Seite auswählen

Tiết lộ chi tiết mới: Đây là lý do tại sao người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào bị Tập Cận Bình cho ra khỏi đại hội Đảng trước báo chí thế giới

Business Insider Deutschland

30.10.2022

Viktoria Bräuner

VNC chuyển ngữ

 

 

Náo động tại Đại hội Đảng: Lãnh đạo Đảng của Trung Quốc Tập Cận Bình đã loại người tiền nhiệm khỏi Đại sảnh đường trước báo chí thế giới. © picture alliance/Kyodo

 

Náo động tại Đại hội Đảng: Lãnh đạo Đảng của Trung Quốc Tập Cận Bình đã loại người tiền nhiệm khỏi Đại sảnh đường trước báo chí thế giới. 

Cứ 5 năm một lần, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lại thu hút sự chú ý của báo chí thế giới: Nó quyết định ai sẽ nắm quyền điều hành nước Cộng hòa Nhân dân trong tương lai – và ai sẽ không. Mỗi phút đều được hoạch định tỉ mỉ tại hội nghị có hơn 2000 đại biểu.

Tuy nhiên, vào ngày thứ Bảy, lại xảy ra một cảnh cực kỳ bất thường: lãnh đạo đảng Tập Cận Bình đã cho người đưa người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào ra khỏi hội trường. Báo chí chỉ vừa mới được đưa vào Đại sảnh đường Nhân dân khi hai quan chức đảng xách nách  ông Hồ, có vẻ không hài lòng, chống lại ý muốn của ông ta. Báo chí nhà nước đưa tin cụ ông 80 tuổi có vấn đề về sức khỏe. Bây giờ có manh mối về những gì thực sự đã xảy ra.

Ein Video zeigt die Minuten vor dem Eklat: Hu sitzt neben Xi Jinping, vor allen Delegierten liegt eine rote Mappe. Diese versucht Hu mehrfach, scheinbar verärgert zu öffnen und die darin enthaltenen Dokumente zu lesen, wovon ihn seine Sitznachbarn abhalten wollen. Hus Lesebrille liegt neben ihm auf dem Tisch, doch er kommt gar nicht dazu, sie aufzusetzen. Kurze Zeit später führen zwei Kader den ehemaligen Präsidenten aus dem Saal, der eine trägt Hus Brille und die umstrittene Mappe. Hu sagt noch etwas zu Xi Jinping, dieser nickt knapp, antwortet kurz und wendet sich ab.

Một đoạn video cho thấy những phút trước khi xảy ra sự việc: Hồ đang ngồi bên cạnh Tập Cận Bình, và có một tập tài liệu màu đỏ trước mặt tất cả các đại biểu. Hồ cố gắng mở nó nhiều lần, có vẻ khó chịu, để đọc các tài liệu trong đó, tuy nhiên những người ngồi kế bên ông cố gắng ngăn ông làm điều đó. Kính đọc sách của Hồ nằm bên cạnh ở trên bàn, nhưng ông ấy thậm chí còn không kịp đeo vào. Một thời gian ngắn sau, hai cán bộ dẫn ông cựu Chủ tịch ra khỏi hội trường, một trong số họ cầm kính của ông Hồ và tập tài liệu gây tranh cãi. Hồ nói điều gì đó với Tập Cận Bình, ông ta gật đầu, trả lời ngắn gọn và quay đi.

Kể từ đó, các chuyên gia trong ngành phỏng đoán về sự việc đó: Nội dung của các tài liệu là gì? Hồ không nên đọc cái gì? Bây giờ có thông tin mới về việc này.

Hồ Cẩm Đào không nên đọc những gì?

Nếu bạn phóng to ảnh của tập tài liệu, điều này sẽ giúp bạn biết nhiều hơn về nội dung, như nhà báo và chuyên gia về Trung Quốc Ling Li viết trên Twitter. Bản dịch, tiêu đề viết: “Lần thứ hai mươi XX của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX và Ủy ban Kỷ luật Trung ương”; sau đó có tên theo sau.

Rõ ràng đây là danh sách những cán bộ được ông Tập Cận Bình đề bạt lên ủy ban nào đó. Và đây là điều quan trọng: Tên con trai của Hồ Cẩm Đào, Hồ Hải Phong, không có trong đó. Mặc dù có cha đầy thế lực, ông đã không lọt vào Ủy ban Trung ương, cũng như bất kỳ đồng minh nào khác của ông trong CP. Nói một cách dễ hiểu, Tập Cận Bình đã tước quyền lực gia đình họ Hồ và phe ủng hộ doanh nghiệp của đảng mà họ thuộc về – và Hồ Cẩm Đào dường như không được thông báo.

Rõ ràng, ban lãnh đạo Đảng sợ rằng ông Hồ sẽ công khai chỉ trích các cuộc bổ nhiệm mới và sự bành trướng quyền lực của ông Tập.

Ai đã đưa Hồ Cẩm Đào ra khỏi hội trường?

Việc ai dẫn Hồ Cẩm Đào ra khỏi hội trường cũng là vấn đề chính – không phải bởi những người quản lý hội trường, mà bởi các quan chức cấp cao của đảng. Một người, theo bảng tên, là Kong Shaoxun, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Trung ương ĐCSTQ. Sếp của ông ta là Ding Xuexiang, người đã được đưa vào Bộ Chính trị, tức là nhóm thân cận của Tập Cận Bình.

Không biết ai đã quyết định rằng Hồ Cẩm Đào phải đi ra. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến ​​cho rằng Tập Cận Bình đã tự mình ra lệnh. Thiếu đoạn video về thời điểm qua đó cho thấy ai quyết định: Việc ông Hồ không được phép tiếp tục tham dự cuộc họp. Theo thông tin chính thức, người quay phim được cho là đã thay đổi vị trí của mình. Nhiều khả năng là ông Tập đã tự ra lệnh và đoạn đó đã bị kiểm duyệt.

Nước bước công khai làm mất mặt người tiền nhiệm và cũng là một cán bộ Đảng được kính nể thực ra chỉ có thể do ông ta quyết định. Không ai ở cấp bậc thấp hơn có thể cho phép mình làm một việc thiếu tôn trọng Hồ Cẩm Đào như vậy. Điều này cũng nói lên việc đó: Sau đó Kong quay trở lại, thì thầm điều gì đó vào tai Tập, người dường như ban ra thêm chỉ thị.

Nếu ông ta thực sự có vấn đề về sức khỏe, các cán bộ khác sẽ chạy đến giúp đỡ ông Hồ. Thay vào đó, họ ngồi đó với vẻ mặt lạnh như tiền, gần như sợ hãi và nhìn chằm chằm vào không gian trống rỗng. Một cảnh khác cho thấy một người tham dự cố gắng giúp ông Hồ đứng lên, nhưng bị người ngồi kế bên cùng bàn kéo đuôi áo khoác và giữ lại.

 

Phải chăng Hồ Cẩm Đào muốn bày tỏ bất bình với Tập?

 

 

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Was Hu Jintao about to express discontent?,” Nikkei Asia, 27/10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Có một bộ phim cung đấu Trung Hoa vừa mới được công chiếu tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có được mọi thứ ông muốn sau đợt bổ nhiệm nhân sự tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, có một sự kiện nằm ngoài kịch bản.

Nó xảy ra khi cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, được hộ tống ra khỏi lễ bế mạc của đại hội – với lý do vị đảng viên lão thành cảm thấy không khỏe.

Cảnh tượng diễn ra trước các phương tiện truyền thông và máy quay nước ngoài đã vô tình cho thế giới chứng kiến những kịch tính của chính trường Trung Quốc, vốn dĩ thường xảy ra ở hậu trường – sâu bên trong khu Trung Nam Hải ở trung tâm Bắc Kinh, nơi đặt văn phòng của các quan chức Trung Quốc.

Chuyện gì đã thực sự xảy ra? Một nguồn tin có quan hệ chính trị đã chia sẻ một vài thông tin mật từ những người trong cuộc, bất chấp việc kiểm duyệt thông tin chặt chẽ ở Trung Quốc.

Vào thứ Bảy, ngày bế mạc đại hội đảng, tất cả các nhà lãnh đạo ngồi trên sân khấu chính của Đại Lễ đường Nhân dân đều cố gắng tránh giao tiếp bằng mắt với Hồ, nguồn tin cho biết.

Điều mà mọi người lo sợ là họ sẽ bị Hồ chặn lại và bắt phải nghe quan điểm của ông. Dù lập luận của Hồ là gì, đó cũng không phải là điều họ muốn nghe. Trên thực tế, nếu bị bắt gặp nói chuyện với Hồ, và có phản ứng ‘sai’, người ta có thể phải đối mặt với rủi ro chính trị đáng kể. Ai nấy đều rất dè chừng.

Mọi người đều biết rõ điều đang ở trong đầu Hồ: sự thất vọng dồn nén với Tập.

Nhưng có gì đó không ổn. ĐCSTQ vốn được biết đến với kỷ luật nghiêm khắc. Trong những hoàn cảnh bình thường, Hồ, cựu lãnh đạo đảng, chắc chắn sẽ không phá hỏng thời khắc quan trọng của Tập bằng cách công khai bày tỏ sự không hài lòng của mình.

Nói đúng hơn, những đảng viên lão thành đã nghỉ hưu không thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Ngay cả trong những lúc riêng tư, họ cũng cư xử theo cách không làm tổn hại đến quyền lực của nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Tuy nhiên, nhiều khả năng chuyện gì đó bất thường đã xảy ra.

Có lẽ đúng là Hồ không được khỏe trong lễ bế mạc đại hội toàn quốc. Nhưng chính vì không khỏe nên ông có thể hành động không đúng như dự định.

Manh mối nằm trong lời giải thích sau đó được đăng trên tài khoản Twitter tiếng Anh của Tân Hoa Xã, về lý do tại sao Hồ bị hộ tống ra ngoài.

“Phóng viên Liu Jiawen của Tân Hoa Xã được biết rằng Hồ Cẩm Đào nhất quyết tham dự phiên bế mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng, bất chấp việc ông ấy đang dành thời gian để phục hồi sức khỏe.”

“Vì ông đã cảm thấy không khỏe trong suốt phiên họp, nhân viên của ông, vì lý do bảo vệ sức khỏe cho ông, đã đưa ông đến một căn phòng cạnh hội trường để nghỉ ngơi. Hiện ông đã khỏe hơn nhiều.” – Dòng tweet thứ hai cho biết.

Liu Jiawen là một nhân vật có ảnh hưởng, giữ cương vị phó chủ tịch Tân Hoa Xã.

 

Trong lễ bế mạc, Hồ Cẩm Đào ngồi cạnh Tập và Lật Chiến Thư, vị chủ tịch 72 tuổi của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc.

Liệu Hồ có nói với Tập và Lật rằng ông muốn phát biểu tại buổi lễ hay không? Một số người tin rằng ông có thể đã làm vậy, dù không thể xác minh tin đồn. Chưa kể nó cũng có thể đã bị phóng đại.

Nhưng dòng tweet của Tân Hoa Xã đã gợi ý theo hướng này. Trong khi hầu hết các nhà quan sát tập trung vào vế sau của dòng tweet – rằng Hồ rời đi vì lý do sức khỏe – thì vế đầu lại chứa đựng một tiết lộ bất ngờ.

Nó ngụ ý rằng Hồ đáng lẽ không tham dự phiên bế mạc vì lý do sức khỏe, nhưng ông vẫn tham dự, và đi ngược lại mong muốn của Tập. Tại sao Hồ nhất quyết muốn tham dự lễ bế mạc?

Các thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ nhiệm kỳ mới: Tập Cận Bình (trái), Lý Cường, Triệc Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, và Lý Hi xuất hiện trước truyền thông sau đại hội đảng vào ngày 23/10. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Dù sự thật sẽ mãi là bí ẩn, nhưng có một điều chắc chắn. Trên sân khấu hôm ấy, Tập rất tự hào về chiến thắng chính trị của mình. Ngồi bên cạnh, Hồ chắc hẳn đã phiền lòng vì không bảo vệ được những người mà ông bảo trợ.

Tập tài liệu màu đỏ nằm trước mặt Hồ chứa danh sách các nhà lãnh đạo mới của đảng – điều mà ông thậm chí không muốn xem.

Ban Thường vụ mới không bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, người chỉ mới 67 tuổi, vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu. Nó cũng không bao gồm Uông Dương, người cùng tuổi với Lý. Cả hai người đều có liên hệ với Đoàn phái do Hồ đứng đầu.

Một đòn trời giáng khác đối với Hồ Cẩm Đào là việc Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, người được mệnh danh là “Tiểu Hồ”, không những mất suất trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, mà còn bị đẩy ra khỏi Bộ Chính trị ngay ngày hôm sau, dù ông còn khá trẻ – chỉ mới 59 tuổi.

Sang ngày Chủ nhật, Tập bước vào nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư của đảng và chính thức giới thiệu sáu thành viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới, gồm toàn những phụ tá thân cận của ông.

Giây phút kịch tính khi Hồ Cẩm Đào rời khỏi hội trường là đỉnh điểm của cuộc đấu tranh chính trị kéo dài suốt một thập niên qua.

Tại lễ bế mạc, một phó chủ nhiệm của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan đóng vai trò như ban thư kí cho Tập, đã đưa Hồ đến lối ra.

Dường như, hành động đó là trái với ý muốn của Hồ. Hai lần, vị cựu lãnh đạo cố gắng quay về chỗ ngồi của mình. Nếu xét ẩn ý từ lời giải thích của Tân Hoa Xã, Hồ đã không muốn rời sân khấu vào thời điểm đó – khi chưa hoàn thành nhiệm vụ ông đặt ra cho mình, bất kể điều đó là gì.

Sau khi nói vài lời với Tập, Hồ vỗ vai Lý Khắc Cường như để an ủi vị thủ tướng bị buộc phải nghỉ hưu.

Hồ Cẩm Đào đứng bên phải Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở Bắc Kinh năm 2015. (Ảnh của Takaki Kashiwabara)

Theo lời một chuyên gia y tế đã xem đoạn phim Hồ rời khỏi sân khấu, ông có các dấu hiệu của một triệu chứng thường có của bệnh Parkinson, ông đã đi nhanh về phía lối ra trong khi hơi nghiêng người về phía trước.

Cách đây bảy năm, công chúng đã biết được tình trạng sức khỏe của Hồ khi ông đứng trên khán đài ở Thiên An Môn trong một cuộc duyệt binh. Hình ảnh từ camera truyền hình cho thấy các đầu ngón tay trái của ông liên tục run lên. Đó là triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh Parkinson.

Khi nghe Hồ nói chuyện trước khi rời đi, Tập đã tỏ thái độ khá lạnh lùng và thiếu thân thiện. Ông thậm chí không quay người về phía Hồ mà chỉ khẽ gật đầu, quay mặt về phía trước.

Ở phía cuối dãy ghế, Hồ Xuân Hoa chẳng buồn che giấu sự bất mãn của mình. Ông khoanh tay một cách bất thường, với nét mặt tỏ rõ sự cau có. Ông hẳn đã biết về việc mình bị giáng chức.

Hồ Xuân Hoa (giữa) đã không hề rục rịch khi Hồ Cẩm Đào rời sân khấu vào ngày 22/10. Ngôn ngữ cơ thể của ông đã tiết lộ về số phận của ông, điều sẽ được công bố vào ngày hôm sau. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Dù nhục nhã nhưng Hồ Xuân Hoa vẫn phải nở nụ cười một ngày sau đó, ngày Chủ nhật, khi Tập đi ngay bên cạnh ông trong một buổi lễ khác, đánh dấu việc kết thúc đại hội.

Tại đại hội toàn quốc năm 2002, Giang Trạch Dân đã trao lại chức vụ Tổng Bí thư cho Hồ Cẩm Đào, nhưng không từ bỏ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Trái ngược với Giang, Hồ Cẩm Đào đã nghỉ hưu một cách bình thường tại đại hội toàn quốc năm 2012 và để Tập lên kế nhiệm mình. Người ta nói rằng bằng cách nghỉ hưu hoàn toàn, Hồ đã cố gắng làm cho Tập cảm thấy mắc nợ ông.

Nhưng một nguồn tin chính trị ở Bắc Kinh chỉ ra rằng, vào thời điểm đó, sức khỏe của Hồ đã giảm sút, và ông không còn đủ sức để chơi các trò chơi quyền lực.

Chiến thắng áp đảo của Tập trong việc bổ nhiệm nhân sự có liên quan một phần không nhỏ đến sức khỏe sa sút của Hồ và sự suy yếu quyền lực chính trị sau đó của ông.

Tập đã chớp thời cơ, còn Hồ không thể phòng thủ hiệu quả. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng không thể làm được gì nhiều về mặt chính trị, vì còn bị nhấn chìm trong các công việc của một thủ tướng.

Nếu Hồ còn khỏe mạnh, kết quả có lẽ đã khác. Có thể đã có một con đường cho cả Lý Khắc Cường và Hồ Xuân Hoa tiếp tục sự nghiệp.

Khi Hồ Cẩm Đào rời đi, Lý Cường đang mỉm cười nói chuyện với phó thủ tướng Tôn Xuân Lan. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Trong khi đó, ngồi bàn đầu trong lễ bế mạc là Lý Cường, 63 tuổi, Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Trong lúc Hồ Cẩm Đào được dẫn ra khỏi hội trường, Lý Cường đã mỉm cười khi đang nói chuyện với phó thủ tướng Tôn Xuân Lan.

Ngày hôm sau, Lý Cường trở thành tâm điểm chú ý khi trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, xếp thứ hai sau Tập trong hệ thống thứ bậc của đảng.

Lý Cường tỏ ra không quan tâm đến việc vị cựu chủ tịch nước đang đi phía sau mình.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Lý Cường, một trong những phụ tá thân cận nhất của Tập, lúc ấy đã biết trước tương lai chính trị tươi sáng của mình. Ông được bổ nhiệm vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị một ngày sau đó, với tư cách là ứng viên thay thế Lý Khắc Cường làm thủ tướng vào mùa xuân năm sau.

Thái độ của Lý Cường trái ngược hoàn toàn với thái độ của Hồ Xuân Hoa, người đã ngồi yên khoanh tay khi Hồ rời sân khấu. Tại thời điểm này, đã rõ ai là kẻ thắng người thua. Và đó chính là kết cục của cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đảng.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Tấn kịch xung quanh Hồ Cẩm Đào cho thấy điểm yếu cơ bản của Bắc Kinh

 

Nguồn: Howard W. French, “The Hu Jintao Drama Reveals Beijing’s Fundamental Weakness,” Foreign Policy, 24/10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Hóa ra, các hệ thống Lê-nin-nít vốn dĩ luôn bất ổn.

Theo lý tưởng đẹp đẽ của nền chính trị Trung Quốc – cũng như của hầu hết các hệ thống chuyên chế – các cuộc tranh luận cấp cao về chính sách và quyền lực phải được tiến hành sau một bức tường dày, cách âm. Công chúng và thế giới bên ngoài chỉ được phép chứng kiến vẻ ngoài nhẵn nhụi và bình thản của bộ máy nhà nước. Mục đích ở đây, tất nhiên, là để thể hiện sự nhất trí, cũng như tôn vinh quyền lực và uy tín của người lãnh đạo.

Chí ít thì đó là lý thuyết. Trong một đoạn phim vài giây được quay một cách vụng về khi đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào cuối tuần qua, thực tế đã xé toạc vẻ ngoài đẹp đẽ và tiết lộ những kịch tính xứng đáng ở tầm William Shakespeare. Vụ việc xảy ra ngay thời điểm vốn đã được định sẵn để trở thành khoảnh khắc vinh quang tột đỉnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi ông sửa điều lệ đảng để cho phép bản thân, về mặt nguyên tắc, có thể nắm quyền đến chừng nào ông muốn – mà đối với một người đàn ông 69 tuổi nghĩa là nắm quyền cho đến hết phần đời còn lại.

Không bị tiếng nói nào phản đối, Tập đã thanh trừng nhiều nhân vật thuộc nhóm thiểu số trong đảng dám ủng hộ các chính sách và phong cách quản trị khác với những gì ông đặt ra. Trong số những cái tên đã bị sa thải một cách thẳng thừng là thủ tướng Lý Khắc Cường, người từng được xem là ứng viên cho vị trí lãnh đạo Trung Quốc. Hồi tháng 8, Lý đã gây xôn xao khi tuyên bố trong chuyến thăm tới Thâm Quyến rằng “Chương trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến triển. Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng,” điều mà một số chuyên gia hy vọng là dấu hiệu rằng sự phản kháng đối với Tập sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại và đáng chú ý là bình luận của vị thủ tướng đã nhanh chóng bị xóa khỏi Internet ở Trung Quốc.

Một trường hợp thay đổi nhân sự cấp cao khác có liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Uông Dương, người đã từng phát biểu những suy nghĩ rất khác với Tập, rằng “Chúng ta phải xóa bỏ ý nghĩ sai lầm rằng hạnh phúc là một món quà do đảng và chính phủ ban phát.” Ông ủng hộ việc từng bước cải cách chính trị Trung Quốc, tập trung tạo ra nhiều không gian hơn cho xã hội dân sự cũng như cho “giải phóng tư tưởng”.

Thế nhưng, trước khi phiên họp có thể khép lại với những nụ cười, thể hiện niềm tin nhất loạt vào sự vĩ đại của Tập, một sự kiện bất ngờ và khó hiểu đã xảy ra. Ngồi bên trái Tập là người tiền nhiệm trực tiếp của ông, Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, trong bộ dạng xanh xao, yếu ớt một cách đáng ngạc nhiên. Hồ đã bất ngờ bị mời rời khỏi ghế – vẻ mặt lộ rõ đó không phải điều ông muốn – và bị dẫn ra khỏi hội trường, để lại một chiếc ghế trống ngay chính giữa hàng ghế đầu của đại hội.

Hồ đã không chịu rời đi trước khi với tay cầm một tập giấy đặt trước mặt Tập, khiến Tập phải giữ chúng lại. Gần như toàn bộ dàn lãnh đạo cấp cao nhất ngồi tại hàng ghế đó đều nhìn chằm chằm về phía trước, vờ như chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra. Nhưng khi một trong những người phụ tá kéo mạnh vào vai ông, Hồ đã nói vài lời với Tập, người đã gật đầu cùng vẻ mặt vô cảm. Sau đó, Hồ cố gắng quay sang vỗ vai người mà mình bảo trợ, Lý Khắc Cường, trước khi bị đưa đi xa khỏi tầm máy quay.

Đúng như dự đoán, các chương trình tin tức Trung Quốc đã xóa sạch cảnh này, nhưng người ta đã nhanh chóng xì xầm về sự việc bất thường.

Bộ máy của Tập sau đó đưa ra lời giải thích theo kiểu ‘Vua Lear.’ Hành động của Hồ Cẩm Đào là hành động của một ông lão ốm yếu, chân đi không vững. Dù đúng là có khả năng này, nhưng đây không phải là lời giải thích khả dĩ hoặc thỏa đáng nhất. Như nhà khoa học chính trị Joseph Torigian đã viết trong cuốn sách xuất bản gần đây, Prestige, Manipulation, and Coercion: Elite Power Struggles in the Soviet Union and China After Stalin and Mao (Uy tín, thao túng và cưỡng bức: Các cuộc đấu tranh quyền lực cấp cao ở Liên Xô và Trung Quốc sau Stalin và Mao), “những bước ngoặt quan trọng là những khoảnh khắc mà trong đó chính trị trở nên ‘dễ thấy’ nhất, và do đó, chúng cho phép chúng ta đặt ra giả thuyết về những giới hạn và khả năng cho tương lai.”

Ở đây, khả năng mà chúng ta ngay lập tức nên xem xét là Hồ – người thường bị xem là một nhà lãnh đạo vô diện, yếu đuối, và bất tài trong suốt 10 năm cầm quyền, từ năm 2002 cho đến khi Tập lên kế nhiệm vào năm 2012, đã chọn thời điểm này để công khai thể hiện sự bất đồng của mình với cách quản lý đảng dưới thời Tập, vốn đã tập trung quyền lực một cách bất thường vào tay một người duy nhất.

Để hiểu được logic đằng sau cách giải thích này đòi hỏi một chút hiểu biết về lịch sử, cụ thể là việc Hồ đã lên nắm quyền và thực thi quyền lực như thế nào. Ông chính thức trở thành lãnh đạo vào năm 2002, điều này đã được quyết định từ trước khi Đặng Tiểu Bình qua đời vào năm 1997, mở ra một kỷ nguyên mới về sự chuyển giao quyền lực thường xuyên, hòa bình, và được thể chế hóa ở một quốc gia chưa từng biết đến việc này. Quá trình sẽ diễn ra theo một lịch trình kéo dài 10 năm, được chia thành hai nhiệm kỳ, nghĩa là về mặt lý thuyết, đảng có thể loại bỏ một nhà lãnh đạo tồi hoặc không được lòng dân ngay sau nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên.

Cơ chế đằng sau hệ thống mới của Đặng cũng tước bỏ một quyền của nhà lãnh đạo tối cao – lựa chọn người kế nhiệm của chính mình, cho phép đảng đóng vai trò nhiều hơn trong việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo tương lai. Trong trường hợp của Hồ, quyền chỉ định người kế vị đã bị lấy khỏi tay người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân. Chính Đặng, người có quyền lực vô song hồi thập niên 1990, đã chọn Hồ làm người kế nhiệm Giang.

Thời gian Hồ Cẩm Đào tại nhiệm – trùng với sáu năm tôi làm phóng viên tại Trung Quốc – thường bị mỉa mai là giai đoạn không có phương hướng, một thập niên bị lãng phí đối với người Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, di sản nắm quyền của ông rất phức tạp.

Về mặt nào đó, đây là thời kỳ hoàng kim của đất nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc và nhiều thay đổi lớn trong mức sống của hầu hết người dân. Tất nhiên, Hồ không phải là một nhà dân chủ, nhưng sự bùng nổ của Internet đã tạo ra một không gian mới cho tự do ngôn luận. Thủ tướng của Hồ, Ôn Gia Bảo, cũng đã tìm cách đem lại khuôn mặt ‘nhân tính’ cho chính phủ, nhiều lần công khai bày tỏ sự quan tâm đối với người nghèo và những người yếu thế.

Sáng kiến chính trị quan trọng nhất của Hồ là nỗ lực thể chế hóa một phong cách cầm quyền mang tính tập thể hơn những gì thường thấy ở Trung Quốc. Như nhà khoa học chính trị Susan Shirk viết trong cuốn sách mới của mình, Overreach: How China Derailed Its Peaceful Rise (Vươn xa quá tầm: Cách Trung Quốc làm chệch hướng sự trỗi dậy hòa bình của mình), Hồ đã làm điều này bằng cách cân bằng sự đại diện của các bên liên quan trong các cơ quan ra quyết định quan trọng nhất của đất nước, bao gồm đảng, chính phủ, chính quyền cấp tỉnh, và quân đội.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, ông đã mở rộng cơ quan quyền lực nhất ở Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, từ bảy lên chín thành viên, và công khai lựa chọn cách cầm quyền bình đẳng với các ủy viên khác, thay vì là một nhà lãnh đạo áp đặt mọi thứ. Đáng chú ý, Hồ giải thích đây là “nỗ lực ngăn chặn nhà lãnh đạo cao nhất ra quyết định tùy tiện”, vốn là một trong những nỗi sợ hãi chính của Đặng sau thời kỳ cầm quyền kéo dài và đầy biến động của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Điều này đưa chúng ta đến với Tập, người rõ ràng đã tìm mọi cách có thể để đi theo hướng ngược lại, tập trung gần như tất cả quyền lực vào tay mình, bao quanh mình bằng những kẻ chỉ biết vâng lời và những tay chân thân tín trung thành, theo đó làm trầm trọng thêm nguy cơ trên.

Tuy nhiên, trước khi thảo luận về Tập, chúng ta nên dành thời gian để xét xem mọi việc đã diễn ra như thế nào dưới thời Hồ. Phong cách cầm quyền tập thể của ông có thể mang chủ đích tốt, nhưng nó đã tạo ra những vấn đề nghiêm trọng. Trách nhiệm dường như không thuộc về một người cụ thể, nghĩa là mỗi thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị được phép điều hành ‘thái ấp’ của riêng mình trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của nền kinh tế hoặc hệ thống an ninh quốc gia. Và các ủy viên hiếm khi phản đối hành động của nhau ngay cả theo cách riêng tư, vì họ tin rằng điều đó sẽ ngăn người khác can thiệp vào các dự án riêng và những người mà họ bảo trợ. Nói cách khác, dưới thời Hồ, không có ai chịu trách nhiệm chính, và nạn tham nhũng đã diễn ra ở quy mô đáng báo động.

Chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết rõ chuyện gì đã xảy ra với Hồ, người rời khỏi sân khấu chính trị vào thứ Bảy vừa rồi theo đúng nghĩa đen, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy nữa – bí ẩn này sẽ theo ông đến cuối cuộc đời chính trị. Nhưng điều mà chúng ta biết là việc Hồ phải rời đi một cách bất ngờ và không vui vẻ đã khiến Tập bẽ mặt, dù vô tình hay cố ý.

Mặt tối của những sự kiện này nhấn mạnh một điểm yếu cơ bản của các hệ thống Lê-nin-nít như ở Trung Quốc: một điểm yếu mà không ai có thể khỏa lấp được – từ Mao Trạch Đông (người chứng kiến cái chết của hai người kế nhiệm được chỉ định), Đặng Tiểu Bình (người lật đổ người kế nhiệm được chỉ định cuối cùng của Mao, Hoa Quốc Phong, vì những lý do liên quan đến tham vọng và quyền lợi cá nhân hơn là sự khác biệt về hệ tư tưởng hoặc chính sách, rồi sau đó tạo ra một công thức cho quá trình chuyển đổi trong tương lai), Giang Trạch Dân (người nghỉ hưu theo đúng lịch trình nhưng đã giữ lại các chức danh phụ suốt nhiều năm, đồng thời làm suy yếu quyền lực và hạn chế sự lựa chọn của Hồ), và giờ là Tập Cận Bình.

Trên thực tế, cách tiếp cận của Tập là sự quay trở lại với nguồn gốc của các hệ thống Lê-nin-nít – và cụ thể là quay trở lại với hình mẫu của một lãnh đạo trọn đời khác, cựu lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Tập đã xây dựng sự sùng bái cá nhân, và tạo ra Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới chỉ gồm những ‘gã tí hon’ về chính trị – những người đàn ông thiếu tầm vóc chính trị, chưa từng có kinh nghiệm tại chính quyền trung ương, có mạng lưới quan hệ hạn chế – và do đó không đặt ra thách thức nào đối với Tập.

Ban Thường vụ này gồm Lý Cường, người có khả năng trở thành thủ tướng của Tập vào năm tới, thay thế Lý Khắc Cường hiện đã bị phế truất. Hiếm có nhà phân tích nào tin rằng Lý Cường – người từng gây bất bình khi còn làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, nơi ông giám sát chiến dịch cách ly hà khắc trong đợt bùng phát COVID-19 gần đây – lại có thể trở thành người kế nhiệm cuối cùng của Tập. Và đó mới là điều quan trọng.

Như nhà khoa học chính trị Victor Shih của Đại học California San Diego lập luận trong cuốn sách mới của mình, Coalitions of the Weak: Elite Politics in China From Mao’s Stratagem to the Rise of Xi (Liên minh của những kẻ yếu: Nền chính trị cấp cao ở Trung Quốc từ mưu lược của Mao đến sự trỗi dậy của Tập), đây là một chiến thuật mà Mao sử dụng vào cuối thời kỳ cai trị của mình, khi ưu tiên của ông chuyển từ câu hỏi về di sản ý thức hệ, hoặc thậm chí là tương lai của Trung Quốc, sang ngăn chặn sự trỗi dậy của những kẻ thách thức và đảm bảo sự trường tồn chính trị của chính ông.

Bài học ở đây là các hệ thống Lê-nin-nít vốn dĩ luôn bất ổn, phần lớn là bởi đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo tối cao đều cai trị vượt trên luật pháp. Như người Mỹ đã được nhắc nhở sau vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01/2021, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của một xã hội ổn định là việc tôn trọng quy tắc kế nhiệm. Nhưng tại Trung Quốc, vấn đề vẫn chỉ xoay quanh những cuộc tranh giành quyền lực trần trụi, thường được che khỏi mắt công chúng, nhưng không hề bị quy tắc nào cản trở. Trong một hoàn cảnh như vậy, người ta không thể mong đợi một kết thúc tốt đẹp.

Howard W. French là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, giảng viên tại Trường Báo chí Sau Đại học thuộc Đại học Columbia, và là một phóng viên nước ngoài lâu năm. Cuốn sách mới nhất của ông là “Blackness: Africa, Africans and the Making of the Modern World, 1471 to the Second World War.”

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen