Seite auswählen

Chiến tranh Ukraina : Khi các mối liên minh mới thành hình

Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một sự kiện tại Belgrade, Serbia ngày 17/01/2019.

 

Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một sự kiện tại Belgrade, Serbia ngày 17/01/2019. AP – Darko Vojinovic

Các mối quan hệ liên minh hình thành xung quanh cuộc chiến Nga-Ukraina đang chia cắt lại một phần các liên minh của thời chiến tranh lạnh, nhưng có nhiều biến động.  RFI Việt ngữ giới thiệu bài viết trên Le Monde số ra ngày 24/09 liên quan biến thay đổi cục diện địa chính trị này. 

QUẢNG CÁO

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ hậu chiến tranh lạnh trong mơ về một tổng thể châu Âu rộng lớn mà Nga đáng ra có thể là thành viên liên kết. Các khối đang trở lại châu Âu. Hoàn cảnh nảy sinh do xung đột đang mở ra giữa các nước phương Tây và một nước Nga được Trung Quốc hậu thuẫn phần nào, cho dù hai nước này không gắn với nhau bằng mối quan hệ liên minh quân sự chính thức. Sự đối đầu Đông-Tây trong nửa cuối của thế kỷ 20 là giữa các chế độ toàn trị với dân chủ.

Cụm từ « chiến tranh lạnh », chứa đựng nghịch lý, xuất hiện lần đầu dưới ngòi bút của George Orwell (nhà văn, nhà báo Anh 1903-1950), trong một bài viết mang tính dự báo trên tuần báo Anh Tribune ngày 19/10/1945.

Trong bài báo, tác giả dự đoán, sau Mỹ, Liên Xô sẽ có thể tạo lập một thế cân bằng khiếp sợ trong « một tình trạng thường trực của chiến tranh lạnh ». Mối lo sợ hủy diệt nhau đã bảo đảm cho nguyên trạng tại châu Âu, nhưng các cuộc chiến tranh tại châu Á, châu Phi đã làm hàng triệu người chết. Lần này tâm chấn nằm ở châu Âu, lần đầu tiên kể từ năm 1945.

Chuyên gia Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nhận định, « với việc chiến tranh cường độ cao trở lại, Âu lục mất đi một trong những lợi thế so sánh trong quá trình toàn cầu hóa, đó là sự ổn định chiến lược và là một vùng hòa bình ».  Ông nhấn mạnh rằng : « về các thách thức toàn cầu, cuộc chiến tranh đó là lỗi thời với nhưng người ủng hộ toàn cầu hóa và phi quân sự hóa từ năm 1991, về cơ bản tức là các nước châu Âu, nhưng không phải với những người nhìn thế giới qua các tương quan sức mạnh quân sự, tức là Nga, Trung Quốc và Mỹ ».

Giờ đây, tranh chấp nằm ở trên khoảng 2500 km dọc mặt trận phía đông Ukraina, đó sẽ là là đường phân cách tương lai, giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga. Matxcơva muốn tái lập, như trước 1989, một « đường biên giới dầy », theo cách nói của Sabine Dullin, nữ tác giả trong cuốn sách cùng tên.

Nhà sử học này giải thích : « Các lãnh đạo Nga, từ các Nga Hoàng đến Vladimir Putin luôn muốn đẩy biên giới, chủ yếu về phía tây, vì sợ bị tiếp cận trực tiếp với những nước mà họ coi là đối thủ ». Đó là vai trò của vùng đệm của các nước dân chủ nhân dân ở Trung Âu, Đông Âu trong khoảng từ 1944-1989. Ngày nay đây là một trong những lý do chủ yếu để Kremlin muốn giành lại kiểm soát Ukraina hoặc ít ra là chiếm càng nhiều càng tốt vùng phía đông và đông nam đất nước này.

Trong một bài đăng trên tạp chí Politique étrangère ( Chính sách đối ngoại) hồi mùa hè 2022, Dmitri Trenin, một trong nhưng chuyên gia xuất sắc về chính sách đối ngoại Nga đã khẳng định : « Tốt hơn là chấp nhận thực tế một lục địa bị phân chia, trong khi Ukraina, đã không đóng vai trò cầu nối hay vùng đệm giữa Nga và phương Tây, sẽ mất đi một phần lãnh thổ và dân của mình ».

Trong hoàn cảnh hiện nay, theo quan điểm của chuyên gia Trenin, không thể tưởng tượng sẽ có một hội nghị lớn của châu Âu, như kiểu hội nghị Helsinki hồi năm 1975, để thương lượng về một cấu trúc an ninh toàn cầu và lật lại các vấn đề biên giới. Ông kêu gọi tập trung để tránh các nguy cơ sự cố quân sự mà theo ông sẽ lớn hơn các khủng hoảng tên lửa ở Cuba trong những năm 1960, hay sau cuộc xâm lược Afghanistan của Hồng quân Liên Xô hay trong những năm 1980.

Đối mặt toàn cầu

Ngay cả vào thời của Stalin, chính quyền Nga chưa bao giờ tập trung vào trong tay một con người duy nhất quyết tâm xét lại hiện trạng đã được tạo lập bởi sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết.

« Chế độ Xô Viết đã được dẫn dắt bởi lòng tin chắc vào « chiến thắng cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản ». Người ta có thể kiên nhẫn chờ đợi. Tổng thống Putin thì lại là người nóng vội. Mặt khác, ông ta không chịu sự lãnh đạo tập thể, như các tổng bí thư đảng của Liên Xô trước kia. Các tập thể lãnh đạo vốn tỏ ra thận trọng và luôn tránh xung đột toàn diện với phương Tây », theo nhà sử học Georges-Henri Soutou, tác giả cuốn sách Chiến tranh lạnh- 1943-1990 ( NXB Pluriel 2011).

Ở phía đối lập là tổng thống Mỹ, Joe Biden, một nhà chính trị lão luyện trong các sứ mệnh đối ngoại, ông là một người được đào tạo, trưởng thành trong chiến tranh lạnh và hiểu rất rõ về nó.

Washington thực thi chính sách « đê ngăn » với lá bài liên minh để kiềm chế bước tiến của đối thủ, giờ đây là nhằm vào Nga và cả Trung Quốc. Đây là điều khiến các nước Châu Âu khó chịu, đầu tiên là tổng thống Pháp. Họ đều muốn tránh đối đầu với Bắc Kinh.

Nhà nghiên cứu Michel Duclos, thuộc Viện Montaigne của Pháp nhận định : « Việc trở lại các khối đã được thai nghén từ ít lâu nay. Đó là hậu quả của chính sách ngày càng hung hăng hơn của các lãnh đạo toàn trị, cương quyết lật lại nguyên trạng, như Putin ở Matxcơva hay Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Nhưng nếu cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên đặt Hoa Kỳ đối đầu với một Liên Xô hùng mạnh và một Trung Quốc yếu, giờ đây Joe Biden phải đối mặt với cả một nước Trung Quốc rất mạnh và một nước Nga rất hung hăng ».

Khác với cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên, giờ đây có toàn cầu hóa và các nền kinh tế quan hệ chồng chéo với nhau. Nhưng ngay cả các phe không có sự khác biệt rõ rệt về mặt ý thức hệ thì sự đối mặt vẫn mang tính toàn cầu.

« Với cuộc chiến tranh tại Ukraina, chúng ta mới chỉ ở đầu cuộc đối đầu dự báo còn dài lâu giữa hai khối, sự đối đầu này sẽ lật lại điều mà người ta vẫn gọi là toàn cầu hóa tất yếu : Một bên là một khối phương Tây, dẫn đầu là Washington, bao gồm châu Âu và một số nước châu Á, đứng đầu là Nhật Bản; còn bên kia, khối lục địa Á-Âu, tập hợp xung quanh Matxcơva và Bắc Kinh », chuyên gia Georges –Henri Soutou nhận định. Ông cũng nhấn mạnh : « cái được mất trước hết là trật tự địa chính trị và cả trật tự lãnh thổ, bởi trước hết đó vẫn là sức mạnh, kiểm soát nguồn tài nguyên, cạnh tranh xung quanh các mô hình kinh tế ».

Khối Á-Âu đó, khởi đầu từ nước Nga của ông Putin và Trung Quốc của Tập Cận Bình, được củng cố trên thái độ thù oán chống phương Tây của nhiều nước châu Phi và Châu Á. Đó là những nước không liên kết của những năm 1960 đã từ chối chon phe. Những nước này lại chiếm đa số dân thế giới.

(Lược dịch từ le Monde. https://www.lemonde.fr/le-monde-evenements/article/2022/09/22/guerre-en-ukraine-la-nouvelle-geopolitique-des-blocs_6142671_4333359.html)

Chiến tranh Ukraina : Phe « trung lập », đối tượng tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây ?

 

Ảnh minh họa: Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, họp với các đối tác trong nhóm Thái Bình Dương Xanh, ngày 22/09/2022, bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
Ảnh minh họa: Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, họp với các đối tác trong nhóm Thái Bình Dương Xanh, ngày 22/09/2022, bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. AP – Craig Ruttle

Trung tuần tháng 11/2022, thượng đỉnh khối G20 sẽ diễn ra tại Bali, Indonesia. Sự kiện này có nguy cơ là nơi diễn ra cuộc tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa tổng thống Nga và các lãnh đạo phương Tây đối với các nước được cho là « trung lập » hay « phi liên kết ».  

QUẢNG CÁO

Trong bài phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Ba 20/09/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng « giờ không phải là lúc cho sự đối đầu giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới. Ở đây, không còn là chuyện phải chọn phe giữa Đông và Tây, cũng như là giữa Bắc với Nam, mà là vấn đề trách nhiệm của tất cả những ai gắn bó với tài sản quý giá nhất của chúng ta : đó là Hòa bình ».   

Xa với vùng chiến sự, lời kêu gọi này của tổng thống Pháp còn mang hơi hướng của một cuộc chiến khác : Mặt trận ngoại giao, đang diễn ra bên lề cuộc chiến Ukraina, giữa Nga và phương Tây bên cạnh nhiều nước từ chối chọn phe trong một cuộc xung đột mà họ cho là mang tính « khu vực », giới hạn ở « châu Âu », và thậm chí là « giữa những người da trắng ».  

Le Monde nhắc lại, một tuần sau khi chiến tranh bùng nổ, trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để lên án hành động xâm lược của Nga, 35 trong số 193 quốc gia thành viên đã vắng mặt, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Iran cũng như là nhiều nước thành viên cũ của Liên Xô. Cùng với thời gian, con số những nước vắng mặt dần tăng theo như trong cuộc bỏ phiếu loại trừ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền, có đến 58 nước vắng mặt.   

Hiện tượng này cho thấy rõ thế giới bị phân hóa sâu sắc hơn bao giờ hết và tầm ảnh hưởng của phương Tây đang đà suy giảm mạnh. Làm thế nào lôi kéo nhóm các nước này, vốn dĩ chiếm đến hơn phần nửa dân số thế giới, đây rõ ràng là một thách thức quan trọng cho cả Nga lẫn phe phương Tây. Một bên muốn chứng tỏ không bị cô lập bất chấp các biện pháp trừng phạt do Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu áp đặt. Còn bên kia thì lo lắng hố sâu ngăn cách giữa « phương Tây với phần còn lại thế giới » ngày một lớn.  

Theo ông Jean-Marie Guehenno, cựu trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chuyên trách về các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, có nhiều lý do để giải thích cho vị thế « trung lập » này của nhiều nước như phản đối tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh trong việc tuân thủ Hiến Chương Liên Hiệp Quốc giữa phương Tây với các nước còn lại ; nỗi lo bị « lãnh đòn » khi phải chọn phe ; và mối liên hệ xa xưa mà Nga đã có được với một phần thế giới thứ ba… Vị giáo sư đại học Columbia lưu ý, lập trường này của những nước trên chẳng mang chút ý thức hệ, khác biệt hoàn toàn với phong trào không liên kết được hình thành trong thời chiến tranh lạnh.  

Về phần mình, chuyên gia Thomas Gomart – giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), nhấn mạnh thêm rằng nước Nga là cường quốc thứ 11 trên thế giới, quốc gia xuất khẩu khí đốt, dầu hỏa, vũ khí, hạt nhân dân sự và lúa mì, tuy đang hứng chịu các đòn trừng phạt nhưng Matxcơva vẫn có thể phản đòn.  

Do vậy, với vị thế này, nước Nga đang tạo ra một diện mạo địa lý mới xung quanh ba nhóm nước chính : Thứ nhất là khu vực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), lên án và trừng phạt nước Nga. Thứ hai, nhóm các nước Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tuy lên án nhưng không trừng phạt Nga. Và cuối cùng là nhóm các nước khác, tỏ ra khá lạnh lùng trước cuộc xung đột, trừ phi khi họ bị liên đới với một trong số năm lĩnh vực xuất khẩu chiến lược của Nga. Cũng theo ông Gomart, chính nhờ sự phân mảnh này mà Nga đang tìm cách tận dụng khi sử dụng vũ khí năng lượng và lương thực, hay cùng với Trung Quốc kêu gọi thiết lập một trật tự thế giới mới.  

Trong bối cảnh này, theo một nhân vật thân cận với tổng thống Macron, phương Tây phải có nhiều nỗ lực ngoại giao hơn để « lôi kéo tất cả những cường quốc trung lập này trở lại ». Trong khi chờ đợi, tổng thống Nga cho thấy hình ảnh bên cạnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân thượng đỉnh Samarkand tại Uzbekistan hồi trung tuần tháng 9/2022, với sự hiện diện nhiều nguyên thủ khác.   

Cũng giống như tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, cường độ cuộc chiến ngoại giao sẽ còn gia tăng tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Bất chấp phản đối từ Mỹ và các đồng minh châu Âu của Ukraina, tổng thống Nga vẫn được mời tham dự. Đây rất có thể sẽ làm cuộc đối đầu trực diện đầu tiên giữa nguyên thủ Nga và các đồng nhiệm phương Tây, với sự hiện diện của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.