Seite auswählen

Mục lục

(kỳ 1)

Nguyễn Phú Yên

LỜI TỰA

Do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta đã mất đi rất nhiều giá trị văn hóa mà miền Nam đã để lại. Hầu hết sách vở, băng nhạc, phim ảnh đều bị thiêu hủy. Ngọn lửa đốt cháy sách vở trong nhiều năm tháng nhưng không thể lấy đi khỏi trái tim, khỏi hoài niệm của phần lớn người dân miền Nam. Thật vậy, khi đống tro tàn đó tan biến, bỗng vụt dậy những trang sách, những câu thơ, bài văn, những dòng nhạc mà ký ức của cộng đồng khơi gợi. Theo thời gian, khi những tiếng gào thét yên ắng đi thì những giai điệu dịu dàng sống dậy sưởi ấm những con tim, những tâm hồn biết hoài niệm. Bỏ lại đằng sau những vướng bận buổi giao thời, bước qua những lời phê phán hoặc chê bai, từ bỏ ý niệm “âm nhạc đô thị, âm nhạc phản động, lai căng, đồi trụy”, rũ bỏ tâm lý thù hận, phân ly nhất thời thì đó là lúc người ta nhận ra giá trị vàng son bắt đầu lấp lánh. Những trang sách, những dòng nhạc bắt đầu hồi sinh và bừng lên như một đóa sen thơm ngát giữa chốn bùn lầy.

Những dòng chữ của cuốn sách này bắt đầu khởi đi từ trong bầu khí của một xã hội biết lắng nghe cái đẹp trong những giai điệu vang lên từ trong quá khứ. Thử chắp nối những mảng hồi ức, những lóe sáng của hoài niệm, một thế giới quá vãng của tâm tình đã được phục dựng khiêm tốn, thầm lặng dù chưa hoàn chỉnh, dù chỉ là những nét phác họa nhưng có thể nhìn vào đó để thấy lại những tình tự thân yêu làm nên thế giới tâm hồn của một thế hệ đã qua.

Khi đọc một cuốn sách nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nền tân nhạc Việt Nam đã xuất bản, chúng tôi thấy các tác giả chỉ dành cho âm nhạc miền Nam có 25 trang giấy, trong khi sách dày 1.000 trang. Điều đó cho thấy tác giả đã để lại một khoảng trống rất lớn khi nhận diện về một giai đoạn của nền âm nhạc miền Nam hoặc chỉ đề cập một phần nhỏ bé và thiên lệch. Để bổ sung cho sự khiếm khuyết ấy, chúng tôi đã liều lĩnh nhận lấy một công việc đáng ra là phải của một tập thể hơn là của một cá nhân, để nhìn lại di sản âm nhạc của miền Nam bằng những trang viết tổng quan về các hoạt động, các khuynh hướng và phong trào âm nhạc đã hiện diện ở miền Nam. Với sự liều lĩnh có chút đam mê đó, chúng tôi ước mong bạn đọc xem đây như là một viên gạch trong hàng ngàn viên gạch để xây dựng lại ngôi nhà di sản mà các thế hệ sau cần biết tới. Mong có sự chung tay trong nỗ lực bảo tồn một giá trị tinh thần mà miền Nam đã dày công xây dựng được trong 20 năm chia cắt đất nước, để ai đó có thể bổ sung vào công trình nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam sau này.

Khi chúng tôi ghi chú miền Nam 1954-1975, điều này có nghĩa đó chỉ là con số xác định một mốc giới lịch sử phân chia hai miền làm hai quốc gia, chỉ là tạm thời về mặt thể chế chính trị, không có nghĩa là một sự đứt gãy văn hóa với những giai đoạn trước đó. Nói khác đi, đối với miền Nam, những thế hệ nối tiếp cha anh vẫn duy trì tính liên tục lịch sử về mặt văn hóa. Có nghĩa văn hóa dân tộc, nền nghệ thuật mà tổ tiên, cha ông ta đã xây dựng bao đời vẫn được miền Nam tiếp nhận, bảo lưu và chợt nhận ra một di sản sáng giá cần để lại cho đời sau. Do đó độc giả tìm thấy trong tập sách này chúng tôi vẫn nói đến từ bước khởi đầu cho đến những thành tựu của nền tân nhạc Việt Nam qua mấy chục năm tồn tại. Những giá trị sáng tạo của bao lớp nghệ sĩ tiên phong được tôn trọng và phát triển, vẫn được tiếp tục hiện diện trong đời sống tinh thần của miền Nam. Do đó dòng ca khúc lãng mạn trong nền tân nhạc vẫn được quan tâm, được biểu diễn trong sinh hoạt ca nhạc và giữ vai trò đặc biệt trong tâm thức những người yêu nhạc.

Ngoài những giá trị nghệ thuật từ thời tiền chiến, trong hoàn cảnh và bầu khí mới, các khuynh hướng sáng tác âm nhạc, các phong trào, hoạt động âm nhạc được phát triển rực rỡ. Âm nhạc miền Nam chính là tiếng lòng của người dân trước hoàn cảnh xã hội, trước biến cố nhân sinh được tự do bày tỏ, khi tươi vui, khi ngậm ngùi, nhưng đều là tiếng nói của con tim chân thực của một giai đoạn lịch sử.

George Jellinek, giám đốc âm nhạc Đài phát thanh WQXR của thành phố New York, đã từng nói: “The history of a people is found in its songs” (Lịch sử của một dân tộc được tìm thấy trong các bài hát của họ). Thật vậy, những giai điệu biểu lộ tình cảm, tư tưởng trong các bài ca được viết ở miền Nam đều mang trọn vẹn tâm tình chân thực, đầy tính nhân văn với cá tính sáng tạo đặc thù và phong phú. Độc giả sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được bước vào vườn hoa âm nhạc đầy những kỳ hoa dị thảo, tuy chúng có những số phận khác nhau nhưng vẫn muôn màu muôn vẻ, luôn tỏa đầy hương thơm và chói lòa màu sắc.

Do điều kiện in ấn với khối lượng ca khúc khổng lồ, chúng tôi không thể in được hết những khuông nhạc hoặc sự trình diễn của các ca sĩ khi các bài ca được dẫn chứng.

Với tấm lòng của một người yêu nhạc muốn gìn giữ những giai điệu một thời, chúng tôi mong độc giả lượng thứ cho những thiếu sót trong quá trình tìm lại tài liệu hoặc do ký ức không trọn vẹn. Mong được các bậc thức giả góp ý để chúng tôi có thể hoàn chỉnh nếu có điều kiện xuất hiện lại trong tương lai.

                                                                                                                               Tác giả

CHƯƠNG I

BỐI CẢNH LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN 1954-1975

Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh

(History is nothing more than a tableau of crimes and misfortunes)

                                                                                  Voltaire

I. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ.

1. Những diễn biến trước ngày chia cắt đất nước

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ e ngại sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á, xem ông Hồ Chí Minh là thành viên quốc tế cộng sản nên đã giúp Pháp tái chiếm Việt Nam. Đó chính là tinh thần của bị vong lục NSC-64 ngày 27-2-1950 và NSC-124/2 ngày 25-6-1952 của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

Năm 1946 Mỹ đưa tàu chở những nhóm lính Pháp đến Việt Nam kiểm soát nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn. Ngày 7-10-1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn. Đây là chiến dịch lớn nhất đến nay (chiến dịch Léa) trong chiến tranh Việt – Pháp với 12.000 quân Pháp tấn công vào Việt Bắc để tiêu diệt chủ lực quân của Việt Minh và hòng bắt sống toàn thể nhân viên chính phủ lúc bấy giờ. Pháp thất bại trong việc bắt giữ các bộ trưởng, ngoại trừ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội và là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Văn Tố. Những năm 1940, đã có hàng trăm ngàn bộ đội chống Pháp. Cuối năm 1945, Việt Nam giải phóng quân trở thành lực lượng vũ trang lớn mạnh; tháng 9-1945 đổi thành Vệ quốc đoàn. Ngày 22-5-1946, Vệ quốc đoàn chính thức trở thành quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).

Năm 1949, Pháp tuy thừa nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập nhưng vẫn sử dụng lá bài Bảo Đại. Ngày 8-3-1949, Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký thỏa ước Elysées biến Việt Nam thành một quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 7-2-1950, Hoa Kỳ và Anh cùng công nhận nước Việt Nam độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Bảo Đại. Phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ được thành lập ngay tại Sài Gòn từ tháng 2-1950 với đại biện lâm thời Edmund A. Guillion và chính thức được nâng lên hàng đại sứ vào tháng 6-1952 với vị đại sứ đầu tiên là ông Donald R.Heath, một nhà ngoại giao kỳ cựu.

Cuối năm 1950, sau khi bị đánh bại nặng nề ở Cao Bằng, ngày 6-12 Pháp bổ nhiệm tướng Jean De Lattre de Tassigny làm tổng tư lệnh quân đội kiêm Cao ủy Đông Dương để mong cứu vãn tình hình ngày càng nguy ngập. Đầu mùa thu năm 1952, tổng số lính Pháp bị tử trận, thương vong và mất tích tại Đông Dương lên đến hơn 90.000 người. Đến 7-5-1954 Điện Biên Phủ thất thủ, Pháp phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt gần 100 năm thống trị ở Đông Dương, nhường lại vai trò ở đây cho Mỹ. (Thật ra Mỹ đã dính líu sâu vào Việt Nam và Đông Nam Á trong 28 năm kể từ 1945 mà mười năm sau là cuộc chiến tranh thật sự). Tính đến năm 1954, Mỹ cung cấp cho Pháp 513 máy bay, 300 tàu chiến, 1.400 xe thiết giáp, 20.000 xe ôtô và nhiều phương tiện chiến tranh khác, chiếm đến 70% tổng chi phí cho chiến tranh ở Đông Dương (lên tới 7 tỉ USD). Ngày 16-6-1954, Bảo Đại ký sắc lệnh bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Mười ngày sau Ngô Đình Diệm từ Paris về nước chấp chính sau năm năm ở nước ngoài. Hiệp định phân chia Việt Nam làm hai miền Nam – Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Mỹ và Quốc gia Việt Nam từ chối ký hiệp định. Người Mỹ coi cuộc chiến tại Việt Nam là một phần của một cuộc xung đột toàn cầu mới chống lại chủ nghĩa cộng sản, trong khi VNDCCH xem cuộc chiến này là giai đoạn mới nhất của một cuộc đấu tranh giành độc lập (1). Ngày 12-5-1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower phát biểu: “Thế giới tự do không thể bỏ Đông Dương”. Walter Robertson, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Viễn Đông lúc đó, tuyên bố mục tiêu sự can thiệp của Mỹ là giữ Việt Nam trong hai năm để Mỹ huấn luyện 300.000 người Việt Nam nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản.

2. Sân khấu chính trị và tình hình quân sự ở miền Nam Việt Nam

Ngày 1-10-1954, Eisenhower gửi thư cho Ngô Đình Diệm hứa sẽ chi viện. Ngày 8-11, Eisenhower cử tướng Lawton Collins sang Sài Gòn làm đại sứ đặc biệt có quyền hạn rộng rãi, lập phái đoàn quân sự Mỹ (MAAG) do tướng O’Daniel cầm đầu. Ngày 13-12-1954, tướng Ely của Pháp và tướng Collins ký hiệp ước qui định Mỹ thay thế Pháp về quân sự ở miền Nam Việt Nam. Năm 1955 Mỹ để Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại, với sự giúp đỡ đắc lực của hồng y Spellman, giáo sư Buttinger và đại tá CIA Lansdale. Được Mỹ khuyến khích và hỗ trợ, Ngô Đình Diệm từ chối tổng tuyển cử vì điều này không có trong hiệp định mà chỉ có trong phụ lục ngày 21-7-1954 không có nước nào ký tên nên không có tính chất bắt buộc. Thay vào đó, ông cho trưng cầu ý dân ở miền Nam. Ngô Đình Diệm thắng với 98,2% số phiếu và trở thành tổng thống (TT) nền Đệ nhất Cộng hòa. Những số liệu chính thức của miền Nam biên soạn tháng 10-1955 cho thấy rằng những người di cư từ Bắc vào Nam bao gồm 676.348 người Công giáo (76,3% toàn bộ người miền Bắc di cư), 209.132 Phật giáo (23,5%), và 1.041 Tin Lành (0,2%) (2). TT Diệm đặt tên nước là Việt Nam Cộng hòa (VNCH), lấy Sài Gòn làm thủ đô. Đây là một thực thể chính trị và hành chính hợp pháp về mặt công pháp quốc tế và đương nhiên là một nước có chủ quyền. Từ đây Mỹ khởi đầu chiến lược nhằm chặn đứng sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. TT Diệm vẫn mời vào chính phủ những người đã từng cộng tác với Pháp, đặc biệt đối với người Công giáo – dù chiếm 10% dân số nhưng theo chủ trương của TT Diệm muốn Công giáo hóa dân miền Nam nên được nhiều ưu đãi và chiếm lĩnh hầu hết các chiếc ghế trong chính phủ.

Năm 1955, sau khi ra sức dẹp các tổ chức quân sự của Bình Xuyên và của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo ở Nam bộ, TT Diệm tổ chức bộ máy chính quyền từ trung ương đến cơ sở; nắm chắc bộ máy quân đội, cảnh sát; tiến hành quốc sách tố Cộng (từ mùa hè 1955, khoảng 50.000 đến 100.000 người bị nhốt vào trại tập trung, trong số này đa số không liên hệ gì với cộng sản), truy nã những người kháng chiến, bức hại gia đình họ; gom dân vào các ấp chiến lược (một chương trình do sáng kiến của ông Thompson người Anh, cố vấn du kích chiến của Nhà Trắng, đã đưa 10 triệu dân vào 17.000 ấp chiến lược) để dễ bề kiểm soát. Để thanh lọc những người theo Cộng sản, TT Diệm ra sắc lệnh số 49 bỏ tù tất cả những người chống lại chế độ cộng hòa và luật 10/59 là đỉnh cao của quốc sách này, thiết lập ba tòa án quân sự đặc biệt ở Sài Gòn, Huế, Ban Mê Thuột chỉ xét xử ở hai mức tử hình và chung thân.

Cùng với việc dựng nên chế độ, Mỹ lập ra quân đội VNCH, thành lập SEATO (South East Asia Treaty Organization, gồm ba nước châu Á và năm nước phương Tây), trở thành công cụ để Mỹ bảo trợ cho miền Nam Việt Nam, đồng thời bảo vệ miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia. Đến năm 1958, Mỹ không chỉ trả tất cả chi phí quân đội mà còn trả 80% các chi tiêu của chính phủ TT Diệm nữa.

“Từ ngày 12 đến 22-1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN họp Hội nghị lần thứ 15 tại Hà Nội đưa ra nghị quyết ‘giải phóng miền Nam’. Tháng 5-1959, Hà Nội quyết định mở con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào để xâm nhập vào miền Nam, lấy tên là Đường 559, thường được gọi là đường Hồ Chí Minh… Ngày 25-1-1963, Tổng thống Kennedy tuyên bố ông muốn biến Lào thành “một nước độc lập, hòa bình và không liên kết”. Averell Harriman, Thứ trưởng Ngoại giao về vấn đề chính trị, được coi là người có quyền hành nhất lúc đó tại Tòa Bạch Ốc, cho rằng phải trung lập hóa Lào để ngăn chận miền Bắc dùng đất Lào xâm nhập vào miền Nam. Ngày 16-5-1961, Hội nghị Quốc tế giải quyết vấn đề Lào được triệu tập tại Genève. Chính phủ Ngô Đình Diệm phản đối rất mạnh, nhưng Harriman cứ tiến tới. Ngày 23-7-1962, Hiệp ước Hòa bình tại Lào đã được ký kết, kết quả 666 cố vấn Mỹ và toàn bộ quân đội của VNCH phải rút khỏi Lào. Bắc Việt cũng cam kết như thế. Nhưng thực tế không như Harriman tuyên bố. Theo báo cáo của CIA, sau khi Lào tuyên bố trung lập, khoảng 7.000 bộ đội Bắc Việt chẳng những không chịu rút khỏi Lào mà còn bành trướng thêm” (3) .

Ngày 20-12-1960 thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tổ chức cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Phong trào Đồng khởi diễn ra vào năm 1960. Ngày 15-2-1961 Quân giải phóng được thành lập. Trong năm này quân giải phóng tấn công sư đoàn 21 của quân đội cộng hòa khiến sư đoàn này bị thiệt hại nặng nề, bị mất toàn bộ vũ khí của một trung đoàn. Họ còn tấn công nhiều nơi như vùng U Minh Hạ (Cà Mau), Thái Lai (Phong Dinh), Bầu Răm, Đức Huệ (Long An), Phong Phú (Kiến Tường), Gia Rai (Ba Xuyên), Cai Lậy (Định Tường), Phước Tân, Bàu Sen (Tây Ninh), Cao Lãnh (Kiến Phong), quận Đức Hòa gần Sài Gòn, ở Cóc Rinh (Đức Huệ, Long An), các đồn Dakpek, Daksout, Dakse ở Kontum; tấn công công trường làm đường Kontum – Quảng Ngãi, căn cứ Hiệp Đức ở Quảng Nam…

Vào năm 1961, quân giải phóng làm chủ tình hình nhiều nơi, liên tiếp tấn công nhiều quận lỵ khắp miền Nam. Ngày 1-4-1961 tấn công tỉnh lỵ Kiến Hòa; ngày 28-6-1961, tấn công Đơn Dương, sau đó là khu Tô Hạp (biên giới tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa); ngày 16-7-1961, tiểu đoàn 502 tấn công giữa ban ngày một tiểu đoàn nhảy dù tại Mỹ Quý (Kiến Phong); ngày 18-9-1961, tấn công chiếm đóng, đốt phá tỉnh lỵ Phước Thành, sát hại tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng và nhiều viên chức khác… Sau chuyến thăm của Phó tổng thống Johnson và hai ông Taylor – cố vấn quân sự, và Rostow – cố vấn an ninh – năm 1962, viện trợ hùng hậu của Hoa Kỳ đổ vào miền Nam sau khi TT Diệm hứa sẽ cải cách chế độ. Về quân cụ, Hoa Kỳ trang bị thêm thiết vận xa M113, phi cơ trinh sát, phóng pháo cơ, chiến hạm và nhiều vũ khí. Đầu năm 1962, Mỹ thành lập Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Sài Gòn (MACV) để điều hành và phối hợp chính sách viện trợ và hành quân tại Nam Việt Nam. Tuy được Mỹ yểm trợ hùng hậu như vậy nhưng cũng chẳng cải thiện được tình hình miền Nam.

Trận Ấp Bắc xảy ra vào ngày 2-1-1963 là một trận đánh lớn. Tình báo quân đội cộng hòa được tin một đại đội du kích quân hoạt động tại đây nên tư lệnh Quân khu 4 – tướng Huỳnh Văn Cao và tư lệnh sư đoàn 7 – đại tá Bùi Đình Đạm quyết định tung vào đây một lực lượng gồm nhiều tiểu đoàn bộ binh, biệt động quân, trực thăng CH21, thiết vận xa M113, pháo binh, bảo an tỉnh Định Tường cùng 31 cố vấn Mỹ. Khi chạm súng, quân đội cộng hòa bị thiệt hại nặng nề và nhận ra rằng ở đây không chỉ có một đại đội mà là tiểu đoàn 514 với khoảng trên 400 quân giải phóng. Kết quả phía lính cộng hòa có 5 trực thăng bị phá hủy, 11 chiếc bị hư hại nặng, 65 lính và 3 cố vấn Mỹ chết và vô số bị thương.

Chiến thắng quân sự của quân giải phóng ngày càng dồn dập, tuy vậy TT Mỹ bấy giờ là J.F.Kennedy vẫn đặt niềm tin vào quân đội cộng hòa, ngày càng tăng cường viện trợ. Lính mũ nồi xanh trực tiếp làm việc với lính cộng hòa trong mỗi chiến dịch. Cố vấn Mỹ ngày càng đông đảo: tháng 1-1961 có 800 cố vấn Mỹ; giữa năm 1962 có 12.000; tháng 10-1963, con số ấy là 16.732 và giữa năm 1964 Johnson nâng lên 27.000 (4). Về phía lính cộng hòa, đầu năm 1963 có 225.000 lính chính qui, 100.000 bảo an, 90.000 địa phương quân, 85.000 dân vệ…, tất cả khoảng 500.000 người, chưa kể 100.000 nhân viên công an, cảnh sát dã chiến, nhân viên an ninh xã ấp (theo Bernard B. Fall).

Tháng 11-1963, tướng Dương Văn Minh đảo chính, lật đổ Diệm – Nhu với sự đồng ý của CIA và đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge. Sau cái chết của J. F. Kennedy, Johnson lên làm TT Mỹ. Ông ta tin rằng chìa khóa thành công trong chiến tranh Việt Nam là làm cho lãnh đạo VNDCCH sợ rằng Mỹ sẽ can thiệp bằng cách leo thang chiến tranh Việt Nam. Cũng chính trong năm này, cảnh giác với một quan chức Mỹ về việc Mỹ dấn sâu vào chiến tranh Việt Nam, Thủ tướng Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev nói: “Nếu các ngài muốn, hãy cứ đi mà chiến đấu trong rừng rậm Việt Nam. Người Pháp đã chiến đấu ở đó 7 năm và cuối cùng vẫn phải ra đi. Có lẽ người Mỹ sẽ trụ lại được ở đó lâu hơn một chút nhưng rồi họ cũng sẽ phải ra đi thôi”. (5)

Tháng 1-1964 Mỹ lên kế hoạch tấn công miền Bắc bằng biệt kích với nhiệm vụ phá hủy cầu cống, đường sắt…, còn hải quân Mỹ kiểm soát bờ biển Việt Nam. Johnson còn bí mật tăng cường ném bom Lào và đường mòn Hồ Chí Minh (6). Lấy cớ sự kiện vịnh Bắc bộ do chính Mỹ tạo ra, Johnson ra lệnh cho máy bay tấn công miền Bắc. (Vào năm 2001, nhà sử học của Cục An ninh quốc gia Mỹ – The National Security Agency – Robert J. Hanyok đã đăng bài Skunks, Bogies, Silent Hounds, and the Flying Fish: The Gulf of Tonkin Mystery, 2-4 August 1964 trên tạp chí Cryptologic Quarterly của Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA dựa trên những tài liệu tối mật, đưa ra chứng cớ là vào ngày 4-8-1964 không xảy ra việc Bắc Việt Nam tấn công các tàu chiến Mỹ trên vịnh Bắc bộ, mà NSA cố tình che đậy và bóp méo sự thật).

Dưới chế độ TT Diệm, tổng số quân Mỹ tại Việt Nam khoảng 17.000 người, 14 tháng sau khi TT Diệm bị lật đổ, con số ấy là 23.000 người. Ngày 8-3-1965, 1.500 thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đến Đà Nẵng. Đến tháng 4-1965 số lính Mỹ có mặt ở miền Nam là 56.000, cuối năm 1965 là 184.314, cuối năm 1966 là 385.000, cuối năm 1967 là 485.000, cuối năm 1968 là 536.000 lính. Năm 1969 số lính Mỹ lên tới 543.500 người cùng 70.300 lính của Úc, Đại Hàn, Thái Lan, Tân Tây Lan. Có một điều nghịch lý là càng đổ quân, Mỹ càng nhận ra khó mà tìm được chiến thắng. Vì vậy ngay sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng không bao lâu, nhất là sau ba lần đi Sài Gòn (tháng 10-1965, tháng 7 và 10-1966), Kissinger đã phải thừa nhận: “Tôi đã nhận thấy ngay chúng ta đã tham gia một cuộc chiến tranh mà chúng ta không biết làm thế nào để chiến thắng mà cũng không biết làm thế nào để kết thúc”.(7) Sau đó, trên tập san Foreign Affairs, Kissinger đã rút ra kết luận: “Nguyên tắc chủ yếu của chiến tranh du kích là khi người ta không thua là thắng, trong khi đối với quân đội chính qui, không giành được thắng lợi là thua”.(8)

Chiến sự ngày càng dồn dập. Ngày 20-3-1967, căn cứ Dốc Miếu cách cầu Hiền Lương 4km về phía nam với một tiểu đoàn lính Sài Gòn và Mỹ đã ngập chìm trong trong bão lửa của trung đoàn pháo binh 164 (Quân khu 4); 2.500 lính (trong đó có hơn 1.000 lính Mỹ) bị tiêu diệt, hàng chục khẩu pháo bị phá hỏng, 5 máy bay trực thăng, 57 xe quân sự, một kho đạn cối và một kho xăng bị thiêu hủy; lính Mỹ còn lại tan tác bỏ chạy về Quảng Trị. Tháng 12-1967, quân giải phóng tấn công căn cứ Mỹ ở Khe Sanh. Mỹ điều động 50.000 lính đến bảo vệ căn cứ này nhưng đến 23-6-1968 phải rút bỏ. Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 (mồng 1 rạng mồng 2 Tết Mậu Thân), VC gồm 85.000 quân tấn công 44 đô thị và 22 căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam. Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bị chiếm giữ suốt 8 giờ làm rúng động chính trường Mỹ. Ngày 31-3-1968, Johnson tuyên bố ngừng ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị đàm phán với Bắc Việt. Lính Mỹ đã phạm nhiều tội ác khi tấn công vào dân thường, bị dư luận thế giới lên án. Tháng 3-1968 lính Mỹ giết 500 dân thường ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi; ngày 25-2-1969 trung úy Bob Kerry thuộc đơn vị đặc nhiệm SEAL dẫn đầu một toán lính biệt kích càn quét làng Thạnh Phong, Bến Tre (Ted Rall, New York Times, 3-5-2001). Còn Neil Sheehan thì nói: “Vào năm 1966 (ba năm trước vụ Sơn Mỹ và Thạnh Phong), tôi chứng kiến lính Mỹ làm cỏ ba làng chài, giết tới 600 dân thường… Sổ tay quân nhân nói tấn công bệnh viện là bất hợp pháp, nhưng chúng ta đã thường xuyên ném bom và nã pháo vào các bệnh viện. Khi nhìn lại, chúng ta nhận ra rằng vấn đề tội ác chiến tranh luôn tồn tại khi đó” (9). Về phía quân giải phóng, trong suốt thời chiến tranh, họ không ngừng pháo kích vào các đô thị, các vùng ven nên nhà nào cũng xây dựng hầm trú ẩn.

Johnson quyết định không ra tranh cử năm 1968. Richard Nixon lên làm tổng thống với lời hứa sẽ chấm dứt được chiến tranh Việt Nam, khẳng định lại mục đích như vị tổng thống tiền nhiệm là không để miền Nam rơi vào tay Cộng sản, tuy nhiên điều đó không thể bảo đảm được nếu không tiếp tục theo đuổi chiến tranh. Khi Nixon lên nhậm chức vào tháng 1-1969 và trong nhiệm kỳ của ông, đã có gần 21.000 lính Mỹ chết và 53.000 lính bị thương; đến cuối nhiệm kỳ của ông số lính Mỹ giảm một nửa là 270.000 người (10). Nixon đề ra chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh, tuyên bố có một kế hoạch bí mật để chấm dứt chiến tranh. Đáng kể trong thời gian này là chiến dịch Phượng hoàng, một chiến dịch tình báo và ám sát bí mật của CIA từ 1968-1975. Trong thời gian diễn ra chiến dịch Phượng Hoàng, CIA bị tố cáo là đã sử dụng các hình thức tra tấn một cách có hệ thống. Theo lời K. Barton Osborn, một sĩ quan tình báo quân đội tham gia chiến dịch, đã có nhiều hình thức tra tấn dã man với quân địch. Để lấy lại thể diện, CIA cũng đã tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về những khai nhận của Osborn và bác bỏ một số chi tiết nhỏ trong lời nói của sĩ quan này, nhưng về toàn cục sự tàn bạo của cả chương trình là không thể chối bỏ (11). Năm 1971, William Colby đưa ra số người bị giết là 20.857 người bị nghi ngờ là cộng sản, nhưng thật ra đa số trong đó là người vô tội (12). Lúc này Mỹ không ngừng tăng cường đánh bom miền Bắc, đánh bom cả Lào và Campuchia. Quân đội Sài Gòn được giúp đỡ và trang bị tốt hơn năm 1965, tuy vậy vẫn không đủ sức chiến đấu nếu không có sự hỗ trợ của không quân Mỹ.

Johnson đã từng bàn đến chuyện thương thuyết sau vụ tấn công Tết Mậu Thân. Ngày 13-3-1968 cuộc nói chuyện tại Paris đổ vỡ do chính quyền Sài Gòn từ chối thương thuyết. Tháng 10-1968, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, Hubert Humphrey kêu gọi thương thuyết, Nixon thuyết phuc Nguyễn Văn Thiệu nhưng ông này không chịu. Trong khi đó Hà Nội đòi Mỹ rút quân, còn Mỹ thì đòi Hà Nội đưa quân trở lại miền Bắc: cuộc thương thuyết thất bại.

Mỹ bí mật ném bom ở Lào vào năm 1964 và tháng 3-1969 ra lệnh ném bom Campuchia, cuộc ném bom kéo dài bốn năm làm 100.000 người dân chết, hai triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa. Khi Nixon tuyên bố tấn công, sinh viên Mỹ bắt đầu biểu tình phản đối. Phong trào phản chiến bắt đầu với việc tự thiêu của Norman Morrison ngày 2-11-1965 trước Lầu Năm Góc ở Washington D.C. Đã có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh ở khắp các bang ở Mỹ, Ngày 15-11-1969, bốn năm sau đó, một cuộc tuần hành 250.000 người diễn ra ở đại lộ số 5 trung tâm New York, chỉ cách quảng trường Times Square vài dãy phố. Cùng lúc là hàng loạt các cuộc xuống đường ở nhiều thành phố lớn tại cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ (13). Ở Đại học Kent (bang Ohio), bốn sinh viên bị giết và chín người khác bị thương ngày 4-5-1970 (14). 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại bất hợp pháp” vì chống chiến tranh Việt Nam, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam(15).

Ở miền Nam Việt Nam, từ 1962 đến 1971, Mỹ đã rải hàng triệu gallon (1 gallon = 3,78 lít) chất độc da cam và chất khai quang ở rừng núi Trường Sơn khiến nhiều bộ đội miền Bắc bị ảnh hưởng lâu dài (16). Tháng 3-1972, 150.000 quân Bắc Việt tấn công Quảng Trị; từ 24-4 đến 6-6 mở chiến dịch Tây nguyên, tiêu diệt 41.000 lính cộng hòa, chiếm tỉnh Kontum, trừ thị xã. Từ 30-5 tấn công quy mô và rộng khắp miền Nam. Phần lớn các tỉnh Quảng Trị và Bình Long đã thuộc về quân Bắc Việt.

Từ 1969 Nixon chỉ đạo 41.000 lượt xuất kích đánh phá miền Bắc, phong tỏa hải cảng Hải Phòng. Chiến tranh đã làm Nixon mệt mỏi nên có lần vào ngày 25-4-1972 Nixon từng nảy ra ý kiến ném bom nguyên tử xuống Việt Nam. Theo CNN, chi tiết này được tiết lộ ngày 28-2-2002 khi Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ công bố cuốn băng dài 500 giờ về các cuộc thảo luận của Nixon trong sáu tháng đầu năm 1972. Câu nói chính xác của Nixon: “Tôi thiên về lựa chọn dùng một quả bom nguyên tử”. Cố vấn an ninh Kissinger trả lời: “Theo tôi, điều đó sẽ là quá mức”. Trong buổi thảo luận vào tháng 6-1972, Nixon thẳng thừng nói với cố vấn Charles Colson: “Chúng tôi muốn phá hủy cái nơi quái quỷ đó… Miền Bắc Việt Nam phải được tái thiết trật tự. Đây là lúc phải làm và đó là điều lẽ ra phải làm từ lâu”. Song điều đó không xảy ra và Nixon chỉ còn ra lệnh tiến hành leo thang chiến tranh tại Việt Nam. Sau bầu cử năm 1972, Kissinger xem lại thỏa thuận về thương thuyết mà ông ta đã soạn trước. Việc xem xét này bị phản đối và Kissinger đe dọa lại sẽ ném bom miền Bắc nếu điều kiện mới mà ông đưa ra không thực hiện được. Giáng sinh năm 1972 Nixon ra lệnh đánh bom ác liệt nhất Hà Nội và Hải Phòng từ 18 đến 30-12 với 200 máy bay B52 thả trên 35.000 tấn bom. Cuộc ném bom này dẫn đến cuộc nói chuyện giữa Kissinger và Lê Đức Thọ ngày 8-1-1973 để rồi ra đời Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 (17). Giáo sư John Mc Alister – Đại học Princeton và Stanford, chuyên gia cố vấn Thượng viện Mỹ, từng có mặt ở miền Nam Việt Nam – đã sớm báo trước cho nước Mỹ rằng chiến tranh mà Mỹ đang can dự vào Đông Dương là vô vọng, không thể thắng nổi một xã hội nông thôn có thể chế truyền thống đặc biệt, được vũ trang bằng một chủ nghĩa yêu nước sâu sắc và mãnh liệt. Từ sau hiệp định Paris 1973, Quốc hội Hoa Kỳ lại mạnh tay cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự khiến cho miền Nam phải sụp đổ mau chóng hơn cả kế hoạch dự liệu của các chiến lược gia Hà Nội.

Tổng chi phí quân sự của riêng Mỹ tại cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ 1965-1975 là 111 tỷ đôla, quy đổi theo thời gian năm 2008 thì bằng 686 tỷ đôla. Cao điểm của cuộc chiến là năm 1968, chi phí quân sự của Mỹ vào cuộc chiến tại Việt Nam bằng 2,3% GDP của Mỹ (18).

3. Nền tảng của chế độ Sài Gòn

a) Nền Đệ nhất Cộng hòa

Tuy là chế độ do Mỹ hỗ trợ, TT Ngô Đình Diệm tự thấy mình cũng phải tìm kiếm những giá trị tinh thần nào đó để làm nền tảng cho quốc sách chống Cộng và để xác lập một chủ thuyết nhằm chống lại lý tưởng của cuộc đấu tranh của nhân dân. Chúng ta biết Ngô Đình Nhu – cố vấn chính trị của Ngô Đình Diệm, là một người Thiên Chúa giáo từng du học ở nước ngoài – đã cùng một số linh mục như Bửu Dưỡng, Nguyễn Văn Thích, Lý Văn Lập… quyết định chính trị hóa giáo hội mà khởi đầu là hình thành một chủ thuyết vừa mang tính triết lý vừa mang tính chính trị, gọi là chủ nghĩa cần lao nhân vị, dựa trên triết thuyết le personalisme (chủ nghĩa nhân vị) của Emmanuel Mounier (1905-1950) và Jacques Maritain (1882-1973) – những trí thức Thiên Chúa giáo Pháp.

Chủ nghĩa nhân vị là một hệ thống triết học, đồng thời là một chủ thuyết về đạo đức và xã hội, đặt cơ sở trên giá trị tuyệt đối của con người, trên sự cao cả và tôn trọng nhân phẩm. Theo đó, khi nói con người là nói đến ý thức, đồng thời con người được xem trước hết như một chủ thể và là một chủ thể tinh thần. Quyền con người dựa trên ý tưởng có một phẩm giá nổi trội của con người mà ta không thể mua bán hoặc chối bỏ, đó chính là quyền của nhân vị. Vì lý do này, từ con người có ý nghĩa khác với từ cá nhân để chỉ một thành viên trong xã hội, hay trên lĩnh vực sinh học, là một nhất thể có sự sống. Nhà xã hội học nhìn xã hội như một tập hợp các cá nhân, còn nhà triết học nhìn thấy ở đó như một quần thể các nhân phẩm. Nhân phẩm là một hình thế tâm lý cá nhân của con người, trong đó có tính tình, tính cách, lịch sử cá nhân…- tất cả những gì làm nhân phẩm là một nhất thể luôn khác biệt với người khác, đó là một nhân vị. Theo quan điểm đạo lý, chúng ta đều là những con người đồng nhất, nhưng theo quan điểm tâm lý chúng ta là những nhân phẩm rất khác nhau. Vấn đề nhân phẩm là vấn đề tâm lý. Trong cách tiếp cận theo tâm lý học, cần phải hiểu tính riêng biệt của mỗi con người. Chúng ta là sản phẩm của quá khứ, của những liên hệ với điều kiện môi trường và xã hội chung quanh. Điều chúng ta trở thành, với tư cách là nhân phẩm, tùy thuộc vào nhiều điều mà chúng ta đã sống và đã trải nghiệm. Nhận biết nhân phẩm chính là khám phá một phức hợp hoàn toàn duy nhất. Con người phải được xem như một cứu cánh nội tại và không bao giờ là một phương tiện; nếu nhìn nhận ngược lại tức là vô luân.

Trên cơ sở triết lý này, ông Nhu khi về nước đã thêm vào ý niệm về cần lao làm vế thứ hai trong học thuyết của ông rồi cho phổ biến trên tuần báo Xã Hội do ông chủ trương (sau đó còn tiếp tục trên tạp chí Quê Hương). Tuy nhiên học thuyết này không phát sinh từ thực tiễn lịch sử nên không phù hợp với hiện trạng xã hội, từ đó không có được một sử quan nhất quán để vận dụng vào điều kiện của xã hội lúc bấy giờ. Thực tế vì tham vọng củng cố quyền lực của gia đình, ông Nhu đã đi ngược lại những gì mà ông đã học được từ chủ nghĩa nhân vị khi còn ở La Mã. Năm 1953, nhờ sự yểm trợ của khối Thiên Chúa giáo La Mã và Hoa Kỳ, ông Nhu quyết định năng động hóa chủ thuyết của mình bằng cách xin phép Thủ tướng Bửu Lộc thành lập một lực lượng thợ thuyền lấy tên là Tổng liên đoàn Lao công dựa theo mô thức tổ chức và lãnh đạo của lực lượng thợ thuyền Thiên Chúa giáo Pháp và tháng 9-1953 tổ chức hội nghị đại đoàn kết đòi hỏi hòa bình cho Việt Nam. Song song hai việc này, ông Nhu bí mật hoạt động cho ra đời đảng Cần lao nhân vị. Tuy vậy không ai thấy cương lĩnh, nội quy của đảng như thế nào, song qua những bài báo trên tuần báo Xã Hội và qua những bài giảng tại Trung tâm Nhân vị ở Vĩnh Long sau đó, người ta thấy học thuyết của ông Nhu là một thứ tư tưởng pha trộn và chắp vá từ giáo lý Thiên Chúa giáo, chủ nghĩa nhân vị của E. Mounier, thuyết nhân ái của Khổng Tử cộng thêm một ít nét của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa duy linh chống Cộng… Vào những năm đầu của chế độ TT Diệm, tại miền Nam đi đâu cũng nghe nói đến thuyết nhân vị nhưng sau đó thuyết này lại chìm vào quên lãng. Đảng Cần lao nhân vị đã biến thể thành đảng Cần lao Công giáo tiếp tục hiện diện ở miền Nam.

Tiến trình hoạt động của đảng Cần lao nhân vị có thể gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1953 khi Ngô Đình Nhu bí mật khai sinh đảng này với cấp lãnh đạo trung ương là người ngoài Công giáo như Trần Văn Đỗ, Huỳnh Kim Hữu, Trần Chánh Thành…, có lẽ ông Nhu muốn lập một tổ chức như các đảng Dân chủ xã hội Thiên Chúa giáo châu Âu. Sở dĩ ông Nhu muốn kết nạp người ngoài Công giáo vào đảng vì nghĩ rằng khối Công giáo bấy giờ không có những nhân vật chính trị tên tuổi. Giai đoạn 2 kể từ năm 1955 khi ông Diệm đã chấp chánh và củng cố được quyền lực nên ông Nhu kết nạp người Công giáo làm nòng cốt vì bấy giờ hầu hết người Công giáo di cư và Công giáo miền Trung đã là hậu thuẫn vững chắc của chế độ TT Diệm. Giai đoạn 3 từ cuối năm 1957 khi hai ông Diệm Nhu tin rằng chế độ đã vững chãi nên cần phải có một chủ lực trung kiên để đi đến việc Công giáo hóa miền Nam – mục đích tối hậu của nhà Ngô. Đảng lấy yếu tố tôn giáo làm cơ sở cho mọi chính sách, vì vậy đảng viên gồm toàn tu sĩ và giáo dân. Từ đó những đảng viên không Công giáo bắt đầu bỏ đảng, nhiều nhân vật nổi tiếng cũng xa lánh rồi chống đối nhà Ngô.

Đảng Cần lao nhân vị trở nên nguy hiểm vì cho tôn giáo của mình là độc tôn nên kỳ thị các tôn giáo khác (về mặt nhân văn) và độc tài, khống chế sinh hoạt quốc gia (về mặt chính trị). Với tham vọng đó, đảng Cần lao nhân vị biến thành đảng Cần lao Công giáo, trao cho một số chức sắc trong hàng giáo phẩm những đặc quyền siêu chính phủ. Trong chín năm cầm quyền, TT Diệm và đảng Cần lao Công giáo đã có nhiều chính sách ưu tiên cho một sách lược quan trọng là “Công giáo hóa nhân dân”. Vì vậy TT Diệm đã đưa người Công giáo vào giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ, quốc hội, các tỉnh miền Trung và cao nguyên. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã tự gieo mầm mống suy yếu bằng chế độ gia đình trị, bằng kỳ thị tôn giáo, óc bè phái và như vậy dễ đi đến cáo chung.

b) Nền Đệ nhị Cộng hòa

Sau khi hai ông Diệm Nhu bị lật đổ ngày 1-11-1963 (và bị bắn chết ngày hôm sau), đảng Cần lao Công giáo bị thất thế song đảng viên vẫn tìm mọi cách để phục hồi vai trò của mình. Sau ba năm rối ren vì các tướng tá tranh giành địa vị, quyền lực, từ nội các quân sự sang chính phủ dân sự, năm 1966 nền Đệ nhị Cộng hòa được hình thành dưới sự lãnh đạo của TT Nguyễn Văn Thiệu. Lực lượng hậu thuẫn cho chính quyền mới cũng chính là người Công giáo và đảng viên đảng Cần lao Công giáo. Theo Đỗ Mậu(19), giúp việc cho Thiệu là bốn người Công giáo được gọi là “tứ trụ triều đình”, đó là cố vấn an ninh tình báo kiêm cố vấn quân sự Đặng Văn Quang, cố vấn kinh tài Nguyễn Cao Thăng rồi Nguyễn Văn Ngân, cố vấn chính trị linh mục Cao Văn Luận, cố vấn tình báo chiến lược Huỳnh Văn Trọng. Ngoài ra còn có linh mục Bửu Dưỡng, cố vấn bí mật đặc trách văn hóa giáo dục cho chính quyền TT Thiệu, người được Mỹ giúp đỡ thành lập Đại học Minh Đức. Một giám mục nổi tiếng khác là Nguyễn Văn Thuận (gọi ông Diệm bằng cậu ruột) có tham vọng xây dựng khối Thiên Chúa giáo thành một lực lượng để nắm quyền ở miền Nam; ông được Thiên Chúa giáo quốc tế giao chức tổng thủ quỹ Caritas, một tổ chức bề ngoài thì làm việc từ thiện nhưng mục đích cũng là để lôi cuốn người dân theo đạo Thiên Chúa.

Bên cạnh các nhân vật này là một số người khác như linh mục Nhuận và nhóm Nguyễn Đức Xích chuyên theo dõi các đảng phái, tôn giáo và thành phần đối lập. Ngoài ra TT Thiệu cũng nắm lấy Thượng viện thông qua ba, bốn liên danh Công giáo giữ các chức chủ tịch, phó chủ tịch và nắm Hạ viện với đa số là người Công giáo, đặc biệt với khối Độc lập gồm toàn thành phần Cần lao Công giáo. Với một quốc hội như thế, Thiệu đã dễ dàng thông qua các dự luật như luật báo chí, luật ủy quyền, hợp thức hóa cuộc bầu cử tổng thống độc diễn…

TT Nguyễn Văn Thiệu không chỉ gây ảnh hưởng trên ngành lập pháp mà cả trong ngành hành pháp, cho giữ chức bộ trưởng những tay chân trung thành với nhà Ngô như Cao Văn Tường, Trần Chánh Thành, Trần Văn Lắm, Vương Văn Bắc, Ngô Khắc Tỉnh… Về phía quân đội, TT Thiệu dàn xếp chức vụ cao cấp cho Cao Văn Viên (tổng tham mưu trưởng), Đổng Văn Khuyến (tổng tham mưu phó), Trần Văn Trung (Tổng cục Chiến tranh chính trị), Bùi Đình Đạm (Nha Động viên)… Ở các quân đoàn, sư đoàn vẫn là tướng tá Cần lao hoặc chế độ cũ như Ngô Du, Phạm Quốc Thuần, Đỗ Cao Trí, Trần Văn Minh, Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Toàn, Lữ Lan… Phía công an có Nguyễn Mâu, Nguyễn Khắc Bình…

Việc điều hành đất nước của nhà Ngô với đảng Cần lao trong quân đội và ngoài dân sự vẫn được TT Thiệu duy trì. Hai chính sách đặc thù của ông Diệm vẫn được TT Thiệu cho hồi sinh: kỳ thị tôn giáo và kỳ thị địa phương. Đó chính là mối nguy hiểm nội bộ làm suy yếu bộ máy cầm quyền của nền Đệ nhị Cộng hòa.

Nói tóm lại, các hoạt động chính trị của cả hai chế độ TT Diệm và TT Thiệu đã không tạo được sự đoàn kết mạnh mẽ để đương đầu với Chủ nghĩa Cộng sản. Cùng với việc Mỹ cắt giảm viện trợ vào đầu năm 1975 và sự triệt thoái của quân đội Mỹ thì sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn vào ngày 30-4-1975 là điều có thể dự đoán được.

___________

CHÚ THÍCH

(1) Mitchell K.Hall, The Vietnam War, Pearson Education, 2007, tr. 3. (Trích: American viewed the struggle in Vietnam as part of a new global conflict against communism, while the Vietnamese saw the war against the United States as the latest phase of a long fight for independence). Dẫn theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam#cite_note-Chi_vien-69.

(2) Peter Hansen – Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc Việt Nam và vai trò của họ tại Cộng hòa Miền Nam, 1954-1959. Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, issue 3, Fall 2009. http://www.talawas.org/?p=19371.

(3) Lữ Giang, Khi Mỹ vẽ lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam, https://www.danchimviet.info/khi-my-ve-lai-lich-su-cuoc-chien-vn/10/2017/6840/

(4) “The Pentagon Papers”, Gravel Edition, Volume 2, Chapter 3, “Phased Withdrawal of U.S. Forces, 1962-1964,” pp. 160-200) (dẫn theo Lạc Văn – Tính chính đáng của các bên trong cuộc chiến tại Việt Nam 1945- 1975 ,www.x-cafevn.org/node/91).

(5) Bruce Kennedy, Việt Nam cuộc chiến không quên, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2001, tr. 11.

(6)“Chapter 4 – The Burden’s First Fanfare: American SIGINT Arrives in the Republic of Vietnam,1961-1964″.

(7) Kissinger, Những năm tháng ở Nhà Trắng, hồi ký, trích dẫn theo Mai Văn Bộ, Từ Genève đến Paris, NXB Trẻ, TP.HCM, 2002, tr. 224.

(8) Hoành Linh Đỗ Mậu, Tâm sự tướng lưu vong, NXB CAND, Hà Nội, 1995, tr. 224.

(9) Bruce Shapico, Salon News, 2-5-2001.

(10) Neil Sheehan, Sự lừa dối hào nhoáng, NXB CAND, Hà Nội, 2003, tr. 887 và 899.

(11) Alfred W. McCoy (2006). A Question of Torture: CIA Interrogation, from the Cold War to the War on Terror. Macmillan. 68. ISBN 0805082484 và Andrew Jon Rotter (1999). Light at the End of the Tunnel: A Vietnam War Anthology. Rowman & Littlefield. 154. ISBN 0842027130.

(12) http://homepage.ntlworld.com/jksonc/docs/phoenix-scfr-19700217.html truy cập ngày 22/11/2009.

(13) http://www.sggp.org.vn/hosotulieu/nam2005/thang4/45576/

(14) http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam#cite_note-H.E1.BB.93_Khang-8.

(15) Báo Sài Gòn Giải Phóng, Nhìn lại “cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”, 15-4-2005.

(16) Tại hội thảo quốc tế năm ngày bàn về ảnh hưởng của chất độc da cam và dioxin tới sức khỏe và môi trường ở Việt Nam ngày 3-3-2002 tại Hà Nội, đại sứ Mỹ Raymond F. Burghardt thừa nhận trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã rải 72 triệu lít chất hóa học khai quang, chủ yếu là chất độc da cam chứa dioxin.

(17) Joseph A.Amter, Vietnam Virdict, bản tiếng Việt Lời phán quyết về Việt Nam, NXB QĐND, Hà Nội, tr.425.

(18) Stephen Daggett, CRS Report for Congress. Costs of Major U.S. War. Dẫn theo Lạc Văn – Tính chính đáng của các bên trong cuộc chiến tại Việt Nam 1945- 1975. http://www.x-cafevn.org/node/91.

(19) Hoành Linh Đỗ Mậu, sđd, tr. 331.

(kỳ 2)

Nguyễn Phú Yên

CHƯƠNG II

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA – VĂN NGHỆ Ở MIỀN NAM

Trong tình hình mới của xã hội miền Nam, đời sống tinh thần đã có những nét đặc thù khác với trước, đó là vai trò của hệ thống giáo dục với tầng lớp trí thức được đào tạo và hoạt động báo chí, văn nghệ phong phú. Đa số học sinh và sinh viên đều đi học trong các cơ sở giáo dục công lập, một phần khác theo học các trường tư thục. Họ không chỉ thụ đắc kiến thức mà là có được tư duy độc lập, không bị gò bó trong suy nghĩ. Điều này thể hiện rõ rệt trong giáo dục đại học, nơi sinh viên có được ý thức về tinh thần làm việc trách nhiệm, về ý thức dân chủ, tự do, về những giá trị nhân bản, về quyền con người trong bối cảnh họ được tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng và văn hóa phương Tây. Do được đào tạo với tinh thần như vậy, những người trí thức trẻ ý thức sự chọn lựa thái độ trước thời cuộc, xác lập xu hướng chính trị trước hiện tình đất nước, trong đó nổi lên cả một thế hệ những người có tinh thần nhập cuộc, dấn thân, phản kháng, lên đường.

Sau ngày chia cắt đất nước, miền Nam bắt đầu xây dựng đất nước về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa… Trước khi đi sâu vào lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, ta không thể không khắc họa khái quát lĩnh vực giáo dục, một trong những yếu tố tạo nên nền tảng văn hóa xã hội. Chính từ cái nôi kiến thức và học thuật này đã sản sinh, nuôi dưỡng và phát triển một thế hệ người sáng tạo để hình thành nền văn học nghệ thuật riêng biệt. Nó là cơ sở thúc đẩy các hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật làm phong phú đời sống tinh thần của người dân miền Nam.

I. VÀI NÉT VỀ GIÁO DỤC

Về giáo dục, sau ngày chia cắt đất nước, chế độ VNCH được thành lập từ năm 1955 với vị tổng thống đầu tiên là Ngô Đình Diệm. Trong khoảng năm năm đầu tiên, vượt qua khó khăn về chính trị và kinh tế, VNCH đã có một số thành tựu: xã hội dần ổn định, kinh tế phát triển, định cư gần 1 triệu dân di cư từ miền Bắc, thành lập Viện Đại học Sài Gòn rồi đến Viện Đại học Huế năm 1957. Lần lượt sau đó là các viện đại học Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức, Hòa Hảo, Cao Đài, Hán học (Huế) và các trường đại học cộng đồng ở Tiền Giang, Nha Trang, Sài Gòn, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Ban Mê Thuột…, đó là chưa tính các trường kỹ thuật, huấn nghệ, nghệ thuật, các trường cao đẳng, các viện nghiên cứu. Vào năm học 1973-1974, số sinh viên đã là 100.836 người, số học sinh trung học là trên 1 triệu và tiểu học là trên 3 triệu em (1).

Miền Nam đã có một triết lý giáo dục tốt đẹp là nhân bản (humanistic), dân tộc (nationalistic) và khai phóng (liberal), được xác định từ cuộc họp Đại hội Giáo dục quốc gia (lần 1) tại Sài Gòn năm 1958 và sau đó được ghi vào hiến pháp. Triết lý nhấn mạnh quyền tự do giáo dục và cho rằng “nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí”, “nền giáo dục đại học được tự trị” và “những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn”. Từ đó, giáo dục có mục tiêu: phát triển toàn diện mỗi cá nhân, phát triển tinh thần quốc gia, phát triển tinh thần dân chủ và khoa học ở mỗi học sinh. Sinh viên, học sinh ở các cơ sở giáo dục công lập thì không phải đóng tiền.

Nền giáo dục VNCH ngày mỗi phát triển, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển. Kết quả này có được là nhờ các nhà giáo có ý thức rõ ràng về sứ mạng giáo dục, có ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đã sống cuộc sống khiêm nhường để đóng góp trọn vẹn cho nghề nghiệp; nhờ nhiều bậc phụ huynh đã đóng góp công sức cho việc xây dựng nền giáo dục quốc gia và nhờ những nhà lãnh đạo giáo dục đã có những ý tưởng, sáng kiến và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam (2).

Trong nền giáo dục đó, góp phần vào định hướng tư tưởng, phát triển nhân cách, thái độ trước cuộc sống phải kể đến giáo dục đại học. Nó không chỉ là kiến thức mà còn soi đường cho giới trẻ khi vào đời. Nó có vai trò lớn lao trong hoạt động tinh thần của xã hội, tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Nổi bật trong xã hội là tầng lớp trí thức, trong đó có người thầy và sinh viên. Họ là niềm tự hào và niềm tin của xã hội. Chính những người thầy đó, đặc biệt với bộ môn triết học, âm thầm qua năm tháng đã rao giảng và gieo những hạt mầm tư tưởng mới, truyền đạt niềm tin và thái độ sống, củng cố giá trị tinh thần cho giới trẻ. Giáo dục đại học đã nuôi dưỡng tinh thần tự do trong suy nghĩ và phát biểu. Quyền tự trị đại học không chỉ có trên lĩnh vực quản trị, trong giảng dạy mà còn trong quan hệ với nhà cầm quyền và ngay cả trong phạm vi tư tưởng. Đặc biệt, triết học không chấp nhận giáo điều, chân lý, độc tài, thống trị tư tưởng mà ngược lại đó là bầu trời tự do, không có chỗ cho câu thúc tư tưởng, bó buộc, áp đặt. Chủ nghĩa nhân vị của nhà cầm quyền có thế lực mạnh mẽ như thế và là triết thuyết chủ yếu của chế độ, được gia đình họ Ngô ra sức quảng bá vẫn không có chỗ đứng, không có ý nghĩa gì trong các trường đại học và bị nhiều trí thức tỏ ra lạnh nhạt. Nhờ tư tưởng tự do mà trong học giới cũng như ngoài xã hội xuất hiện nhiều khuynh hướng bảo thủ hay cấp tiến, tả khuynh hay hữu khuynh hoặc tư tưởng đối lập nhau đều được chấp nhận. (Chả thế mà bên cạnh nhạc tâm lý chiến vẫn có nhạc phản chiến được hát công khai dù bị cấm đoán).

Các triết thuyết của nhân loại từ cổ sơ đến hiện đại đều được giảng dạy, kể cả triết học mác-xít. Một chủ thuyết có ảnh hưởng quan trọng là triết học hiện sinh (3), ban đầu là tư tưởng được giảng dạy trong nhà trường, sau đó tác động sâu sắc đến xã hội trên nhiều bộ môn nghệ thuật lúc bấy giờ, bên cạnh môn phân tâm học cũng ảnh hưởng không nhỏ trong sáng tác cũng như trong phê bình. Có hai hướng tiếp cận chủ nghĩa hiện sinh: “Nếu người trước chủ yếu xem chủ nghĩa hiện sinh như một đối tượng nghiên cứu thì người sau chủ yếu xem chủ nghĩa hiện sinh như một triết lý sống, một thái độ làm người và ở đời” (4). Chính tư tưởng hiện sinh đã dạy lớp trẻ biết đặt lại vấn đề, biết thức tỉnh, ưu tư, âu lo, xao xuyến trước hiện thực, biết trăn trở với thân phận làm người. Với họ, chân lý vẫn đang trên đường đi. Thực tế từ ý thức đó, xã hội miền Nam đã xuất hiện một lớp trí thức biết dấn thân, biết gieo mầm phản kháng, biết nhập cuộc, biết đau đáu với số phận của dân tộc (5). Họ tìm kiếm, từ chối chủ nghĩa giáo điều, biết tôn trọng ý kiến người khác; họ biết đòi tự do dân chủ, công bằng xã hội, bình đẳng tôn giáo… Họ biết chọn lựa thái độ sống, hành động có ý thức trách nhiệm trước hoàn cảnh đất nước, ý thức tìm về dân tộc… được thể hiện trong các phong trào đấu tranh của sinh viên. Việc này đã mang lại cho trí thức ý nghĩa tốt đẹp và cao quý đối với quần chúng.

Bên cạnh ý nghĩa tích cực, triết học này cũng tạo cho lớp trẻ tâm lý chán đời, hoài nghi, buông xuôi, thờ ơ, nổi loạn, phủ nhận hệ thống giá trị đạo đức, tôn giáo… Không phải lên án khía cạnh này nhưng ta thấy nổi lên hiện tượng xáo trộn và bất ổn chính trị, phủ nhận chế độ (đó cũng là biểu hiện sinh hoạt dân chủ và tự do tư tưởng, tự do ngôn luận trong chế độ tự do tuy còn non trẻ) kéo dài trên chính trường miền Nam lúc bấy giờ.

II. VỀ HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ VÀ ÂM NHẠC

Chính trên nền tảng giáo dục đó, các tài năng, nghệ sĩ và nhà hoạt động nghệ thuật được tự do sáng tạo, có được kiến thức nền để phát triển chuyên môn và tạo nên tác phẩm của mình. Cho nên đời sống văn học nghệ thuật nói chung, và âm nhạc nói riêng, ngay từ buổi đầu của chế độ đã phô bày một diện mạo phong phú, đa dạng. Phong phú vì đã tập hợp được nhiều nghệ sĩ của hai miền, trong đó có nhiều tài năng. Nhưng cũng chính từ nguồn xuất thân cá nhân của các văn nghệ sĩ cũng như sự lựa chọn quan điểm chính trị của họ đã cho thấy một xã hội với nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau, đôi khi đối lập nhau.

1. Báo chí văn nghệ

Ngay sau ngày đất nước phân ly, một số văn nghệ sĩ miền Bắc di cư cùng với văn nghệ sĩ các tỉnh miền Nam đã gia nhập đội ngũ hoạt động văn nghệ đa dạng. Một số tạp chí văn học nghệ thuật ra đời khá sớm.

Trước hết phải để đến các tập san, đặc san, tạp chí đã xuất hiện trước đó và còn tiếp tục xuất bản sau năm 1954. Văn Hóa Nguyệt San do Nha Văn hóa thuộc Bộ Giáo dục xuất bản số 1 từ tháng 2-1952 tại Hà Nội thời Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Bộ mới thời Việt Nam Cộng Hòa xuất bản tại Sài Gòn vào tháng 3-1955; năm 1968 đổi thành Văn Hóa Tập San ra không định kỳ đến số cuối tháng 8-1974. Tiếp theo đó là tờ Phụng Sự, tạp chí nghị luận, biên khảo, văn nghệ thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam, sau đó là Việt Nam Cộng Hòa, số đầu ra năm 1953 và số cuối ra năm 1960.

Sau năm 1954, báo chí văn nghệ miền Nam phong phú hơn. Chính các tạp chí văn chương tạo niềm hứng khởi sinh động, có được nhiều tác phẩm nhân văn trong bầu khí tự do sáng tạo và là cơ sở để hình thành một thế hệ đông đảo các nhà văn.

Nhân Loại là tạp chí văn nghệ, chính trị thân kháng chiến do Đào Tiến Đạt phụ trách, chủ trương phục vụ văn chương lành mạnh, bộ cũ từ 1954-1956, bộ mới từ tháng 7-1956 đến 1959 thì đình bản.

Văn Nghệ Tập San, bán nguyệt san, chủ nhiệm GS Nguyễn Đăng Thục, chủ bút Trần Đình Khải, số 1 ra vào tháng 5-1955, ra được 10 số trong 2 năm 1955-1956.

Một số báo của các bộ ngành, ngoài các bài nghị luận còn có phần sáng tác văn nghệ. Có thể kể, đó là tờ Phụng Sự hợp nhất với tờ Quân Đội thành tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa (1959-1974). Nguyệt san Quân Đội của Nha Chiến tranh tâm lý hiện diện từ 1957 đến 1960. Tạp chí Chỉ Đạo thuộc Bộ Quốc phòng xuất bản từ tháng 10-1956 mở rộng phần văn nghệ, mời các nhà văn ngoài quân đội tham gia, đình bản sau ngày 1-11-1963.

Tạp chí Bách Khoa ra mắt ngày 15-1-1957, chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang. Từ tháng 2-1965, chủ nhiệm là Lê Ngộ Châu. Tờ báo quy tụ mọi cây bút không cần cùng một tôn giáo, một quan điểm chính trị, một tổ chức chính trị nào cả. Tờ báo có nội dung đa dạng, những số đầu phải in thêm theo yêu cầu của độc giả, là tờ báo sống lâu dài nhất, cho đến tháng 4-1975. Nhà văn Võ Phiến nhận xét: “Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng. Không có chủ trương ‘văn nghệ cách mạng’ cũng không chủ trương ‘vượt thời gian’, nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương lẫn truyện Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương… Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa: Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh lẫn Võ Phiến, Vũ Bảo…” (6). Nguyễn Hiến Lê ghi nhận: “Trong lịch sử báo chí của nước nhà, tờ Bách Khoa có một vị trí đặc biệt. Không nhận trợ cấp của chính quyền, không ủng hộ chính quyền mà sống được mười tám năm, từ 1957 đến 1975, bằng tờ Nam Phong, có uy tín, tập hợp được nhiều cây bút giá trị như tờ Nam Phong, trước sau các cộng tác viên được khoảng một trăm…” (7).

Phổ Thông là tờ bán nguyệt san, cơ quan thi ca của Tao đàn Bạch Nga do nhà văn Nguyễn Vỹ làm giám đốc kiêm chủ bút. Xuất bản lần đầu ở Đà Lạt năm 1952, tục bản ở Sài Gòn vào tháng 11-1968 và sống đến năm 1974.

Tạp chí Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo, chủ trương một “nền nghệ thuật mới”, “nghệ thuật hôm nay”, số 1 ra đời vào tháng 10-1956, kéo dài đến tháng 12-1958. Đa số cây bút xuất hiện ở đây là những người viết cho tờ Lửa Việt  Người Việt của một nhóm sinh viên miền Bắc di cư do Doãn Quốc Sỹ và Trần Thanh Hiệp phụ trách. Bộ mới tiếp tục xuất hiện cho đến tháng 3-1962 thì ngừng hẳn.

Văn Hóa Á Châu, cơ quan phát huy văn hóa dân tộc của Hội Việt Nam Nghiên cứu liên lạc Văn hóa Á châu, chủ nhiệm GS Nguyễn Ðăng Thục, thư ký tòa soạn Lê Xuân Khoa, số 1 ra mắt tháng 10-1958. Bộ mới do GS Lê Thành Trị làm chủ bút, Trịnh Viết Thành làm thư ký tòa soạn, xuất bản số 1 năm 1961, đình bản cùng năm 1961.

Văn Hóa Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh chủ trương, có hình thức giai phẩm, ra mắt ngày 17-6-1958, tiếp đó là Tân Phong, giai phẩm văn nghệ do Trương Bảo Sơn làm chủ nhiệm và Nguyễn Thị Vinh làm chủ bút, được xem là sự tiếp nối truyền thống văn chương của Văn Hóa Ngày Nay và nhóm Tự Lực văn đoàn, ra mắt tháng 8-1959 và số cuối vào tháng 8-1960. Sau đó hai nhà văn này còn làm tờ Đông Phương, số 1 ra ngày 1-6-1965.

Nguyệt san Văn Hữu của Văn hóa Vụ thuộc Bộ Thông tin, chủ nhiệm Nguyễn Duy Miễn, chủ bút Nguyễn Mạnh Côn, thư ký tòa soạn Sĩ Trung. Tờ báo nhằm mục đích phát huy văn hóa dân tộc, phổ biến chủ trương đường lối của chính phủ, ra mắt số 1 vào tháng 6-1959, số cuối vào năm 1963.

Quê Hương, nguyệt san nghiên cứu chính trị, văn hóa, xã hội, sáng tác, số 1 ra tháng 7-1959, chủ nhiệm kiêm chủ bút Hoàng Kim Dân, với sự hợp tác của nhiều cây bút tên tuổi.

Thời Nay, “thế giới dưới mắt người Việt” do Nguyễn Văn Thái làm chủ bút, Khánh Giang làm tổng thư ký tòa soạn, ra đời năm 1959.

Văn Nghệ Tiền Phong ra đời năm 1959, số cuối năm 1975 do Nguyễn Thanh Hoàng chủ trương, Tử Vi Lang làm tổng thư ký tòa soạn. Tuần báo có tính cách phổ thông, có nhiều nhà văn cộng tác.

Hiện Đại là tạp chí văn nghệ, ra mắt số 1 vào tháng 2-1960 do Nguyên Sa chủ trương và Thanh Nam lo bài vở, biên tập. Tạp chí sống được 9 số, kết thúc vào tháng 12-1960.

Mai, “tạp chí xây dựng xã hội văn nghệ”, chủ nhiệm Hoàng Minh Tuynh, giám đốc chính trị Huỳnh Văn Lang, thư ký tòa soạn Nguyễn Hữu Thái, ra mắt năm 1960, bộ mới từ tháng 11-1964 và đình bản ngày 1-8-1966.

Văn Đàn, tuần báo văn chương, nghệ thuật, xã hội của Tinh Việt văn đoàn, chủ nhiệm Phạm Đình Tân, tổng thư ký Nguyễn Thạch Kiên, số 1 ra ngày 4-6-1960, chấm dứt cuối năm 1963.

Thế Kỷ Hai Mươi, tập san khảo luận sáng tác phê bình văn nghệ, giám đốc Nguyễn Cao Hách, biên tập Nguyễn Khắc Hoạch, với sự góp mặt của một số giáo sư đại học và các họa sĩ, nhà văn quen thuộc. Số 1 ra mắt vào tháng 7-1960.

Văn Nghệ, tạp chí tranh đấu văn học nghệ thuật mới, ra hằng tháng, số đầu ra mắt ngày 1-2-1961, đến tháng 7-1962 đổi thành tạp chí văn học nghệ thuật ra hai tháng một số; chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, thư ký tòa soạn Tô Thùy Yên, sau đó là Ngọc Dũng, trị sự Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu). Văn Nghệ bộ mới ra mắt số 1 vào tháng 12-1963, đến tháng 2-1964 thì đình bản.

Văn Học, ban đầu là nguyệt san, từ tháng 9-1964 thành bán nguyệt san văn hóa, chính trị, xã hội, nghệ thuật. Phần văn nghệ đa dạng, cổ vũ cho một nền văn chương mới. Chủ nhiệm Phan Kim Thịnh, chủ bút Dương Kiền, ra số đầu tiên ngày 1-11-1962, ngày 1-6-1967 in khổ lớn, ngày 1-3-1969 in khổ nhỏ, số cuối ra ngày 26-3-1975.

Văn, bán nguyệt san văn chương, tư tưởng, nghệ thuật do Trần Phong Giao làm chủ nhiệm, sau đó là Nguyễn Xuân Hoàng rồi Mai Thảo, ra mắt ngày 1-1-1964, quy tụ nhiều cây bút trẻ, phát hiện nhiều tài năng, đóng góp nhiều cho sự phát triển văn chương của miền Nam. Tờ báo sống rất lâu, ra được 256 số, đến ngày 15-9-1972 phải đổi thành Giai Phẩm, số 1 từ 1-10-1972 đến số cuối ngày 26-3-1975.

Nghệ Thuật, tuần báo văn học nghệ thuật do Mai Thảo làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, Thanh Nam làm thư ký tòa soạn, sau đó là Viên Linh. Số ra mắt ngày 1-10-1965 và số cuối ngày 10-11-1966.

Hành Trình của một nhóm trí thức Công giáo cấp tiến, chủ trương một cuộc “cách mạng xã hội không Cộng sản” do Thế Nguyên phụ trách. Số ra mắt tháng 10-1964, đến tháng 12-1965 bị đình bản vì có lệnh tịch thu.

Sau khi Hành Trình bị cấm xuất bản thì Trình Bầy xuất hiện từ 10-10-1966, in roneo và không giấy phép, ra được 6 số. Sau đó bộ mới ra mắt số 1 vào ngày 1-8-1970, trở thành tạp chí văn hóa chính trị xã hội cũng do Thế Nguyên chủ trương, Diễm Châu làm tổng thư ký tòa soạn. Trang bìa số ra mắt có ghi: “Nỗ lực phát khởi một dòng văn chương cho tự do và một nền văn hóa cho hòa bình, độc lập”. Báo ra ngày 1 và 15 mỗi tháng và đình bản sau số 42 ngày 2-9-1972. Thế Nguyên viết ở số cuối cùng:“Chúng tôi cảm thấy không thể nào chấp nhận được bất cứ ý định nào nhằm buộc văn chương phải lấy việc ‘phục vụ cái đẹp’ làm bổn phận duy nhất. Chính vì lý do đó mà sau số báo này, tờ Trình Bầy sẽ đình bản” (8).

Thái Độ với chủ biên Thế Uyên, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Đông Ngạc, đặc san số 1 ra mắt tháng 7-1966, in ronéo được 6 số rồi ngưng. Lá thư tòa soạn số 1 viết: “Tạo một diễn đàn thuận tiện cho việc phát huy một hệ tư tưởng hay một phương thức cần thiết cho cách mạng, mục đích (hay tham vọng) của chúng tôi là vậy”. Khi có giấy phép thì ra số tháng 12-1967 bị kiểm duyệt rồi bị cắt giấy phép, nhóm tan rã.

Đất Nước, tạp chí ra hằng tháng, chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung, chủ trương biên tập Lý Chánh Trung, thư ký tòa soạn Thế Nguyên. Số 1 ra mắt tháng 11-1967, đình bản năm 1970 với 18 số báo.

Nghiên Cứu Văn Học là nguyệt san nghiên cứu, phê bình văn học do linh mục Thanh Lãng làm chủ nhiệm, Thế Nguyên là thư ký tòa soạn. Số đầu tiên ra mắt tháng 11-1967 đến số cuối tháng 11-1968 thì ngưng hẳn.

Khởi Hành, tuần báo văn học nghệ thuật của Hội Văn nghệ sĩ quân đội do trung tá Trần Văn Trọng (nhạc sĩ Anh Việt) làm chủ nhiệm, Viên Linh làm tổng thư ký tòa soạn, ra mắt vào tháng 5-1969 và tiếp tục đến năm 1972.

Đối Diện, tờ báo ra hằng tháng của một số trí thức Công giáo có tinh thần dân tộc, chủ nhiệm LM Chân Tín, chủ bút LM Nguyễn Ngọc Lan. Số đầu tiên ra mắt tháng 7-1969. Báo đổi tên nhiều lần: Đối Diện, Đồng Dao, Đứng Dậy. Từ tháng 8-1975 Đứng Dậy được tục bản với Nguyễn Quốc Thái làm tổng thư ký, Diễm Châu làm thư ký tòa soạn; đến năm 1978 thì báo đình bản vì đã… làm xong nhiệm vụ.

Thời Tập, tạp chí văn học nghệ thuật của Hội Họa sĩ Trẻ do Viên Linh chủ trương, số 1 ra ngày 14-12-1973, số cuối ra ngày 15-4-1975, nội dung phong phú và hình thức rất nghệ thuật. Báo là sự tiếp nối của tờ Khởi Hành trước đó.

Ngoài ra còn có một số báo xuất hiện nhưng không kéo dài như Luận Đàm, Bông Lúa, Bút Hoa, Gió Nam, Gió Mới, Tin Văn, Tin Sách, Đông Phương, Văn Mới, Quần Chúng, Tập San Văn Chương, Nhà Văn… Phật giáo cũng có một số báo như Hải Triều Âm, Giữ Thơm Quê Mẹ, Thiện Mỹ, Chánh Đạo, Đất Tổ, Đuốc Tuệ, Từ Quang, Liên Hoa, Vạn Hạnh, Tư Tưởng… phổ biến tư tưởng và văn hóa Phật giáo, biên khảo văn hóa dân tộc và văn học Việt Nam. Thiên Chúa giáo cũng có nhiều báo như Nhà Chúa, Tinh Thần, Thông Cảm, Đắc Lộ, Thẳng Tiến, Việt Tiến, Tiến Hành, Ra Khơi, Dường Sống, Văn Đàn, Trách Nhiệm… Hội thánh Tin Lành có các báo Thánh Kinh, Rạng Đông, Hừng Đông Tin Lành. Hội Khổng Học có tạp chí Minh Tân, Sinh Lực…

Ngoài các báo xuất bản ở Sài Gòn, còn có nhiều báo văn nghệ ở các địa phương cũng sôi động không kém.

Ở Huế có Mùa Lúa Mới, tạp chí do Nha Thông tin Trung phần xuất bản, chủ nhiệm Võ Thu Tịnh, thư ký tòa soạn Đỗ Tấn, số đầu ra mắt năm 1955.

Văn Nghệ Mới, nguyệt san xuất bản ở Huế năm 1955 với các nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Võ Thu Tịnh, Trần Lê Nguyễn… Huế còn có tờ Lành Mạnh của bác sĩ Lê Khắc Quyến từ năm 1956. Thập niên 1960, Huế có tờ Lập Trường của Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, Nghiên Cứu Việt Nam, Việt Nam Việt Nam (1965) của GS Lê Văn Hảo, Hành Động của nhóm sinh viên Văn khoa Huế (1967), Việt của nhóm sinh viên Sư phạm Huế (1968). Từ năm 1970, nhóm Việt còn phụ trách phần văn nghệ cho tờ Đối Diện ở Sài Gòn.

Chim Việt, đặc san của văn đoàn ở Quảng Trị.

Cùng Khổ ra mắt ở Đà Nẵng năm 1968 với Nguyễn Phan Duy, Đoàn Minh Hải, Phương Tấn…

Nguồn do Đynh Trầm Ca chủ trương, phát hành ở Vĩnh Điện, Quảng Nam, năm 1970.

Sau Lưng Các Người, tạp chí văn học nghệ thuật xã hội, ra mắt tháng 10-1966, chủ nhiệm Nguyễn Lê Cang, thư ký tòa soạn Phương Tấn.

Trước Mặt của nhóm Phan Nhự Thức, Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Phạm Cung, Nghiêu Đề chủ trương và ra mắt ở Quảng Ngãi.

Sóng, tạp chí văn học nghệ thuật ra mắt tháng 5-1971, quy tụ nhiều nhà văn thành danh ở miền Trung.

Hiện Diện xuất bản ở Tuy Hòa, số 1 tháng 12-1969 với Mang Viên Long, Trần Huiền Ân, Phan Việt Thủy…

Vỡ Đất, tập san văn chương do Nguyễn Thái Dương và Ban Bội Bổng chủ trương, ra mắt hai số năm 1975, xuất bản ở Quy Nhơn. Ở đây còn có 2 tờ khác là Nhìn Mặt  Vận Động.

Dựng Đất ở Nha Trang với Nguyễn Âu Hồng, Lê Minh…

Thế Đứng, “đấu trường văn nghệ trẻ ý thức tự lực” ở Phan Rang do Trăng Thệ Hải chủ trương, ra mỗi 3 tháng, xuất hiện năm 1969.

Ý Thức, bán nguyệt san in ronéo khởi đầu ở Phan Rang, chủ nhiệm Nguyễn Thị Yến, tổng thư ký Nguyên Minh, ra mắt 1-10-1970, năm 1974 dời vào Sài Gòn in typo. Tiền thân Ý Thức là tờ báo Gió Mai đánh máy xuất hiện ở Huế năm 1957 với ba thành viên Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Ngy Hữu.

Vượt Sống ra mắt năm 1968 ở Phan Thiết, do Trần Văn Sơn chủ trương. Quê Hương cũng ra mắt ở đây với Nguyễn Bắc Sơn, Sao Trên Rừng…

Động Đất do một nhóm văn nghệ trẻ ra mắt ở Tây Ninh.

Hiện Diện tờ báo cùng tên, xuất bản ở Châu Đốc năm 1966, do Mặc Nghiệm Tường, Trần Xuân Huyên, Lưu Nhã Thụy chủ trương.

Tham Dự, tạp chí văn học nghệ thuật do Việt Chung Tử và Trần Mộng Hoàng chủ trương, xuất bản ở Vĩnh Long, từ 1970-1973, ra được 6 số.

Khơi Dòng, tạp chí của thi văn đoàn Về Nguồn ở Cần Thơ, do Lê Trúc Khanh, Huyền Vân Thanh phụ trách với sự cộng tác của nhà nhiều cây bút trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long, ra được 5 số khổ lớn, từ 1970-1975. Ngoài ra còn có Sóng Cửu Long của nhóm Chu Tấn, Trần Kiên Thảo, Trần Hoài Thư, Lê Triều Điển…

Khai Phá ở Long Xuyên do Ngô Nguyên Nghiễm chủ trương, số 1 ra mắt tháng 4-1970 đến năm 1975.

Trừ một số tạp chí có quan điểm chính trị riêng, phần lớn các tạp chí khác chủ trương phi chính trị, thuần túy văn nghệ (tuy không tuyệt đối). Không khí chính trị luôn luôn có những cạm bẫy rình rập đáng nghi ngại: chế độ kiểm duyệt và màng lưới mật vụ luôn là những trấn áp những công dân không chịu khuất phục trước đường lối chính sách cai trị của nhà cầm quyền. Người ta đành chọn giải pháp cầu an bằng thứ văn nghệ phi chính trị, vô can với sinh mệnh xã hội lúc nào cũng như khẩn trương. Văn nghệ phi chính trị – mà có thời bị gán cho một thuộc từ không mấy dễ chịu: viễn mơ – thường lẩn tránh vai trò phát ngôn nhân của xã hội mình đang sống” (9). Tuy đứng ngoài chính trị, một số ít tạp chí vẫn bị các cơ quan thông tin (sau này gọi là Sở Phối hợp nghệ thuật) kiểm duyệt bằng cách chỉ thị cho các nhà in gỡ bỏ hoặc lật ngược chữ chì những đoạn cắt bỏ hoặc ghi chữ “tự ý đục bỏ”.

2. Hoạt động biểu diễn âm nhạc

Với dòng dõi quan lại chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, ngay từ đầu ông Ngô Đình Diệm đã không ủng hộ sự xâm nhập các khuynh hướng nghệ thuật ngoại lai có thể ảnh hưởng đến xã hội truyền thống của người Việt. Ông đã không cho hoạt động vũ trường mà trước đây từng xuất hiện trong xã hội khi người Pháp còn chiếm đóng, do đó các hoạt động biểu diễn văn nghệ thường diễn ra ở phạm vi hạn hẹp như các đài phát thanh lúc ban đầu. Sau đó âm nhạc Sài Gòn đã hình thành một thị trường âm nhạc sôi động và phát triển nhờ các phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại, các sân khấu biểu diễn, các phòng trà, các đại nhạc hội, các hãng băng đĩa, các nhà xuất bản chuyên in ấn bản nhạc rời (Tinh Hoa, Minh Phát, An Phú…). Đến năm 1966 có thêm Đài truyền hình Sài Gòn đã tạo điều kiện để phổ biến các loại hình hoạt động văn nghệ được rộng rãi hơn. Nhìn chung, với lực lượng văn nghệ sĩ xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau, hoạt động biểu diễn ca múa nhạc có được sự phong phú và đa dạng.

Để có hoạt động ca nhạc, ngoài lực lượng sáng tác là các nhạc sĩ còn phải kể đến lực lượng ca sĩ. Họ đến từ các tài năng ca hát ở mọi miền, của Đài phát thanh Pháp Á, các chương trình tuyển lựa ca sĩ của các đài phát thanh trung ương và địa phương, sự khám phá của các nhạc sĩ, các lớp đào tạo của các trường chuyên nghiệp, các lớp thanh nhạc tư nhân và các ông bầu với các lò đào tạo độc lập.

a) Các lò đào tạo của các nhạc sĩ: Phần lớn các lò đào tạo này xuất hiện ở Sài Gòn, thường do các nhạc sĩ đảm nhận. Chẳng hạn nhạc sĩ Nguyễn Đức có thuận lợi khi đào tạo vì chính ông có các chương trình trên Đài truyền hình số 9 là Ban thiếu nhi Sao Băng và chương trình Nguyễn Đức, cùng hai chương trình trên Đài phát thanh là Ban Việt Nhi và ban ABC. Các ca sĩ đã thành danh từ nơi này là Hoàng Oanh, Phương Hồng Loan, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc… Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có đoàn ca nhạc riêng và phòng trà Maxim’s, có các ca sĩ Sơn Ca, Bùi Thiện, Họa Mi… Lớp nhạc Bảo Thu cùng với Duy Khánh có các ca sĩ Quốc Dũng, Thanh Mai, Thanh Tâm, Kim Loan… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương của Tổng cục Chiến tranh chính trị do nhạc sĩ Song Ngọc đứng đầu. Còn quái kiệt Tùng Lâm có chương trình đại nhạc hội và chương trình Tạp lục trên truyền hình đào tạo các ca sĩ Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến, Chế Linh, Giang Tử… Các ông bầu thì có: Tùng Lâm ở rạp Olympic, Duy Ngọc ở rạp Trần Hưng Đạo, Ngọc Chánh với hãng băng Shotguns (10)

b) Các nhóm nhạc và ban nhạc: Ngoài những lò đào tạo nói trên còn có những ca sĩ thành danh từ các phòng trà, vũ trường (chẳng hạn phòng trà Đức Quỳnh là nơi đào tạo các ca sĩ Thu Hương, Lệ Thanh, Thanh Thúy…) và các phong trào văn nghệ học đường, phong trào kích động nhạc như Vi Vân, Julie Quang, Carol Kim, Đức Huy, Ngọc Bích, Thúy Hà Tú (Khánh Hà – Anh Tú – Tuấn Ngọc), Elvis Phương… Nhiều ca sĩ độc lập có rất nhiều như Trần Văn Trạch với nhạc hài hước, song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết, Thúy Nga với tiếng đàn phong cầm (sau thành vợ Hoàng Thi Thơ), Bạch Yến, Tâm Vấn, Mộc Lan, Quỳnh Giao, Thanh Thúy, Hà Thanh, Minh Hiếu, Phương Dung, Ánh Tuyết, Cao Thái, Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Xuân Sơn, Anh Khoa, Jo Marcel, Giao Linh, Thanh Tuyền, Elvis Phương… Hoặc các nhóm tự lập như ban hợp ca Thăng Long (Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Thái Thanh); ban thiếu nhi Tuổi Xanh của Kiều Hạnh (trước 1953 là của ca sĩ Minh Trang); cuối thập niên 1960 có ban Nhạc Vàng của nhạc sĩ Phó Quốc Lân, ban Tơ Vàng của Văn Phụng quy tụ những ca sĩ di cư từ đất Bắc như Duy Trác, Châu Hà, Kim Tước, Thái Thanh, Anh Ngọc, Sĩ Phú, Mai Hương…; Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ; ban tam ca trào phúng AVT (Anh Linh, Vân Sơn, Tuấn Đăng, sau đó là Hoàng Hải rồi Lữ Liên thay cho Anh Linh). Các ban nhạc thì có ban của Vũ Thành, ban Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, chương trình Dạ Lan của Mai Trung Tĩnh… Hãng băng đĩa có Continental, Sơn Ca, Tân Thanh, Hương Giang, Sóng Nhạc, Asia, Việt Nam, Trường Sơn, Nhã Ca, Nhạc Trẻ, Hồn Nước, Thanh Thúy, Tơ Vàng, Shotguns… Các phòng trà và vũ trường nổi tiếng có Anh Vũ (đường Bùi Viện), Trúc Lâm (đường Ngô Tùng Châu), Văn Cảnh, Tabarin, Tự Do, Bồng Lai, Đêm Màu Hồng, Ritz, Queen Bee, Saigon By Night…

Các chủ hãng sản xuất băng nhạc bấy giờ chọn lựa kỹ lưỡng các ca sĩ phù hợp hát cho hãng của mình để tạo tên tuổi riêng. Và người nghe cũng vậy, họ chỉ chọn băng đĩa nào có ca sĩ mình yêu thích. Vô hình trung, người thưởng thức tự hình thành những tầng lớp yêu ca nhạc khác nhau:

– Băng đĩa Shotguns dành cho lớp người có trình độ thưởng thức với các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao.

– Nhãn băng Thanh Thúy dành cho mọi tầng lớp khán thính giả.

– Nhãn băng Hồn Nước có Chế Linh, Duy Khánh, Trang Mỹ Dung, Phương Hồng Quế…

– Phục vụ thành phần thưởng ngoạn lớn tuổi, hoài cổ có băng nhạc Tơ Vàng của Văn Phụng, thường quy tụ những ca sĩ di cư từ đất Bắc với các nhạc phẩm tiền chiến và dòng ca khúc lãng mạn cùng các tác phẩm mới của những nhạc sĩ tên tuổi hiện tại.

– Tầng lớp học sinh sinh viên có nhãn hiệu Shotguns, Khánh Ly, Jo Marcel để nghe nhạc phẩm Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Y Vân, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Ánh 9…

– Giới bình dân có rất nhiều nhãn hiệu băng như Hoàng Thi Thơ, Họa Mi, Hồn Nước, Chế Linh, Âm Thanh, Trường Sơn, Nguồn Sống qua các nhạc phẩm của Châu Kỳ, Mạnh Phát, Anh Việt Thu, Đỗ Lễ, Trầm Tử Thiêng, Vinh Sử, Tú Nhi, Hàn Châu, Song Ngọc, Duy Khánh, Thanh Sơn, Y Vũ, Trần Trịnh, Tâm Anh…

– Nhạc trẻ có nhóm Trường Kỳ, Tùng Giang, Kỳ Phát đều có nhãn băng nhạc riêng, Có các cơ sở chuyên in sang nhạc nước ngoài mang nhãn Selection hay Anna.

Sự phân chia tác phẩm ca nhạc theo sở thích của người nghe cũng như sự xếp đặt ngôi thứ rõ ràng của các ca sĩ là đặc tính của thế giới ca nhạc miền Nam ngày trước.

3. Hoạt động sáng tác âm nhạc

Ở miền Nam từ giữa thập niên 1950 cho đến ngày 30-4-1975, nhiều khuynh hướng âm nhạc phát triển trong một bối cảnh lịch sử – xã hội đầy biến động. Ngoài sự có mặt của khuynh hướng lãng mạn và trữ tình vốn khởi đi từ những ca khúc tiền chiến và còn tiếp tục lưu giữ sau đó trong các hoạt động biểu diễn, âm nhạc miền Nam ngày càng biểu hiện rõ nét tâm tư của một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Giữa thập niên 1960 cũng là thời gian chiến tranh phát triển một bước mới với sự có mặt của quân Mỹ và bộ máy cầm quyền luôn thay đổi. Chiến tranh leo thang, đất nước tang tóc, dân tình khổ nhục, cảnh chết chóc ai oán…, tất cả đã tạo nên một bộ mặt xã hội bi thương. Các phong trào đấu tranh của quần chúng liên tiếp xảy ra đã làm phân hóa rõ rệt tư tưởng và hành động của cả một thế hệ, ảnh hưởng trực tiếp lên nguồn cảm hứng nghệ thuật của các văn nghệ sĩ. Đời sống nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đã biểu hiện khá rõ tâm tư và mơ ước của lớp thanh niên đầy dằn vặt trước vận nước điêu linh.

Trong cái đa dạng, phức tạp và xáo động của cảm hứng sáng tạo âm nhạc, có thể nhận ra diện mạo của một số khuynh hướng nổi bật trong sáng tác ca khúc, xuất phát từ quan điểm tư tưởng và vị trí xã hội của người nhạc sĩ trong bối cảnh lịch sử mà họ gắn bó. Trong số các khuynh hướng sáng tác, có thể có một số khuynh hướng được đẩy mạnh thành phong trào, có dấu ấn rõ nét trong đời sống xã hội, thường thay đổi qua các chặng thời gian khác nhau. Bên cạnh đó có một số loại hình âm nhạc phục vụ các đối tượng riêng biệt trong xã hội với nội dung và hình thức khác nhau.

Có thể tóm lược ba đặc điểm chung của các khuynh hướng sáng tác âm nhạc của miền Nam như sau:

Về mặt nghệ thuật sáng tác, các nhạc sĩ vẫn tiếp nối truyền thống nhạc bán cổ điển Tây phương đã được sử dụng thành công trong giai đoạn hình thành nền tân nhạc trước đó. Trong ca khúc họ sử dụng các yếu tố nhạc tính Tây phương, kết hợp thang âm bình quân luật và thang âm ngũ cung Việt Nam, vẫn trung thành với kết cấu, khúc thức, hình thức âm nhạc (hai đoạn, ba đoạn…) với tiết tấu rõ ràng; vẫn phát triển và tiến hành giai điệu với nhiều mô phỏng để dễ nhớ, dễ thuộc; vẫn sử dụng hòa âm cổ điển ít phá cách hoặc cách tân. Về nhịp điệu các nhạc sĩ du nhập nhiều điệu nhạc nhảy từ các nước Tây phương, Nam Mỹ như jazz, fox, fox trot, march, swing, slow, slow rock, blues, tango, valse, boston, bolero, rumba, mambo, samba, cha cha cha, pasodoble, bebop, twist, pop, rock-and-roll…

Bên cạnh sự tiếp thu nghệ thuật âm nhạc phương Tây, các nhạc sĩ vẫn không quên bảo tồn và phát triển dòng nhạc dân tộc. Đó là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn để xây dựng ngôn ngữ âm nhạc nước nhà. Một số nhà nghiên cứu âm nhạc và nhạc sĩ tìm tòi và lưu giữ kho tàng di sản âm nhạc từ bao đời nay của cha ông và tìm ra trong đó những giá trị học thuật làm nền tảng tri thức để phát triển cá tính sáng tạo và ngôn ngữ âm nhạc đặc thù của riêng mình. Rất nhiều nhạc sĩ học hỏi từ vốn liếng âm nhạc dân tộc để đưa vào sáng tác của mình những giai điệu mượt mà thể hiện nét đẹp tâm hồn và cuộc sống dân tộc.

Nếu ở giai đoạn bước đầu hình thành nền tân nhạc Việt Nam có sự nổi trội của dòng âm nhạc lãng mạn và dòng nhạc kháng chiến chống Pháp thì trong giai đoạn này, với sự phân ly đất nước, miền Nam có điều kiện mới về lịch sử và xã hội để có thể hình thành những khuynh hướng sáng tác đa dạng và phong phú, làm giàu cho nền âm nhạc nước nhà. Ngoài hai dòng nhạc vừa kể vẫn còn được tiếp tục thể hiện trong sinh hoạt ca nhạc ở miền Nam, ta còn nhận ra trong giai đoạn này có sự xuất hiện các bài hát viết về người lính; các bài hát lãng mạn trữ tình; các bài tình ca quê hương; tình ca đôi lứa; nhạc sinh hoạt cộng đồng; truyện ca và trường ca; nhạc hùng ca; nhạc trẻ; nhạc phản chiến; các bài tâm ca và đạo ca; phong trào du ca; nhạc sinh viên tranh đấu; nhạc thiếu nhi và sinh hoạt cộng đồng…

Dĩ nhiên những khuynh hướng âm nhạc nêu trên không hẳn phát triển độc lập mà phát triển song song và còn có thể tác động qua lại. Bên cạnh những dị biệt đặc trưng, một vài khuynh hướng còn gặp nhau ở một vài nét tương đồng do cùng sinh ra và lấy cảm hứng từ một bối cảnh lịch sử chung, một hoàn cảnh xã hội nhất định. Tuy nhiên chính tư tưởng nghệ thuật, quan điểm sáng tác là cơ sở để hình thành khuynh hướng có hiệu quả tác động vào xã hội rất lớn. Vai trò âm nhạc trong những biến động lịch sử được khẳng định hơn bao giờ hết. Âm nhạc miền Nam có thể xem như cuốn nhật ký tập thể, cuốn biên niên sử tình cảm của con người miền Nam, qua đó ta có thể thấy được đời sống xã hội, hiểu được tình cảm, tâm tư và khát vọng của họ trong giai đoạn 1954-1975.

_______

CHÚ THÍCH:

(1) Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, Nha Thống kê, năm học 1973-1974, trích dẫn từ Hồ Hữu Nhật, Lịch sử giáo dục Sài Gòn-TP.HCM, NXB Trẻ, 1999, tr. 125.

(2)http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a

(3) “Triết học hiện sinh đã xuất hiện rầm rộ, gần như tiếng sóng vang động cả trời đất, lay động xã hội Tây phương cách mạnh mẽ như chưa từng thấy trong lịch sử… Ðiểm son của nó là đã tạo nên được cả một phong trào rộng lớn và sôi nổi trong giới văn học”(Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, NXB Thời Mới, Sài Gòn, 1967, tr.7). Ở VN, tuy không vang động như thế nhưng đã có ảnh hưởng rõ rệt.

(4) Huỳnh Như Phương, Những nguồn cảm hứng trong văn học, NXB Văn Nghệ, TP.HCM, 2008, tr.172.

(5) Từ “trí thức” được nhìn dưới nhãn quan cá nhân khác nhau. Xin thử đọc một định nghĩa trong số đó: “Thế nào là một người trí thức? Là những người đã được gọi, được chọn lựa, nhận trách nhiệm, có những thao thức trăn trở để trở thành tiếng nói của lương tâm thời đại, tiếng nói của lẽ phải. Tuân theo những điều xác tín đó, theo đuổi lý tưởng đó, họ lên tiếng phản kháng những bất công, những chà đạp lên con người. Khi một người lên tiếng, đó cũng là một hy vọng, thắp sáng một căn nhà tối tăm. Khi một người lên tiếng, sẽ giúp xóa bớt nỗi sợ canh cánh bên lòng mỗi người. Khi một người theo đuổi cuộc chiến đấu chống lại tất cả những áp bức đang đè nặng lên xã hội, gửi đi những thông điệp có chiều kích nhân loại, nói lên tình người và lòng tin tưởng không gì lay chuyển được vào điều thiện, điều đó đem lại một ý nghĩa cho đời sống. Ta gọi những người đó là trí thức” (Nguyễn Văn Lục, Trí thức miền Nam – Hai mươi năm nhập cuộc (1955-1975) (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5101&rb=0401).

(6) Nguyễn Vy Khanh, Văn học miền Nam 1954-1975, Nguyễn Publishings, Toronto, 2016, tr. 506.

(7) Nguyễn Vy Khanh, sđd, trang 506.

(8) Nguyễn Vy Khanh, sđd, trang 538.

(9) Phố Tịnh, Phạm Duy – người nghệ sĩ tự do, (talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2959&rb=0206)

(10) Thiên Việt, Ca nhạc sĩ Sài Gòn trước 1975, http://hoiquanphidung.com/showthread.php?3784-Ca-Nh%E1%BA%A1c-S%C4%A9-c%E1%BB%A7a-Saigon-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-1975

(Còn tiếp)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen