Mục lục
Hiệu ứng gây thương vong lớn trong vụ giẫm đạp Hàn Quốc
1/11/2022
VNExpress
Phần lớn người chết trong vụ giẫm đạp ở Hàn Quốc là do hiện tượng “đám đông đè ép”, khi lượng người quá lớn bị dồn nén và sụp đổ lên nhau.
Cảnh tượng gây ám ảnh nhất trong vụ giẫm đạp tại phố Itaewon, thủ đô Seoul của Hàn Quốc đêm 29/10 là khi những nhân viên y tế đầu tiên tiếp cận hiện trường. Họ bối rối tìm cách giải thoát những nạn nhân đang xếp chồng lên nhau thành 5-6 lớp giữa con hẻm rộng khoảng 4 m. Người bất tỉnh chen lẫn với số ít những người còn tỉnh táo đang cầu cứu, tay chân vắt qua và chèn chặt lên người nhau.
G. Keith Still, giảng viên Đại học Suffolk của Anh và là chuyên viên tư vấn cho cảnh sát Anh về kiểm soát đám đông, nhận định cảnh tượng này cho thấy “thủ phạm” gây nên thảm kịch tại Itaewon là hiện tượng “đám đông đè ép” (crowd crush).
Hiện tượng “đám đông đè ép” hay “đám đông nghiền nát”, thường được truyền thông gọi một cách rộng rãi là “giẫm đạp” (stampede), xảy ra khi mật độ người tính trên diện tích quá lớn.
Khi đám đông tập trung với mật độ 4-5 người trên một mét vuông trong không gian chật hẹp, cả khối người sẽ gây áp lực rất lớn lên mỗi cá nhân. Trong bối cảnh đó, mọi cử động nhỏ của từng người đều bị khuếch đại dần thành xô đẩy. Không gian càng hẹp và số lượng người tập trung càng lớn, sức ép tạo ra từ đám đông càng khủng khiếp.
Sức ép đó có thể khiến đám đông tự ngã và đè lên chính họ, hoặc các cá nhân kẹt trong đó bị ép chặt đến mức không thể thở, đuối dần và ngã gục. Nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu số lượng người tập trung trong cùng một khu vực vượt quá giới hạn an toàn.
Milad Haghani, giảng viên về kiểm soát đám đông và các biện pháp an toàn công cộng tại Đại học New South Wales của Australia, cho rằng yếu tố quyết định dẫn đến thảm kịch là mật độ người chạm ngưỡng báo động.
Ông đồng thời phản bác các quan điểm mang tính đổ lỗi cho nạn nhân, hay những chỉ trích rằng đám đông bị kích động và hoảng loạn dẫn đến giẫm đạp.
“Bất kỳ biến cố nào trong đám đông đều có thể lan tỏa mạnh trong bối cảnh đó, khiến người nối tiếp người ngã hàng loạt và dẫn đến thương vong. Hệ quả này không đòi hỏi xét đến yếu tố hành vi của đám đông”, ông nói. “Bất kỳ ai kẹt bên trong đám đông đều không thể tự kiểm soát chuyển động của cơ thể vì họ bị đặt vào tình thế dồn ép. Đám đông trở thành một dòng chảy, xô đẩy họ đi các hướng”.
Keith Still cho rằng khi hiện tượng “đám đông đè ép” xảy ra, chỉ cần có người vấp ngã là đủ để châm ngòi “hiệu ứng domino” đối với những người khác. Yếu tố tâm lý hoảng loạn hay hành vi chen lấn xô đẩy không phải là nguyên nhân chủ yếu gây nên thảm kịch. Những phản ứng này xảy ra sau khi đám đông bắt đầu sụp đổ dây chuyền.
“Đám đông ngã chồng lên nhau theo một khối thống nhất. Nếu nạn nhân kẹt trong không gian đóng, họ không tài nào gượng dậy được nữa”, Keith Still phân tích.
Theo ông, khi rơi vào hoàn cảnh đó, các nạn nhân sẽ cố vùng vẫy để đứng dậy, nhưng cuối cùng tay chân đan vào nhau đến mức không thể cựa quậy được nữa. “Nạn nhân không chết vì hoảng loạn. Họ hoảng loạn vì nhận ra mình sắp chết”, ông phân tích.
Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min xác nhận cảnh sát thành phố đã không tăng quân số đảm bảo an ninh tại khu phố. Chỉ 137 cảnh sát đã được triển khai túc trực tại Itaewon vào tối 29/10, trong khi khoảng 100.000 người đã đổ về đây, đồng nghĩa mỗi sĩ quan phải quản lý hơn 700 người.
Con hẻm bên cạnh khách sạn Hamilton, khu vực tập trung nhiều nạn nhân nhất, có địa hình hẹp và dốc. Hẻm dài khoảng 45 m và rộng khoảng 4 m, chỉ vừa đủ cho 5-6 người trưởng thành đi cùng một lúc. Diện tích con hẻm được ước tính hơn 188 m2.
Mehdi Moussaid, chuyên gia về hành vi đám đông tại Viện Phát triển Con người Max Planck ở Đức, cho rằng mật độ đám đông trong con hẻm vào lúc cao điểm khoảng 8-10 người/m2, vượt ngưỡng báo động của hiện tượng “đám đông đè ép”.
“Với mật độ này, không bất ngờ khi có người bất tỉnh. Họ bị chèn quá chặt đến mức không thở được. Tình trạng đó tiếp diễn khiến một lượng lớn nạn nhân trong cùng khu vực không có đủ oxy và ngất đi hàng loạt, sao đó lần lượt tử vong”, Moussaid phân tích.
Thảm kịch tại Itaewon khiến ít nhất 154 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, trong đó 37 trường hợp đang nguy kịch. Theo Moussaid, số thương vong của thảm kịch rất nghiêm trọng nhưng “không bất thường” so với các thảm kịch từng xảy ra hiện tượng đám đông đè ép.
Ông nhắc lại thảm họa tương tự khi người hành hương Hồi giáo tập trung tại thánh địa Mecca năm 2015. Theo số liệu của Arab Saudi, hơn 700 người tử vong do ngạt thở và giẫm đạp, trong khi giới chuyên gia ước tính con số thực tế có thể hơn 2.000 người.
“Dòng người” trong sự kiện 7 năm trước ở Mecca chỉ có một hướng di chuyển, có hệ thống phân luồng bằng đường một chiều, song vẫn không tránh khỏi thảm kịch khi lượng tín đồ lên đến hàng triệu người.
Tình huống ở Itaewon đêm 29/10 phức tạp hơn khi có 2-3 “dòng chảy người” cùng đổ vào con hẻm tử thần. Đám đông không được kiểm soát vì tình huống tập trung đông người mang tính tự phát, thúc đẩy bởi những hoạt động vui chơi đơn lẻ, khác với những sự kiện có bán vé vào cổng kiểm soát.
Moussaid cũng cho rằng số lượng cảnh sát hiện diện tại Itaewon hôm 29/10 không mang tính quyết định đến khả năng ngăn thảm kịch xảy ra. Yếu tố có thể thay đổi kết cục đau thương là lên kế hoạch, lường trước các sự kiện có thể xảy ra trong đêm đó. Giới chức thành phố đáng lẽ cần biết trước bao nhiêu người sẽ đổ về khu vực, hướng di chuyển của họ ra sao và lập phương án kiểm soát đi lại.
“Khi số người tập trung quá lớn, có thêm cảnh sát cũng không giải quyết được gì. Chìa khóa là bước lập kế hoạch”, ông nói.
Hong Ki-hyun, Cục trưởng Cục Quản lý Trật tự Công cộng thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, ngày 31/10 thừa nhận các cơ quan tham mưu tại Seoul đã không dự liệu chính xác lượng người đổ về phố Itaewon trong dịp lễ hội Halloween năm nay.
“Những thảm kịch này sẽ tiếp tục xảy ra chừng nào chúng ta còn lơ là áp dụng các quy trình kiểm soát đám đông mang tính đón đầu, đủ khả năng phát hiện nhanh chóng và ngăn chặn hiện tượng đám đông đè ép do mật độ tập trung người quá cao”, Martyn Amos, chuyên gia về khoa học đám đông thuộc Đại học Northumbria của Anh, nói.
Thảm kịch giẫm đạp tại Hàn Quốc diễn ra thế nào
31/10/2022
VNExpress
Dòng người chơi lễ quá lớn từ ba hướng dồn về con hẻm hẹp trên phố Itaewon, khiến đám đông bị nén chặt, ngã lên nhau “như quân cờ domino”.
Chiều tối 29/10, dòng người đông đúc, chủ yếu là thanh niên, kéo về quận Itaewon ở trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là một địa điểm tiệc tùng sôi động với những con đường và ngõ hẻm chật hẹp cùng nhiều quán bar, nhà hàng hai bên.
Theo một số nguồn tin, hơn 100.000 người đã đổ về khu vực này để ăn mừng lễ hội Halloween, thể hiện niềm phấn khích cao độ khi được tiệc tùng trở lại sau thời gian dài Hàn Quốc áp hạn chế vì Covid-19.
Nuhyil Ahammed, 32 tuổi, có mặt trong đám đông. Nhân viên công nghệ thông tin đến từ Ấn Độ này sống gần đó và đã tham gia các bữa tiệc Halloween ở Itaewon suốt 5 năm qua.
Năm ngoái, sự kiện diễn ra sôi nổi nhưng trong tầm kiểm soát, khi cảnh sát ngăn mọi người vào các khu vực đã trở nên quá đông đúc. Nhưng mọi thứ năm nay rất khác, anh nói. “Tất cả thật sự điên rồ”, Ahammed kể lại với BBC. “Từ 17h đã có rất nhiều người trên đường phố. Tôi đã nghĩ đến 19h hay 20h thì không biết mọi chuyện sẽ ra sao”.
Vào khoảng thời gian này, nhiều người đã đăng các thông điệp cảnh báo trên mạng xã hội, nói rằng đường phố Itaewon quá đông đúc, đến mức khiến họ cảm thấy không an toàn.
Ahammed và nhóm bạn đã vui chơi cả buổi tối ở Itaewon, quanh quẩn trong một con hẻm hẹp và dốc nối từ con phố chính của khu Itaewon tới Phố Ẩm thực Thế giới, mà không biết rằng nơi đây sắp trở thành tâm điểm của thảm kịch.
“Chúng tôi lúc nào cũng tụ tập tại con hẻm này”, anh nói. “Tôi không biết tại sao, nhưng luôn có những quán bar sôi động và những người mặc trang phục lộng lẫy ở đây”.
Itaewon, khu phố nổi tiếng với cuộc sống về đêm, được tạo thành từ những con hẻm nhỏ uốn lượn quanh một ngọn đồi dốc. Ông Choi điều hành một cửa hàng quần áo gần con hẻm trong 30 năm qua, nhưng chưa từng chứng kiến đám đông lớn đến vậy.
Khi Choi đóng cửa hàng vào khoảng 19h, hơn hai tiếng trước vụ giẫm đạp, ông đã rất khó khăn mới có thể đến được chiếc xe đạp của mình. “Tôi đã lo lắng về nguy cơ từ tối 28/10”, ông cho hay. “Lúc đó, đường phố cũng rất đông đúc rồi, nhưng không bằng tối 29/10”.
Đến 22h, Ahammed cảm nhận rõ ràng có chuyện gì đó không ổn và anh hoảng hốt nhận ra mình bị cuốn vào một đám đông khổng lồ trong hẻm.
“Mọi người bắt đầu xô đẩy từ phía sau, nó giống như một cơn sóng, bạn không thể làm gì được”, anh nhớ lại. “Ngay cả khi đứng yên, bạn vẫn bị đẩy từ cả phía trước lẫn phía sau”.
Ahammed bị đẩy ngã xuống đất nhưng đã cố gắng gượng dậy, leo lên một bậc thềm bên cạnh con hẻm để né đám đông.
Các chuyên gia về kiểm soát đám đông cho rằng vào thời điểm đó, con hẻm đã trở thành một “biển người”, trong đó một số người có thể gặp phải tình trạng “chân không chạm đất” và bị xô đẩy ra xa nhiều mét mà không thể làm được gì.
Trong đám đông đó có Freya, cô gái 33 tuổi đến từ Mỹ. Cô đã cố gắng trong tuyệt vọng nắm lấy tay nhóm bạn của mình, tìm kiếm một điểm tựa an toàn. Cô cảm thấy đám đông đột ngột di chuyển, nhưng chỉ cho rằng có một cuộc ẩu đả nổ ra ở đâu đó.
“Tôi cố gắng nắm tay bạn bè vì tôi cảm thấy mọi người đang đẩy về phía trước”, cô nói. “Nhóm 6 người chúng tôi không ít lần bị lạc nhau”. Cô quyết định rời khỏi con hẻm, đi đến một quán bar ở phía cao hơn. Quyết định vô tình đó có thể đã cứu mạng Freya.
Thảm kịch bắt đầu xảy ra từ khoảng 22h20, khi hỗn loạn vượt tầm kiểm soát. Nhiều người ngã xuống do bị xô đẩy trên sườn dốc, đè lên những người ở chân dốc.
Ở cuối con hẻm, đám đông không biết thảm kịch đang diễn ra trước mắt, vẫn tiếp tục ùn ùn kéo tới, bịt kín đầu thoát của dòng người trong hẻm. Hiện chưa rõ lý do đám đông kéo tới con hẻm từ ba hướng vào cùng một lúc như vậy.
Một nhân chứng Lee Chang-kyu cho hay anh đã thấy 5-6 thanh niên bắt đầu đẩy mạnh về phía trước, khiến 1-2 người ngã xuống và giẫm đạp bắt đầu xảy ra.
Con hẻm nơi vụ giẫm đạp diễn ra dài 41 mét, nhưng chỉ rộng khoảng 4 mét, đủ cho 6 người lớn đứng sát nhau. Một nhân chứng có mặt trong đám đông mô tả rằng họ đã nhìn thấy mọi người “la hét” và “ngã rạp như những quân cờ domino”.
“Mọi người nghẹt thở, la hét, bị siết chặt, ngã xuống, có quá nhiều người”, Ahammed cho hay. “Tôi ngồi trên bậc thang, chứng kiến mọi thứ diễn ra, nhìn họ trút hơi thở cuối cùng… Tôi chỉ biết bất lực ngồi đó nhìn họ chết ngạt”.
Ana, 24 tuổi, đến từ Tây Ban Nha, cùng người bạn Melissa, 19 tuổi, đến từ Đức cũng có mặt trong con hẻm vào tối hôm đó. Tuy nhiên, nhận thấy hẻm quá đông người, họ quyết định rẽ vào một quán bar trên phố Itaewon, điều dường như đã cứu mạng họ.
Khi hai người rời khỏi quán bar lúc 23h, họ nhìn thấy xe cấp cứu đi vào con hẻm và cảnh sát yêu cầu mọi người di chuyển để lấy chỗ cấp cứu cho những người gặp nạn.
“Có nhiều người trợ giúp đến mức họ yêu cầu cả những người dân bình thường hỗ trợ làm hô hấp nhân tạo. Vì thế, mọi người bắt đầu xúm vào giúp đỡ”, Ana nói.
Cô cho biết hai người bạn của cô biết làm hô hấp nhân tạo đã tới để hỗ trợ, nhưng nhiều nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng trên tay họ. Ana sau đó cũng đến giúp. Cô được hướng dẫn thao tác trước khi tiến hành.
“Họ hướng dẫn tôi cách ôm đầu và mở miệng nạn nhân, cùng những điều tương tự như vậy. Tôi đã cố gắng nhưng cả hai người tôi giúp đều đã chết. Dường như tất cả những người họ đưa đến để làm hô hấp nhân tạo đều không còn thở, nên họ không thể làm gì được”, cô kể. “Chúng tôi không thể làm gì, đó là điều gây day dứt nhất”.
Video từ hiện trường cho thấy hàng chục người đang cố gắng hô hấp nhân tạo trên các nạn nhân nằm xếp hàng trên đường phố. Một phóng viên BBC có mặt tại hiện trường cho biết họ đã nhìn thấy một số xe cấp cứu, hàng nghìn người và nhiều thi thể được phủ bằng vải màu xanh. Xe cứu thương phải rất vất vả mới có thể vượt qua dòng người đông đúc.
Ahammed cho hay thậm chí vài giờ sau vụ giẫm đạp, nhiều người ở Itaewon dường như vẫn không hay biết gì, tiếp tục tiệc tùng, với tiếng nhạc vẫn phát ra từ một số quán bar và câu lạc bộ đêm trong khu vực.
Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc xác nhận cảnh sát không lường trước được đám đông lớn như vậy và lực lượng đã bị kéo giãn để giám sát một cuộc biểu tình ở khu Gwanghwamun gần đó.
“Bạn tôi nói chỉ nhìn thấy một cảnh sát trong đám đông”, nhân chứng Janelle Story cho biết. “Giữa dòng người lớn như vậy, chỉ có một thành viên lực lượng chức năng giúp chúng tôi”. Nhiều người cho biết khoảng thời gian chờ đợi nhân viên y tế đến “dường như dài vô tận”.
Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết họ nhận được cuộc gọi kêu cứu đầu tiên không lâu sau 22h22. Cơ quan cứu nạn được thông báo rằng có nhiều người trong đám đông bị khó thở.
Nhưng khi họ đến hiện trường vài phút sau đó, mức độ nghiêm trọng của sự việc đã trở nên rõ ràng. Họ nhìn thấy đám đông chen chúc dày đặc đến mức trông giống như xếp chồng lên nhau.
Giới chức Hàn Quốc cho biết số người chết trong vụ giẫm đạp đêm 29/10 là 154, nhưng có thể tiếp tục tăng thêm khi 33 người đang trong tình trạng nguy kịch. 116 người bị thương trong sự việc. Choi Seong-beom, cảnh sát trưởng quận Yongsan, Seoul, cho biết hầu hết những người thiệt mạng đều ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc ngoài 20.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ban bố quốc tang sau thảm kịch và kêu gọi điều tra sự cố.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu các bộ ngành liên quan tiến hành điều tra khẩn cấp, không chỉ đối với các sự kiện Halloween, mà còn với cả những lễ hội địa phương, quản lý sát sao để chúng được tiến hành một cách trật tự và an toàn”, ông tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình.