Seite auswählen

Tương Lai

Văn Việt

clip_image002Hình ảnh cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị cưỡng chế ra khỏi phiên Bế mạc Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16.10.2022 vừa rồi đang dấy lên làn sóng công luận trên thế giới. Và người ta cho rằng, đây là một màn kịch được chuẩn bị khá công phu để Tập Cận Bình tuyên bố với thần dân của mình và của thế giới rằng: một thời kỳ mới đã bắt đầu và không ai được cưỡng lại. Đó là thời kỳ “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” đã được ghi trong hiến pháp của Trung Quốc.

Họ, Hồ Cẩm Đào ngồi bên trái, là người đã cất nhắc Tập Cận Bình lên thay ông làm Tổng Bí thư, và Lý Khắc Cường ngồi bên phải Tập. Ông cựu Tổng Bí thư – Chủ tịch Nước và rồi ông đương kim Thủ tướng, người có quyền lực thứ hai, từng được xem là ứng viên cho vị trí lãnh đạo Trung Quốc, trước đó đã tuyên bố một câu đầy thách thức: “Chương trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến triển. Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng” ngầm biểu thị sự phản kháng đối với Tập sẽ được tiếp tục lập tức bị xóa khỏi trên mạng Internet ở Trung Quốc. Và thế là số phận của ông đương kim Thủ tướng đã được định đoạt.

Không hiểu cái vỗ vai của vị cựu Chủ tịch nước với ông Lý Khắc Cường – người mà mình bảo trợ – trước khi bị dẫn ra khỏi hội trường trước những vẻ mặt cố làm ra vô cảm để giữ mình, sẽ được nhìn nhận thế nào trong con mắt của bàn dân thiên hạ. Chắc người dân Trung Quốc thức thời đều biết câu nói của Khổng Tử – vị “vạn thế sư biểu” – của họ: “Việc đó mà nhẫn tâm làm được thì còn việc gì mà không nhẫn tâm làm” [Thị khả nhân dã, thục bất khả nhân dã]!

Tập Cận Bình làm tất cả những gì để thực hiện tham vọng vô biên của mình, quyền lực của ông vượt trên bất kỳ ai khác trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và trong toàn đất nước. Đó là một phần của sự sùng bái cá nhân mới, không chỉ với Mao mà còn với các vị hoàng đế hiển hách và thành công nhất của Trung Quốc trong những năm qua” mà ông Tập hướng tới cho đến trọn đời.

Riêng tôi, thì tôi cho rằng đó là một quyết định mang tính định mệnh: nếu phải rời chiếc ghế quyền lực vừa giành được với bao mưu sâu kế hiểm thì ông ta sẽ bị thanh toán ngay theo cách ông đã thanh toán các đối thủ của mình. “Tập hiểu rõ nếu ông từ chức thì bản thân và gia đình sẽ có nguy cơ bị những người kế nhiệm ông trừng phạt vì những ân oán vừa qua. Vì vậy, Tập phải lãnh đạo đất nước suốt đời” đúng như clip_image004nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy viết trên Viet-Studies ngày 16.10.2022, ngày khai mạc đại hội 10 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: “Lãnh đạo Trung Quốc ngày nay giống một hoàng đế Trung Hoa hơn là một nhà cách mạng Mac-xít. Tập Cận Bình có tham vọng phục hồi Trung Quốc như một cường quốc thống trị Châu Á, như hạt nhân của hệ thống Sinocentric kiểu mới mà về bản chất cũng tương tự như vị trí hoàng đế Trung Hoa. Sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay khớp với mô hình Trung Hoa trong lịch sử… Tập lập luận rằng lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc cùng với sự phát triển thần kỳ gần đây là bằng chứng rằng Trung Quốc lãnh đạo thế giới. Trên thực tế, Tập Cận Bình đã điều hành như một hoàng đế. Dưới thời Tập, chính phủ mang sắc thái của một triều đình phong kiến và Tập điều hành đối ngoại cũng hơi giống một hoàng đế.[1]

Để hiểu được logic đằng sau cách giải thích này đòi hỏi một chút hiểu biết về lịch sử, cụ thể là việc Hồ Cẩm Đào đã lên nắm quyền và thực thi quyền lực như thế nào. Xin dẫn ra đây phân tích của Howard W. French trên tờ Foreign Policy ngày 24.10.2022: “Hồ Cẩm Đào chính thức trở thành lãnh đạo vào năm 2002, điều này đã được quyết định từ trước khi Đặng Tiểu Bình qua đời vào năm 1997, mở ra một kỷ nguyên mới về sự chuyển giao quyền lực thường xuyên, hòa bình, và được thể chế hóa ở một quốc gia chưa từng biết đến việc này. Quá trình sẽ diễn ra theo một lịch trình kéo dài 10 năm, được chia thành hai nhiệm kỳ, nghĩa là về mặt lý thuyết, đảng có thể loại bỏ một nhà lãnh đạo tồi hoặc không được lòng dân ngay sau nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên”.[2]

Cơ chế đằng sau hệ thống mới của Đặng cũng tước bỏ một quyền của nhà lãnh đạo tối cao lựa chọn người kế nhiệm của chính mình, cho phép đảng đóng vai trò nhiều hơn trong việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo tương lai. Trong trường hợp của Hồ Cẩm Đào, quyền chỉ định người kế vị đã bị lấy khỏi tay người kế nhiệm Đặng là Giang Trạch Dân. Chính Đặng, người có quyền lực vô song hồi thập niên 1990, đã chọn Hồ làm người kế nhiệm Giang. Hồ đã làm điều này bằng cách cân bằng sự đại diện của các bên liên quan trong các cơ quan ra quyết định quan trọng nhất của đất nước, bao gồm đảng, chính phủ, chính quyền cấp tỉnh, và quân đội.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, ông đã mở rộng cơ quan quyền lực nhất ở Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, từ bảy lên chín thành viên, và công khai lựa chọn cách cầm quyền bình đẳng với các ủy viên khác, thay vì là một nhà lãnh đạo áp đặt mọi thứ. Đáng chú ý, Hồ giải thích đây là “nỗ lực ngăn chặn nhà lãnh đạo cao nhất ra quyết định tùy tiện”, vốn là một trong những nỗi sợ hãi chính của Đặng sau thời kỳ cầm quyền kéo dài và đầy biến động của Mao Trạch Đông. Thêm vào đó, sự bùng nổ của Internet đã tạo ra một không gian mới cho tự do ngôn luận. Thủ tướng của thời Hồ Cẩm Đào là Ôn Gia Bảo cũng đã tìm cách đem lại phần nào khuôn mặt ‘nhân tính’ cho chính phủ…”.

Những điều đó cho ta hiểu thêm vì sao có màn kịch trên của Tập, người đã tìm mọi cách có thể để đi theo hướng ngược lại, tập trung gần như tất cả quyền lực vào tay mình, bao quanh mình bằng những kẻ chỉ biết vâng lời và những tay chân thân tín trung thành, theo đó làm trầm trọng thêm nguy cơ trên.

Trong một đoạn phim vài giây được quay một cách vụng về khi đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào cuối tuần qua, thực tế đã xé toạc vẻ ngoài đẹp đẽ và tiết lộ những kịch tính xứng đáng ở tầm William Shakespeare. Vụ việc xảy ra ngay thời điểm vốn đã được định sẵn để trở thành khoảnh khắc vinh quang tột đỉnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi ông sửa điều lệ đảng để cho phép bản thân, về mặt nguyên tắc, có thể nắm quyền đến chừng nào ông muốn – mà đối với một người đàn ông 69 tuổi nghĩa là nắm quyền cho đến hết phần đời còn lại. Không bị tiếng nói nào phản đối, Tập đã thanh trừng nhiều nhân vật thuộc nhóm thiểu số trong đảng dám ủng hộ các chính sách và phong cách quản trị khác với những gì ông đặt ra như Howard W. French phân tích.

Còn Neil Thomas, nhà nghiên cấp cao về Trung Quốc của Eurasia Group, cho biết: “Tập Cận Bình hóa ra là một chính trị gia tài giỏi và tàn nhẫn, người kiên nhẫn vượt qua cả hệ thống trước khi nắm bắt thời điểm nắm quyền”. “Các lão thành của đảng cộng sản ủng hộ sự trỗi dậy của ông Tập có thể đã bị bất ngờ trước tốc độ và quy mô nắm quyền của ông ta.” Chiến dịch chống tham nhũng được sử dụng để loại bỏ các đối thủ chính trị của ông và các phe phái khác trong đảng”.[3]

Có bình luận nêu lên: “Về danh nghĩa ông Hồ Cẩm Đào phải rời khỏi Hội nghị bế mạc Đại hội 20 vì bị ốm, nhưng trên thực tế ông Tập Cận Bình cố tình chiếu một đoạn video như vậy trước mặt thiên hạ. Tập Cận Bình muốn thông qua phương thức này để nói với thế giới rằng ‘tôi không cho phép Giang Trạch Dân tham dự cuộc họp này’, và ‘tôi cũng có thể buộc Hồ Cẩm Đào ra khỏi cuộc họp này’. Nói cách khác, thời đại ông Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư và thời đại ông Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư đã qua, bây giờ là thời đại ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư toàn quyền. Ông ấy đã sử dụng phương thức này để răn đe toàn đảng và tuyên bố quyền uy của mình cho thế giới.[4]

Trên thực tế, cách tiếp cận của Tập là sự quay trở lại với hình mẫu của một lãnh đạo trọn đời khác, cựu lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Tập đã xây dựng sự sùng bái cá nhân, và tạo ra Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới chỉ gồm những ‘gã tí hon’ về chính trị – những người đàn ông thiếu tầm vóc chính trị, chưa từng có kinh nghiệm tại chính quyền trung ương, có mạng lưới quan hệ hạn chế – và do đó không đặt ra thách thức nào đối với Tập. Cho dù các hệ thống Lê-nin-nít vốn dĩ luôn bất ổn, phần lớn là bởi đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo tối cao đều cai trị vượt trên luật pháp.[5]

clip_image006Phải chăng cần nhắc lại đôi nét những cuộc thanh trừng ghê rợn của thời Stalin và những người kế cận trong bộ máy cực quyền toàn trị của Liên Xô sau đó để có thể hiểu “sự quay trở lại với hình mẫu của một lãnh đạo trọn đời” của Tập Cận Bình hôm nay và cái kết cục tất yếu được báo trước rồi sẽ diễn ra thế nào!”.

Sau khi Stalin qua đời, một cuộc tranh giành quyền lực đã nổ ra, và những người thân cận nhất của ông đã bị thanh toán.

Nạn nhân đầu tiên là cánh tay đắc lực của Stalin, Bộ trưởng Nội vụ Lavrenty Beria, người bị các đồng nghiệp sợ hãi và coi thường. Ông có quyền kiểm soát lực lượng an ninh quốc gia với khả năng giám sát và bảo an, cũng như nổi tiếng về sự tàn bạo tột cùng. Ông nắm trong tay nhiều thông tin chống lại các nhà lãnh đạo cấp cao khác. Điều mà ông không có là quyền lực trong đảng và trong nước, nghĩa là kẻ khác vẫn có thể lật đổ ông, nếu họ hành động nhanh chóng.

Vụ lật đổ Beria diễn ra trong hỗn loạn và bí mật đến mức đến tận hôm nay, khi hầu hết các tài liệu có liên quan đã được giải mật, người ta vẫn không thể nói chính xác chuyện gì đã xảy ra. Nhưng theo phần lớn các nhân chứng, Khrushchev và Thủ tướng Georgy Malenkov đã đóng vai trò quan trọng: Beria đã bị kết tội và bị xử tử.

Sau đó, Khrushchev chuyển sang tập trung cô lập Malenkov. Ông ta đã lôi kéo được Zhukov, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, và Giám đốc KGB Ivan Serov về phe mình,và rồi sau đó thẳng tay loại luôn Zhukov. Khrushchev sống sót ở đỉnh kim tự tháp thêm bảy năm nữa trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính cung đình vào tháng 10/1964. Kẻ chủ mưu chính là người bảo trợ ông ta, Leonid Brezhnev. Brezhnev đã cộng tác chặt chẽ với Shelepin, và là cựu lãnh đạo KGB, và người đứng đầu KGB lúc bấy giờ là Vladimir Semichastny. Thế rồi cuộc họp toàn thể của đảng được tổ chức trong vội vã để xác nhận rằng Khrushchev sẽ nghỉ hưu “vì lý do sức khỏe.” Và tiếp đó, Brezhnev, thanh toán các đối thủ – trước hết và quan trọng nhất, là Shelepin, người mà ông ta dựa vào để đẩy Khrushchev vào bóng tối.

Một đặc điểm nổi bật của những cuộc tranh giành quyền lực này là không có sự khác biệt về chính sách giữa những kẻ chủ mưu và nạn nhân của họ. Điều này không chỉ diễn ra ở Liên Xô thời Stalin và tiếp sau đó dẫn đến sự kiện “Bức tường Berlin” và sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Mà là ở tất cả những quốc gia chịu sự thống trị của thế chế cực quyền toàn trị. Chắc là “nhà lý luận Vương Hộ Ninh – bộ óc của guồng máy cực quyền của Tập hiện nay – “quân sư ba đời” của ba lãnh đạo chóp bu Trung Quốc là Giang – Hồ – Tập, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Nước Mỹ chống lại nước Mỹ xuất bản vào tháng 4-1989 (trước sự kiện Thiên An Môn vài tháng) nay là Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rất rõ chuyện đó. Không hiểu nhà trí thức có bộ óc uyên bác ấy có dự liệu được số phận của chính mình trong guồng máy khủng khiếp ấy không khi ông ta níu tay Triệu Lạc Tế, ngụ ý can không nên can thiệp vào cái chuyện tàn nhẫn đáng xấu hổ trong cách xử lý với người ngồi sát Tập về phía bên trái và tiếp đó là Triệu và Vương như phán đoán của nhà báo ghi lại được hình ảnh nói trên.

clip_image008Một chiếc ghế nên trái Tập bị bỏ trống! Rồi còn chiếc ghế kề cận với “Tập Hoàng Đế” nào bên trái hay bên phải sẽ bị bỏ trống tiếp? Thì chẳng phải như người đời đã đúc kết: “Nỗ lực kết hợp giữa trí tuệ và quyền lực hiếm khi thành công, mà có thành công cũng chỉ trong chốc lát”. Phải chăng vì thế mà Marcus Tullius Cicero, triết gia và là một trong những nhà hùng biện nổi tiếng nhất thời La Mã cổ đại từng nói: “Các chính trị gia không được sinh ra, mà được thải ra”. (Politicians are not born; they are excreted)!

Vẫn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy: “Chiến dịch đả hổ diệt ruồi để chống tham nhũng và thanh trừng nội bộ đã gây nhiều ân oán. Tuy các phe nhóm chống Tập không đủ mạnh để thay đổi cuộc chơi, nhưng còn dai dẳng. Bên trong, chủ trương zero covid, định hướng kinh tế hướng nội, trấn áp các tập đoàn tư nhân, đang làm cho kinh tế suy thoái. Bên ngoài, chủ trương ngoại giao chiến lang, gây căng thẳng tại Biển Đông và Đài Loan, liên minh không giới hạn với Nga, đang làm cho Trung Quốc càng cô lập với thế giới. Cách điều hành của Tập như chủ tịch của mọi thứ không phản ánh thế mạnh, mà bộc lộ những điểm yếu tiềm ẩn về thể chế”. Điều này không có gì mới. Cách đây hơn ba thế kỷ Montesquieu, nhà “khai sáng” Pháp đã chỉ ra: Sự sa đọa của mỗi chính thể hầu như bao giờ cũng bắt đầu từ sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể ấy”. Vì thế mà Moisés Naím, tác giả của cuốn sách Sự kết thúc của quyền lực đang được công chúng hào hứng đón nhận đã phân tích rất rành rẽ: “Quyền lực tuyệt đối đã đẩy tới sự thối ra tuyệt đối” như thế nào (trong tiếng Anh từ corrupt có người dịch là tham nhũng, nhưng cũng có thể dịch là thối ra). Hiểu quyền lực đang mất đi các giá trị của nó thế nào, là chìa khóa để hiểu xu thế quan trọng nhất đang làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 21.

Trong cuốn sách này, tác giả vạch rõ “quyền lực đang thối nát” và đang trải qua một sự đột biến rất cơ bản nhưng “chưa được hiểu và nhận thức đầy đủ”. Bởi lẽ, đây là một sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử. Phải chăng cần đặt những hiện tượng đang dồn dập diễn ra kia trong trong bối cảnh của sự “dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử” ấy mới có thể nhận ra chiều sâu của phần chìm tảng băng đang nổi trên mặt nước kia. Thật ra thì trong lịch sử đã từng có những dự cảm về điều này mà Alexis de Tocqueville, một học giả người Pháp, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Về nền dân trị ở Mỹ viết năm 1835, bên cạnh bản Tuyên ngôn Độc lập  Hiến pháp Hoa Kỳ, được tôn thờ gần như là một thứ “tôn giáo chính trị”. Trong bối cảnh rối ren và hoang mang của châu Âu đương thời, Tocqueville đưa ra luận điểm “Les jeux sont faits (Ván bài đã ngã ngũ), thắng lợi của nền dân trị là không có gì có thể ngăn cản, sớm muộn sẽ là chung quyết và bất khả vãn hồi. Vấn đề còn lại là phải tìm hiểu, phân tích, suy tưởng và dự báo về mọi khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của nó”.

Trong chuyến du khảo nước Mỹ, ông đã phát hiện được “các điều kiện nền tảng về luật pháp và tập tục có giá trị cho bất kỳ hình thức nào của nền dân trị. Ông cũng nhìn ra được “hình ảclip_image010nh của bản thân nền dân trị, của nỗ lực, bản chất, những định kiến và những đam mê của nó”. Hình ảnh ấy gợi lên nhiều vấn đề phải suy nghĩ và tiếp tục nghiên cứu. Nhà triết học và xã hội học người Pháp ấy sớm nhận ra những nguy cơ tiềm tàng của mô hình xã hội mới.

Và liệu có phải sáu tháng du khảo của Vương Hộ Ninh tại Mỹ để có cuốn Nước Mỹ chống lại nước Mỹ, trở thành “quân sư ba đời” của ba lãnh đạo chóp bu Trung Quốc có chịu tác động bởi chuyến khảo sát của nhà triết học và xã hội học Pháp để có Về nền dân trị ở Mỹ không nhỉ ?

clip_image011Thế nhưng, trước khi nói về sự dịch chuyển  đột biến, có lẽ cần ghi nhận một điều xuyên suốt tiến trình lịch sử đất nước: cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực chính trị luôn gay gắt và quyết liệt, một mất một còn. Liệu có phải vì thế mà “Chỉ máu là xoay vần bánh xe lịch sử “, điều mà Martin Luther – nhà thần học người Đức thế kỷ XV, tu sĩ Dòng Augustinô – đã khẳng định. Và sự khẳng định đó được xem như là một chân lý trần trụi. Bởi lẽ, theo nhà cải cách tôn giáo nổi tiếng ấy thì “Chỗ nào Thiên Chúa xây nhà thờ, chỗ đó Ma quỷ cất nhà nguyện”. Với niềm vui tìm ra chân lý, Martin Luther khởi sự giảng dạy niềm xác tín rằng cứu rỗi là sự ban cho bởi ân điển của Thiên Chúa, được nhận lãnh bởi đức tin và lòng tin cậy vào lời hứa của Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, dựa trên sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, điều đó cũng không làm nhoè đi đi sự trần trụi của chân lý vừa tàn nhẫn vừa rất “trần gian”. Sự thật đó có lẽ không chỉ nói lên bước trớ trêu của lịch sử, mà còn là sự tàn nhẫn đến nghiệt ngã loài người đã phải trải qua. Sự nghiệt ngã ấy xuyên suốt dòng chảy của lịch sử, không ngoại trừ bất cứ một triều đại, một chế độ thống trị nào.

Xin chỉ dẫn ra một ví dụ của lịch sử nước ta: Suốt chiều dài của nhà nước thế tập, để giành giật chiếc ngai vàng thì chính những anh em ruột thịt lại triền miên trong việc tìm ra mọi thủ đoạn để loại trừ lẫn nhau, trong đó không thiếu những thủ đoạn tàn khốc, hiểm độc nhất. Đó là một thực tế phũ phàng, nhưng dường như là điều không thể tránh khỏi trong hầu như tất cả các triều đại từng trị vì trong lịch sử.

Hãy đưa ra một ví dụ: Ngay một tên tuổi sáng giá được xem là đấng minh quân như vua Lê Thánh Tông với những công lao khá nổi trội mà lịch sử đã ghi nhận, thì vẫn không thể không kể đến những thủ đoạn quen thuộc của đấng minh quân này để tranh giành ngai vàng. Chẳng hạn như việc ông đã bức tử Lê Khắc Xương, anh trai của mình. Không những thế Lê Thánh Tông còn buộc các con của anh mình phải đổi sang họ Bùi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép “…tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái. Đó là chỗ kém vậy.” (Bản kỷ thực lục, quyển XII. Kỷ Nhà Lê, tr. 387).

Nếu nghiêm khắc rà soát lại tiến trình hưng vong của các triều đại trong lịch sử thì cái “chỗ kém” ấy không bỏ sót một triều đại nào. Đấy là sự vận hành tất yếu của quyền lực. Chính vì vậy mới có đòi hỏi “cần lập lại tính chính danh của một nhà nước pháp quyền đích thực, để đón nhận một luồng gió mới đến từ những chuyển động mang tính đột biến của thế giới” là một đòi hỏi sống còn của đất nước ta trong bối cảnh sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử.

Những gì đang diễn ra trong nước và trên thế giới cho thấy quyền lực và hệ thống quyền lực dường như dễ bị bục vỡ. Không chỉ vì nó dễ bị thối rữa, mà vì nó quá trì trệ trong khi đời sống đầy biến động đòi hỏi nó luôn phải được thanh lọc để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đang sinh sôi, nảy nở. Màn kịch buộc Hồ Cẩm Đào phải rời khỏi phiên bế mạc Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc minh chứng sống động và vô văn hoá của luận điểm đã dẫn ra trong bài trước: “Chính trị luôn luôn gớm ghiếc, bất kể ai làm nó, bởi vì nó tất yếu phải đi đôi với nói dối, vu khống và bạo lực. Và bởi vì đó là một chân lý đen tối, mọi người cần biết chân lý này, và chân lý này phải giúp ta nhận thức rằng công việc văn hóa là quan trọng hơn công việc chính trị”.

Chính trong cái logic tàn nhẫn đó mà nói về “chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng mang tính biểu tượng hay còn gì khác” như tiến sĩ Phạm Quý Thọ vừa nêu ra ngày 27.10.2022. Liệu ông Trọng và những người tháp tùng ông trong chuyến đi này có hiểu đầy đủ về triều đại mới của Tập Cận Bình trong bối cảnh của sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử để có cách ứng xử đúng đắng và hợp lý trước những mưu sâu kế hiểm của Tập với giàn lãnh đạo Trung Quốc mà ông ta vừa dựng lên?

Ông Phạm Quý Thọ phân tích: “Cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đều là trường hợp đặc biệt, nghĩa là phá thông lệ giới hạn về tuổi và hai nhiệm kỳ, để tiếp tục nắm quyền trên cương vị tổng bí thư đảng ở nhiệm kỳ thứ ba, nhưng mỗi ông có hoàn cảnh đặc thù riêng để ở lại. Trong khi ông Trọng tại vị thêm được cho là có lý do duy trì chế độ khỏi sự tồn vong từ bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế ở Việt Nam thì ông Tập cần phải tiếp tục lãnh đạo thực hiện giấc mộng Trung Hoa trong môi trường quốc tế phức tạp, khó lường khi cạnh tranh giữa các siêu cường và chiến tranh Nga – Ukraine làm đảo lộn kinh tế và chính trị các quốc gia. Tuy nhiên, cách thức để giữ đỉnh quyền lực của họ là giống nhau, thông qua các biện pháp thanh lọc, tổ chức cán bộ để bố trí những người thân cận và trừng phạt suy thoái tư tưởng đồng thời với chống tham nhũng. Đi trên con đường đó không thể không có rủi ro, nhưng ưu thế của chế độ tập quyền đảng Cộng sản đã được phát huy tối đa.

Họ luôn là những người đồng chí, ngầm định hay công khai hỗ trợ nhau để giữ chế độ. Khi ông Trọng vượt quy định về giới hạn tuổi để ở lại nhiệm kỳ hai năm 2016, ngay sau đó, ông Tập Cận Bình đến Hà Nội, gặp ông Nguyễn Phú Trọng để thể hiện sự đoàn kết giữa hai đảng và nhà nước. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông có thể coi là đáp lễ, thể hiện truyền thống văn hoá chính trị mang tính ý thức hệ pha trộn nho giáo”. Từ sự phân tích đó, tiến sĩ Thọ đưa ra một khuyến nghị: “Cần lắm đối với các nhà nghiên cứu có tâm với đất nước làm rõ thâm ý lời phát biểu của cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng ông ta hiểu rõ các lãnh đạo Việt Nam và cần dạy bài học cho họ trong bối cảnh xâm lược Việt Nam năm 1979. Phải chăng là sự tương đồng ý thức hệ? Hiện nay có nhiều bình luận về ngoại giao cây tre của Việt Nam, nhưng ý kiến sẽ trở nên kém trọng lượng khi thoát ly khỏi vòng kim cô ý thức hệ dù đó chỉ mang tính biểu tượng.[6] Đương nhiên, trong sự biến động dữ dội mang tính đột biến của khu vực và thế giới với cuộc chiến tranh xâm lươc Ucraina của Putin với những hệ luỵ khó lường, những đầu óc tỉnh táo và có trách nhiệm với đất nước mình không thể không suy nghĩ về những bước sắp tới.

Theo Alexander Vuving chuyến thăm Trung Quốc sẽ “thử thách chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam”. Sau ngày 24/2/2022, áp lực chọn phe chưa bao giờ mạnh như vậy, phá vỡ sự cân bằng trong quan hệ đối tác của Việt Nam với các nước lớn. Trong khi Trung Quốc và Nga gia tăng sức ép để Việt Nam phải đứng về phía họ, Hà Nội vẫn phải xoa dịu những lo ngại của Mỹ và hứa sẽ nâng cấp quan hệ khi có “thiên thời địa lợi”.

Nói cách khác, Việt Nam buộc phải tiếp tục vận dụng “ngoại giao cây tre” đối với các nước lớn, và chơi cờ thế (hedging) để chờ cơ hội đảo ngược tình thế nhằm “cân bằng chiến lược”. Tuy Việt Nam phải nhượng bộ Trung Quốc về một số vấn đề nhỏ để làm giảm áp lực trong các vấn đề lớn có thể đe dọa sự ổn định và an ninh quốc gia, nhưng theo Alexander Vuving “không có dấu hiệu Việt Nam sẵn sàng quay trở lại quỹ đạo của Trung Quốc”.[7]

Vuving cho rằng sẽ đến lúc Việt Nam và Mỹ tuyên bố “đối tác chiến lược” khi lãnh đạo hai nước gặp nhau. Lẽ ra phải thực hiện điều này lâu rồi (long over due) nhưng quan hệ Viêt-Mỹ vô cùng tế nhị (delicate and subtle) vì “yếu tố Trung Quốc”. Đây cũng là yếu tố then chốt để hình thành hay làm mất đi nội hàm chiến lược trong quan hệ hai nước

clip_image013Nhưng dù hình thành hay làm mất đi nội hàm chiến lược thì những phân tích của tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên bí thư tỉnh uỷ, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương tôi đã dẫn ra trong “Đôi điều muốn hỏi ông Trọng (Mênh mông thế sự ngày 23.9.2021) vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi: “Tiêu chí quan trọng nhất để chọn bạn lúc này là ai thật sự tôn trọng và ủng hộ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam Trong số các đối tác chiến lược của Việt Nam thì một đối tác đã lộ diện rõ ràng là kẻ có âm mưu cưỡng chiếm Biển Đông của nước ta. Trong khi đó lại có nước tuy chưa gọi là đối tác chiến lược nhưng chính họ đã lên tiếng sớm nhất và mạnh mẽ nhất để ủng hộ chủ quyền của VN. Theo tôi, với thực tế đó, họ xứng đáng là đối tác chiến lược của chúng ta, kể cả trường hợp trước đây họ có lúc đã không phải với ta. Ít nhất là họ xứng đáng hơn nhiều so với đối tác chiến lược toàn diện kia đang xâm lăng đất nước ta. Thực tiễn đã kiểm nghiệm ai tốt ai không tốt. Một dân tộc biết điều không thể quay lưng lại với thực tế trong văn hóa ứng xử với bạn bè. Nước có chủ quyền phải biết tự chủ trong chọn bạn mà chơi, không phải sợ gì ai bất bình hay quở trách. Cái Phương Bắc bá quyền ấy có động cơ và âm mưu xấu với ta, họ luôn tìm mọi cách để giữ ta trong vòng kiểm soát của họ, không muốn và không cho ta thoát ra khỏi họ để quan hệ thân thiết với các cường quốc khTa không gây thù hận với ai và luôn thật lòng mong muốn sống hòa hiếu với lân bang, nhưng đồng thời ta cũng phải biết cảnh giác và có bản lĩnh tự cường. Hãy đừng bao giờ quên mà ngược lại phải luôn nhớ đến bài học cay đắng thuở ông cha ta vì nhẹ dạ mất cảnh giác mà bị Phương Bắc cướp nước để cho cả một dân tộc phải sống nô lệ lầm thang điêu đứng trong cảnh chim lồng cá chậu đầu rơi máu chảy suốt một nghìn năm mới thoát ra được. Nhân dân ta không cần thứ Chủ nghĩa xã hội đi xâm lược.

Còn có ý kiến khác cho rằng, ta với Trung Quốc là anh em đồng chí, cùng xã hội chủ nghĩa với nhau, cùng một hệ tư tưởng và còn có quan hệ giữa hai đảng cộng sản đang cầm quyền, vì vậy cần kiên trì trao đổi ý kiến, đối thoại với nhau, không nên kiện ra quốc tế, không nên tỏ ra căng thẳng… Tinh thần hữu nghị với mọi người nói chung là tốt, nhưng nếu nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, để cho những người có tâm địa và âm mưu xấu lợi dụng làm hại đến chủ quyền quốc gia thì sẽ là sai lầm lớn, thậm chí là có tội lớn với dân tộc mà lịch sử, không thể tha thứ.  Lòng tự trọng dân tộc không cho phép ta nhân nhượng thêm nữa, vì ta càng nhân nhượng thì họ càng lấn tới. Đừng quên lời nhắc nhở của tác giả của The Eyes of Darkness [Đôi mắt của bóng tối] “hệ lụy vì vô cảm và vô minh của quan chức cao cấp lớn hơn nhiều so với người dân”mà tôi đã dẫn ra trong “Đôi khi ta lắng nghe ta” cách nay hai năm.

Để giảm bớt đi hệ luỵ vô cảm và vô minh đó, phải thật tường minh về mối “quan hệ giữa chính trị và văn hoá”. Trong đó, văn hoá là nền tảng để củng cố lòng tự trọng dân tộc, hun bản lĩnh quật cường không chịu cúi đầu trước bất cứ áp lực nào và đến từ đâu, bằng nội lực để tự mình đủ sức đi tới của một đất nước

Vốn xưng văn hiến đã lâu,
Sơn hà cương vực đã chia,
Phong tục bắc nam cũng khác.
Từ Triệu, Ðinh, Lý, Trần, gây nền độc lập,
Cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

Văn hiến là nền tảng xây đắp nên bản lĩnh truyền thống của dân tộc ta. Hun đúc và nuôi dưỡng bản lĩnh truyền thống đó bằng văn hoá chứ không thể chỉ bằng chính trị, lại càng không phải bằng ý thức hệ. Nói thật rốt ráo thì lúc đầu, ý thức hệ hay hệ tư tưởng không có sắc thái biểu cảm xấu. Khái niệm và thuật ngữ “hệ tư tưởng” [idéologie, tiếng Pháp] không theo nghĩa xấu xuất hiện lần đầu tiên năm 1796, 22 năm trước khi Marx ra đời, sau đó nhanh chóng được dùng trong nhiều thứ tiếng. Cha đẻ của khái niệm và thuật ngữ “hệ tư tưởng” [ideologie] là nhà triết học Pháp Destutt de Tracy. Với ông, hệ tư tưởng bao hàm một lý luận giải thích có tính chất tương đối đầy đủ, toàn diện về kinh nghiệm của con người và về thế giới khách quan. Hệ tư tưởng hướng tới quảng đại quần chúng, song có xu hướng dành vai trò lãnh đạo cho trí thức. Vào khoảng ¼ đầu của thế kỷ XX, ideology mang sắc thái xấu, dùng để chỉ một hệ tư tưởng [ý thức hệ] mang tính chất giáo điều, phản khoa học, thậm chí có màu sắc “tôn giáo” mê hoặc và ép buộc con người.

Cái thảm trạng của luận điểm “chính trị là thống soái” đậm đặc Maoít tràn vào nước ta là chất độc đã ngấm sâu vào đời sống tinh thần của xã hội, gây nên những hệ luỵ khủng khiếp khó có thể đong đếm được. Tuy vậy, dù có phôi pha nhưng truyền thống bao đời ông cha ta gây dựng vẫn không thể mất, vẫn đủ sức bật dậy trong giai đoạn đầy cam go, thử thách này.

Trong khuôn khổ chật hẹp của bài viết chỉ xin được dẫn một bài thơ (bài kệ) của Thiền sư Vạn Hạnh thế kỷ XI:

Thân như điện ảnh hữu toàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

[Thân người như bóng chớp, có rồi lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt đến mùa thu khô héo/ Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi/ Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ].

clip_image015Đây là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam… nó đúc kết cả một triết lý hành động mà suốt đời Vạn Hạnh đã theo đuổi như nhận định của thiền sư – giáo sư Lê Mạnh Thát: “Trước khi mất, Vạn Hạnh đã gọi đệ tử mình ở chùa Lục Tổ đến và đọc cho họ nghe bài kệ trên, rồi dặn dò đệ tử của mình: Các con muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, mà cũng không dựa vào chỗ không trụ để trụ. Bài thơ này là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam… nó đúc kết cả một triết lý hành động mà suốt đời Vạn Hạnh đã theo đuổi. Có thể vắn tắt gợi lên những phân tích của tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam về bài thơ này như sau:

Câu đầu là một cái nhìn về chính bản thân. Con người xuất hiện trên thế giới này đúng như một ánh chớp, chỉ lóe lên rối tan biến vào đâu đó trong không gian mênh mông của vũ trụ. Con người, như vậy, vừa có tính bi kịch, nhưng lại vừa có tính thần thánh cao sang của nó. Câu hai là một cái nhìn tổng quát về thế giới con người đang sống, một cái nhìn về quy luật phát triển của thế giới tự nhiên, mọi sự sống đều kèm theo cái chết. Câu thứ ba và bốn là một cái nhìn về quy luật của phát triển xã hội. Xã hội nào có thịnh rồi cũng có suy. Tổ chức cao nào cũng có lên rồi cũng có xuống. Xã hội loài người chuyển dịch theo những quy luật vận động của nó. Chính quy luật vận động đó đã tạo nên sự thịnh suy. Con người Phật giáo biết nắm lấy quy luật vận động đó [nhậm vận] thì đứng trước sự thịnh suy hoàn toàn có thể làm chủ được tình thế, chẳng có gì phải sợ hãi. Mà có gì phải sợ hãi khi sự thịnh suy đó diễn ra cũng chóng vánh như một hạt sương mai long lanh trên ngọn cỏ trong chốc lát biến mất dưới ánh sáng của mặt trời!

Triết lý hành động của Vạn Hạnh yêu cầu con người phải chủ động nắm lấy quy luật phát triển của sự vật và xã hội để không có gì phải choáng váng khi một biến cố nào đó xảy ra, để tích cực hành động, thúc đẩy lịch sử tiến lên. Cả cuộc đời trên 90 năm của Vạn Hạnh đã thể hiện được trọn vẹn triết lý hành động này. Trong số những đệ tử đến giã từ ông lần cuối và nhận bài kệ thị tịch đó, chắc hẳn không thiếu Lý Thái Tổ. Dáng chừng bài kệ này muốn nhắn gửi trước tiên đến Lý Thái Tổ, vì sự thịnh suy của triều đại còn chóng vánh hơn cả sự có không của thân mạng con người, đây là một triết lý hành động tích cực xuất phát từ những con người đã làm nên thời kỳ oanh liệt của lịch sử đất nước.

Tất nhiên, những điều đã dẫn ra ở trên không đến từ một khoảng trống lịch sử, mà là đã phát triển một cách logic từ truyền thống văn hóa dân tộc. Thời đại của Vạn Hạnh là thời đại dân tộc đang đấu tranh bền bỉ cho nền độc lập và thống nhất tổ quốc, để có thể xây dựng và phát triển một đất nước thanh bình và một nền Phật giáo hưng thịnh. Vì thế, không chỉ có một bài thơ của Vạn Hạnh. Ngược về trước, còn những bài thơ gợi lên cảm thức hùng vĩ về đất nước, về con người mà bài thơ Nguyên Hỏa của đại sư Khuông Việt, và trước đó là bài Quốc Tộ của thiền sư Pháp Thuận là những ví dụ sống động về dòng thơ quan tâm đến vận mạng của đất nước, đến cuộc sống của người dân được nhìn nhận như là dòng thơ chủ lưu của nền văn học Việt Nam. Trong dòng chủ lưu ấy, dập dồn những bài thơ tiếp nối biểu đạt bản lĩnh và khí phách của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước vẫn vang vọng và lưu giữ mãi mãi trong tâm thức Việt Nam: Bạch đầu quân sĩ tại /Vãng vãng thuyết Nguyên Phong. Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong. (“Xuân nhật yết Chiêu Lăng” /Ngày xuân thăm Chiêu Lăng của Vua Trần Nhân Tông).

clip_image017Cũng trong cảm thức ấy, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu trùng trùng điệp điệp những hình ảnh bi hùng xúc động khơi dậy nỗi niềm kiêu hãnh, tự hào của ông cha truyền lại cho con cháu muôn đời:

Sông Đằng một dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông.

Để rồi khẳng định một chân lý, cũng là một lời răn dạy muôn đời con cháu rằng
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh

Ai bất nghĩa, ai anh hùng chắc không phải dài dòng giải thích vì nó đang hiển hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật đấy thôi!

Ngày 1.11.2022


[1] Nguyễn Quang Dy, Tập Cận Bình và Đại hội Đảng lần thứ 20, http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_TapCanBinh.htm

[2] Howard W. French, Tấn kịch xung quanh Hồ Cẩm Đào cho thấy điểm yếu cơ bản của Bắc Kinh, https://nghiencuuquocte.org/2022/10/27/tan-kich-xung-quanh-ho-cam-dao-cho-thay-diem-yeu-co-ban-cua-bac-kinh/.

[3] Dẫn theo Grace Tsoi và Sylvia Chang, Tập Cận Bình trở nên ‘không thể thách thức’ như thế nào?, https://www.bbc.com/vietnamese/world-63281267.

[4] Trình Văn, “Nhất tôn” Tập Cận Bình thể hiện uy phong, Hồ Cẩm Đào cũng bị “tế cờ”?, https://trithucvn.org/trung-quoc/nhat-ton-tap-can-binh-the-hien-uy-phong-ho-cam-dao-cung-bi-te-co.html

[5] Joseph Torigian, Prestige, Manipulation, and Coercion: Elite Power Struggles in the Soviet Union and China After Stalin and Mao (Uy tín, thao túng và cưỡng bức: Các cuộc đấu tranh quyền lực cấp cao ở Liên Xô và Trung Quốc sau Stalin và Mao). Dẫn theo Howard W. French, bđd.

[6] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-party-chief-visit-to-china-only-symbolic-one-10272022103824.html

[7] Dẫn theo Nguyễn Quang Dy, Tương lai quan hệ Việt-Trung và Việt-Mỹ, https://www.diendan.org/the-gioi/tuong-lai-quan-he-viet-trung-va-viet-my