23.08.2022
VNC phỏng dịch
Phỏng vấn đại tá Reisner
Sáu tháng sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, diễn biến mặt trận ở Ukraine dường như bị đóng băng. Markus Reisner, một sĩ quan trong quân đội Áo, người phân tích cuộc chiến Ukraine ngay từ đầu, cho biết nhận định đó là sai lầm. ” Nga đang tiến bộ chậm, nhưng họ đang tiến chiếm liên tục.” Các vụ chuyển giao vũ khí từ phương Tây quá ít để cho thấy “hiệu quả thấy được trên chiến trường”.
Theo quan điểm của Reisner, dân chúng phương Tây là một điểm yếu tiềm tàng đối với Ukraine. “Mọi bên tham chiến đều có gót chân Achilles. Đối với Ukraine, đó là sự hỗ trợ từ phương Tây – nếu không có điều đó, nước này không thể tồn tại trong cuộc chiến này. Đối với Nga, đó là sự gắn kết của chính người dân của mình.” Sau các cuộc tấn công vào Crimea và vụ tấn công con gái của Dugin theo chủ nghĩa dân tộc Nga, Reisner cho rằng chiến tranh sẽ leo thang. “Ví dụ, cho đến nay, chúng tôi hầu như không thấy việc triển khai lực lượng không quân chiến lược của Nga. Rất có thể bây giờ Nga sẽ sử dụng chúng để trả đũa lớn”.
ntv.de: Vào tháng 7, Nga đã chiếm hoàn toàn tỉnh Luhansk, nhưng họ vẫn chưa thành công trong việc chiếm tỉnh Donetsk. Ông nghĩ sẽ mất bao lâu để Nga có thể chinh phục toàn bộ Donbass?
Trong sáu tháng qua, Đại tá Markus Reisner đã phân tích cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine trên kênh YouTube của Quân đội Liên bang Áo. Reisner là một nhà sử học quân sự và là trưởng phòng nghiên cứu và phát triển tại Học viện Quân sự Theresian ở Wiener Neustadt. (Ảnh: Chụp màn hình)
Markus Reisner: Nga sẽ cố gắng chiếm lĩnh càng nhiều đất càng tốt trước khi mùa đông bắt đầu. Cuộc tiến công của Nga ở Donbass vẫn chưa dừng lại. Cuộc chiến có thể được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên được đánh dấu bằng một thành công của phía Ukraine – do đó phía Nga buộc phải định vị lại chính mình. Cuộc giao tranh ở Donbass mở ra giai đoạn thứ hai. Tại đây, người Nga đã thành công trong thời gian ngắn trong trận bao vây Lyssychansk đưa tới một quyết định khu vực. Mặt khác, giai đoạn thứ ba sẽ được bắt đầu bằng một cuộc phản công của Ukraine, ví dụ như ở khu vực Cherson. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy bất kỳ điều đó vào lúc này. Có vẻ như Ukraine ít nhất muốn thể hiện sự chủ động bằng cách tấn công vào Crimea và Nga gần Belgorod.
Sự khác biệt giữa tình hình hiện tại và những tuần đầu tiên của cuộc chiến là gì?
Rõ ràng, khi họ tiến về phía Kyiv, Nga vẫn nghĩ rằng cuộc chiến sẽ nhanh chóng thành công. Trong giai đoạn này, họ tiến nhanh, hẹp và sâu. Về cơ bản, họ đã thay đổi chiến thuật của mình ở Donbass. Ở đó, họ sử dụng một lượng lớn pháo binh, và chỉ khi họ nhận thấy tới lúc để tấn công các vị trí của Ukraine thì bộ binh mới lao vào. Chiến thuật này đã dẫn đến nhận thức của chúng ta là mặt trận ít nhiều bị đóng băng. Những tiến bộ lớn hơn hiếm khi được tường thuật, chẳng hạn như vào đầu tháng 5 khi quân Nga phá vỡ tuyến phòng thủ đầu tiên của lực lượng Ukraine tại Popasna. Điều này dẫn đến Trận chiến bao vây Lyssytschansk. Việc này cho phép người Nga hoàn toàn chiếm giữ tỉnh Luhansk. Giao tranh ác liệt hiện đang diễn ra ở tỉnh Donetsk. Như tại Popasna vào đầu tháng 5, họ đang dần xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Ukraine tại Pisky, phía tây Donetsk.
Tại sao Nga không tiến nhanh hơn ở Donetsk?
Người Nga không còn đủ sức để tiến nhanh hơn. Vào đầu cuộc chiến, họ đã có khoảng 150.000 đến 200.000 binh lính. Họ đã tổn thất rất nặng nề, đặc biệt là trong các trận chiến giành Kyiv, Chernihiv, Sumy và Kharkiv. Hiện họ đang cố gắng giữ cho độ hao mòn của chính mình ở mức thấp nhất có thể. Họ chơi quân bài mang lại lợi thế rõ ràng cho họ: pháo binh. Đây là một cuộc chiến giống như Chiến tranh thế giới thứ nhất. Phía Nga có lợi thế hơn vì họ có một lượng lớn pháo và đạn dược tùy ý sử dụng. Mỗi quả đạn pháo mà người Nga bắn vào các vị trí của Ukraine đồng nghĩa với việc binh lính phía Ukraine thiệt mạng, bị thương, suy kiệt. Người Nga đang tiến bộ chậm, nhưng họ đang tiến bộ liên tục.
Trong một bảng kết quả tạm thời về cuộc chiến Ukraine, bạn mới đây đã viết trên trang web của quân đội Liên bang rằng các chuyến giao vũ khí của phương Tây đến Ukraine được cho đến nay là “quá nhiều để phải chết và quá ít để sống sót” cho các lực lượng vũ trang Ukraine.
Câu hỏi liệu một hoạt động quân sự có thành công hay không chỉ có thể được trả lời nếu có thể đo lường được sự thành công. Về các lô hàng vũ khí của phương Tây, điều đó có nghĩa là chúng phải có ảnh hưởng rõ rệt trên chiến trường. Những tác động có thể nhận ra sẽ là việc ngăn chặn bước tiến của Nga hoặc lý tưởng nhất là sự rút lui của quân đội Nga lại rất xa, thậm chí có thể qua biên giới để trở lại chính nước Nga. Mặc dù Nga đã phải chịu những thất bại nhưng cho đến nay nước này vẫn duy trì các cuộc tấn công của mình. Trên hết, các cuộc tấn công liên tục sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa tầm trung đang giáng đòn mạnh vào Ukraine.
Vì vậy, nếu bạn muốn Ukraine ngăn chặn được Nga, bạn phải nói: Phương Tây cung cấp không đủ.
Đúng. Vấn đề là chiến tuyến rất dài, 1200 km, một khoảng cách như từ Berlin đến London. Sau sáu tháng chiến tranh, phía Ukraine ngày càng có ít lực lượng hơn, và nguồn cung vũ khí, mặc dù với số lượng lớn, vẫn khan hiếm đến mức phải sử dụng một cách thận trọng. Hãy nói về 16 chiếc HIMARS – hay chẳng bao lâu 20 từ Hoa Kỳ. Số lượng này không đủ để triển khai chúng dọc theo toàn bộ mặt trận. Hiện tại, các hệ thống này chủ yếu ở phía nam, một số ít ở Donbass. Ở đó, chúng ta thấy, trong số những thứ khác, mười lăm chiếc Panzerhaubitzen 2000, KRAB của Ba Lan hoặc M109 của Na Uy. Nhưng số lượng này không đủ để Ukraine có thể bắn vào các vị trí của Nga tới mức độ họ có thể sẵn sàng tấn công. Ngoài ra, có những hư hỏng liên tục cần sửa chữa hoặc thậm chí bị phá hủy.
Tình hình ở miền Bắc hiện như thế nào, ở Charkiw?
Tại Charkiw, sau khi kết thúc giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, người Nga có vấn đề là họ đang ở trên một địa điểm mà họ rất dễ bị hỏa lực pháo binh Ukraine tấn công. Do đó, họ đã rút lui vào tháng Tư/tháng Năm. Như với Kyiv, đây là thành công lớn của Ukraine vào thời điểm đó, và trên thực tế, phía Ukraine cũng đã thử một loại tấn công ở đây. Người Ukraine chủ yếu quan tâm đến việc làm giảm áp lực từ mặt trận Donbass mà họ bị áp đảo nặng nề, vì vậy họ buộc người Nga phải di chuyển lực lượng lên phía bắc. Tuy nhiên, sau khi họ rút lui, người Nga đã củng cố phía đông bắc của thành phố Charkiw. Kể từ đó, trận chiến đã diễn ra qua lại ở đó. Người Nga gần đây đã bắt đầu một cuộc tấn công nhỏ hơn, và cho đến nay người Ukraine đã thành công trong việc phòng vệ. Để mở rộng phương tiện tấn công, người Nga đã đặt một lữ đoàn Iskander ở khu vực Belgorod. Từ đó, họ hiện đang liên tục bắn phá các địa điểm ở miền đông Ukraine.
Còn ở miền Nam?
Miền Nam hiện là vấn đề chính yếu đối với Ukraine. Tôi đã thực hiện một bản tóm tắt khi bắt đầu cuộc chiến mà tôi đã nói tới bốn vấn đề cốt lõi của Ukraine từ khi cuộc chiến xảy ra. Vào thời điểm đó, điều quan trọng nhất là giữ Kyiv khỏi bị chiếm đóng. Họ đã làm được điều đó. Thứ hai là ngăn chặn để không bị bao vây rộng lớn trong Donbass – mặc dù đã bị thất bại trong trận chiến bao vây tại Lyssytschansk, nhưng người Ukraine vẫn tự bảo vệ mình thành công trước cuộc bao vây rộng lớn. Vấn đề thứ ba và thứ tư là Nam và Bắc – sau tất cả, Ukraine vẫn bị đe dọa từ phía Belarus. Do đó, họ phải giữ các lực lượng ở phía bắc và phía tây bắc của Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra từ đó.
Tại sao miền Nam hiện là vấn đề chính yếu?
Khi bắt đầu chiến tranh, Nga đã rất thành công ở miền Nam. Họ đã chiếm hữu được Kênh Crimea Bắc, nơi mang nước từ đất liền đến bán đảo và có tầm quan trọng lớn đối với nông nghiệp ở Crimea. Ukraine đã rút cạn nước kênh này bằng một con đập sau khi Crimea bị sáp nhập – Nga đã dựt sập đập này. Thứ hai, Nga không chỉ lấy nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Ukraine ở Saporischschja, mà còn chiếm các thành phố Melitopol và bao vây Mariupol. Nhưng việc tiến quân của họ về hướng sông Dnipro trong tỉnh Cherson là quyết định. Có ba cây cầu, cầu đường sắt và hai cây cầu đường phố. Ukraine đã không phá hủy kịp thời chúng, để cho lính Nga sang được phía bên kia dòng sông. Họ có được một địa điểm bên kia sông trên đất địch để bắt đầu một cuộc tấn công qua Mykolajiw đến Odessa sau đó. Bằng cách chiếm được Odessa, Nga sẽ chận Ukraine không ra biển được.
Bây giờ Nga đánh tới Odessa được coi là khó xảy ra phải không?
Hiện tại, có vẻ như người Nga không có đủ lực lượng cần thiết cho việc này. Tuy nhiên, họ sẽ cố gắng bằng mọi giá để nắm giữ vị trí bên kia sông đó. Nếu bị đẩy lùi về phía đông của Dnipro, họ sẽ phải đổ bộ chuẩn bị cho bất kỳ cuộc tấn công mới nào. Tuy nhiên, đó cũng là vấn đề của Ukraine: Ngay cả khi Ukraine cố gắng đánh đuổi người Nga khỏi bờ Tây, họ vẫn gặp vấn đề là sau đó họ sẽ phải tự mình vượt sông để tiến tới hướng Crimea. Và như chúng ta đã biết, trong các cuộc tấn công liên tục sử dụng bệ phóng tên lửa HIMARS, Ukraine đã làm hư hại nghiêm trọng các cây cầu bắc qua sông Dnipro. Do đó, người Nga buộc phải vận hành dịch vụ phà và đặt cầu phao.
Ukraine đã tuyên bố sẽ có một số vụ tấn công lớn ở miền nam, nhưng cho đến nay vẫn chưa có vụ nào. Tại sao?
Trên thực tế, trong hai tháng qua, Ukraine đã nhiều lần tuyên bố ý định đẩy người Nga trở lại phía bên kia Dnipro, và cũng đã tập hợp lực lượng để làm điều đó. Vấn đề là địa hình xung quanh Kherson rất bằng phẳng và không có nhiều khu vực cây cối rậm rạp. Điều này có nghĩa là không có cơ hội nào để che giấu các lực lượng tấn công được cơ giới hóa, tức là xe tăng hoặc các xe bọc thép trang bị súng ống. Liên tục, các công việc chuẩn bị bị Nga nhận ra và nhắm bắn. Có những tổn thất liên tục của Ukraine. Vừa rồi, chỉ huy và một phần ban tham mưu Lữ đoàn Cơ giới 28 đã bỏ mạng. Để đảm bảo các vị trí của mình, Ukraine cũng sẽ cần một hệ thống phòng không hoặc lực lượng phòng không mạnh mẽ. Do đó, cho đến nay không có cuộc tấn công lớn nào về hướng của Cherson. Thay vào đó, Ukraine đã bắt đầu cho nổ tung các cây cầu qua sông Dnipro để ít nhất là tạo ra các vấn đề về nguồn cung cấp cho Nga – một biện pháp chuẩn bị quan trọng cho một cuộc tấn công có thể xảy ra.
Theo ông các vụ nổ trong kho đạn ở Crimea và Belgorod đóng vai trò gì trong cuộc chiến?
Đã có những thành công ngoạn mục, chẳng hạn như cuộc tấn công vào căn cứ không quân Saki ở Crimea. Một chuyện như vậy dẫn đến câu hỏi về chất lượng của hệ thống phòng không Nga, điều rõ ràng là đã thất bại ở đây. Tuy nhiên, không có hiệu quả nào có thể đo lường được cho đến nay. Những người Ukraine liên lạc với tôi nói: “Thật tốt khi chúng tôi có được 16 HIMARS. Nhưng tại sao chúng tôi không nhận được nhiều hơn, tại sao chúng tôi không nhận được nhiều đạn hơn? Nó chỉ đủ để chúng tôi có thể tạo ra một hiệu ứng, nhưng không đủ cho một thành công vang dội . ” Theo quan điểm của tôi, những câu hỏi này là hoàn toàn chính đáng.
Đó là lý do tại sao các cuộc tấn công vào Crimea và Belgorod lại quan trọng đối với Ukraine vì một lý do khác: Ukraine muốn cho phương Tây thấy rằng sự hỗ trợ vẫn là cần thiết, rằng họ cũng có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Những tín hiệu như vậy rất quan trọng vì cuộc chiến cũng diễn ra trong không gian thông tin. Nếu người dân phương Tây có ấn tượng rằng Ukraine đang thua, họ sẽ bớt sẵn sàng ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga và việc giao vũ khí cho Ukraine. Đặc biệt là khi có những khó khăn đáng chú ý ở châu Âu vào mùa thu / đông.
Cuộc chiến tranh thông tin có thực sự quan trọng như vậy trong cuộc chiến này?
Cuộc chiến để giành sự tin tưởng ở mặt trận quê nhà, như một phần của cuộc chiến “nhận thức” hoặc “thông tin”, ngày càng trở nên quan trọng. Tôi cho rằng Nga, và cả Trung Quốc, đã thấy rất rõ điểm yếu của phương Tây là ở đâu. Đó không phải là hệ thống vũ khí – mà là quần chúng. Nga đang cố tình nới rộng rạn nứt ở các xã hội phương Tây được tạo ra bởi những thách thức như lạm phát, giá năng lượng tăng và sự suy thoái sắp xảy ra. Đối với chúng ta, chính trị là kết quả của một quá trình dân chủ, tức là bầu cử. Ở đây rõ ràng Nga đang cố gắng mang lại một sự thay đổi có lợi cho mình. Bạn cũng đang trải qua điều này ở Đức: Một tin xấu nối tiếp một tin xấu khác, hiệp hội thợ thủ công của huyện Halle-Saalekreis đã yêu cầu trong một bức thư ngỏ ngừng mọi lệnh trừng phạt chống lại Nga. Tuyên bố cốt lõi: “Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta.” Đây chính xác là những điều Nga muốn nó xảy ra. Cuộc chiến giành ảnh hưởng tới lòng tin, đó là những điều đang xảy ra trong hiện tại, nhưng thậm chí còn mạnh hơn trong tương lai, là thách thức cần phải vượt qua. Các cuộc chiến tranh tiêu hao nói riêng thường không giành được chiến thắng trên chiến trường, mà là ở nội địa – trong sự sẵn sàng của người dân để tiếp tục ủng hộ cuộc xung đột. Trong trường hợp của Ukraine, là việc phương Tây còn sẵn sàng cung cấp các hệ thống vũ khí cần thiết hoặc hỗ trợ tài chính. Do đó, Nga đang trông chờ vào việc đạt được những tiến bộ nhỏ theo từng tuần và nếu không thì phải đợi đến khi mùa thu và mùa đông đến và phương Tây phải chịu thua. Hãy nhớ rằng vào năm 1917, Lenin đã được gửi trên một chuyến tàu từ Thụy Sĩ đến Nga qua Đức để tàn phá ở đó. Công việc của ông đã dẫn đến Cách mạng Tháng Mười năm 1917, nước Nga không tham dự vào cuộc Thế chiến thứ nhất nữa và thay vào đó là một cuộc nội chiến đẫm máu.
Như vậy dân chúng của phương Tây là điểm yếu của Ukraine?
Mọi bên tham chiến đều có gót chân Achilles. Đối với Ukraine, đó là sự hỗ trợ của phương Tây – nếu không có nó, nước này không thể tồn tại trong cuộc chiến này. Đối với Nga, đó là sự gắn kết của chính dân chúng của mình.
Về mặt quân sự, người ta nói về “trọng tâm của lực hấp dẫn” mà từ đó một bên tham chiến rút ra sức mạnh chủ yếu của mình. Trong cuộc chiến thông tin, cả hai bên đều cố gắng loại bỏ “trọng tâm” này: Nga, bằng cách cố gắng làm suy yếu tinh thần của người dân phương Tây bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt. Và phương Tây, bằng cách cố gắng giảm bớt sự ủng hộ đối với Putin bằng các lệnh trừng phạt. Cho đến nay việc này đã không thành công. Người Nga đang chịu thiệt hại nặng nề và nền kinh tế đang bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong hành vi. Nga cắn con mồi như một con chó săn. Mõm rướm máu, tai cụt đi một nửa nhưng hàm vẫn giữ chặt. Nó đã sẵn sàng để đi đến cùng cực.
Trở lại Crimea: sau vụ nổ tại căn cứ không quân Saki, Nga tuyên bố đó là một vụ tai nạn và lúc khác thì lại cho là có những kẻ phá hoại. Giám đốc hành chính của Sevastopol hôm Chủ nhật cho biết hệ thống phòng không của Nga đã ngăn chăn được các “vật thể”. Ông đánh giá thế nào về điều đó?
Có một điểm song song thú vị, đặc biệt là vụ tấn công căn cứ không quân Saki với vụ đánh chìm tàu ”Moskva” hồi tháng 4, kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen Nga. Có thể cho rằng vị trí của con tàu, và cả công tác chuẩn bị cũng đã được phía Mỹ xác minh chi tiết thông qua trinh sát phù hợp nên đã thành công trong việc sử dụng cùng lúc tên lửa chống hạm và máy bay không người lái để đánh chìm con tàu. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về nó, không có lời giải thích chính thức nào về việc hệ thống vũ khí nào đã được sử dụng. Ngẫu nhiên, điều này cũng cho thấy khía cạnh của chiến tranh thông tin quan trọng như thế nào.
Như thế nào?
Ở phương tây, vụ chìm tàu ”Moskva” được coi là một thành công lớn. Mặt khác, trên các phương tiện truyền thông xã hội của Nga, vấn đề này được sử dụng để thúc đẩy sự gắn kết quốc gia, phù hợp với câu chuyện của Nga: chúng tôi không chiến đấu chống lại Ukraine, nhưng phương Tây, Mỹ và NATO, đang chiến đấu chống lại chúng tôi.
Và ở Saki?
Một nửa số máy bay của Phi đội tiêm kích hải quân độc lập 43 đã bị phá hủy trong các vụ nổ ở đó. Có bốn tác động gần như đồng thời, gần như cách đều nhau, tạo thành một chữ “L” vuông góc. Điều này thực tế loại trừ khả năng đó là một cuộc tấn công phá hoại, hoàn toàn không phải là một vụ tai nạn và cũng không phải là hành động của các lực lượng đặc biệt, mà gần như chắc chắn là một cuộc tấn công bằng hệ thống tên lửa – như trường hợp chiếc tàu “Moskva”.
Vào thời điểm đó, người ta nói rằng hai tên lửa của Ukraine thuộc loại “Neptun” đã được sử dụng trong vụ đánh chìm tàu ”Moskva”.
Điều này chưa được xác nhận chính thức, cả Ukraine và người Nga, những người có thể biết con tàu của họ đã bị đánh chìm như thế nào. Các lỗ hủng cũng đã được kiểm tra ở Saki – người Nga chắc chắn biết sân bay của họ đã bị tấn công bằng hệ thống nào. Nhưng nếu họ nói ra, họ sẽ đồng thời thừa nhận rằng hệ thống phòng không của họ đã thất bại vào thời điểm này. Các cuộc tấn công ở Crimea đang gây áp lực lớn lên giới lãnh đạo chính trị Nga. Việc giết con gái của Dugin cũng đóng một vai trò ở đây. Người dân Nga, và điều này có thể thấy rõ trên mạng xã hội, đang nhìn Tổng thống một cách đầy nghi vấn. Putin hiện đổ lỗi cho Ukraine về các vụ tấn công và giết người. Nó có thể được sử dụng để leo thang chiến tranh hơn nữa. Ví dụ, cho đến nay, chúng ta hầu như không thấy việc triển khai Lực lượng Không quân Chiến lược Nga. Rất có thể giờ đây Nga sẽ sử dụng chúng để trả đũa mạnh mẽ.
Hubertus Volmer nói chuyện với Markus Reisner