Seite auswählen

Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vòng ròng từ thời Vua Minh Mạng, đến nay đã có tuổi gần 200 năm (Hình ảnh VOA tiếng Việt, 11.2022)

 

Trương Nhân Tuấn

 

TS Cù Huy Hà Vũ lại có bài đăng trên các trang báo hải ngoại, đại khái cho rằng Nhà đấu giá Millon đã “gian dối về tình trạng sở hữu chiếc ấn”. Bài viết có tựa đề: “Nhà đấu giá Millon gian dối về tình trạng sở hữu ấn “Hoàng đế Chi bảo”.

Trong bài, ông Vũ chứng minh rằng “chủ sở hữu báu vật biểu tượng vương quyền của Nhà Nguyễn là Nhà nước Việt Nam, chứ không phải những người thừa kế Monique Baudot”.

Ông Vũ trưng bằng chứng gồm sử liệu cùng các hình ảnh buổi lễ chuyển giao ấn và kiếm từ Bảo Đại sang đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.

Ông Vũ viết như sau: “Ngày 25/8/1945, Hoàng đế Bảo Đại công bố Chiếu thoái vị, bày tỏ ‘quyết tâm thoái vị, nhường quyền lãnh đạo đất nước cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Cù Huy Hà Vũ)’.

Tiếp đó, chiều ngày 29/8/1945 tại Điện Cần Chánh nơi quân chủ Nhà Nguyễn thiết triều, hai đại diện của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu và Bộ trưởng không Bộ Cù Huy Cận (thân phụ tôi) đã thay mặt dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh yêu cầu Hoàng đế Bảo Đại thoái vị, giao ấn và kiếm tượng trưng cho vương quyền cho chính quyền cách mạng. Chiều hôm sau, 30/8, tại lễ thoái vị tổ chức ở lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn, hoàng thành Huế, Hoàng đế Bảo Đại đã trao ấn “Hoàng Đé Chi Bảo” cùng kiếm “Khải Định Niên Chế” ( ) cho hai vị đại diện nền Cộng hòa đầu tiên của Việt Nam.

Lễ thoái vị đã được chính Cựu Hoàng Bảo Đại thuật lại một cách khá chi tiết trong hồi ký ‘Con rồng An Nam’ do Plon xuất bản năm 1980“.

Dựa vào các sự kiện ông Vũ kết luận: “Như vậy, kể từ ngày 30/8/1945, Nhà nước (quốc gia) Việt Nam, được đại diện bởi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các chính phủ kế nhiệm, trong đó có Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là chủ sở hữu hai báu vật biểu tượng triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam”.

Ông Vũ nhấn mạnh về “quyền sở hữu” và “người chủ sở hữu” mà không nói về biểu tượng “quyền lực” hay “chủ quyền” của đế quốc thể hiện qua cái ấn.

Từ khi có “luật”, nếu tính sơ lược từ đầu Thế kỷ 20, “quyền sở hữu” của một pháp nhân luôn được khẳng định bằng luật lệ. Ông Vũ khẳng định quyền sở hữu của VNDCCH (và sau này là CHXHCNVN) bằng “sử quan”.

Giả sử rằng phương pháp xác lập quyền sở hữu bằng “sử quan” của ông Vũ có giá trị pháp lý, tức là VNDCCH có “quyền sở hữu” trên cái ấn, theo tôi, quyền sở hữu này đã bị mất đi, vì nhiều lý do.

 

1/ Thời kỳ chưa có luật thì “tập quán” cũng là luật (tập quán chưa được pháp điển hóa)

Tập quán “đoạt ấn xưng vương” ở các quốc gia ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, như VN, mà tôi đã viết sơ lược trong bài hôm qua (*). Cái ấn quan trọng hơn hết là “quốc ấn”, tức là cái ấn thể hiện quyền lực đế quốc.

Bên Trung Hoa có cái ấn tên gọi “Truyền quốc ngọc tỷ”, là cái ấn lưu truyền từ thời nhà Tần qua các triều đại Hán, Đường, Tống… (chỉ nhắc các triều đại tiêu biểu) cho đến triều cuối cùng là nhà Thanh, trải dài trên 2000 năm. Ngoại trừ hậu duệ nhà Tần trao ấn cho nhà Hán một cách hòa bình, tất cả những lần thay đổi triều đại khác đều xảy ra trong tình trạng chiến tranh. Phe nào mạnh, đoạt được ấn rồi xưng đế. Nếu sử dụng ngôn từ của ông Vũ thì cái ấn tên gọi “Truyền quốc ngọc tỉ” thuộc quyền “sở hữu” của ông vua mới. Vấn đề là ông này “làm chủ” cái ấn, khi và chỉ khi, ông vua này còn khả năng bảo vệ và giữ lấy nó.

Nếu áp dụng tập quán này vào giai đoạn 1945-1954 ở Việt Nam, tháng Tám 1945 Bảo Đại thoái vị, giao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Ấn này từ lúc đó thuộc “quyền sở hữu” của Việt Minh, nói theo kiểu ông Vũ.

Thực ra ấn và kiếm là biểu tượng quyền lực của ông vua Bảo Đại. Bảo Đại có thể chỉ ra ra tuyên bố thoái vị, nhường “ngôi” cho Việt Minh mà không cần trao ấn kiếm.

Đến khi Pháp vào lại VN (1946) thì Việt Minh “tiêu thổ kháng chiến”. Phe này chôn giấu ấn kiếm rồi rút vào rừng núi. Pháp trở lại VN thiết lập lại chính quyền bảo hộ. Hai bên Việt Minh và Pháp ở trong “tình trạng chiến tranh”.

Năm 1952, Pháp tìm ra ấn và kiếm. Nếu nói theo tập quán thì Pháp đã có quyền hành, nay “đoạt” được ấn.

Hiển nhiên “quyền sở hữu” cái ấn của VNDCCH bị mất đi và quyền này chuyển sang cho chính phủ bảo hộ Pháp.

Nếu nói theo “luật” của nhà nước bảo hộ thì ấn và kiếm là “bảo vật chôn giấu được khám phá”. Nếu chủ bảo vật không khiếu nại thì bảo vật ½ thuộc về người khám phá, ½ thuộc sở hữu nhà nước.

Phe Việt Minh “im lặng” một thời gian dài thì đã mất tố quyền, tức không còn quyền để khiếu nại nữa. Trường hợp này, VNDCCH mất “quyền sở hữu” do “mặc nhiên từ bỏ”.

Theo tôi, Pháp áp dụng “luật về chiến tranh”, theo Công ước La Haye 1907, để trả ấn lại cho Bảo Đại. Chuyện này sẽ nói bên dưới.

Lập luận kiểu ông Vũ, Bảo Đại đã giao ấn cho Việt Minh rồi thì cái ấn thuộc sở hữu vĩnh viễn của Việt Minh. Thì cái ấn tên gọi “Truyền quốc ngọc tỷ” của TH phải thuộc sở hữu vĩnh viễn của hậu duệ nhà Hán. Lập luận này không phù hợp với tập quán “đoạt ấn xưng đế” của văn hóa văn minh đông phương.

 

2/ Số phận cái ấn chiếu theo luật chiến tranh (Công ước La Haye 18-10-1907)

Điều 53 luật này cho phép bên chiến thắng tịch thu tất cả văn kiện, sổ sách, tiền bạc, bảo vật quí giá… của quốc gia chiến bại.

Nếu chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh (1945-1954) là chiến tranh giữa “hai quốc gia” thì cái ấn là “chiến lợi phẩm” mà Pháp đã thắng được trong cuộc chiến.

Trường hợp này, “quyền sở hữu” cái ấn của VNDCCH đã bị Pháp “chiếm đoạt” bằng vũ lực, tương tự nhà cửa ruộng đất, của cải… của “ngụy dân” VNCH sau 1975.

 

3/ Số phận cái ấn theo Qui chế LHQ về Chiến tranh (1948)

Khi cuộc chiến 1945-1954 giữa Pháp và VM là “chiến tranh giải thực”, thì cuộc chiến này được xếp vào mục “nội chiến”.

Luật về chiến tranh của LHQ có dẫn vụ án xử năm 1985 ở Do Thái. Theo đó tất cả những đồ vật quí giá có mục tiêu phục vụ cho chiến cuộc, nếu một bên thu được trên trận địa, các đồ vật đó trở thành “chiến lợi phẩm – butin de guere”.

Cái ấn và cây kiếm, biểu tượng quyền lực quốc gia, là vật có giá trị thiêng liêng của một bên tham chiến. Hai bảo vật này đã được phe Việt Minh sử dụng nhằm mục tiêu chính trị, như hô hào dân chúng đốt phá nhà cửa, phá hoại đường xá (tiêu thổ kháng chiến) để chống Pháp. Hiển nhiên ấn và kiếm đã được sử dụng ở các mục tiêu phục vụ cho chiến cuộc.

Cái ấn, vì vậy, khi lọt vào tay Pháp, trong lúc chiến tranh. Ấn này trở thành “chiến lợi phẩm”.

Trường hợp này “quyền sở hữu” cái ấn của VNDCCH bị Pháp “tịch thâu”, vì thời điểm đó họ thua trận.

 

4/ Xét số phận cái ấn dưới ánh sáng công pháp quốc tế

Buổi lễ “thoái vị” của Bảo Đại giao chủ quyền đế quốc Đại Nam cho Việt Minh ngày 30 tháng Tám 1945 là không có giá trị về mặt pháp lý. Bởi vì chủ quyền đế quốc Đại Nam lúc đó do phe Đồng minh nắm giữ. Bảo Đại không thể giao cho Việt Minh cái mà Bảo Đại không có.

Chuyện này nhiều lần tôi đã nói. Khi Nhật đầu hàng (18-8-1945) Đồng minh rồi, đã nhìn nhận các yêu sách của phe chiến thắng rồi, thì “chủ quyền” của VN sẽ do phe Đồng minh quyết định. Bảo Đại không có thẩm quyền chi đến đất nước VN hết cả.

Theo quyết định của Đồng minh, Trung Hoa vào VN (bắc vĩ tuyến 16) để giải giới quân Nhật. Phía nam là quân Anh (và Pháp). Đến năm 1946 cả Anh và Trung Hoa cùng đồng thuận giao chủ quyền VN lại cho Pháp.

Chỉ đến khi thắng Pháp trận Điện Biên Phủ, ép Pháp ký Hiệp định Genève 1954, VNDCCH mới được chính thức thành hình và được nhìn nhận.

Lãnh thổ và quyền lực của VNDCCH có là do “chinh phục” chớ không do kế thừa.

Cho đến khi đất nước chia đôi, VNDCCH chưa bao giờ chinh phục được cái ấn và kiếm.

 

5/ Hai bảo vật ấn và kiếm được Pháp giao lại cho Bảo Đại (1952)

Vấn đề là Bảo Đại đã “thoái vị”, dầu trên danh nghĩa, do đó Bảo Đại không bao giờ sử dụng ấn này như một biểu hiện của “quyền lực quốc gia” nữa.

Chế độ quân chủ chấm dứt và nền cộng hòa được thiết lập. Cái ấn trở thành một thứ “cổ vật” mà chủ nhân của nó là Bảo Đại (và những người kế thừa chính thức được pháp luật nhìn nhận).

 

Trương Nhân Tuấn

 

_______

(*) Đôi điều góp ý với LS Cù Huy Hà Vũ về cái ấn “Hoàng đế chi bảo” của vua Bảo Đại

Cách đây vài hôm tôi có vài ý kiến viết trên facebook cá nhân về bài viết trên BBC của luật sư Cù Huy Hà Vũ. Bài có tựa đề “Việt Nam nên chính thức đòi Pháp hoàn trả ấn và kiếm Triều Nguyễn”.

Ý kiến của tôi là: 1/ Pháp không có “quyền” truất hữu quyền sở hữu của tư nhân (đại diện là Nhà đấu giá Millon) để “trả” cái ấn lại cho VN. 2/ VN không có tư cách, cũng không có thẩm quyền gì để “đòi hỏi” Pháp về cái ấn này hết cả. Bởi vì VN không có đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu (của VN đối với cái ấn).

Theo ý kiến của cá nhân tôi, Chính phủ Pháp có thể trích một khoản tiền viện trợ hàng năm cho VN (nếu có viện trợ) để mua cái ấn rồi tặng cho nhân dân VN.

Theo tôi, VN nên nghe theo ý kiến của các học giả VN thương lượng với nhà đấu giá Millon để mua lại cái ấn.

Trên VOA sáng nay lại thấy có bài phỏng vấn luật sư Cù Huy Hà Vũ về cái ấn “Hoàng đế chi bảo. Ông Vũ cho rằng: “Chính phủ Việt Nam nên tiến hành khởi kiện bất cứ ai chiếm hữu chiếc ấn vàng của Vua Minh Mạng ngay lập tức vì quyền sở hữu chiếc ấn được xác lập thuộc về nhà nước Việt Nam và việc thương lượng để mua lại ‘là hành động dại dột’.

Ý của LS Vũ cho rằng những người chủ trương thương lượng và mua lại cái ấn (mà tôi là một) là “dại dột”.

Theo tôi ông Vũ cần xem lại nhiều thứ. Một là chuyện về cách “bán đấu giá cổ vật” của Tây phương. Hai là chuyện về ý nghĩa của cái ấn trong văn minh Trung Hoa. Ba là luật lệ kim thời về quyền sở hữu.

1/ Nếu có theo dõi chuyện buôn bán đồ cổ Tây phương, ta thấy rằng đã rất nhiều lần những “ngọc tỷ” của các hoàng đế Trung Hoa, khá tương đồng với cái ấn của Bảo Đại, đã được đưa lên sàn bán đấu giá. Thí dụ gần đây nhứt, ngày 6 tháng 6 năm 2022, chiếc “ngọc tỷ” của vua Càn long được chốt với giá 2.213.000 euros. Thí dụ khác, tháng 10 năm 2007, chiếc ấn của vua Khang hi được bán với giá 4,7 triệu euros. Một chiếc ấn khác của nhà Thanh được bán tại Toulouse (Pháp) với giá là 980.000 euros

Tại sao nhà nước CSTH đã không “đòi Pháp trả” những chiếc ấn này lại cho TH?

Ta cũng thấy bảo tàng viện các quốc gia Anh, Pháp… có rất nhiều bảo vật chiếm được ở nước ngoài.

Lập luận kiểu ông Vũ thì bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci (cùng vô số bảo vật khác) trưng bày ở bảo tàng Louvre bên Pháp phải trả lại cho Ý. Ngay cả những viên ngọc trên vương miện của cố nữ hoàng Anh cũng phải trả lại cho chủ cũ là các thuộc địa v.v…

Thưa với ông Vũ, rằng cái gì cũng có “luật” của cái đó.

Ngày xưa việc chiếm hữu (tái sản, quốc gia, lãnh thổ v.v…) bằng vũ lực, bằng chinh phục, (VN mình gọi là “mang gươm mở cõi”). Luật chiến tranh thời xưa “mạnh được yếu thua”. Chiến tranh là phương cách chuyển đổi sở hữu từ đế quốc này sang đế quốc khác. Không cách gì trả lại được.

Sau 1945 luật lệ về chiến tranh được thiết lập. Không còn các vụ chinh phục hay mở rộng thuộc địa thuộc địa bằng vũ lực nữa.

Ngoại lệ, các báu vật của tư nhân bị quân xâm lược cướp trong chiến tranh. Thí dụ nạn nhân người Do Thái bị Đức quốc xã giết và chiếm đoạt tài sản. Các tài sản này phải trả lại cho chũ cũ. Thí dụ khác, dân chúng thuộc VNCH cũ bị nhà nước CSVN chiếm đoạt nhà cửa, tài sản, lý ra cũng phải được nhà nước trả lại hay đền bồi.

2/ Về ý nghĩa của cái ấn. Văn minh VN vốn ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Cái ấn vừa là biểu tượng cho quyền lực, vừa thể hiện tính chính danh cho người sở hữu cái ấn.

Về “biểu tượng cho quyền lực”. Cái ấn đầu tiên có thể nói là cái ấn tên gọi “truyền quốc tỷ” từ thời Tần Thủy Hoàng. Ấn “truyền quốc tỷ – 傳國璽”, có nghĩa là cái ấn này đại diện cho sơn hà xã tắc (thiên hạ) của Trung Hoa.

“Ngọc tỷ truyền quốc” được hậu duệ nhà Tần truyền lại cho Lưu Bang. Lưu Bang lập nên nhà Hán. Ấn này lưu truyền (vài) ngàn năm, từ triều đại này qua triều đại khác, đến thời nhà Thanh. Hoàng đế Phổ nghi là vị vua cuối cùng giữ ấn.

Ngoại lệ, Lưu bang nhận được ấn “truyền quốc” từ tay vua Tần một cách hòa bình. Tất cả các đời hoàng đế khác, từ chiến quốc hay tam quốc, đều phải đổ máu chinh phục mới có được ấn. Suốt lịch sử TH nhiều ngàn năm, ngoại trừ đời nhà Minh là không có quốc tỷ (vì bị thất lạc) ta chỉ thấy có một cái ấn duy nhứt tượng trưng cho cho sơn hà xã tắc TH, đó là cái ấn tên gọi là “truyền quốc tỷ”, do vua Tần sai người tạc ra từ một khối ngọc quí.

Việt Nam có ấn truyền quốc tên gọi “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”, làm dưới thời vua Thiệu Trị. (Ấn và tỷ có nghĩa tương đồng với nhau. Ấn có thể làm bằng vàng, bằng đồng. Tỷ là ấn làm bằng ngọc).

Về tính chính danh, ta có thể đọc nhiều thí dụ trong lịch sử Trung Hoa để có khái niệm về việc này.

Cụ thể là vụ Lưu Bang bị Hạng Vũ đánh tơi bời hoa lá. Họ Lưu đem tàn quân chạy qua bên Hàn Tín lánh thân. Vấn đề là Lưu Bang thừa cơ chôm “tướng ấn” của Hàn Tín. Họ Lưu dùng ấn này ra lịnh thay thế tất cả tướng lãnh của Hàn Tín bằng tướng lãnh của phe mình. Rốt cục, Lưu Bang cướp được toàn bộ quân đội của Hàn Tín một cách êm thắm. Cái ấn vì vậy đem lại cái “chính danh” cho người cầm ấn.

Ông Vũ cho rằng: ‘Kể từ khi Bảo Đại giao ấn và kiếm thì chúng vĩnh viễn đã thuộc quyền sở hữu của nền Cộng hòa, mà đại diện là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa’.

Nhận định này hoàn toàn sai. VN hay ở bất cứ quốc gia nào vào thời kỳ loạn lạc (trước 1945), thế lực nào mạnh thì thế lực đó “đoạt ấn” rồi thống lĩnh đất nước. Nhưng giữ được ấn lâu dài hay không là chuyện khác.

Cuối tháng Tám năm 1945, Bảo Đại bị áp lực phải giao ấn kiếm cho Việt Minh. Vụ này giống như hậu duệ nhà Tần là Tử Anh, phải dâng “Truyền quốc tỷ” cho Lưu Bang để được toàn mạng.

Giả sử rằng, ấn của Bảo Đại giao cho Việt Minh có giá trị tương tự “truyền quốc tỉ” như bên Trung Hoa. Thì ấn này cũng không hề thuộc sở hữu của VNDCCH như ông Vũ khẳng định.

Lịch sử VN khoảng các năm 1945 đến 1954 là một giai đoạn “tranh giành quyền lực” đẫm máu giữa nhiều thế lực, kiểu thời Chiến Quốc hay Tam Quốc bên Tàu. Tranh đoạt quyền lực là tranh đoạt ấn. Hôm nay ấn có thể lọt vô tay phe này, mai ấn có thể mất vào tay phe khác.

Đọc truyện Tam Quốc ta thấy Tào Tháo có lần đoạt được ấn. Ông này chỉ dám xưng “vương” chớ không dám xưng “đế”, vì sợ phê bình “tiếm danh”, bị hai bên Đông Ngô và Tây Thục đánh hội đồng.

Thực tế ở VN đã xảy ra đúng như vậy. Sau khi Pháp vào lại VN (1946) lực lượng Việt Minh phải “tiêu thổ kháng chiến”, ấn và kiếm đem chôn dấu. Nhưng (chắc có điềm chỉ) chiếc ấn này bị Pháp khám phá ra.

Theo qui luật chiến tranh thời đó, ấn thuộc về phe chiến thắng. Pháp chiếm được ấn, vì vậy ấn thuộc sở hữu của Pháp. Pháp quyết định trả ấn lại cho Bảo Đại.

Hành vi trả ấn hoàn toàn phù hợp tập quán của VN cũng như công pháp quốc tế.

Nếu trên cái ấn có ghi tên “VNDCCH quốc ấn”… thì có lẽ ấn này bị Pháp tịch thu làm “chiến lợi phẩm” và trưng bày ở một viện bảo tàng nào đó bên Pháp. Bởi vì Pháp và Việt Minh (sau đó là VNDCCH) là địch thủ của Pháp. Còn nếu ấn có ghi  “Việt Nam quốc ấn” hay “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” thì ấn này Pháp phải trả lại cho nước VN.

Về pháp luật kim thời: Ông Vũ vịn vào luật Dân sự của Pháp: “Luật Dân sự của Pháp ở điều 2276 có quy định rất rõ ràng rằng bất cứ ai bị mất hoặc bị trộm thứ gì đó thì đều có thể đòi lại được”.

Sau đó ông Vũ “phán” rằng, “cả Bảo Đại, người thừa kế của ông là bà Monique Baudot, người vợ sau cùng của ông, và người thừa kế của bà Baudot đều ‘chiếm hữu phi pháp chiếc ấn’ mà ông gọi theo thuật ngữ là ‘chiếm hữu không ngay tình’ (possession de mauvaise foi)”.

Xin thưa với ông Vũ, rằng Dân luật Pháp (cũng như bộ Dân luật VN) đều có giới hạn thẩm quyền. Thứ nhứt về không gian và thứ hai về thời gian. Về không gian, luật dân sự chỉ áp dụng trong lãnh thổ quốc gia mà thôi. Luật của Pháp không vượt ra khỏi không gian nước Pháp. Và thứ hai, thời hiệu của điều 2276 là ba năm.

Luật này không thể áp dụng cho cái ấn Bảo Đại.

Cái ấn “hoàng đế chi bảo”, như cái tên của cái ấn, là thuộc về cá nhân ông vua. Như trên có viết, các “ngọc tỉ” của (cá nhân) các vua TH như vua Càn Long, vua Khang Hi… bán đấu giá hà rầm trên sàn nước ngoài. Nhà nước TH không hề lên tiếng mà chỉ mua lại.

Cái ấn của Bảo đại có ghi “hoàng đế chi bảo”, tức là “vật quí của vua”. Tức là cái ấn là của cải riêng Bảo Đại. Dĩ nhiên vợ ông, bà Monique Baudot có quyền kế thừa tài sản này.

Ông Vũ cũng phán rằng: “Chiếm hữu không ngay tình là khi anh mua lại hay được cho một tài sản bất minh như đồ ăn trộm hay thất lạc mà anh biết rõ nhưng vẫn giữ… Khi đó, người chiếm hữu không ngay tình ‘buộc phải hoàn trả tài sản vô điều kiện”.

Ý kiến này của ông Vũ cho thấy, ông Vũ (vừa kém về luật) vừa không thông hiểu lịch sử.

Chẳng có gì bất minh, nếu ta đọc lịch sử Tây Sơn “phá” Hà Nội ra sao. Ta cũng không ngạc nhiên khi đế quốc Chiêm Thành bị Đại Việt tiêu diệt (và cướp bóc) ra sao.

Trong khi cái ấn và cây kiếm mà Bảo Đại giao cho Việt Minh, thời điểm trước khi VNDCCH ra đời. Việt Minh đã không có một “tư cách pháp nhân” nào để yêu sách quyền sở hữu cây kiếm và cái ấn vàng. VNDCCH lại càng không, vì chính phủ này không ai công nhận. Trong khi việc chứng minh VNDCCH “kế thừa” Việt minh khó còn hơn lên trời.

Ngoài ra, nhiều lần tôi đã viết, về phương diện công pháp quốc tế ông Bảo Đại không có thẩm quyền chi cả, trong thời điểm đó. Nhật đầu hàng Đồng minh (14-8-1945), chấp nhận các yêu sách của phe chiến thắng. Các yêu sách của phe chiến thắng gồm có: 1/ không công nhận các chính phủ do Nhật lập nên ở các vùng lãnh thổ chiếm trước 1945. 2/ Trong khi chờ đợi quân Đồng minh vào giải giới, quân Nhật có trách nhiệm giữ an ninh trật tự.

Bảo Đại không thể trao chủ quyền đế quốc Đại Nam cho Việt Minh. Đơn giản vì Bảo Đại không có thẩm quyền chi cả.

Bảo Đại giao cái ấn và cây kiếm chỉ có mục đích là bảo vệ tính mạng của mình và giòng họ.

Theo tôi, ý kiến của LS Vũ trên VOA có quá nhiều sai lầm để viết đủ trong một vài trang giấy.

Trương Nhân Tuấn (10.11.2022)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen