Mục lục
Đánh giá chuyến thăm của thủ tướng Đức tới Việt Nam: Thương mại, nhân quyền và minh bạch
Thục-Quyên
Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ Munich, Đức
Trên đường tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ghé thăm Hà Nội hôm chủ nhật 13/11/2022.
Hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Scholz nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Đức-Việt cũng như sự hợp tác quốc tế.
Ông nhấn mạnh đến mối quan hệ đối tác chiến lược đã tồn tại từ mười năm qua và nhắc tới một kế hoạch hành động với các dự án chung quan trọng.
Cụ thể, ông đề cập đến trường Đại học Việt-Đức do Đức bỏ tiền ra để Việt Nam xây ở tỉnh Bình Dương và tuyến tàu điện ngầm mới được quy hoạch ở Hà Nội, một dự án xanh vô cùng quan trọng cho người dân của một thành phố.
Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ năm 2020 là cơ sở tốt để mở rộng quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, đối với điều này, các điều kiện đảm bảo cho các khoản đầu tư vào Việt Nam, việc thực hiện nhất quán các thỏa thuận đã thống nhất và hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo nghề và trao đổi công nhân chuyên nghề rất quan trọng.
Đức hiện nay đã là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU với kim ngạch thương mại 14 tỷ euro.
Ngoài ra, có một “sự gần gũi lịch sử” giữa Đức và Việt Nam: nhiều người Việt đã từng sống ở Cộng hòa Dân chủ Đức, và hiện nay vẫn còn 180.000 công dân gốc Việt tại Đức.
Sự trao đổi chặt chẽ cũng được thể hiện trong thời gian đại dịch Covid. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã tặng 80.000 khẩu trang cho Đức, và Cộng hòa Liên bang sau đó đã đáp lại sự ưu ái này với việc cung cấp 10 triệu liều vaccine.
Trong chuyến đi của mình, trên hết, Thủ tướng Olaf Scholz (đảng SPD) còn hy vọng đẩy mạnh hợp tác về khai thác nguyên liệu thô. Việt Nam giàu titan, đồng và kẽm, kể cả những chất đất hiếm. Nhiều trữ lượng vẫn chưa được khai thác.
Một trọng tâm khác là hợp tác về bảo vệ khí hậu và chuyển đổi năng lượng – đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Scholz nói:
“Chúng tôi vui mừng về chương trình đối thoại năng lượng Việt-Đức trong năm nay như một nền tảng để trao đổi về những thách thức và cơ hội của quá trình chuyển đổi năng lượng ở hai nước chúng ta.”
Scholz cũng đề cập đến vấn đề nhân quyền như một phần không thể thiếu trong quan hệ đối tác chiến lược.
Thủ tướng bày tỏ quan ngại về tình hình xã hội dân sự và nhân quyền ở Việt Nam: “Chúng tôi nhận thấy rằng không gian đang trở nên hẹp hơn cho những hoạt động của họ, kể cả đối với các tổ chức và những người đồng thời làm việc về môi trường và khí hậu trong nhiều năm với chúng tôi và với Chính phủ Việt Nam.
Trang của chính phủ Liên bang Đức có ghi lại nội dung ông Scholz trả lời phỏng vấn của một số phóng viên Đức, trong đó ông xác nhận đã không quên nêu vấn đề Trịnh Xuân Thanh – người bị an ninh VN bắt cóc từ Berlin năm 2017.
“Chúng tôi đã thảo luận (với chính phủ VN) về các vấn đề nhân quyền và tất cả các trường hợp đơn lẻ – bao gồm cả trường hợp này – và bày tỏ rằng chúng tôi chờ đợi một sự tiến bộ lớn về mặt này, đặc biệt là với các trường hợp cá nhân”.
Được biết phiên tòa của Đức xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người đang ngồi tù ở Việt Nam, đang diễn ra ở Berlin.
Câu hỏi về Ukraine
Thủ tướng Scholz lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga là một cuộc tấn công vào toàn bộ trật tự luật lệ quốc tế và hòa bình toàn cầu: “Đức và Việt Nam cùng quan tâm đến việc áp dụng và thực thi luật pháp quốc tế. Chúng tôi mong muốn Việt Nam phải có quan điểm rõ ràng hơn trong cuộc xung đột này”
Ông Scholz cũng nhấn mạnh tổ chức khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc giữ trật tự dựa trên quy tắc và nói: “Tôi mong đợi hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN đầu tiên vào tháng tới tại Brussels.”
Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng đã đến thăm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và tham gia bàn tròn với đoàn doanh nghiệp.
Nhận định của một số nhà quan sát Đức
Cuộc viếng thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức là một trong những cố gắng làm giảm sự kềm kẹp của Trung Quốc với nền kinh tế Đức. Theo cách nhìn mới về thế giới, châu Á không chỉ là Trung Quốc.
Theo quan sát của nhóm “Chính-sách-đối-ngoại Đức” (https://www.german-foreign-policy.com/), châu Á là một trung tâm với nhiều quốc gia mới nổi đang phát triển và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thế giới trong tương lai. Ngoài Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ, còn có Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, rất năng động với nhiều triển vọng cam kết lớn khi có cơ hội phát triển kinh tế.
Nhưng theo người viết bài này, chiến lược của Đức nói dễ hơn làm. Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với cả Trung Quốc và Nga. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể trở nên căng thẳng do xung đột lãnh thổ trên Biển Đông. Trong khi đó Nga là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Việt Nam. Cả hai nước cũng đang hợp tác phát triển các mỏ khí đốt và dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Hiện nay có hơn 150 dự án đầu tư vào Việt Nam với sự tham gia của các công ty Nga.
Giống như Trung Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia không lên án cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ.
Ngoài ra minh bạch là vấn đề trọng tâm của nền dân chủ Đức. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) có trụ sở tại Berlin đã mở thêm chiến dịch ‘Dám minh bạch hơn’ trong cuộc bầu cử liên bang năm 2021, đòi hỏi những thay đổi quan trọng trong chính trị, kinh doanh và xã hội. Họ nêu rằng:
“Lạm dụng quyền lực, các trường hợp hối lộ và các quyết định không minh bạch làm trầm trọng thêm tình trạng bất công, làm xói mòn lòng tin của người dân vào nền dân chủ và pháp quyền của chúng ta và gây nguy hiểm cho sự gắn kết xã hội.”
Vấn đề tổ chức này bị chính quyền VN ngăn cản hoạt động ở nước này từ năm 2021 sẽ cần phải được giải quyết (xem thêm bài ở đây).
Để đạt được các mục tiêu này, hai bên Đức-Việt cần phải tiếp tục có đối thoại và trao đổi thẳng thắn, cởi mở.