- Hiếu Chân
13 tháng 8, 2022
Sài Gòn Nhỏ
Quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng đã thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát, thêm một chiến thắng quan trọng vào bảng thành tích lập pháp của Tổng thống Joe Biden và có thể định hình lại cảnh quan chính trị ngay trước cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ sẽ diễn ra sau ba tháng nữa.
Khi tranh cử tổng thống, ông Biden hứa sẽ có một mạng lưới an sinh xã hội mới. Ông cam kết sẽ đưa ra một kế hoạch mạnh mẽ chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông thề sẽ làm giảm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bằng cách buộc người giàu “phải trả phần của họ”. Và ông sẽ chứng tỏ nền dân chủ của nước Mỹ vẫn còn hoạt động được.
Chiến thắng lập pháp của Biden
Ngày thứ Sáu 12 Tháng Tám 2022 – mười chín tháng sau ngày ông Biden lên cầm quyền – Hạ Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua đạo luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act – IRA) sau khi Thượng Viện đã thông qua nó cách đây năm ngày. Như vậy, luật đã sẵn sàng để Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Người Mỹ sẽ giảm được chi phí mua thuốc kê toa, được mở rộng trợ cấp chăm sóc sức khỏe và đất nước sẽ đầu tư hàng tỷ đô la vào các chương trình khí hậu và năng lượng.
Luật IRA thực ra là bản thu gọn của một dự luật lớn hơn nhiều: Dự luật Xây Dựng Lại Tốt Hơn (Build Back Better, gọi tắt là 3B) đã được đảng Dân Chủ giới thiệu từ đầu năm ngoái. Sau khi thông qua được luật Cứu Người Mỹ (American Rescue Plan), chi phí $1,900 tỷ để hỗ trợ tài chính cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19; và sau đó thông qua Luật Cơ sở Hạ Tầng chi phí $1,000 tỷ đầu tư vào hệ thống đường cao tốc, đường truyền internet băng thông rộng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác thì ông Biden tập trung vào dự luật 3B.
Dự luật 3B lúc đầu có chi phí ước tính lên tới $3.5 ngàn tỷ. Các nhà lập pháp phản đối vì số chi quá lớn, có khả năng gây thâm hụt ngân sách trầm trọng và thúc đẩy lạm phát. Các chính trị gia Cộng Hòa phản đối vì họ không muốn một chính phủ quá lớn, chăm lo tới nhiều mặt đời sống. Ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ hai thượng nghị sĩ Joe Manchin (West Virginia) và Kyrsten Sinema (Arizona) cũng phản đối, khiến cho khối Dân Chủ không thể có được 50 phiếu thuận để thông qua dự luật trong một Thượng Viện chia rẽ sâu sắc giữa Dân Chủ và Cộng Hòa.
Chiến thuật của ông Biden và đảng Dân Chủ là chia nhỏ dự luật 3B để thu hẹp khoản chi và thúc đẩy sự đồng thuận trong đảng. Một “dự luật con” có tên luật CHIPS và Khoa học, đầu tư hơn $280 tỷ vào ngành công nghiệp sản xuất vi mạch điện tử và hỗ trợ nghiên cứu khoa học của quốc gia đã được thông qua cuối tháng trước. Phần còn lại của dự luật 3B, nay được gọi là luật Giảm Lạm Phát, với chi phí chỉ còn $740 tỷ, đã được thông qua hôm thứ Sáu 12 Tháng Tám.
Để có tiền chi cho đạo luật, luật IRA sẽ áp thuế tối thiểu 15% lên lợi tức của các công ty lớn, có doanh số hàng năm trên $1 tỷ; và như vậy, thay vì “ăn” vào ngân sách, đạo luật có thể giúp chính phủ thu thêm hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.
Với đạo luật này, ông Biden đã hoàn thành được phần căn bản chương trình lập pháp đối nội của mình và ghi một dấu ấn đậm nét cho nhiệm kỳ tổng thống của ông. Điều đó cũng sẽ có tác dụng tích cực tới tâm lý cử tri khi cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa.
Ngoài các đạo luật trên, đảng Dân Chủ và Tổng thống Biden còn thực hiện được một số chương trình lập pháp quan trọng khác như thông qua đạo luật lưỡng đảng về an ninh công cộng (Bipartisan Safer Communities Act) hồi Tháng Sáu nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc mua bán súng đạn; dự luật hỗ trợ cựu chiến binh, có tên “Honoring our PACT Act,” mở rộng các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ bị nhiễm chất độc trong khi thi hành nhiệm vụ tại chiến trường Iraq và Afghanistan.
“Lựa chọn của chúng ta với tư cách người Mỹ là có nên bảo vệ những người vốn đã hùng mạnh hoặc tìm sự can đảm để xây dựng một tương lai mà mọi người đều có quyền lợi. Hôm nay, tôi tự hào khi xem các đảng viên đảng Dân Chủ Hạ Viện đã chọn gia đình hơn là chọn nhóm lợi ích,” ông Biden viết trên Twitter lúc Hạ Viện thông qua dự luật Giảm Lạm Phát.
Các dự luật đó đang chạm đến nhiều thành phần và đặt nền tảng cho một hướng đi mới của xã hội Mỹ.
Sẽ có một lượng lớn tiền mới để chống lại biến đổi khí hậu. Chương trình Medicare sẽ tự do thương lượng với các hãng bào chế để giảm giá thuốc. Chính phủ sẽ đầu tư hàng tỷ đô la giúp các nhà sản xuất vi mạch điện tử cạnh tranh tốt hơn. Trợ cấp chăm sóc sức khỏe sẽ được gia hạn thêm nhiều năm. Đường ống dẫn nước bằng chì sẽ được thay thế. Internet băng thông rộng sẽ vươn tới các cộng đồng nghèo và nông thôn. Đường sá, cầu cống và đường hầm sẽ được khôi phục. Các biện pháp an toàn súng mới sẽ có hiệu lực và việc kiểm tra lý lịch người mua súng sẽ được mở rộng. Thâm hụt ngân sách của quốc gia sẽ được giảm bớt.
Những thành quả đáng kể về đối nội đối ngoại
Về kinh tế, trong 570 ngày cầm quyền của ông Biden, nước Mỹ đã tạo ra được 22 triệu việc làm mới, bù đắp hoàn toàn cho số việc làm bị mất đi trong hơn hai năm đại dịch COVD và đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua: 3.5% lực lượng lao động. Lạm phát, vật giá leo thang vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất của người Mỹ, đã bắt đầu có dấu hiệu giảm: Giá xăng đã giảm 55 ngày liên tiếp và hiện giá bình quân cả nước đã xuống dưới $4/gallon từ mức gần $6 hồi đầu Tháng Sáu.
Về đối ngoại, sự kiện Mỹ viện trợ cho Ukraine các loại vũ khí tân tiến nhất, đặc biệt là hỏa tiễn chống xe tăng Javelin và pháo phản lực tầm xa HIMARS đã làm thay đổi cục diện chiến trường, chặn đứng âm mưu xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự kiện Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Ayman al-Zawahiri, nhân vật số hai của Al-Qaeda, sau hai mươi năm truy lùng gắt gao, đã mang lại nỗi hài lòng cho người Mỹ vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ khủng bố ngày 11 Tháng Chín 2001.
Cộng Hòa đang lo
Chỉ vài tháng trước, đảng Cộng Hòa dự đoán các ứng cử viên của họ sẽ đạt kết quả khả quan trong kỳ bầu cử sắp tới khi đảng Dân Chủ và chính quyền Biden có vẻ thất thế trước sức ép lạm phát. Nhưng bây giờ, có vẻ như gió đã đổi chiều, đảng Dân Chủ đang lạc quan một cách thận trọng trước cơ hội họ có thể vượt qua đảng Cộng Hòa – một điều trước đây vẫn được coi là bất khả.
Đảng Cộng hòa ngay lập tức tấn công dự luật Giảm Lạm Phát – một chuyện không làm ai ngạc nhiên trong một nền chính trị bị chia rẽ sâu sắc.
Các dự luật mà ông Biden và đảng Dân Chủ đưa ra nhận được rất ít phiếu thuận của đảng Cộng Hòa và luôn bị chống đối dữ dội. Cho tới nay, đảng Cộng Hòa quan tâm nhiều tới những đề tài quen thuộc như chống phá thai, chống tăng thuế, chống người nhập cư, đề cao quyền sở hữu súng đạn, bảo vệ các đại công ty về dược phẩm, khai thác dầu khí v.v… Cộng Hòa tập trung khai thác tình trạng lạm phát và nỗi giận dữ mà giá cả leo thang gây ra trong tâm lý cử tri để đổ lỗi cho sự điều hành kinh tế của chính quyền Biden dù ai cũng biết lạm phát là hiện tượng toàn cầu và Mỹ chưa phải là nước có tốc độ lạm phát cao nhất.
Đảng Cộng Hòa đã thành công trong một số cuộc vận động của họ, nổi bật nhất là việc Tối Cao Pháp Viện – hai phần ba số thẩm phán có quan điểm bảo thủ do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm – đảo ngược án lệ Roe v. Wade, bác bỏ phá thai là một quyền hiến định của phụ nữ. Tối cao Pháp viện cũng đưa ra phán quyết hạn chế thẩm quyền của Nha Bảo vệ Môi trường (EPA) thuộc chính phủ trong việc ban hành các quy định giảm lượng khí thải CO2 của các nhà máy nhiệt điện, một thắng lợi của quan điểm Cộng Hòa bảo thủ. Đảng Cộng Hòa cũng thành công trong việc ngăn chặn một dự luật an toàn súng cứng rắn hơn, buộc Thượng Viện phải thông qua một dự luật “nửa vời”, không có các điều khoản cấm buôn bán và sử dụng súng trường tấn công có sức sát thương lớn.
Chính trị Mỹ có một thông lệ, như một “lời nguyền” (curse): Đảng đối lập thường thắng lớn trong các cuộc bầu cử giữa kỳ, giành lại vị thế đa số trong Quốc Hội, làm một đối cực với đảng cầm quyền đang nắm giữ Tòa Bạch Ốc. Gần đây nhất, đảng Cộng Hòa đã để đa số Quốc Hội rơi vào tay đảng Dân Chủ, còn thời cựu tổng thống Obama, đảng Cộng Hòa giành được Quốc Hội chỉ hai năm sau ngày ông Obama cầm quyền với tỷ lệ ủng hộ khá lớn.
Dựa vào thông lệ lịch sử đó, cộng với những thắng lợi kể trên, các chính trị gia Cộng Hòa an tâm trong kỳ bầu cử sắp tới, cử tri sẽ cho họ phần thưởng xứng đáng sau thời gian dài kiên trì chống lại các nỗ lực của đảng Dân Chủ cầm quyền.
Nhưng thái quá bất cập. Nhưng hành động có phần quá khích của đảng Cộng Hòa trong vấn đề quyền phá thai, quyền sử dụng súng… đã làm nhiều cử tri lo sợ, chẳng hạn như việc đảo ngược án lệ Roe v. Wade đã làm cho cử tri nữ xa lánh đảng này. Trên báo The Wall Street Journal – tờ báo lớn nhất và được coi là phát ngôn viên cho tư tưởng bảo thủ trong chính trị Mỹ – đã có những bài xã luận cảnh báo thắng lợi của đảng Cộng Hòa “không phải là điều chắc chắn” và lưu ý “sự trỗi dậy trở lại” của cử tri Dân Chủ, một phần được khuyến khích bởi cách thành quả của chính quyền Biden, một phần vì sự yếu kém ngày càng lộ rõ của các chính trị Cộng Hòa.
Cái bóng của Donald Trump
Dù thất cử, ông cựu Tổng thống Donald Trump vẫn kiểm soát chặt đảng Cộng Hòa và sắm vai một “kingmaker”: Các ứng cử viên Cộng Hòa đều cần được ông “phê chuẩn” (endorse) để ứng cử vào các chức vụ liên bang và tiểu bang. Và đổi lại, họ phải thể hiện sự trung thành với ông Trump, cổ xúy cho “lời nói dối lớn” của ông ta rằng cuộc bầu cử tổng thống 2020 đã bị đánh cắp cho dù trong thâm tâm có thể họ không tin như vậy!
Vài tháng gần đây, “thương hiệu Trump” bị mất giá thảm hại, đặc biệt là các cuộc điều trần của Ủy ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng 2021 đã công khai hóa trước quốc dân đồng bào những kế hoạch và thủ đoạn của Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Những chính trị gia, cơ quan truyền thông trước nay vẫn tích cực quảng bá cho Trump bỗng rơi vào tình huống khó xử khi đối diện với một thực tế không giống như điều họ vẫn tuyên truyền.
Vụ FBI khám xét dinh thự của Trump ở Florida và thu về hàng chục tài liệu mật, tài liệu tối mật hệ trọng với an ninh quốc gia trong tuần này và nguy cơ Trump bị truy tố ra tòa càng làm cho đảng Cộng Hòa và những người đi theo Trump vỡ mộng và cay đắng. Vẫn còn nhiều tổ chức cực hữu, một số chính trị gia Cộng Hòa ra sức bênh vực cho Trump trong một xu thế càng ngày càng tuyệt vọng khi sự thật từng bước được phơi bày.
Thắng lợi trong cuộc bầu cử giữa kỳ có vẻ như càng lúc càng xa tầm tay của đảng Cộng Hòa.
Thách thức còn lại của Biden
Thách thức hiện nay đối với chính quyền Biden và đảng Dân Chủ là làm sao thuyết phục người dân Mỹ về những thành quả của ông sau hơn một năm tranh chấp và giằng co chính trị quyết liệt.
Vẫn còn đó nỗi thất vọng của nhiều người ủng hộ tổng thống. Vẫn không có chuyện miễn học phí cho sinh viên các trường đại học cộng đồng miễn phí. Các bà mẹ nghỉ sinh đẻ vẫn chưa được liên bang trả lương và không có các biện pháp thực thi khí hậu mới. Trẻ em vẫn chưa được đến trường mầm non miễn phí. Cha mẹ vẫn không nhận được sự giúp đỡ của liên bang trong việc chăm sóc trẻ em. Chương trình bảo hiểm y tế cho người thu nhập thấp Medicaid sẽ không được mở rộng ở hàng chục tiểu bang và những người nhập cư không có giấy tờ sẽ không có tư cách hợp pháp. Vẫn không có thuế đối với những người siêu giàu, và không có thêm tiền để tạo ra nhà ở giá cả vừa túi tiền.
Ông Biden đã nói rằng, chính trị dân chủ là sự thỏa hiệp. Nhưng quá trình thương lượng, diễn ra ngày này qua ngày khác trên mạng xã hội và báo chí, khiến nhiều người có cảm giác đảng Dân Chủ đã nhượng bộ quá nhiều. Thông qua các dự luật là một phần khó – nhưng việc thuyết phục người Mỹ rằng đó là một chiến thắng có thể còn khó hơn.
Các cuộc thăm dò ý kiến dân chúng gần đây cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Biden trong ngày cầm quyền thứ 570 vẫn chỉ ở mức 40% và hơn 55% không ủng hộ. Việc tổng thống được các đạo luật quan trọng vẫn không cải thiện được tỷ lệ chấp thuận của ông trong số các cử tri thất vọng với lạm phát tăng vọt.
Trong một cuộc họp báo vào tuần này, các chiến lược gia hàng đầu của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và các thành viên trong nội các sẽ dành vài tháng tới để đi khắp đất nước để “quảng cáo” với cử tri về những chiến thắng lập pháp. Thông điệp chính sẽ là ông Biden và các đồng minh Dân Chủ của ông đã đánh bại các nhóm lợi ích đặc biệt ở Washington – từ những tập đoàn dược khổng lồ tới các tổ chức vận động cho súng đạn và những tập đoàn dầu khí lớn – những người trong nhiều thập niên đã cản trở các đạo luật tương tự.
Họ sẽ nhắc nhở cử tri rằng các nhà vận động hành lang của ngành dược phẩm trong nhiều năm đã cố bán thuốc giá cao; các công ty dầu khí chống lại các đạo luật về biến đổi khí hậu; các nhóm lợi ích của doanh nghiệp đã ngăn cản Quốc Hội đặt ra mức thuế tối thiểu; các nhóm bảo vệ quyền sử dụng súng đã ngăn chặn thành công các đạo luật an toàn súng trong nhiều năm v.v… Tổng thống và các trợ lý của ông sẽ nói với cử tri rằng “tình hình đã được xoay chuyển.”
Vấn đề còn lại là ông Biden và đảng Dân Chủ có duy trì được sự đồng tâm hiệp lực trong đảng trong một kỳ bầu cử khó khăn hay không. Thực tế 18 tháng qua cho thấy hoàn toàn có thể nghi ngờ tinh thần đoàn kết của những người Dân Chủ trong chính trị Mỹ.