội  AFP

Những người bị án tù với cáo buộc ‘lật đổ chính quyền’ tiếp tục không nằm trong nhóm được đặc xá vào dịp 2/9 tới đây.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 7/7, dẫn quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký về việc đặc xá năm 2022 và được công bố tại cuộc họp báo hôm 4/7 vừa qua ở Hà Nội.

Cụ thể, quyết định đặc xá nhân dịp quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm nay áp dụng cho những người bị án tù có thời hạn, tù chung thân mà thời gian chấp hành án để xét được đặc xá tính đến ngày 31/8/2022.

Quyết định nêu cụ thể những trường hợp không được đề nghị đặc xá gồm những người bị kết án tù với cáo buộc phản bội tổ quốc; hoạt động nhằm lật đổ chính quyền; làm gián điệp; xâm phạm an ninh lãnh thổ; bạo loạn; khủng bố nhằm chống chính quyền; phá hoại cơ sở vật chất- kỹ thuật của Nhà nước Việt Nam; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Vn CHXHCN; phá rối an ninh; chống phá cơ sở giam giữ; khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh…

Theo thống kê của Đài Á Châu Tự Do, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 19 người thuộc giới bất đồng chính kiến từ đầu năm đến nay, hơn một nửa trong số này bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015, với mức án tù từ ba đến 12 năm tù, có khi lên tới 20 năm tù nếu bị kết tội. Cũng trong thời gian này, ít nhất năm người đã bị kết tội theo tội danh này với mức án từ năm năm đến tám năm tù giam.

RFA (07.07.2022)

 

 

Một nhóm Tín đồ Tin lành Tây Nguyên liên tục bị ngăn cản thực hành tôn giáo

Công an bắt giữ các tín đồ thuộc Hội Thánh tư gia độc lập ở Dak Lak hồi năm 2021.  Người Thượng vì công lý/RFA edited

Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hôm 5/7 đã ngăn chặn buổi cầu nguyện tại tư gia của hơn 40 tín đồ theo một hội thánh Tin lành độc lập.

Ông N, một người tham gia buổi lễ cầu nguyện, thuật lại với RFA rằng khoảng 8 giờ 30 sáng, theo định kỳ hàng tháng, hơn 40 người, bao gồm cả tín đồ và các thầy truyền đạo có mặt tại nhà ông Y Tlup Adrơng, tại buôn K’mrơng Prong B, xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, để cùng nhau cầu nguyện và thực hiện các nghi lễ của đạo.

Khi đó, có năm người, gồm một người mặc sắc phục công an, và bốn người mặc thường phục đến nhà ông Y Tlup Adrơng để tra hỏi, ngăn chặn mọi người làm lễ:

“Họ (công an – PV) nói là tập trung đông người là Nhà nước không cho phép. Họ còn tấn công ông thầy truyền đạo Y Tlup Adrơng trong buổi lễ.

Mình nói với mấy ông đó là mình thờ phượng Chúa chứ đâu có làm gì đâu, nếu cần thì vào thờ phượng chung luôn. Ông ấy nói là tại vì chính quyền không cho tập trung đông người, nếu có thì chỉ có 5-10 người đổ lại thôi.”

Sau khi dò xét danh tính tất cả những tín đồ đến dự lễ, phía công an rút qua bên đường, tiếp tục theo dõi nhóm người này làm lễ.

Đài Á châu Tự do liên hệ với Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cán bộ trực ban hình sự ở đây cho biết họ không thể trả lời phỏng vấn và yêu cầu phóng viên đến trụ sở công an nếu muốn tìm hiểu thêm chi tiết.

Theo lời ông N, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền ngăn cản nhóm của ông tụ họp, cầu nguyện cùng nhau. Trong các năm 2018 và 2019, chính quyền xã Ea Tu đã cấm đoán những người này không được tổ chức lễ Giáng sinh. Những người cố gắng tìm cách giữ đạo luôn là mục tiêu đàn áp của chính quyền:

“Năm 2017, hai anh em tôi bị giữ lại hai ngày hai đêm, rất dã man. Dù là họ không đánh nhưng họ làm cho mình suy sụp, yếu ớt. Họ không cho mình ngủ hai ngày đêm. Họ làm như vậy mình buồn bực lắm!”

Ông T, một người Ê-đê theo đạo Tin Lành ở Đắk Lắk chia sẻ với RFA rằng ông bị sách nhiễu liên tục từ khi tham gia vào cuộc biểu tình ở Tây Nguyên năm 2004. Năm đó, ông bị nhốt chín ngày, bị tra tấn đánh đập trong suốt những ngày đó:

“Năm 2004 có vụ xô xát, chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam phải cho chúng tôi sinh hoạt tự do tôn giáo, nhưng mà chính quyền đã đến đánh đập, tra khảo.

Bản thân tôi bị đánh rất là nhiều. Tuy là không bỏ tù nhưng họ nhốt tôi  chín ngày. Từ đó đến nay chính quyền mời làm việc nhiều lần. Mỗi lần mời là nó đánh đập rất dã man.

Nhiều người Ê-đê của chúng tôi theo đạo bị bỏ tù, có một số người bị chết.”

Chính quyền còn áp dụng nhiều biện pháp khác nhằm ép những tín đồ không theo nhà nước phải bỏ đạo, như là không cấp phép sinh hoạt tôn giáo, tuyên truyền, bôi nhọ các tín đồ Tin lành độc lập:

“Năm 2016, họ (công an – PV) mời mình lên xã ép bỏ đạo. Họ hỏi anh theo đạo thì họ cho anh cái gì. Tôi nói là họ không cho cái gì, tôi theo đạo là để sau này linh hồn tôi được lên thiên đàng. Họ nói là anh phải bỏ đạo đi. Họ ép tôi như vậy!”

Ông N cho biết như vậy và nói rằng ngay cả tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), mục sư và cả những người theo Hội thánh vừa nêu đều không muốn sinh hoạt tôn giáo cùng với những người sắc tộc theo đạo Tin lành độc lập. Vậy nên, nhiều người phải tự tập trung hành lễ cùng nhau tại tư gia:

“Người ta nói là mình phản động. Họ ghét mình, nói mình là người xấu nên họ không cho mình thờ phượng chung với họ.

Cho nên mình vào chung với họ thì họ ngại. Họ sợ mình, họ nói như vậy nên mình cũng ngại đi thờ phượng Chúa chung nên phải tách ra làm riêng tại tư gia thôi.”

Ông T cho biết, mới đây, ông có làm một lá đơn đăng ký điểm sinh hoạt tôn giáo độc lập. Thay vì gởi văn bản trả lời, chính quyền địa phương đã chặn đường, cưỡng chế ông về công an huyện:

“Mới đây, mình cũng có gửi một cái văn bản đăng ký một điểm sinh hoạt tôn giáo độc lập.

Tôi đang chở con đi học buổi sáng thì có tới 12 người công an áp giải tôi lên huyện luôn, ngay trước mặt con, bỏ rơi hai đứa con ngoài đường luôn mà.

Chính quyền nói là cái đơn này không đúng, không nói rõ về tôn giáo.”

Ông Y Quynh Bdap, hiện đang ở Thái Lan, là người sáng lập tổ chức “Người Thượng vì công lý” cho biết, hiện đang có khoảng 60 người Thượng bị bắt bỏ tù chỉ vì niềm tin tôn giáo của mình.

RFA (06.07.2022)

 

 

Việt Nam: thò lò 6 mặt

Nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo

Mấy hôm trước trên trang mạng của VNTB có đăng bài viết, “Dưới áp lực ngoại giao chính quyền VN phải nới lỏng quyền tự do đi lại của tín đồ Cao Đài 1926.” Bài viết chỉ về một tín đồ đạo Cao Đài chân truyền 1926 được dễ dàng ra đi vì áp lực ngoại giao từ phía Hoa Kỳ. Những người khác xin đi cùng lý do lại bị chính quyền VN chận lại. Điều đó phản ánh chính sách thò lò sáu mặt, bất chấp luật pháp và nhân quyền của VN.

Trường hợp thứ nhất Mục sư A Đảo

Mục sư A Đảo thường trú tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, bị bắt tháng 8/2016. Toà án Nhân Dân Gia Lai đã tuyên phạt 5 năm tù tội “tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép”. Thời gian đó người Thượng Tây Nguyên đang bỏ trốn sang Thái Lan tỵ nạn vì bị chính quyền VN đàn áp tôn giáo.

Tháng 9 năm 2020, MS A Đảo được trả tự do.

Mục sư A Đảo

Nhân dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Thế Giới dự định họp vào những ngày cuối tuần tháng 6/2022, MS A Đảo đã nhận lời mời của nguyên đại sứ lưu động về tự do tôn giáo Brownback tham dự. Ông Đại Sứ cũng đã gửi thư mời Chánh Trị Sự đạo Cao Đài Chân Truyền 1926 Nguyễn Xuân Mai. MS A Đảo có được visa vào Mỹ và đã mua vé máy bay, nhưng ông đã bị công an bắt tại Sài Gòn và giải về Kon Tum.

7 luật sư nhân quyền của tổ chức ADF International đã cùng mục sư A Ga, thuộc Hội thánh Tin Lành Tây Nguyên Đấng Christ, và Ts. Phan Quang Trọng, thuộc tổ chức Vận Động cho Đức Tin và Công Lý tại Việt Nam đã đến Thượng Viện Hoa Kỳ sáng ngày 28 tháng 6, gặp gỡ và trao đổi với văn phòng thượng nghị sĩ Langford (TB Oklahoma) và Rubio (TB Florida) về việc nhà cầm quyền tỉnh Kon Tum ngăn cấm mục sư A Đảo tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo quốc tế 2022, và đang đàn áp tinh thần dữ dội mục sư và gia đình.

Trường hợp thứ 2 về vợ của tù nhân tôn Giáo Nguyễn Bắc Truyển.

Ông Nguyễn Bắc Truyển sinh năm 1968, tín đồ đạo Hoà Hảo đã bị bắt 2 lần. Lần thứ 1, ông bị bắt ngày 17 tháng 11,2006. Bị án tù 3 năm. Ngày 30 tháng 7, 2017 ông lại bị bắt lần thứ 2 và bị kết án 11 năm. Bà Bùi Kim Phượng, vợ ông cho hay ông bị đối xử nghiệt ngã trong tù, Trại giam An Điềm nhiều lần không cho ông nhận thư nhà và cũng nhiều lần chận thư ông gửi.

Bà Bùi Kim Phượng nhiều lần bị công an sân bay chận không cho xuất cảnh. Năm 2019, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế mời bà đi dự hội nghị, nhưng khi tới sân bay Tân Sơn Nhất bà bị công an không cho xuất cảnh nại cớ vì an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đến 2020, 2022 bà đều được mời, nhưng chính quyền VN vẫn cấm xuất cảnh.

Bà Bùi Thị Kim Phượng

Việt Nam đã công nhận quyền tự do đi lại của công dân quy định trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc.

Điều 13 của Tuyên Ngôn này ghi rõ:

1) Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.

2) Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.

Điều 23 Hiến pháp năm 2013 của VN cũng quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.

Chính quyền cộng sản VN đã trắng trợn vi phạm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và chà đạp lên Hiến Pháp của họ.

Đối chiếu trường hợp của Chánh Trị Sự Nguyễn Xuân Mai, tưởng như là VN vì chịu áp lực ngoại giao đã dễ dãi cho bà xuất cảnh, và 2 trường hợp bị cấm xuất cảnh của bà Bùi Kim Phượng và MS A Đảo, người ta thấy rõ ràng sự hành xử bất nhất của chính quyền cộng sản VN. Họ sẵn sàng chà đạp lên công ước quốc tế mà họ đã công nhận và lên chính Hiến Pháp của họ.

 

Trong báo cáo thường niên gần đây nhất, năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) vẫn coi Việt Nam là một quốc gia cần quan tâm đặc biệt, CPC, vì đàn áp, kiểm soát và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng đối với người dân.

Hoàng Lan Mộc Châu

VNTB (06.07.2022)

 

 

Việt Nam có thể không được nhận tài trợ môi trường vì bắt Ngụy Thị Khanh

Việc Việt Nam tuyên án hai năm tù bà Ngụy Thị Khanh, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, khiến các đặc sứ môi trường của Hoa Kỳ và Âu Châu đâm ra lúng túng trong nỗ lực vận động quốc gia Đông Nam Á này từ bỏ việc sử dụng than đá, nguồn ô nhiễm môi trường.

Một bài viết đăng trên báo mạng Politico ngày 26 Tháng Sáu cho hay ông John Kerry, đặc sứ môi trường của Tổng Thống Joe Biden, và ông Frans Timmermans, người đồng nhiệm của ông bên Liên Âu, đang cùng các nhà vận động môi trường quốc tế lên tiếng đòi hỏi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Khanh, cho rằng việc giam giữ bà gây nguy hại cho thỏa thuận có mục đích thuyết phục quốc gia tiêu thụ năng lượng than đá lớn hàng thứ chín trên thế giới này từ bỏ thứ nhiên liệu hóa thạch.

Bà Ngụy Thị Khanh tại văn phòng tổ chức bảo vệ môi trường do bà sáng lập ở Hà Nội. (Hình minh họa: Lillian Suwanrumpha/AFP via Getty Images)

Cũng theo bài báo đó, ông Michael Sutton, giám đốc điều hành cơ quan môi trường Goldman Environmental Foundation, có trụ sở tại San Francisco, Hoa Kỳ, tuyên bố: “Đây là lúc phải hành động dứt khoát và nói thẳng với Việt Nam rằng Hoa Kỳ không thể tha thứ cho chuyện đó [bỏ tù bà Ngụy Thị Khanh] được. Goldman Environmental Foundation chính là cơ quan đã trao một giải thưởng quý giá về môi trường cho bà Khanh hồi năm 2018.

Vụ kết án tù bà Khanh vào hôm 17 Tháng Sáu rồi về tội trốn thuế diễn ra khi các cường quốc Tây Phương đang thương thuyết với Việt Nam về kế hoạch chi tiêu hàng tỷ đô la để Việt Nam chuyển đổi sang việc dùng năng lượng sạch.

Theo một tài liệu mà Politico có được, trước khi hội nghị G-7 khai mạc vào hôm 26 Tháng Sáu tại Bavaria, Đức, 58 tổ chức xã hội dân sự đã áp lực các giới chức bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ và Liên Âu đòi hỏi Việt Nam phải phóng thích các nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam để đổi lấy những trợ giúp tài chánh nhằm chuyển đổi sang việc sử dụng năng lượng sạch.

Cuộc đối thoại với Việt Nam là một phần của phương thức đa quốc gia mà các chính phủ Hoa Kỳ, Anh, và Liên Âu đang theo đuổi nhằm thuyết phục các nền kinh tế đang vươn lên từ bỏ than đá và tạo thêm nhiều nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió, và thực vật. Đã có nhiều tiến bộ đạt được trong các cuộc thương lượng với Nam Phi qua một dự án trị giá $8.5 tỷ, nhằm giúp cho quốc gia này từ bỏ việc sử dụng than đá làm nguồn năng lượng chính.

Hồi năm ngoái, tại các cuộc đối thoại về môi trường do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Glasgow, Scotland, Việt Nam cam kết chấm dứt việc xây dựng thêm các nhà máy sản xuất năng lượng bằng than đá với mục tiêu loại bỏ hẳn chất khí thải trên toàn quốc vào năm 2050. Theo các tài liệu do cơ quan kiểm tra năng lượng thế giới Global Energy Monitor công bố thì Việt Nam là quốc gia mỗi năm tiêu thụ tới gần 21 gigawatts điện năng sản xuất từ than đá, được coi là lớn nhất tại vùng lưu vực sông Mekong.

Bà Saskia Briemont, một thành viên của Nghị Viện Âu Châu, tuyên bố rằng cáo buộc trốn thuế của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động môi trường là “không đáng tin cậy,” và bà cho rằng “đó chỉ là điều dối trá.”

Tuần rồi, cả Hoa Kỳ lẫn Anh đều công khai kêu gọi phải trả tự do cho bà Khanh. Trong một lời tuyên bố gởi cho Politico, một phát ngôn viên chính phủ Anh “bày tỏ mối quan ngại sâu xa” về bản án dành cho các nhà hoạt động môi trường Việt Nam.

Mặt khác, trong một bản thông báo gởi cho chính quyền Hà Nội vào hôm 21 Tháng Sáu, phái bộ Liên Âu tại Việt Nam gợi ý rằng khối này đang xem xét việc rút lại nguồn tài trợ cho kế hoạch chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh dành cho Việt Nam.

Vụ này làm nổi bật tình trạng khó xử từng gây chia rẽ các giới chức Tây Phương khi họ cố kết thúc các cuộc thương lượng về khí hậu và môi trường với các quốc gia gây nhiều ô nhiễm khắp thế giới.

Ông Jake Schmidt, một giám đốc chiến lược về khí hậu quốc tế tại Hội Đồng Bảo Vệ Tài Nguyên Thiên Nhiên (Natural Resources Defense Council), nói: “Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có nghĩa là phải làm việc với các quốc gia không phải lúc nào cũng tuân thủ những nguyên tắc bảo vệ nhân quyền cùng nền dân chủ và nghe theo những khuyến cáo của Hoa Kỳ, cho nên, mọi phía đều phải tím cách vượt qua các trở ngại này.”

Cũng còn có vấn đề địa chính trị nữa. Vẫn theo lời ông Schmidt, chuyện rút lại hàng tỷ đô la dành cho Việt Nam dẫn tới nguy cơ khiến họ càng gia tăng các nỗ lực ngả về phía các đối thủ của Hoa Kỳ, như Trung Quốc chẳng hạn, để tìm vốn cho các kế hoạch thay đổi nguồn năng lượng của họ. Và điều này có thể khiến cho Việt Nam phải tùy thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch trong một thời gian lâu dài hơn.” 

Người Việt (06.07.2022)

 

 

Đảng lãnh đạo Hội Luật Gia: vẫn cương lĩnh Đảng đứng tên pháp luật!

Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Trong Chỉ thị, Bộ Chính trị yêu cầu Hội Luật gia tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thi hành pháp luật; thường xuyên chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Song song đó, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác của Hội Luật gia.

Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chịu sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự quản lý của Nhà nước. Luật gia là thành viên của Hội Luật gia.

Nghị quyết thường là một tháng ra một lần trong khi luật có tính ổn định từ vài năm đến vài chục năm. Đảng lãnh đạo Hội luật gia chẳng khác nào ‘thằng’ ổn định bị ‘thằng’ không ổn định lãnh đạo. Như thế, cương lĩnh chính trị của đảng đặt lên trên Hiến pháp và Pháp luật rồi. Họ muốn áp đặt, đó là bản chất của vấn đề. – Một luật gia

Một luật gia không muốn nêu tên ở Hà Nội cho rằng, một khi Đảng tăng cường sự lãnh đạo một tổ chức như Hội Luật gia, có nghĩa Đảng đứng trên luật pháp. Ông nói:

“Ở Việt Nam có rất nhiều hội, hội nào cũng do Đảng lãnh đạo và quản lý. Hội viên phải đóng tiền. Như thế họ vừa thu tiền lại vừa quản lý. Đối với Hội Luật Gia, đây không phải lần đầu tiên họ tăng cường lãnh đạo. Trong tất cả các tổ chức chính trị xã hội đều có sự lãnh đạo của Đảng hết. Nếu họ thấy chưa đủ thì họ ra chỉ thị tăng cường thôi, tức quản lý chặt chẽ hơn theo định hướng của đảng.

Vấn đề là nếu sự lãnh đạo của Đảng mà xung đột lợi ích với pháp luật thì hội viên phải đứng về phía nào, bởi định hướng và nghị quyết của Đảng là ý chí của một nhóm người, trong khi đó, pháp luật là ý chí của toàn dân.

Nghị quyết thường là một tháng ra một lần trong khi luật có tính ổn định từ vài năm đến vài chục năm. Đảng lãnh đạo Hội luật gia chẳng khác nào ‘thằng’ ổn định bị ‘thằng’ không ổn định lãnh đạo. Như thế, cương lĩnh chính trị của Đảng đặt lên trên Hiến pháp và Pháp luật rồi. Họ muốn áp đặt, đó là bản chất của vấn đề.”

Ngoài việc đứng trên luật pháp như nhận định của vị luật gia giấu tên ở Hà Nội vừa nêu, Đảng Cộng sản Việt Nam còn đứng trên cả Hiến pháp. Điều này được chính ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng tuyên bố trước cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm hôm 28 tháng 9 năm 2013 và được báo VNExpress dẫn lại: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.

Liên quan giữa Hiến pháp và Cương lĩnh của đảng, tháng 11 năm 2013, khi Quốc hội chính thức thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – nhấn mạnh, rằng bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng; khẳng định vị trí lãnh đạo Nhà nước, xã hội của Đảng cũng như xác định rõ trách nhiệm của Đảng so với bản Hiến pháp trước.

Trong khi đó, Điều 119, khoản 1 Hiến pháp 2013 quy định: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”

Luật sư Võ An Đôn, người từng tham gia bào chữa trong các vụ xử  công an đánh chết người dân hay xử các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư vào năm 2017, nêu quan điểm của ông về mối liên hệ giữa đảng và các tổ chức liên quan đến luật sư, luật gia ở Việt Nam:

“Mọi tổ chức ở Việt Nam đều dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Hội Luật gia hội. Hội này quy tụ những cán bộ, công chức làm trong cơ quan nhà nước mà am hiểu pháp luật.

Từ xưa đến giờ thì Hội Luật gia vẫn dưới sự lãnh đạo của Đảng chứ không thoát được. Bây giờ họ tăng cường lãnh đạo có nghĩa là người ta quản lý chặt hơn. Có lẽ họ sợ những luật sư có uy tín với cộng đồng sẽ thoát khỏi sự lãnh đạo của họ. Còn với Đoàn luật sư thì có quy định mỗi tỉnh, thành có Đoàn luật sư riêng. Ở trung ương thì có Liên đoàn luật sư quản lý toàn bộ các Đoàn luật sư ở các tỉnh. Về mặt luật pháp thì nó là một cái hội nghề nghiệp do những luật sư thành lập nên, nhưng thực tế thì đoàn luật sư do đảng lãnh đạo. Người đứng đầu Đoàn luật sư gọi là Chủ nhiệm đoàn luật sư. Người này bắt buộc phải là đảng viên và được sự đồng ý của Đảng ở địa phương mới làm chủ nhiệm được.”

Với cách tổ chức như vậy thì Việt Nam không thể có mô hình tam quyền phân lập khi các quyền của Nhà nước là lập pháp, hành pháp, và tư pháp không được phân chia cho ba cơ quan độc lập nắm giữ, mà tất cả thuộc sự quản lý và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mọi tổ chức ở Việt Nam đều dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Hội Luật gia hội. Hội này quy tụ những cán bộ, công chức làm trong cơ quan Nhà nước mà am hiểu pháp luật. – Luật sư Võ An Đôn

Cách đây năm năm, ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Theo đó, đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đòi thực hiện thể chế tam quyền phân lập, xã hội dân sự, đa nguyên, đa đảng; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Một năm sau, trang web của Ban tuyên giáo bổ sung bài viết của PGS.TS. Trần Văn Phòng với tựa “Có nên vận dụng mô hình tam quyền phân lập vào Việt Nam hiện nay?”

Tác giả cho rằng, không nên vận dụng mô hình này vào Việt Nam bởi, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

RFA (06.07.2022)

 

 

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Lân Thắng bị bắt tạm giam

Ông Nguyễn Lân Thắng lúc´bị công an bắt. Ảnh do công an Hà Nội cung cấp và được chụp lại từ màn hình báo Tuổi Trẻ

Ông Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng ở trong nước, vừa bị công an Hà Nội bắt tại nhà riêng và bị khám xét nhà, theo lệnh của Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội, báo chí trong nước đưa tin.

Theo đó, ông Thắng bị bắt tạm giam để điều tra về tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì ông Thắng bị bắt vào lúc 8h sáng ngày 5/7 tại nhà riêng. Sau khi khám xét nhà thì công an đã ‘tịch thu một số thiết bị kỹ thuật số và sách nhân quyền’.

Nếu bị kết tội, ông Thắng sẽ đối diện các khung hình phạt từ 1-5 năm tù nếu được xác định là chuẩn bị phạm tội, từ 5-10 năm tù nếu phạm tội nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng, và từ 10-20 năm tù trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Trên trang Facebook của mình, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà tranh đấu dân chủ và là bạn của ông Thắng, cho biết kể từ khi ông Thắng có con nhỏ thì ông ‘ở nhà giúp vợ chăm sóc con cái là chính, không còn hoạt động gì nữa’.

“Thắng là nhà hoạt động xã hội dân sự từ rất sớm. Mong muốn của Thắng là có một xã hội tiến bộ, đất nước giàu mạnh không bị Tàu cộng hiếp đáp…,” ông Chênh viết trên tài khoản cá nhân của ông.

Ngay sau khi ông Thắng bị bắt, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phụ trách Châu Á, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã ra tuyên bố lên án hành động bắt ông Thắng của chính quyền Việt Nam là ‘trấn áp quyền tự do ngôn luận đáng phẫn nộ và không thể chấp nhận được’.

Ông Robertson, người nhiều năm theo dõi các vụ bắt bớ và trấn áp của chính quyền Việt Nam, dự đoán rằng ông Thắng cũng như những người khác sẽ ‘đối mặt với một phiên tòa không chính đáng và án tù nhiều năm vì nói lên suy nghĩ của mình’.

“Việc Nguyễn Lân Thắng vận động ôn hòa cho cải cách dân chủ và công lý cần được tôn trọng và lắng nghe thay vì đàn áp một cách vô lý như thế này. Các chính phủ trên khắp thế giới cần yêu cầu Việt Nam thả Nguyễn Lân Thắng ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời gây áp lực buộc Hà Nội phải chấm dứt làn sóng đàn áp này,” tuyên bố của ông Phil Robertson viết.

Ông Nguyễn Lân Thắng năm nay 47 tuổi, là thành viên của một dòng họ ‘danh gia, vọng tộc’ ở Hà Nội. Ông nội của ông Thắng là Giáo sư Nguyễn Lân, nhà nghiên cứu, nhà biên soạn từ điển nổi tiếng. Thân phụ và các cô, chú, bác của ông Nguyễn Lân Thắng đều là các giáo sư-tiến sỹ giảng dạy tại các trường đại học lớn ở Hà Nội, trong đó có Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng là đại biểu Quốc hội.

Ông Thắng từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, là thành viên Câu lạc bộ bóng đá NoU vốn quy tụ các thành viên phản đối đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông và thường lên tiếng về các vấn đề dân chủ ở Việt Nam trên trang cá nhân của ông, hay trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài.

Ông Thắng từng tham gia một khóa huấn luyện của VOICE, tức ‘Sáng kiến vì lương tâm người Việt hải ngoại’, một tổ chức phi chính phủ vận động quyên góp cho các hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ông bị chính quyền bắt tạm giam một lần vào năm vào năm 2013 nhưng sau đó đã được thả ra.

VOA (05.07.2022)

 

 

Luật pháp Việt Nam: Văn bản và áp dụng không song hành!

Báo địa phương Tây Ban Nha chỉ đưa tin mà không tiết lộ danh tính hai nghệ sĩ Việt Nam.

Hôm 29 tháng 6 năm 2022, một tờ báo địa phương ở Tây Ban Nha có bản tin “Two famous Vietnamese artists accused of raping a British teenager”, tạm dịch: “Hai nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam bị cáo buộc hiếp dâm một thiếu nữ Anh”. Bản tin không tiết lộ danh tính hai nghệ sĩ này.  

Hai hôm sau, báo chí Nhà nước Việt Nam cho hay, Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tạm đình chỉ công tác với nhạc sĩ, giảng viên Hồ Hoài Anh. Cùng lúc, các phim có diễn viên Hồng Đăng đột ngột dừng phát sóng trên VTV và thay bằng phim khác, không có diễn viên này. 

Sáng ngày 5 tháng 7, truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu chính thức của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: “Đến sáng ngày 4 tháng 7 hai người này vẫn còn tại ngoại, chờ gặp thẩm phán và đã có luật sư để xử lý các vấn đề pháp lý. Đại sứ quán đã cử người xuống tận nơi để giúp đỡ pháp lý.” 

Việc phía cơ quan chủ quản của hai nghệ sĩ Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng có những động thái như thể hai nghệ sĩ này đã phạm tội, cần phải kỷ luật khiến dư luận chuyển từ hoài nghi sang xác định rằng, hai nghệ sĩ mà báo chí Tây Ban Nha đăng tải chính là hai người này. 

Điều đó làm cho người ta cảm thấy sự đóng sự đóng góp của giới nghệ sĩ đối với hệ thống đó nó trở nên hết sức đáng thương, bởi vì nó không tìm thấy được một cái sự phán xét điềm tĩnh và chừng mực. – Nhạc sĩ Tuấn Khanh 

Với tư cách là một nghệ sĩ, nhạc sĩ Tuấn Khanh nêu quan điểm của ông với RFA: 

“Trong trường hợp này, hai người nghệ sĩ bị báo chí Tây Ban Nha nói là phạm pháp và họ chưa đưa danh tính nhưng ở Việt Nam lại vội vàng làm cái chuyện đó, cho thấy VTV tự mãn về giá trị của mình và sẵn sàng rời bỏ tất cả những nghệ sĩ, mặc dù đó chỉ là nghi hoặc. Điều đó làm cho người ta cảm thấy sự đóng sự đóng góp của giới nghệ sĩ đối với hệ thống đó nó trở nên hết sức đáng thương, bởi vì nó không tìm thấy được một cái sự phán xét điềm tĩnh và chừng mực. 

Trong câu chuyện đó, điều tối thiểu cần làm khi đưa ra lời tuyên bố rút các chương trình của họ xuống thì phải có một thông báo và cụ thể mang tính chính danh của đài, ví dụ như nói rằng, chúng tôi có thông tin đó và để phòng hờ cho những sai lầm, chúng tôi tạm thời rút các chương trình của họ xuống. Nếu điều này không phải là sự thật thì chúng tôi sẽ lấy lại công bằng cho họ khi họ quay trở về.  

Không làm được điều tối thiểu đó cho thấy hệ thống truyền hình Việt Nam hết sức tàn nhẫn. Đồng thời họ bị đám đông và dư luận thao túng trước khi họ có một quyết định mang tính pháp lý. Ngay cả cảnh sát Tây Ban Nha họ cũng chưa dám công bố, chưa dám kết luận mà Việt Nam đã làm trước.” 

Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, những câu chuyện tương tự như vậy diễn ra hằng ngày tại Việt Nam lâu nay nhưng dư luận xã hội không lên tiếng mạnh mẽ. Lúc này câu chuyện làm cho người ta quan tâm vì hai nghệ sĩ đó là nhân vật của Nhà nước; là hai nhân vật của thế hệ xã hội chủ nghĩa. So với câu chuyện Tịnh Thất Bồng Lai, báo chí Nhà nước đưa tin họ loạn luân; lợi dụng từ thiện để trục lợi, lừa gạt… cuối cùng kết luận là họ lợi dụng quyền tự do dân chủ. 

Ngoài việc bị coi là không tôn trọng nhân phẩm và danh dự người dân nói chung của cơ quan ngôn luận và một số cơ quan chức năng Việt Nam, câu chuyện của Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng còn cho thấy có khiếm khuyết về vấn đề pháp lý. Một số chuyên gia về luật pháp cho rằng, khi chưa có văn bản tố tụng nào của Tây Ban Nha kết tội hai nghệ sĩ Việt Nam, mà cơ quan chủ quản của hai nghệ sĩ này lại dừng phát phim, chương trình có hai nghệ sĩ là phản ứng không đúng với diễn tiến pháp lý vụ việc. Thực tế cho thấy ở các nước dân chủ, không ít cáo buộc phạm tội bị bác bỏ vì không đủ bằng chứng, không chứng minh được hành vi phạm tội. Không như các loại “án bỏ túi” trong các phiên tòa ở Việt Nam. Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA: 

“Luật hình sự Việt Nam có quy định hai nguyên tắc rất quan trọng. Thứ nhất, một người không bị coi là tội phạm cho đến khi có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc thứ hai là suy đoán vô tội. Trên thế giới người ta đã có hai nguyên tắc đó và Việt Nam rất là tiến bộ về mặt văn bản nhưng về thực tế áp dụng thì còn rất nhiều hạn chế.  

Thí dụ ở Tây Ban Nha họ chỉ công bố là có sự việc như vậy và không nói hai người đó có tội, đặc biệt họ không tiết lộ danh tính, tức là họ tuân thủ hai nguyên tắc tôi vừa nói. Trong khi đó, chính báo chí và các cơ quan chủ quản của hai người này đã “vô tình” tiết lộ danh tính khi cho dừng các chương trình có tên hai nghệ sĩ này. 

Công chúng Việt Nam đủ thông minh để gắn kết hai cái câu chuyện ở Việt Nam và Tây Ban Nha với nhau. Từ đó công chúng họ bàn tán và thậm chí họ kết án hai người này trước khi tòa án bên Tây Ban Nha kết tội họ. Điều là một trong những ví dụ điển hình cho thấy rõ, sự tiến bộ của văn bản luật pháp và sự tiến bộ của việc áp dụng luật pháp ở Việt Nam không song hành.” 

Luật hình sự Việt Nam có quy định hai nguyên tắc rất quan trọng. Thứ nhất, một người không bị coi là tội phạm cho đến khi có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc thứ hai là suy đoán vô tội. Trên thế giới người ta đã có hai nguyên tắc đó và Việt Nam rất là tiến bộ về mặt văn bản nhưng về thực tế áp dụng thì còn rất nhiều hạn chế. – Luật sư Đặng Đình Mạnh

‘Nguyên tắc suy đoán vô tội’ ra đời nhằm xác định sự thật khách quan, bảo đảm quyền con người và bảo đảm công lý. Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 quy định nội dung nguyên tắc này: 

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. 

Pháp luật Việt Nam được coi là văn minh, tiến bộ khi có đầy đủ những nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền con người, nhưng trên thực tế, bị can, bị cáo không được hưởng những quyền đó. Cuối tháng 3 năm 2021, tại buổi đóng góp ý kiến liên quan đến ngành tư pháp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa của đoàn thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: “Công lý được đảm bảo thì người dân không cần xem phim Bao Công”. Theo ông Nghĩa, nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh luận tại tòa chưa được áp dụng triệt để. 

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng của đoàn Bến Tre thì nêu lên hiện tượng “hòa giải dưới lưỡi dao” vẫn còn trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam.

RFA (05.07.2022)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen