Seite auswählen
17.10.2019
Ở tuổi 81, họa sĩ Nguyễn Văn Trung – người hiếm hoi còn lại của thế hệ đầu sơn mài Mỹ thuật Sài Gòn – vẫn một trăn trở lớn với nghệ thuật sơn mài Việt.

Sưu tầm cổ vật cũng là một đam mê của họa sĩ Nguyễn Văn Trung /// Ảnh: Nguyễn ĐìnhSưu tầm cổ vật cũng là một đam mê của họa sĩ Nguyễn Văn Trung – Ảnh: Nguyễn Đình
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung hiện sống tại Mỹ, mỗi năm ông dành vài tháng về VN rong chơi, thăm bằng hữu, tán chuyện sơn mài. Thật may mắn gặp được ông trong chuyến trở về lần này, vẫn một niềm đam mê bất tận cùng sơn mài, ông đã dành thời gian chia sẻ câu chuyện thú vị xoay quanh nghề – nghiệp, và cả những khiếm khuyết cần khắc phục của sơn mài VN.

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 1

Bức tranh sơn mài Ngày hội kinh kỳ (khổ 125 x 90 cm, họa sĩ Nguyễn Văn Trung vẽ năm 1957)

Ảnh: BTC

Học người Nhật cách làm tấm vóc
Theo nghề sơn mài từ thập niên 1950, thời vàng son của ngành nghề này lúc đương thời, ông có thể chia sẻ về chuyện vào nghề hồi ấy?
Tôi mê sơn mài từ năm 1952 sau khi xem triển lãm LAK của ba họa sĩ đương thời là Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Anh và Lưu Đình Khải. Nhưng khi vào Trường vẽ Gia Định, học chính là sơn dầu, sơn mài chỉ qua lý thuyết, coi mẫu, do trường không có điều kiện, phòng ốc dạy sơn mài. Nhờ thầy hiệu trưởng Lê Văn Đệ nhận đơn hàng vẽ đem về cho sinh viên làm, lấy thu nhập làm kinh phí mua nguyên liệu, sinh viên mới có cơ hội thực tập và vẽ sơn mài.
Đến khi trường nhận được hợp đồng làm bức vẽ có tên Lao động Việt Nam tặng Tổ chức Lao động quốc tế tại Thụy Sĩ, tôi được phân công thực hiện cùng anh em trong trường, bức đó lớn lắm, cao hơn 3 m, dài hơn 12 m. Sau hợp đồng, tiền thu về được nhà trường dùng mở rộng phòng ốc, mua vật liệu, làm kho, xây phòng ủ tranh gắn máy lạnh điều chỉnh nhiệt độ, xưởng sơn mài của trường ra đời. Tôi mê sơn mài, cả tuần học vẽ vài tiếng, còn bao nhiêu thời gian dành làm sơn mài cho thầy Đệ hết, nhờ vậy nắm được nhiều kỹ thuật, làm chủ được chất liệu.
Được biết sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật Sài Gòn, ông có cơ hội sang Nhật tu nghiệp chuyên sâu về sơn mài, chuyến đi đó có điều gì khiến ông tâm đắc? 
Ở VN, tiếng là học sơn mài nhưng đa phần tự mày mò, làm theo bản năng, kinh nghiệm. Khi sang Nhật, nghề sơn mài được xã hội coi trọng, nhưng cách làm họ khác, có nghiên cứu, có nhà nước hỗ trợ, từng công đoạn được đúc kết khoa học, tối ưu hóa sản phẩm. Đặc biệt người Nhật họ làm gì cũng cẩn thận, dạy hết những kỹ thuật họ biết cho mình, còn căn dặn kỹ khi về nếu dạy lại cho người khác, phải làm lại lần nữa để kiểm chứng cho chắc ăn. 
Ngoài phương pháp, nếu nói về chuyên môn, học sơn mài Nhật có điểm gì khác lạ khi so sánh với học sơn mài Việt, thưa ông? 
Trước khi đến Nhật, tôi hình dung sẽ được học các kỹ thuật thể hiện ý tưởng, phong cách, ngôn ngữ sáng tác… Nhưng người Nhật lại chú trọng vào tấm vóc, với 30 công đoạn khác nhau. Đầu tiên là phần chọn ván gỗ tốt đã qua xử lý, tiếp đến là hom lót được thực hiện kỳ công, từ lớp sơn sống, phất lụa hoặc vải thô, đến công đoạn hom chu. Người Nhật sử dụng các loại bột kích cỡ khác nhau, từ to đến nhỏ dần, trộn từng loại vào sơn rồi phết chồng thành lớp lên mặt gỗ, tạo kết cấu liền mạch từ trong ra ngoài, bền chắc, làm nền cho những sáng tác nổi lên trên.
Còn ở VN, vóc làm tùy tiện, mỗi địa phương có thói quen riêng, thường dùng bột chu nhuyễn từ phù sa sông Hồng, quậy sơn rồi phết lên theo quan điểm dày là bền, nhưng dày mà không kết dính với cốt, chỉ một va đập là bong vỡ cả mảng.
Ông thấy nguyên tắc làm vóc kiểu Nhật có ứng dụng được trong sơn mài Việt?
Tôi học và lưu lại tất cả kỹ thuật đó của Nhật, về VN mày mò, nghiên cứu rút bớt công đoạn thừa, và đúc kết thành 20 bước để ra tấm vóc chất lượng. Thầy Đệ khi thấy tôi giới thiệu các công đoạn ấy liền mời về trường dạy 6 giờ mỗi tuần. Sau đó, tôi được mời dạy cả bên Trường Bách khoa Phú Thọ, Trường cao đẳng Kỹ thuật những chuyên môn sơn mài tôi học từ Nhật. 
Kỹ thuật làm vóc theo kiểu Nhật hẳn được các thế hệ học trò của ông tiếp nối và phát triển? 
Suốt quá trình theo nghề sơn mài, tôi không thấy ai chú tâm dạy hay học kỹ phần làm vóc. Ngay cả bạn được học bổng tu nghiệp Nhật về sơn mài sau khóa tôi, lương cao gấp đôi, nhưng chỉ thích thọ giáo các đại sư tận Kyoto về phong cách sáng tác, học vẽ. Học trò tôi dạy cũng chẳng ai tiếp nghề cả.
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 2

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 3

Các tác phẩm trừu tượng thể hiện bằng ngôn ngữ sơn mài

Ảnh: Nguyễn Đình
Phần nền quan trọng nhất, rồi mới đến kỹ thuật
Ông quan niệm giữa chất liệu, kỹ thuật và đề tài thể hiện một tác phẩm sơn mài, đâu là yếu tố quyết định thành công? 
Tôi quan niệm làm gì thì phần nền luôn quan trọng nhất, rồi đến kỹ thuật. Khi nền tốt, kỹ thuật tốt, cái gì anh thể hiện ra cũng đẹp và bền mãi với thời gian, đặc biệt là sơn mài bởi nếu lớp sơn đã khô, độ bền gần như vĩnh cửu. Ở VN, tôi gặp nhiều tác phẩm đẹp, không riêng sơn mài, nhưng phần nhiều hư hỏng, nứt góc, bởi họa sĩ ngày xưa – bây giờ cũng thế, cả những tên tuổi lớn, không phải ai cũng thực sự quan tâm cái gốc là chuẩn mực của vóc, toan, màu. 
Quay lại chuyện cốt nền cần phải chuẩn trước khi thể hiện ý tưởng lên đó, nghe thật đơn giản, có vẻ ai cũng biết nhưng vì sao mọi người coi nhẹ? 
Nó khá giống tâm tính nhiều người, thích khoe bề nổi, vì đó là cái nhanh và dễ thấy nhất. Chuyện coi nhẹ còn một phần do giảng dạy. Một nghịch lý rất lạ là anh không biết lại đi dạy, anh biết thì lại giấu, không biết càng phải giấu vì sợ người ta biết mình không biết gì. Phàm đã che giấu, chẳng bao giờ tiến bộ nổi. Khi chất liệu sơn công nghiệp ra đời dễ khô, dễ vẽ, dễ điều khiển, lại nhanh, rẻ nên người ta chuộng hơn so với làm sơn ta, bởi cả tháng chưa xong một tác phẩm, sơn công nghiệp chỉ hai ngày là đem bán được rồi, cần gì chú tâm đến lớp vóc bên trong. Nhiều họa sĩ bây giờ vẽ sơn mài như sơn dầu, sau đó đánh bóng, đánh nhám nhẹ, vậy là xong, chả công phu, kỹ thuật gì cả, chưa kể chuyện nhờ người khác làm rồi ký tên đem bán thu lợi cao. 
Lập ra Hãng sơn mài Mê Linh, nhiều đơn hàng xuất đi thị trường khó tính là Nhật Bản, bài học thực tế ông cảm thụ là gì? 
Cũng là từ tấm vóc chuẩn mực. Hàng chúng tôi khi đưa ra thị trường nước ngoài, không bị tình trạng trả lại vì lỗi. Cùng đơn hàng với Mê Linh, nhưng cơ sở khác sản xuất, một thời gian sau thường bị trả lại vì lớp sơn bong, nứt bởi cốt nền của vóc không đạt chuẩn. Mỗi lần như thế, đau lắm, vì niềm tin vào sơn mài Việt bị xói mòn, mất tiếng dần trên thị trường.

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 4

 Tác phẩm sơn mài mang đề tài cổ điển của họa sĩ Nguyễn Văn Trung

Ảnh: Nguyễn Đình
Cần bảo tồn các tác phẩm sơn mài
Chắc hẳn ông cũng có những đề xuất để khắc phục điểm yếu này của sơn mài Việt bởi đó là “mỏ vàng” cho xuất khẩu suốt thập niên 1950 – 1980?
Thời quốc doanh, tôi từng đề xuất nhà nước phải kiểm soát vóc, không cho tự do phát triển bởi không kiểm soát được chất lượng. Chẳng hạn hợp tác xã hay các nghệ nhân được giao số lượng sản xuất, khi hoàn thiện đem kiểm tra, đạt mới đóng dấu mộc kiểm soát, chuẩn mực hóa nghề làm vóc, ai có đơn hàng xuất khẩu đến hợp tác xã nhận vóc qua kiểm định về vẽ lên đó. Nhưng tôi vỡ mộng vì không ai nghe theo. Mọi người tự thân phát triển, dẫn đến sai lệch ngày càng lớn, cho đến giờ vẫn vậy.
Cả đời lao động, quan sát, so sánh, sáng tác, đồng hành cùng sơn mài, có điều gì khiến ông lưu tâm khi đề cập đến sơn mài Việt trong thời điểm hiện nay?
Sơn mài có đẹp, có sống động, không thể thiếu vàng và bạc. Nhưng hiện chúng ta đang đứng trước một đại họa lớn. Tôi đi thăm bảo tàng trong nước, thấy bạc trong nhiều tác phẩm sơn mài vài chục năm tuổi đang bị ô xy hóa, ngả đen dần. Màu đen hiện tạm chấp nhận, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục đen thêm sau vài chục năm nữa, khi ấy tác phẩm còn lại gì? Sự biến đổi này hoàn toàn không do chủ ý họa sĩ, mà do tự nhiên. Chúng ta phải tính chuyện bảo tồn, bởi còn ở mức cứu được. Có thể dùng sơn sống áo lên lớp bạc, toát sơn giảm quá trình ô xy hóa, giữ lại màu, đừng để quá muộn.
Là lão bối trong làng sơn mài Việt, ông có thể chia sẻ điều ông tâm đắc với nghề cho hậu bối?
Làm nghệ sĩ, lại là sơn mài, không dễ sống với mỹ thuật thuần túy là sáng tác. Phải tạo ra sản phẩm đại chúng hóa, để xã hội tiếp nhận, người ta thích, hiểu về chất liệu, hiểu về sơn mài, chọn mua sản phẩm, khi ấy sáng tác vẫn chưa muộn. Tôi hồi xưa chỉ làm đúng cái người ta muốn, tiền để không hết, giá trị cũng tăng theo, sau tuổi 50 tôi mới sáng tác, còn bây giờ tán chuyện sơn mài cho vui thôi. Già rồi còn gì.
Tôi hồi xưa chỉ làm đúng cái người ta muốn, tiền để không hết, giá trị cũng tăng theo, sau tuổi 50 tôi mới sáng tác, còn bây giờ tán chuyện sơn mài cho vui thôi. Già rồi còn gì
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung sinh năm 1937 tại Sài Gòn, theo sơn mài từ năm 1952, học Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn từ năm 1956, tu nghiệp sơn mài tại Sendai, Nhật Bản 1960, dạy sơn mài ở Mỹ thuật Sài Gòn, Bách khoa… Ông thực hiện những tác phẩm sơn mài giá trị hiện lưu tại Thụy Sĩ, Dinh Độc Lập, các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước…

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 5

 Họa sĩ Nguyễn Văn Trung trong không gian trưng bày tại tư gia

 Ảnh: Nguyễn Đình

Trong số ngành nghề thủ công truyền thống nổi bật của miền Nam thập niên 1950 – 1960, sơn mài là một thế mạnh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu với Bình Dương có làng Tương Bình Hiệp, sơn mài Thành Lễ; Sài Gòn có Mê Linh. Họa sĩ sơn mài Nguyễn Văn Trung là đồng sáng lập và điều hành sơn mài Mê Linh nức tiếng một thời (giám đốc là họa sĩ Nguyễn Văn Minh). Một trong những công trình nổi bật của Mê Linh hiện còn lưu lại là không gian trang trí nội thất phòng trình quốc thư ở Dinh Độc Lập hoàn thiện năm 1967. Điểm nhấn căn phòng là bức ghép 40 miếng sơn mài đề tài Bình Ngô đại cáo, cùng những chi tiết nội thất, bàn ghế, trang trí bằng chất liệu sơn mài, do họa sĩ Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trung thực hiện.

Họa sĩ Nguyễn Văn Trung nỗi niềm với sơn mài - ảnh 6

 Nội thất sơn mài ở phòng khánh tiết Dinh Độc Lập do họa sĩ Nguyễn Văn Trung thực hiện

 Ảnh: Nguyễn Đình

Cách chuyển màu rất tự nhiên, rất “ngọt”
So với những tác phẩm đương thời cùng họa sĩ Nguyễn Văn Trung, điểm khác biệt dễ nhận thấy ngay trong tranh của ông là chất liệu. Ông chọn toan vẽ dầu, lụa, hay vóc đều rất kỹ, cũng một phần do tính cách của ông. Màu sắc trong tranh của ông cũng rất tươi và mượt mà.
Điều anh em trong giới hội họa thích bàn luận khi nói về tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Trung ngoài bố cục chặt chẽ, ý tưởng rộng mở, còn là cách chuyển màu tài tình. Lấy ví dụ cùng là sắc độ xanh nhưng cách ông chuyển từ xanh nhạt, xanh lợt, qua xanh đậm rất tự nhiên, rất “ngọt” theo cách nói về dụng màu trong hội họa.
Họa sĩ Võ Bình, chuyên gia phục chế tranh
Người đam mê chia sẻ về hội họa, sơn mài
Tôi biết đến họa sĩ Nguyễn Văn Trung qua các tác phẩm ông sáng tác, điều ấn tượng là phong cách và ý tưởng trong tranh ông rất đa dạng. Ông sử dụng đủ chất liệu, từ lụa, sơn dầu, sơn mài thể hiện lên những đề tài từ trừu tượng đến truyền thống, cổ điển.
Khi gặp ông ngoài đời thực, càng ấn tượng hơn nữa với phong thái, tính cách, sự điềm đạm, khiêm tốn, cách sống bình dị và đặc biệt là niềm đam mê mỗi khi chia sẻ với người đối diện về hội họa, về sơn mài. Mỗi lần gặp, tôi luôn thấy ở ông phong thái an nhàn, vui vẻ và rất cởi mở, chân tình, gần như không có khoảng cách thế hệ.
Nhà sưu tập Nguyễn Văn Sĩ

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen