Seite auswählen

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái kể về Ukraine sau chuyến thăm

 

Tina Hà Giang

Gửi đến cho BBC từ Nam California

Vừa trở về California sau hai tuần lễ đến thăm Ukraine vẫn đang đắm chìm trong chiến tranh do Nga gây ra, nhà báo Đinh Quang Anh Thái kể lại những gì anh mắt thấy tai nghe tại đất nước này.

Tina Hà Giang hỏi cho BBC: Xin anh cho biết vài nét chính về chuyến đi thăm đất nước Ukraine đang chìm trong chiến tranh vừa qua?  

Đinh Quang Anh Thái : Tôi và anh Đinh Xuân Thái, giám đốc điều hành của đài truyền hình Little Saigon TV (California) vừa đến thăm thủ đô Kyiv và nhiều thành phố của Ukraine. Về hành trình tổng quát thì ngày 9/10, chúng tôi từ Mỹ bay đến thủ đô Warsaw của Ba Lan, sau đó đi ba chuyến xe lửa: từ Warsaw đến Krakow, quê hương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; đến biên giới giữa Ba Lan và Ukraine, và từ biên giới đến Kyiv và vào sâu trong lòng Ukraine, hành trình xe lửa kéo dài 17 tiếng.

Chuyến đi rất dài, dọc đường đi anh có gặp trở ngại gì không, và những hình ảnh đầu tiên anh thấy tại Ukraine là gì?

Dọc đường đi thì nửa đêm, rạng sáng ngày 10/10 quân Nga bắn hơn 100 quả hỏa tiễn vào nhiều nơi trong lãnh thổ Ukraine, trong đó có thủ đô Kyiv. Khi chúng tôi tới nơi thì thấy ngay khung cảnh của nhà ga trung ương rõ ràng là có không khí của một đất nước đang bị tàn phá vì bom đạn, đang bị quân đội Nga tấn công. Cảnh sát quân đội Ukraine thì võ trang tận rang: áo giáp, nón sắt, súng AK-47 tuần tra dọc đường.

Qua ngày thứ hai thì có lệnh báo động, ai cũng lo lắng, người thì muốn về nhà sớm, người thì phải vội vàng lên một chuyến xe lửa khác, nhưng mà sinh hoạt ngay tại chỗ thì tôi thấy người dân Ukraine họ vẫn cố gắng để có một nhịp sống bình thường, cố không bị ảnh hưởng trước đe dọa thường trực 24 giờ một ngày với sự xâm lăng của Nga.

Ông Đinh Xuân Thái

DINH QUANG ANH THAI Ông Đinh Xuân Thái trước một bãi trưng bày xe tăng Nga bị Ukraine bắn hỏng

Sau khi đặt chân vào Ukraine thì những gì anh mắt thấy tai nghe có khác với gì anh mường tượng trước khi đến đó không?

Người dân Ukraine biết nói tiếng Anh có vẻ ít, kiếm được một người nói tiếng Anh cũng khó, mà tôi thì không nói được tiếng Ukraine. Cho nên khi đi tìm một người bạn hẹn gặp đón chúng tôi từ nhà ga mãi không thấy, chúng tôi phải đến nhờ một người cảnh sát Ukraine, ra dấu cho nhau. Người cảnh sát đó hiểu là chúng tôi muốn nhờ dùng máy của anh ấy để liên lạc với người bạn, anh ấy sốt sắng lắm. Sau đó thì người bạn tôi nhắn là cứ đến một nhà hàng McDonald’s ngay trước cửa nhà ga thì sẽ có người đến đón. Chúng tôi đang đứng lớ ngớ như vậy thì anh cảnh sát lúc nãy từ bên kia nhà ga chạy qua, đưa cái điện thoại có cái tin nhắn bằng tiếng Việt Nam bảo là 5 phút nữa thì người đón sẽ có mặt. Cảm nhận đầu tiên của tôi là ở một đất nước chiến tranh mà một cảnh sát họ sốt sắng họ chú ý đến hai người Á châu lớ ngớ đi tìm đường phố như vậy cho thấy thứ nhất họ có một truyền thống hiếu khách, thứ hai họ cũng sẵn sàng giúp đỡ những người mà họ nghĩ đến đất nước họ để ủng hộ họ trong cuộc chiến chống lại quân Nga. 

Về cái khác với sự mường tượng của mình lúc đầu, thì ngay lúc đến Ba Lan khoảng 1 giờ sáng thì anh Đinh Xuân Thái cầm máy quay phim quay cảnh người đứng xếp hàng để chờ làm thủ tục nhập cảnh vào thủ đô Ukraine, có một người phụ nữ nói tiếng Anh rất giỏi hỏi chúng tôi là ai cho phép anh quay phim ở đây? Tôi mới hỏi lại là cô có phải là nhân viên an ninh không, thì cô ấy bảo không, nhưng mà trong cái tình hình này ai cho phép các anh quay phim. Rồi cô ấy gọi một nhân viên an ninh Ukraine đến. Anh này nói tiếng Ukraine, nên chúng tôi phải nhờ cô gái ấy thông dịch, là chúng tôi là công dân Mỹ muốn đến ủng hộ Ukraine, muốn tìm hiểu đời sống của người dân trong một đất nước trong chiến tranh như thế nào. Thì người cảnh sát đó thân tình cười bảo là tôi sẽ đưa các anh lên xe.

Suốt chặng đường 12 tiếng từ biên giới Ba Lan vào tới Kyiv thì khi kiểm soát, an ninh họ dẫn cả chó lên xe để ngửi xem mình có mang theo gì đáng nghi ngờ không. Khi chúng tôi đưa passport Mỹ ra thì họ niềm nở lắm, và khi tới thủ đô Kyiv thì tôi nghĩ là không khí chiến tranh nó phải kinh khủng hơn như buổi sáng hôm đó chúng tôi chứng kiến.

Sáng hôm đó tôi nhớ không khí Saigon ngày xưa cũng vậy, bị pháo kích, đánh phá các nơi, những dân chúng tại Saigon và các tỉnh họ vẫn có những buổi ăn sáng và những buổi uống cà phê, thậm chí Saigon vẫn chiếu phim cho mọi người coi, thì Ukraine cũng thế. Trừ những lúc có còi báo động vang khắp thủ đô, dân chúng phải chạy dạt qua hai bên đường tìm chỗ trú ẩn những vẫn có những người vẫn chạy trên đường như anh bạn đến đón chúng tôi chẳng hạn. Anh bạn bảo báo động thì cũng không biết được, lúc thế này lúc thế kia. Chúng tôi ở đây chúng tôi quen chẳng sợ gì nữa rồi. Mới đầu thì còn sợ chạy xuống hầm nhưng bây giờ thì quen rồi.

Anh thấy gì về tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine? Họ suy nghĩ gì, cảm nhận của họ, và kỳ vọng của họ về cuộc chiến này như thế nào?

Trong suốt sáu ngày ở Ukraine, chúng tôi nói chuyện với một số người Việt Nam ở đó lâu năm rồi. Chúng tôi cũng nhờ một người bạn người Ukraine rất thân với người Việt ở đây, nói được tiếng Việt, đi theo giúp thông dịch cho tôi khi tôi phỏng vấn.

Qua những phỏng vấn này, thì tôi thấy, điểm chung, và là điểm son của người Ukraine, là không có một người nào, dù là người Ukraine bản xứ hay là người Việt Nam sống ở Ukraine, mà không có niềm tin sắt đá và cương quyết là dân tộc Ukraine sẽ chiến thắng ‘quân xâm lược’ Nga (họ gọi thế). Tôi xin nhắc lại là ‘không có một người nào’.

Về suy nghĩ về cuộc chiến này thì họ nói rất rõ, là thủ đô Kyiv trước kia từng đã là một trái tim của nước Nga. Người Ukraine họ nói tính ra dân tộc Nga và dân tộc Ukraine là hai dân tộc anh em với nhau. Nhưng năm 1991 khi người dân Ukraine bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để trở thành một quốc gia độc lập, tức là họ không còn muốn lệ thuộc vào Liên bang Xô Viết nữa thì những người Ukraine nói với chúng tôi là đáng lẽ ra giới lãnh đạo nước Nga, đặc biệt là Vladimir Putin, phải hiểu rằng Ukraine đã trở thành một dân tộc độc lập và có một ý chí không muốn nằm trong vòng ảnh hưởng của liên bang Nga nữa. Thế thì không có cớ gì mà Putin lại đem sát nhập vùng Crimea vào năm 2014, và sau đó còn toan tính âm mưu xâm lăng hiện nay. Bởi vì như thế có nghĩa là trong đầu óc của một số người Nga và riêng Putin, họ vẫn nghĩ rằng đây vốn là một thuộc địa của Nga và muốn sát nhập trở lại.

Dân tộc Ukraine khẳng định họ cương quyết chống lại việc sát nhập đó. Khi chúng tôi tiếp xúc với những người Việt Nam ở Ukraine chẳng hạn, họ bảo là chúng tôi đã đưa vợ con ra khỏi biên giới và đi đến các nước khác hết rồi, còn chúng tôi ở lại đây để cầm súng chiến đấu, vì đây là đất nước của chúng tôi.

Cứu trợ tại biên giới

DINH QUANG ANH THAI Một điểm cứu trợ người Ukraine gần biên giới Ba Lan-Ukraine

Một lập luận được đưa ra từ phía Nga để giải thích lý do cho cuộc tấn công vào Ukraine là rất đông người Ukraine nghĩ họ là người Nga và mong muốn Ukraine được sát nhập vào Nga. Trong thời gian ở Ukraine anh có gặp được người nào có suy nghĩ như vậy không? Sau khi đã đến thăm Ukraine hai tuần anh nghĩ gì về lập luận này?

Về mặt lịch sử thì trong thời gian Ukraine còn nằm trong Liên bang Xô viết thì hầu hết người Ukraine nói tiếng Nga. Ngay cả ông tổng thống Zelensky cũng là người nói tiếng Nga. Những anh bạn tôi người Việt Nam ở Ukraine đó, trước khi họ nói tiếng Ukraine thì họ có học tiếng Nga, và bây giờ họ trao đổi với nhau trên đường phố hay trong tiệm ăn, họ cũng nói với nhau bằng tiếng Nga khi cần thiết. Nhưng tôi nhận thấy trong những cuộc trò chuyện đó bây giờ người dân Ukraine họ chuyển sang nói tiếng Ukraine chứ không nói tiếng Nga nữa. Đó là một thái độ dứt khoát để họ cho thấy rằng họ muốn tách rời quá khứ từng lệ thuộc Liên Xô.

Tôi muốn kể một thí dụ điển hình nhất, và tất nhiên nó cũng hơi có tính cách cực đoan một tí, là hôm đó trong một bữa ăn cơm tại Kyiv, một số bạn bè chúng tôi ngồi với nhau, trong đó có cả anh người Ukraine. Lúc chúng tôi lúc hát với nhau một vài bài, tôi buột miệng bảo tôi chẳng biết hát bài nào cả chỉ biết bài ‘Chiều Mạc Tư Khoa’ thì anh bạn đó nói mấy anh đừng hát bài đó thì hay hơn. Giờ này trên đất nước của chúng tôi, chúng tôi không muốn nghe những âm hưởng của Nga trên đất nước này nữa, bởi vì chúng tôi cương quyết là bây giờ Ukraine là Ukraine, không còn dính líu đến ngôn ngữ hay những thói quen liên quan đến Nga từ xưa đến giờ chúng tôi vẫn có.

Về những vụ sát nhập chẳng hạn, như Crimea, Putin đã sát nhập bốn vùng rồi, Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson và nói rằng dân ở những vùng đó họ nói tiếng Nga và họ muốn hướng về tổ quốc Nga vĩ đại của Putin chẳng hạn. Nhưng mà tin tức thì chúng ta biết rồi. Số dân chạy khỏi Kherson rất nhiều và thậm chí cuộc trưng cầu dân ý sát nhập đó là cuộc trưng cầu dân ý cưỡng bách do quân đội Nga cầm súng vào dọa nạt dân chúng.

Tôi có gặp một chị Việt Nam chạy từ khu vực Kherson về thủ đô Kyiv, hành trình của chị mất cũng cả tháng trời. Chị bảo là dân ở vùng đó họ không thể nào chấp nhận được chuyện nhà cửa bị phá tan nát vì đạn bom, và đời sống của họ đột nhiên trở thành một thảm họa chỉ vì tham vọng của quân Nga thôi. Nghe chị và một số người khác, tôi cho rằng lập luận của Putin nó chỉ là cái cớ cho cuộc xâm chiếm một quốc gia khác thôi, vì Putin cũng từng nói với mọi người trước khi xảy ra cuộc chiến, rằng Ukraine là một quốc gia giả tạo tức là ‘fake nation’ không có trên bản đồ và rằng thực sự Ukraine chỉ là một bộ phận của nước Nga thôi. Tôi cho rằng đó là cách nói của kẻ xâm lăng.

Có dịp đi gặp và nói chuyện với nhiều người tôi cảm thấy rất tâm phục khẩu phục dân tộc Ukraine. Họ không những cương quyết cách lìa cái quá khứ với nước Nga mà giờ phút này họ xem như là không còn gì để có thể thương thảo với nhau được ngoài trừ một cuộc chiến sống chết, và về chiến tranh, thì những người dân Ukraine chúng tôi gặp đều nói là ‘we’re gonna win, we’re gonna win’ – chúng tôi sẽ chiến thắng.

Có một làng ở sát biên giới nước Nga chẳng hạn, bị quân Nga chiếm hai tháng, dân họ bị tàn sát, bị đốt nhà đốt cửa pháo kích…Ở đó tôi nói chuyện với một người đàn ông Ukraine, ông nói một cách mạnh mẽ là không những chúng tôi thắng mà sẽ là một chiến thắng long trời lở đất, để cho thế giới thấy rằng Ukraine mai sau này sẽ là biểu tượng cho một sức mạnh chống lại một cái cường quyền như vậy. Và họ sẽ tái xây dựng Ukraine trong một bối cảnh an bình tự do. Tôi lấy làm khâm phục và rất xúc động khi nhìn thấy những người Ukraine và ngay cả đồng bào Việt Nam chúng ta sống ở Ukraine cùng có một tinh thần như vậy.

Nha bao Dinh Quang Anh Thai

DINH QUANG ANH THAI Nhà báo Đinh Quang Anh Thái ở một cây cầu bị sụp

Anh có dịp nói chuyện với người dân Ukraine về suy nghĩ của họ về tổng thống Zelensky không?

Một số người nói rằng nếu không có chiến tranh này thì ông Zelensky ông ấy không chắc là một nhà lãnh đạo có được hình ảnh như bây giờ, đang được xem là một người hùng. Họ cho rằng ông Zelensky cho đến lúc xảy ra cuộc chiến thì chỉ là một tổng thống không bị tai tiếng về tham nhũng, nhưng ông ấy sử dụng một số tay chân, số đàn em thân cận cũng dính vào những vụ làm ăn gây tai tiếng cho Ukraine. Nhưng đột nhiên, khi chiến tranh xảy ra ông ấy trở thành một lãnh đạo như vậy.

Đây là câu mà họ nói: Zelensky không chỉ là anh hùng của đất nước chúng tôi mà còn là một anh hùng của cả thế giới nữa, bởi ông ấy đã cương quyết không bỏ Ukraine mà đi, không những thế vợ con ông ấy cũng không đi. Zelensky cũng có bộ sậu tuyên truyền rất giỏi. Họ nói rằng từ cách ông ấy chọn bộ áo lính chẳng hạn, để râu ria cho thấy mình là một vị lãnh đạo trong thời chiến, thứ hai là những vùng nào ở ngoại quốc mà ông ấy không đến được thì ổng cho vợ đi. Bà vợ ông ấy đi với tư cách là một người mẹ Ukraine, là một vợ của một người Ukraine, một người có con người Ukraine. Có người nói những điều đó chạm vào trái tim của những đất nước khác, cho nên Ukraine mới được ủng hộ mạnh mẽ như vậy của thế giới.

Thế người dân Ukraine họ nghĩ gì về tổng thống Nga, ông Vladimir Putin?

Họ căm thù lắm. Chữ mà người Việt Nam ở bên đó dùng gọi ông Putin là gì? Họ gọi ông ấy là ‘thằng Pu’ đấy, chứ họ không gọi là Putin. Họ bảo ‘thằng Pu’ nó là một thằng điên. Thí dụ, dọc đường đi, tôi thấy rất nhiều cửa hàng nhỏ họ bán những cuộn giấy vệ sinh, thì bọc ngoài của những cuộn giấy vệ sinh đó là hình của Vladimir Putin. Có những người Ukraine họ thấy hai người Á châu đi lang thang, họ cầm những cuộn giấy vệ sinh đó đưa cho chúng tôi xem. Đấy là một biểu tượng rõ ràng về sự căm thù người dân Ukraine dành cho ông Putin.

Rời khỏi đất nước Ukraine, hình ảnh mà anh mang theo, có thể sẽ lâu trong tâm trí là những hình ảnh gì?

Trước hết phải nói là tôi rất cảm xúc trước cái tình cảm thân thiện của người dân Ukraine, và đặc biệt là tôi kính trọng tinh thần sẵn sàng đương đầu với cái ác của họ.

Về hình ảnh mà cho đến giờ chúng tôi vẫn bị ám ảnh thì khi trong buổi sáng cuối cùng ở Ukraine, hôm đó là hôm Chủ Nhật, chúng tôi đến một phố cổ, nơi người ta vẫn bán những vật kỷ niệm của xứ Ukraine, và hàng quán vẫn mở cửa vì lúc đó không có báo động. Chúng tôi vào ăn ở một nhà hàng, nhìn xung quanh thì người dân Ukraine họ vẫn ăn uống rất bình thường. Chúng tôi ăn xong vừa mới ra xe, tính đi tìm một nhà thờ cổ thì lại có còi báo động. Nhưng tôi thấy mọi người cũng từ tốn chứ không hốt hoảng lắm. Hình ảnh đó cho tôi thấy người dân Ukraine bắt đầu quen sống với chiến tranh và họ chấp nhận một tình thế là lúc nào cũng có thể bị pháo của quân Nga bắn vào.

Dọc đường đến phố cổ, tôi thấy không biết bao nhiêu tòa nhà bị bắn sập một nửa, bắn cháy mặt trước mặt sau. Tàng tích của sự tàn phá của chiến tranh đầy rẫy ở đó, và người dân Ukraine họ sống ngay trong lòng những tàn phá đó nhưng vững tin là họ sẽ chiến thắng, và quyết tâm để thắng.

Ý nghĩ ám ảnh tôi là Ukraine với một đất nước hiền hòa như vậy, kinh tế phát triển bởi vì ngũ cốc họ sản xuất cung cấp cho 40% thế giới, thành thử ra đó là một đất nước đang trên đà lớn  mạnh, mà gặp phải cuộc xâm lăng như thế này. Nhưng mà dân tộc Ukraine đã chứng tỏ được rằng từng bước từng bước một họ đang thắng quân Nga xâm lược.