Seite auswählen

Nhân vụ Nhà hát lớn mất điện

 

25-9-2022

Tôi phải nói ngay tôi không phải là fan của ca sĩ Khánh Ly. Vì thế chuyến lưu diễn khắp đất nước của bà lần này, cũng như mọi lần khác, không nằm trong mối quan tâm của tôi.

Tuy nhiên tôi nhiệt liệt ủng hộ bà, ủng hộ và hoan nghênh chính quyền đã cấp phép để bà trở lại đất nước biểu diễn và coi đó là một cử chỉ thể hiện tầm nhìn vượt lên sự thù hận.

 

Nhưng sự kiện Nhà hát lớn Hà Nội bất ngờ mất điện đúng vào hôm nữ danh ca biểu diễn, thì thật khó mà không quan tâm. Giống như nhiều sự cố khác và không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sẽ lại chỉ có trời và một số ai đó biết chuyện gì thực sự đã xảy ra.

Nhưng bất kể sự thực của chuyện mất điện là gì, thì cuộc sống cũng vừa có thêm một điều tồi tệ khiến bớt đi ở mỗi người một chút thanh thản. Đau buồn, tức giận, khinh bỉ hay hả hê… đều sản sinh ra độc tố có khả năng giết chết nhân tính.

Bỗng nhớ lại việc bất ngờ ngừng cấp phép in nối bản cho cuốn tự truyện “Lê Vân yêu và sống”. Cuốn sách đang đốt cháy các sạp sách với số lượng cấp phép chính thức của riêng NXB Hội nhà văn đã gần 100.000 cuốn thì có lệnh ban ra ở đâu đó “IN THẾ THÔI”. Tức là nội dung chả vi phạm gì, nhưng chỉ cho in thế thôi.

 

 

 

Ảnh: FB tác giả

Mãi sau, qua một vài quan chức cỡ nhỏ kể lại, mới biết lý do thực sự của việc ngừng cấp phép. Hóa ra một hôm nào đó như bao hôm nào, quan cực lớn nào đó đọc báo, thấy mọi người, từ già chí trẻ, không phân biệt cao thấp sang hèn, tất cả cứ chúi mũi, cắm mắt vào “Lê Vân yêu và sống”, thì buông một câu: “IN THẾ THÔI, còn phải đọc những cuốn sách khác nữa chứ”. Những cuốn sách khác là loại sách gì, không cần nói tên, thì ai cũng biết.

Chả có âm mưu âm miếc gì, chả có lập trường lập triếc, quan điểm quan điếc gì mà chỉ đơn giản là IN THẾ THÔI!

P/S: Trước khi tôi về hưu, nhà thơ Bùi Mai Hạnh, người chấp bút cho tự truyện của Lê Vân muốn xin phép tái bản. Chiều lòng chị, tôi làm các thủ tục xin phép theo quy định và gửi lên Cục xuất bản, nhưng Cục xuất bản không chấp nhận và cũng không trả lời vì sao không cấp.

Đọc truyện; Lê Vân yêu và sống

Huy Đức: Nhân trường hợp ca sĩ Khánh Ly

26-9-2022

Rất muốn làm một công dân lười biếng, tin tưởng vào “nguyên nhân cúp điện” trong quyết định hủy đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly. Nhưng rồi, không thể không tự hỏi, dù những người ra quyết định có bất chấp pháp lý và đạo lý tới đâu, không lẽ họ không nghĩ đến những tổn thất của nhà tổ chức.

Đã 3 tháng kể từ khi Khánh Ly hát “Dấu Chân Địa Đàng” và “Gia Tài Của Mẹ” [xin không bình luật việc cấm những bài hát này là đúng hay sai] nếu chính quyền tin vào tính chính danh của mình, cứ thẳng thừng từ chối cho bà hát.

Thông báo của Nhà hát lớn HN. Ảnh trên mạng

Việc cấp phép cho bà, để bà bán vé, di chuyển ban nhạc từ Sài Gòn ra, rồi chỉ trước hơn 24 giờ, đơn phương hủy bỏ đêm diễn, nó mang dáng dấp hả hê băng nhóm hơn là tính quang minh nhà nước.

Gần 4 năm trước, đêm nhạc của ca sĩ Tuấn Hưng cũng bị hủy trước khi mở màn vừa đúng 2 giờ, bất chấp những tổn thất mà khán giả và ca sĩ này phải chịu.

 

Công văn quận Ba Đình gửi tới đơn vị tổ chức chỉ nói là “vì lý do đặc biệt”. Có lẽ “đặc biệt” là vì trong hai tuần lễ ấy có 2 “quốc tang” [Cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần (1-10-2018) chỉ một tuần sau khi an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang]. Trong 5 ngày trước đêm diễn của ca sĩ Tuấn Hưng, không ai nói với nhà tổ chức là đêm diễn của họ không được diễn ra. Và dù ngày 6-10-2018, quốc tang mới bắt đầu, đêm 5-10, đêm nhạc của ca sĩ Tuấn Hưng bị yêu cầu dừng lại.

Thông báo dừng Liveshow Tuấn Hưng của UBND quận Ba Đình, HN. Ảnh trên mạng

Chúng ta vừa chứng kiến tang lễ của Nữ Hoàng Anh. Không nên so sánh các nhà lãnh đạo của ta với một Nữ Hoàng trị vì Vương quốc Liên hiệp Anh trong suốt 70 năm. Nhưng, Hoàng gia chỉ tuyên bố tang lễ của bà diễn ra trong 11 ngày kể từ 19-9-2022, không buộc các thần dân phải hoãn lịch ăn chơi của họ.

Để tỏ lòng thành kính, nhiều nghệ sĩ, nhiều CLB thể thao tự ý hủy bỏ hoặc hoãn lại lịch trình diễn, thi đấu của mình; thậm chí, một số cuộc đình công cũng hoãn. Nhưng, nhiều sự kiện văn hóa vẫn diễn ra hoặc chỉ đóng cửa một ngày (thứ Hai, 19-9). Các nhà hát vẫn hoạt động, mỗi ngày tang lễ, vào lúc 7pm, người Anh chỉ giảm ánh sáng đèn trong hai phút.

 

Đấy là trong suốt nhiều thập niên, người Anh mới có một quốc tang.

 

Việt Nam thì năm nào không có quốc tang cũng có vài ba “lễ tang cấp cao” hoặc “lễ tang cấp nhà nước”. “Quốc tang” áp dụng cho tới 4 chức danh [từ trần cả khi đương chức và về hưu]. Rất lạ là một quy định ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế xã hội của mọi người dân như “quốc tang” cũng chỉ được quy định ở hàng “nghị định”.

Khi có “quốc tang” không chỉ các shows hoàng tráng như của ca sĩ Khánh Ly hay Tuấn Hưng, tất cả các rạp chiếu phim, karaoke… đều bị yêu cầu đóng cửa.

Những quyết định bất chấp hậu quả kinh tế không chỉ xảy ra với những người thấp cổ bé miệng hoặc khi có “quốc tang”. Ngay báo chí là một “công cụ của Chế độ”, khi “quy hoạch”, Bộ Thông tin và Truyền thông còn tước tên miền của nhiều báo điện tử [có tên miền “.vn”] sáp nhập vào cơ quan báo chí khác, [trở thành chuyên trang]. Thương hiệu bị mất, toàn bộ dữ liệu sale, lượng truy cập về zero… toàn bộ doanh thu quảng cáo, truyền thông… trị giá hàng chục tỷ/ năm mất sạch.

Nguyên tắc của làm chính sách là khi phát hiện vấn đề, nghị viện thường phải tranh luận để xem đó có thực sự là vấn đề phải điều chỉnh bằng luật không. Khi các nhà lập pháp đồng ý là phải “điều chỉnh”, nghị viện còn phải để cho các nhà kỹ trị rà soát xem, trong hệ thống pháp luật hiện hành có điều khoản nào có thể áp dụng để điều chỉnh vấn đề vừa nảy sinh ra ấy.

 

Khi cần phải có một điều khoản hay luật mới, người ta lại cân nhắc chi phí để thi hành [từ phía hành pháp và người dân] nếu lợi ích mà nó mang lại không cao hơn chi phí vận hành, người ta cũng không ban hành luật.

Trước “Đổi mới”, người dân Việt Nam không chỉ không có những quyền xa xỉ như “tự do ngôn luận”, những quyền thiết thực như tự do đi lại, tự do cư trú; dân còn không có quyền đưa 10 ký gạo từ Bình Chánh vào chợ Bến Thành, không có quyền đưa 1 ký chè từ Thái Nguyên về Hà Nội…

Đó là những năm tháng Việt Nam bị đưa xuống tận cùng của đói khát.

Cốt lõi nhất của “Đổi mới” là, kể từ 12-1986, người dân bắt đầu CÓ QUYỀN TỰ KIẾM LẤY ĂN.

“Ai cũng vì lẽ phải nhưng đầu óc đảng phái nó làm sai lệch cả lý luận”[Hoàng Xuân Hãn/La Sơn Phu Tử]. Đường lối hay chính sách cho dù rất lý tưởng mà chỉ chăm bẵm vào mục tiêu chính trị của giai cấp cầm quyền, không cân nhắc người dân được mất thế nào thì cho dù khẩu hiệu cao cả tới đâu, nước cũng sẽ kiệt quệ và dân tình thì khốn nạn.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen